“NHÂN DANH CHÚA CHA, CHÚA CON VÀ CHÚA THÁNH THẦN”
Chuyên mục:
TÔI TIN, CHÚNG TÔI TIN
Phêrô Phạm
Văn Trung
Kính
mời theo dõi video tại đây:
https://bit.ly/4bwx1wg
“Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”,
chỉ là một vài từ đơn giản, được tất cả những Kitô hữu trên thế giới đọc lên.
Dấu Thánh Giá - một cử chỉ được mọi Kitô hữu trên thế giới biết đến, tóm tắt
tất cả mọi điều về đức tin của chúng ta và cho thấy căn tính sâu sắc của chúng
ta. Tuy nhiên, có rất nhiều câu hỏi chung quanh khái niệm này mà Giáo hội gọi
là “Ba Ngôi”. Chúng ta nên nói gì với những người trẻ ngày nay, và cả những
người lớn chúng ta gặp và đang thách thức chúng ta: “Một
Thiên Chúa, mà lại Ba Ngôi Vị, có thể như vậy không?”

1. Qua phép Thánh Tẩy,
chúng ta dự phần vào mối tương quan yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Nói
thế nào cho dễ hiểu? Chúng ta có nên nói về “các ngôi vị” không ? Dù sao đi
nữa, chúng ta cũng không nên nói theo nghĩa mà các trào lưu tư tưởng triết học
nhân vị hiểu ngày nay. Chúng ta có thể nói về một phương
thế hiện hữu, một cung cách hiện diện, về sự tương quan. Bởi vì
chính ở đó, trong niềm tin của chúng ta vào một Thiên Chúa Ba Ngôi, tính đặc
thù Kitô giáo của chúng ta được xác định và sự hiểu biết của chúng ta về Thiên
Chúa được biểu lộ. Một Thiên Chúa cho chúng ta thấy khuôn
mặt đích thực của tình yêu, một Thiên Chúa tự bản thể là thông truyền tình yêu. Một Thiên Chúa
không đơn độc. Một Thiên Chúa Cha trao ban cho
chúng ta Người Con của Ngài, là Đấng giống hình ảnh Chúa Cha và để lại cho
chúng ta Thánh Thần của Ngài. Xavier
Lacroix nói về “Ngôi Cha” là nguồn ân sủng,
“Ngôi Con” là hiện thân của ân sủng, “Thánh Thần” là hơi thở của ân sủng.”
Xavier Lacroix nói: “Tôi không biết có gì
cụ thể hơn, thực tế hơn, có thể cảm thấy rõ ràng hơn toàn bộ điều này. Chúng ta
cảm nghiệm rằng Thiên Chúa mà chúng ta tin vào là Ba Ngôi, Ngài là: sự sống tự
trao ban, sự sống luân chuyển, sự sống chúng ta bước vào, sự sống cư trú trong
mối liên kết của chúng ta” (Revue Ecclesia số 22, tháng Sáu, 2014).

Ơn
gọi của chúng ta, những người được rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa
ThánhThần, đặt nền tảng trên mối tương quan Ba
Ngôi này và sống họa theo mối tương quan Ba Ngôi đó, mối tương quan yêu thương,
cá vị và hiệp nhất. Hội Thánh, thông qua phụng vụ của mình, hướng
dẫn chúng ta qua những lời cầu nguyện, những lời tung hô, những lời chào đón
của Giáo Hội để bước vào mầu nhiệm này. Hội
Thánh hướng chúng ta về Đấng ba lần Thánh. Qua các bí tích, Hội Thánh ghi dấu
trên thân xác chúng ta và biến đổi chúng ta bằng cách làm cho chúng ta trở nên
con cái của Chúa Cha: “Quả
vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.
Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và
phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho
anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: Ábba! Cha ơi! Chính Thần Khí
chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8: 14-16), anh em của Chúa Kitô: “Vì những ai Ngài đã biết từ trước, thì Ngài
đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, để Con của Ngài
làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8:28-29), và đền thờ của Chúa
Thánh Thần: “Anh em lại chẳng biết rằng
thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?” (1 Cr 6:19). Hội Thánh mời
gọi chúng ta nhận ra một kinh nghiệm, một cuộc
gặp gỡ, một điều liên quan đến chúng ta, một đức tin khiến chúng ta tham dự vào
kinh nghiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi này: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4:16).
2. “Đi và làm cho muôn dân
trở thành môn đệ”
Vì
vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bắt đầu bằng cách bước vào mối tương quan
này để yêu thương, để bắt đầu nói về tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi và sống tình
yêu ấy?
Và
đó là lúc chúng ta sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ với người khác, bởi vì chúng ta đã
nhận được một gia tài để chia sẻ với họ: “Vậy
hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như
dưới đất thấp, chính Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa. Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Ngài, mà
hôm nay tôi truyền cho anh em; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ
được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Chúa, Thiên Chúa của anh
em, vĩnh viễn ban cho anh em” (Đnl 4: 39-40). Chân trời gặp gỡ của chúng ta là
sự hiện diện của những người nam nữ trong thời đại chúng ta. Chúng ta là những
người thừa kế ân sủng của Thiên Chúa - sự sống của Ngài - qua phép rửa được
Chúa Giêsu Kitô trao ban cho Hội Thánh, là những người thừa kế sự bình an của
Thiên Chúa qua Lời Ngài, vốn là ánh sáng dẫn đường cho chúng ta bước đi, là
những người thừa kế tình yêu của Thiên Chúa qua Thánh Thần ngự trong chúng ta.
Chúng ta có nhiệm vụ phân phát di sản này của Chúa ban cho chúng ta bằng cách
làm chứng cho tình yêu của Ngài; như Ngài đã nói với các môn đệ: “Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền
cho anh em” (Mt 28:20).
Đúng
là Chúa Giêsu đã rời bỏ trái đất này, nơi Ngài sinh ra là một con người, nhưng
Ngài vẫn hiện diện trong chúng ta qua Thánh Thần của Ngài: “Anh em sẽ nhận
được sức mạnh của Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên anh em” (Cv 1:8), Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ như
vậy trước khi ra đi. Nhưng sức mạnh này là Ngài, là Thánh Thần của Ngài và của
Chúa Cha, đó là di sản được trao phó cho Hội Thánh, chúng ta có trách nhiệm làm
chứng cho di sản đó, làm cho di sản đó sinh hoa trái trong mỗi cuộc gặp gỡ, góp
phần làm cho Hội Thánh nên viên mãn như Thánh Phaolô kết luận: “Hội Thánh là thân
thể Chúa Kitô, là sự viên mãn của Ngài, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep
1:23).
Là
những người theo Chúa Kitô, chúng ta tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi – điều đó có
nghĩa là chúng ta cần phải thi hành Đại Mệnh
Lệnh: “làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” Điều này bao gồm việc đi vào thế gian, chia sẻ
tin mừng về ơn cứu độ và làm phép rửa cho những người công khai tuyên bố đức
tin của họ vào Chúa Kitô, Đấng đã bảo chúng ta hãy rửa tội cho những người theo
Ngài nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chúng
ta có nghĩ về tầm quan trọng của phép rửa và ơn cứu độ đối với mỗi người chúng
ta không? Trước khi chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ, Thiên Chúa Ba Ngôi đã chuẩn
bị sẵn sàng mọi thứ cho chúng ta. Chúa Cha đã
kêu gọi chúng ta, Chúa Con đã chết thay cho chúng ta và Chúa Thánh Thần thánh
hóa chúng ta. Bây giờ chúng ta đã được cứu khỏi tội lỗi, Chúa Cha gọi chúng ta là con của Ngài, Chúa Con gọi chúng
ta là anh chị em của Ngài, và Chúa Thánh Thần gọi chúng ta là đền thờ của Ngài.
Đó không phải là một thân phận rất cao đẹp sao?
3. Thiên Chúa Ba Ngôi là
tình yêu phục vụ thế giới.
Đức
Thánh Cha Phanxicô chia sẻ: “Việc cử hành Chúa Ba Ngôi Chí Thánh không hẳn là
một việc làm thần học mà là một cuộc cách mạng trong
lối sống của chúng ta. Thiên Chúa,
nơi mỗi Ngôi vị sống cho người khác trong một mối tương quan liên tục, không phải vì chính mình, thúc giục chúng ta sống với người
khác và vì người khác. Hãy mở lòng
ra. Ngày nay chúng ta có thể tự hỏi liệu cuộc sống của chúng ta có phản chiếu
Thiên Chúa mà chúng ta tin tưởng hay không: tôi,
người tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, có thực sự tin
rằng tôi cần người khác để sống, rằng tôi cần trao hiến chính mình cho người
khác không? Tôi cần phải phục vụ người khác không? Tôi khẳng định điều này bằng
lời nói hay tôi khẳng định bằng cuộc sống của mình?”
“Thiên
Chúa Ba Ngôi phải được thể hiện theo cách này - bằng việc làm hơn là lời nói.
Thiên Chúa, tác giả của sự sống, được thông truyền không phải qua sách vở mà
qua chứng tá cuộc sống. Như thánh sử Gioan viết, “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga
4:16), Ngài mặc khải mình qua tình yêu. Chúng ta hãy nghĩ tới những người tốt
bụng, quảng đại, hiền lành mà chúng ta đã gặp; nhớ lại cách suy nghĩ và hành
động của họ, chúng ta có thể có một suy tư nhỏ về Tình Yêu Thiên Chúa. Và yêu có nghĩa là gì? Không chỉ cầu chúc những điều an
lành và tốt đẹp cho họ, mà trước hết, tự gốc rễ, là chào đón, cởi mở với người
khác, dọn chỗ cho người khác, nhường chỗ cho người khác. Đây chính là ý nghĩa
của tình yêu, tận gốc rễ.”
“Để
hiểu điều này rõ hơn, chúng ta hãy nghĩ đến tên của các Ngôi Thiên Chúa mà
chúng ta xưng tụng mỗi khi làm dấu thánh giá: mỗi tên gọi đều chứa đựng sự hiện
diện của tên gọi kia. Chẳng hạn, Chúa Cha sẽ không như vậy nếu không có Chúa
Con; Tương tự như vậy, Chúa Con không thể được coi là một mình, mà luôn luôn là
Con của Chúa Cha. Và Chúa Thánh Thần chính là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa
Con. Tóm lại, Ba Ngôi dạy chúng ta rằng người ta
không bao giờ có thể sống thiếu người khác. Chúng
ta không phải là những hòn đảo; chúng ta ở trong thế giới để sống theo hình ảnh
của Thiên Chúa: cởi mở, cần đến người khác và cần giúp đỡ người khác. Vì vậy,
chúng ta hãy tự hỏi câu hỏi cuối cùng này: trong
cuộc sống hằng ngày, tôi có phải là phản ánh của Thiên Chúa Ba Ngôi không? Dấu
thánh giá mà tôi làm mỗi ngày - Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần - có phải
là một cử chỉ vì ích lợi của bản thân tôi, hay dấu thánh giá đó truyền cảm hứng
cho cách tôi nói, cách tôi gặp gỡ, cách tôi đáp lại, phán xét, tha thứ?” (Kinh truyền tin, Chúa nhật 12 tháng 6, năm
2022).

Phêrô Phạm Văn Trung,
Hẹn gặp lại
Tác giả:
Phêrô Phạm Văn Trung
|