Thùy Hương đang học thêu. Cô đang tập thêu một cách chú tâm sung sướng. Với sự hài lòng và hảnh diện, cô giơ chiếc khăn đang thêu lên để chiêm ngắm công trình tuyệt vời của mình. Đoạn cô đưa đến cho mẹ để nhờ mẹ chỉ cho cách phải làm thế nào để hoàn tất công trình sắp hoàn thành của cô.
“Thùy Hương, chỗ nầy không được, bà mẹ nói. Con nhìn xem. Chỗ nầy con phải làm thế nầy thì nó đẹp hơn. Cái nầy quá dài, nó xem ra lượm thượm. Tại sao con không lấy nó ra và làm lại. Nó coi bộ sẽ đẹp hơn”. Nét mặt của Thùy Hương thay đổi, từ phấn khởi thích thú thành chán chường buồn bã. Cô thở dài và nhếch môi khẽ nói: “Con chả muốn làm gì nữa bây giờ. Con muốn đi ra ngoài mẹ ơi!”
Những lời phê bình của bà mẹ đã làm tiêu tan nỗi sung sướng và niềm kiêu hãnh của Thùy Hương. Câu nói: “Con phải làm thế nầy thì nó đẹp hơn” không phải là một lời khích lệ. Nó ám chỉ công trình đã được làm không tốt đủ, không đáng để làm mẫu mực. Cái mà Thùy Hương nghĩ là đẹp lại trở thành lượm thượm đối với mẹ cô. Sự đề nghị nên tháo ra và làm lại là một điều không thể chấp nhận được đối với cô bé. Đó là một lời hoàn toàn thiếu khích lệ. Vì thế, cô bé đã bỏ dở công việc đang làm và quay sang làm một công việc khác. Mẹ cô có thể dễ dàng quan sát được kết quả của lời nói mình khi nhìn thấy nét mặt cũng như phản ứng của con bà hoàn toàn thay đổi.
Tại sao cứ phải đi tìm những cái bất toàn, những khuyết điểm để nêu ra khiến người nghe cảm thấy chán nản, xuống tinh thần. Chúng ta có thể dùng một phương cách khác xem ra hữu ích hơn trong việc chỉ dạy con cái để khuyến khích chúng tiếp tục công việc một cách thích thú, chẳng hạn như nói: “Cưng ơi, đẹp lắm! Những đường kim của con rất dễ thương, bà có thể vừa nói vừa chỉ cho cô bé một số đường nét đẹp mà nó đã làm. Khi con hoàn thành tác phẩm nầy chúng ta sẽ treo nó trong nhà tắm”. Như vậy, người mẹ cùng với con, cả hai cùng thưởng thức tác phẩm ấy và xem đó như một công trình hữu ích và quí giá.
Khi người mẹ chỉ cho cô bé thấy những đường nét nho nhỏ mà nó đã hoàn tất một cách tốt đẹp, bà đã khuyến khích cô bé tiếp tục để hoàn thành tác phẩm với một sự khéo léo tuyệt vời hơn. Chúng ta chỉ có thể gầy dựng trên ưu điểm chứ không phải trên khuyết điểm. Cần chú ý nhiều hơn đến những đường nét đẹp của tác phẩm mà cô bé đã cố gắng làm. Nhiều khi bố mẹ cũng cần phải có can đảm để nói lên những lời khích lệ con cái tiếp tục tiến bước với một kinh nghiệm mới.
Cu Long 7 tuổi vừa được mẹ cho phép mua một chiếc máy bay mà nó đã nhìn thấy ở tiệm đồ chơi, trong trung tâm mua bán đồ chơi trẻ con. “Mẹ không thể đưa con đến đó ngay bây giờ được, chúng ta sẽ đi ngày mai con ơi”, bà mẹ nói thế. “Con có thể đi bằng xe đạp”, cậu bé nài nĩ. Nhưng mẹ nó trả lời: “Con không được phép lên phố bằng xe đạp. Xe nhiều lắm con ơi”. “Con có thể lo cho con mẹ ơi. Nhiều đứa trẻ lên trên đó bằng xe đạp”. Bà mẹ thoáng nghĩ trong một phút. Bà nghĩ đến hàng loạt xe đạp mà bà thường gặp đậu ở bên ngoài tiệm đồ chơi. Bà cũng thấy hằng ngày con bà đạp xe đạp đi học và nó đã làm điều đó rất tốt, nên bà bảo: “Được, con hãy đi. Hãy mua lấy cái con thích”. Cậu bé sung sướng vội phóng nhanh ra khỏi nhà. Bà mẹ yên lặng với cảm giác lo lắng. Bà nghĩ: nó còn quá nhỏ nhưng nó không chịu học bất cứ đứa nào trẻ hơn nó. Gần một tiếng đồng hồ sau, nó phóng xe về nhà với gói đồ chơi. “Mẹ ơi, xem! Con đã mua nó”. “Cưng ơi, mẹ rất hài lòng, bà mẹ nói với nét mặt tươi cười, bây giờ thì con có thể tự đi mua đồ cho con. Như vậy không phải là tuyệt vời sao?”
Bà mẹ bé Long đã cảm thấy lo lắng nhưng bà đã khuất phục được nỗi lo sợ và đã tỏ cho thấy niềm tin của bà vào khả năng đi xe đạp của cậu bé. Cậu bé đã đáp lại niềm tin của bà một cách tốt đẹp. Người mẹ đã theo dõi kiến thức cũng như việc làm của nó. Cuối cùng bà cho phép nó được tự do hơn bằng cách hứa cho nó nhiều cơ hội để đi mua lấy những món đồ riêng của nó.
Bé Thịnh 5 tuổi, cài nút áo ấm của nó một cách lệch lạc, nhưng mẹ nó cứ để như vậy một thời gian. Một ngày kia, mẹ nó nói: “Cưng ơi, mẹ có ý kiến. Tại sao con không cài nút áo bắt đầu từ nút cuối cùng cài lên, như thế có dễ hơn không? Với nét mặt tươi vui và bằng phương cách mới, bé Thịnh đã làm theo lời đề nghị của mẹ và cảm thấy sung sướng khi cài đến hạt nút cuối cùng. Từ sự thành công của phương cách nầy, bà mẹ đã cố gắng khích lệ nó trong những vấn đề khác. Chẳng hạn, cậu bé thường treo đồ ngủ trên giá treo quần áo, nhưng vì nó treo lộn ngược, nên quần áo thường hay rơi xuống sàn nhà. Mẹ nó đề nghị: “Tại sao con không cầm lấy đầu kia và giũ nhẹ vài cái cho nó thẳng trước khi con treo vào giá”. Cu Thịnh vói lấy chiếc áo rơi và làm y như mẹ nói, đoạn treo vào giá. Nó không rơi nữa. Cậu bé cười vui vẻ và nói: “Mẹ ơi, nhìn kìa! Nó có kết quả như mẹ dạy!”
Mẹ của bé Thịnh đã tìm ra một phương pháp khuyến khích cậu bé bằng cách đề nghị với nó rằng: cách thế mà nó đã làm trước đây thì không được đúng. Bà đã dựa vào tinh thần thám hiểm và sự ước muốn tìm phương cách mới của nó. Bé Thịnh có thể nhìn thấy được kết quả từ những công việc nó làm. Bà mẹ không cần phải chỉ ra cho nó. Bà mẹ chỉ mỉm cười và ánh mắt của bà đã nói cho nó rằng bà muốn chia xẻ sự thích thú về khả năng của nó.
Những điểm trình bày trên đây cho thấy sự quan trọng của việc khích lệ, nhưng dĩ nhiên chúng ta không thể mong đợi tất cả mọi khích lệ đều mang lại kết quả. Chẳng hạn như ca tụng là một cách khuyến khích mà chúng ta thường dùng, nhưng cũng phải được dùng một cách cẩn thận. Nếu không, nó có thể gây ra những nguy hiểm như chúng ta đã gặp thấy trong một số trường hợp trên đây. Vì nếu con trẻ coi ca tụng là một phần thưởng thì thiếu nó là một sự sỉ nhục. Như vậy, nếu nó không được ca tụng trong bất cứ điều gì nó làm, nó sẽ cảm thấy mình bị thất bại. Một đứa bé như thế, sẽ làm việc với hy vọng chiếm đươc phần thưởng hơn là làm việc để thõa mãn cho sự khát vọng muốn đóng góp vào lợi ích chung. Như vậy, sự ca tụng cũng có thể đưa tới một sự thoái chí, vì nó củng cố cho quan niệm sai lầm của đứa bé là nếu nó không được ca tụng, nó không có giá trị gì.
Bố mẹ nào cũng yêu thương con cái. Nhưng cách thức mà chúng ta dùng để biểu lộ tình yêu thì không được thích hợp. Tình yêu bố mẹ dành cho con cái được biểu lộ cách tốt nhất chính là việc khuyến khích con trẻ biết sống tự lập. Chúng ta cần bắt đầu hướng dẫn chúng từ lúc mới sinh và giữ mãi suốt thời kỳ ấu thơ. Việc khích lệ được chứng tỏ bằng cách tin tưởng vào đứa bé ở mỗi giai đoạn lớn lên của nó. Cần có sự hướng dẫn của chúng ta trong mọi biến cố và mọi trường hợp trong suốt thời thơ ấu của chúng. Trẻ con cần có sự can đảm, và chúng ta có bổn phận phải giúp chúng lớn lên và phát triển một cách trọn vẹn và sung mãn.
lm.lêvănquảng