4. Tỏ ra đần độn để khỏi làm việc.
Mục đích sai lầm thứ tư thường được xử dụng bỡi những đứa trẻ hoàn toàn thất vọng. Chúng cố gắng tỏ ra sự hoàn toàn đần độn và bất lực của chúng để khỏi phải làm việc.
Cu Cương 8 tuổi gặp khó khăn ở trường học. Trong một cuộc nói chuyện, cô giáo nói với mẹ nó rằng nó học rất kém, mọi môn luôn là cuối sổ, và xem ra chẳng đi đến đâu cả cho dẫu nó có sự cố gắng và cô giáo cũng đã cố gắng giúp nó. Như vậy, ở nhà nó làm gì để giúp việc nhà? Cô giáo hỏi thế. Bà mẹ trả lời: “Tôi không bảo nó làm chi cả vì nó chẳng muốn làm gì cả. Nếu nó làm, nó làm cách vụng về đến nỗi tôi chẳng muốn bảo nó làm chi hết.”
Một đứa trẻ hoàn toàn thất vọng, đầu hàng cách buông xuôi. Nó cảm thấy rằng nó không có cơ hội thành công trong mọi cách. Nó trở thành vô dụng và dùng sự vô dụng của nó để tránh bất cứ một công việc nào mà ở đó sự thất bại ngày càng trở nên chồng chất. Đứa trẻ xem ra đần độn như thế thường là đứa trẻ thiếu tự tin nên dùng sự khờ khạo như một phương tiện để tránh bất cứ một cố gắng nào. Dường như nó muốn nói: “nếu mình làm bất cứ cái gì, họ sẽ khám phá ra mình ngu đần là chừng nào; vì thế, hãy để tôi yên hàn.” Bất cứ khi nào mẹ nó mở miệng nói rằng “mẹ đầu hàng”, bấy giờ nó cảm thấy nhẹ nhõm vì nó biết rằng mẹ nó sẽ không bảo nó làm gì nữa, và đó cũng chính là điều mà nó muốn. Cái nhìn của đứa trẻ về chính nó là một cái nhìn sai lầm vì đã được mang lại bỡi những kinh nghiệm rằng có nhiều trở ngại mà nó không thể vượt qua, và chính vì thế nó đã trở nên mất tự tin. Đó là một quan niệm thật sai lầm vì không có đứa trẻ nào là hoàn toàn vô dụng.
Khi chúng ta ý thức về 4 mục đích sai lầm đó nằm đằng sau những hành vi của đứa trẻ, chúng ta sẽ có nền tảng cho những hành động của chúng ta. Trong mọi trường hợp, chúng ta không được phép nói với đứa trẻ điều mà chúng ta nghi ngờ đó là một mục đích sai lầm, vì nói như vậy rất là tai hại. Kiến thức về tâmlý là một cái gì được dùng như một căn bản cho hành động của chúng ta chứ không phải như một vũ khí chống lại đứa trẻ. Thật ra, nó không ý thức gì về mục đích của nó và người ta có thể làm cho đứa trẻ ý thức về mục đích tiềm ẩn của nó. Nhưng một hành động như thế nên nhường lại cho những người được huấn luyện chuyên môn. Tuy nhiên, một khi chúng ta ý thức về mục đích sai lầm của đứa trẻ, chúng ta dễ nhận thấy mục đích của hành vi của nó. Điều mà trước đây xem ra vô nghĩa bây giờ trở thành có ý nghĩa. Nếu chúng ta lấy đi những mục tiêu mà đứa trẻ mong muốn, hành vi của nó sẽ trở thành vô dụng. Nếu đứa trẻ không đạt được mục đích của nó, nó có thể xét lại ý huớng của nó và chọn lại cách xử thế khác.
Khi chúng ta nhận thấy rằng một đứa trẻ đang đòi hỏi một sự chú ý không thích hợp, chúng ta không nên chìu theo ý nó. Và khi chúng ta cảm thấy mình đang đi vào một cuộc tranh chấp, chúng ta nên rút khỏi trận chiến vì không nên để mình đi vào một cuộc chiến tranh chấp như thế. Như vậy, sẽ không có chiến thắng trong một trận chiến không người. Khi một đứa trẻ tìm cách làm tổn thương chúng ta, chúng ta nên ý thức về sự chán nản sâu xa của nó, không nên có cảm giác bị tổn thương, và nên tránh sự trả thù bằng cách phạt nó. Chúng ta cũng không nên cảm thấy chán nản bỡi đứa trẻ vô dụng và cố gắng xếp đặt sao cho đứa trẻ khám phá ra những khả năng của nó.
Chúng ta cần biết rằng 4 mục đích sai lầm nầy thường được nhận thấy một cách rất rõ ràng trong thời gian đầu của tuổi thơ. Trong những năm đầu, sự chú ý của đứa trẻ chú trọng trong việc phát triển quan hệ với bố mẹ và những người lớn khác. Đứa trẻ cảm thấy mình quá bé nhỏ trong một thế giới của người lớn. Suốt thời gian nầy, 4 mục đích sai lầm kia càng xem ra rõ ràng hơn đối với một số người quan sát có trình độ hiểu biết. Tuy nhiên, vào lúc lên 11 tuổi, sự liên hệ với bạn bè trở nên quan trọng hơn và đứa trẻ sẽ theo đuổi những mẫu mực hành vi khác nhau để tìm ra chỗ đứng của nó trong hàng ngũ bạn bè. Vì lý do đó, hành vi quấy rầy không còn có thể được cắt nghĩa bỡi một trong 4 mục đích đó nữa. Có những hành động trong tuổi vị thành niên và người lớn thỉnh thoảng cũng có thể được cắt nghĩa trong từ ngữ của 4 mục đích sai lầm đó. Nhưng những mục đích khác xem ra là rõ ràng hơn như là tìm kiếm sự hồi hộp, quá chú ý đến sự lôi cuốn của nam giới, những thành công vật chất và vân vân …là những cái không nhất thiết thuộc lãnh vực của những mục đích sai lầm trên đây.
Một sự đáng quan tâm quan trọng khác nữa đó là: chúng ta là những cha mẹ, phải cố gắng khích lệ con trẻ thay đổi hành vi. Nhưng chúng ta cũng hãy biết rằng chúng ta không thể luôn luôn thành công trong việc thuyết phục chúng cho dẫu chúng ta có thể làm đúng. Mỗi đứa trẻ sẽ làm quyết định riêng cho nó về điều nó sẽ làm. Những ảnh hưởng bên ngoài gia đình, đặc biệt từ các bạn hữu ảnh hưởng đứa trẻ rất nhiều. Nếu những cố gắng hướng dẫn nó đi vào một hướng khác xem ra vô ích, chúng ta hãy nên nhớ rằng nó là một con người và nó có quyền làm những quyết định và chọn lựa cho riêng nó. Chúng ta không thể chịu trách nhiệm cho vấn đề nầy vì điều đó thuộc về đứa trẻ, và đây cũng là một phần của ý nghĩa bình đẳng và trách nhiệm của con trẻ.
Lm.lê văn quảng.