Bà mẹ lấy làm lạ sao mọi sự lại yên tĩnh như thế và bà đâm ra nghi ngờ, nên quyết định đi rảo thử một vòng. Bà khám phá ra cậu bé Bình 2 tuổi rưỡi đang bận bịu, lom khom nhét giấy vệ sinh vào cầu tiêu lần nữa. Cậu bé đã bị đánh nhiều lần vì cái tọäi đã nhét giấy làm nghẹt cầu tiêu. Một cách giận dữ, bà mẹ la lên: “Con ơi! Đã bao lần mẹ đã phải đánh con vì việc làm như thế, tại sao con không chừa?” Thế rồi, bà chụp lấy cổ cậu bé, kéo quần nó xuống và quất đít nó. Nhưng chỉ một lúc sau, ngay chiều hôm đó ba nó khám phá ra nhà cầu lại bị nghẹt nữa.
Bị ăn nhiều trận đòn cho cùng một hành động, tại sao cu bé vẫn tiếp tục, không chừa? Có phải nó còn quá nhỏ, chưa đủ hiểu? Không phải vậy! Cậu bé biết chính xác điều nó đang làm. Nó cố ý lập lại hành vi lỗi lầm đó. Dĩ nhiên, nó không biết tại sao. Nhưng hành động của nó nói cho chúng ta tại sao. Cha mẹ nó bảo: “Không được, không được như vậy”. Hành động nó nói: “Tôi tỏ cho thấy, tôi làm được điều đó. Không thành vấn đề cái gì sẽ xảy ra”.
Nếu hình phạt sẽ làm cho cậu bé ngưng việc ngịch ngợm phá phách, một cái phết đít cũng đủ để cảnh cáo và mang lại kết quả. Nhiều lần phết đít cũng không mang lại được kết quả nào. Vậy cái gì là sai?
Trong những bài trước chúng ta đã đề cập đến sự thay đổi của xã hội để mang lại một nhận thức về sự dân chủ như một nền tảng cho cuộc sống chúng ta ngày hôm nay. Dân chủ ám chỉ sự bình quyền của con người, vì thế cha mẹ nên đóng vai trò của một người dìu dắt, hướng dẫn, giáo dục hơn là của một kẻ có quyền. Quyền hành ám chỉ sự thống trị, có nghĩa là người nầy có quyền thống trị trên người kia. Không thể có sự thống trị như thế giữa những người bình quyền với nhau. Sự thống trị bằng vũ lực hoặc quyền bính phải được thay thế bằng những ảnh hưởng thanh cao, đẹp đẽ hơn.
Thưởng phạt nằm trong hệ thống của xã hội độc tài, ở đó chính quyền thích địa vị thống trị, họ có đặc quyền ban phát thưởng hay phạt tùy theo công đức của người dân. Chỉ có họ mới có quyền quyết định những ai đáng thưởng và những ai đáng phạt. Và vì hệ thống của xã hội độc tài đặt nền tảng trên sự thiết lập vững chắc quyền hành thống trị, nên những phán quyết như thế được dân chúng chấp nhận như một phần của cách sống. Trẻ con quan sát, chờ đợi, và hy vọng một ngày nào đó chúng cũng có thể trở thành những con người có được những quyền hành lớn lao như vậy. Ngày nay, cấu trúc của xã hội chúng ta đã thay đổi. Trẻ con có quyền bình đẳng về xã hội so với người lớn và chúng ta cũng không còn thích những đặc quyền hay vị thế ưu tiên hơn chúng. Quyền bính của chúng ta trên con trẻ trong thế giới ngày nay cũng không còn thích hợp nữa. Và chúng biết điều đó. Chúng không còn công nhận chúng ta như những kẻ có quyền trên chúng nữa.
Chúng ta phải biết nhận ra rằng những cố gắng áp đặt ý muốn của chúng ta trên con cái là vô ích. Hình phạt không mang lại khuất phục lâu dài. Trẻ con ngày nay muốn chấp nhận một số hình phạt để xác nhận quyền lợi của chúng. Nhiều cha mẹ vẫn còn lầm lẫn nghĩ rằng hình phạt sẽ mang lại kết quả mà không biết rằng với những phương pháp đó họ chẳng bao giờ đi đến thành công. Có thể là có một kết quả tạm thời do hình phạt. Nhưng hãy nhớ rằng nếu cùng một hình phạt được lập đi lập lại nhiều lần thì điều đó cho thấy hình phạt đó không mang lại kết quả. Trái lại, việc áp dụng hình phạt chỉ giúp đứa trẻ phát triển sức kháng cự và sự bất tuân đối với chúng ta mà thôi.
(còn tiếp)
Lm. Lê Văn Quảng