TRÁNH PHÊ BÌNH – CHÚ TRỌNG ƯU ĐIỂM HƠN LÀ KHUYẾT ĐIỂM (BÀI 04)
Thùy Vân 6 tuổi rưỡi, có người anh 8 tuổi tên là Vinh, một đứa con trai xinh đẹp, tươi tắn, và hạnh phúc. Cô bé Thùy Vân hay khóc nên bố mẹ và anh trai đặt cho bé cái tên là “bé nhè”. Anh nó hay chọc nó, làm nó khóc mãi, và tỏ ra thiếu sự trọng kính. Một ngày kia, gia đình đi hồ bơi. Cả hai đứa nhảy ra khỏi xe và chạy đua về phía trước. Không may, cô bé té xuống và trầy chút da ở đầu gối. Cô bé khóc nhè, không ai dỗ được. Cu Vinh nói: “Nó luôn luôn khóc”, nó vừa nói vừa bước đi. Ông bố an ủi: “Thùy Vân, không đến nỗi đau lắm con ơi. Thôi đừng khóc nữa. Chúng ta đi về hồ tắm”. Cô bé vẫn khóc trong khi ôm chân và bảo: “Đau lắm, lấy cái gì đắp vào đó cho con”. Ông bố bảo: “ Thôi đừng khóc nữa. Không đến nỗi phải đắp gì lên đó. Một khi con đi vào hồ tắm, con sẽ quên hết mọi sự. Bà mẹ thêm vào với sự bực tức: “Thùy Vân, con bỏ tật hay khóc đi. Lại đây, chúng ta cùng đi bơi”. Nhưng cô bé vẫn tiếp tục khóc và từ chối di động. Dì nó bấy giờ cũng vừa đến và được nhiệt tình chào đón. Cô bé càng khóc to hơn. Dì nó chú ý đến nó, cuối xuống vỗ về, và hỏi nó lý do tại sao. Cô bé vẫn không chịu nín. Cuối cùng, ông bố mở miệng: “Dì ơi, dì có thể ngồi đó, thương hại nó suốt mấy tiếng đồng hồ được không? Đó là điều nó muốn. Nó là một cô bé khóc nhè. Chúng ta hãy xuống tắm và để nó ở đó tùy thích”. Gia đình nhảy xuống hồ và bỏ cô bé ở đó. Một lúc sau, cô bé cũng nhập theo gia đình. Lúc đầu xem có vẻ cưỡng ép, nhưng sau đó thì quên hết mọi chuyện. Đứa bé hay khóc thường muốn lấy cảm tình. Tim chúng ta thường xúc động bỡi sự đau khổ của một đứa bé. Cô bé khám phá ra điều đó từ buổi ban đầu. Vấn đề ở đây là: cô bé đã làm thái quá nên cả gia đình sinh ra bực bội. Tuy nhiên, khóc vẫn có cái lợi của nó. Mọi người thấy rằng la rầy hay khuyên nhủ tất cả chỉ đều vô ích. Cô bé cũng chỉ lè nhè khóc suốt. Thật ra, cái nhìn của nó về chính nó được củng cố mỗi khi có người gọi nó là “bé nhè”. Cuối cùng, gia đình đã hiểu được nên bỏ nó ở đó và đi bơi. Thế rồi, mọi sự đã trở lại bình thường. Nếu bố mẹ muốn giúp cô bé lớn lên và không khóc nhè nữa, họ phải biết rõ mục đích của việc khóc: muốn chiếm sự chú ý không cần thiết. Bấy giờ họ phải ngưng việc nói đến khóc, ngưng việc coi cô bé là đứa khóc nhè, và hãy quên hẳn điều đó đi. Trong trường hợp nầy, người bố hoặc bà mẹ có thể đến xem vết thương của đứa bé, coi thử nặng hay nhẹ, nếu nhẹ thì nói: “Bố (hay me)ï xin lỗi, con đã vấp té. Chút xíu nữa thì nó sẽ hết đau nhé con! Đi vào hồ bơi khi con sẵn sàng”. Và tất cả họ đều đi vào. Cô bé sẽ thấy rằng có khóc cũng không sinh kết quả gì nên tự mình quyết định thay đổi hành vi. Tiến trình như thế nên tuân giữ mỗi khi nó khóc. Kỷ thuật nầy phải được kèm theo với sự chú ý khi thấy đứa trẻ tỏ ra cộng tác và hạnh phúc. Chúng ta phải cố gắng phân biệt hành động ra khỏi người làm hành động ấy. Điều nầy rất quan trọng vì chúng ta đã có những danh từ phức tạp chẳng hạn như đứa bé hay khóc, hay nói dối, hoặc hỗn láo. Trẻ con cần được nhận thức như là những đứa trẻ tốt nhưng có những hành vi sai lầm vì đời chúng không có hạnh phúc. Khi chúng ta gắn nhãn hiệu cho một đứa trẻ, chẳng hạn như “bé nhè”, chúng ta thấy nó như cái tên chúng ta đã gắn, nên nó dễ trở thành như thế. Nó nhận ra nó như danh hiệu đó. Điều đó càng củng cố quan niệm sai lầm của nó và ngăn cản nó hướng về chiều hướng khác. Khi chúng ta nhận thức rằng không phải là đứa trẻ xấu nhưng chỉ điều nó làm là xấu, bấy giờ đứa trẻ sẽ cảm thấy được điều đó và nó sẽ đáp lại sự phân biệt nầy. Nó ý thức và cảm được niềm tin của chúng ta vào nó, điều đó cho nó một sự khuyến khích đối với việc khuất phục những khó khăn của nó và giúp nó trở thành một đứa con ngoan như chúng ta mong ước. lm.lêvănquảng
Tác giả:
Lm. Lê Văn Quảng Psy.D.
|