Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

BBT CGVN YouTube
Thánh Kinh Công Giáo
Cầu nguyện bằng email
Hội Đồng Giám Mục VN
Liên Lạc

Văn Kiện Vatican 2

Lectio divina

Suy Niệm & Cầu Nguyện

Học Hỏi Kinh Thánh

Lớp KT Sr Cảnh Tuyết

Nova Vulgata

Sách Bài Đọc UBPT

LỜI CHÚA LÀ ÁNH SÁNG

GH. Đồng Trách Nhiệm

TAN TRONG ĐẠI DƯƠNG

Video Giảng Lời Chúa

Giáo Huấn Xã Hội CG

Tuần Tin HĐGMVN

Vụn Vặt Suy Tư

Giáo Sĩ Việt Nam

ThăngTiến GiáoDân

Bản Tin Công Giáo VN.

Chứng Nhân Chúa Kitô

Thánh Vịnh Đáp Ca

Phúc Âm Nhật Ký

Tin Vui Thời Điểm

Tin Tức & Sự Kiện

Văn Hóa Xã Hội

Thi Ca Công Giáo

Tâm Lý Giáo Dục

Mục Vụ Gia Đình

Tư Liệu Giáo Hội

Câu Chuyện Thầy Lang

Slideshow-Audio-Video

Chuyện Phiếm Gã Siêu

Các Tác Giả
  Augustinô Đan Quang Tâm
  Đinh Văn Tiến Hùng
  Ban Biên Tập CGVN
  Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
  Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức, MD.
  Bùi Nghiệp, Saigon
  Bosco Thiện-Bản
  Br. Giuse Trần Ngọc Huấn
  Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh
  Dã Quỳ
  Dã Tràng Cát
  Elisabeth Nguyễn
  Emmanuel Đinh Quang Bàn
  Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền,OSB.
  EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.
  Fr. Francis Quảng Trần C.Ss.R
  Fr. Huynhquảng
  Francis Assisi Lê Đình Bảng
  Gia Đình Lectio Divina
  Gioan Lê Quang Vinh
  Giuse Maria Định
  Gm Phêrô Huỳnh Văn Hai
  Gm. Giuse Đinh Đức Đạo
  Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
  Gm. JB. Bùi Tuần
  Gm. Nguyễn Thái Hợp, op
  Gm. Phêrô Nguyễn Khảm
  Gs. Đỗ Hữu Nghiêm
  Gs. Ben. Đỗ Quang Vinh
  Gs. Lê Xuân Hy, Ph.D.
  Gs. Nguyễn Đăng Trúc
  Gs. Nguyễn Văn Thành
  Gs. Phan Văn Phước
  Gs. Trần Duy Nhiên
  Gs. Trần Văn Cảnh
  Gs. Trần Văn Toàn
  Hạt Bụi Tro
  Hồng Hương
  Hiền Lâm
  Hoàng Thị Đáo Tiệp
  Huệ Minh
  HY. Nguyễn Văn Thuận
  HY. Phạm Minh Mẫn
  JB. Lê Đình Nam
  JB. Nguyễn Hữu Vinh
  JB. Nguyễn Quốc Tuấn
  Jerome Nguyễn Văn Nội
  Jorathe Nắng Tím
  Jos. Hoàng Mạnh Hùng
  Jos. Lê Công Thượng
  Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP
  Joseph Vũ
  Khang Nguyễn
  Lê Thiên
  Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
  Lm Đaminh Hương Quất
  Lm. Anmai, C.Ss.R.
  Lm. Anphong Ng Công Minh, OFM.
  Lm. Anrê Đỗ Xuân Quế op.
  Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
  Lm. Đan Vinh, HHTM
  Lm. Đỗ Vân Lực, op.
  Lm. G.Trần Đức Anh OP.
  Lm. GB. Trương Thành Công
  Lm. Giacôbê Tạ Chúc
  Lm. Gioan Hà Trần
  Lm. Giuse Hoàng Kim Đại
  Lm. Giuse Lê Công Đức
  Lm. Giuse Ngô Mạnh Điệp
  Lm. Giuse Trần Đình Thụy
  Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
  Lm. Inhaxio Trần Ngà
  Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
  Lm. JB Trần Hữu Hạnh fsf.
  Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp
  Lm. JB. Vũ Xuân Hạnh
  Lm. Jos Đồng Đăng
  Lm. Jos Cao Phương Kỷ
  Lm. Jos Hoàng Kim Toan
  Lm. Jos Lê Minh Thông, OP
  Lm. Jos Nguyễn Văn Nghĩa
  Lm. Jos Phan Quang Trí, O.Carm.
  Lm. Jos Phạm Ngọc Ngôn
  Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
  Lm. Jos Trần Đình Long sss
  Lm. Jos.Tuấn Việt,O.Carm
  Lm. Lê Quang Uy, DCCT
  Lm. Lê Văn Quảng Psy.D.
  Lm. Linh Tiến Khải
  Lm. Martin Ng Thanh Tuyền, OP.
  Lm. Minh Anh, TGP. Huế
  Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên O. Cist.
  Lm. Ng Công Đoan, SJ
  Lm. Ng Ngọc Thế, SJ.
  Lm. Ngô Tôn Huấn, Doctor of Ministry
  Lm. Nguyễn Hữu An
  Lm. Nguyễn Thành Long
  Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
  Lm. Pascal Ng Ngọc Tỉnh
  Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
  Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
  Lm. Phạm Văn Tuấn
  Lm. Phạm Vinh Sơn
  Lm. PX. Ng Hùng Oánh
  Lm. Raph. Amore Nguyễn
  Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
  Lm. Tôma Nguyễn V Hiệp
  Lm. Trần Đức Phương
  Lm. Trần Mạnh Hùng, STD
  Lm. Trần Minh Huy, pss
  Lm. Trần Việt Hùng
  Lm. Trần Xuân Sang, SVD
  Lm. TTT. Võ Tá Khánh
  Lm. Vũ Khởi Phụng
  Lm. Vĩnh Sang, DCCT
  Lm. Vinh Sơn, scj
  Luật sư Đoàn Thanh Liêm
  Luật sư Ng Công Bình
  Mẩu Bút Chì
  Mặc Trầm Cung
  Micae Bùi Thành Châu
  Minh Tâm
  Nữ tu Maria Hồng Hà CMR
  Nguyễn Thụ Nhân
  Nguyễn Văn Nghệ
  Người Giồng Trôm
  Nhà Văn Hương Vĩnh
  Nhà văn Quyên Di
  Nhà Văn Trần Đình Ngọc
  Nhạc Sĩ Alpha Linh
  Nhạc Sĩ Phạm Trung
  Nhạc Sĩ Văn Duy Tùng
  Phaolô Phạm Xuân Khôi
  Phêrô Phạm Văn Trung
  Phó tế Giuse Ng Xuân Văn
  Phó tế JB. Nguyễn Định
  Phùng Văn Phụng
  Phạm Hương Sơn
  Phạm Minh-Tâm
  PM. Cao Huy Hoàng
  Sandy Vũ
  Sr. Agnès Cảnh Tuyết, OP
  Sr. M.G. Võ Thị Sương
  Sr. Minh Thùy, OP.
  Têrêsa Ngọc Nga
  Tín Thác
  TGM. Jos Ngô Quang Kiệt
  TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc
  Thanh Tâm
  thanhlinh.net
  Thi sĩ Vincent Mai Văn Phấn
  Thiên Phong
  Thy Khánh
  Thơ Hoàng Quang
  Tiến sĩ Nguyễn Học Tập
  Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt
  Tiến Sĩ Trần Xuân Thời
  Trầm Tĩnh Nguyện
  Trầm Thiên Thu
  Trần Hiếu, San Jose
  Vũ Hưu Dưỡng
  Vũ Sinh Hiên
  Xuân Ly Băng
  Xuân Thái
Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
  Chuyện Phiếm Gã Siêu
NGHỈ

 

Cái nắng ban trưa thật chói chang như đổ lửa, oi bức đến độ làm cho mồ hôi mồ kê chảy xuống ròng ròng. Đang vật lộn với giấc ngủ chập chờn, thì bỗng chuông điện thoại reo vang. Lồm cồm bò dậy, tưởng người đẹp nào  cơ chứ, ai dè hóa lại ra cụ chủ nhiệm đáng kính nhà ta. Sau một hồi vòng vo tam quốc, cà kê dê ngỗng đủ thứ chuyện trên trời cũng như dưới đất, cụ mới “dô đề” :

- Thiên hạ bên tây sắp dắt nhau đi nghỉ hè rồi đó, chú mày mau viết cho một mẩu, gọi là để bàn dân thiên hạ đề cao cảnh giác, phòng bệnh còn hơn chữa bệnh nhé.

Giữa lúc còn đang ngái ngủ, gã bèn trả lời “phăng xi lô” chẳng so đo và tính toán :

- Ôi giào, chuyện nhỏ mà.

Bây giờ ngồi vào bàn, đầu óc rỗng tuênh, bởi vì từ hồi cha sinh mẹ đẻ cho tới lúc này, đã măm mươi mấy tuổi rồi, mà nào có biết hè hiếc là đí gì đâu. Chỉ khi còn là “chú học trò thò lò mũi xanh” thì mới được nghỉ, bằng cách “tung hê” sách vở, rời xa trường lớp, về quê với bu được mấy tháng. Chứ một khi đã thò chân vào cuộc đời, thì làm gì có cơ may được đi hè trong tình trạng thắt lưng buộc bụng, kinh tế suy thoái, mắc chứng “viêm màng túi kinh niên”, làm không đủ ăn như hiện nay ở Việt Nam.

Và thế là gã bỗng nghiệm ra rằng :

- Không cái dại nào bằng cái dại mồm dại miệng.

Bởi vì  như các cụ ta ngày xưa đã bảo :

- Nhất ngôn xuất khẩu, tứ mã nan truy. Một lời vừa tuột ra khỏi miệng, thì bốn ngựa cũng khó mà đuổi theo.

Thành thử những người khôn ngoan mới khuyên nhủ :

- Hãy ngoáy lưỡi bảy lần trước khi nói.

Đã trót hứa với cụ chủ nhiệm, thì cũng phải cố mà làm, như Nguyễn Du đã bảo :

- Cũng liều nhắm mắt đưa chân,

  Mà xem con tạo xoay vần đến đâu ?

Để lấy khí thế cũng như tạo thêm niềm hứng khởi, gã bèn đứng lên, bắn một điếu thuốc lào. Thuốc ngấm vào tận lục phủ ngũ tạng, thở phào một cái và lim dim đôi mắt theo làn khói tỏa, gã bỗng thấy cuộc đời mới đẹp làm sao. Và thế là vội chạy ngồi vào bàn mà viết lấy viết để, kẻo tí nữa nó lại quên béng đi mất.

Phần lớn người Việt Nam hôm nay sống trên mảnh đất này chả dám nghĩ tới chuyện nghỉ hè. Cũng như phần lớn người Việt Nam ở nước ngoài, khi mới chân ướt chân ráo tới định cư ở quê một hương thứ hai, chả dám tơ tưởng đến việc xách va li cùng với bà xã và bày trẻ đi tắm biển hay lên núi thở hút những lọn khí trong lành.

Sở dĩ như vậy vì hôm nay ở đó và ngày xưa ở đây, mình chỉ là thân trâu ngựa, nai lưng ra kéo cày để mà kiếm sống. Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm. Trong những ngày tháng xám xịt ấy thì nghỉ có nghĩa là bản thân và gia đình phả...treo niêu. Bởi vì :

- Có làm thì mới có ăn,

  Không dưng ai dễ mang phần đến cho.

Hơn thế nữa, đồng lương trong những giờ làm phụ trội ấy cũng nhích hơn một chút, nên người ta hy vọng rằng sẽ “ky cóp” được thêm tí tiền còm, bảo đảm cho những sinh hoạt cần thiết cũng như cho tương lai về lâu về dài, bởi vì  :

- Kiến tha lâu cũng đầy tổ.

- Năng nhặt thì chặt bị.

Cho đến hôm nay, cuộc sống đã được ổn định và tương lai đã lóe sáng, chứ không còn âm u như chiều đông ảm đạm hay tăm tối như cuối con đường hầm, người ta mới bắt đầu tính đến chuyền đi nghỉ hè và mơ ước những giờ phút thênh thang, thoải mái lang bang thăm chỗ này chỗ nọ.

Bây giờ “đi nghỉ hè” đối với nhiều người Việt Nam ở nước ngoài, không phải là một cái “mốt thời thượng” theo kiểu “phú quí sinh lễ nghĩa”, hay “trưởng giả học làm sang” nữa, mà là một nhu cầu chính đáng, vừa hợp tình lại vừa hợp lý.

Thực vậy, trong một bản nhạc có nốt bổng thì cũng có nốt trầm, có dấu ngân thì cũng có dấu lặng. Nếu cứ bổng mãi và cứ ngân mãi thì hẳn sẽ đứt gân cổ lăn quay ra mà chết. Còn nếu cứ trầm hoài, lặng hoài thì đâu phải là bản nhạc nữa.

Horace, một thi sĩ gốc La mã, trong tác phẩm Odes đã viết như   sau :

- Thần Apollo đâu có dương mãi cây cung của mình.

Lời phát biểu này muốn nói lên rằng :

- Đối với cây cung, có lúc dương thì cũng phải có lúc chùng. Chứ cứ dương mãi dương hoài, lúc nào dây cũng căng cũng thẳng, thì chẳng bao lâu nó sẽ bị gẫy hay bị đứt.

Tác giả sách Giảng viên trong Cựu ước đã xác định đại khái như sau :

- Ở dưới bầu trời này,

mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời.

Một thời để chào đời , một thời để lìa thế...

Một thời để khóc lóc, một thời để vui cười...

Một thời để làm thinh, một thời để lên tiến...

Một thời để yêu thương, một thời để thù ghét...

Một thời để gây chiến, một thời để làm hòa.

Và như thế, ắt phải có :

- Một thời để làm việc, một thời để nghỉ ngơi.

Gã xin “no table” nghĩa là miễn bàn tới những kẻ  mắc bệnh “lươi huyền” mãn tính, hay nói một cách cụ thể hơn, mang tật lười biếng quanh năm, bởi vì họ nghỉ suốt hai mươi bốn trên hai mươi bốn, họ chơi suốt ngày này qua ngày khác, chẳng cần cuối tuần hay hè hiếc chi cả.

Ca dao tục ngữ đã diễn tả rất nhiều về họ. Trước hết họ là hạng người “há miệng chờ sung”. Chuyện rằng tại ngôi làng nọ có một anh chàng lười vào hạng siêu đẳng, được tôn làm sư phụ. Mặc dù bụng đang đói cồn đói cạo, nhưng lại được nằm dưới gốc một cây sung đầy trái chín, thế mà vị sư phụ khả kính này cũng chẳng thèm đứng lên, hái mà ăn, cứ nằm há mồm và chỉ nhai tóp tép trái nào rơi vào chính miệng mình mà thôi. Vì thế, chẳng bao lâu sư phụ bèn giã từ cõi sống mà về chầu tiên tổ.

Thứ đến, họ là hạng người làm ít ăn nhiều. Làm chẳng bao nhiêu mà ăn thì quả là...có vấn đề :

- Ăn như rồng cuộn, làm như cà cuống lội ngược.

- Ăn như thuyền chở mã, làm như ả chơi trăng.

Tác phong của họ được mô tả :

- Ăn thì ăn những miếng ngon,

  Làm thì chọn việc cỏn con mà làm.

- Ăn rồi nằm ngả nằm nghiêng,

  Có ai lấy tớ thì khiêng tớ về.

Hình ảnh tiêu biểu cho hạng người lười này là hình ảnh của một ông chú…thân thương :

- Chú tôi hay tửu hay tăm,

  Hay nghiện chè tàu, hay nằm ngủ trưa.

  Ngày thì ước những ngày mưa,

  Đêm thì ước những đêm thừa trống canh.

Đối với những người chăm chỉ làm việc, nghỉ ngơi không phải chỉ là một quyền lợi, mà nhiều lúc còn là một bổn phận cần làm ngay, nghĩa là… phải nghỉ, phải ngơi.

Nói thế, hẳn nhiều người cho rằng gã đang về hùa với những kẻ lười biếng, chỉ thích ngồi nhà mát mà ăn những bát vàng. Đứng trước mọi công việc, chỉ thầm mong được người ta chọn làm người chỉ đạo nghĩa là đứng chỉ tay mà chẳng phải đụng vào, hay được người ta bàu làm giám đốc nghĩa là chỉ dám đốc, dám xúi mà lại chẳng dám làm.

Thế nhưng, ở đây gã xin thề độc thề địa :

- Chết sa...đó là sự thật.

Bởi vì phen này gã nói có sách, mách có chứng hẳn hoi, chứ chẳng phải tán hiêu tán vượn và phệu ra đâu nhé.

Thực vậy, trong Tin mừng có lần Chúa Giêsu đã xác quyết :

- Cha Ta làm việc và Ta cũng làm việc.

Mà theo luật thì :

- Đã làm việc cật lực thì cũng phải được nghỉ ngơi.

Đúng thế, Sách Sáng thế ký đã kể lại việc Thiên Chúa dựng nên trời và đất cùng muôn vật muôn loài như sau :

Ngày thứ nhất Ngài dựng nên ánh sáng, rồi phân rẽ ánh sáng và bóng tối, Ngài gọi ánh sáng là ngày và bóng tối là đêm. Ngày thứ hai Ngài dựng nên một cái vòm và nước, rồi phân rẽ chúng, Ngài gọi cái vòm là trời. Ngày thứ ba Ngài bắt nước phải tụ lại một nơi để lộ ra chỗ cạn. Ngài gọi chỗ cạn là đất và khối nước là biển, rồi đất trổ sinh mọi thứ cây cỏ. Ngày thứ tư Ngài dựng nên mặt trời mặt trăng cùng muôn vì  tinh tú. Ngày thứ năm Ngài dựng nên chim trời cá biển cùng mọi loài sinh vật trên mặt đất. Ngày thứ sáu Ngài dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Thế rồi ngày thứ bảy, sau khi hoàn tất công trình, Ngài đã nghỉ ngơi.

Không những Thiên Chúa nghỉ ngơi mà Ngài còn muốn chúng ta noi gương bắt chước Ngài, cũng nhỉ ngơi như vậy sau khi đã làm việc. Đúng thế, sách Xuất hành đã kể lại việc Thiên Chúa truyền cho ông Mai sen mười điều răn được khắc ghi trên hai bia đá tại đỉnh Sinai. Điều răn thứ ba đã mói rõ như sau :

- Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động, nhưng ngày thứ bảy ngươi sẽ nghỉ, dù đang vụ cày hay vụ gặt, ngươi cũng sẽ nghỉ.

Điều răn này rất quan trọng và được quy định một cách khắt khe :

- Ngày thứ bảy sẽ là một ngày thánh, một ngày sabát, một ngày nghỉ hoàn toàn, dành cho Đức Chúa, kẻ nào làm việc trong ngày ấy sẽ bị xử tử. Anh em sẽ không được đốt lửa trong ngày sabát tại những nơi mình ở.

Dân Do thái đã tuân giữ điều răn này một cách rất nghiêm minh. Trên đường trở về miền đất hứa, họ phải lang thang trong sa mạc suốt bốn mươi năm và suốt khoảng thời gian này, Thiên Chúa đã nuôi sống họ bằng manna bởi trời. Thế nhưng, họ phải lượm manna ngay từ hôm trước mà dành sẵn cho ngày thứ bảy. Thậm chí khi bị quân địch xông đánh vào ngày thứ bảy, họ thà chịu chết chứ không cầm vũ khí chống cự.

Từ chỗ nghiêm minh họ đã đi đến chỗ khắt khe và thái quá. Chính vì thế chúng ta hiểu được tại sao bọn biệt phái lại chỉ trích việc Chúa Giêsu chữa lành cho những người đau ốm vào ngày thứ bảy.

Thế nhưng, Chúa Giêsu đã có lập trường dứt khoát của riêng mình :

- Ngày sabát được phép làm điều lành...Ngày sabát được dựng nên vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát.

Như vậy việc nghỉ ngơi ngày sabát thời xưa hay ngày Chúa nhật thời nay là một điều răn buộc phải tuân giữ. Cùng với sự ổn định về kinh tế, trong dịp cuối tuần người ta được nghỉ không phải chỉ một ngày mà những hai ngày, đó là ngày thứ bảy và Chúa nhật.

Lần kia, sau khi các môn đệ đi thực tập truyền giáo trở về và đang kể cho Ngài nghe những việc mình đã làm và những điều mình đã dạy, Chúa Giêsu liền khuyên các ông như sau :

- Các con hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.

Như vậy nghỉ ngơi quả là một điều cần thiết, bởi vì kinh nghiệm bản thân cho thấy :

- Có nghỉ ngơi thì mới hoàn tất một cách tốt đẹp, hay ít nữa có nghỉ ngơi thì mới bắt đầu lại một cách hăng say.

Vì thế, sau một giờ học chăm chỉ người ta có những giây phút giải lao. Sau một ngày làm việc miệt mài, người ta có những giờ ban đêm để ngủ nghỉ. Sau một tuần làm việc cần cù người ta có những ngày cuối tuần để xả hơi. Sau một năm làm việc vất vả , người ta có những tuần phép để đi đây đi đó, mà gã xin tạm gọi chung chung là đi...nghỉ hè. Và sau một đời làm việc nhọc nhằn, người ta có những tháng năm để...hưu dưỡng.

Nghỉ ngơi không phải chỉ là điều cần thiết, mà lắm lúc còn là điều bắt buộc :

- Phải nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe cho bản thân, phải nghỉ ngơi để có thời giờ chăm sóc cho gia đình và những người thân yêu.

Nhiều đứa con đã hư hỏng chỉ vì cha mẹ mải mê mánh mung không để ý tới chúng. Nhiều ông chồng đã mất toi bà vợ “xinh xỉnh xình xinh”  của mình cũng chỉ vì miệt mài áp phe áp chảo hay ngâm kíu ngâm kiếc, yêu việc hơn yêu vợ, không ngó ngàng chi đến nhà với cửa, tới  khi “ngộ ra” thì quá muộn, nàng đã xé toạc tờ hôn phối hay đã khăn gói bước theo kẻ khác để được chiều chuộng và quan tâm hơn.

Nghỉ ngơi là điều cần thiết và bó buộc, thế nhưng, phải nghỉ ngơi như thế nào ? Đó mới là chuyện quan trọng cần phải bàn bạc. Gã tạm chia sự nghỉ ngơi làm hai loại, sự nghỉ ngơi của quí vị con nít và sự nghỉ ngơi của quí vị người nhớn.

Trước hết là sự nghỉ ngơi của quí vị con nít.

Như chúng ta đã biết con nít vốn hiếu động, nhất là bọn nhóc tì “húi cua”, vì thế trong những lúc rảnh rỗi, không thể nào bắt chúng ngồi yên như pho tượng hay quì “chắp tay xỏ lỗ mũi” mà cầu nguyện hồi lâu, bởi vì chúng luôn nghí ngoáy, quay bên nọ, ngó bên kia. Đối với chúng, nghỉ có nghĩa là chơi. Hễ lúc nào nghỉ ngơi là lăn xả vào vui chơi lúc ấy. Nhưng phải chơi ra làm sao ?

Các cụ ta ngày xưa vốn căn dặn :

- Học ăn học nói học gói học mở.

Điều căn dặn này cho thấy chúng ta phải học tất cả từ những điều tầm thường và nhỏ mọn nhất. Chơi tuy dễ mà lại khó, tuy đơn giản mà lại phức tạp, bởi vì rất nhiều người đã chẳng chơi cho phải phép. Chính vì thế, trên lá cờ của thế vận hội người ta thêu hai chữ “Fair Play”, có nghĩa là “Chơi Đẹp”. Để được chơi đẹp, thiết tưởng những người có trách nhiệm hướng dẫn nên nhắc quí vị con nít mấy điều sau đây :

Thứ nhất là phải chơi cho đúng lúc.

Thực vậy, người ta thường bảo :

- Giờ nào việc nấy.

Học thì phải cho ra học, còn chơi thì phải cho ra chơi. Ngồi trong lớp học, thay vì nghe thày cô giảng bài, lại vác cờ ca rô ra mà chơi với nhau, chắc chắn là bấn ổn rồi. Thời giờ là vàng. Hãy biết lợi dụng nó để trau dồi kiến thức, làm giàu cho bản thân và làm đẹp cho cuộc sống. Bởi vì thời giờ đã qua đi thì sẽ chẳng bao giờ trở lại.

Người xưa cũng đã xác quyết :

- Ấu bất học, lão hà vi.

Bé mà không học, thì lớn lên chỉ còn cách “ bị gậy” đi ăn mày. Lúc đó có hối tiếc thì e rằng đã quá muộn.

Thứ hai là phải chơi cho đúng nơi.

Thực vậy, người ta cũng thường bảo :

- Mỗi việc đều có chỗ của nó.

Nhà thờ là để cầu nguyện. Trường lớp là để học hành. Sân bãi là để vui chơi. Nếu chúng ta lộn chuồng, chẳng hạn : chơi trong trường lớp, cầu nguyện ngoài sân bãi và học trong nhà thờ...thì quả thực chẳng ổn tí nào.

Thứ ba là phải chơi cho đúng cách.

Trong một cuốn sách bàn về thể thao, một tác giả Ăng lê đã viết như sau :

- Đừng bao giờ đổ lỗi cho người khác cũng như đừng bao giờ ăn gian và che dấu sai lỗi của mình. Dù được hay thua, cũng phải chơi cho đúng cách và chơi cho thật đẹp. Phải tôn trọng tinh thần thể thao hơn là chiến thắng.

Ngoài ra, chơi cho đúng cách còn có nghĩa là phải biết tự chủ, đừng cố tình chơi xấu làm người khác bị tổn thương. Chẳng hạn cố tình “cốp” vào chân đối phương đễ họ bị “đo sân” và phải bỏ dở cuộc chơi.

Khi về già, tướng Wellington, ngày kia đã trở lại thăm trường cũ. Ông đưa mắt nhìn khoảng sân rộng, nơi mà hồi xưa ông đã vui chơi với bạn bè. Rồi bằng một dáng bộ trầm ngâm, ông nói :

- Chính tại sân chơi này mà tôi đã thắng được Napoléon.

Đúng thế, chính tại sân chơi này, ông đã học được những bài học của sự can đảm, tự tin, cộng tác và yêu thương để rồi khi bước xuống cuộc đời ông đã thắng được mọi nỗi khó khăn, kể cả việc thắng được Napoléon tại Waterloo.

Tiếp đến là sự nghỉ ngơi của quí vị người nhớn.

Sự nghỉ ngơi này xem ra nhiêu khê và rắc rối hơn. Thời gian nghỉ ngơi  phải là thời gian bồi bổ cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Thực vậy, nhờ nghỉ ngơi, thân thể lấy lại được sức khỏe, nhờ rảnh rỗi mà chúng ta có thể trau dồi thêm cho mình những điều cần thiết, chu toàn bổn phận tôn giáo, chăm sóc đến những người thân yêu như vợ chồng, con cái hay thực hiện công việc bác ái đối với những người chung quanh. Thế nhưng, rất nhiều lần người ta đã không làm như vậy.

Đúng thế, có những ông chồng đi làm về liền nằm dài trên ghế mà đọc báo hay xem truyền hình và...…chờ cơm, chẳng hề phụ giúp cho bà vợ trong chuyện bếp múc và nhà cửa. Nhất là vào cuối tuần, những ông chồng ấy liền vù đi đánh bài hay nhậu nhoẹt với bè bạn, mãi tới sáng thứ hai mới dẫn xác về. Thành thử những ngày nghỉ cuối tuần, đáng lẽ ra phải là dịp cho mọi người đoàn tụ và xum họp, thì bây giờ đường ai người ấy đi, việc ai người ấy làm. Ngày Chúa nhật cũng giống như ngày thường, gia đình lãnh lẽo và trống vắng như...Chùa Bà Đanh. Thậm chí có bà vợ đã phải tâm sự :

- Cuối tuần, mình rất muốn anh ấy ở nhà để vợ chồng tâm sự với nhau, cha mẹ trò chuyện cùng  con cái, nhờ đó gia đình được thêm phần ấm cúng. Nhiều lúc mình mong nhận được những lời an ủi, hay ít nhất một bờ vai để tựa đầu mà cũng chẳng thấy. Nghĩ  cũng tủi. Một mình vò võ. Chồng đi đằng chồng. Con cái đi đàng con cái. Biết làm sao bây giờ ?

Trên đây mới chỉ là sự nghỉ ngơi ngắn hạn như cuối ngày hay cuối tuần. Còn sự nghỉ ngơi tương đối dài hơn, chẳng hạn như nghỉ hè, thì sao ?

Với một cuộc sống ổn định và nhất là với một số “đô la” kha khá dằn trong bóp hay trong túi áo, người ta có quyền nghĩ đến và vẽ ra cả một chương  trình cho chuyến đi nghỉ hè.

Đây không còn là là chuyện riêng tư của một thiểu số, nhưng đã trở thành chuyện chung chung của nhiều người. Kẻ phương tây  thì chạy sang phương đông và trái lại người phương đông lại chạy sang phương tây. Kẻ phương bắc chạy xuống phương nam và trái lại người phương nam lại chạy lên phương bắc…thôi thì cứ loạn cào cào, muốn đi đâu thì đi, miền là có…tiền.

Riêng người Việt Nam mình ở nước ngoài thì nên như thế nào ?

Nếu ngân sách eo hẹp, người ta có thể dắt bầu đoàn thê tử đi từ thành phố này qua thành phố khác trong cùng một nước. Chẳng hạn ra biển để tắm nắng, hay lên núi để nhìn mây bay bay cũng như nghe suối chảy róc rách và thác đổ ầm ầm.

Còn nếu tiền bạc rủng rỉnh, người ta có thể đi nghỉ hè xuyên lục địa, từ nước này đến nước khác. Nhất là những nơi có nhiều danh lam thắng cảnh. Trong số những nước được đưa vào chương trình, thì hẳn phải có tên Việt Nam.

Thực vậy, người Việt Nam trở về Việt Nam là thượng sách, bởi vì Việt Nam chính là quê hương của mình. Và nếu dẫn theo con cái nữa thì lại càng tuyệt vời. Bởi vì con cái, nhiều đứa sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, chả có mấy tí hiểu biết về Việt Nam. Dẫn chúng về để chúng nhìn thấy đất nước mình hầu tạo được một gắn bó nào đó. Bằng không, một thời gian sau chúng hoàn toàn bị “Tây hóa” hay “Mỹ hóa” và sẽ bị…mất gốc.

Về Việt Nam quả thực mang nhiều cái lợi.

Cái lợi thứ nhất, đó là hâm nóng lại tình nghĩa ruột thịt, bè bạn, làng xóm.

Đúng thế, người Việt Nam mình vốn trọng nhân nghĩa, như tục ngữ đã xác quyết :

- Miếng trầu nên nghĩa, chuyến đò nên duyên.

Thế nhưng, tình nghĩa ấy dù có mặn nồng, nhưng không được hâm nóng, thì dần dần cũng sẽ nguội. Thời gian và không gian sẽ gậm nhấm và làm cho nhạt phai, như tục ngữ  đã bảo :

- Xa mặt, cách lòng.

Hay như người dân tộc Tày-Nùng đã nói :

- Đường không qua lại cỏ tranh mọc,

  Anh em không đi về thành người dưng.

Cái lợi thứ hai đó là giá cả sinh hoạt ở Việt Nam khá rẻ so với những nơi khác. Vì thế, với đồng đô la, người ta có thể mua sắm đủ thứ ở Việt Nam. Với đồng đô là, người ta có thể giúp đỡ bà con, thiết đãi bạn bè mà không hao xót lắm. Với đồng đô la, người ta có thể sống thoải mái trên đất nước này...ngay cả việc “sắm” cho mình một cô vợ trẻ cũng không quá tốn kém.

Và còn nhiều cái lợi khác nữa tùy theo đích nhắm của từng người. Dĩ nhiên gã không bao giờ làm quảng cáo cho các hãng du lịch, nhưng chỉ muốn nói lên tình cảm chân thành nhất của những con người rời xa quê hương, bởi vì :

- Ta về ta tắm ao ta,

  Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.

Có những người, thoạt đầu khi nói về Việt Nam thì đã dãy đay đảy như đỉa phải vôi, bởi vì còn đeo nặng dĩ vãng hay mang một thành kiến nào đó. Nhưng rồi khi đã về, thấy ấm lên tình người  và không ngần ngại hẹn gặp lại nhau một ngày gần nhất.

Tuy nhiên, trong việc trở về Việt Nam cũng có một vài chuyện lôm côm, những chuyện lôm côm này gã đã từng mổ xẻ nhiều lần.

Chuyện lôm côm thứ nhất đó là bệnh nổ. Nhiều ông ở bên đó chỉ là dân cu li cu leo, nhưng về bên này bèn nổ tung  và nghiễm nhiên trở thành bác sĩ, kỹ sư, chuyên viên này, chuyên viên nọ. Có những ông ở bên đó phải chạy đi vay ngân hàng hay bè bạn mới có tí tiền còm dằn túi, nhưng về bên này liền ăn tiêu xả láng cho thiên hạ phục sát đất. Có những ông ở bên đó chỉ biết nói chuyện với Mỹ bằng tay và rất thạo chia động từ “to quơ”, nhưng về bên này mở mồm ra nói, thì câu nào cũng chêm nấy tiếng Ăng lê cho ra vẻ con nhà học thức...Rồi thì chê ỏng chê eo nhưng điều kiện sinh sống tại Việt Nam.

Chuyện lôm côm thứ hai đó là bệnh lừa gạt. Với các mác Việt kiều, người ta sẵn sàng gạt tiền của người khác bằng cách bỏ vốn ma đầu tư cho những công ty ma, nghĩa là chẳng có trên thực tế. Với cái mác Việt kiều, người ta sẳn sàng lừa tình của những cô gái nhẹ dạ. Mặc dù ở bên đó đã đùm đề vợ con, nhưng về bên này vẫn muốn kiếm tí tình còm vắt vai để được chiều chuộng thỏa mãn mà chẳng tốn kém bao nhiêu...

Riêng các bà các cô, thì nhiều người về bên này bỗng dưng máu “shopping”, mua sắm nổi lên đùng đùng. Vì hàng ở bên này vừa rẻ lại vừa đẹp, nên nhìn thấy cái gì cũng mua cũng sắm.

Gã đã từng tháp tùng vợ chồng một chú em đi...chợ. Chị vợ luôn tay chỉ trỏ :

- Cái này, cái kia...và cái kia nữa.

Lúc đầu anh chồng còn vui vẻ để chứng tỏ mình “ga lăng”, nhưng rồi khuôn mặt bắt đầu đổi sắc, nhăn nhó và kèm theo cả một vài lời gắt gỏng :

- Mua gì mà mua lắm thế.

Thậm chí anh chồng phải lén tới chi nhánh ngân hàng rút tiền “ngoài dự tính” để trang trải cho những mua sắm phụ trội. Cuối cùng, những thứ mua sắm phụ trội này đành phải để lại Việt Nam vào tối hôm trước lúc ra phi trường  vì không còn chỗ để mà chứa...

Kể ra thì còn dài dòng lắm. Nhưng thôi.

Chung quanh nhà chả có cây phượng nào. Mà phượng ở Việt Nam bây giờ cũng thay đổi theo thời tiết, nở hoa vào khoảng cuối tháng ba và khi hè về thì đã tàn. Riêng cái nắng thì vẫn chói chang như đổ lửa. Chính trong bầu khí oi ả này, gã bỗng nhẩm đi nhẩm lại bài “Hè về” đượm sắc tình Việt Nam của Hùng lân như một kết  thúc :

- Hè về trong khóm trúc mềm đầu bờ,

  Hè về trong tiếng gió chiều dật dờ,

     Hè về gieo ánh tơ.

Tác giả:  Chuyện phiếm của Gã siêu.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!