Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

BBT CGVN YouTube
Thánh Kinh Công Giáo
Cầu nguyện bằng email
Hội Đồng Giám Mục VN
Liên Lạc

Văn Kiện Vatican 2

Lectio divina

Suy Niệm & Cầu Nguyện

Học Hỏi Kinh Thánh

Lớp KT Sr Cảnh Tuyết

Nova Vulgata

Sách Bài Đọc UBPT

LỜI CHÚA LÀ ÁNH SÁNG

GH. Đồng Trách Nhiệm

TAN TRONG ĐẠI DƯƠNG

Video Giảng Lời Chúa

Giáo Huấn Xã Hội CG

Tuần Tin HĐGMVN

Vụn Vặt Suy Tư

Giáo Sĩ Việt Nam

ThăngTiến GiáoDân

Bản Tin Công Giáo VN.

Chứng Nhân Chúa Kitô

Thánh Vịnh Đáp Ca

Phúc Âm Nhật Ký

Tin Vui Thời Điểm

Tin Tức & Sự Kiện

Văn Hóa Xã Hội

Thi Ca Công Giáo

Tâm Lý Giáo Dục

Mục Vụ Gia Đình

Tư Liệu Giáo Hội

Câu Chuyện Thầy Lang

Slideshow-Audio-Video

Chuyện Phiếm Gã Siêu

Các Tác Giả
  Augustinô Đan Quang Tâm
  Ban Biên Tập CGVN
  Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
  Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức, MD.
  Bùi Nghiệp, Saigon
  Bosco Thiện-Bản
  Br. Giuse Trần Ngọc Huấn
  Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh
  Dã Quỳ
  Dã Tràng Cát
  Elisabeth Nguyễn
  Emmanuel Đinh Quang Bàn
  Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền,OSB.
  EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.
  Fr. Francis Quảng Trần C.Ss.R
  Fr. Huynhquảng
  Francis Assisi Lê Đình Bảng
  Gia Đình Lectio Divina
  Gioan Lê Quang Vinh
  Giuse Maria Định
  Gm Phêrô Huỳnh Văn Hai
  Gm. Giuse Đinh Đức Đạo
  Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
  Gm. JB. Bùi Tuần
  Gm. Nguyễn Thái Hợp, op
  Gm. Phêrô Nguyễn Khảm
  Gs. Đỗ Hữu Nghiêm
  Gs. Ben. Đỗ Quang Vinh
  Gs. Lê Xuân Hy, Ph.D.
  Gs. Nguyễn Đăng Trúc
  Gs. Nguyễn Văn Thành
  Gs. Phan Văn Phước
  Gs. Trần Duy Nhiên
  Gs. Trần Văn Cảnh
  Gs. Trần Văn Toàn
  Hạt Bụi Tro
  Hồng Hương
  Hiền Lâm
  Hoàng Thị Đáo Tiệp
  Huệ Minh
  HY. Nguyễn Văn Thuận
  HY. Phạm Minh Mẫn
  JB. Lê Đình Nam
  JB. Nguyễn Hữu Vinh
  JB. Nguyễn Quốc Tuấn
  Jerome Nguyễn Văn Nội
  Jorathe Nắng Tím
  Jos. Hoàng Mạnh Hùng
  Jos. Lê Công Thượng
  Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP
  Joseph Vũ
  Khang Nguyễn
  Lê Thiên
  Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
  Lm Đaminh Hương Quất
  Lm. Anmai, C.Ss.R.
  Lm. Anphong Ng Công Minh, OFM.
  Lm. Anrê Đỗ Xuân Quế op.
  Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
  Lm. Đan Vinh, HHTM
  Lm. Đỗ Vân Lực, op.
  Lm. G.Trần Đức Anh OP.
  Lm. GB. Trương Thành Công
  Lm. Giacôbê Tạ Chúc
  Lm. Gioan Hà Trần
  Lm. Giuse Hoàng Kim Đại
  Lm. Giuse Lê Công Đức
  Lm. Giuse Ngô Mạnh Điệp
  Lm. Giuse Trần Đình Thụy
  Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
  Lm. Inhaxio Trần Ngà
  Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
  Lm. JB Trần Hữu Hạnh fsf.
  Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp
  Lm. JB. Vũ Xuân Hạnh
  Lm. Jos Đồng Đăng
  Lm. Jos Cao Phương Kỷ
  Lm. Jos Hoàng Kim Toan
  Lm. Jos Lê Minh Thông, OP
  Lm. Jos Nguyễn Văn Nghĩa
  Lm. Jos Phan Quang Trí, O.Carm.
  Lm. Jos Phạm Ngọc Ngôn
  Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
  Lm. Jos Trần Đình Long sss
  Lm. Jos.Tuấn Việt,O.Carm
  Lm. Lê Quang Uy, DCCT
  Lm. Lê Văn Quảng Psy.D.
  Lm. Linh Tiến Khải
  Lm. Martin Ng Thanh Tuyền, OP.
  Lm. Minh Anh, TGP. Huế
  Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên O. Cist.
  Lm. Ng Công Đoan, SJ
  Lm. Ng Ngọc Thế, SJ.
  Lm. Ngô Tôn Huấn, Doctor of Ministry
  Lm. Nguyễn Hữu An
  Lm. Nguyễn Thành Long
  Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
  Lm. Pascal Ng Ngọc Tỉnh
  Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
  Lm. Phêrô Phan Văn Lợi
  Lm. Phạm Văn Tuấn
  Lm. Phạm Vinh Sơn
  Lm. PX. Ng Hùng Oánh
  Lm. Raph. Amore Nguyễn
  Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
  Lm. Tôma Nguyễn V Hiệp
  Lm. Trần Đức Phương
  Lm. Trần Mạnh Hùng, STD
  Lm. Trần Minh Huy, pss
  Lm. Trần Việt Hùng
  Lm. Trần Xuân Sang, SVD
  Lm. TTT. Võ Tá Khánh
  Lm. Vũ Khởi Phụng
  Lm. Vĩnh Sang, DCCT
  Lm. Vinh Sơn, scj
  Luật sư Đoàn Thanh Liêm
  Luật sư Ng Công Bình
  Mẩu Bút Chì
  Mặc Trầm Cung
  Micae Bùi Thành Châu
  Minh Tâm
  Nữ tu Maria Hồng Hà CMR
  Nguyễn Thụ Nhân
  Nguyễn Văn Nghệ
  Người Giồng Trôm
  Nhà Văn Hương Vĩnh
  Nhà văn Quyên Di
  Nhà Văn Trần Đình Ngọc
  Nhạc Sĩ Alpha Linh
  Nhạc Sĩ Phạm Trung
  Nhạc Sĩ Văn Duy Tùng
  Phaolô Phạm Xuân Khôi
  Phêrô Phạm Văn Trung
  Phó tế Giuse Ng Xuân Văn
  Phó tế JB. Nguyễn Định
  Phùng Văn Phụng
  Phạm Hương Sơn
  Phạm Minh-Tâm
  PM. Cao Huy Hoàng
  Sandy Vũ
  Sr. Agnès Cảnh Tuyết, OP
  Sr. M.G. Võ Thị Sương
  Sr. Minh Thùy, OP.
  Têrêsa Ngọc Nga
  Tín Thác
  TGM. Jos Ngô Quang Kiệt
  TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc
  Thanh Tâm
  thanhlinh.net
  Thi sĩ Vincent Mai Văn Phấn
  Thiên Phong
  Thy Khánh
  Thơ Hoàng Quang
  Tiến Hùng
  Tiến sĩ Nguyễn Học Tập
  Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt
  Tiến Sĩ Trần Xuân Thời
  Trầm Tĩnh Nguyện
  Trầm Thiên Thu
  Trần Hiếu, San Jose
  Vũ Hưu Dưỡng
  Vũ Sinh Hiên
  Xuân Ly Băng
  Xuân Thái
Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
  Suy Niệm & Cầu Nguyện
NHÌN LÊN ẢNH MẸ

 

 “Tràng hạt của ông Ampère đã ảnh hưởng mạnh mẽ vào đời tôi hơn tất cả những cuốn sách đạo và bài giảng.”

Ozanam   

TRÀNG CHUỖI MÂN CÔI 

Hằng năm, mỗi khi tháng mười trở về, Giáo Hội mừng kính Đức Mẹ, đặc biệt cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi và rước kiệu Đức Mẹ Mân Côi. Mân Côi chính là hoa hồng. Như thế, với chuỗi Mân-Côi, Giáo Hội trở thành vườn hồng bao la, hương thơm sắc đẹp, dâng lên Mẹ Thiên Chúa. 

Khi nhìn lên Anh Mẹ, tràng chuỗi Mân Côi đã xuất hiện như một vòng hoa muôn sắc muôn màu nối kết mọi người thành tâm thiện chí với nhau trong vòng tay ân ái của Mẹ từ bi.

Tôi đã say mến tràng chuỗi Mân Côi khi còn tấm bé. Và tràng chuỗi Mân Côi đã đồng hành với tôi mỗi ngày như hình với bóng trong suốt hành trình cuộc sống, nhất là những lúc gặp khó khăn trên đường đời.  

Với hơn nửa đời người, khi nhìn lại dĩ vãng, tôi nhận thấy có đôi khi mình sắp bị nhận chìm trong đại dương cuộc sống, nhưng với tràng chuỗi Mân Côi, Đức Mẹ đã vựt tôi lên khỏi những lớp sóng phế hưng. Bài thơ “Có Đôi Khi” của Kim Lệ đã phản ảnh phần nào những đợt sóng nhấp nhô đó trong cuộc đời của tôi: 

“Có đôi khi ta muốn mình trở lại

Thời học sinh thơ dại, vô tư

Sáng cắp sách đến trường

Chiều tung tăng chạy nhảy

Hồn nhiên nói cười

Chẳng e ngại, đắn đo.

 

Có đôi khi ta muốn mình tự do

Lang thang khắp phố phường, lối ngõ

Hát lời tình tự,

Không chút âu lo

Không chút muộn phiền

Tự tại, an nhiên.

 

Có đôi khi ta muốn được bình yên

Nhưng đâu dễ tìm một nơi thanh vắng

Giữa Saigon xôn xao

Giữa náo nhiệt cuộc đời

Toàn những lời gian dối

Rao bán tình người…

 

Có đôi khi ta muốn rong chơi

Đến những nơi chân người chưa đến

Ngã lưng trên đồi mà ngắm sao rơi

Ngồi bên bờ suối vắng

Ngắm bóng mình

Mà lặng nghe tiếng gió thở than.

 

Có đôi khi ta bỗng thấy bàng hoàng

Vì cuộc sống không là điều viên mản,

Như đóa phù dung

Sớm nở tối tàn,

Như đóa mai vàng

Rực rỡ đó rồi tả tơi…ai biết?

 

Có đôi khi ta thấy mình tha thiết

Yêu mọi người,

Yêu tiếng dế trong đêm,

Yêu tiếng mưa rỉ rả bên thềm,

Yêu mắt ai nhìn không nói

Và yêu nụ cười đắm đuối ai trao.

 

Là vậy đó! Có đôi khi vậy đó!” 

TRÀNG CHUỖI MÂN CÔI VỚI AMPÈRE 

Lúc lên 18 tuổi, văn hào Ozanam đến Paris với một tâm hồn không hẳn là vô tín ngưỡng, nhưng đang bị lung lay mạnh mẽ vì sự khủng hoảng đức tin. 

Một hôm vào nhà thờ Notre Dame để xem những tranh ảnh và công trình kiến trúc, bỗng Ozanam trông thấy gần cung thánh một ông lão đang quì cầu nguyện. Ozanam tưởng là một giáo hữu tầm thường trong giáo xứ. Nhưng khi đến gần tận mắt xem thấy, Ozanam liền kinh hãi và giật mình vì chính là nhà bác học Ampère, một ngôi sao sáng trong giới khoa học thời bấy giờ. Tự nhiên Ozanam quì gối và ngượng nghịu thầm thĩ với Đấng mà ông đã bỏ quên lâu ngày. Lúc đó tay ông Ampère đang lần hạt, mắt nhắm và kính cẩn cầu nguyện. 

Sau nầy Ozanam thường nói: “Tràng hạt của ông Ampère đã ảnh hưởng mạnh mẽ vào đời tôi hơn tất cả những cuốn sách đạo và bài giảng.”  

CON ĐƯỜNG CÁI QUAN 

Tháng mười ở miền Trung Việt-Nam nhằm mùa lũ lụt. Khi rước kiệu Đức Mẹ Mân Côi trong tháng đó đôi khi nước lũ dâng lên đầy đồng, chỉ chừa lại con đường cái quan. Tuy nhiên có chỗ mặt đường hơi thấp, nước lụt cũng tràn ngập luôn. Nhưng rồi giáo dân không chùn bước, mặc dù mưa lụt, vẫn rước kiệu Đức Mẹ qua ba bốn họ đạo với nhiều cây số. Nhìn đoàn người, mưa ướt tả tơi, đi chân không, rước kiệu Đức Mẹ trong gió lạnh, mới thấy lòng kính mến Đức Mẹ của giáo dân Việt-Nam đậm đà như thế nào. 

Cũng trên con đường cái quan đó, nhưng vào tháng năm – tháng hoa Đức Mẹ – cuộc rước kiệu lại tưng bừng náo nhiệt hơn, với đoàn dâng hoa đủ sắc đủ màu.  

Con đường cái quan đó đã chứng kiến bao cuộc tang thương của dân quê vào thời điểm đó. Những cuộc đụng độ xảy ra thường xuyên khi hai bên Quốc Cộng lâm trận. Thông thường con đường cái quan đó ban ngày được lực lượng quốc gia làm chủ, nhưng khi đêm về, quân đội quốc gia rút lui vào các đồn bót và để cho lực lượng Cộng quân mặc sức tung hoành. Đến những tuần lễ máu thì con đường cái quan đó đã chứng kiến những cuộc hành quyết dã man những lý trưởng, xã trưởng cùng những người dân vô tội. 

Hằng năm, vào tháng mười và tháng năm, Đức Mẹ đã đi lại đoạn đường Can-vê đó, để chia sẽ những đau thương của người dân vô tội và ra tay cứu vớt những ai khốn cùng. 

Vào thời đó, tôi còn nhỏ dại nên chỉ quan tâm đến những hình thức rước kiệu long trọng bên ngoài, mà chưa đi sâu vào đời sống nội tâm. Tuy nhiên, với tâm hồn nhỏ bé của tuổi thơ, tôi đã nguyện cầu Đức Mẹ ngày đêm như Leonce De Grandaison, qua lời kinh “Trái Tim Trẻ Thơ”: 

“Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa,

Xin giữ con một trái tim nhỏ bé

Tinh truyền và trong suốt như một giòng suối.

 

Xin cho con một tâm hồn đơn sơ

Không vấn vương u sầu

Đại lượng để hiến thân

Để động lòng thương xót.

Một tâm hồn trung thành và quảng đại

Không quên một điều thiện

Không oán hận một điều ác.

 

Xin làm cho con hiền dịu

Và khiêm cung không chờ đáp lại

Vui tươi khi được xóa nhòa,

Trong lòng kẻ khác trước Giêsu con Mẹ.

 

Một tấm lòng cao thượng

Và không chịu khuất phục,

Không khép lại trước những vô ơn,

Không nản lòng trước một lãnh đạm.

 

Một tấm lòng bị hành hạ

Vì vinh quang của Đức Giêsu Kitô

Bị tình yêu Ngài gây thương tích

Và vết thương chỉ bình phục trên thiên đàng.” 

(Sách “Lời Kinh Đẹp Nhất Thiên Niên Kỷ” – LKĐNTNK – trang 47-48) 

MẸ HẰNG CỨU GIÚP 

Khi lên mười tuổi, vào mỗi dịp hè, tôi được dẫn lên đô thị Huế để tham dự tuần tam nhựt và rước kiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Nhìn rừng cờ xí và những đoàn thể giáo dân thuộc nhiều họ đạo miền phụ cận tề tựu về sân nhà dòng Chúa Cứu Thế để làm việc sùng kính Đức Mẹ và rước kiệu, tâm hồn nhỏ bé của tôi như chìm đắm trong cảnh hoan lạc Thiên Đàng. Tôi đã gởi gắm cho Mẹ Hằng Cứu Giúp những lo toan của tuổi trẻ và những ưu tư đối với cuôc sống hiện tại cũng như tương lai để xin Mẹ luôn phù hộ chở che. 

Khi nhìn lên ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, tâm hồn tôi đã rung động với nhịp rung cảm của thi sĩ Xuân Văn – tức linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn (1922- 2002), nguyên là hạt trưởng Phú Yên, qua bài thơ “Danh Thánh Mẹ”: 

“Maria! Ngày con còn tấm bé,

Má chỉ lên tấm ảnh đẹp trên tường,

Tập cho con tríu mến kêu tên Mẹ,

Tên ngọt ngào, tên nghe thật dễ thương.

Từ dạo ấy con ưa nhìn ảnh Mẹ,

Bập bẹ kêu danh thánh Mẹ Maria!

Không rõ ràng nhưng rất mực thiết tha,

Càng kêu Mẹ lòng càng thêm mến Mẹ!

Maria! Con ngâm khi buồn tẻ,

Maria! Con hát lúc mầng vui,

Maria! Hoa hồng nở trên môi,

Maria! Dòng mật thơm hơn sữa!

Con đã uống với tình thương chan chứa,

Khi bắt đầu tập nói: ‘Maria!’

Lời đầu tiên ấm như ngọc như ngà,

Con học biết trong vòng tay ba má.

Maria! Mẹ đầy tràn phước lạ!

Danh thánh Mẹ in vào óc tuổi thơ.

Quả tim con là cung thánh bàn thờ,

Đặt ảnh Mẹ để trọn đời yêu mến!” 

ĐỨC MẸ LA-VANG 

Vào những năm 1955-1956, sau hiệp định Genève 1954, đền thánh Đức Mẹ La-vang được mở cửa trở lại cho những dịp đại hội và kiệu minh niên, sau nhiều năm “bế quan tỏa cảng” vì tình hình chiến sự. Vào thời điểm đó bắt đầu những ngày lạnh lẽo trong năm, với gió heo may giá buốt, với mưa phùn rả rích, như hai câu thơ sau đây của một thi sĩ tiền chiến: 

“Đã nghe rét mướt luồng trong gió,

Đã vắng người sang những chuyến đò…” 

Trong những dịp đại hội và rước kiệu Đức Mẹ La-vang nầy, đa số những họ đạo miền quê ở chung quanh La-vang thuộc tỉnh Quảng Trị đã đổ xô về để cầu nguyện và dâng lên Mẹ những đau khổ trong cuộc sống, từ vật chất đến tinh thần, nhất là do hậu quả những vết thương chiến tranh để lại trong thời gian qua. Cảnh tượng những mẹ goá con côi mà trên đầu khăn tang chưa bạc màu đang đi rước kiệu Đức Mẹ với nước mắt tuôn rơi, hòa nhịp với làn mưa lâm râm và gió heo may lạnh buốt, tạo nên một bức tranh buồn thảm của quê hương Việt-Nam trải qua bao năm tháng dài chiến tranh mòn mỏi. 

Lời “Cầu Nguyện Cùng Đức Mẹ La-Vang” từ thời ông bà tổ tiên chúng ta ngày xưa vẫn còn tiếp nối cho đến ngày nay và mãi mãi trong tương lai bất tận:

“Lạy ơn Đức Mẹ La-vang,

Xin nghe con mọn thở than mấy lời.

Mẹ là Mẹ thật Chúa Trời,

Mà Mẹ cũng thật Mẹ loài người ta.

Cúi xin xuống phước hà sa

Đoái xem con cái thiết tha khẩn cầu.

Nầy con quì gối cúi đầu,

Trước bàn thờ Mẹ xiết bao ước nguyền:

Cho con một dạ kính tin,

Kính thờ một Chúa hết tình thảo ngay;

Rày con dâng tấm lòng nầy,

Một niềm mến Mẹ từ nầy về sau;

Lòng con rầy chỉ ước ao

Chết trong tay Mẹ phước nào lớn hơn.

Lại xin Đức Mẹ xuống ơn

Giữ gìn cha mẹ nhà con yên hàn;

Xin cho nước trị dân an,

Nơi nơi nghe tiếng Phúc Am giảng truyền;

Những người nghèo khổ tật nguyền

Cầu liền đặng đã, xin liền đặng vui.

Dập dìu kẻ trước người lui,

Trong Nam ngoài Bắc mọi người giáo lương.

Nay con từ biệt thánh đường

Thân tuy cách đó, dạ thường mến đây.

Chốn nầy, ngày nầy, hội nầy,

Lòng nầy ghi tạc dám phai đá vàng.

Lạy ơn Đức Mẹ La-vang,

Xin nghe con mọn thở than mấy lời.

Amen.”  

(Sách “Sứ Điệp Đức Mẹ La Vang” của Cố Hồng Y nguyễn Văn Thuận, trang 27-28) 

ĐẠI HỘI THÁNH MẪU SAIGON 

Vào những năm 1959-1960 diễn ra Đại Hội Thánh Mẫu rất lớn ở thủ đô Saigon với sự hiện diện cửa Đức Hồng Y Agagianian là Sứ Thần Tòa Thánh. Đây là dịp để giáo dân cũng như lương dân Việt-Nam bày tỏ lòng kính mến Đức Mẹ như Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã nhận xét. Tôi cũng như những giáo dân khác đã nhìn lên ảnh Mẹ Maria để cùng nhau tha thiết cầu nguyện:

 

“Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa,

Xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ

Tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.

 

Xin ban cho con quả tim đơn sơ,

Mau quên những nỗi buồn phiền.

Một quả tim hào hiệp dám hiến thân,

Dịu dàng để cảm thông.

Một quả tim trung thành và quảng đại,

Không quên ơn, không báo oán.

 

Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn,

Yêu mà không mong được yêu lại,

Hân hoan xóa mình đi

Để con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.

 

Một quả tim vĩ đại và bất khuất,

Không khép lại trước những kẻ vô ơn,

Không chán nản trước người lạnh nhạt.

 

Một quả tim khắc khoải

Lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô,

Quả tim mang vết thương vì yêu Ngài,

Vết thương chỉ lành

Khi được sống với Ngài trên trời. Amen”. 

(Lời kinh “Maria, Mẹ tuyệt mỹ”, trích từ Rabouni, sách LKĐNTNK, trang 41-42). 

 Thời gian đó là những năm thanh bình của đất nước từ giòng sông Bến Hải đến mũi Cà-Mâu. Nhưng những năm tháng thanh bình nầy quá ngắn ngủi và quê hương Việt-Nam từ từ đi vào một cuộc chiến tranh tương tàn khác. 

ĐỨC MẸ FATIMA THÁNH DU 

Khi cuộc chiến mới bắt đầu tiếp theo sau chính biến ngày 1-1-1963, Đức Mẹ Fatima đã hai lần vào thăm viếng miền Nam Việt-Nam khoảng năm 1965 và 1972-1974. Đức Mẹ đã Thánh du qua gần khắp mọi miền đất nước của miền Nam Việt-Nam để lắng nghe tiếng kêu trầm thống của bao người vô tội đã gục ngã trên mọi nẻo đường quê hương cũng như bom đạn cày nát bao làng mạc thị thành. Nhưng rồi con người không hoán cải và canh tân cuộc sống, chiến tranh vẫn tiếp diễn và những ngày tang tóc đã xảy tới với làn sóng người vượt biên ồ ạt từ cuối tháng tư năm 1975. 

Trong hai lần Đức Mẹ Fatima Thánh du đó, cả miền Nam Việt-Nam đều hướng về Đức Mẹ chí nhân, để cầu xin “Nữ Trinh Thánh Thiện” bao che cho những ngày tang tóc đang xảy tới, nhất là vào dịp “mùa hè đỏ lửa” trên “đại lộ kinh hoàng”: 

“Lạy Nữ Trinh thánh thiện,

Giữa những ngày vinh quang của Mẹ,

Xin Mẹ đừng quên

Những ưu sầu thê lương tại thế.

 

Xin Mẹ thương nhìn đến bao người

Đang vùi dập trong đau khổ,

Những người phải chiến đấu

Với bao gian nan thử thách,

Và những người không ngừng

Nếm cảm những đắng cay cuộc đời.

 

Xin Mẹ thương những người yêu nhau

Mà phải chia lìa xa cách.

 

Xin mẹ thương những người cô đơn

Trong tâm hồn và trong cuộc sống.

Xin thương sự yếu đuối

Của niềm tin non trẻ của chúng con.

 

Xin thương tất cả những gì

Chúng con hằng âu yếm chắt chiu.

 

Xin thương những kẻ đang than khóc,

Những kẻ đang run sợ trước cuộc đời sóng gió.

 

Xin Mẹ ban cho tất cả mọi người:

Sự bình an và niềm hy vọng. Amen.” 

(Sách LKĐNTNK, trang 76-77)  

RƯỚC KIỆU ĐỨC MẸ ĐƯỢC KHỎI ÔN DỊCH  

Vào đời Đức Thánh Cha Grêgôriô XV thành Rôma phải chứng kiến một cơn dịch nặng nề ghê rợn. Có người sau 15 phút mắc bệnh đã phải chết. Có người chỉ ngáp dài hay hắc hơi một cái sau khi trúng dịch là toi mạng. Mỗi ngày chết mấy trăm người. 

Đức Thánh Cha đã truyền cho giáo dân ăn chay cầu nguyện, song dịch tễ mỗi ngày một hoành hành dữ tợn hơn đến nỗi có lần Đức Thánh Cha đang giảng trong nhà thờ thì có 80 người lăn đùng ra chết. Ngài liền quay về với Đức Mẹ và truyền cho giáo dân Rôma kiệu ảnh Đức Mẹ đi khắp phố phường. Tất cả giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đều theo kiệu Đức Mẹ, vừa đi vừa lần hạt và đọc Kinh Cầu Đức Mẹ.  

Thật lạ lùng thay quyền phép và lòng nhân lành của Mẹ Thiên Chúa. Kiệu Đức Mẹ đi tới đâu thì chữa lành các bệnh nhân và đem lại bình an cho nơi đó. Người ta nhận thấy một điềm lạ là từ ngày có dịch tễ thì mặt đất mù mịt dường như khí độc từ đất bốc lên tỏa khắp bầu trời. Song khi kiệu ảnh Đức Mẹ từ nhà thờ tiến ra thì trời đất sáng tỏa dần. Đức Thánh Cha và mọi người ngước trông lên thấy trên nóc đền thờ có hình một Thiên Thần xỏ gươm vào vỏ mà lưỡi gươm còn vấy đầy máu. Chắc là dấu bề ngoài chỉ sự Thiên Chúa đã nguôi cơn giận mà tha thứ cho dân thành Rôma, nên từ hôm đó không còn ai phải chết vì dịch tễ nữa. 

ĐỨC MẸ FATIMA BÌNH TRIỆU  

Đó là nơi hành hương mà giáo dân Saigon rất quen thuộc. Vào một ngày hạ tuần tháng tư năm 1975, tôi đã lên đây kính viếng Đức Mẹ Fatima Bình Triệu một lần chót trước khi thực hiện một chuyến vượt biên đầy nguy hiểm.  

Hồi đó tôi đi bộ từ Saigon, dọc theo cầu Saigon để lên nơi đó. Trong quang cảnh trời chiều, giữa lúc nhân tâm ly tán vì những ngày đen tối đã gần kề, một mình tôi âm thầm quì cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ Fatima Bình Triệu. Nhìn lên đôi mắt hiền từ và trong sáng của Mẹ, tôi cảm thấy an tâm để ra về lo thực hiện chuyến đi đầy hiểm trở. Và cuối cùng Đức Mẹ đã cho chúng tôi được tới bến bờ tự do. 

ĐỨC MẸ CỨU TÀU BUÔN KHỎI CƯỚP BIỂN 

Đức Mẹ đã cứu giúp chúng tôi trong cuộc vượt biển đầy nguy hiểm đó cũng như trước kia Đức Mẹ đã cứu vớt đoàn tàu buôn khỏi bọn cướp bể.  

Thời đó, một đoàn tàu buôn vận tải lương thực lên thành Venise. Khi đoàn tàu đến gần thành Loretta nhằm ngày áp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Thủy thủy đoàn là người Công giáo ao ước cập bến neo tàu để lên dự lễ kính Đức Mẹ, nhưng thuyền trưởng không muốn vì sợ bọn cướp biển. Trong đám thủy thủ, có Antôniô là người vừa can đảm, vừa có lòng sùng kính Đức Mẹ, tình nguyện ở lại canh giữ các tàu để anh em yên tâm đi dự lễ. Thuyền trưởng đồng ý. 

Sau khi mọi người đi dự lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm tại đền thờ Loretta thì Antôniô thấy mấy chục chiếc tàu lớn chạy thẳng tới tàu mình. Biết đích thực là tàu cướp biển, Antôniô van nài Đức Mẹ cứu giúp mình thoát quân cướp biển, cậy vì lời cầu xin sốt sắng của đoàn thủy thủ đang dự lễ kính Đức Mẹ.  

Cầu xin xong, với lòng đầy tin tưởng, Antôniô cầm một cái búa núp ở mạn tàu. Bỗng một tên cướp biển bám vào mạn tàu nơi Antôniô đang núp và định trèo lên. Antôniô giơ búa phang một cái, đứt tay tên cướp biển. Hắn đau đớn la lên: “Trời đất ơi! Tao đã bị mưu tụi hắn rồi! Tụi hắn đông vô số kể, sẵn sàng khí giới để diệt chúng ta!” 

Nghe tên đầu sỏ thét lên, bọn cướp biển đua nhau trốn thoát. Một lát sau, Antôniô ngóc đầu lên, thấy tàu cướp biển đã đi xa, liền sấp mình xuống tạ ơn Đức Mẹ đã cứu giúp mình. 

Khi đoàn thủy thủ đi dự lễ về, thấy xa xa ngoài khơi có đoàn tàu cướp biển thì lo sợ bọn chúng đã giết chết Antôniô và cướp hết lương thực! Nhưng khi về đến tàu, thấy mọi sự yên hàn. Và Antôniô cầm bàn tay đã chặt được của tên cướp biển giơ lên cùng tường thuật đầu đuôi sự việc, mọi người vui mầng hớn hở, họp nhau đọc Kinh Cầu Đức Bà để tạ ơn Đức Mẹ đã giúp con cái Người cách đặc biệt. 

ĐỨC BÀ XUỐNG TUYẾT 

Từ sau tháng tư 1975, trong những năm đầu định cư ở Canada, vào một mùa hè tôi đã đi hành hương Cap Madeleine ở Trois-Rivières, tỉnh bang Québec, cách thành phố Montréal vài chục cây số về phía Bắc – nơi mà xưa kia Đức Mẹ đã làm phép lạ cho tuyết rơi xuống vào mùa hè rồi đông lại thành băng để giáo dân chuyên chở vật liệu xây cất ngôi thánh đường nguy nga như hiện nay ngõ hầu tôn kính Đức Mẹ.  

Ngồi bên giòng sông St Laurent, dưới bóng từ bi của Đức Mẹ, tôi đã cầu xin Đức Mẹ cho cuộc đời của tôi và mọi người khác như một trang giấy trắng trinh nguyên, để Mẹ viết lên đó những lời yêu đương tình tự:  

“Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria,

Mỗi ngày,

Mẹ đã phải có một sáng kiến mới

Trong cách thưa ‘XIN VÂNG’

Cùng Thiên Chúa.

 

Mỗi ngày Mẹ đã phải bắt đầu,

Khám phá Thiên Chúa lại một lần nữa

Trong đời Mẹ,

Mọi sự đều đã khác hẳn

Với những gì Mẹ đã dự đoán trước đó.

 

Xin Mẹ dạy cho chúng con biết:

Đừng là một trang giấy

Đã in ấn xong xuôi đâu đó,

Nhưng hãy là một trang giấy

Còn trinh nguyên,

Để mỗi ngày,

Thần Khí Thiên Chúa sẽ phác họa lên

Những kỳ công mà Ngài thực hiện

Trên cuộc đời chúng con. Amen.”  

(“Trang Giấy Trinh Nguyên” của Đức Hồng Y Roger Etchegary, sách LKĐNTNK, trang 64).  

ĐỨC MẸ GUADALUPE  

Vào thập niên 1980, nhân một chuyến du lịch San Diego, tôi có dịp kính viếng Đức Mẹ Guadalupe ở Mễ-Tây-Cơ. Đó là nơi tôn kính Đức Mẹ vào thế kỷ 16 đã hiện ra với Juan Diego là một người thổ dân nghèo hèn sống với người cậu. Đức Mẹ đã làm phép lạ cho người cậu được lành bệnh. Một phép lạ khác nữa là lúc bấy giờ đang mùa đông và ngọn đồi nơi Juan được Đức Mẹ hiện ra thường chỉ có những cây cỏ của sa mạc như các loại gai và xương rồng. Thế nhưng hôm đó, hoa bỗng nở rộ trong sa mạc, Juan hái dâng cho Đức Mẹ. Đức Mẹ sờ đến những cánh hoa và bảo anh lấy chiếc áo choàng đựng hoa mang đến cho vị giám mục sở tại.  

Khi Juan vừa mở chiếc áo choàng ra để lấy hoa cho vị giám mục thì lạ lùng thay, hình ảnh Đức Mẹ được in trên chiếc áo của anh. Tin ở lời Đức Mẹ, vị giám mục đã tức tốc lên đường đến làng Đức Mẹ đã hiện ra cho Juan. Ngài nhận thấy người cậu của anh đã được lành bệnh. Các cuộc lành bệnh lạ lùng đã diễn ra rừ đó. Một đền thánh dâng kính Đức Mẹ đã được xây cất để rồi cuối cùng trở thành Vương Cung Thánh Đường Guadalupe. Tâm hồn khiêm nhường của người thổ dân Juan đã được Đức Mẹ sử dụng để làm những việc vĩ đại: 

 “Lạy Mẹ Đồng Trinh,

Xin dạy con cầu nguyện

Và hiến dâng nhiều hơn là hoạt động,

Và khi con hoạt động,

Xin đổ tràn trong các hoạt động của con

Sự khiêm cung lặng lẽ và tâm tình dâng hiến.

 

Mỗi khi con được người đời để ý ca tụng,

Xin cho con cảm thấy sâu sắc

Rằng mình thật sự quá bé nhỏ.

 

Và khi con bị người đời lãng quên,

Hất hủi và khinh miệt,

Thì xin cho con cảm thấy sâu sắc

Rằng mình chẳng xứng đáng gì.

Xin đừng để con bao giờ quên

Lời nhắn nhủ của Chúa:

‘Đầy tớ không hơn được chủ mình’.

 

Xin giúp con không khi nào

Ra ngoài đường phố

Mà không mang ánh sáng Đức Kitô

Đã trải ra trước mắt

Và chính Ngài đã bước vào trước con.

 

Xin cho con biết yêu thích chỗ rốt cùng

Nơi mà không một ai để ý

Và không một ai dành dật.”  

(Lời kinh “Khiêm Nhường” của Ludovic Giraud, sách LKĐNTNK, trang 78-79)  

ĐỨC MẸ LỘ-ĐỨC

Vào ngày 12-09-1998, nhân một chuyến đi Âu châu, tôi đã đến hành hương Đức Mẹ Lộ-Đức là nơi mà Mẹ Thiên Chúa đã hiện ra với bà Thánh Bernadette tại động Massabielle.   

Sự tích Đức Mẹ hiện ra như sau: buổi sáng ngày 11-2-1858 tại Lộ-Đức, một thị trấn nhỏ nằm ở miền Nam nước Pháp, trời lạnh như cắt, cô Bernadette Soubirous, mười lăm tuổi, ra phía rừng cạnh bờ sông Gave để nhặt củi. Bernadette lần mò tiến về hang động Massabielle loay hoay nhặt củi thì một thiếu nữ chỉ độ 16, 17 tuổi cực kỳ diễm lệ xuất hiện và mỉn cười. Như một cái máy, Bernadette đã lấy tràng hạt từ trong túi áo ra và vừa lần xong chuỗi Mân Côi, thiếu nữ đó làm dấu cho cô bé tiến lại gần hơn. 

Bernadette đã trở lại hang động Massabielle lần nữa và thiếu nữ mặc áo trắng lại xuất hiện và mỉm cười. Sau khi xuất hiện lần thứ ba ngày 18-2 và liên tiếp trong vòng 15 hôm, cuối cùng Đức Mẹ Maria đã tỏ lộ danh tánh vô cùng kỳ lạ: “Ta là Đấng Vô nhiễm Nguyên Tội”. Và từ nơi cô đang quì cầu nguyện mỗi khi Đức Mẹ hiện ra, một dòng suối nhỏ đã vọt lên có sức chữa trị mọi tật bệnh.  

Ngày nay, từng giờ từng phút, khách hành hương, đủ thành phần xã hội và thuộc nhiều tôn giáo khác nhau, từ khắp nơi trên thế giới tuôn đến để cầu nguyện và xin ơn.  

ÁNH MẮT ĐỨC MẸ LỘ-ĐỨC  

Bà Chow Ching Lie sinh năm 1936 tại Thượng Hải, đến Paris năm 1964 để trình diễn đàn dương cầm và đã chiếm giải nhất tại Hàn Lâm Viện Am Nhạc Marguerite Long. Bà là một Phật tử mộ đạo đã đến viếng Lộ Đức năm 1965. Vào năm đó bà cùng con gái là Juliette đến định cư ở Paris nhưng ông nhạc của bà nhất định giữ dứa con trai của bà là Paul ở lại Trung Quốc để nối dỏi tông đường vì ba nó đã qua đời.

Một thời gian sau bà có dịp đi Tây Ban Nha và trên chặng đầu tiên, bà đã ghé lại để viếng Lộ Đức, vì khi nói đến nước Pháp thì trước tiên người ta nghĩ đến Paris và sau đó là Lộ-Đức. Bà vốn là một Phật tử thuần túy và giữ các giới cấm rất nghiêm túc. Dù là một Phật tử rất thuần thành, bà hết sức sung sướng và hạnh phúc khám phá những nơi chốn linh thiêng đối với người Công giáo.  

Bà đến Lộ-Đức vào dịp tháng tám, khách hành hương và du khách đông đúc chen chân không lọt vì đây là dịp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Mọi người mua hoa dâng cúng Đức Mẹ nhưng bà không mua vì hoa quá đắt, hơn nữa bà là một Phật tử.  

Khi lần đến gần tượng Đức Mẹ, bất thình lình bà nhìn lên, ánh mắt hiền từ Đức Mẹ nhìn bà, một ánh mắt đầy yêu thương, hết sức dịu hiền. Tự nhiên bà quì gối dưới chân Mẹ hiền, như một đứa bé đang gục đầu vào lòng mẹ thỗn thức, với nước mắt tuôn trào. Bà đã vội vàng mua bó hoa hồng trở về tượng đài dâng lên Đức Mẹ với tất cả tâm tình yêu thương.  

Bà không biết đọc kinh như người Công giáo và cũng không thể tụng kinh như một Phật tử được. Bà chỉ xin Đức Mẹ thương giúp cho con trai được đoàn tụ với bà. Bà có không biết bao nhiêu tâm sự để tỏ bày với Đức Mẹ, nhưng bà nói không nên lời. Bà đã kiệt sức và phải trở về, nhưng không thể rời ánh mắt của Đức Mẹ Maria, một ánh mắt tỏa ra một tình yêu thật cao cả của lòng Mẹ. 

Cuối cùng bà đứng dậy đành rời hang đá thì một mùi hoa hồng tỏa ra thật thơm. Bà liền đi mua những cây nến để đốt lên lời ước nguyện của bà. Và bà cảm thấy hương thơm càng tỏa thêm, nhưng không còn là mùi hồng, mà là mùi hương trầm như trong các đền chùa quen thuộc của bà. Trong lúc đó, hình như Đức Mẹ nháy mắt báo hiệu với bà một điều gì. Mùi hương đó còn tỏa ra hơn mười phút.  

Khi trở về Paris đúng là một phép lạ, bà nhận được thư của cha chồng báo cho biết con trai bà sắp đến Pháp. Đức Mẹ đã nhận lời cầu xin rất tha thiết của bà. Bắt đầu từ ngày đó, các buổi trình diễn của bà cho các công cuộc từ thiện bao giờ cũng khởi đầu với bản nhạc Ave Maria của Schubert hay của Gounod. Đó là cách bà gởi gắm Đức Mẹ tất cả những người đau khổ. Và trong phòng khách của bà có một bức tượng Đức Mẹ Lộ-Đức luôn được xông hương trầm. 

(Phòng theo “Anh Mắt Đức Mẹ Lộ Đức chiếu vào tâm hồn nữ Phật tử Chow Ching Lie” của Phó Tế J.B. Huỳnh Mai Trác. VietCatholic News – Thứ Ba 17/9/2002).  

Trong thời gian vắn vỏi hai ngày và một đêm kính viếng Đức Mẹ Lộ Đức, tôi cũng bắt gặp ánh mắt dịu hiền đó của Mẹ Maria, khiến tôi cảm thấy rúng động tâm can. Tôi đã cầu xin Nữ Trinh thánh thiện ra tay tế độ cho gần trăm bệnh nhân đang hiện diện lúc bấy giờ, nằm hay ngồi trên những cỗ xe được đẩy đi dưới cơn mưa tầm tã…và cứu giúp cho hết mọi người đau khổ trên mặt đất nầy: 

”Lạy Nữ Trinh thánh thiện,

Giữa những ngày vinh quang của Mẹ,

Xin Mẹ đừng quên

Những âu sầu thê lương tại thế.

 

Xin Mẹ thương nhìn đến bao người

Đang vùi dập trong đau khổ,

Những người phải chiến đấu

Với bao gian nan thử thách,

Và những người không ngừng

Nếm cảm những đắng cay cuộc đời.

 

Xin Mẹ thương những người yêu nhau

Mà phải chia lìa xa cách.

 

Xin Mẹ thương những người cô đơn

Trong tâm hồn và trong cuộc sống,

Xin thương sự yếu đuối

Của niềm tin non trẻ của chúng con.

 

Xin thương tất cả những gì

Chúng con hằng âu yếm chắt chiu. 

 

Xin thương những kẻ đang than khóc,

Những kẻ đang run sợ trước cuộc đời sóng gió.

 

Xin Mẹ ban cho tất cả mọi người:

Sự bình an và niềm hy vọng. Amen.” 

(Lời kinh “Nữ Trinh thánh thiện” của Henry Perreyre, sách LKĐNTNK, trang 76-77). 

ĐỨC MẸ FATIMA  

Vào ngày 14-09-1998, tôi đã đến kính viếng Đức Mẹ Fatima, sau khi đi xe lửa vượt qua nhiều miền đất khô cằn, nắng cháy của nước Bồ-Đào-Nha. Phô bày đó đây vài cây sồi đứng chơ vơ giữa những đồng không mông quạnh.  

Ban ngày tôi đi dạo quanh khu vườn Fatima và không có chút xúc cảm gì trong tâm hồn. Nhưng khi màn đêm buông xuống, sự yên tĩnh trở về với cảnh vật, tôi vào quì cầu nguyện ở đài Đức Mẹ hiện ra, nơi mà trước kia có cây sồi là chỗ gặp gỡ giữa Đức Mẹ và ba trẻ. Lúc bấy giờ tôi mới cảm thấy tâm hồn mình xúc cảm mãnh liệt như thấy chính Đức Mẹ đang nhìn và âm thầm nói chuyện với tôi.

 Trong giây phút linh thiêng đó, tôi đã phó thác cho Mẹ cuộc sống của tôi, với quá khứ cũng như hiện tại và tương lai:  

“Lạy Mẹ,

Con phó thác đời con cho Mẹ:

Nầy là ưu điểm của con,

Nhờ Mẹ con sẽ thăng hoa.

 

Nầy là nhược điểm của con,

Nhờ Mẹ con sẽ tu sửa.

 

Nầy là tội lỗi của con,

Nhờ Mẹ con sẽ xa lánh.

 

Con tín thác mọi sự nơi Mẹ:

Trong lao động, xin Mẹ chỉ dạy cho con;

Trong đau khổ, xin Mẹ nâng đỡ con;

Trong nỗi vui mầng, xin Mẹ thánh hóa con;

Và trong cuộc đời lữ thứ,

Xin Mẹ hướng dẫn con.

 

Con không thắc mắc Mẹ hướng dẫn con đi đâu,

Con chỉ cần biết là Mẹ đang dẫn dắt con là đủ rồi.

Vì nơi nào Mẹ muốn dắt con tới

Thì con biết rằng đó là nơi con phải đến;

Vì thế con đặt trọn niềm tin nơi Mẹ.”  

(Lời kinh “Tín thác nơi Mẹ” của Ludovic Giraud, sách LKĐNTNK, trang 46)  

ĐỨC MẸ XUỐNG PHƯỚC  

Ngày 22-9-1998, tôi đã đi kính viếng nhà nguyện Notre Dame de la Médaille Miraculeuse ở đường du Bac, Paris. Đó là nơi Đức Mẹ đã hiện ra với bà Thánh Catherine Labouré và đã ban nhiều ơn phước cho những ai mang “Anh Nhiệm Lạ” của Mẹ.  

Tôi nghe kể lại là bên cạnh Đền Thánh Đức Mẹ có một siêu thị rất lớn mà trước đây đã xảy ra một cuộc hỏa hoạn thiêu rụi siêu thị đó, nhưng Đền Thánh Đức Mẹ ở kế bên vẫn nguyên vẹn. 

ĐỨC MẸ CỨU SỐNG GIA ĐÌNH ĐÁNH CÁ 

Trong một làng miền duyên hải, có một gia đình đạo đức, chuyên nghề đánh cá, nhưng rất sùng kính và đặt niềm tín thác nơi Đức Mẹ. Một hôm các con ra khơi thả lưới, chẳng may gặp cơn giông tố khiến con thuyền phiêu bạt như lá tre trên mặt biển mênh mông. Thấy trường hợp nguy đến tính mạng, người cha cương quyết lên một chiếc bè ra khơi tìm thuyền các con để chèo chống cho qua cơn nguy hiểm, chẳng may bè của ông cũng phiêu bạt một nơi vô định. Trong lúc lâm nguy, ông không biết làm gì hơn là kêu cứu Đức Mẹ thương giúp, miệng luôn đọc kinh Kính Mừng.  

Qua một ngày một đêm vật lộn với sóng gió trên biển cả, phần đói rét, phần mỏi mệt, ông không còn sức chống chỏi được nữa, đành nằm ngửa trên cái bè đang trôi theo chiều gió, trong lòng vẫn thầm thĩ kêu van và đặt hết tin tưởng vào quyền phép Đức Mẹ. Bỗng chốc ông thấy có người đi xuống từ chiếc tàu cứu cấp…  

Sau mấy giờ lấy lại sức, ông được vị thuyền trưởng Công giáo đến chúc mầng ông thoát nạn và cho biết: đáng lẽ tàu của ông không đi lối nầy, nhưng không hiểu có sức nhiệm lạ nào ép ông hạ lệnh cho con tàu rẽ sóng qua đây. Bây giờ gặp người cha đó, vị thuyền trưởng mới hiểu được lý do của sức nhiệm lạ kia.  

Đang khi hai người còn tiếp tục nói chuyện thì thủy thủ lại bắt gặp một con thuyền lênh đênh trên mặt biển, trong đó có mấy thanh niên đang vật lộn với mưa bão. Sau mấy phút, những nạn nhân đó lại được cứu sống. Khi lên tàu, cha con lại được gặp nhau, sau những giờ phút chiến đấu với tử thần. Họ không còn hồ nghi gì nữa về sự can thiệp đắc lực của Đức Mẹ, vì trong lúc lâm nguy, cha con đều đồng tâm đặt hết niềm tin vào quyền phép và lòng thương xót bao la của Đức Mẹ đối với những ai hết lòng tin tưởng và trông cậy vào Ngài.  

HÀN MẶC TỬ VÀ MẸ MARIA  

Trong thi đàn Việt-Nam, Hàn Mặc Tử là một thi sĩ Công giáo, tài hoa nhưng bạc mệnh vì chẳng may cuối đời đã lâm vào cảnh bất hạnh với chứng bệnh phong Hansen. Vũ Ngọc Phan là một nhà phê bình văn học đã viết về Hàn Mặc Tử như sau:  

“Chứng bệnh của thi sĩ, cuộc đời đầy đau thương của thi sĩ, lời thơ thành thật của ông, khi nghẹn ngào, khi hoạt bát, nhưng bao giờ cũng chan chứa tình tứ hay một tin tưởng cao xa, đã làm cho nhiều người chú ý đến đời ông và thơ ông.” 

(“Nhà Văn Hiện Đại”, tập hai, trang 706). 

Về thơ Hàn-Mặc-Tử, chính thi sĩ đã viết trong Lời Tựa tập thơ của ông như sau:  

“Tôi làm thơ?

Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng,

Anh sẽ thấy hơi đàn lã lướt theo hơi thở của hồn tôi và chìu theo những sóng điện nóng ran trút xuống bởi năm đầu ngón tay uyển chuyển,

Anh sẽ run theo khúc ngân nga của tơ đồng, sẽ để mặc cho giai nhân rền rĩ nuối không ngưng,

Và anh sẽ cảm giác lạ, nhìn không chớp mắt khi một tia sáng xôn xao lại có vì Sao vỡ.

Những thứ ấy là âm điệu của thơ tôi, âm điệu thiêng liêng tạo ra trong khi máu cuồng rên vang dưới ngòi bút.

……  

Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của Tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống.”  

Và nơi khác, Hàn-Mặc Tử đã diễn đạt tâm tư mình thành những vần thơ rướm máu như sau:  

“Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút;

Mỗi lời thơ đều dính não cân ta.

Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt,

Như mê mang chết điếng cả làn da.

 

Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết,

Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh;

Đừng nắm lại nguồn thơ ta đương siết,

Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh.”  

Với tất cả những tơ lòng não trạng đó, Hàn-Mặc-Tử đã hướng tâm hồn đau thương của mình lên Mẹ Thiên Chúa để sáng tác bài thơ “Thánh Nữ Đồng Trinh Maria”, tức “Ave Maria” như dưới đây, khiến độc giả cảm thấy ngất ngây khi ngâm lại những vần thơ bất hủ đó của thi sĩ: 

“Như song lộc triều nguyên: ơn phước cả,

Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng.

Thơm tho bay cho đến cõi Thiên đàng

Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.

Và Tổng Lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ

……  

Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!

Run như run thần tử thấy long nhan,

Run như run hơi thở chạm tơ vàng…

Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn tríu mến.

 

Lạy Bà là Đấng tinh truyền thánh vẹn,

Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi,

Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy

Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.

Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ:

Giòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ.

Bút tôi reo như châu ngọc đền vua;

Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị…

Và trong miệng ngâm câu ca huyền bí,

Và trong tay nắm một nạm hào quang…

 

Tôi no rồi, ơn vô lộ hòa chan.

Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ.

Ngọc như ý vô tri còn biết cả

Huống chi tôi là Thánh Thể kết tinh.

Tôi ưa nhìn Bắc đẩu rạng bình minh,

Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới…

Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi,

Tham dường bao cho miệng lưỡi khong khen.

 

Hởi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel,

Khi Người xuống truyền tin cho Thánh nữ,

Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?

Người có nghe náo động cả muôn trời?

 

Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời

Để ca tụng – bằng hoa hương sáng láng

Bằng tràng hạt, bằng Sao mai chiếu rạng

Một đêm xuân là rất đỗi anh linh!

……

Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp,

Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập

Cả hàn giang, cả màu sắc thiên không

Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng

Cho sốt sắng, cho đê mê nguyện ước…

 

Tâu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước,

Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm,

Thơ trong trắng như một khối băng tâm

Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu;

Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu,

Cho đê mê âm nhạc và thanh hương,

Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng,

Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ,

Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ

Nguồn thiêng liêng yêu chuộng MẸ SẦU BI.”

 

Nhà Văn HƯƠNG VĨNH

Tác giả:  Nhà Văn Hương Vĩnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!