Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Đăng Trúc
Mục Lục

Phần I: Canh tân trong Chúa Thánh Thần và phục vụ con người

Chương I: Đối diện với Chúa

Chương II: Phục vụ con người

Chương III: Những tông đồ của Chúa Kitô

Chương IV: Giữa đời

Phần II : Canh tân và Quyền lực tối tăm

Chương I : Giáo Hội và ‘Những Quyền lực của tăm tối’

Chương II : Canh tân đoàn sủng và ' các quyền lực của bóng tối'

Chương III : Canh tân trong lòng Giáo Hội

Phần III : Một hiện tượng gây tranh luận, ngây ngất trong Thánh Thần

Chương II : Kiểm Thảo

Chương III : Trên bình diện mục vụ

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Nhân quyền và Giáo hội - Những suy tư lịch sử và thần học

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Hai)

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Một)

Giêsu-Kitô

Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động của Giáo Hội

Tông huấn Christifideles Laici

Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động của Giáo Hội
Chương I: Đối diện với Chúa

Dom Helder Câmara

1. Thiên Chúa Đấng tạo dựng vũ trụ

Tùy mức độ và với những lối diễn tả khác nhau, con người thường hé thấy được Đấng Tạo Dựng (= Đấng Hóa Công) nơi vũ trụ. Trời đất mặt trời và tinh tú; biển cả và sông hồ; núi đồi… mọi vật dẫn đưa con người tưởng nhớ đến Đấng Tạo Dựng và Chúa Tể muôn loài…

Con người thường cảm thấy bé nhỏ trước vũ trụ thiên nhiên bao la và đầy uy lực. Núi rừng, loài vật – nhất là những mãnh thú hung hăng -, giông bão, thôi thúc con người kêu đến Đấng Tối Cao để xót thương và cứu thoát; Đấng Tối Cao ấy không ai thấy nhưng con người cảm nhận Vị ấy có thực và đầy quyền năng uy dũng.

Khi trời khô hạn, mây mưa trốn đi đằng nào không hay, khi loài vật đói khát cỏ cây héo tàn, con người lại xin Đấng Toàn Năng chở che, Đấng mà người ta cho là ở trên các tầng mây, trên núi rừng xa thẳm. Rồi con người tự nghĩ ra việc giết chết và tế sinh loài vật như hy sinh sự sống chính mình, để làm hòa với ý muốn tối cao của Chúa Tể càn khôn.

Con người chứng kiến sấm chớp bão bùng và tưởng nghĩ là Trời nổi giận. Con người tìm mọi cách để giải minh cảnh trời đất bao la im lặng, mây gió và tinh tú muôn ngàn.

Nơi nào có cộng đồng lớn nhỏ nào tập họp thì hầu như nơi ấy cũng có một số người đóng vai trò thần thánh và được xem là kẻ được Đấng Tối Cao chọn riêng để tìm cách biết được ý Trời.

Dưới Đấng Chúa Tể trời đất ấy, có những tôn giáo đây đó, có những nhóm người khác nhau còn kêu cầu đến những vị thần khác ít quyền phép hơn nhưng lại chuyên trách một lãnh vực hoặc một vài uy lực riêng trong vũ trụ. Lối nhìn đó không phải là lối nhìn của kitô giáo, cũng không phải là lối nhìn của dân Israel mà Kitô giáo tiếp nối và đào sâu trong niềm tin vào Thiên Chúa.

2. Chúa mặc khải đường lối cứu độ của Ngài

Thiên Chúa đã dùng một giao ước đặc biệt để chọn dân Do thái, giữa muôn dân, làm nhân chứng cho Ngài, nhất là làm nhân chứng về một Thiên Chúa duy nhất. Dân ấy nhìn nhận và tuyên dương một Chúa duy nhất và là Thầy duy nhất, một Thiên Chúa rất thánh.

Chúng ta tin vào Thiên Chúa Đấng tạo dựng vũ trụ, Đấng đã muốn con người làm ‘kẻ cùng-tạo dựng với Ngài’. Ngài đã trao cho con người trách vụ thống trị thiên nhiên và hoàn thành công cuộc tạo dựng.

Chúa ở khắp nơi và chúng ta hít thở, hành động và sống trong Ngài. Nhưng Ngài không bằng lòng với tình trạng để con người chìm ngập vào trong Ngài như toàn thể các tạo vật khác. Trong công trình tạo dựng của Ngài, Chúa ở khắp nơi, lại muốn có một giao ước thân mật riêng, rất đặc biệt với con người.

Không những Ngài muốn ban cho con người hiện hữu và linh loạt trong sự sống, nhưng còn muốn đưa con người vào ngay trong chính sự sống thâm sâu của Ngài. Ngài đã ký kết một giao ước mới và vĩnh viễn với con người.

3. Thiên Chúa Đấng nhập thể

Nhằm nâng đỡ dân làm chứng về lòng tin của mình vào Thiên Chúa duy nhất, Thiên Chúa đã gửi đến cho họ những vị tổ phụ và những vị tiên tri. Nhưng khi thời gian đã đầy và đến đỉnh cao, thì Ngài gửi chính Con Ngài nhập thể, mang bản tính con người trong lòng Trinh Nữ Maria nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.

Thiên Chúa đã làm người trong Chúa Giêsu Kitô.

Nhờ vậy mà Đức Kitô đến giữa chúng ta, sống trên cõi trần của chúng ta, mang đến cho chúng ta một mặc khải diệu kỳ. Ngài đã mặc khải cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa Toàn Năng và Tối Cao, Cha của mọi người, muốn chúng ta trở thành nghĩa tử của Ngài, được kêu mời để tham gia chính sự sống của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô – Con Duy Nhất của Ngài.

Cũng như Cha Ngài trong công cuộc tạo dựng, Người-Chúa, anh chúng ta, đã muốn chúng ta hoàn thành công cuộc cứu chuộc mà Ngài đã thực hiện. Ngài muốn chúng ta ‘cùng cứu chuộc’ với Ngài, để hoàn thành công cuộc giải thoát khỏi tội lỗi và những hệ lụy từ tình trạng đó, nơi chúng ta và với chúng ta.

Cuối cùng, Chúa Thánh Thần, noi theo lối Chúa Cha trong công cuộc tạo dựng và noi theo lối Chúa Con trong công cuộc cứu chuộc, lại muốn chúng ta hợp tác với công cuộc thánh hóa trường kỳ của Ngài. Với một cách nói nào đó, chúng ta có thể diễn tả rằng Ngài ao ước chúng ta trở nên dụng cụ ‘cùng – thánh hóa’ của Ngài.

Trong thân phận làm người, chúng ta có bổn phận tương hợp với những chủ định này của Thiên Chúa, những chủ định vượt quá những ước mơ táo bạo nhất của chúng ta.

Một khi chúng ta ý thức được những nguồn phong phú nơi thân phận làm người của chúng ta, chúng ta phải làm hết sức hết lòng mình để triển khai, với tư cách như là kẻ đang thể hiện sự sống thiên nhiên và đồng thời là kẻ thông dự và diễn đạt sự sống của Thiên Chúa.

Tác giả Thánh Vịnh dạy chúng ta hãy để muôn loài mượn lời chúng ta. Tiếp lời thánh Phanxicô Assisi, chúng ta nên cùng nhau hát bản hoan ca về các tạo vật, và chấp nhận ý nghĩa danh xưng ‘cùng-tạo dựng’ của chúng ta.

Chúng ta không nghĩ mình tốt hơn ai, nhưng để khai triển nguồn phong phú Chúa ban nhưng không cho chúng ta, chúng ta cần:

- dâng lên Chúa những khắc khoải và ngặt nghèo của chúng ta khi gặp khốn khó, nhưng cũng phải biết mở lòng mình để vui mừng tôn vinh thờ lạy Chúa, cảm thấy hạnh phúc trước sự hiện diện và vinh quang cao cả của Ngài, vì Ngài là Thiên Chúa.

- cố gắng liên tục thăng tiến, vượt thắng vị kỷ, nới rộng sức hiểu biết, thứ tha và lòng thương mến của chúng ta.

- sống cụ thể « ngày hôm nay » của Chúa mỗi nơi mỗi hoàn cảnh mà Chúa đặt để cho chúng ta; cố gắng kiên trì làm người lữ hành hướng về tuyệt đối, làm người công dân của Vĩnh Cửu;

- Hãy nhìn bất cứ ai với cả lòng kính trọng và chí tình. Bất cứ người ấy nói ngôn ngữ nào, thuộc chủng tộc nào, tôn giáo nào, thì người kitô hữu cũng có thể và phải nói rằng: ‘đây là người anh, người chị của tôi’. Và kitô hữu cũng có thể và phải nói thêm được rằng: ‘đây là người anh, người chị ruột của tôi’, vì người ấy và tôi đều được chính máu của Đức Kitô đổ ra để cứu hai chúng tôi cũng như để cứu mọi người.

4. Cầu nguyện mở lối tiếp xúc với Chúa

Lối mở ra, ý thức trách nhiệm với Thiên Chúa được sống, được thực thi trong tác động cầu nguyện trực tiếp đưa chúng ta tiếp xúc với Thiên Chúa, nối chúng ta liên mạch vào Ngài. Không cầu nguyện, thì không thông mạch, và không còn có nhịp thở của kitô giáo trong mình.

Tôi xin được phép thêm vào đoạn này kinh nghiệm riêng của tôi trong cuộc sống làm người của mình.

Năm 1931, lúc tôi được 22 tuổi rưỡi, tôi được trao ban tác vụ linh mục; bấy giờ tôi cư ngụ ở Fortaleza, một thủ phủ nhỏ thuộc miền đông-bắc nước Ba -Tây.

Ngay thời đó, tôi đã hiểu được rằng, vì mình đã quyết định hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa và cho người bên cạnh, thì tuyệt đối mình phải dành khoảng trống và thì giờ để lắng nghe Chúa và để cầu nguyện. Vì nếu không làm như thế thì không mấy chốc tôi sẽ rỗng tuếch, và không còn có gì để cống hiến cho anh em mình và cho Chúa.

Từ đó, tôi lợi dụng ơn Chúa cho tôi dễ thức dễ ngủ để canh thức mỗi đêm từ hai giờ sáng và cầu nguyện trong hai giờ liền.

Đừng tưởng là tôi là kẻ chịu khó hãm mình đền tội! ‘Canh thức và cầu nguyện’ không phải là một cực hình đối với tôi. Tôi khám phá được rằng chúng ta bất công với tâm hồn chúng ta nếu chúng ta không cho nó có cơ hội hồi sức, y như đêm đến chúng ta từng để thân xác chúng ta ngơi nghỉ.

Có những lối nghỉ ngơi riêng dành cho tâm hồn: như tiếp cận với thiên nhiên, nghe nhạc, hàn huyên với bè bạn, và đối với kẻ có niềm vui khi chấp nhân đức tin thì đó là lắng nghe Chúa và thưa chuyện với Ngài.

Khi canh thức, việc tôi lo lắng đầu tiên là nối kết lại con người tôi. Suốt ngày, con người tôi phân tán: mắt, tay, chân của tôi mỗi bộ phân đi theo mỗi hướng khác nhau.

Trong những giờ phút thanh thản ban đêm, tôi cố nối kết mọi sự vào cuộc sống liên tục của mình. Dòng liên tục sinh động đó ở trong Chúa Kitô từ phép rửa của chúng ta.

Trong những lúc đó lời cầu nguyện của hồng y Newman thường hay xuất hiện trong đầu óc tôi. Ngài thường nói (tôi ghi lại tinh thần lời kinh hơn là chép từng chữ): “Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa đừng quá thu mình lại quá kín bên trong con! Xin Chúa hãy nhìn bằng mắt con, nghe bằng tai con, nói bằng miệng con, cho bằng tay con, đi bằng chân con… Ước chi sự hiện diện yếu hèn của thân con gợi lên được một chút gì về sự hiện diện thần thánh của Chúa!”

Một khi ‘kết hiệp làm một’ với Chúa Kitô, thì có niềm vui nào sung sướng hơn là nói chuyện với ‘Chúa Cha’ nhân danh mọi người ở mọi lúc mọi nơi… Cả hai kết thành ‘một’, chúng tôi thờ lạy Cha chúng tôi (và lúc ấy tôi nhớ lại những gì đẹp nhất mà mắt tôi đã thấy được), chúng tôi cám ơn Cha chúng tôi, chúng tôi tha thứ (và lúc ấy tôi nói: lạy Chúa, con đúng là một sứ thần đặc loại cho sự yếu đuối con người, vì mọi tội lỗi mà con phạm, hoặc đã phạm hoặc sẽ phạm), chúng tôi dâng lên Cha chúng tôi những lời cầu xin của mọi người trong nhân loại là anh em chúng tôi…

Lúc dâng lời cầu xin như thế, tôi thích trình với Chúa một danh sách những diễn tiến của ngày hôm trước:

- “Con đã gặp người nhân công thất nghiệp ấy… Con nhớ đến người đó rõ ràng. Nhưng con (chúng con) nghĩ đến mọi người hôm nay đang mất công ăn việc làm… ”

- “Con đã gặp một thanh nữ hớn hở vui đời… Con nghĩ đến cô ta, và đến mọi người thanh niên nam nữ với những vấn đề, niềm hy vọng hoặc nỗi ê chề của họ”.

Hẳn nhiên tôi không quên sách kinh nhật tụng của mình. Và những giây phút mang lại vui đẹp, phong phú đó luôn đến với tôi từ mối hiệp nhất với Đức Kitô.

Canh thức cầu nguyện như thế chuẩn bị tôi đi vào việc cử hành Thánh Thể, là đỉnh cao của ngày sống của mình.

Và nhờ ơn Chúa, Thánh Thể xuyên suốt cả ngày vì mọi sự nay trở nên Dâng lễ, Hiến lễ và Hiệp lễ…

Tôi thú thực với các bạn là bằng cách này Chúa ban cho tôi muôn nghìn lý lẽ để sống!

*

Tôi cũng xin phép được gợi lên đây niềm vui và nét cao đẹp của lối cầu nguyện cộng đồng trong các cộng đoàn cơ sở của chúng tôi!

Một cuộc lễ cử hành phép rửa tội trong một cộng đoàn cơ sở là một cái gì khác hơn một sự kiện xã hội hoặc gia đình thường được xem một cách giản lược là việc chọn cho đứa bé một người đỡ đầu bảo vệ nó. Trong biến cố này, cộng đoàn phải sống nhịp liên kết của toàn cộng đồng Giáo Hội.

Toàn cộng đoàn chuẩn bị mừng đón một phần tử mới gia nhập chính thức vào Giáo Hội và vào cộng đoàn, là hình ảnh sống động của Giáo Hội – Mẹ.

Các bí tích khác cũng như thế. Lễ cử hành phép thêm sức trong cộng đoàn không tươi vui và đầy hứng khởi hay sao! Rồi phép hôn phối, lễ trao tác vụ linh mục và ngay cả giám mục được cử hành trong những điều kiện tương tự!

Để thực hiện được những cuộc cử hành bí tích trong bối cảnh nói trên, ta phải có một giá để trả: đây không phải chỉ là công việc tùy nghi, làm cho có, xưa bày nay làm. Nhưng khi ta thực sự cử hành các lễ nghi cộng đồng, ta hẳn có được những hứng khởi y như những gì đã xảy ra vào thời kỳ đầu của Giáo Hội và bước gần đến đỉnh cao cuộc sống kitô giáo: làm nên một lòng một dạ trong Đức Kitô.

*

Kitô hữu trong chiều kích tôn giáo của mình là kitô hữu ở đúng vị trí của mình: người ấy kết hợp làm một với Chúa Kitô, và trong Ngài và nhờ Ngài mở ra với toàn bộ cuộc sống của mọi người. Kitô hữu là anh em với mọi người trong mọi hoàn cảnh, cần mẫn cầu nguyện, thể hiện ra bên ngoài và cùng với kẻ khác, tha thiết tham gia chiều kích cộng đồng.

Tôi đã cố gắng diễn tả nội dung này qua vài hàng thô thiển sau đây:

      

Ngươi vẫn mãi nghèo nàn

khi chưa từng hay biết:

không phải mở hai mắt

ắt thấy được nguồn căn.

Ngươi sẽ mãi ngây ngô

khi chưa từng cảm nghiệm:

miệng môi dù đóng kín,

thinh lặng còn hùng hồn

hơn là lời nói suông.

Ngươi sẽ mãi lúng túng

khi chưa từng kinh qua:

hai tay ngươi chấp lại

có thể tác động nhiều

hơn đôi tay vung vít

rất dễ gây thương tích

vô tình hại người ta.    

*

ĐỐI DIỆN VỚI CHÚA

Hồng Y Suenens

‘Kết hợp làm một với Chúa Kitô’: Dom Helder Câmara vừa nhắc lại sinh lực dấy lên ơn gọi chiêm niệm của người kitô hữu.

Đến phiên tôi, tôi mong được nói đến nội dung hàm ngụ trong sinh lực ấy đối vối những ai muốn làm môn đệ chân thật của Chúa trong hoàn cảnh xã hội ngày hôm nay.

1. Kitô giáo, đó chính là Chúa Giêsu Kitô

Thảm kịch tôn giáo của thời đại chúng ta trước hết không ở nơi tình trạng hiếm hoi về ơn gọi tu sĩ hoặc linh mục, cũng không ở nơi sự sút giảm số người tham dự thánh lễ ngày chủ nhật. Thảm trạng chính là khuôn mặt Chúa Giêsu-Kitô đã phai mờ trong tâm hồn người kitô hữu.

Thông thường người ta có thói quen trình bày kitô giáo với mọi người như một ý hệ, một nền đạo đức khôn ngoan, một lối nhìn về các thang cấp giá trị. Kitô giáo được hiểu như một ‘thuyết’ nào đó, có thể đáng được ta lưu ý hơn các học thuyết khác. Nhưng khẩn thiết phải nhắc lại cho kitô hữu hay rằng kitô giáo chính là Chúa Giêsu-Kitô. Ngài là Đấng duy nhất và không thể diễn tả, vừa mang bản tính con người vừa mang bản tính Thiên Chúa, là trung tâm của quá khứ, hiện tại và tương lai, của mọi tạo vật và của thế giới.

“Ở giữa các ngươi, có một đấng mà các ngươi không biết ” (Gioan 1,26): Lời tuyên dương của Gioan-Tẩy giả nói với người đương thời chúng ta như trước đây đã từng nói với các môn đệ của vị Tiền hô này. Thế hệ chúng ta phải gặp đích thân Đức Giêsu-Kitô như các môn đệ trên đường Êmau vào buổi chiều ngày Phục Sinh; và phải nhận ra sự hiện diện, muôn nghìn cách hiện diện của Ngài giữa chúng ta.

Vị trí của kitô giáo xét về mặt xã hội học đã đổi thay. Kitô giáo không còn là một gia sản cha truyền con nối; nó không thấm nhập vào trong nếp sống hằng ngày chung quanh chúng ta; nó đã bị chối từ hoặc đặt thành vấn đề. Không phải mình sinh ra đương nhiên vốn đã là người kitô hữu như trước đây người ta từng nghĩ như thế nữa!

Hơn bao giờ hết, từ nay đứa bé đã được rửa tội lúc sơ sinh cần phải tự mình chọn lựa một cách ý thức những cam kết dấn thân làm kitô hữu mà trước đây kẻ khác đã thực hiện nhân danh mình. Cập kề tuổi trưởng thành, người thanh niên sẽ khám phá ra Đức Giêsu trong tương quan thân thiết với chính đời mình. Người ấy cần tiếp nhận một cách ý thức một lối phục hoạt ơn phép rửa ‘trong Thánh Thần và trong lửa’. Cần sáng suốt để đón nhận Thánh Thần đến đổi thay đời mình, biến con người mình thành một kitô hữu linh hoạt, trách nhiệm về cuộc sống đức tin của mình và biết thực hiện đức tin ấy trong cuộc sống và trong sinh hoạt trần thế.

Hoàn cảnh mới đòi hỏi chúng ta định vị bản sắc kitô hữu với những giá mới phải trả.       

2. Nét đặc loại của Kitô giáo

Ngày nay, người ta muốn trả lời một cách rõ rệt câu hỏi này: kitô giáo thực sự mang lại cái gì hơn cho cuộc sống để cuộc sống ấy đáng làm người hơn, tốt lành và đại độ hơn? Người kitô hữu có gì khác với một người thực sự yêu người đồng loại mình? Những câu như chúng tôi vừa nói trước đây: ‘kết thành một trong Đức Kitô’, ‘liên kết với nhau trong Đức Kitô’, nghĩa là gì? Và thánh Phaolô muốn nói điều gì khi ngài kêu lên: “Đối với tôi, sống là Đức Giêsu Kitô ” (Ph 1,22)? Bốc đồng mà nói hay đây là sự biểu lộ niềm tin sống động?

Không thể nào có được canh tân đoàn sủng trong Giáo Hội khi người đã chịu phép rửa không hiểu và không chấp nhận những đòi hỏi của phép rửa, khi người ấy không gắn liền ơn gọi đó với cuộc sống của mình. Chính Chúa Giêsu Kitô thiết định bản sắc kitô giáo chứ không phải chúng ta: mẫu mực không phải là một khuôn khổ trung bình tốt lành vừa đủ theo đo lường của thống kê dựa vào lối sống của đa số người kitô hữu. Để thiết định mẫu mực này, cần trả lời câu hỏi chính xác: Chúa mong chờ gì nơi những kẻ Ngài gọi để đi theo Ngài, và những kitô hữu tiên khởi đã hiểu thế nào về ơn gọi của họ?

Sách Công Vụ các tông đồ sẽ cho chúng ta câu giải đáp.

3. Kitô giáo mẫu mực

Sách Công Vụ mô tả một số nét về tác phong ‘mẫu mực’ của các kitô hữu tiên khởi. “Các môn đệ tỏ ra chuyên tâm nghe lời giảng dạy của các tông đồ, trung kiên với cuộc sống hiệp thông huynh đệ, với việc bẻ bánh và cầu nguyện ” (CV 2,42). Đây là hình ảnh của những cộng đồng tông truyền, huynh đệ, thánh thể, siêu nhiên.

Người ta chứng kiến người kitô hữu sống kết hiệp trong tình cha – con với Thiên Chúa, biểu lộ trong lối cầu nguyện chung với nhau và đặc biệt qua việc cử hành thánh thể ngày chủ nhật. Người ta cũng thấy kitô hữu sống hiệp thông huynh đệ; một cuộc sống hiệp thông trước hết là cùng chung một tấm lòng và đặc biệt lo lắng cho những người gặp khó khăn hơn cả, đến độ bỏ của cải làm của chung.

Tương quan chiều dọc đưa kitô hữu hướng về Thiên Chúa là Cha trong tâm tình thờ lạy, tạ ơn và khẩn cầu. Tương quan chiều ngang dẫn họ mở lòng ra với kẻ khác và biết đến những nhu cầu của anh em.

Tình huynh đệ chia sẻ giữa họ với nhau làm cho người ngoài ngạc nhiên về đức bác ái cao độ: “Hãy xem họ thương yêu nhau biết chừng nào!”.

Phục hoạt lại nguồn suối của một kitô giáo chân thực chính là việc đưa chúng ta vào hai chiều kích đó.

Để đo lường khoảng cách của lề lối sống đạo của chúng ta với cuộc sống ‘kitô giáo bình thường’ – ‘theo nghĩa là mẫu mực’, thì ở đây chúng ta nhắc lại là phải đặt câu hỏi căn bản: Chúa Giêsu chờ đợi gì nơi các tông đồ của Ngài? Chúng ta có khuynh hướng định nghĩa kitô hữu dựa vào việc tham gia nghi lễ hoặc một số thái độ được xem là đạo hạnh. Nhưng chừng đó có phải là trọn nghĩa kitô giáo hay không? Có phải đó là nét căn bản không? Hình ảnh mà Phúc Âm và Sách Công Vụ cống hiến cho ta khác hẳn lối nhìn ấy: ngay danh xưng ‘các kitô hữu’ lần đầu tiên được dùng để gọi các môn đệ ở Antiokia chỉ cho ta biết nét đặc loại này là mối tương quan nền tảng và đặc biệt với Chúa Giêsu-Kitô, Đấng được phục sinh.

Người ta không thể nào lầm về lý lịch của kitô hữu:

- Kitô hữu là người đã đi vào mối liên hệ thân thiết và sinh động với Đức Giêsu, nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ và là Chúa của mình;

- Người ấy không ở riêng lẽ: nhưng sống gắn bó với Đức Kitô như chi thể với toàn thân qua một cộng đồng Giáo Hội địa phương;

- Theo lệnh của Thầy mình, người ấy biết mình được gọi để mang lại hoa trái, vừa bằng nỗ lực rao truyền Phúc Âm vừa bằng việc dấn thân phục vụ con người.

Đó là người kitô hữu ‘bình thường’, tự căn, trưởng thành. Khi đã quyết định bước theo Thầy, thì ngươi ấy chấp nhận trả cái giá trung kiên của mình – cho đến việc làm chứng tối hậu – kể cả tử đạo.

4. Đối với tôi, sống là Chúa Giêsu Kitô

Theo đúng nghĩa, phải nhìn nhận rằng chỉ có một kitô hữu trọn vẹn đó là chính Đức Kitô. Nhưng chúng ta hãy để cho Ngài biến cải cuộc đời chúng ta và hãy đón nhận sự toàn mãn nơi Ngài.

‘Đối với tôi, sống là Đức Giêsu Kitô’. Câu nói đó có nghĩa gì, nếu không phải kitô hữu là một người tước bỏ chính mình và để Đức Kitô thấm nhập vào cuộc sống cụ thể của mình trong mọi phương diện?

Sống là thấy, là yêu, là nói, là di chuyển.

Sống trong Chúa Giêsu Kitô là thấy với mắt của Ngài, yêu với tâm hồn của Ngài, nói với môi miệng của Ngài và đặt chân ta trong bước đi của Ngài.

Chúng ta không đi vào chi tiết các yêu sách tôn giáo của kitô giáo; chúng ta chỉ nêu lên đây cái gì tiêu biểu cho nét đặc loại kitô giáo trong việc phục vụ anh em chúng ta.

Kitô hữu nhìn nhận sự cao cả của việc phục vụ, tình liên đới, tình nhân loại tương liên; nhưng kitô hữu ý thức và cảm thấy mình được kêu mời để sống những tương quan ấy kết hiệp với Đấng đã yêu thương chúng ta và đã phó mạng sống Ngài cho chúng ta. Kitô giáo đòi hỏi chúng ta đến với anh em chúng ta với chính tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Trong phụng vụ, Giáo Hội thường nhắc lại cho chúng ta lời của tiên tri Ézéchiel (36,26-27):

      

       Ta sẽ cho ngươi một trái tim mới

       Ta sẽ thổi vào ngươi một tinh thần mới

       Ta sẽ cất khỏi ngươi trái tim đá và

       Ta sẽ ban cho ngươi một trái tim bằng thịt,

       Ta sẽ thổi vào ngươi Hơi Thở của ta.  

5. Yêu thương với trái tim của Chúa Kitô

Thiên Chúa sẽ thay tâm hồn chai đá của chúng ta để làm cho chúng ta thương mến kẻ khác với trái tim của Ngài. Đây là cuộc cách mạng nền tảng, cuộc đổi thay toàn diện, căn đế. Xét về mặt con người, tôi không đủ sức yêu nhiều người vượt ra ngoài phạm vi gia đình tôi, bạn bè tôi. Trái tim con người còn quá yếu khó mà đập cùng nhịp với những khổ đau ê chề của nhân loại. Nó sớm hụt hơi, và hụt hơi nhanh hơn nữa khi rán thương thực lòng những người khó thương, nhất là những kẻ thù nghịch với mình. Hứng khởi ấy (xét về mặt con người) không mấy chốc thì dừng lại mất, ngay khi mới gặp trở ngại !

Thế mà kitô giáo đã thực sự  vui sống, mỗi khi chúng ta yêu anh em mình, không phải với trái tim khốn khổ của chúng ta nhưng với chính trái tim của Chúa. Nói cho đúng thì con người chưa bằng lòng với lối yêu thương theo kiểu:  chẳng qua cũng ‘vì thương Chúa hoặc để thương Chúa’ mà người ta đành phải thương mình, làm như là mình được thương xuyên qua ai đó, thương gián tiếp!.

Con người kỳ thực cần được thương yêu ‘bằng’ chính tình thương của Chúa. Đây mới đúng là thực hiện được một sự biến cải toàn diện, đưa con người vượt lên sự hẹp hòi, xếp nếp, kỳ thị.     

*

Để hòa điệu với những lời của Newman mà Dom Helder gợi lên, tôi xin được kết thúc trang này để diễn tả lý lịch chúng ta trong Đức Giêsu Kitô qua những giòng chữ rất cảm động của Annie Johnson Flint:  

       Chúa Kitô đâu có tay nào khác

       ngoài bàn tay chúng ta

       để thực hiện công việc của Ngài hôm nay;

       Đâu có chân nào khác

        ngoài đôi chân chúng ta

       để dẫn đưa con người bước theo Ngài;

       Đâu có lưỡi nào khác

       ngoài miệng lưỡi chúng ta

       để nói cho người ta biết Ngài chết làm sao;

       Đâu có sự trợ giúp nào khác

       ngoài sự nâng đỡ của chúng ta

       để dìu họ về bên cạnh Ngài;

       * * *

       Chúng ta là cuốn Phúc Âm duy nhất

       mà người trần vô tư sẽ đọc;

       Chúng ta là Phúc Âm cho kẻ phạm tội,

       là lời tuyên xưng đức tin cho kẻ dèm pha,

       là sứ điệp tối thượng của Chúa,

       diễn tả nơi việc làm và lời nói chúng ta.

       * * *

       Nhưng sự thể ra sao

       nếu đời ta hắc ám,

       nếu bóng ta đục mờ,

       nếu tay ta vướng bận

       những việc làm ngược trái

       với ý Thầy chúng ta,

       nếu chân ta mãi bước

       bến mê nào tội lỗi,

       nếu miệng lưỡi của ta

       chỉ nói lời bất xứng

       với Lời Chúa Kitô?

       Làm sao mà hy vọng

       có thể giúp đỡ Ngài

       khi khăng khăng từ chối

       đường lối Thầy chúng ta. 2

GHI CHÚ

1 A. DONDEYNE, R. GUELLUY, A. LEONARD, ‘Comment s’articulent amour de Dieu et amour des hommes ?’, trong Revue Théologique de Louvain, năm thứ tư, 1973, tập 1 tr. 4

2 Trích trong Vocation et Victoire, ‘Tuyển tập tưởng nhớ và biết ơn Eric Wickberg’, Bâle, nxb Brunnen et Cie.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!