Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Đăng Trúc
Mục Lục

Phần I: Canh tân trong Chúa Thánh Thần và phục vụ con người

Chương I: Đối diện với Chúa

Chương II: Phục vụ con người

Chương III: Những tông đồ của Chúa Kitô

Chương IV: Giữa đời

Phần II : Canh tân và Quyền lực tối tăm

Chương I : Giáo Hội và ‘Những Quyền lực của tăm tối’

Chương II : Canh tân đoàn sủng và ' các quyền lực của bóng tối'

Chương III : Canh tân trong lòng Giáo Hội

Phần III : Một hiện tượng gây tranh luận, ngây ngất trong Thánh Thần

Chương II : Kiểm Thảo

Chương III : Trên bình diện mục vụ

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Nhân quyền và Giáo hội - Những suy tư lịch sử và thần học

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Hai)

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Một)

Giêsu-Kitô

Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động của Giáo Hội

Tông huấn Christifideles Laici

Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động của Giáo Hội
Chương III: Những tông đồ của Chúa Kitô

Hồng Y Suenens

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài đến tác tạo mọi sự…

Thành ngữ ‘tông đồ’ bao trùm nhiều thực tại và nhiều lãnh vực. Ở đây chúng ta nhấn mạnh đến ý nghĩa tôn giáo nguyên thủy, được hiểu là tác động tông đồ trực tiếp nhằm rao truyền Chúa Giêsu Kitô và Phúc Âm Ngài cũng như nhằm đưa Phúc Âm ấy vào cuộc sống. Tác động này đáp ứng lệnh của Thầy:

“Anh chị em hãy đi khắp thế gian, công bố Tin Mừng cho mọi người” (Mc, 16,15).

Sinh hoạt đó đi liền với lời hứa của Đức Giêsu khi Ngài nói với các môn đệ của Ngài:

“Các người sẽ nhận một sức mạnh, đó là sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sẽ tuôn đổ xuống trên các ngươi. Bấy giờ các ngươi sẽ là những chứng nhân của ta tại Giêrusalem, trong toàn vùng Giuđêa và Samaria cho đến tận cùng trái đất” (CV 1,8).

Chúng ta sẽ đề cập đến công tác tông đồ gắn liền với mầu nhiệm Chúa Thánh Thần hiện xuống, lúc ấy lần đầu tiên, qua lời nói của Phêrô, các tông đồ loan báo những kỳ công của Thiên Chúa.

Thánh Thần hiện xuống, đó là những lưỡi lửa đổ xuống trên đầu các Tông đồ: đó là biểu tượng của sứ mạng kitô hữu qua mọi thời đại, là câu thưa lại lời yêu cầu của Chúa Giêsu:

“Ta đến để mang lửa xuống trên trần gian và ta không ước ao gì ngoài việc mong lửa ấy cháy sáng lên” (Lc 12,49).

Đón nhận Thánh Thần và làm chứng Chúa Giêsu là một nội dung duy nhất: Thánh Thần chỉ đến để mặc khải Chúa Giêsu.

Ta có thể diễn tả chính xác thế này:

“Canh Tân trong Thánh Thần không phải được ân ban cho chúng ta để chúng ta làm ra một nhóm đoàn sủng như một nhóm riêng, nhưng được ân ban để rao truyền Phúc Âm cho thế giới”14, nghĩa là xúc tiến Nước Chúa đến giữa chúng ta. Việc làm ấy bao hàm toàn thể nhân loại.

Việc làm tông đồ của kitô hữu được đặt trên chặng đường tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu. Chúa Kitô mãi sinh ra một cách vô hình trong mỗi tâm hồn con người dưới tác động của Thánh Thần. Nhưng Chúa Giêsu đã mặc lấy thân phận con người và ở giữa lòng nhân loại. Rao giảng Phúc Âm vừa nối tiếp mầu nhiệm Chúa Thánh Thần hiện xuống vừa  nối tiếp mầu nhiệm Nhập Thể. Trong phần thứ nhất chương này, chúng ta sẽ nhấn mạnh đến khía cạnh làm tông đồ trong Thánh Thần. Phần hai chúng ta sẽ nêu rõ  khía cạnh nhập thể vào trong cuộc sống thế giới hôm nay.

1. Làm tông đồ bằng lời nói

Đức tin là để rao truyền; đức tin là ‘tin mừng’ chỉ mong được loan cho mọi người. Thánh Phaolô nói: “Tôi tin, vì thế mà tôi nói ” (2Co 4,13).

Đó là một mối liên hệ chặt chẽ: đức tin và nín lặng đương nhiên là khai trừ nhau. Hello từng nói: “Giáo Hội là một lời kinh Tuyên Xưng được hát lên ”. ‘Việc tuyên xưng đức tin’ gắn liền với kitô giáo. Một Giáo Hội không ‘năng động tuyên xưng đức tin’, mà chỉ là ‘nghi lễ’ hoặc ‘câm nín’, thì không đáp ứng được sứ mạng làm chứng Chúa Giêsu Kitô và đem Chúa Giêsu đến với thế giới.

Chúa chúng ta dạy chúng ta: “Thật thế, ai muốn cứu mạng mình, thì sẽ mất mạng ” (Mc 8,35). Đức tin của chúng ta cũng như thế: đức tin ấy chỉ sống động khi nó biết tràn lan, nó biết cống hiến cho kẻ khác. Một đức tin phủ đầy bụi tro là đức tin sắp tàn lụi. Đức tin như ngọn lửa, nó cần sáng lên và làm cháy lên những gì nó đụng đến.

Thánh Thần được gửi đến cho các Tông đồ là để họ làm chứng về đức tin của họ qua năng lực của Lời nói: những lưỡi lửa ngày Hiện Xuống là biểu tượng của năng lực Thánh Thần bằng Lời nói, và một phần quan trọng của các đoàn sủng mà Thánh Thần ban cho là để chu toàn sứ mạng ấy.

Chúng ta biết đến nhiều ơn được thánh Phaolô kể ra ở nhiều nơi khác nhau trong các thánh thư: đặc biệt ở Rom 12,6-8; 1 Cr 12,8-10 và 28-30; Ep 4,11. Ta có thể nối dài danh sách các ơn này, canh tân lối suy luận, thích ứng phương cách áp dụng cho hợp với hoàn cảnh. Nhưng liệt kê ơn nầy ơn kia không phải chỉ là lối nói chung chung để rồi có thể nói rằng không còn có gì đáng lưu ý trong danh sách ấy. Kỳ thực có những đoàn sủng nhằm trực tiếp trình bày về sứ điệp của Phaolô và chứng thực ngay cả sự chính đáng của việc trình bày sứ điệp ấy, trong Thánh Thần.

Chúng ta thấy 1 Cr 12,8 nói về ơn có lời nói khôn ngoan, một sứ điệp về hiểu biết; Rom 12,7-8 gợi lên ơn giảng dạy và khuyên bảo; 1 Cr 12,9-10 nói đến ơn đức tin và ơn thông đạt; chưa kể đến ơn sứ ngôn thường được diễn tả bằng nhiều cách khác nhau. Những đoàn sủng như thế nằm trong khuôn khổ làm tông đồ bằng lời nói.

Ngày nay có cả một trào lưu tư tưởng có khuynh hướng dồn người kitô hữu vào thế im lặng: người ta tìm đủ ‘lý cứ’ để bảo họ nên làm thinh.

Thế giới chưa sẵn sàng lắng nghe

Luận cứ trước tiên đưa ra là lúc này người ta ‘không sẵn sàng nghe chúng ta nói’.

Trước luận cứ này, nên đưa ra hai câu trả lời. Câu trả lời đầu tiên là: “Bạn có tin là vào thời Chúa Giêsu, những người cùng sống với Ngài sẵn sàng lắng nghe Ngài không?” Chỉ cần nhìn lên Thánh giá thì ta đã có câu trả lời. Rồi đến thời các vị Tông đồ. Bạn có biết việc gì xảy ra cho thánh Phaolô ở Sân Vận Động không? Những người nghe Phaolô nói đã phản ứng như thế nào bạn biết không? Họ nói là họ không muốn  mất giờ để nghe, và ‘thôi, hẹn khi khác!’

Câu trả lời thứ hai là hỏi lại người nêu lên luận cứ này: “Có thật là thế giới không sẵn sàng nghe sứ điệp kitô giáo không?” Phần tôi, thì tôi tin là có một lời mời gọi vang dội trong tâm tư mọi người qua những thắc mắc dằn vặt để tìm hiểu xem sống, chết, khổ đau rồi để làm gì; và tiếng mời gọi này lại càng gay gắt tha thiết hơn lúc nào hết, nơi một thế giới đang ray rứt trong tình cảnh mâu thuẫn giữa tiến bộ choáng váng của các phương tiện sinh hoạt song song với sự sa sút kinh hoàng về ý nghĩa làm cho cuộc đời đáng sống.

Phải tôn trọng lương tâm con người

Một lối khác để ngăn chận đà sinh lực của sứ mạng tông đồ là việc đưa ra luận cứ nói rằng cần chấm dứt mọi sinh hoạt tông đồ vì cần phải tôn trọng tự do lương tâm của mỗi người.

Thật thế, cần phải tôn trọng lương tâm. Phải thú nhận là trong quá khứ, có lúc đức tin đã không được truyền đạt trong tinh thần tôn trọng tự do lương tâm của mỗi người. Những cuộc trở lại đạo ‘theo lối Charlemagne’ hoặc qua cách áp dụng hiệp ước Westphalie (cujus regio, ejus religio = xứ nào thì đạo nấy) là những sự kiện lịch sử đáng buồn, ta không thể chối cãi. Cũng may mà hôm nay chúng ta không ai làm như thế. Nhưng căn cứ vào đấy để cho rằng việc trình bày đức tin của mình một cách đầy nhiệt tình và xác tín là vi phạm tự do lương tâm, thì quả là đi quá xa.

Có một lối dụ dỗ mê hoặc theo phương cách tuyên truyền, ta cần phải loại bỏ đi. Nhưng tuyên dương đức tin của mình bằng làm chứng về kinh nghiệm cuộc sống kitô giáo, làm chứng cho đức tin mình đang ấp ủ và mang lại hạnh phúc tràn đầy cho tâm hồn mình, đó là chuyện bình thường và phải đeo đuổi. Và hẳn nhiên là sẽ được thực hiện với một lòng kính trọng sâu xa đối với tự do của kẻ khác.

Chúng ta phải ý thức lại một cách sâu sắc hơn nữa lời của Thầy đang vang dội ngày hôm nay: “Thầy đến để họ được sống và sống sung mãn ” (Gioan 10,10). Kitô hữu có trong mình một cuộc sống dư đầy, người ấy không thể giữ riêng nơi mình. Dĩ nhiên, ơn Chúa vượt lên trên những giới hạn trung gian hữu hình, nhưng còn có gì hạnh phúc cao cả hơn cho con người khi mình biết một cách minh nhiên về Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, về mầu nhiệm cuộc sống Chúa Ba Ngôi, về tình yêu bao la ấp ủ con người từ ngày tạo dựng cho đến chung cuộc xuyên qua những mầu nhiệm của ơn cứu độ!

Còn gì giàu có đầy đủ hơn khi làm thành phần của một giòng linh hoạt gồm các nhà thần bí và các thánh kế tiếp nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác, làm nên vinh quang của Giáo Hội sống động và là bảo chứng cho sự trung kiên của Giáo Hội này trước mặt Chúa! Người anh cả trong dụ ngôn, vì được cư ngụ ở trong nhà, nên không ý thức được những gì cha anh và người nhà của anh mang lại cho anh, và cho rằng đó là chuyện bình thường, đương nhiên; người con hoang đàng, trái lại, vì ở cách xa nhà cha, một ngày nào đó sẽ nhận ra điều này hơn là người anh của mình.

Người kitô hữu ‘có nơi cư ngụ yên ổn’ không nên vô tâm trước tình cảnh lâm nạn về cuộc sống tinh thần của thế giới. Kitô hữu nào còn nghi ngờ về tình trạng đói khát sinh lực tôn giáo mà con người ngày nay đang gặp phải, thì chỉ xin họ lưu ý đến vô số các giáo phái mọc lên như nấm, chẳng qua cũng vì chúng ta đã thiếu sót phận vụ làm chứng nhân trong cuộc sống kitô hữu chúng ta.

Chúa dạy chúng ta yêu Thiên Chúa hết linh hồn, hết sức lực chúng ta. Trong những sức lực này thì sáng kiến của chúng ta phải được đặc biệt lưu ý. Chúng ta phải nghiêm túc xét đến bổn phận ‘mang Phúc Âm’ đến với mọi người bằng đủ cách, qua nhiều phương tiện truyền đạt khác khau, từ việc đi từng nhà đến việc sử dụng truyền hình có tầm vóc quảng bá cấp thế giới. Chúa chúng ta xin chúng ta hô to Phúc Âm trên các mái nhà: Ngài xin môn đệ Ngài ít nhất phải mẫn cán và có những sáng kiến như người thế gian. Kho tàng giàu có mà chúng ta phải chuyển đến mọi người là một lời đem lại sự sống. Người ta còn cần lời ấy hơn là cần cơm bánh. Phải đích thân mang lời ấy đến cho họ.

2. Làm tông đồ bằng chính cuộc sống của mình

Kitô hữu ngày nay e dè trong việc nói lên một cách minh nhiên và trực tiếp về tôn giáo mình. Sự kiện đó đáng làm cho chúng ta lưu ý. Người thời nay đã nghe nhàm tai những lối nói ý hệ và những lời quảng cáo. Vì thế kitô hữu không thể chỉ dừng lại ở cấp độ lời nói trong sứ mạng tông đồ của mình: nỗ lực tông đồ còn phải thấm nhập và thể hiện ngay trong cuộc sống của người làm chứng. Người ta cần rao giảng trước hết điều người ta đang sống: cuộc sống ấy làm cho lời nói rực sáng lên và đi sâu vào tâm hồn người nghe. Thánh Gioan nói với chúng ta về Chúa Giêsu như thế này: “cuộc sống của Ngài là ánh sáng ” (Gioan 1,4). Mỗi người làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô cũng phải mặc lấy sự sống rực sáng này.

Hơn bao giờ hết, thế giới cần có những kitô hữu phản chiếu trung thực ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô. Giáo chủ Phaolô VI có lần đã nói rằng thế giới cần chứng nhân hơn thầy dạy. Nên ít nói mà làm gương tốt nhiều hơn. Thế giới cần thấy được một kitô giáo nơi cuộc sống của kitô hữu. Không khác lối giáo dục trẻ em, người ta cần một lối giáo lý bằng hình ảnh, bằng sự phản chiếu lung linh từ ánh sáng của đời sống cụ thể.

Kitô hữu phải tuyên dương Phúc Âm bằng mọi phương cách sống của mình. Và họ phải làm bằng hai phương cách không tách biệt nhau: bằng việc làm chứng tích cực khi biết giữ được sự nhất quán giữa đức tin của mình và lối sống, lập trường, những sở thích và những điều mình không chấp nhận; bằng tâm tình sám hối, sự thú nhận một cách khiêm tốn và đầy tình huynh đệ, trước Thiên Chúa và trước mọi người, về tất cả những gì đi ngược Tình Yêu Thương nơi cuộc sống cá nhân và nơi những mối tương giao xã hội của mình. Nhìn nhận mình chưa yêu thương hoặc yêu thương chưa đầy đủ, thì đó cũng đã là làm chứng cho Tình Yêu.

Ngày nào kitô hữu chỉ được nhìn theo mẫu mực đánh giá thuần nhân loại, thì người ấy không làm ai ngạc nhiên, cũng không làm xáo trộn những luật chơi, lối sống theo thủa theo thời trong xã hội. Nhưng ngay khi người ấy sống đức tin của mình, thì bắt đầu lại có vấn đề: kitô hữu gây chấn động vì họ dấy lên những câu hỏi chung quanh mình. Từ lãnh vực cuộc sống hôn nhân, gia đình, nghề nghiệp, đến lãnh vực của người công dân hay cuộc sống xã hội: trong toàn cuộc sống của mình, kitô hữu phải làm chứng về những lý do, những giá trị, về thái độ chọn lựa riêng, phát sinh từ  nguồn sinh lực đức tin của mình.

Như thế, cái gì sẽ ‘nói lên’ sứ điệp kitô giáo? Một lời nói dĩ nhiên phải diễn đạt một sứ điệp; nhưng một cử chỉ, một hành động, một bước tiếp cận, một lối sống, lại là lời hùng hồn. Những sách giáo khoa thần học luôn nhấn mạnh rằng mạc khải được thể hiện bằng lời nói, nhưng cũng được khai mở bằng những hành động như người Đức thường nói: Wortoffenbarung và Tatoffenbarung. Công đồng Vaticanô II tuyên bố rằng mạc khải của Thiên Chúa kết tụ nơi Đức Giêsu Kitô “bằng sự hiện diện và sự biểu lộ mà chính Ngài đã làm qua lời nói và việc làm của Ngài ” (Dei Verbum, số 4).

‘Bằng sự hiện diện’. Khi truyền đạt một sứ điệp bằng sự kiện, bằng việc làm, bằng cuộc sống mình, thì người ta gợi lên được một quang cảnh bao quát hơn là chân trời chỉ được vẽ ra qua ‘giáo thuyết’. Điều đáng nêu lên ở đây không phải là để hạ thấp giá trị của giáo thuyết, nhưng là đặt giáo thuyết vào một bối cảnh rộng hơn, bao quát hơn, đó là chính con người.

Georges Gusdorf đã đi vào triết học để phân tích năng lực sáng tạo của lời nói, một thực tại con người mang lại ý nghĩa cho thế giới. Khi mô tả một cách tinh tế tia sáng vô song của ‘lời được nói ra’, ông đề nghị chúng ta tiến xa hơn nữa khi ông nói về giáo sư Alain: “Lời dạy của thầy ít được lưu ý hơn là ‘phong thái cụ thể của thầy, một cử chỉ, một nụ cười làm ta sững sờ’.” Ông viết tiếp: “Cũng như sự hiện diện của Đức Giêsu từng được mỗi người tin Ngài tiếp nhận như một mối giao cảm trực tiếp và linh động, nơi sự hiện diện ấy lời nói mời gọi, kết dệt một cuộc gặp gỡ giữa hai bên, và một vài câu đã thực sự phát thành tiếng kỳ thực như một âm vang của một sức sống kỳ diệu." 15

Trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi, Giáo hoàng Phaolô VI viết:

“Giáo Hội phải rao truyền Phúc Âm trước hết bằng tác phong và cuộc sống của mình, nghĩa là bằng chứng tá sống động về lòng trung tín của mình với Chúa Giêsu Kitô, về sự nghèo khó và thanh thoát, tự do đối với những quyền thế trần gian, nói tóm là về sự thánh thiện của mình ” (số 41).

Như thế kitô hữu cần cho thế giới nghe Phúc Âm bằng chứng tá của ‘lời tuyên xưng’ và phải cho người ta thấy Phúc Âm bằng chứng tá của cuộc sống mình. Chỉ nói xuông thôi, thì chứng tá bằng lời sẽ có nguy cơ trở thành hời hợt, trừu tượng, không bao giờ tương hợp được toàn bộ lối diễn tả và cảm nhận của con người. Chứng tá bằng lời nói vận dụng trí khôn và mời gọi kẻ khác tiếp nhận chân lý. Chứng tá bằng cuộc sống trực tiếp đụng đến toàn sinh hoạt con người và đi sâu vào những khát vọng nền tảng hơn cả của họ. Nhưng hai lối làm chứng này cần bổ sung cho nhau. Thánh Phaolô đã nhấn mạnh điều đó trong thư gửi giáo đoàn Thessalônica:

“Phúc Âm của chúng ta không phải đến với anh chị em bằng lời nói mà thôi, nhưng còn đi kèm những việc làm đầy uy lực, với tác động của Thánh Thần và sự bảo đảm tuyệt đối (1 Th 1,5).

3. Làm tông đồ qua cuộc sống cộng đoàn

Người ta có lý khi nói rằng ngày nay Giáo Hội còn cần những cộng đoàn sinh hoạt linh động hơn cả những định chế mới hoặc những chương trình mới.

Điều đó ăn khớp với sự phát triển của kitô giáo. Sách Tông đồ Công vụ chép rằng: phát xuất từ những cộng đoàn kitô hữu, “Tất cả những tín hữu để chung mọi của cải làm của chung; họ bán hết cửa nhà và tài sản, rồi phân chia hết cho tất cả theo nhu cầu của từng người. Ngày ngày, một lòng một dạ, họ chuyên cần đến Đền thờ và bẻ bánh tại nhà họ, dùng bữa trong bầu khí vui tươi và thanh đạm. Họ ca tụng Chúa và được dân chúng mến phục. Và mỗi ngày, Chúa đưa đến thêm cho cộng đoàn những kẻ sẽ được cứu độ” (CV 2,44-47).

Giáo Hội khởi thủy cần đến một lối sống cộng đoàn kitô hữu như thế để nâng đỡ họ trong bầu khí ngoại giáo chung của thời ấy.

Ngày nay, vào thời ‘hậu công đồng Vaticanô II’, thời chúng ta đang sống, nhu cầu như thế phát sinh trở lại. Người ta có thể sống thành ‘cộng đoàn’ ở những cấp độ chia sẻ đời sống khác nhau, nhưng vẫn nuôi dưỡng sinh lực của sứ điệp kitô giáo đặc loại của mình cũng như năng lực tông đồ xuyên qua cuộc sống cộng đoàn.

Tương lai Giáo Hội sẽ tuỳ thuộc một phần quan trọng nơi chứng tá của những cộng đoàn kitô hữu đang nảy sinh nhiều nơi như những ngọn lửa thắp sáng niềm hy vọng.

Helder Câmara đã nói đến tầm quan trọng của những cộng đoàn Giáo Hội cơ sở cho tương lai của Giáo Hội Mỹ Châu Latinh. Tuyên ngôn Puebla cũng đã nhấn mạnh đến sự kiện ấy. Ta đang chứng kiến thế giới ngày càng xa nếp sống kitô giáo, và ta thấy những hàng chữ này của Steve Clark càng xác đáng hơn:

“Muốn sống một cuộc sống kitô giáo chân thật, kitô hữu cần có một bối cảnh sinh hoạt trong đó kitô giáo được chấp nhận một cách công khai, nơi đó người ta nói với nhau về điều người ta tin, người ta sống đức tin ấy. Nhưng, người công giáo càng ngày càng thấy ít có được bầu khí như thế. Khi một xã hội không còn tiếp nhận kitô giáo nữa, thì người ta thấy cần tạo nên những cộng đoàn bên trong xã hội để cuộc sống kitô giáo được thực hiện ”.

4. Những thắc mắc về sinh hoạt tông đồ ngày nay

Sau khi nhắc lại những định hướng mà Thánh Thần ứng khởi vào thời đầu của các thánh tông đồ, sau khi cùng nhau ý thức về kinh nghiệm của công đồng kitô hữu thời nguyên thủy, ta có thể trở về với thực tại của Giáo Hội ngày nay. Đây đó đôi khi lại dấy lên những thắc mắc, hiểu lầm, ngay giữa những người nghĩ mình được kêu gọi để làm công tác tông đồ trực tiếp và thuần túy tôn giáo. Những người này khắc khoải tự vấn, và nêu lên câu hỏi để mọi người cùng suy nghĩ:

- Mọi vong thân, tệ trạng chính trị xã hội chưa giải quyết! Phải chăng điều duy nhất đáng làm là lo cho những hoàn cảnh này? Phải chăng ta sẽ mang trách nhiệm nặng nề về một lối trốn chạy thực trạng trước mắt để tìm đi vào một lối vong thân tôn giáo? Phải chăng vì hoàn cảnh xã hội bất công mà quên lãng việc rao truyền minh nhiên sứ điệp tôn giáo: lòng nhân hậu của Thiên Chúa, Chúa Kitô đến cứu độ, mầu nhiệm phục sinh, cuộc sống vĩnh cửu? Về điểm này, cũng nên lưu ý thêm là không phải xứ nào, miền nào cũng có thể xem là tự nhiên đã có đức tin tôn giáo nơi nếp sống, nơi văn hóa của họ, như trường hợp các nước ở Âu Châu!

- Mỹ Châu Latinh chứng kiến những bạo động ăn sâu trong các chế độ độc tài và vô tâm mà người dân ngày ngày phải chịu đựng. Ngoài ra, không tháng nào ta lại không đọc được những tài liệu, sách báo tường thuật về tình trạng thảm khốc, chán chường mà những người dân trong các chế độ xã hội chủ nghĩa phải trải qua. Hơn nữa, dù ở trong chế độ chính trị nào, hệ thống văn hóa nào, cơ cấu kinh tế nào thì con người vẫn luôn dòn mỏng, yếu đuối, bất toàn, và đã mang phận làm người thì con người thời nào cũng đều như thế. Biết bao người làm cách mạng lại trở nên độc đoán, thác loạn, chướng khí và tàn bạo! Trong bất cứ chế độ nào của xã hội con người thì cũng có những kẻ trộm cướp, nói láo, gian manh, lường gạt và giết người. Đằng sau bảng liệt kê này, ta không nghe được tiếng vọng của một lời kêu gọi lên đường để gặp gỡ cụ thể khích lệ cuộc sống tinh thần, chia sẻ trực tiếp niềm tin của mình, hiệp thông với cuộc sống siêu nhiên hay sao? Không có chỗ trống nào cho hình thức làm tông đồ như thế hay sao?

- Không còn có sự ác hay thương đau nào khác cần giải phóng hay sao? Chẳng hạn như những giới hạn của chúng ta, lắm lúc thật đáng thương, về tâm lý cũng như thể lý; những bịnh tật và sầu khổ gắn liền với cuộc sống chúng ta, ngay đối với những kẻ nhiều tiền lắm của; những buồn tủi và xót xa của tình cảm không được đáp đền, tan nát, đổ vỡ; những cảnh tử biệt sinh ly… . Những ai gặp đớn đau như thế nơi thân xác, nơi tâm hồn mình – dù họ có hy vọng hay không hy vọng vào một lối giải phóng chính trị, kinh tế – thì họ có quyền được nghe lời Chúa nói với những ai đang gánh nặng trên đường đời hay không? Kỳ cùng ta tự hỏi, Chúa đến giữa chúng ta để cứu ai?

- Chúng ta được mời gọi để cử hành công cuộc giải phóng con người theo cung cách tôn giáo. Nhưng, công cuộc ấy có nhiều cấp độ. Công cuộc giải phóng kinh tế hay chính trị cần được cử hành, vì đây là ‘hành vi cứu người và là sự triển nở của Nước Chúa’, ít nhất ‘khi ta hiểu nó là một nỗ lực thăng tiến sinh hoạt con người’16. Nhưng có những cấp độ giải phóng khác nữa, nhất là ở một cấp độ hết sức sâu xa, mà giải phóng được hiểu là “Chúa Kitô làm cho con người thành tự do thực sự, nghĩa là Ngài cho phép con người được sống kết hiệp với Ngài, là nền tảng cho mọi mối tương giao huynh đệ của nhân loại ”. 17 Ở đây, giải phóng ở cấp độ tôn giáo, siêu nhiên, và phải được hiểu là phần chính yếu của mầu nhiệm cứu độ. Không thiếu những người chờ mong công cuộc giải phóng này, tùy phương cách và mức độ ý thức khác nhau. Chúng ta không thấy mình có phận vụ đáp ứng những ước vọng như thế hay sao? Chúa đã không từng nói: Cần phải làm việc này nhưng đừng quên sót điều kia ” (Lc 11,42) hay sao? Lời nói ấy luôn có giá trị trong mọi thời đại.

*  *   *

Những tông đồ của Chúa Kitô

Dom Helder Câmara

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài canh tân khuôn mặt trái đất!

Anh chị em Canh tân đoàn sủng thân mến!

Chúa đang dùng phong trào đoàn sủng để nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Thánh Thần đang hiện diện và luôn tác động ban ơn phước cho chúng ta.

Quá nhiều kitô hữu xem Chúa Thánh Thần như một kẻ xa lạ, nhạt mờ, một tên gọi khi làm dấu Thánh Giá, một Đấng mà trước đây có lần đã đóng một vai trò nào đó trong ngày Hiện Xuống và trong những thời kỳ đầu của Giáo Hội Chúa Kitô.

Những ai có dịp mở Thánh Kinh thì như đã thấy tên Ngài được nhắc đến khi đọc được rằng khởi thủy trời đất có Thánh Thần lượn trên nước và làm cho nước tràn đầy sự sống. Người ta cũng biết là Ngài nói qua miệng các tiên tri của Cựu Ước.

Kitô hữu thì từng nghe tên Ngài khi chịu phép thêm sức. Nhưng chúng ta nhắc đến Thánh Thần như là nhớ lại những tác động của Ngài vào một thời đã qua; chúng ta không cho Ngài một chỗ đứng nào trong cuộc sống kitô giáo hằng ngày và hôm nay của chúng ta.

Phong trào đoàn sủng giúp chúng ta ý thức được những việc kỳ diệu gắn liền với Thánh Thần Thiên Chúa, mà chính kitô hữu như chúng ta thực sự đã lãng quên.

Chúng ta nhớ lại tại Công Đồng Vaticanô II có một cuộc tranh luận sôi nổi xảy ra giữa một bên là những người muốn đẩy lui những đoàn sủng của Thánh Thần vào quá khứ, xem như đây là những trợ lực tạm thời cho những thời kỳ đầu lúc Giáo Hội vừa mới phát triển, và bên kia là những người muốn nhấn mạnh đến sự linh hoạt trường kỳ của các ơn này. Và chúng ta biết là Công Đồng đã chuẩn nhận lập trường của nhóm thứ hai.

Anh chị em Canh tân đoàn sủng thân mến!

Anh chị em được ơn Chúa để tin rằng chúng ta luôn sống một mùa Hiện Xuống liên tục trong Giáo Hội, anh chị em không những có thể giúp mà có bổn phận phải giúp Giáo Hội của thời đại chúng ta và kitô hữu không biết được hết tất cả những nguồn suối phong phú hàm ngụ trong cuộc sống kitô giáo.

Tuy thế, không có ai độc quyền Chúa Thánh Thần cả. Anh chị em nhớ là chúng ta phải đón nhận ơn Ngài với lòng khiêm tốn. Anh chị em không tốt hơn, không cao cả hơn những người khác, và các đoàn sủng không là gì cả nếu chúng không phục vụ đức bác ái. Ta không thể bước được một bước nào trên con đường của Chúa, ngoài lòng khiêm hạ và tình yêu thương. Tôi kêu gọi anh chị em vừa sống trong sức năng động của Thánh Thần vừa để cho Ngài dẫn dắt dấn thân vào đời, lăn xả vào những vấn đề của con người. Vừa phải cầu nguyện, vừa phải hoạt động.

Hãy hỗ trợ cho những kẻ đang xác tín rằng hoàn cảnh của những anh chị em chúng ta đang bị áp bức, chà đạp, bị đẩy đưa vào hoàn cảnh khốn cùng mất hết phẩm giá làm người, là điều kinh hoàng, phải khẩn thiết, tức khắc giúp họ sống xứng đáng hoàn cảnh con người trước cả việc loan báo Phúc Âm cho họ. Phải giúp những người thiện chí đó hiểu rằng rao truyền Phúc Âm và cứu giúp con người sống xứng đáng phẩm giá làm người phải đi đôi với nhau, phải thể hiện đồng thời hai khía cạnh không thể tách rời của cùng một Phúc Âm.

Người ta ngạc nhiên nhận ra rằng Thánh Thần có thể tác động hết sức uy dũng ở giữa cuộc sống của những con người bị đói khát và khốn cùng đày đọa. Trong những vùng đói rách nơi mà phẩm giá con người tưởng chừng không còn nhận ra được nữa, người ta lầm khi nghĩ mình sẽ chung đụng với những lớp hạ tiện, và ngu si. Ngược lại họ là những con người biết suy xét, có những phán đoán sâu xa và nhạy bén tiếp nhận hứng khởi từ Thiên Chúa. Và đó cũng là một điều lạ lùng đến từ Chúa Thánh Thần.

Chúng ta có thể cảm nhận sự kiện đó nơi những vùng nghèo hèn khốn khổ: khi người ta đọc một trang Phúc Âm, thì người nói lên cảm nghĩ của mình khi tiếp nhận Lời Chúa một cách sâu sắc và hay nhất thường lại không phải là người học vấn cao đang có mặt tại chỗ. Nhưng thường là từ miệng của một người mà hoàn cảnh sinh sống xem như bần cùng, khốn đốn. Chúng ta không thể không nghĩ đến lời của Chúa Kitô:

“Lạy Cha, con cám ơn Cha vì Cha đã giấu những sự thật này trước mắt những người khôn ngoan và thông thái và cha lại mạc khải cho những người bé nhỏ… ” (Mt 11,25).

Tôi xin kể một chuyện xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của Vùng Miền Đông-Bắc nước Ba-Tây. Bà Annunciade, một phụ nữ nghèo không biết đọc biết viết, đã từng hô hào cổ động bà con hàng xóm kháng cự lại áp lực dọa đuổi họ ra khỏi nhà. Bà bị bắt và bị dẫn lên xe cảnh sát để bị thẩm vấn.

Trước sở cảnh sát, những người nghèo không mấy khi có đủ tiền, có được luật sư để bào chữa cho mình.

Annunciade run sợ đến toát cả mồ hôi hột. Nhưng bà âm thầm nói với Chúa: Chúa ơi, giúp con với. Chúa không giúp thì con sẽ còn tệ hơn thánh Phêrô và Giuđa. Con sợ con sẽ phản bội Chúa và phản bội lại bà con của con đi mất!”.

Bấy giờ, bà nhớ lại một lời nói của Chúa Kitô mà bà học được nơi mấy người huynh trưởng của phong trào rao truyền Phúc Âm cho dân chúng của chúng tôi: phong trào ‘Gặp Gỡ Anh Em’. Bà nhớ là Chúa có nói: “Khi anh em bị đưa ra tòa, anh em đừng lo mình phải trả lời như thế nào: Thánh Thần của Thiên Chúa sẽ nói trong anh em ” (Mt 10,19-20). Những lời ấy vang dội trong bà giúp bà đương đầu được với cuộc thẩm vấn một cách bình tĩnh.

Khi được thả ra, bà kể lại cho chúng tôi là bà trả lời quá hay mà ngay cả kể lại cũng không được. Ở đây chúng ta tiếp cận với tác động của Thánh Thần, đúng như lời Chúa Giêsu đã hứa.

Anh chị em Canh tân đoàn sủng thân mến!

Anh chị em ham thích cầu nguyện và muốn lắng nghe Chúa nói, xin anh chị em hãy lưu ý và cảnh giác về những điều Chúa đã từng nhắc cho chúng ta trong Phúc Âm:

- để việc kinh nguyện không là cớ làm cho anh chị em lẩn tránh hoạt động tông đồ và dấn thân xã hội;

- tránh việc chỉ trích những người không phải là  quên cuộc sống vĩnh cửu nhưng luôn nhắc nhở cho ta biết rằng cuộc sống vĩnh cửu bắt đầu từ nơi đây và bây giờ; tránh việc chỉ trích những kẻ đang nỗ lực dấn thân cho một thế giới công bằng hơn, nhân đạo hơn ngay nơi trần thế này.

- đừng ngây thơ xếp kitô hữu theo nhãn hiệu ‘hàng dọc ‘ hoặc ‘hàng ngang’;

- đừng chấp nhận chuyện bách hại ngay cả anh chị em kitô hữu của mình, đừng đối xử và xem họ như là bọn làm loạn và cộng sản, chẳng qua vì họ tập họp lại với nhau, không phải để chà đạp quyền lợi kẻ khác mà để không cho phép ai chà đạp quyền lợi của họ.

Trái lại:

- trong thời đại bạo lực có tính cách toàn cầu và bao quát ngày nay, hãy rán hiểu và giúp người ta hiểu rằng bạo lực số một, tức bạo lực căn cơ cho mọi bạo lực, trong thế giới đệ tam, đó chính là tình trạng nghèo đói khốn cùng ‘được định chế hóa’;

- hãy rán nhìn thấy và làm cho người ta nhìn thấy những khu nghèo tận mạt ngay bên trong những xứ giàu có;

- hãy rán hiểu và làm cho người ta hiểu rằng phương cách hữu hiệu duy nhất để tránh bạo lực quân sự là cổ súy và thực thi đường lối hoạt động bất bạo động tích cực và can cường cũng như áp lực tinh thần nhằm giải phóng;

- bằng đường lối hòa bình nhưng cương quyết, hãy can đảm tố giác, lên án và giúp cho người ta tố giác, lên án cuộc chạy đua vũ trang, và đặc biệt là việc tăng cường vũ khí hạt nhân;

- hãy tố giác chủ trương mù quáng về an ninh quốc gia, xem như thần tượng tuyệt đối, được một số chính phủ rêu rao như là giá trị tối thượng bên trên mọi giá trị: không một nền dân chủ thực sự nào đi đôi với chủ trương mù quáng này, một chủ trương lấy cứu cánh để biện minh các phương tiện, ngay cả đến việc bắt cóc, tra tấn và ám sát;

- hết lòng và tích cực khuyến khích những cuộc nghiên cứu giúp mọi người thấy rõ hơn những cơ cấu bất công ít ai biết đến, vì không nhìn rõ vấn đề thì những áp lực tinh thần nhằm đưa đến giải phóng sẽ hời hợt và không hiệu quả;

- hãy nương tựa và canh tân trong Thánh Thần để giúp Giáo Hội vất bỏ dần những cám dỗ tự cao tự đại, cố gắng trở nên hiện thân sống động của Chúa Kitô nhằm phục vụ con người và vinh quang Thiên Chúa.

- hãy giúp cho những kitô hữu thiên về bên này hay bên kia hiểu rằng cầu nguyện và dấn thân kitô giáo là một. Một cánh tay đưa ngang không làm nên thập giá, cũng như một cánh tay đưa lên trời theo chiều dọc cũng không thực hiện thập giá với chỉ một mình mình; mà phải cần hai tay ngang dọc mới làm nên thánh giá Chúa Kitô, kết hợp tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người!

Anh chị em Canh tân đoàn sủng thân mến!

Chúng ta hãy cùng nhau chứng tỏ cho thế giới biết rằng tình yêu Chúa phải đi vào trong tình yêu người bên cạnh mình như một sự đầy tràn phải trào ra.

Hãy cùng nhau sống mầu nhiệm Hiện Xuống, trước đây, bây giờ và mãi mãi là một mầu nhiệm biến đổi tận căn, sâu xa, làm cho kẻ dè dặt lo sợ trở thành những Tông đồ can cường, trung kiên đến tử đạo.

Và chúng ta cùng cầu xin với Mẹ, người đã hát lên bài ca ngợi Magnificat:

      

       Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con

       luôn sẵn sàng lắng nghe lời Chúa

       trong mọi hoàn cảnh của đời chúng con,

       và cùng Mẹ cất cao lời ca ngợi

       Magnificat nâng cao thân phận kẻ nghèo hèn

       không tơ vương nỗi niềm chua chát,

       lòng ngập tràn yêu thương,

       yêu thương đến mức nếu bài ca có làm đau đớn

       cho ai đó đang lắng tai nghe,

       thì đây chỉ là một vết thương đầy ân phúc

       vết thương tự nó đã chữa lành.

Tiếp nối lời ca ngợi Magnificat của Mẹ Maria, tôi xin dâng lời cầu nguyện cho những kẻ giàu có. Tại sao? Có người hẳn sẽ thắc mắc! Họ không có đủ thứ rồi hay sao, nào tiền, nào trí tuệ, nào quyền uy! Chừng đó không đủ cho họ rồi hay sao? Họ mà còn cần thêm gì nữa sao? Vâng, chúng ta luôn cần cầu nguyện cho những người huynh đệ giàu có của chúng ta!

     

       Lạy Chúa, chỉ có Chúa nắm giữ

       sự sống, hiểu biết và tự do,

       chỉ có Chúa là nguồn mọi kho tàng phong phú,

       kho tàng mà không ai đánh giá nỗi,

       kho tàng ở bên kia nấm mộ của chúng con,

       kho tàng ban phát hoài mãi nhưng không hề hao cạn.

       Xin Chúa cho những anh em giàu có của chúng con

       hiểu được rằng những thoi vàng kia

       không có giá gì ở cõi ấy;

       thế giới trường sinh chỉ có yêu thương

       là giá trị chân thật duy nhất được nhìn nhận.

       Xin chỉ cho con cái họ quá dư đầy phương tiện

       thấy được cảnh khốn cùng của kẻ nghèo đói,

       đừng lẩn tránh bổn phận xã hội của mình.

       Xin đừng để cuộc sống xa hoa

       làm hư hỏng chuỗi ngày họ sống,

       nhưng dạy họ biết giá trị của hy sinh,

       để một thế giới tốt đẹp an bình

       không nghịch chống gì họ,

       nhưng cùng với họ sớm hiện hình.

GHI CHÚ

14 Mục sư Thomas ROBERTS, trích trong tạp chí Tychique, tháng 9 năm 1976, tr. 17.

15 G. GUSDORF, La Parole, 1963, tr. 77.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!