Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Đăng Trúc
Mục Lục

Phần I: Canh tân trong Chúa Thánh Thần và phục vụ con người

Chương I: Đối diện với Chúa

Chương II: Phục vụ con người

Chương III: Những tông đồ của Chúa Kitô

Chương IV: Giữa đời

Phần II : Canh tân và Quyền lực tối tăm

Chương I : Giáo Hội và ‘Những Quyền lực của tăm tối’

Chương II : Canh tân đoàn sủng và ' các quyền lực của bóng tối'

Chương III : Canh tân trong lòng Giáo Hội

Phần III : Một hiện tượng gây tranh luận, ngây ngất trong Thánh Thần

Chương II : Kiểm Thảo

Chương III : Trên bình diện mục vụ

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Nhân quyền và Giáo hội - Những suy tư lịch sử và thần học

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Hai)

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Một)

Giêsu-Kitô

Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động của Giáo Hội

Tông huấn Christifideles Laici

Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động của Giáo Hội
Chương I : Giáo Hội và ‘Những Quyền lực của tăm tối’

1. Quỉ, huyễn hoặc hay có thật?

ĐỨC TIN CỦA GIÁO HỘI

Phải nhìn nhận là đối với Kitô-hữu hôm nay, chuyện ma quỉ có hay không làm cho người ta ngại ngùng. Huyễn hoặc hay có thật? Sa-tăng, Quỉ phải chăng nên xếp vào thế giới ma quái tưởng tượng? Nó phải chăng chỉ là một lối nói tượng trưng về Sự Ác, một ký ức không đẹp của một thời kỳ tiền sử đã qua rồi?

Một số Kitô-hữu cho rằng nay chỉ là chuyện huyễn hoặc; còn ai cho rằng có thật thì cảm thấy e ngại phải nói đến quỉ ma, sợ người ta cho rằng mình còn dị đoan không biết đến những tiến bộ của khoa học.

Các lớp giáo lý, các bài giảng, các phân khoa thần học trong các đại học và các chủng viện thường tránh đề tài nầy. Và ngay khi thảo luận về việc ma quỉ có thật hay không, thì người ta cũng không đề cập đến việc làm và ảnh hưởng của nó trên thế giới. Quỉ đã thành công núp mình dưới lớp áo ‘không hợp thời’. Và đó là thành công tinh vi của nó.

Trong những hoàn cảnh như thế, Kitô-hữu hôm nay cần can đảm để vượt lên lối trên sự diễu cợt hời hợt và nụ cười mĩa mai của người đương thời.

Hơn nữa nhìn nhận rằng quỉ có thật cũng không có nghĩa là rơi vào cạm bẫy mà Léon Moulin gọi là ‘chủ thuyết lạc quan ngây ngô theo phái Pélage của thời đại chúng ta’.

Hơn bao giờ hết, Kitô-hữu được mời gọi để tin tưởng vào Giáo Hội, đặt mình dưới sự dẫn dắt của Giáo Hội nầy, và ý thức lời kinh nguyện khiên tốn mà Giáo Hội dạy chúng ta đọc trong mỗi Thánh Lễ: “Lạy Chúa, xin Chúa đừng chấp tội con, nhưng nhìn vào đức tin của Giáo Hội Chúa”.

Đức tin nghèo khổ và lung lay của chúng ta được vững mạnh và nuôi dưỡng bởi đức tin của Giáo Hội. Đức tin này ấp ủ, đỡ đành và đem lại năng lực và an toàn cho đức tin chúng ta. Và trong địa hạt nầy thì điều đó đặc biệt là đúng.

Một hiện thể linh hoạt, thông minh, bại hoại

Với tinh thần con cái đối với Giáo Hội, chúng ta nghe giáo hoàng Phaolô VI kêu mời chúng ta nên vượt thắng tâm trạng ngại ngùng, để dám nói và nhìn nhận rằng Ac quỉ ngày hôm nay còn hiện diện chứ không phải là chuyện đời xưa. Đây là đoạn văn chính ngài nói về việc nầy:

“… Sự ác không phải chỉ là một sự yếu hèn thiếu sót, nó là một sự kiện thực hữu của một hiện thể linh hoạt, thông minh và bại hoại. Một thực thể kinh hoàng, kỳ bí và đáng lo ngại. Ai từ chối không thừa nhận sự hiện hữu ấy … hoặc giải thích nó như một chuyện giả tưởng, một lối nói của trí khôn con người nhằm nhân cách hóa những nguyên nhân chưa biết rõ về những điều không hay đến với chúng ta, thì người ấy đi ra ngoài Kinh Thánh và Giáo Hội. Chúa Kitô định nghĩa nó là kẻ ‘ngay từ đầu cố tâm làm cho con người chết …, là cha của dối trá’ (Xem Gioan 8, 44-45). Nó làm nguy hại cho sự thăng bằng nội tâm con người… Đã hẳn là mọi tội lỗi không phải trực tiếp do hành động của quỉ ma. Nhưng ai không cẩn trọng để lo cho cuộc đời mình (Xem Mathêu 12, 45; Ephêsô 6, 11) thì có nguy cơ bị ảnh hưởng của ‘điều ác kỳ bí’ chi phối như lời của Thánh Phaolô (2 Th 2, 3-12), và làm cho phần rỗi của mình gặp nguy cơ.”25

Đức tin kiên định và sống động

Tiếp đó, chúng ta đọc được những kết luận của một công trình nghiên cứu về đề tài nầy và được công bố trên tờ Osservatore Romano, dưới tựa đề ‘Đức tin và quỉ ma học’; công trình nghiên cứu nầy được Thánh Bộ đức tin bản đảm như là một căn bản chắc chắn để xác định giáo huấn về nội dung liên hệ. Tác giả khởi sự cho ta hay tại sao sự hiện hữu của Sa-tăng và quỉ ma không bao giờ được công bố như một nội dung của tín điều.

“Về quỉ ma học, lập trường của Giáo Hội rõ ràng và kiên quyết. Qua các thế kỷ, sự hiện hữu của Sa-tăng và quỉ ma không bao giờ được giáo huấn Giáo Hội minh nhiên đề cập. Lý do là vì nội dung nầy đã không bao giờ bị đặt thành vấn đề: những người lạc giáo cũng như tín hữu đều đã dựa và Kinh Thánh và đều nhìn nhận sự hiện hữu của quỉ ma cũng như những tai hại chính yếu mà chúng gây ra. Vì thế, ngày nay, khi người ta nghi ngờ về thực thể của chúng, thì cần phải dựa vào đức tin kiên định và phổ quát của Giáo Hội cũng như dựa vào những căn nguồn nguyên thủy của mình để nhắc nhở lời dạy của Chúa Kitô như ta đã gợi lên. Thật thế, sự hiện hữu của thế giới quỉ ma được xem là một dữ kiện tín lý dựa vào lời dạy Phúc Âm và kinh nghiệm đời sống đức tin."26

Tác giả những dòng chữ nầy tiếp đó đã trích lời giáo hoàng Phaolô VI để nói rằng nay không phải là một xác quyết tạm thời mà khoát tay cho qua và xem như không có liên quan gì đến chương trình của mầu nhiệm cứu độ:

‘Như thế, tâm trạng ngập ngừng khó chịu mà chúng tôi tố giác lúc đầu lại không lưu ý đến một yếu tố tiếp theo của tư tưởng kitô-giáo để đặt thành vấn đề: còn có một đức tin kiên trì của Giáo Hội, quan niệm về sự cứu độ của Giáo Hội ấy, và trước hết là ý nghĩ của Chúa Kitô. Vì vậy, gần đây, khi nói đến ‘một thực thể kinh hoàng, kỳ bí và đáng lo ngại’ của Sự Ác, Đức thánh cha Phaolô VI có thể dùng quyền của mình để xác quyết mạnh mẻ rằng:’Ai từ chối nhìn nhận thực thể Sự Ác không có, hoặc ai coi Sự Ác như một nguyên lý tự hữu, làm như không còn nhìn nhận Thiên Chúa là căn nguyên mọi thụ tạo, thì người ấy đi ra ngoài giáo huấn của Kinh Thánh và của Giáo Hội…’ Các nhà chú giải Kinh Thánh, các nhà thần học đừng nên bỏ qua lời cảnh giác nầy.”27

TRÁCH NHIỆM VÀ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI

Quả quyết có quỉ ma không có nghĩa là rơi vào thuyết nhị nguyên Manikêu, và cũng không có nghĩa là làm suy giảm ý thức trách nhiệm và tự do của con người.

“Ngày nay, khi nhấn mạnh đến sự hiện hữu của quỉ ma, Giáo Hội không hề rơi vào lối suy nghĩ nhị nguyên và Manikêu trước đây, và cũng không đề nghị một phó sản nào đó mà trí khôn dễ chấp nhận hơn. Giáo Hội chỉ muốn luôn trung thành với Phúc Âm và những yêu sách của nó. Việc làm nầy của Giáo Hội chắc chắn không cho phép con người đổ trách nhiệm về tội lỗi mình cho quỉ ma. Trước một lối suy nghĩ như thế, Giáo Hội không ngại lấy lại lời Thánh Gioan Kim Khẩu để nó rằng: ‘Không phải quỉ ma, nhưng do vô tâm của con người đã tạo ra mọi suy đồi và khốn đốn mà chúng đang than oán’.

Với cái nhìn đó, giáo huấn kitô-giáo luôn trung kiên xác quyết mạnh mẻ về sự tự do và cao cả của con người, cũng như cố sức làm rạng rỡ quyền năng và sự tốt lành của Thiên Chúa. Trong quá khứ Giáo Hội từng trách cứ thì nay cũng Giáo Hội ấy lên án thái độ buông xuôi dễ dãi nại lý do là do lỗi của quỉ ma. Giáo huấn cấm dị đoan cũng như phù phép. Giáo huấn từ chối mọi chủ trương đầu hàng số mệnh, mọi thái độ quên lãng ý thức tự do đương đầu với nỗ lực’.28

Cần có tinh thần kiềm thảo

Vì lãnh vực nầy cần nhiều suy xét, và vì sự suy xét liên hệ đòi hỏi phài có những bảo đảm vững chắc, nên tinh thần kiểm thảo và sự thận trọng phải được lưu ý:

“Khi nói đến việc quỉ ma can thiệp, cũng như khi nói đến phép lạ, Giáo Hội luôn đòi hỏi công việc kiểm thảo. Đúng như thế, cần phải dè dặt và cẩn trọng. Vì trong lãnh vực nầy, chúng ta dễ bị trí tưởng tượng lừa phỉnh, bị những lời tường thuật, vì vụng trình bày hoặc giải thích không chính xác, làm mê hoặc. Phải luôn suy xét chu đáo. Và phải mở rộng con đường truy cứu và khách quan trước các kết quả đạt được.’29

QUỈ, KẺ ĐỐI NGHỊCH VỚI THIÊN CHÚA?

Trong đoạn văn vừa trích dẫn, câu văn nói đến lối suy diễn có tính cách nhị nguyên và đối nghịch theo chủ thuyết Manikêu cảnh giác mọi chủ trương xem quỉ ma như một thứ Quyền lực trái nghich, một kẻ đối đầu trực tiếp chống lặi Thiên Chúa, chẳng khác gì hai kẻ thù nghịch trên cùng một trận tuyến.

Thật thế, cần tránh lối tưởng tượng Sa-tăng như một Nghịch Thần, theo hình ảnh của hai tuyệt đối đang đối đầu, như nguyên lý Thiện đối đầu với nguyên lý Ac. Thiên Chúa là Đấng Tuyệt đối siêu việt và tối cao duy nhất: ma quỉ, tự khởi nguyên được Chúa đựng nên vốn tốt lành, nay đóng vai trò phá phách, tiêu cực và hèn hạ ở trong thế giới thụ tạo. Nó là Cha dối trá và hư đốn. Nó là một năng lực có ý thức, ước muốn, cố lập mưu chước phá hoại, tác động đối nghịch với Nước của ơn Cứu độ.

Sa-tăng không được hiểu là một Kẻ Thù đối diện với Thiên Chúa, thách thức Chúa và làm cho Ngài phải thất bại.

Ngay khi nó xuất hiện ở trong Kinh Thánh, Sa-tăng là nguyên lý sự ác dưới hình dạng ‘con rắn’ và được nhấn mạnh là một thụ tạo của Thiên Chúa (Sáng thế 3,1). Nhưng trước hết, nó là kẻ thù của con người (Khôn Ngoan 2, 24), kẻ thù chống lại  ý định Thiên Chúa dành cho con người. Trong linh thao, Thánh I-nha-xi-ô gọi nó là ‘kẻ thù của nhân loại’.

Những chương đầu sách Gióp cũng cho ta thấy như thế.  Để thực hiện ý định xấu xa làm hại con người, Sa-tăng đi giữa ‘Những Người Con của Chúa đến chầu Ngài” (Gióp 1, 6 và 2, 1).

Cựu Ước kín đáo về vai trò của Sa-tăng, có thể để tránh cho Israel khỏi làm nên một loại Thần thứ hai. Do thái giáo vào thời Chúa Kitô nói đến nhiều hơn, có thể vì ý thức về sự nguy cơ đa thần không còn, và sự siêu việt tuyệt đối của Thiên Chúa đã xác định rõ.

Dưới tên gọi là Sa-tăng (Kẻ thù nghịch) hoặc Quỉ quyệt dối trá (Kẻ cáo gian, Kinh Thánh trình bày quỉ ma như một thực thể có vị thế riêng, vô hình, vô ảnh, có hiểu biết và tự do.

Còn trong thế giới ngoại giáo, người ta đồng hóa quỉ với vong linh kẻ chết hoặc với những thần nào đó. Ngược lại, trong Kinh Thánh, ma quỉ được mô tả là ‘thần ác’ mà sau nầy Tân Ước gọi là ‘thần ô uế’.

CHÚA GIÊSU VÀ QUỈ

Khi đọc Phúc Am người ta sẽ thấy có Tà Thần đối đầu với Chúa Giêsu. Sư đối đầu xảy ra thường xuyên mặc dầu không nằm ở bình diện nổi bật. Ngay từ khi đi vào cuộc sống công khai của Đấng Cứu Độ, ta đã thấy có sự đối đầu. Câu truyện quỉ cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc là trang đầu đi vào sứ mạng mà Đấng Cứu Độ phải chu toàn, như một chìa khóa mở cửa đi vào thảm trạng sẽ diễn ra ở Đồi Calvariô.

Cuộc đối đầu không thể tránh đó không phải chỉ là một câu truyện như bao nhiêu câu truyện khác, nhưng là bước đầu loan báo thảm kịch kết cuộc, một sự mở màn cho chúng ta hé thấy trước mầu nhiệm thứ sáu Tuần Thánh. Thánh Luca kết thúc câu truyện quỉ cám dộ Chúa trong sa mạc như sau: ‘Sau khi nó cám dỗ Ngài đủ cách như thế, quỉ rời xa Ngài đợi đến một dịp khác’ (Luca 4, 13). Câu nói hẳn hàm ngụ vào lần đối đầu cuối cùng sẽ hoàn tất vào giờ khổ nạn.

Lối nói đi kèm qua thành ngữ ‘cõi tối tăm’ luôn được Phúc Am nhắc đi nhắc lại nhấn mạnh cho chúng ta thấy sự thù địch quỉ quyệt của Kẻ thù.

Thánh Gioan ghi rằng khi Giuđa ra khỏi phòng ăn ‘bấy giờ Sa-tăng đi vào tâm hồn nó’, ‘trời sập tối’. Chi tiết đó không phải chỉ muốn chép lại một yếu tố có tính cách thuần lịch sử.

Sự hiện diện của Kẻ thù rình rập từng bước, và khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng trên Thánh Giá, thì thánh sử, hẳn không phải vì lưu ý chi tiết sự kiện, mà vì ý nghĩa thần học của Ngài, đã ghi lại rằng bóng tối bao trùm bầu trời Giêrusalem.

Chúng ta chứng kiến cuộc chiến của Chúa Kitô chống lại Kẻ cám dỗ trong suốt cuộc đời của Ngài. Chúa Giêsu chống lại những ai mà quỉ dùng làm dụng cụ để làm cho Ngài đi xa con đường của Cha Ngài: những người Do thái đương thời, và trong vài trường hợp, ngay cả với các Tông đồ, Phêrô (Mathêu 16, 23), Giacôbê và Gioan (Luca 9, 54-55).

Cuộc chiến đó trường kỳ: chúng ta không có quyền đóng khung và che dấu cho qua được.

Với đức tin của Giáo Hội, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta đi vào mọi chiều kích của Ơn Cứu Chuộc:

        Lạy Chúa, vì Chúa đã muốn

        Con Chúa chịu đóng đinh trên Thánh giá vì chúng con

        để chúng con thoát khỏi quyền lực Sa-tăng,

        xin Chúa giúp chúng con có thể đón nhận

        ơn Sống lại.

        Lời nguyện ngày thứ tư tuần thánh

        

2. Giáo Hội, là tiếng vọng và sứ mạng giải thích lời của Thiên Chúa

HỘI THÁNH, ĐIỂM QUI CHIẾU SỐNG ĐỘNG LỜI CHÚA

Hiến chế về Mạc khải của Công Đồng Vaticanô II viết rõ về điểm qui chiếu nầy:

“Trách vụ giải thích trung thực lời Chúa đã được viết ra và lưu truyền được trao phó cho quyền giáo huấn sống động duy nhất của Giáo Hội, quyền ấy được thực thi nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Tuy thế, quyền giáo huấn không ở trên lời Chúa, nhưng phục vụ lời Chúa trong việc chỉ giảng dạy những gì đã được lưu truyền, bởi vì do sự ủy thác của Chúa, với sự trợ giúp của Thánh Thần, quyền giáo huấn lắng nghe lời nầy với lòng yêu thương, gìn giữ một cách thánh thiện, trình bày trung thực, và múc lấy nơi kho tàng đức tin ấy tất cả những gì mình đề nghị cho người ta tin theo đúng mặc khải của Chúa”(1.c số 10).

Con đường duy nhất mà lời Chúa đến với chúng ta là Thánh Kinh được thần khải, nhưng ở một bình diện khác Thánh Kinh ấy cũng đến với chúng ta qua giáo huấn trung thực và linh động của Giáo Hội; giáo huấn nầy luôn được nuôi dưỡng bởi nguồn suối tuôn trào nơi lời Chúa.

Và giáo huấn ấy cũng nhập thể và diễn tả qua hình ảnh linh hoạt nơi nhân chứng đời sống mà các thánh mang lại như một bài học giáo lý bằng tranh, như trước đây tổ tiên chúng ta đã đọc Kinh Thánh khi nhìn các bức tranh trên kiếng màu của các cửa trong các nhà thờ.

Thánh Gioan nói cho chúng ta biết rằng ‘đời sống Chúa Giêsu là ánh sáng’. Chúng ta cần đó nhận những tia sáng của Khuôn Mặt Ngài trên khuôn mặt của những ai đã từng phản ánh những tia sáng ấy. Những tia sáng linh hoạt nói với chúng ta qua những bút tích và đời sống; chúng là lời Chúa trong giới hạn nhưng là tiếng dội duy nhất, mà tùy làn sóng chúng vang vọng đến với chúng ta.

ĐỌC KINH THÁNH TRONG GIÁO HỘI

Trong lãnh vực ‘chữa lành’ mà chúng ta đề cập ở đây, cần kíp phải có giáo huấn sống động của Giáo Hội để hướng dẫn tín hữu đọc và giải thích lời Chúa, và tránh những lối giải thích hồ đồ và sai lạc. Việc phân biệt những yếu tố thuần văn hóa và lịch sử với sứ điệp Thiên Chúa gửi đến nhân loại không phải là việc dễ làm. Làm sao có thể đọc lời Chúa trong nhiều lối nói khác nhau của các người viết Thánh Kinh? Vấn đề thật phức tạp.

Không cách nào dựa vào các bản văn Kinh Thánh mà không truy xét nghiêm túc lối văn viết riêng của đoạn văn được trích dẫn. Thông điêp Divino afflante Spiritu của giáo hoàng Piô XII viết rằng:

“Người minh giải Kinh Thánh phải hết sức thận trọng và đừng bỏ qua những ánh sáng mà các cuộc nghiên cứu đương thời mang lại, phải cố gắng suy xét nét riêng của tác giả viết bản văn Kinh Thánh và điều kiện sinh hoạt, thời đại mà người ấy sống, những căn cứ bằng văn tự hay bằng lời nói được sử dụng, cuối cùng, văn phong của mỗi vị. Như thế có thể biết được tác giả bản văn Kinh Thánh và điều người ấy muốn diễn đạt khi viết ra thành văn…

Trong những ngụ ngôn và những bản văn của các tác giả xưa ở phương đông, ý nghĩa của từ ngữ được dùng thường không đương nhiên được hiểu như các nhà văn ở thời chúng ta; và điều họ muốn diễn đạt qua lời của họ không chỉ được thiết định bởi luật văn phạm hoặc luận cứ triết học mà thôi, và cũng không thể dựa trên một bối cảnh duy nhất”.

Phải nhắc đi nhắc lại là cần thiết phải có một lối đọc Kinh Thánh dựa vào ánh sáng của lối minh giải thuộc quyền giáo huấn sinh động của Giáo Hội.

Tôi thấy lối trình bày của cha Georges II. Tavard, một chuyên viên đại kết, về việc nầy rất hay. Ngài viết:

“Kinh Thánh không thể là lời Chúa nếu ta tách rời hay cô lập khỏi Giáo Hội là hiền thê của Chúa, nếu hiền thê nầy đã không từng nhận ơn thông hiểu Lời Ngài. Hai bước thăm viếng nầy của Chúa đến với con người là hai bình diện của một mầu nhiệm.

Kỳ cùng, hai bình diện ấy là một trong hai cách thế. Giáo Hội hàm ngụ Kinh Thánh, cũng như Kinh Thánh hàm ngụ Giáo Hội.”30

NHỮNG LỐI BIỂU LỘ ĐỨC TIN CỦA GIÁO HỘI

Giáo Hội thông truyền lời Chúa diễn tả đức tin của mình bằng nhiều cách.

Có khi bằng cuộc sống phụng vụ và bí tích, trong đó hàm ngụ việc truyền đạt lời Chúa. Chúng ta nhớ câu châm ngôn:  Lex orandi, lex credendi (đức tin Giáo Hội mặc khải nơi sự cầu nguyện của mình).

Có khi do do quyền giáo huấn sinh động thông thường của mình, nghĩa là giáo huấn chung của cộng đoàn các giám mục trong mối hiệp thông với giáo hoàng.

Có khi bằng một lối công khai bày tỏ của quyền giáo huấn có tính cách bất thường – chẳng hạn Công Đồng-  vì lý do muốn xác quyết một nội dung khi có nguy cơ ly giáo hoặc sai lạc nào đó.

Có khi do một lối công bố ‘trên tòa’ của giáo hoàng; trong dịp nầy ngài diễn tả hay chứng thực đức tin của Giáo Hội.

Lời thần khải đến với chúng ta, do Truyền Thống sống động của các bậc thông hiểu và các thánh ôm ấp gìn giữ, do giáo huấn Giáo Hội soi dọi và chứng thực. Đó chính là khung cảnh sống động mà cuộc sống kitô-hữu và đức tin trọn đầy triển nở.

CÁC BẢN VĂN BỔ SUNG CHO NHAU

Khi phải đọc một loại văn chương có nhiều tác giả cùng viết với những cái nhìn đa dạng, thì đặc biệt nên nhớ là phải lưu ý đến những đoạn khác nhau nhằm tạo sự hài hòa của cái nhìn toàn cục. Chúa Giêsu hứa ban bình an không thể diễn tả bằng lời nói và đồng thời lại tuyên bố là Ngài không đến để mang hòa bình nhưng là gươm đao. Ngài nhắc nhở phải tôn vinh cha mình và nơi khác Ngài tuyên bố phải ghét cha mình để theo Ngài và để kẻ chết chôn kẻ chết. Đó là những lời như nghịch nghĩa, như mâu thuẩn, những lối bổ sung trong Phúc Am. Một viên kim cương nhiều mặt dọi sáng dần hối dưới ánh mặt trời. Một nhân vật của nhà văn Paul Claudel nói thế nầy “Tôi thích những gì cùng ở chung với nhau”. Mọi lối nhìn một chiều đều nguy hiểm.

CỨU ƯỚC VÀ TÂN ƯỚC

Ngay cả Thánh Kinh, cũng cần nhớ là phải đọc dưới những lối soi dọi khác nhau. Cựu Ước là bước đường chuẩn bị cho Tân Ước nên phải đọc dưới ánh sáng của Tân Ước; Phúc Am cũng thế, ngay từ bước đầu phải lấy ánh sáng Phục Sinh để nhìn ánh dọi ấy xuyên qua các trang.

Những chìa khóa ấy hết sức quan trọng cần phải lưu ý trong lãnh vực tối tăm mà chúng ta đang đề cập, nếu không thì Phúc Am không còn nhận ra là Tin Mừng nữa.

Từ những chìa khóa nầy, xuyên qua nhiều con đường đồng qui, chúng ta sẽ xét xem tư tưởng trung thực của Giáo Hội về vấn đề hiện diện của Ac Thần hay các Quyền năng của Bóng tối trong thế gian như thế nào.

Để tuần tự tìm hiểu vấn đề, tôi nghĩ nên lưu ý đến những thời đại khác nhau của mỗi bản văn Kinh Thánh.

Như chúng tôi đã nói qua, cái nhìn của Do thái giáo xưa không phải là cái nhìn của Do thái giáo thời đương tiền của Chúa Kitô: cần lưu ý điểm nầy khi minh giải các bản văn. Cũng như chương trình cứu độ cũng không y như cũ sau biến cố Vinh quang Phục Sinh của Chúa Giêsu. Nhờ sự chết và sự Phục sinh của Ngài chúng đa đã được đưa vào một thế giới mới, chúng ta tham dự vào Quyền năng của Thánh Thần qua tác động của ơn Ngài trong phép rửa. Và chỉ có Thánh Thần mới thấm nhập sâu kín trong chúng ta, làm cho chúng ta thành chi thể Chúa Kitô và cho phép chúng ta nói với Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà chính Đức Kitô sống trong tôi” (Galata 2, 20). Cũng Thánh Phaolô ấy sẽ nhận mình là kẻ tội lỗi và cho biết lý do là vì “tội lỗi ở ngay nơi tôi” (Roma 7, 17), nhưng không bao giờ nói là quỉ ở trong mình. Đối với Thánh Phaolô, tội lỗi thiết yếu là sự từ chối của con người ngăn cản Thánh Thần tác động trong mình. Ngài nói rõ trong đoạn văn nầy (1 Thessalônica 4, 8):

“Vậy, ai từ rãy những lời dạy nầy, không phải người ấy từ rãy một con người, nhưng là từ rãy Thiên Chúa, Đấng ban ơn Thánh Thần cho anh chị em”.

Điều Giáo Hội muốn nhấn mạnh, đó là sự giải thoát khỏi tội lỗi, chứ không phải là vấn đề ma quỉ. Đây mới chính là điểm chủ yếu mà Giáo Hội lưu tâm xác quyết.

GIÁO HỘI, MINH GIẢI BẢN VĂN CỦA THÁNH MARCÔ: “ANH CHỊ EM SẼ TRỪ QUỈ ”

Và cũng chính Giáo Hội phải hướng dẫn trong việc đọc các bản văn chính xác và đặc loại liên quan đến lời Chúa Giêsu hứa với các môn đệ của Ngài trong vấn đề các quyền năng sự Ac. Để thêm vào câu văn trên, chúng ta đọc lại phần cuối của Marcô, vốn cũng được Giáo Hội nhìn nhận là qui điển và thần khải và được các tông đồ làm chứng. Chúng ta thử xem cần phải đọc và hiểu thế nào những lời tương tự của Thầy chúng ta được ghi lại ở một nơi khác:

“Và đây là những phép lạ sẽ xảy ra cho những ai tin: nhờ Danh Thầy họ sẽ đuổi tà ma, sẽ nói các tiếng lạ, sẽ cầm rắn trong tay và sẽ uống thuốc độc mà không hề hấn gì cả; họ sẽ đặt tay trên người bịnh và những người ấy sẽ lành” (Marcô 16, 17-18).

Kỳ cùng nếu không phải là quyền giáo huấn linh động của Giáo Hội thì ai sẽ giải thích những lời lạ lùng nầy và qua đó mời gọi chúng ta tin tưởng vào Chúa?

Chúng ta không minh giải đoạn văn nơi đây, nhưng có thể nói lên một vài chỉ dẫn đập ngay vào mắt chúng ta.

“Anh chị em sẽ trừ quỉ”, Chúa đã hứa như thế cho các môn đệ Ngài. Đúng rồi, nhưng có trăm ngàn cách để chiến thắng sự Ac.

Chính Chúa Giêsu cũng không chỉ chọn một phương cách đồng điệu, cứng nhắc. Ngài không nói phải nhắc đến quỉ ma, như có lúc Ngài làm – nhưng không phải khi nào cũng làm như thế-, hoặc phải gọi tên chúng, truy cứu xem loại ‘quỉ’ đặc biệt nào, hoặc làm danh sách các loại quỉ.

Trong thời gian làm sứ vụ công khai, Ngài phản ứng bằng nhiều cách khác nhau khi đối đầu với Ac Thần. Ngài hoàn toàn tự do linh động chọn phương cách của Ngài: có khi Ngài quay lưng với ma quỉ và chỉ nói với người bịnh; có lúc lại làm cho quỉ lúng túng, tố giác sự dối trá hoặc ra lệnh phải để cho người bịnh được yên.

Chúa Giêsu không nói là cuộc chiến ấy là một cuộc chiến của cá nhân. Ngài không trao ban cho các môn đệ Ngài một đường lối bất khả ngộ để suy xét về quỉ ma, cũng như phương pháp nào để tu luyện con đường ấy. Nhưng Ngài đã dấy lên sứ vụ của các tông đồ để hướng dẫn họ trong bước đường hành đạo chờ đợi Ngài trở lại trong vinh quang.

Chúa Giêsu không nói cuộc đời kitô hữu chúng ta phải chú tâm vào việc trực tiếp đối đầu với quỉ – hoặc ra lệnh đuổi chúng hoặc tuyên thệ từ bỏ chúng – và dạy tất cả mọi người phải thực hiện việc ‘cứu chữa’ như thế. Và ngày ngày làm công việc ‘trừ tà’ nầy như trau dồi cuộc sống tu đức. Ngài cũng không khuyên dạy phải khuyến khích kitô hữu cầm ‘rắn độc trong tay’, hoặc ‘uống thuốc độc’.

Khó mà tìm cho ra xem con quỉ dâm ô nào đã bị đuổi ra khỏi người đàn bà ngoại tình (Gioan 8) hoặc người đàn bà phạm tội mà Thánh Luca đã nhắc đến (Ch. 7), hoặc những người loạn luân ở Corintô (1 Cr 5). Cũng đừng hoài công tìm xem con quỉ hà tiện tham lam nào bị đuổi đi ra khỏi Zakêu, con quỉ cứng lòng tin nào bị trừ khỏi Phêrô sau ba lần chối Thầy, quỉ nào bị trừ khỏi lòng tranh chấp giữa những người Corintô mà Thánh Phaolô kêu gọi phải tái lập lại trật tự.

Chúa không nói quỉ ma là căn nguyên mọi tội lỗi con người và mọi lỗi lầm đã phạm vì do quỉ xúi giục. Ngài từng kể một câu truyện đi ngoài lối nhìn ấy. Đó là ngụ ngôn người gieo giống. Bên cạnh những trường hợp giống tốt bị quỉ lấy đi, Ngài nói đến những trường hợp khác hạt giống bị chết vì nó rơi phải vào đất không sâu – hình ảnh tượng trưng cho sự hời hợt và bất chừng của con người; hoặc còn do những gai góc – là những lo toan làm con ngưởi quay lưng với Chúa làm cho giống tốt chết ngộp. (Mt 13, 19 tt; Mc 4, 15; Lc 8, 12 tt).

Ta chiến đấu với quỉ ma một cách thiết thực, và phòng ngừa quỉ ma bằng những gì nuôi dưỡng và đem lại sinh lực cho cuộc sống kitô hữu, trước hết đó là nhờ vào các phép bí tích.

Và trong các bí tích, Thánh Thể là trung tâm và qui hợp sẽ là nguồn suối tuyệt hảo chữa lắnh và giải cứu.

Cũng như mặt trời là lửa và ánh sáng xóa tan bóng tối, Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể đổ tràn năng lực của cuộc sống của Ngài và đem lâi vinh quang chiến thắng trên Sự Ac, nếu chúng ta biết đón nhận Ngài.

Nói tóm, muốn hiểu một đoạn văn, cần phải đưa nó vào khuôn khổ trọn nghĩa và trong dòng sinh lực của bản văn; và chính quyền giáo huấn linh hoạt của Giáo hội là sự suy xét tối hậu, là lối minh giải trung thành trong Thánh Thần và trong lời Kinh Thánh.

LỜI NGUYỆN

Trong lời cầu xin của Giáo hội, chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta ơn khỏi phải bị lạc lầm trong lối nhìn riêng lẽ khi minh giải Lời Chúa:

Lạy Chúa, xin Chúa gìn giữ Giáo hội Chúa

với lòng độ lượng vô biên;

và vì không có Chúa thì con người sẽ lạc lầm,

xin Chúa luôn nâng đỡ

để con người tránh sự ác và

hướng đến sự cứu độ.     

Lời nguyện ngày thứ ba tuần lễ thứ hai Mùa Chay.

        

3.  Giáo Hội và cuộc sống bí tích ‘cứu thoát’

MỘT CÁCH TỔNG QUÁT

Sự hiện diện liên tục của Chúa Giêsu Kitô

Nếu Chúa Giêsu tiếp tục hành động một cách bí nhiệm qua Lời của Ngài, Lời linh hoạt và luôn nói trong mọi lúc với chúng ta, thì Ngài cũng đến và tác động đầy quyền năng qua các bí tích.

Mỗi bí tích là một lời của Chúa Kitô, một lời có tác dụng cao độ nơi một hành vi của Giáo hội. Sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô là trung tâm thật sự của ‘mầu nhiệm Giáo hội’.  Và chính nơi điểm nầy của đức tin chúng ta mà chúng ta phải đương đầu với thử thách giữa hai con đường: hoặc ta nhìn Giáo hội với con mắt của nhà xã hội học hay sử học, và ta sẽ xếp Giáo hội vào khuôn khổ ‘các định chế ‘ thuần trần tục, hoặc ta nhìn với con mắt đức tin, bên trên những khía cạnh thiếu sót của con người, để nhận ra Đức Kitô đang tác động nơi Giáo hội ấy xuyên qua tác vụ trao cho con người.

Vaticanô đã dành chương đầu, chương nền tảng của hiến chế Lumen Gentium về Giáo hội để nói rõ ‘Giáo hội là mầu nhiệm của Chúa’. Chương dẫn nhập nền tảng chi phối tất cả, nhưng dường như Kitô hữu không biết đến, vì chúng ta quên học hỏi và quên giáo huấn. Nếu ta muốn đưa Chúa Kitô vào ‘trong đời sống Kitô hữu, thì phải làm cho Kitô hữu nhận ra Chúa Giêsu đang tác động trong Giáo hội và ‘sức mạnh’ của các bí tích bắt nguồn từ nơi Ngài.

Cũng như Chúa Giêsu là Bí Tích của Chúa Cha – là Đấng đưa chúng ta vào trong cuộc sống sâu kín của Chúa Cha và mạc khải Chúa Cha -  thì theo chương trình của Ngài và một cách tương tự, Giáo hội có thể được gọi là ‘bí tích phổ quát của ơn cứu độ’ (L.G. số 48 §2) hoặc ‘bí tích liên kết với Thiên Chúa và hiệp nhất nhân loại trong Chúa Giêsu-Kitô’ (L.G. số 1) như Hiến chế đã ghi.

Đó là sự thật căn nguyên về Giáo hội, về lý lịch chi phối và giải thích hành động của mình. Chúa Giêsu Kitô không những đã muốn Giáo hội tiếp tục sự hiện diện của Ngài trong lịch sử, nhưng tiếp tục làm cho Ngài hiện diện trong sức mạnh thần thánh của Chúa sống lại. Ngài không những đã hiện diện đầy đủ trong ba mươi ba năm nơi cuộc sống trần gian của Ngài: Ngài còn tác động để thăng hoa các thế hệ, các thế kỷ và sẽ mãi ở với con người cho đến lúc thế mạt. Từ nay Chúa Giêsu hành động giữa chúng ta xuyên qua Lời Ngài và xuyên qua các bí trích, và trong Lời nầy và các bí tích nầy.

Các thánh phụ nhắc đi nhắc lại không ngừng: không phải linh mục rửa tội, biến bánh thành mình Chúa, giải tội, chữa lành, nhưng Chúa Kitô trong tác vụ linh mục và xuyên qua tác vụ ấy.

Dưới hành động của bí tích có việc làm của Chúa Kitô, được Thánh Thần tác động. Lơ là hay đánh giá thấp việc thường xuyên gần gũi với tác vụ bí tích của Giáo hội, là chúng ta tự đánh mất những nguồn sống nguyên thủy và thiết thực.

Sự hiện diện cứu thoát

Nói đến nguồn sống là nói đến nguồn cứu chữa khỏi những điều nguy hại đến sự sống thần thánh trong chúng ta, nguồn cứu thoát khỏi những thương tổn do tội lỗi và sự ác, nguồn giải phóng ưu tiên đối với Quỉ dữ. Giáo hội sẽ là căn nguồn mầu nhiệm ơn cứu độ nhờ vào hành động bí tích của mình.

Mỗi một bí tích ban cho chúng ta là một phương thế để Chúa Giêsu hoàn thành công việc của Ngài trong chúng ta, ứng dụng những hoa trái của khổ nạn cứu chuộc của Ngài, tạo dựng một nhân loại mới mà Ngài muốn dâng lên Cha Ngài và Ngài đã hoàn thành bằng giá máu của Ngài.

Cần phân giải từng bí tích một của Giáo hội để tìm ra được năng lực sự sống của nó, cũng như tiềm năng ơn chống ngừa Sự Dữ và chữa lành các tác hại của nó.

Bấy giờ chúng ta đi vào tâm điểm của Giáo hội, mầu nhiệm cứu độ và giải phóng. Nơi đó, chúng ta sẽ tìm thấy ơn cứu độ, nếu không nói là con đường duy nhất, thì ít nhất là con đường ưu tiên và có giá trị tác động sâu xa cũng như sáng chói hơn cả. Không thể nào quên nhấn mạnh thêm lần nữa về ý nghĩa của các bí tích như là cánh cửa rộng mở để Chúa ban ơn và là nơi chúng ta tiếp nhận hành động ban sự sống và thanh tẩy của Thiên Chúa.

Không hình thức máy móc

Nhưng nếu các bí tích tác động ngay tự nơi sức mạnh của chính nó – ex opere operato-, thì sự kiện đó không có nghĩa là thụ động máy móc đề rơi vào chủ trương duy-nghi-lễ bí tích cực đoan (sacramentisme outracier),  nghĩa là lơ là hoặc xem thường những điều kiện chuẩn bị và tiếp nhận, cũng như những đói hỏi phải thực hành trong đời sống.

Chúng ta quá quen thuộc đến độ coi thường những bí tích chúng ta hưởng được trong tầm tay của chúng ta. Chúng ta có nguy cơ làm cho qua, làm một cách máy móc: chúng ta luôn phải xét mình lại về những điều kiện thực thi các bí tích trong cuộc sống hằng ngày.

Chúng ta nên tự xét mình định kỳ về điểm nầy. Xét xem tại sao giới trẻ thường quay lưng với Giáo hội. Ta có thể trả lời bằng cách đưa vấn đề dựa trên một lố những nguyên nhân ngoại tại không liên quan gì với chúng ta, như là do tình trạng suy đồi đạo đức và bối cảnh trần tục hóa của thế giới chung quanh. Những lý do đó có thật. Nhưng cũng có những lý do nội tại phát sinh do chính chúng ta, đặc biệt là trong cách ta thực thi bí tích Thánh Thể và các bí tích. Thường vì do việc làm lấy lệ máy móc; quá nhiều gỗ khô mục làm cho cây không đâm chồi nẩy lộc.

Công việc canh tân phụng vụ chưa hoàn thành: nó phải đi xa hơn lối dùng sinh ngữ hoặc những cải cách chi tiết. Còn phải đào sâu ý nghĩa thờ phượng, tác động ân sủng, cầu xin ơn thứ tha, sự hiệp nhất huynh đệ.

Tại sao quá nhiều những người trẻ này lại đi tìm của ăn thiêng liêng nơi khác, trong những giáo phái hoặc trong những lối suy tư thần bí? Phải chăng đó là lời nhắc nhở cho thấy cuộc sống bí tích không thể hiện sinh lực cần thiết?

Theo tôi, về mặt nầy dường như Canh tân đoàn sủng là một ơn đem lại sinh lực mà chúng ta đừng nên bỏ qua.

Về vấn đề chữa lành mà chúng ta đang đề cập, nên nêu rõ ơn giải thoát mà mỗi bí tích đều mang lại và nhấn mạng rằng việc chống lại Sự Dữ và ảnh hưởng của nó không thể tách rời với cuộc sống bí tích của Giáo hội.

Trong các bí tích, chúng ta giới hạn công việc phân tích của chúng ta một cách ngắn gọn về vấn đề ấy qua vai trò của bí tích rửa tội, Thánh Thể và thống hối hoà giải.

ĐẶC BIỆT

Bí tích rửa tội

Bí tích rửa tội kết hợp chặt chẽ chúng ta một cách căn đế với sự chết và sự sống lại của Chúa Cứu Thế: đây là bí tích giải thoát và cứu chuộc căn bản. Nó minh nhiên bao gồm việc từ bỏ ma quỉ và những việc làm của nó, điều đó không có nghĩa là giả thiết người sắp chịu phép rửa đang bị quỉ ám, nhưng hàm ngụ rằng người Kitô hữu vừa được khai sinh tham gia vào sự chiến thắng của Chúa Kitô trên Sự Dữ.

Giáo hội diễn tả trong nghi thức của bí tích rửa tội các trẻ nhỏ dưới dạng thức sau đây:

‘Lạy Thiên Chúa toàn năng, Ngài đã gửi Con một của Ngài đến trong trần gian để cứu thoát con người đang là nô lệ của tội lỗi và làm cho nó hưởng sự tự do thuộc về con cái Ngài; Ngài biết những đứa trẻ nầy sẽ bị những dối trá thế gian cám dỗ và cần có can đảm để chống lại quỉ ma.

Chúng con hết lòng khiêm tốn cầu khẩn xin Ngài giải cứu họ khỏi quyền lực tối tăm nhờ sự Khổ nạn và sự Sống lại của Con Ngài; xin ban cho họ sức mạnh của Chúa Kitô và gìn giữ họ suốt đời”.

Trong nghi thức rửa tội người lớn, từng giai đoạn một, việc trừ quỉ được diễn tả qua lời nguyện như sau:

“Xin nhờ Thánh Thần sự thật của Ngài giải thoát tất cả những ai đang bị quỉ ma dối trá kiềm chế”.

Nhân đây, chúng ta có thể nhận ra nơi phụng vụ của ngày thứ bảy Tuần Thánh, khi tuyên xưng lại lời thề hứa của bí tích rửa tội.

Vị chủ tế nêu một câu hỏi mời gọi cộng đoàn tuyên hứa. “Anh chị em có từ bỏ Ma quỉ, tội lỗi , tất cả những gì dẫn đến tội lỗi hay không?” Câu trả lời cho câu hỏi như thế hẳn không phải không có hậu quả. Nhưng nó chỉ có ý nghĩa khi ma quỉ phải được nhìn nhận là một thực thể, và cuộc sống kitô hữu phải nhận ra như một cuộc chiến tinh thần chống lại các sức mạnh của Sự Dữ.

Cộng đoàn tín hữu trả lời ‘xin vâng’, nhưng cộng đoàn ấy có hiểu biết đầy đủ xuyên qua giáo huấn thông thường về những gì hàm ngụ trong câu ấy không? Trong bài giảng của chúng ta, chúng ta có nói cho cộng đoàn ấy hiểu mầu nhiệm vượt qua chính là sự chiến thắng ma quỉ, chiến thắng tội lỗi và sự chết không? Tôi e rằng không, và tôi là người trước tiên thú nhận mình có lỗi trong việc ấy. Lối dạy giáo lý của chúng ta không chuẩn bị cho cộng đoàn kitô hữu nắm bắt được những lời đối đáp và ý nghĩa hàm ngụ trong những câu nầy.

Bí tích Thánh Thể

Thánh Thể, ‘đỉnh cao của cuộc sống kitô-giáo’ (Vaticanô II), suối nguồn phát sinh và là điểm qui kết của các bí tích, cũng đúng là sự thông dự vào mầu nhiệm vượt qua của sự chết và sự phục sinh. Sự thông dự ấy nối kết chúng ta vào hy tế cứu độ và suối nguồn của sự sống mới, chữa lành tâm hồn và thể xác.Thánh Thể đúng là bí tích cứu thoát.

Trước phần hiệp lễ, linh mục dâng lên Chúa lời nguyện nầy: ‘Xin mình và máu Chúa giải thoát con khỏi mọi tội lỗi và mọi sự dữ’. Và sự dữ ấy bao gồm tất cả mọi quyền lực của sự dữ. Thánh Thể là thần dược ngăn chống sự dữ, bảo chứng cho sự sống lại và hiệp thông với Đấng giải thoát chúng ta.

Trong Thánh Thể, chúng ta cử hành quyền năng của Chúa Giêsu, Đấng chiến thắng mọi sức mạnh của sự dữ. Sự phục sinh của chúng ta, sự vượt qua từ cõi chết đến sự sống đã hoàn thành trong Ngài.

Thánh Thể là cử hành cuộc vượt qua. Chúng ta tôn vinh sự chiến thắng vinh quang nhờ cái chết của Đấng Cứu độ. ‘Nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài’ chúng ta thờ lạy Chúa Cha trong niềm hân hoan khi biết mình được cứu chuộc và được giải thoát, mặc dầu chưa đi đến bước cuối cùng. Ý thức sinh động về mầu nhiệm Thánh Thể không tương hợp với cái nhìn bi quan về vũ trụ và thế giới cũng như việc quả quyết về sự ác căn đế nơi con người mà người ta thường nhấn mạnh trong truyền thống phát sinh từ cuộc Cải cách của Tin Lành, như ta biết. Chúng ta sẽ trở lại về đề tài Thánh Thể như là sự chiến thắng các quyền năng của sự dữ ở phần III.

Bí tích thống hối hòa giải

Còn về bí tích thống hối hòa giải, đây không phải chỉ là bí tích thứ tha. Nó không những xóa bỏ mọi tội lỗi, nhưng là ơn và sức mạnh chống đỡ cho cuộc chiến tương lai. Nó tẩy trừ tội lỗi là nguồn sức mạnh cho sự dữ hoành hành trong chúng ta.

Bí tích thống hối hòa giải mà Chúa trao cho các Tông đồ Ngài, là một bí tích cứu chữa nhằm giúp chúng ta cảm nghiệm lòng nhân hậu và yêu thương của Ngài. Nó là dụng cụ tối ưu để chiến thắng tội lỗi và những nô thuộc của chúng ta váo nó. Khi chúng ta thành tâm tiếp nhận, nó tác động để con người tội lỗi của chúng ta thống hối và được giải thoát trong nội tâm. Nó là bí tích giải thoát tuyệt hảo.

Tất cả những điều nầy là giáo lý căn bản cho người tín hữu của Giáo hội. Chúng ta cần định giá về tất cả tiềm năng của bí tích nầy, và kinh nghiệm của các Kitô hữu nói chung có thể giúp chúng ta nhận ra khía cạnh thức tế và hiệu quả cụ thể trong cuộc sống. Một cuộc đối thoại giữa Giáo hội giảng dạy và Giáo hội thụ huấn về điểm nầy có thể mang lại nhiều điều phong phú và hữu ích. Vì chúng ta phải cố gắng đưa các bí tích vào trong đời sống, chứ đừng làm cho chúng xa cách. Chúng ta hiểu rằng các Giáo hội, như Free Churches, không biết đến các nguồn sức mạnh của bí tích về giải thoát nhưng lại thực hiện việc vhữa lành như một tác động tự phát riêng lẽ với những lối hiểu vá áp dụng tùy nghi, việc làm đó chúng ta phải thận trọng. Nhưng về phía chúng ta, chúng ta cần phải phong phú hóa và linh động hóa đường lối mục vụ bí tích của chúng ta, đặc biệt là bí tích thống hối hòa giải.

Bí tích xức dầu thánh cho người bịnh

Cũng cần nói đến bí tích xức dầu thánh cho người bịnh, bí tích chữa lành, nếu không phải thể xác thì ít nhất là tinh thần. Và về điềm nầy, bí tích ấy có những tiềm năng riêng liên quan đến đề tài chúng ta đang bàn.

CÁC HÌNH THỨC Á-BÍ-TÍCH  31

Giáo hội nhìn nhận các á-bí-tích trong nỗ lực nối dài các bí tích, với điều kiện phải tránh mọi lối sử dụng và giải thích có tính cách quá lạm.

Trong hiến chế về phụng vụ của Công Đồng Vaticanô II, Giáo hội nhắc lại việc thực hành các á-bí-tích là chính đáng, nhưng phải thích hợp với những đòi hỏi của thời đại chúng ta.

Đây là đoạn văn liên quan:

“Ngoài ra, Giáo hội là Mẹ đã thiết lập các á-bí-tích. Đó là những dấu chỉ thiêng liêng; vì noi theo ý nghĩa  các bí tích, chúng đem lại những hiệu quả đặc biệt về mặt thiêng liêng nhờ vào quyền năng Chúa trao ban cho Giáo hội. Nhờ chúng mà con người được chuẩn bị để tiếp nhận những hiệu quả chính yếu của các bí tích, và những hoàn cảnh khác nhau của đời sống được thánh hóa.” (C.L. số 60).

Công đồng nói tiếp về giá trị mục vụ của phụng vụ và mối tương quan giữa phụng vụ và mầu nhiệm Vượt Qua như sau:

“Vì thế, nơi người tín hữu được chuẩn bị sẳn sàng, phụng vụ các bí tích và các á-bí-tích làm cho hầu hết mọi biến cố đời sống được thánh hóa do ơn thánh sủng phát sinh từ mầu nhiệm vượt qua của khổ nạn, của sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô, vì sức mạnh mọi bí tích và á-bí-tích đều phát sinh từ nơi Ngài; và hầu như không một việc sử dụng nào trên các đồ vật có thể có giá trị nếu không qui về cứu cánh ấy: đó là sự thánh hóa con người và ca ngợi Thiên Chúa” (C.L. số 60).

Giáo hội thật sự nhìn nhận vai trò chính đáng của các á-bí-tích, một chỗ đứng tuy phụ thuộc và tương đối, nhưng có thật.

Trong đường lối Nhập thể của Con Thiên Chúa chấp nhận làm người, hẳn nhiên hành động thánh hóa và giải thoát của Ngài nối dài, không những xuyên qua bí tích, nhưng còn xuyên qua những biểu tượng khiêm hạ của con người, những biểu tượng được thánh hóa nhờ lời cầu xin có năng lực của Giáo hội.

Việc làm dấu Thánh giá, dùng nước thánh, dầu thánh, lá được làm phép… không phải là một nghi thức bùa chú. Sử dụng với lòng tin như lời kinh tượng trưng cho việc giải thoát là một di sản thiêng liêng mà Giáo hội nhìn nhận.

Đặt biệt, việc làm dấu Thánh giá vừa là sự diễn tả đức tin của chúng về Chúa Ba Ngôi, vừa là vũ khí chống lại các quyền lựcSự Ac, như lời Thánh Phaolô khuyên dạy:

“Anh chị em hãy mặc lấy vũ khí của Chúa để có thể đương đầu với những mưu chước của ma quỉ… Nhất là anh chị em hãy giữ lấy thuẫn che của đức tin để dập tắt mọi mũi tên lửa của Ac Quỉ” (Ep 4, 11 và 16).

LỜI NGUYỆN

Trong lời nguyên nầy của Giáo hội, chúng ta cầu xin Chúa dẫn đưa chúng ta đến nguồn suối của mọi sự giải thoát:    

        Lạy Chúa, xin cho sự hiệp thông với bí tích của Chúa,

        chúng con được cứu thoát và

        được bám rễ vào chân lý của Chúa.

         Lời nguyện sau phần hiệp lễ chủ nhật 20 quanh năm.

 

4.  Giáo Hội đối diện với ‘mầu nhiệm về sự ác’

TỘI LỖI, KẺ THÙ TRƯỚC TIÊN

Trong văn chương viết về quỉ ma người ta thường tập chú vào những trường hợp có thực hay giả tưởng về ma nhập. Các phương tiện truyền thông đại chúng lại nhấn mạnh vào khuynh hướng nầy.

Cần điều chỉnh lối nhìn lệch lạc ấy và tránh cạm bẫy phóng đại những gì hoạ hoằn mới xảy ra.

Điều làm cho chúng ta bị ‘nô thuộc’ các quyền lực sự ác, thường không phải là ‘quỉ ám’. Các nhà thần học cùng chung quan điểm cho rằng quỉ ma không thể đi vào bí mật của lương tri nếu con người không tự ý trao quyền cho chúng.

Chính tội lỗi và uy lực của nó làm cho chúng ta bị nô thuộc, và làm lan tràn ảnh hưởng độc hại như một ngọn gió thổi vào một lò lửa mà chúng ta dại dột làm cho nó bung lên. Vũ khí kinh hoàng nhất mà quỉ ma sử dụng không phải ma ám, nhưng chính là tội lỗi con người.

Giải thoát trước tiên và ưu tiên, đó là giải thoát tội lỗi chúng ta, vì chính tội lỗi làm cho chúng ta thành nô thuộc và làm chúng ta mất tự do. Tội lỗi cư ngụ ở mọi cấp độ của sinh hoạt con người: lý trí, ý chí, hành động, cảm xúc. Mức thang của các loại nô thuộc vào tội lỗi rất rộng và rất đa tạp.

Đó chính là điểm phải lưu ý khi nói đến chữa lành, chứ không phải là chỉ là những hiện tượng thần kinh tâm bịnh. Như linh mục Jean-Claude Sagne, o.p. viết:

“Chính vì tâm hồn trống vắng thiếu tin tưởng vào Chúa hoặc vì ích kỷ hoặc hơn thế nữa do lòng cao ngạo tự mãn mà quỉ ma đã đến và biến sự yếu đuối chúng ta thành gánh nặng tinh thần, biến lòng ích kỷ thay cho ‘các mối giây’ thiêng liêng, và cuối cùng biến lòng cao ngạo của chúng ta thành chướng ngại ngăn chận ơn Thánh Thần. Đừng đổ lỗi cho quỉ ma hoặc các thần xấu cám dỗ. Quỉ ma làm chai đá những gì nó thấy đã sẳn khô cằn hoặc làm hư nát thêm mà thôi. Nó làm cho những gì đã hỏng thêm tệ hại. Nó khai thác những nhược điểm của chúng ta…”32.

DỤC VỌNG

Ta cũng không thể quên là trong chúng ta còn có một thực thể không thể gọi là tội lỗi, nhưng là một yếu tố gây rối loạn không thể đồng hóa với quỉ ma. Chúng tôi muốn nói đến dục vọng.

Trong thần học, thực thể nầy được hiểu là những hậu quả do tội lỗi con người (một con người vốn được ân sủng làm nên công chính), nghĩa là những vết tích tội lỗi chống lại với ý chí tốt lành (nhờ ân sủng), dưới hình thức những xung động đa biệt. Nó là dữ kiện cổ điển được nêu lên như một tiền cảnh thách đố tự do và chi phối một khía cạnh nào đó của hành vi đạo đức con người vốn đã được ân sủng làm thành công chính. Thánh Phaolô không ngại phải kêu lên: “Tôi không làm đều tôi muốn, mà làm đều tôi ghét bỏ” (Rom 7, 15).

Đừng đồng hóa dục vọng nầy, vốn dĩ gắn liền với hành động của con người, với một sự khống chế đặc loại và trực tiếp của ma quỉ.

TỘI LỖI ‘TRONG CÁC CƠ CẤU’

Điều gì chúng ta đã nhận ra trên bình diện cá nhân thì cũng đúng trên bình diện các cơ cấu vô nhân của cộng đồng, cơ cấu kinh tế, xã hội, chính trị, khi chúng không biết đến những quyền tối thượng của con người, không tương hợp với phẩm giá của nó.

Ở cấp độ nầy cũng thế, tội lỗi trì ngự, dẫu trách nhiệm mỗi người có khác nhau, nhưng cũng không thể tránh né được trách nhiệm tập thể mà mình ở trong đó.

Chúng ta thường dễ có khuynh hướng tưởng tượng rằng hành động của quỉ ma phô trương bên ngoài. Kỳ thực, những ‘tác động’ bên ngoài ấy là ngoại lệ. Hành động vô hình và tinh tế đó mới là tệ hại hơn cả.

CON NGƯỜI LÀ KẺ MANG TRÁCH NHIỆM TRƯỚC HẾT

Chủ trương bi quan tuyệt đối về thế gian, về thân xác, về tự do căn cơ của con người không thể tương hợp với đức tin của người công giáo. Dù mang thương tích do tội lỗi gây nên, con người luôn là kẻ mang trách nhiệm tối hậu về hành động của mình và không thể là đồ chơi của các tác động quỉ ma đang uốn nắn nó.

Anh hưởng của quỉ ma thể hiện nhiều cách: nó là kẻ cám dỗ, dụ dỗ, bày mưu chước. Nó lường gạt và đánh tráo thật giả, tốt xấu, “xuất hiện qua hình ảnh một thiên thần mang ánh sáng” (Rm 7, 15).

Nhưng sự khống chế của nó không độc tài: nó kêu gọi con người đồng ý đi theo nó, và kỳ cùng, con người luôn mang trách nhiệm về tội của mình.

Đừng nhấn mạnh đến ảnh hưởng quỉ ma để tự bàu chữa và che đậy sự yếu hèn của con người, làm suy giảm hoặc đánh mất ý thức trách nhiệm của chúng ta. Còn gì dễ hơn là nại đến những căn cớ ngoại tại để tránh né hay gia giảm sự tự do nơi quyết định của chúng ta. Giáo hội luôn chống lại những gì ‘làm con người bất ổn’ và biến nó thành trò chơi của các sức mạnh ngoại tại. Giáo hội tuyên xưng rằng Chúa đã trao số phận chúng ta trong tay chúng ta, khi tạo dựng nên chúng ta làm người tự do và trách nhiệm; và nếu trách nhiệm có thể vì những hoàn cảnh nầy khác mà giảm bớt, thì tự căn trách nhiệm vẫn nguyên lành.

ĐỨC TIN LÀ THÀNH TRÌ TỐI HẬU

Còn đối với quỉ ma, cái gì nó cũng làm, miễn ngăn cản được ta đến gần với Chúa. Chiến thuật chúng thường áp dụng có thể tóm lại thế nầy: quỉ cố làm cho con người xa Chúa.

Để ngăn cản chúng ta gần Chúa và sống trong ánh sáng, quỉ ma đánh ngay vào nền tảng cuộc sống kitô giáo: đó là đức tin Chúa ban. Vì đức tin đưa chúng ta trực tiếp đến gần Chúa, và quỉ lại không thể đi vào lãnh vực dành riêng của Chúa. Con người càng sống đức tin, thì quỉ ma càng khó nắm bắt. Đức tin là một thành trì chống lại những tấn công của quỉ ma, nên quỉ ma cố làm cho con người xa đức tin, nó bày đủ trò ngoạn mục để đánh lừa và đưa người tín hữu dựa vào một cái gì khác ngoài đức tin thuần khiết của mình.

Nên những hiện tượng nào là ‘thấy điều lạ’, ‘được thần khải’, ‘nói tiên tri’ đang được kể lại đây đó trên thế giới, có thể là nguy cơ, cạm bẫy mà Canh tân đoàn sủng phải cảnh giác. Việc cho rằng thường thường đó là những hiện tưởng của trí tưởng tượng: suy xét như thế thuộc quyền Giáo hội nhằm ngăn cản nguy cơ ảo giác, vì những trò giả dối về những hiện tượng siêu nhiên là hành động ma quái mà Thần Ac thường dùng.

Nhưng kỳ cùng, chúng ta cũng nên thử đặt vấn đề xem phải chăng việc trình bày quỉ ma đang hoành hành trên thế giới lại là một trò lừa đảo của quỉ ma; và làm như thế phải chăng lại giúp những người cho rằng chẳng có quỉ ma gì cả có thêm lý chứng để chối từ sự hiện hữu của chúng!

MẦU NHIỆM VỀ SỰ ÁC

Trên bình diện của thế giới vô hình

Thế giới của bóng tối là tối tăm, ở ngoài cơ cấu suy tư của ta. Hẳn nhiên mầu nhiệm về Thiên Chúa vượt lên sức hiểu biết chúng ta, nhưng đây lại thuộc về một lý do khác: vì cõi nầy mắt chúng ta quá yếu hèn nên không chịu nỗi ánh sáng huy hoàng của Chúa. Ai có thể thấu hiểu mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa tạo dựng, cứu chuộc, thánh hóa chúng ta?

‘Mầu nhiệm về sự ác’ mà Thánh Phaolô nói đến, trái lại, không nằm trong trật tự ấy: nó khôn dò vì tăm tối phủ đầy. Người ta chỉ thấu rõ khi cầm đuốc trên tay.

Hơn bao giờ hết, trong địa hạt nầy, chúng ta cần hết sức thận trọng, tránh đưa vào đây những ý niệm về lối suy nghĩ hạn chế dựa trên luận lý hoặc phân loại sự vật bên ngoài. Mỗi lần đọc một số văn chương về thế giới quỉ ma là mỗi lần chúng ta muốn hô lên ‘coi chừng bị mắc bẫy, coi chừng hố thẳm rình rập’ trước những xác quyết giả tạo.

Mac Nutt, một tác giả thường phổ biến vung vít những ảnh hưởng của quỉ ma trong Canh tân đoàn sủng, nhưng lại có lý khi nhận định thế nầy: không có một lần xuất hiện nào của quỉ ma mà không đáng nghi ngờ, không một triệu chứng hoặc tổng hợp các triệu chứng nào có thể cho ta kết luận đó là việc làm của quỉ ma. Quả đúng như vậy, vì đây là địa hạt của tối tăm, vô lý, tự căn đã không thể nào hiểu nỗi!33.

Trên bình diện của thế giới hữu hình

Mầu nhiệm về sự dữ thường ẩn kín: tuy vậy, đôi khi nó xuất hiện cách nào đó mà ta cũng thấy được.

Ta tìm thấy vết tích về việc Giáo hội tin có những xuất hiện của quỉ ma qua các tài liệu phụng vụ, nghi thức, các bản văn của các giáo phụ sống trong sa mạc, các nhà khổ hạnh, các đan sĩ, các thánh. Nhiều câu truyện đượm nhiều màu sắc được diễn tả một cách chơn chất theo lối suy nghĩ của người đương thời, tuy nhiên hiện tượng liên tục lặp đi lặp lại trong đó đáng làm chúng ta lưu ý và đặt thành vấn đề.

Thật ra thì thời nào ta cũng thấy những hiện tượng như thế dưới nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt trong nhiều hạnh các thánh như Bênêdictô, Phanxicô, Gioan Thiên Chúa, Vincentê Ferrier, Phêrô Alcantara, và các thánh nữ như Margarita Cordone, Angêla Foligno, Rita Cascia, Rosa Lima và nhiều thánh khác nữa.

Gần chúng ta hơn, vào thế kỷ 19, đời sống cha xứ Ars ghi lại nhiều chuyện quỉ cám dỗ xuất hiện qua những lần ‘phá phách’ dữ dằn . Các nhà viết lại chuyện thánh nói là có những tiếng động ghê sợ ngăn không cho ngài ngủ, những lời xỉ vả hăm dọa, chưởi mắng tục tằn, những hơi thở hổn hển, trách oán đủ loại. Và tất cả được xem là những hiện tượng ma quỉ.

Vào thế kỷ 20, chúng ta chỉ đưa ra thí dụ về cuộc đời của cha Piô, một người đã mang thương tích thánh và mất vào năm 1968 (người ta đang xin phong thánh).34  Đời ngài gặp nhiều chuyện quỉ phá phách: quỉ xuất hiện ra với ngài qua nhiều hình thù ghê rợn, tra khảo ngài, hất ngài ra ngoài giường ngủ, - và nhiều lần như thế.

Chúng ta kết luận thế nào về những hiện tượng liên tục như thế? Tôi chỉ muốn nói lên điều thiết yếu trong vấn đề nầy như sau: chúng ta đang đối đầu với một lãnh vực tối tăm, nên phải hết sức thận trọng trong mọi việc. Ta đừng nên ngại phải tự nêu lên câu hỏi: cái gì có thể phát sinh do tâm lý của con người, và cái gì rõ ràng là do ảnh hưởng của quỉ ma? Chúng ta không có những tiêu mốc rõ rệt và chắc chắn đáng tin. Điều chúng ta có thể nói là đừng hồ đồ xem tất cả mọi sự khác thường là quỉ ma – mà chủ trương quỉ thần dị đoan từng vấp phải – nhưng cũng không hữu lý chút nào khi kết luận hấp tấp rằng tất cả chỉ là hiện tượng điên loạn hoặc ảo giác -  như khuynh hướng duy lý chủ trương.

LỜI NGUYỆN

Chúng ta cầu xin Chúa chữa lành chúng ta:

 

Lạy Chúa, Chúa muốn cứu chữa chúng con,

xin Ngài tác động nơi chúng con bằng Thánh Thể nầy,

xin giải thoát chúng con khỏi những khuynh hướng xấu xa,

và hướng cuộc sống chúng con về sự tốt lành.

Lời nguyện ngày chủ nhật thứ 10 quanh năm.

 

5. Giáo hội ngày nay đang đối đầu với tội lỗi

TỘI LỖI NGAY GIỮA LÒNG THẾ GIỚI

Ngay ý niệm tội lỗi như một sự đối kháng chống lại ý muốn của Thiên Chúa và cắt đứt mối hiệp thông với Chúa là Đấng Tạo hóa và là Cha của mọi người, thì nay cũng đang mất dần trong thế giới chúng ta đang sống.

Một tác giả người Hoa kỳ đã cho xuất bản một cuốn sách quan trọng dưới tựa đề đầy ý nghĩa: Whatever became of sin?35 ta có thể dịch là: ‘Tội lỗi còn ý nghĩa gì không?’

Nhưng cũng không lạ gì trước việc chúng ta mất đi ý thức tội lỗi, khi mà ý thức về Thiên Chúa và Phúc Âm tàn tạ trong chúng ta. Tội lỗi là một hố thẳm mà chúng ta không thể thăm dò với chỉ khả năng trí khôn chúng ta. Muốn cảm nghiệm điều đó, chúng ta vừa phải lãnh hội sự siêu việt và cả sự hiện diện của Ngài, cảm nghiệm chính Ngài và vừa nhận ra chân dung của Ngài trong tâm hồn chúng ta.

Người ta kể rằng Ozanam ngày kia trách con mình, khi người con cho là ông nói quá khi tự thú nhận mình là kẻ tội lỗi quá mức: «Nầy con, con không biết sự thánh thiện của Thiên Chúa là thế nào sao?». Phải hết sức gần Chúa mới lường được sự xa cách giữa Chúa và con người.

Chúng ta hiểu sai sự siêu việt của Chúa, nhưng chúng ta cũng hiểu sai về sự hiện diện của Ngài khi Ngài tự đồng hóa với chúng ta mỗi lần chúng ta phụng sự Ngài trong người bên cạnh chúng ta như lời Ngài đã dạy: « Chính là anh chị em đã làm việc ấy cho Ta ».

Có thi sĩ từng ca ngợi thế nầy:

Chúa là ai mà nếu không yêu con người

thì cũng không thể yêu Ngài?

 

Chúa là ai mà nếu làm khổ con người

thì có thể làm khổ chính Ngài?

Ta cũng có thể tiến gần đến bờ vực ấy bằng con đường khác khi nhìn ngắm Chúa Kitô chết trên đồi Calvariô: “Chiên gánh tội trần gian, Đấng Cứu Chuộc hiến mạng sống mình để cứu chuộc tội lỗi” .

Không có ánh sáng nầy dẫn lộ, tội lỗi mất hết ý nghĩa; và trong trường hợp như thế, để biện minh thì đã có những nghiên cứu kiểu Freud chuyển ý nghĩa tội lỗi vào một dữ kiện thuộc vô thức hoặc bịnh lý.

Người của thời đại tân kỳ không còn hiểu tội lỗi trong chiều kích tôn giáo. Thiện ác chỉ tùy vào quyết định của mình: con người tự mình ra luật cho mình và ‘là thước đo mọi sự’. Chỉ cần không thấy hại đến ai thì có thể tự tuyên bố là tự do không còn có gì phải ràng buộc. Chúng ta quên rằng con người tự đánh mất phẩm giá mình, làm đều xấu trong âm thầm thì đã làm cho nhân loại suy mạt. Ta đã có thể mạnh dạn nói rằng: ‘một tâm hồn vươn lên cao thì kéo lôi thế giới lên cao’. Thì ta cũng nói thêm rằng: chúng ta kết liền với nhau trong điều thiện cũng như trong điều ác do một mối liên kết thật nhiệm mầu. Không phải chỉ có những tai ương và phóng xạ bom nguyên tử là nguy cơ chung vượt mọi biên giới đâu!

Trước những rối loạn của thế giới, những cuộc thăm dò, điều tra xã hội học không đủ sức để cho chúng ta thấy bí mật tối hậu của tình trạng băng rã phát sinh từ tội lỗi của con người.

Vì kỳ cùng chính nó là nguồn căn mọi điều xấu xa và quá lạm trong xã hội, luôn tái diễn dưới mọi hình thức và dưới mọi chế độ. Tội lỗi không phải chỉ là bất hòa với Chúa, nhưng nó là hư vô tận căn làm khô chết vũ trụ và chống lại xã hội con người. Con người phạm tội – dù trong kín đáo – (như chúng ta đã nói), làm cho xã hội người ấy đang sống bị lung lay, vì nó làm suy bại nhân tính. Hiến chế mục vụ ‘Vui mừng và Hy vọng’ đã nhấn mạnh đến tương quan nầy như sau:

’Đã hẳn là những rối loạn thường xảy ra trong xã hội phát sinh một phần do những căng thẳng hiện có bên trong những cơ cấu kinh tế, chính trị và xã hội. Nhưng, căn đế hơn, chúng là kết quả của lòng cao ngạo và vị kỷ của con người đã làm hư thối bầu khí xã hội’.

Mọi thứ tội lỗi đều cũng cố sự thống trị của quỉ ma trên trên giới. ‘Thần dối trá’ ấy tìm được kẽ hở để tạo cớ nhân tăng những tranh chấp giữa con người với nhau, tạo sự chung đụng không tương nhượng, gây ra chiến tranh giết hại nhau, vì như lời Kinh Thánh từng nói: ‘ngay từ đầu con người giết hại lẫn nhau’. Tội lỗi là trung điểm gây thảm trạng cho con người, dù con người có biết hay không, dù con người phủ định hay thú nhận.

SỰ SUY ĐỒI LUÂN LÝ HIỆN NAY

Trước khi nói đến tình trạng suy đồi luân lý đang diễn ra trước mắt chúng ta, chúng ta chân thành ghi nhận những tiến bộ thực sự của lương tri con người và nhiều sinh hoạt đa biệt thuộc lãnh vực bác ái hoặc xã hội. Đặc biệt người ta ý thức và nhạy cảm về tình liên đới nhân loại, mở rộng tầm nhìn hướng đến cuộc sống ở cấp toàn cầu trong lãnh vực bao la về nhân quyền, mặc dầu trên thực tế các quyền ấy bị chà đạp dưới chân một cách vô liêm sỉ, chà đạp phẩm giá con người mỗi ngày trong nhiều quốc gia.

Nhưng, ngay dưới nhãn hiệu nhân quyền, đáng tiếc là người ta chứng kiến một sự suy đồi luân lý vô tiền khoáng hậu trong những lãnh vực sự sống, đang làm lung lay những nền tảng căn cơ của cuộc sống xã hội.

Một khi người ta xóa đi mối tương quan với Thiên Chúa và Phúc Âm để thiết định thiện ác, thì con người tự mình sẽ trở thành quyền năng quyết định tối hậu cho thiện và ác.

Một khi không còn biết đến giới hạn, phép tắc nào khác nữa ngoài ý muốn của mình, thì những hậu quả của tình trạng tương đối toàn diện ấy sẽ đặc biệt xâm phạm đến sự tôn trọng đời sống con người và tôn trọng tình yêu thương chân thực. Chúng ta dừng lại một chút ở hai điểm nhức nhối nầy.

Việc tôn trọng sự sống con người lúc đang nảy mầm

Khi lấy phiếu đa số để làm luật cho phép phá thai trực tiếp và được Quỹ xã hội hoàn trả chi phí, người ta đã nhúng tay vào một tiến trình dẫn đến những hậu quả tệ hại. Một khi đời sống con người bị hy sinh ngay từ đầu với sự thỏa thuận vui vẻ của mỗi người, thì không còn một lý do nào hữu lý để tương lai xã hội còn biết tôn trọng quyền sự sống dành cho người tàn tật, những người bị bệnh kinh niên, những người già yếu không còn cho là có ích gì nữa. Một cuộc vận động báo chí khéo thực hiện và kiên trì biết lèo lái dư luận cũng đủ để xóa sạch toàn bộ gia sản luân lý mà Phúa Âm soi dọi làm nền tảng cho nền văn minh chúng ta. Bất chấp khó khăn, cần phải tố giác mạnh mẻ sự lẫn lộn giữa quyền sống con người của mình và quyền nắm trong tay sự sống của kẻ khác.

Tôn trọng tình yêu thương

Gia đình cũng bị đánh phá tận gốc, đang lung lay vì ‘quyền tự do yêu thương’ mà người ta nêu lên như quyền chủ yếu. Từ thực trạng đó, các vụ ly dị nhân tăng – nhiều nước đã là nạn nhân của phần nữa hoặc một phần ba gia đình gặp tai biến nầy. Và tiếp theo, những hậu quả tiêu cực dồn dập đến, nào trẻ em phạm pháp, nghiện ngập, hung hăng..., phần lớn là kết quả của tình trạng  gia đình tan vỡ.

Dưới chiêu bài của chữ ‘tình yêu’, người ta đi vào con đường mù tối. Trong cuốn sách tựa đề Tình yêu và tự chủ năm 1960, tôi có viết như sau:

« Đối với Kitô hữu hôm nay, chữ tình yêu là một cuộc chiến thất bại mà ta cần phải chiếm lại cho được. Thật thế, không có chữ nào được tung hô trong văn chương thông thường và trong ngôn ngữ điện ảnh, truyền thanh, truyền hình, quảng cáo hơn chữ nầy. Báo chí lặp đi lặp lại không ngừng: người ta viết nhiều, viết chi tiết về những cú sét ái tình và những tội ác do ái tình. Truyền thanh ca ngợi ‘tình yêu ‘ mọi giờ mọi khắc trong ngày, và trên mọi làn sóng. Điện ảnh cống hiến những màn ‘ái tình’ bất tận. Sân khấu kịch nghệ dành phần lớn các cuộc trình diễn về tình yêu, quảng cáo lặp đi lặp lại cũng chừng chuyện ấy. ‘Tình yêu’ được nêu lên để làm cho mọi sự thành vô tội và tự nó đã là một biện minh rồi. Khi người đàn ông say đắm một phụ nữ không phải vợ mình, thì người ta tự biện minh nhân danh ‘tình yêu’. Nó như tấm vải che được mọi thứ xấu xa tàn tệ. Thực tế, thì không phải do tình yêu mà người ấy hành động như thế, nhưng là đam mê dục vọng làm cho con người mù quáng. Tình yêu được dùng làm chiêu bài để che đậy lòng vị kỷ trân tráo nhất, sự vô luân, ngoại tình, và dục vọng... ».

Sự suy thoái luân lý nầy còn lan rộng hơn nữa. Chúng ta không thể không ghi lại những dòng chữ nầy của cha Gérard Defois, Thư ký Hội đồng giám mục Pháp:

« Tình yêu bị giản lược thành đam mê tạm bợ, đời sống dục tính con người bị giản lược thành một loại tiêu dùng trong giây lát như dùng một món đồ, gia đình bị giản lược thành một thứ ký kết hời hợt, con người nay bị dồn ép vào bờ vực khó tránh của một xã hội sống trong sợ hãi...Những tranh cãi của chúng ta về ngừa thai, phá thai, ly dị, về sự sống… cũng quan trọng như những cuộc thảo luận về vũ khí hoặc tra tấn. Còn hơn thế nữa, đó chính là cuộc chiến mà ta phải dấn thân để đem lại nhân tính cho gia dình và cộng đồng quốc gia và quốc tế, dẫu cuộc chiến ấy phải gặp muôn ngàn khó khăn trở ngại ».

Ý THỨC TỘI LỖI SUY GIẢM

TRONG TÂM THỨC KITÔ HỮU

Nhưng có một thảm kịch đang xảy ra trong tâm thức một số kitô hữu ngày nay, đó là sự suy giảm về ý thức tội lỗi.

Các thánh lễ hẳn luôn bắt đầu với kinh cáo mình và người ta còn đấm ngực theo nghi thức. Hẳn khi đọc kinh Lạy Cha người ta vẫn xin ‘Chúa tha tội chúng con và cứu chúng con khỏi sự dữ’, và hẳn trong kinh kính mừng người ta cũng không quên đọc ‘Cầu cho chúng con là kẻ tội lỗi’, nhưng chúng ta có dám chắc là chúng ta đến với Chúa ‘với tấm lòng hối hận và khiêm tốn’ như điều chúng ta đọc ngoài miệng không?

Chúng ta khiêm tốn đặt vấn đề thế nầy: chúng ta sống thế nào về ‘đạo lý kitô giáo’, vì tôi biết là ngay trong hàng ngũ chúng ta ý thức tội lỗi cũng bị chống đối, và không ai cố đặt thành vấn đề về tình trạng kỳ dị nầy cả. Chúng ta không cần nhìn nơi những người không phải là kitô hữu, chúng ta chỉ nhìn lại tâm thức chúng ta là đủ.

Chúng ta khỏi cần nại đến khung cảnh sống chung chung bên ngoài, nơi nơi người ta đều bung ra những độc khí do phương tiện truyền thông đại chúng đặt để thành những chuẩn mực mới cho lương tri con người. Chúng ta chỉ cần đi vào chính cuộc sống gia thất chúng ta để trắc nghiệm.

Chúng ta bắt nhịp cuộc sống và suy tư chúng ta với làn sóng nào? Chúng ta chọn chuẩn mực nào để đánh giá và xem là điểm qui chiếu? Chúng ta có ở bên ngoài giáo huấn trong tông huấn Familiaris Consortio mà giáo hoàng Gioan-Phaolô II công bố hay không? Hay chúng ta hằng đón nhận và thực thi giáo huấn ấy như con đường sống cho chúng ta? Thái độ ơ hờ trong việc đón nhận sứ điệp của giáo hội của chúng ta ngày hôm nay là một điểm đáng lo ngại.

Nào là xem như đã bình thường liên hệ dục tính trước hôn nhân, nào là phổ biến không giới hạn các tin tức về ngừa thai, phá thai tùy thích, biến loạn dục tính, đồng tính dục, chung sống khi còn vị thành niên hoặc hôn nhân thí nghiệm – qua hai hoặc ba giai đoạn- . Để rồi ngay cả ý niệm về những cách sống nầy không thể tùy tiện do con người định đoạt, mà còn có luật của Chúa, còn có lời của Chúa mà Giáo huấn truyền đạt…, tất cả những điều ấy dường như xa lạ với tâm thức của nhiều người kitô hữu, một tâm thức luôn muốn chạy cho kịp lối sống tân thời hơn là trung thành với đức tin.

Khi viết những dòng nầy, thì vô tình tôi đọc được một tập san ‘viết bởi những người kitô hữu hôm nay gửi đến những kitô hữu hôm nay’.  Những dòng chữ sau đây làm tôi ngỡ ngàng:

«  Đặc biệt về mặt tôn giáo, phải chăng cần nên xét lại về mục vụ gia đình, dựa vào những giai đoạn được sắp xếp một cách ý thức về tình yêu mà ngày nay đôi khi người ta thực hiện (như sự việc đã xảy ra)? Sống chung với nhau với một dự kiến vững chắc, tuyên bố công khai trước cộng đoàn kitô hữu để được đón nhận. Sau hết, đó là việc thành lập thành một gia đình khi đôi bên quyết định có con cái: gia đình tự xác quyết ý chí rõ rệt về sự ổn định và sống dứt khoát với nhau. Việc ấy đâu có  ngăn cản chi hôn nhân, như là một sự cam kết vĩnh viễn và tức khắc đối với những ai muốn áp dụng lối nầy. »

Ta tự hỏi rồi ra ‘mục vụ’ sẽ ra sao nữa cho hợp thời thế! Với quan niệm như vậy thì Phúc Âm và ý nghĩa bí tích của hôn nhân giữa những người chịu chép rửa sẽ như thế nào?

Sự suy giảm ý thức làm người kitô hữu liên quan đến tình yêu và hôn nhân (tôi không muốn phê phán về thiện ý của người chủ trương) thật gia trọng khi ta nghe lại câu nói của giáo hoàng Gioan-Phaolô II: ‘chỉ có tình yêu mới xây dựng được thế giới’ và ‘ tương lai nhân loại thực hiện nơi gia đình’.

Trong lúc chờ xem những gì sẽ còn xảy ra với những ngạc nhiên đáng lo âu hơn nữa, chúng ta nhìn vào tác phong luân lý chúng ta đang sống hôm nay để thấy rằng chúng ta đang tự đánh mất lý lịch của mình: đó đúng là sự suy bại của chúng ta. Chúng ta cần nhìn nhận sự việc nầy: trong thế giới của kitô hữu hôm nay, nếu người ta không trừ hết hình bóng quỉ ma, thì người ta đã quên đi ý thức tội lỗi, đã lãng quên mình là kẻ có tội rồi!

CẢNH BÁO NGUY CƠ

Điều đáng lo ngại hơn cả đối với tôi, đó là kitô hữu cam chịu sự suy thoái đạo đức mà không phản ứng gì cả, không nói câu nào ngoài việc thở dài buông xuôi mặc cho số mạng. Thái độ đầu hàng như thế không tương hợp với sứ mạng làm kitô hữu của chúng ta trong trần thế và cho trần thế. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ Ngài là Ngài gửi họ đến giữa thế gian, nhưng họ không thể thuộc về thế gian. Thái độ đồng lõa với sự dữ hoặc cam chịu nó, chính đó là chối bỏ lý lịch kitô hữu của chúng ta.

Hành động và phản ứng lại, đó là những mệnh lệnh luôn có tính cách thời thượng. Chúng ta phải biến lời kinh thành hành động và phục vụ Chúa bất chấp những đe dọa và hiểm nghèo. Nên nói đến tội lỗi chúng ta hơn là bàn chuyện quỉ ma và tố giác chúng.

Những lời ca ‘Allêluia’ của chúng ta sẽ vô vàn giá trị khi chúng ta vừa cầu nguyện đọc kinh vừa liên kết với nhau để can đảm và tìm nhiều phương cách làm cho mọi người biết những mệnh lệnh của Phúc âm giữa lòng thế giới. Việc làm đó cần phương lược về lề lối và cách thế cụ thể trên bình diện cá nhân cũng như tập thể để thực hiện cho chu đáo. Chúng ta có thể học hỏi mỗi ngày khi nhìn những kẻ đang tìm mọi cách hủy hoại gia sản đạo đức của chúng ta. Chúa đã dạy là ‘con cái tối tăm thì thông minh hơn con cái sự sáng’. Câu nó ấy có thể gợi cho chúng ta nhiều phương cách và giúp chúng ta can đảm. Chúng ta cần có những kitô hữu kiên cường – không phải chỉ có trong các nước mà kitô hữu đang bị đàn áp – nhưng ngay trong các nước chúng ta đang sống, trong sinh hoạt xã hội của chúng ta, nơi mà chúng ta đang hành xử được quyền tự do, và vì thế còn đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm.

LỜI NGUYỆN

Đối diện với tội lỗi, Giáo hội kêu mời chúng ta khẩn khoản kêu cầu Chúa:

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con cầu xin Chúa,

vì tội  lỗi kềm hãm chúng con trong luật lệ của nó,

xin Chúa giải thoát chúng con

nhờ sự tái sinh kỳ diệu của Con một Chúa, Chúa Giêsu Kitô

ngay trong xác thân của chúng con.

 

Lời nguyện ngày thứ sáu trong Tuần bát nhật lễ Giáng Sinh.

 

GHI CHÚ     

25 Xem Phalô VI, Cuộc tiếp kiến chung ngày 15-11-72, đăng trong  La Documentation catholique, (1972), tr. 1051-1100.

26 Xem Văn kiện Tòa Thánh, ‘Đức tin kitô-giáo và quỉ ma học’, đang trong La Documentation catholique (1975), tr. 700-749.

27 Đd.

28 Đd.

29 Đd.

30 Linh mục GEORGES II. ‘Tavard’, trong Holy Spirit or Holy Church, London, Burns and Oates, 1959, tr. 256.

31 Các á-bí-tích là cách diễn tả đức tin của những ai cần và sử dụng. Người Kitô hữu áp dụng, vì trực tiếp hay gián tiếp các á-bí-tích là phương cách nhắc nhở một bí tích (nước thánh nhắc nhở bí tích rửa tội) hoặc chuẩn bị cho bí tích. (Chú thích của nhà xuất bản).

32 Xem J-C SAGNE, o.p., ‘La prière de délivrance et de raison’, trong Tychiques (1980), số 23.

33 Xem B. LONERGAN, Insight, 666 On basic evil London-New York 1957.

34 Được phong Chân phước ngày 2 tháng 5 năm 1999 và  được phong thánh ngày 16 tháng 6 năm 2002.

35 Xem Karl MENNENINGER, M. D., Whatever became of sin?  Hauthorn Books, New York, 1973.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!