Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Đăng Trúc
Mục Lục

Phần I: Canh tân trong Chúa Thánh Thần và phục vụ con người

Chương I: Đối diện với Chúa

Chương II: Phục vụ con người

Chương III: Những tông đồ của Chúa Kitô

Chương IV: Giữa đời

Phần II : Canh tân và Quyền lực tối tăm

Chương I : Giáo Hội và ‘Những Quyền lực của tăm tối’

Chương II : Canh tân đoàn sủng và ' các quyền lực của bóng tối'

Chương III : Canh tân trong lòng Giáo Hội

Phần III : Một hiện tượng gây tranh luận, ngây ngất trong Thánh Thần

Chương II : Kiểm Thảo

Chương III : Trên bình diện mục vụ

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Nhân quyền và Giáo hội - Những suy tư lịch sử và thần học

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Hai)

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Một)

Giêsu-Kitô

Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động của Giáo Hội

Tông huấn Christifideles Laici

Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động của Giáo Hội
Chương II : Canh tân đoàn sủng và ' các quyền lực của bóng tối'

1. Canh Tân đoàn sủng như ‘kinh nghiệm sống’ với Chúa Thánh Thần

Ý NGHĨA CỦA THÀNH NGỮ ‘ĐOÀN SỦNG’

Trước khi nói đến việc tại sao Canh tân đoàn sủng đã dấy lên ý thức rõ nét về Thần của sự dữ và tội lỗi trong thế giới, tôi muốn trình bày vắn tắt về phương cách và lý do tại sao trào lưu ấy đã cống hiến tích cực giúp chúng ta ý thức một cách sinh động hơn về Chúa Thánh Thần và các ơn của Ngài. Hai khía cạnh âm dương ấy như hai mặt đồng tiền luôn đi liền nhau. Nhưng trước tiên chúng ta cần xác định ngôn từ được sử dụng.

Thành ngữ ‘đoàn sủng’ được nêu lên ở đây kỳ thực là hãn hữu vì toàn thể Giáo hội là đoàn sủng, và mỗi kitô hữu cũng là đoàn sủng nhờ ơn phép rửa của mình. Nhưng thành ngữ nầy có một ý nghĩa lịch sử nhằm nói đến một phong trào nhất định gọi tên là ‘Canh tân trong Thánh Thần’. Tôi thích lối dùng thành ngữ sau nầy hơn vì chữ ‘đoàn sủng’ không bao gồm hết tất cả các khía cạnh của Canh tân cuộc sống siêu nhiên, không những trong lãnh vực các đoàn sủng, nhưng còn liên quan đến những khía cạnh đa diện của cuộc sống kitô giáo.

Vì bất cứ tác động canh tân chân thật nào cũng đều tùy thuộc Chúa Thánh Thần, nên mọi phong trào về đời sống thiêng liêng trong Giáo hội hẳn có thể gọi bằng danh hiệu ấy. Nhưng từ năm 1967 lịch sử đã dành riêng danh hiệu liên quan cho trào lưu Canh tân của các nhóm cầu nguyện tại Hoa kỳ.

Ngoài ra, ‘trào lưu’ nầy không phải là một phong trào có tổ chức theo nghĩa ta thường hiểu; nó không có những vị sáng lập, những người lãnh đạo ‘được định chế hóa’nó không đồng điệu trong sinh hoạt. Liên quan đến điều chúng ta đang trình bày, chúng ta sẽ thấy mỗi quốc gia có một lối sinh hoạt khác nhau. Nên lưu ý đến sự đa biệt nầy để thẩm định một số những cảnh giác cần áp dụng trên bình diện địa phương.

KINH NGHIỆM NỀN TẢNG CỦA CANH TÂN

Bây giờ chúng ta xem cái gì là kinh nghiệm nền tảng làm nên sinh lực sâu xa cho Canh tân. Bên trên những hình ảnh hời hợt, phải hiểu rằng Canh tân như một ơn sủng linh hoạt lại phép rửa và phép thêm sức, một lễ Hiện xuống mới làm cho người thụ nhận trở lại, gặp gỡ lại và nhận ra Chúa Giêsu Kitô, mở lòng đón nhận lại Chúa Thánh Thần. Các nhà thần học sẽ tìm ra cách trình bày một cách thích hợp sự kiện nầy. Nếu dùng thành ngữ ‘phép rửa trong Thánh Thần’ thì có thể làm quên đi phép rửa bí tích đã đưa chúng ta gắn liền với sự sống của Chúa Giêsu-Kitô. Nếu dùng thành ngữ ‘Lễ hiện xuống cho cá nhân mỗi người’ thì đánh mất ý nghĩa của Chúa Thánh Thần Hiện xuống, biến cố duy nhất, lập nên Giáo hội.

Nhưng dù với tên gọi thế nào, thì cần có một kinh nghiệm trở lại đi vào một cuộc sống mới xảy đến trong Giáo hội. Nó xuyên tràn qua năm châu như một sinh lực linh hoạt lại cuộc sống kitô giáo của người kitô hữu một cách sâu xa, như một ngọn gió thổi vào tàn lửa đang bị tro phủ và biến tàn lửa nầy thành một lò rực cháy mang lại hơi ấm và sự sống. Chúa Giêsu đã từng nói: “Ta đã đến để mang lửa xuống trên trái đất và ta còn muốn gì hơn là lửa ấy được đốt sáng lên’.

Mầu nhiệm Thánh Thần hiện xuống luôn tiếp diễn như lời cầu xin của các giáo hoàng Gioan XXIII và Phaolô VI. Sự kiện đó không phải chỉ xảy đến trong trào lưu Canh tân, nhưng nó đã dấy lên một cách đặc biệt qua trào lưu nầy. Sự mới lạ xảy đến cho những ai đã đón nhận mầu nhiệm ấy, đó là Chúa Thánh Thần đã làm cho điều họ tin trở thành một kinh nghiệm sống động. Đây chính là chìa khóa để đi vào vấn đề. Như linh mục Sullivan, s.j., một giáo sư thần học ở Học viện Grêgôriô đã viết:

“Những thành viên trào lưu đoàn sủng không hề hoài nghi về việc Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta trong các bí tích rửa tội và thêm sức, và hiện diện trong mỗi một người sống trong ân sủng của Chúa Kitô. Nhưng, đồng thời, họ tin rằng Chúa Thánh Thần, dẫu đã cư ngụ ở đấy, có thể hiện diện cho chính mình một cách mới mẻ và có tính cách quyết định, nghĩa là biến đổi sự hiện diện nơi đức tin thành một thực tế kinh nghiệm sống động.

Sự đổi thay đó xuất lộ xuyên qua các tác động mới của ơn Chúa Thánh Thần trong đời sống cá nhân, xuyên qua sự can đảm kỳ lạ để làm chứng về Chúa, cũng như các ơn đoàn sủng khác. Khi nói lên kinh nghiệm ‘về sự gặp gỡ khai nguyên với Chúa Thánh Thần’ làm cho mình nhận ra Chúa Thánh Thần trong mình, những người trong trào lưu đoàn sủng nhấn mạnh rằng đừng nên đề cao kinh nghiệm nầy mà quên đi ‘cuộc sống mới trong Chúa Thánh Thần’ đang xảy đến và cần tồn tục. Phải bồi dưỡng và phát huy cuộc sống ấy nếu muốn cho kinh nghiệm khai nguyên nầy mang lại thành quả”36.

Bên cạnh lời chứng và sự phân tích nầy, tôi xin trích thêm những dòng chữ sau đây của Richard Quedebaux, một nhà nghiên cứu lịch sử, trong cuốn sách tựa đề The New Charismatics:

“Khi Chúa Kitô hứa với các môn đệ Ngài là sau khi Ngài ra đi thì Ngài sẽ gửi Chúa Thánh Thần đến, Ngài thấy trước rằng Thánh Thần đến sẽ đáp ứng ba nhu cầu sinh tử:       

- cũng cố họ trong đức tin;

- mang lại cho họ niềm vui trong những khổ đau;

- trấn an, hướng dẫn và giáo huấn họ.

Tuy vậy, nếu ta nhìn và đa số kitô hữu, phải nhận rằng, nếu họ có biết đến lời Chúa hứa ban Thánh Thần thì họ cũng chẳng áp dụng hay sống lời hứa ấy. Thực ra, nếu lời hứa ấy không có ý nghĩa gì thực tế cả, thì thử hỏi: làm sao biết có Chúa Thánh Thần trong người của ta?

Canh tân đoàn sủng trả lời cho câu hỏi ấy: việc trắc nghiệm sẽ là ‘phép rửa trong Thánh Thần’, nghĩa là một kinh nghiệm mạnh mẻ thuyết phục được người nhận ân sủng là Chúa có thật, Ngài trung thành với lời Ngài hứa và những ‘dấu chỉ và những việc lạ lùng’ được kể lại trong Sách Công Vụ các Tông Đồ có thể là hữu thực cho chính mình, ngay ngày hôm nay.”37

Đó là sự cống hiến của Canh tân đoàn sủng liên quan đến việc ý thức về Chúa Thánh Thần trong cuộc sống kitô giáo.

Chính nội dung đó đã đánh động giáo hoàng Gioan-Phaolô I khi tôi có dịp gửi cho Ngài cuốn sách của tôi, Một Lễ Hiện Xuống mới?, bấy giờ ngài còn làm giáo chủ Vênixia. Trong một bức thư đậm tình bằng hữu, ngài nói tóm tắt phản ứng của Ngài, và mang lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ:

“Khi đọc những trang sách của Cha, tôi buộc phải cùng nói với Cha và nói như Cha là tôi đã được đọc lại những bản văn của Thánh Phaolô và Sách Tông Đồ Công Vụ mà tôi tin là biết rồi, với những con mắt mới”.

Canh tân đoàn sủng sống trong tinh thần của việc đọc lại ấy.

LỜI NGUYỆN

Trong lời kinh cảm ta, chúng ta hãy bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta với Chúa Thánh Thần vì Ngài đã tác động Giáo hội qua lịch sử:

Lạy Chúa là Chúa chúng con,

Chúa đã tác tạo bao kỳ công khi dựng nên con người và còn kỳ diệu hơn nữa là cứu chuộc nó, xin Chúa cho chúng con biết chống trả mọi quyến rũ của tội lỗi nhờ ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, và đi vào những nguồn vui vĩnh cửu.

Lời nguyện Canh Thức Phục Sinh.

2.  Canh tân và cảm năng nhạy bén về sự Ac

THÁNH THẦN CẢNH TỈNH CHÚNG TA

VỀ SỰ TINH QUÁI ÁC HẠI CỦA TỘI LỖI

Ân sủng của Canh tân không phải chỉ là một kinh nghiệm mới về cuộc sống tôn giáo, một ý thức linh hoạt về các ơn ích và đoàn sủng Chúa Thành Thần dùng đến để xây dựng cộng đồng giáo hội: ơn ấy còn liên quan đến tác động của Thánh Thần nữa. Tác động của Ngài không phải chỉ giúp cảm nhận các khía cạnh sáng chói và tích cực. Nó còn làm cho người kitô hữu ý thức thực tại của thế giới tối tăm ngược lại với Thánh Thần. Nó giúp ta ý thức mới về Kẻ Thù, về Đối thủ của nước Chúa.

Một đoạn văn khó hiểu của Thánh Gioan nói với chúng ta rằng:

“Khi Thánh Thần đến, Ngài làm cho thế giới rúng động về mặt tội lỗi, về mặt công chính và về mặt xét đoán” (Gioan 16,18).

Giải minh câu nói nầy không dễ, nhưng nghĩa lý tổng quát thì rõ ràng: Thánh Thần mặc khải Chúa Kitô – đó là sứ vụ chính yếu của Ngài- nhưng, hậu quả của công việc đó nơi chúng ta, là Ngài giúp chúng ta nhận ra những gì nghịch lại Chúa Kitô.

Theo Kinh Thánh, Ngài sẽ cho ta thấy sự bất công của thế gian và việc Ngài lên án sự bất công đó, Ngài sẽ làm cho người Kitô hữu nhận biết sự xấu xa trầm trọng của tôi lỗi và nguy cơ của sự ác rình rập. Ngài cũng cho chúng ta nhận ra sự thất bại của Quyền lực sự Ac nơi cảnh vực của tội lỗi, một cảnh vực sẽ tan biến đi tiếp sau cái chết của Chúa Kitô.

Người ta không thể mến chuộng sự thiện hảo mà không xa lánh ghê tởm, không phải người phạm tội, nhưng chính tội lỗi. Chúa Thánh Thần sẽ ban cho những ai rộng lòng đón nhận Ngài, một cái nhìn mới rất sắc bén để thấy, để tố giác và chống lại những gì chối bỏ Chúa trong thế giới.

Không những Thánh Thần giúp ta đi sâu vào mầu nhiệm khôn lường của Chúa, nhưng còn thấu hiểu bề sâu con người và thúc giục chúng ta chống trả lại những hư đốn của sự dữ và tội lỗi, thuộc cá nhân hay trên bình diện xã hội.

Chúng ta đã ý thức càng ngày càng rõ là tội lỗi không phải chỉ là vấn đề cá nhân, nhưng nó còn lan ra ở cấp độ rộng lớn, các cơ cấu tổ chức xã hội và các mối căng thẳng của cuộc sống chung. Điều mà chúng ta đã nói qua trên đây.

Nào là hận thù chủng tộc hoặc phe đảng, lòng vị kỷ của giai cấp, bạo lực và khủng bố, suy đồi phong hóa hoặc buôn gian bán lận, giả hình hoặc láo khoét – tất cả nằm trong trò chơi của bất cứ định chế nào của con người. Thánh Thần giúp ta nhạy bén nhận ra những nguyên nhân sâu xa của tình trạng hỗn loạn đang làm chúng ta mờ mịt. Ngài sẽ giúp chúng ta thấy được rằng sự ác mà chúng ta đang phải gánh chịu trước tiên không nằm trong các định chế cũng không nằm trong việc nầy việc khác, nhưng ở trong chúng ta, trong ý muốn và tâm hồn chúng ta. Denis de Rogemont nói: “Bom đạn không nguy hiểm, nguy hiểm là nơi con người”. Chúng ta bổ sung thế nầy: Điều nguy hiểm đó là tội lỗi nơi con người, và nói đến tội lỗi là đi sâu vào một lãnh vực mà thần sự Dữ đang tác hại.

Cần có ánh sáng của Thánh Thần soi dọi mới thấu hiểu thật sự sự tệ hại của tội lỗi và nhận ra mình là kẻ có tội. Chesterton định nghĩa sự thánh thiện như thế nầy: “Một người thánh là người biết mình là kẻ tội lỗi”. Những kẻ khác không biết điều ấy và không nhận ra mình như thế.

THÁNH THẦN CỔ SÚY CHÚNG TA

TRONG CUỘC CHIẾN SIÊU NHIÊN

Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta ý thức về cảnh vực tối tăm thách đố thân phận con người, cảnh tỉnh chúng ta và đưa chúng ta vào cuộc chiến siêu nhiên.Trong cuốn sách tựa đề Concerning Spiritual Gifts, Donald Gee, một tác giả tin lành viết về đường lối của Chúa Thánh Thần như sau:

“Đối với cá nhân tín hữu đã được rửa tội trong Chúa Thánh Thần cũng như đối với nhóm đã kinh nghiệm các ơn đoàn sủng, toàn bộ cuộc sống siêu nhiên của họ trở thành hết sức hiện thực. Họ được tăng cường ánh sáng để thấy những gì cao đẹp nơi Thiên Chúa và sự kiện đó đi kèm với một lối nhìn mới để khám phá được thực tại của những thế lực của sự Dữ.  Phúc thay cho người tín hữu và cộng đoàn những kẻ tin được Thánh Thần soi sáng để sống cuộc sống siêu nhiên đầy đủ hơn, và luôn đặt đức tin của mình và Thiên Chúa, Đấng bảo vệ Giáo hội đã được Ngài cứu chuộc bằng máu Ngài và chiến thắng những đợt tấn công tinh vi không hề nương tay của Kẻ thù.”38

LỜI NGUYỆN

Được Chúa Thánh Thần cảnh giác về những trò tinh quái của tội lỗi, chúng ta hãy trông cậy vào Chúa:

        Lạy Chúa, để chữa lành tâm hồn chúng con

        Chúa dạy chúng con phải làm chủ thân xác:

        xin cho chúng con ơn chống trả lại tội lỗi và

        đáp ứng được những yêu sách của tình yêu Chúa.

       

        Lời nguyện ngày thứ hai của tuần thứ hai mùa Chay

       

3. Canh Tân và lối hiểu về quỉ ma

Trước khi đi vào việc tìm hiểu về tác vụ ‘trừ tà hoặc trừ quỉ’ ngay trong Canh tân, chúng ta nên thẩm định xem quan niệm về trừ tà ma liên quan đến việc làm nầy như thế nào và nêu lên những bất cập về mặt giáo thuyết.

Ở lãnh vực nầy, chúng ta chứng kiến một hiện tượng lan tràn đáng làm chúng ta lưu ý.

Về khía cạnh lịch sử, trào lưu Canh tân công giáo khai sinh tại Hoa-kỳ, trong một bối cảnh tôn giáo mà ảnh hưởng lối đọc và hiểu Kinh Thánh theo lối bảo căn đã và đang chi phối mạnh mẻ.

Lúc đầu, nhiều người công giáo trong Canh tân đã khám phá việc trừ tà ma nơi những kitô hữu của các truyền thống khác trong các nhóm của Free Churches hoặc Ngũ-tuần, và những sách họ đọc - và còn đọc- hầu hết là do các nơi nấy cung cấp.

Vì thế mà chúng ta chứng kiến một lối trình bày ngoạn mục và giật gân về ma quỉ và bè lũ của chúng, về mưu kế và hành động của thế giới nầy…

Trong Giáo hội công giáo thì lãnh vực nầy chưa khai thác và mục vụ chúng ta chưa cung ứng những chỉ dẫn thích hợp với thời đại và hoàn cảnh liên quan. Chúng ta phải nhìn nhận là phía chúng ta còn bất cập, và không phải lỗi của Canh tân nếu họ không có được những chỉ dẫn cần thiết, cập nhật và đủ thẩm quyền.

Sự kiện nầy giải thích tình trạng thẩm thấu đã xảy ra và việc lan tràn một lối văn chương quái lạ và quá quả quyết mà giới công giáo rất xa lạ. Những quá lạm về ám ảnh quỉ ma phát sinh từ căn nguyên nầy, và cũng phải ghi nhận thêm là một số người công giáo áp dụng lối quảng bá tương tự còn hung hăng đi xa hơn nữa.

Tôi không muốn làm bản tổng kê – chắc sẽ rất phong phú thôi! - và nêu danh tánh, vì sự ngay tình và nhiệt tâm mục vụ của các tác giả ai cũng thấy và có nhiều hoàn cảnh cũng cần cảm thông.

Tôi chỉ nêu lên đây một loạt những xác quyết quá lạm mà hẳn thông thường người ta đều nhận ra. Ta có thể nghe, đọc qua nhiều tập sách báo, cassettes, một số lưu hành ‘có tính cách riêng tư’ nhưng lại công khai bày bán.

Lối quan niệm tà ma quá lạm mà tôi phải trình bày – may thay – đã không tràn lan và ảnh hưởng đến các nơi một cách đồng bộ, nhưng những dư âm khác nhau đang vọng lên đây đó, chúng ta cần lưu ý.

TRONG CÁC MÔI TRƯỜNG KHÔNG CÔNG GIÁO

Trước hết chúng ta nêu lên đây một vài lối diễn tả quá lạm có tính cách tiêu biểu trích từ trong các bản văn xa lạ với cảm thức người công giáo.  Người ta qui kết hầu hết các bịnh thể lý hoặc tâm lý vào ảnh hưởng của quỉ ma.

Các thứ quỉ và các bịnh tật

Một trong những ‘bậc thầy về quỉ ma học’ đã ung dung kể ra như sau về những bịnh do quỉ trong số muôn ngàn bịnh tật: “mất ngủ, động kinh, lên cơn hoảng, vọt bẻ, nhức đầu, suyễn, viêm xoang, ung bướu, lở loét, trụy tim, đau khớp, bại, điếc, câm, mù.”

Các thứ quỉ và các phương cách trừ quỉ

Và người ấy còn bồi thêm: “quỉ lo sợ thường đi ra khỏi người bị ám với một lời than khóc kinh hoàng, quỉ nói dối và thù hận thì rú lên ồn áo, còn quỉ nghiện thuốc lá thì bằng một tiếng ho hoặc một cái nấc cụt.”

Các loại quỉ được phân thành biệt loại

Người ấy còn nói rằng qua những lời quỉ thú nhận, quỉ có những loại như quỉ lo sợ, nói dối, hồ nghi, ham hố, ghen tương, u mê, tục tằn, điên loạn, chết, tự tử, ngoại tình, trêu chọc, phạm thượng, phù thủy.

Quỉ và lượng số các lại quỉ

Trong một cuốn sách đại loại như thế, người ta đọc thấy danh sách của 323 loại quỉ, và nói là chưa hết. Và cũng có thể thấy thêm rằng điên loạn là do sự kết hợp của một tổng hợp 15 (hoặc hơn nữa) quỉ và các con quỉ đàn em theo hầu. Một chương trong sách ấy dành riêng để tổng lược tên quỉ và làm một bản tổng kết ba trang, chia làm 53 cột.

Các loại quỉ và lối tổ chức của chúng

Trong một sách hướng dẫn mục vụ được nhiều người đọc và thực hành, ta còn đọc được những lời nầy: “đạo quân của Satan là một tổ chức nghiêm túc, có thể so sánh với quân đội Hoa-kỳ, có phẩm trật đi từ vị Tổng tư lệnh đến các tướng lãnh, cấp đại tá, trung tá, thiếu tá, đại úy, trung úy… Các quỉ có những vùng hành quân riêng được chỉ định, chẳng hạn cấp quốc gia, cấp thành phố.”

Quỉ và cuộc chiến tinh thần

Phải chiến đấu chứ không phải chỉ biết cầu nguyện, vì “Chúa đã nhậm lời chúng ta và cho chúng ta quyền và năng lực trên Quỉ”. Tác giả viết thêm là đến phiên chúng ta phải dùng quyền ấy: “Chúng ta đừng kêu trời cho chúng ta điều mà chúng ta đã nhận, hãy bắt đầu sử dụng các quyền năng (trừ quỉ) đã ban cho chúng ta.”

Quỉ và trẻ em

Sách nầy còn viết thêm là phải trừ quỉ cho trẻ em. Việc nầy được dành ra một chương riêng. Vì người ta chúng minh được là các loại ma quỉ có thể xâm nhập thai nhi và trẻ em, nên đương nhiên phải trừ quỉ cho chúng. Người ta có thể trừ quỉ cho con nít cũng như người già lão. Và người ta sẽ thấy quỉ đi ra khỏi họ qua miệng hoặc mũi những người nầy như những cuộc trừ quỉ khác.

TRONG CÁC MÔI TRƯỜNG CÔNG GIÁO

Còn trong sách báo gốc công giáo nói theo khuynh hướng đó, ta có thể đưa ra một vài thí dụ về những xác quyết đáng làm cho chúng ta ngỡ ngàng.

Tập đoàn quỉ ma

Người ta viết là quỉ ma tập trung thành bè thành toán và trong các nhóm quỉ, có những loại cao cấp có thể mượn tiếng nói con người, trường hợp như thế có thể thấy được theo tỷ lệ một trên tám hoặc mười lần kiểm chứng.

Người ta còn viết là khi hai quỉ đến khống chế trên một người, thì chúng đánh nhau để chiếm vai thượng phong và đánh nhau đến độ làm phát sinh tâm bịnh. Nếu ta nghe những tiếng nào đó, thì rõ là dấu hiệu chúng đang giao tranh.

Người ta trích dẫn một cách nghiêm túc một tác giả từng tuyên bố ‘rằng chúng tác hại theo từng nhóm tám quỉ cùng một lúc…’

Quỉ ma bị chận lối

Đôi khi có người còn nói những quỉ dữ kềm hãm và bị giam giữ. Chẳng hạn, sự từ chối tha thứ có thể làm phát sinh tình trạng nầy.

Các con quỉ mạnh cố ngăn chận và giam các con quỉ yếu hơn. Chẳng hạn khi tìm ra một con quỉ ‘trả thù’ đang bị một con quỉ khác kềm hãm, nếu ta không thể trực tiếp đối đầu, thì ta có thể tìm cách tránh nó bằng cách đánh lừa nó.

Chiến lược của những quỉ ma cấp nhỏ

Người ta cho rằng phải thăm dò lại quỉ nào và suy xét xem có phải là những quỉ ma có sức thống trị hay không. Những thứ quỉ con bị quỉ thứ bự buộc đứng ra làm trò bên ngoài để che giấu cho các quỉ khác.

Quỉ đi ra khỏi người bị ám

Có người viết là trước đây quỉ bị đuổi ra thì vừa đi ra vừa ho, nay thì chúng hay ngáp. Do đó người trừ quỉ ngáp sẽ làm cho quỉ đi ra dễ hơn.

Những đồ dùng và loài vật

Những thứ như kính soi, bình lọ chưng trong nhà đem từ các vùng Phương Đông có thể dễ bị ma vướng, do đó nên vất bỏ ra khỏi nhà.

Người ta còn kể có một con mèo hoàn toàn đổi tính đổi nết vì bị quỉ nhập.

Quỉ ma có thể bám theo người trừ quỉ

Người ta cho là người trừ quỉ mà đụng tay vào người mình trừ tà có thể bị tà nhập luôn. Cần cầu nguyện để cứu thoát cho người trừ quỉ nào bị sờ đụng như thế, khi nhóm người chung quanh thấy có sự kiện ấy.

Và đây còn có thêm những thí dụ được nggười ta nêu lên:

- một người giảng đạo nào đó rất có tiếng tăm đã khuyến khích người ta nôn oẹ để đuổi quỉ ra ngoài.

- có người thì khuyên mỗi ngày dành ra một lúc nào đó để trừ quỉ trong mình, đưa việc đó vào cuộc sống thiêng liêng thường nhật.

Nhiều tài liệu truyền tay, dịch ra nhiều thứ tiếng, được lưu hành đây đó gây ra bao hoang mang. Người ta nói muốn chiến thắng thì cần lượng sức với ma quỉ. Nghĩa là phải tìm hiểu xem:      

- chúng là ai

- chúng chơi trò gì

- sức chúng ở cấp nào, chúng có mạnh, có chắc, có nặng ký không

- và ngay cả vóc dáng có bự con không.

Người ấy còn nói là y phải mất hai năm để trừ tà cho một cô bé 16 tuổi và cuối cùng đã đuổi ra hết 25 con quỉ.

Và dặn thêm, trong tác vụ trừ quỉ người ta khuyên nên nhận ra lý lịch con quỉ qua tên gọi của nó. Quỉ có thể làm cho người bị ám co giật, ngất ngây, và hành hạ lắm cách; nhưng khi nào chưa nhận ra lý lịch của nó, thì những kinh nguyện không liên quan gì với nó sẽ không có tác dụng. Do đó mà phải hỏi thế nầy:

- Mầy là ai?

- Chúng mầy có bao nhiêu?

- Ở trong người nầy bao lâu rồi?

- Ở chỗ nào trong người nầy?

- Mầy làm cho người nầy mắc bịnh gì?

Phải kiên trì dùng quyền uy Danh Chúa Giêsu:”Nhân danh Chúa Giêsu, ta ra lệnh cho ngươi phải nói và nêu tên các ngươi”.

Có đôi khi, chúng chỉ nhúc nhích lưỡi và thầm thì câu gì đó. Ta phải kiên trì buộc quỉ nói cho thật rõ.

Cũng cần nên nhìn thẳng vào mắt của người bị ám ba lần, nói người ấy nhìn lại mắt người trừ quỉ ba lần. Và sau lần thứ ba thì nói với y là nhắm mắt lại và ngủ. Tiếp đó là nói với linh hồn y, sau khi đã làm dấu thánh giá trên người y.

*

Tại sao lại liệt kê một loạt những thứ linh tinh như thế, chỉ làm hại cho phong trào Canh tân, tạo cớ cho những người đang chống đối có vũ khí để tấn công mình, và nhất là gây cảm tưởng rằng những trò ấy là sinh hoạt thông thường trong phong trào Canh tân của người công giáo?

Trước hết tôi xin nói rằng trong thực tế nhiều nhóm, nhiều cộng đoàn Canh tân trên thế giới không đồng ý chút nào về phương cách nầy và họ không hề liên quan gì đến việc làm như thế.

Hẳn nhiên là phải lưu ý để đi đường cho cẩn thận thì hay hơn là quá ám ảnh bởi những hầm hố nằm ngoài lề đường.

Nhưng vì tình trạng nầy có thể tràn lan, mà phận vụ chúng ta là phải cảnh giác, nên xét cho cùng phong trào Canh tân sẽ tạo được niềm tin dễ dàng hơn khi tự mình tố giác những lối quan niệm về quỉ ma như thế. Bằng cách đó Canh tân sẽ làm chứng hữu hiệu và có giá trị hơn về cuộc sống siêu nhiên phong phú mà họ cống hiến, kể cả ý thức linh động của họ về các Thế lực sự dữ và việc cần thiết phải huy động cuộc chiến tinh thần.

LỜI NGUYỆN

Hiệp nhất gắn bó với toàn thể Giáo hội, chúng ta xin Chúa gìn giữ chúng ta khỏi mọi thế lực của sự dữ và dẫn dắt chúng ta trong cuộc chiến siêu nhiên: 

        Lạy Chúa, Chúa đã dùng phép rửa để tái tạo

        những ai tin vào Chúa,

        xin giữ gìn để họ được khai sinh trong Chúa Kitô:

        xin bảo vệ họ cống lại những tấn công của sự dữ

        để họ trung thành sống đúng với ơn của Ngài.

       

        Lời nguyện ngày thứ bảy tuần thứ ba Phục Sinh

4. Thực hành lối ‘trừ tà’ trong các môi trường công giáo

Chúng ta đang tìm hiểu vấn đề trên bình diện giáo thuyết, nay chúng ta đi vào việc thực thi tác vụ ‘giải cứu’ nầy, một lối nói cho nhẹ nhàng hơn, kỳ thực đó là việc trừ quỉ.

TRỪ QUỈ ĐƯỢC NGƯỜI TA HIỂU NHƯ THẾ NÀO?

Thành ngữ ấy có nội dung gì và được giải thích thế nào?

Từ điển thần học công giáo định nghĩa chữ ‘trừ quỉ’ thế nầy:

“Một cách chính xác, trừ quỉ là một hành động ra lệnh đuổi trừ quỉ, buộc nó đi ra khỏi một nơi, từ bỏ một hoàn cảnh, trả lại tự do cho một người đang bị nó khống chế cách nầy hay cách khác dưới thế lực của nó. Việc trừ đuổi quỉ được thực hiện, hoặc qua hình thức ra lệnh trực tiếp nói với quỉ, nhưng nhân danh Thiên Chúa hoặc Chúa Giêsu Kitô, hoặc dưới hình thức kêu cầu, van xin Chúa và Chúa chúng ta, để xin Chúa ban cho lệnh đuổi quỉ hoặc xin chính Chúa đuổi quỉ.”

Ta thấy qua lối định nghĩa nầy có hai loại trừ quỉ.

Trong cách thứ hai, người ta trực tiếp và kêu cầu đến Chúa mà thôi. Người cầu xin tự mình thực hiện việc cứu thoát. Đây là một lối van xin Chúa, một lời kêu cầu khẩn khoản.

Trong cách trừ quỉ đầu thì lại nhân danh Chúa mà trực tiếp ra lệnh cho quỉ buộc nó ra khỏi nạn nhân. Một mệnh lệnh trực tiếp cưỡng bức quỉ lộ tên và diện mạo riêng của nó. Ta thường gọi tên lối ra lệnh nầy là ‘lời nguyện trừ tà’ (prière imprécative) để phân biệt với cách thứ hai đó là ‘lời nguyện khẩn xin’(prière déprécative), nhưng thật chính xác và trung thực thì kitô hữu chỉ cầu xin Chúa, chứ không xin gì nơi quỉ.

Chúng ta sẽ đặc biệt lưu ý đến cách trừ tà thứ nhất để nêu lên những vấn đề cần phải làm cho sáng tỏ.

MÔ TẢ LỐI THỰC HÀNH VỀ ‘VIỆC TRỪ TÀ’

Chúng ta thử ghi lại một buổi trừ tà thường được thức hiện.

Tôi ghi lại theo những ký ức cá nhân và những chứng tá thu nhận được. Hẳn nhiên có nhiều lối khác nhau tùy người, tùy trường hợp và tùy quốc gia. Nhưng việc thực hiện căn bản không khác nhau và có thể trình bày như sau:

Trước hết liên quan đến người ‘cần được trừ quỉ’.

Người nầy tự mình xin, hoặc được gợi ý để xin ‘trừ tà’. Đôi khi, do một người giỏi thuyết phục quảng bá, việc xin trừ quỉ lại tức khắc lan tràn ra.

Trong một số môi trường nào đó, tôi nhận thấy người ta còn đề nghị mọi người cầu nguyện trừ tà làm như đó là một nghi thức cần thiết để sống trọn vẹn đức tin kitô giáo. Tôi cũng nhận thấy những việc ‘trừ tà’ nầy thường lặp đi lặp lại, chứ không phải chỉ làm một lần dứt khoát.

Có nhóm hoặc cộng đoàn Canh tân đôi khi lại cho rằng mỗi tân hội viên đều cần được ‘trừ tà ma xấu xa’ nhiều lần với nhiều tên ma khác nhau. Người ta xem việc ấy là một nghi thức gia nhập bó buộc để tiếp nhận ‘phép rửa trong Thánh Thần’.

Người được ‘trừ quỉ’ có thể được xếp vào trường hợp thông thường hoặc ở vào những trường hợp nguy kịch. Trường hợp thứ hai nầy dành cho những người tự thấy mình bị những khống chế không chống lại được, ngoài ý muốn của mình, đôi khi còn làm cho mình bị những hiện tượng lạ lùng mà phải huy động tác năng của vô thức mới thấy.

Trong những trường hợp thông thường, không ngoạn mục, thì người liên quan được xem là bị trói buộc bởi ảnh hưởng quỉ ma, do một hay nhiều tà ma gây nên. Người nầy đã để cho mình bị khuynh hướng xấu xa nào đó thấm nhập để dần hồi – (người ta yêu cầu y tự thú và tự tố giác)- đi vào những đam mê tưởng chừng không kềm tỏa được, như nghiện rượu, ma túy, dâm dục, thủ dâm, trôm cắp v.v. Hành động của nhóm bấy giờ là hướng đến việc giải thoát người đó khỏi ma tà kềm hãm, và đoạn tuyệt với những gì làm cho y mất tự do.

Việc trừ ma quỉ nầy được thực hiện với lòng tin thành khẩn, vì lòng thương xót huynh đệ, nhân danh Chúa. Nhưng ngưởi ta không chỉ kêu xin Chúa, nhưng còn trực tiếp đuổi tà trừ quỉ buộc chúng phải đi ra.

Công việc nầy chia làm nhiều giai đoạn:

- giai đoạn chuẩn bị dành cho việc đọc kinh cầu nguyện, thường đọc chung trong nhóm, tùy trường hợp phải suy xét để định thời gian bao lâu và tiên liệu còn kéo dài bao lâu…

- giai đoạn hai dành cho ‘cuộc cầu nguyện trừ tà’ đúng nghĩa. Nó gồm:

* Một lời kinh ca tụng Chúa và xin Chúa bảo vệ những người trừ quỉ đang xông pha chống lại Quỉ.

* Một kinh nguyện ‘trói’ quỉ ma lại không cho chúng hung hãn với các nạn nhân.

* Bằng cách đặt câu hỏi, chất vấn nầy khác để tìm cho ra lý lịch và tên các quỉ được xem là đang hoành hành hầu nhận diện từng tên và đuổi chúng ra ngoài.

* Người được trừ tà được thúc giục để tự mình thề hứa từ bỏ tội lỗi làm căn cớ cho hành động của quỉ liên hệ, mà người ta tin là đang trói buộc và kềm chế y.

* Bấy giờ người ta ra lệnh cho quỉ đã bị nhận ra tên, lý lịch, phải đi ra khỏi người đang bị khống chế, và không được quấy phá nhưng rút lui đến nơi nào Chúa muốn cho nó phải đi.

- giai đoan ba là giai đoạn cuối dành cho lời kinh cảm tạ và có thể đề nghị một chương trình ‘phục hồi sinh lực’

Đại loại là như thế nhưng có nhiều cách thực hiện khác nhau. Có khi thì yêu cầu nhìn thẳng vào mắt người ta để uy trấn ma quỉ đang ở trong mình họ, có khi thì khuyên nên nhắm mắt lại. Có lúc thì lên tiếng một cách uy dũng và oai quyền để sai khiến quỉ, với sự trợ giúp của thánh giá, muối và nước thánh (nếu thuộc môi trường công giáo). Nơi khác thì người ta đề nghị nói ôn tồn, vì không phải do uy quyền cá nhân mình, nhưng do quyền năng của Chúa. Có khi người ta còn khuyến khích người bị ám nên nôn ọe thật mạnh để quỉ đi ra cho dễ. Chính tôi, trong một cuộc hội nghị ở Florida, đã có lần nghe một phụ nữ làm chứng là bà đã được ‘trừ tà’ và đã khạc ra đến mười lăm con quỉ.

Những cuộc trừ quỉ như thế có khi đặc biệt phải kéo dài hằng tuần và hằng tháng. Trong một cuộc hội nghị được tổ chức thời gian gần đây tại Hoa kỳ, một tá linh mục đã tìm cách trừ tà trong thời gian liên tục mười hai giờ, suốt đêm, và không thấy có một kết luận nào dứt khoát.

Tôi cố đi vào chi tiết như thế để cho thấy khái quát những gì xảy ra trong những trường hợp tuy rằng quá mức, nhưng gợi lên nhiều điều đáng làm ta suy nghĩ.

THÀNH NGỮ ‘CỨU THOÁT KHỎI QUỈ MA = TRỪ TÀ’

THỰC SỰ HÀM NGỤ Ý NGHĨA GÌ?

Những người thực hành ‘tác vụ giải cứu’ như thế thường tự bàu chữa là mình không trừ quỉ. Họ biết rằng tác vụ trử quỉ liên quan đến những trường hợp được xem là ma nhập, thường được gọi là trọng thể, là phận vụ riêng của giám mục. Do đó họ tránh đụng vào vùng cấm địa nầy, và du di dùng một loại thành ngữ nào đó vô thưởng vô phạt như những buổi ‘cứu chữa’, ‘giải thoát’, ‘cầu nguyện để tiếp đón’, ‘cầu nguyện đặc biệt’, ‘thương xót’.

Tại sao phải dùng ngôn ngữ giữ kẽ như thế? Không ai đặt vấn đề về lòng thiện chí, lòng bác ái ở đây, nhưng có nhiều yếu tố nầy khác trong đó đã buộc người ta phải ‘tô son đánh phấn’ và giảm khinh sự việc. Lối nói chung chung cho ‘dễ lọt’ có thể đã được dùng:

- hoặc để tránh làm cho người mình muốn giúp khỏi nỗi giận;

- hoặc để tránh sự lưu ý của giáo quyền hữu trách có thể lo ngại về tình trạng lan tràn lối áp dụng nầy, và có thể xem chúng là những công việc trừ quỉ ‘lậu’;

- hoặc chỉ tránh sự tò mò vô lối hoặc nhắm mắt làm theo một cách không suy nghĩ của quần chúng. Do đó mà không muốn nói ra bên ngoài.

Với lý do nào nêu lên để bàu chữa cho sự dè dặt hoặc bí mật nầy đi nữa, thì sự việc cũng đã xảy ra: nhiều cuộc tụ họp hoặc những loạt ‘cứu chữa’ cứ thế mà tiếp diễn – khi thì ở bên lề một hội nghị hoặc một buổi đọc kinh tối, khi thì được tổ chức  (như chúng tôi đã nói trên đây) như một giai đoạn khai tâm bắt buộc, hoặc nhấn mạnh là nên chấp thuận, dành cho ai muốn nhận ‘phép rửa trong Thánh Thần’ hoặc tham gia vào cộng đoàn đời sống.

Bước đi khác thường đó tạo nguy cơ phát sinh trong lòng Giáo hội một lối mục vụ dễ hướng về một loại tôn giáo bí truyền. Điều ấy đi ngược với Giáo hội vốn không hề có hai giáo huấn hoặc hai cung cách khác nhau: một dành cho những người khai tâm bí truyền còn một loại khác lại dành cho mọi người.

MỘT LÀN RANH KHÓ XÁC ĐỊNH

Việc thực hành giải cứu khỏi quỉ ma qua những lối trừ quỉ trực tiếp mà không có giáo quyền uỷ nhiệm nêu lên vấn đề ranh giới cần phải làm sáng tỏ. Thoạt nhìn, làn ranh xem ra rõ ràng: những cuộc trừ quỉ chỉ dành riêng cho giám mục hoặc vị nào được ngài ủy quyền, trong trường hợp được xem là quỉ nhập; những trường hợp nào ở bên ngoài việc quỉ nhập theo đúng nghĩa đen của nó thì thuộc vùng đất trống, chưa có ai qui định, nên mọi người được quyền hành xử.

Những vụ quỉ nhập thật sự, và được xem là dành riêng, rất hiếm. Nhưng những gì ở bên ngoài việc quỉ ám theo nghĩa đen thì mơ hồ. Ngay việc sử dụng các thành ngữ cách nầy hay cách khác cũng không làm cho vấn đề đơn giản và sáng sủa hơn: không có thành ngữ nào chung và khi dùng những nhãn hiệu giống nhau thì nội dung bên trong lại đa biệt. Chưa nói là toàn bộ lãnh vực nầy cũng không biết phải gọi tên thế nào cho phải.

Cái gì thiết định được những việc quỉ nhập là hoàn toàn hay chỉ một phần, và lối nói đó có nghĩa là gì? Ở đây, người ta nhằm nói đến ảnh hưởng tác hại bên trong hay ảnh hưởng bên ngoài? Và những chữ thường hay được sử dụng sau đây nghĩa là gì: làm ô uế, ám, không chế, cám dỗ, v.v.

Tất cả phải trình bày cho rõ để tránh việc đưa người ta phiêu lưu vào ‘bí mật những người khai tâm bí truyền’ như một thứ lính vô tổ chức, đứng bên lề Giáo hội và không cần biết đến Giáo hội.

Trong phần ba chúng tôi sẽ đưa ra những đề nghị thực tiển cho vấn đề tế nhị nầy.

LỜI NGUYỆN

Cùng với Giáo hội chúng ta cầu xin Chúa Cha ban cho chúng ta sự tự do của con cái Ngài:

        Lạy Chúa, Ngài đã gửi Con một Ngài đến

        trong thế gian để cứu thoát con người

        khỏi mọi tội lỗi;

        xin ban cho những ai kêu đến Ngài tự đáy lòng họ

        được thật sự tự do để yêu thương Ngài.

       

        Lời nguyện ngày thứ bảy chủ nhật thứ nhất Mùa Vọng

5. Canh Tân và trừ quỉ: những nhận định thần học

Nếu Giáo hội công giáo xác định rõ ràng có sự hiện hữu và ảnh hưởng của các thế lực sự Dữ, thì ngược lại Giáo hội rất dè dặt về mặt trình bày một cách thành hệ thống về bộ môn quỉ ma học. Nếu có một lãnh vực mà chúng ta cần tuân giữa lời khuyên của Tông Đồ và phải dè dặt và thận trọng, thì đúng là lãnh vực nầy. Người ta chỉ nói đến quỉ ma ‘một cách nào đó’, để hướng đến một mục tiêu gián tiếp. Sức mạnh của nó nằm ngay trong lối ẩn núp nầy; tự bản chất nó là ảo ảnh và là cha của dối trá. Tự nó, nó đen tối và khống chế ở bên trong. Không ai thấy nó lộ mặt, Quỉ là một thực thể thuộc thế giới tinh thần, không nắm bắt được, chúng ta chỉ biết đến xuyên qua Mạc khải. Hành động của nó luôn tinh tế khó phát hiện, mặc dầu đã có nhiều người phiêu lưu táo bạo đi vào lãnh vực đầy mìn bẫy nầy.

Không ai thấy gió thổi ngược với mình: ta “nhận ra” tác động của nó trên cây lá hoặc bụi cát tung lên mà thôi. Quỉ dữ không lộ cho ai về lý lịch thật sự, sách lược, tác phong của mình. Hơn thế nữa phải tránh những suy diễn quá lạm do ám ảnh tâm lý về chuyện ma nhập. Thái độ nầy tự nó là sự chối từ kitô giáo chúng ta, luôn là Tin Mừng và ơn cứu độ trong sự chiến thắng của Chúa Kitô.

Lãnh vực nầy lại là phận vụ dành riêng cho quyền Giáo hội, là quyền duy nhất được Thầy ban cho như một đoàn sủng để xét định một cách tối hậu. Khước từ quyền uy nầy và chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân mình là bất tương hợp với đức tin công giáo. Điểm nầy rất quan trọng.

Khi nêu lên những dè dặt về phương cách trừ quỉ, thì thường gặp phải sự chống đối của những người đang thực hành việc đó dựa vào lý chứng kinh nghiệm cá nhân của họ: họ nói là đã ‘chứng thực’ những lần quỉ bị trục xuất và không thể nào hoài nghi về những thành quả thiêng liêng gặt hái được.

KINH NGHIỆM CÓ PHẢI LÀ TIÊU CHUẨN TỐI HẬU CHO CHÂN LÝ KHÔNG?

Lý chứng về kinh nghiệm phải được xét kỷ. Kinh nghiệm có thể chứng thực hợp cách điều gì, và giới hạn của nó như thế nào?

Người ta biện minh là có những trường hợp chữa lành sau khi trừ quỉ, nhưng phải phân biệt hai khía cạnh không nhất thiết ăn khớp với nhau hoặc không liên hệ gì với nhau: khía cạnh ‘lành bịnh’ và khía cạnh ‘trừ quỉ’.

Câu hỏi trước hết phải đăt ra: những việc gọi là chữa lành được nêu lên, ngay cả rất ngoạn mục, cần được đánh giá như thế nào? Có nên từ chối cho rằng việc đó là không thực hay không?

Theo tôi, trong một số trường hợp, tôi thấy không có lý do gì chính đáng để hoài nghi cả, khi phải phán đoán những vấn đề tế nhị như thế. Chúa Giêsu đã từng nói rằng ‘ở đâu có hai hoặc ba người họp nhau nhân Danh Ta’, thì Ngài sẽ ở giữa họ. Có việc nhân Danh Ngài và minh nhiên kêu cầu đến Ngài; có nhóm nào đó đã họp nhau với tác vụ thương xót anh chị em mình.  Và Thiên Chúa đã hứa cho môn đệ Ngài là những việc chữa lành được thực hiện nhân Danh Ngài.

Nhưng tôi đi xa hơn để xem có thể từ sự kiện được lành nầy mà kết luận rằng nó là do việc quỉ ma bị trừ đuổi đi hay không? Mọi thắc mắc là ở nơi ấy: nếu có việc lành bịnh, thì việc đó nhờ Chúa ban cho, nhưng có phải là đã có việc chữa lành bịnh nhờ vào việc ‘trừ quỉ’ hay không?

Về mặt kinh nghiệm ta nhận ra được cái gì?

Ta nhận ra lúc đầu nạn nhân quằn quại và có những triệu chứng đau đớn bất thường. Tiếp đến có một nghi thức nào đó, đâu đâu cũng hao hao giống nhau, được áp dụng. Cuối cùng người ta nhận thấy niềm vui của nạn nhân cảm thấy mình được giải thoát và an bình.

Nhưng – đây là gút mắt của vấn đề – quyền nào cho ta kết luận tiến trình từ giai đoạn A đến tình trạng cuối cùng B là do việc đuổi một con quỉ hay nhiều con quỉ (được suy diễn là đã không chế nạn nhân ấy)?

Kết luận vượt ra ngoài những tiền đề; suy luận như thế là thiếu hẳn nền tảng luận lý vững chắc, khi đi từ sự việc xảy ra giữa cầu nguyện và lành bịnh đến kết luận về tương quan nhân quả thiết định cho sự kiện nầy. Lối xác quyết ‘cum hoc, ergo propter hoc’ là một lối suy luận qui nạp sai lầm.

Nếu người ta còn cố bàu chữa khi nêu ra những thành quả nơi tâm trạng bình an và hân hoan nội tâm thu đạt được, thì tôi buộc phải nói rằng việc ấy cũng phải hết sức thận trọng. Ta có thể nào lấy những hậu quả tốt lành đạt được như thế để qui kết vào chuyện trừ quỉ trừ ma hay không?

Trên bình diện tự nhiên mà nói, một cuộc họp có sự trao đổi chia sẻ giữa người bị đè nén và một nhóm người niềm nở tiếp đón mình, tự nó là một cái gì giải thoát đem lại ích lợi và an lành rồi. Được người ta lắng nghe một cách ân cần đã là một bước giúp chữa lành bịnh. Chúng ta không nói đến ân sủng ở đây, nguyên việc thực hiện chia sẻ cảm thông biết thực thi trong những điều kiện thành khẩn đã là một liều thuốc tốt để chữa bịnh.

Người ta chứng kiến những thành quả mang lại an bình cho tâm hồn tương tự như thế trong những nhóm chia sẻ đủ loại dưới nhiều tên gọi khác nhau, những thành quả giúp cho những người tham dự được giải tỏa nhiều phiền muộn nầy khác, nhưng không thể nói là do trừ quỉ mà có được.

Ta không chối là không hề có những thành quả mang lại an bình và niềm vui tâm hồn, nhưng từ đó đi đến kết luận cho rằng đấy là do trừ quỉ thì thật không chỉnh chút nào. Người ta thường nói đi nói lại ‘it works, ‘thành công rồi’, quỉ đã buông rồi!, nhưng phải chăng quá thô thiển khi kết luận như thế.

Châm ngôn: nhìn quả thì biết cây chỉ có giá trị khi xem xét hết các trái của cây và phải thiết định tương quan giữa trái và nhành nào của cây. Muốn làm được điều đó thì phải loại ra ngoài những gì đã có thể cống hiến thành quả tốt lành ấy, như cầu nguyện, tình thương xót huynh đệ, lòng bác ái chân thành của ‘những người trừ quỉ’.

Những suy nghĩ nầy không nhằm mục tiêu nào khác ngoài việc nhắc cho chúng ta là đừng vội nêu ra những kết luận không dựa trên một lý luận vững chắc.

GIÁO HỘI LÀ THẨM QUYỀN DUY NHẤT ĐỂ GIẢI THÍCH

Tôi viết những dòng sau nầy đặc biệt hướng về những tín đồ của Giáo hội công giáo, và muốn đi sâu hơn nữa khi nhắc cho họ lưu ý liên kết suy tư của mình với vai trò giáo huấn của Giáo hội vốn có đặc quyền về tín lý và minh giải những gì liên quan đến Mạc khải. Chúng ta đang đứng trên bình diện đức tin, và dựa vào đức tin của Giáo hội mà ta phải điều chỉnh đức tin của mình. Mỗi lần tham dự Thánh Thể chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin dừng nhìn tội lỗi chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa.”

Một kitô hữu hoặc một nhóm kitô hữu không thể hành động một mình, tách ra khỏi cộng đồng toàn thể Giáo hội, không liên kết với vị Giám mục đang điều khiển dẫn dắt. Chúng ta phải truy cứu nơi đức tin của Giáo hội, đức tin mà Giáo hội đang sống và được giáo quyền hiện hành diễn đạt, và chúng ta cần phó thác tin cậy vào sự khôn ngoan hiền mẫu ấy. Chính Giáo hội sẽ dẫn lối cho chúng ta trong lãnh vực vượt quá nhận thức chỉ dựa trên trí năng hiểu biết của chúng ta.

Những gì xảy ra nơi thế giới tăm tối, ngay cả sự hiện hữu và tác động của quỉ ma – cũng như sự hiện hữu và vai trò soi sáng của các thiên thần -  đều vượt lên trên khả năng tự nhiên chúng ta và thuộc vào Mạc Khải của Chúa. Và một cách minh nhiên cụ thể, Chúa đã bày tỏ ý muốn của Ngài trong việc trao phó việc nầy cho các Tông đồ và những bậc kế vị các ngài. Họ được Chúa Thánh Thần thiết lập để giải thích và bảo chứng tối hậu về lời Chúa mà Truyền thống sống động của Giáo hội soi dẫn.

Cần đọc lại những gì chúng ta đã tìm hiểu về Giáo hội là thẩm quyền giải thích lời Chúa ở chương II. Tất cả những điều ấy là tín lý cổ điển và thuần nhất của Giáo hội công giáo. Vì tin vào Chúa Thánh Thần đang tác động trong Giáo hội được Ngài thành lập, chúng ta bằng lòng nhìn nhận rằng về vấn đề trừ quỉ, chúng ta không đủ tư cách để phán đoán một cách tối hậu, và ngay cả kinh nghiệm chúng ta cũng cần phải được ánh sáng đức tin soi dọi.

LỜI NGUYỆN

Chúng ta cầu xin Chúa biến cải chúng ta thành kitô hữu trung kiên:

Lạy Chúa, xin cho việc hiệp thông của chúng con vào những mầu nhiệm của Chúa mang lại cho chúng con sự chữa lành mà chỉ có Chúa mới có thể ban: xin nhổ tận góc sự dữ khỏi tâm hồn chúng con, bảo vệ và tăng cường sức mạnh cho chúng con luôn mải”.

Lời nguyện ngày thứ tư tuần lễ thứ năm mùa Chay

 

6. Canh Tân và trừ quỉ: những nhận định tâm lý học

Chúng ta tiếp tục tìm hiểu về những buổi ‘trừ quỉ’ như thế, nhưng không còn ở trên quan điểm thần học, mà về mặt tâm lý học. Trên bình diện nầy cũng vậy, chúng ta cần tiến hành một cách hết sức thận trọng, vì chúng ta đụng đến phần thâm sâu của con người ‘cần được cứu thoát’.

Chúng ta nêu lên hai điểm tế nhị nhất: trước hết là điểm tiên khởi liên quan đến tình trạng chẩn đoán khó khăn; điểm thứ hai là những chướng ngại tâm lý học mà người ta dễ vấp, về phía người ‘bị ám’ cũng như về ‘người trừ quỉ’.

NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG VIỆC CHẨN ĐOÁN

Khó khăn trước hết là việc chẩn đoán đáng tin cậy. Thật thế, làm thế nào biết được chắc chắn là có một ảnh hưởng quỉ ma đang tác động? Không ai có chứng cớ trực tiếp hiển nhiên: chúng ta đã từng nói là quỉ ma là những thực tại tinh thần, chúng ở ngoài các phạm trù hiểu biết và quan sát thường nghiệm.

Nên ở đây chỉ là những phỏng đoán. Chúng ta không nói đến những hiện tượng nầy nọ, mà xuyên qua các thời đại và tùy vào các nền văn hóa khác nhau người ta quen cho là xuất lộ của quỉ ma …

Nhưng, ngày nay, ta không thể coi nhẹ những kiến thức thu thập được từ khoa học, nếu không thì dễ bị xem là ngây ngô và không đáng tin cậy. Tôi thấy trong một số nơi, người ta có thói quen ‘trừ tà’ bừa bãi, không biết gì đến những kiến thức khoa học cả. Nếu việc ta làm không đáng tin chút nào, thì khác chi là tự xem đó như một việc có thể bị người ta loại đi cho xong khỏi phải nói đến.

Linh mục Tonquedec, s.j., nhà thần học có thế giá và cũng là nhà trừ quỉ nhiều năm cho địa phận Paris đã viết một cuốn sách tựa đề: Những bịnh thần kinh và tâm thần và những hiện tượng ma ám (Les maladies nerveuses et mentales et les manifestations diaboliques). Sách ấy đề cập đến những vấn đề ta đang tìm hiểu, và sẽ có ích cho những ai vội vàng kết luận hễ có một thái độ hơi lạ lùng thì đương nhiên là có việc quỉ ám phải thận trọng và biết nghi ngờ về lối chẩn đoán của mình.

Tác giả cho ta hay có nhiều nét chung liên quan đến bịnh thần kinh – đăc biệt là suy nhược thần kinh, kinh loạn và một số hình thức của điên khùng -  và hiện tượng ma nhập.

Một hình thức nhị trùng bản ngã nào đó, kèm theo những biểu lộ không bình thường, không ăn khớp với cá tính của đương sự; một lối sống nào đó dù xấu xa cách mấy; những thói quen tàn bạo và dữ dằn, đều có thể là do bịnh hoạn, và tự chúng không có ý nghĩa gì là bị ma nhập hết.

Nơi người bị bịnh khùng điên, thường dễ bị xem như là tiếng nói quỉ dữ, có khi thấy có hiện tượng ghê sợ những hình ảnh tôn giáo, thích chuyện ác, những lời tục tằn, những thái độ hoang đảng, những xung động tàn bạo…39

Tâm bịnh học cho ta thấy một lố những hiện tượng hoang tưởng, kể cả bịnh gọi là zoopathie, nghĩa là tin có loài vật ở trong ruột mình.

Tính cách quá đặc biệt của những bịnh nầy làm cho người ta tin rằng những hiện tượng kỳ quặc như thế phát sinh do ma quỉ và cần phải được trừ quỉ.

Nếu ta không thể nghĩ là bị ung thư hoặc hoại huyết cần phải trừ quỉ, thì những hiện tượng về bịnh thần kinh cũng không thể đương nhiên ghép vào hiện tượng quỉ ám hay ma nhập được.

Không biết đến những dữ kiện khoa học là quên đi mối tương quan chặt chẽ giữa ân sủng và lý trí tự nhiên. Thánh Tôma thường nhấn mạnh đến mối liên hệ nầy khi nói rằng ân sủng không phá bỏ tự nhiên, nhưng hoàn thành và kiện toàn. Ngược lại khuynh hướng của Trào lưu Cải Cách, Giáo hội không nhìn tự nhiên hoàn toàn xấu xa hoặc bị thương tổn tự căn.

Do đó, đoàn sủng về lý liệu, là một ơn của Chúa, không thể bỏ qua trí khôn kiểm thảo của con người, vì trí khôn cũng như mọi tạo vật cũng là ơn của Chúa: những ơn của Chúa ban đều bổ sung cho nhau.

*

Ta không thể dựa vào ơn lý liệu như một đoàn sủng để bỏ qua những dữ kiện nhân loại nầy, và trực tiếp nại đến Chúa Thánh Thần mà không màng đến sự suy xét của Giáo hội. Người ta thường nêu lên ơn lý liệu nhân danh một nhóm chứ không phải của cá nhân. Nhưng việc đó cũng không đủ.

Ta có thể hiểu là những kitô hữu không công giáo có thể xem sự lý liệu tập thể là chuẩn mực tối hậu. Nhưng đức tin của chúng ta đi xa hơn và giúp chúng ta nhìn nhận mầu nhiệm của Giáo hội mà Thầy đã thành lập.

Chúa Kitô đã muốn một Giáo hội tông truyền, và Giáo hội ấy tiếp tục tồn tại xuyên qua thời gian do sự kế truyền của các giám mục. Chính các ngài và các Tông đồ hiệp thông với các ngài (các giám mục được được chính các Tông đồ ủy thác) mới có quyết đoán mang tính cách chung thẩm, sau khi các ngài đã được các tín hữu đáng tin cậy thành tâm soi dọi.

Chữ ‘lý liệu, suy xét’ cũng là một trong những chữ đầy cạm bẫy cần được thần học minh định.    

NHỮNG BẪY NGẦM TÂM LÝ KHI XÉT ĐẾN NGƯỜI ‘ĐƯỢC TRỪ TÀ’

Giả thiết rằng việc ‘trừ quỉ’ được một nhóm có hiểu biết và có sự suy xét thực hiện, thì ta cũng đừng quên những hậu quả tâm lý đè nặng trên người được ‘trừ quỉ’. Thường thì người nầy tự cho rằng, (hoặc bị kẻ khác thuyết phúc tin rằng), những khủng hoảng của y là do ảnh hưởng của Quỉ.

Do đó y có thể có nguy cơ mang những mặc cảm đủ thứ. Trước hết, người ấy dễ bị một loại chấn thương về chính hình ảnh của mình: y thấy mình bị trói buộc bởi những liên hệ kinh hoàng và nạn nhân của những ảnh hưởng độc hại, một cách nào đó, vượt ra ngoài trách nhiệm và tự do của mình.

Nguy hiểm thật sự ở đây là người nầy tin là mình ít nhiều không phải mang trách nhiệm gì cả. Như thế, việc hợp tác của cá nhân trong việc chữa trị có nguy cơ bị giảm thiểu.

Đặt một người vào một vị thế yếu kém ngay với chính mình và xem mình không đủ khả năng hành động và phản ứng lại luôn là một vấn đề gia trọng.

Hơn nữa, cần phải nghiêm túc phân tích những lý do thúc đẩy ‘một người bịnh’ xin được chữa trị. Người ta thường dễ rơi vào lối kết luận đơn giản và mau nhất, để khỏi phải suy nghĩ nhiều làm chi cho mệt trí.

Nhất là cần lưu ý đến hiện tượng truyền nhiễm tâm lý tập thể. Tại nhiều nơi trên thế giới, tôi đã tiếp nhận những chứng tá cho thấy rằng đột nhiên có một loạt xin được trừ tà như thế khi có ‘một vị trừ tà’ nổi tiếng xuất hiện lôi kéo quần chúng…

NHỮNG BẪY NGẦM TỪ PHÍA NHỮNG NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM ‘TRỪ TÀ’

Theo tôi, mối nguy gia trọng hơn cả là sự lệ thuộc thụ động mà những người có trách nhiệm giải cứu ảnh hưởng trên người đến với mình để xin cứu.

Đôi khi qua nhiều lần gặp gỡ, người ta bắt người gặp cơn khó khăn phải nói ra hết những rối loạn thầm kín của mình. Người ta đặt những câu hỏi thúc đẩy người đó phơi trần quá khứ của mình, những rối loạn, những điều ray rứt, những khắc khoải, những sợ hãi, những hận thù… Ngưởi ta cố đồng hóa con quỉ hoặc những con quỉ với những lý do sinh ra những hiện tượng tiêu cực ấy và tuần tự gọi tên từng loại quỉ để khu trừ.

Và thường thì người ‘được trừ tà’ biết ơn sâu xa đối với ‘những vị cứu tinh giúp mình’ và sẳn sàng tuân theo hầu như bất cứ lời khuyên hay gợi ý nào cho tương lai y. Nguy cơ lèo lái lương tâm kẻ khác, dù là không cố ý, không phải là chuyện không xảy ra.

Về phần mình, Giáo hội luôn cảnh tỉnh, nhắc nhở việc tôn trọng bí mật và tự do lương tâm trong những qui luật của các hội dòng mà giáo hội chuẩn nhận.

Sự khôn ngoan ngàn đới đó nhắc nhở chúng ta rằng có những giới hạn không thể vượt qua, và trách nhiệm cá nhân luôn là một quyền bất khả nhượng.

LỜI NGUYỆN

Trong lãnh vực vô hình, chúng ta chỉ có một điều chắc chắn, đó là sự hiện diện của Chúa ngay trong cuộc chiến thiêng liêng của chúng ta. Chúng ta hiệp lời cầu nguyện chúng ta với lời cầu nguyện của Giáo hội:

Lạy Chúa là Đấng không con mắt nào của con người có thể thấy được,

Chúa đã xóa tan bóng tối thế gian

khi gửi ánh sáng của Chúa đến,

xin hướng mặt khoan hòa của Chúa đến chúng con

và chúng con sẽ ca ngợi lòng quảng đại bao la

mà Chúa ban cho chúng con trong sự sinh ra của Con Chúa.

 

Lời nguyện ngày 29 tháng 12 trong Tuần bát nhật Giáng sinh.

 

GHI CHÚ

36 F.A. SULLIVAN, ‘The pentecostal Movement’ off print from Gregorianum (1972) vol. 53, fasc. 2, tr. 249. Xem thêm cùng một tác giả: Charism and Charismatic Revewal, Ed. Servant Books, Ann Arbor.

37 R. QUEDEBAUX, The New Charismatics, New York, Doubleda, 1967, tr. 2.

38 Xem D. GEE, Concerning Spiritual Gifts, Springfield, Ed. Gospel Publishing, 1972.

39 DE TONQUEDEC, sd, tr. 23, 47, 82.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!