Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Đăng Trúc
Mục Lục

Phần I: Canh tân trong Chúa Thánh Thần và phục vụ con người

Chương I: Đối diện với Chúa

Chương II: Phục vụ con người

Chương III: Những tông đồ của Chúa Kitô

Chương IV: Giữa đời

Phần II : Canh tân và Quyền lực tối tăm

Chương I : Giáo Hội và ‘Những Quyền lực của tăm tối’

Chương II : Canh tân đoàn sủng và ' các quyền lực của bóng tối'

Chương III : Canh tân trong lòng Giáo Hội

Phần III : Một hiện tượng gây tranh luận, ngây ngất trong Thánh Thần

Chương II : Kiểm Thảo

Chương III : Trên bình diện mục vụ

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Nhân quyền và Giáo hội - Những suy tư lịch sử và thần học

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Hai)

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Một)

Giêsu-Kitô

Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động của Giáo Hội

Tông huấn Christifideles Laici

Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động của Giáo Hội
Chương III : Trên bình diện mục vụ

1.Những ‘hoa trái’ có phải là tiêu chuẩn có tính cách quyết định hay không?

Bây giờ chúng xét xem châm ngôn hay được nêu lên  ‘xem quả biết cây’ có giá trị đến mức nào ?

Những lới làm chứng xác quyết là đã cảm nghiệm những ‘hoa trái’ đa biệt và tốt lành có đủ để giải quyết vấn đề và bảo đảm cho lối giải thích cho rằng đây là một tác động siêu nhiên hay không ?

Trong chương một (I), chúng ta đã thấy nhiều người sống qua kinh nghiệm của hiện tượng nầy và nhân dịp cho chúng ta hay là họ đã có được những tình cảm bất ngờ về trạng thái hân hoan, phó thác cho Chúa, được chữa lành về mặt thiêng liêng hoặc thể xác, hoặc còn cho rằng đã sống được một sự gặp gỡ lạ lùng với thế giới siêu nhiên.

Như thế phải chăng chúng ta phải đi đến kết luận, khi áp dụng nguyên lý ‘xem quả thì biết cây’ để xác quyết rằng những thành quả tốt lành ấy tự chúng chứng minh được rằng đây hẳn là một tác động đặc biệt của Chúa Thánh Thần?

Trước tiên tôi xin nói rằng chúng tôi không hoài nghi về chứng tá cụ thề cá nhân và sự chân thành của những người làm chứng; nhưng chúng tôi cũng xin thêm là chúng tôi không thể không đặt thành vấn đề về việc đồng hóa hay liên kết những ‘thành quả’ mà người ta nêu lên như thế với tác động đặc biệt của Chúa Thánh Thần.

Xét về mặt luận lý, thì phải coi chừng vì đây là một lối kết luận vượt ra ngoài những tiền đề đặt ra ; từ một việc ‘phụ tùy’ (có thể xảy ra) người ta vội kết luận về ‘nguyên nhân’ (cum hoc, ergo propter hoc) làm như hậu quả cảm nhận được nhất thiết phải liên kết với một tác động bên ngoài nào đó và phải phát xuất từ tác động ấy.

Hẳn nhiên, xem trái thì biết cây, nhưng không được lầm về loại cây cũng như bản chất của trái ấy, và cũng không được liên kết sai lạc về tương quan nối kết giữa chúng với nhau.

Chúng ta không thiếu những thí dụ về những thành quả tốt đẹp phát sinh từ một nguyên nhân rất mù mờ hoặc đôi khi hoàn toàn sai trái. Tôi liên tưởng đến hiện tượng có những sự thức tỉnh tôn giáo nhất thời tiếp sau một chuyện  hiện ra mà sau đó người ta khám phá ra là không có thật. Tôi liên tưởng đến những thành quả tuyệt vời nơi những người thống hối ăn năn trở lại khi nghe Vincent Ferrier tiên đoán ngày tận thế vào thế kỷ 14.

Như vậy thì ta có thể chấp nhận những chứng tá nhưng vẫn đặt vấn đề về căn cơ thực sự của hiện tượng đó.

Để có thể thẩm định những hoa trái của hiện tượng chúng ta đề cập, cần sâu sát hết mọi loại thành quả.

Thật thế, có một số xem ra tốt lành, nhưng những thành quả khác lại đáng hoài nghi, hoặc xấu xa ; có hoa trái xảy ra nhất thời, nhưng không bền vững gì. Có những thứ ngoạn mục, nhưng nhiều  thứ khác, có thể tốt và cũng có thể rất xấu,  lại cần nhiều thời gian để chín mùi, phải đợi thật lâu mới thấy hiệu quả tõ ràng.

Có những thành quả có thể tốt và tích cực trên một bình diện, nhưng lại nguy hại trong những lãnh vực khác; chẳng hạn như những ảnh hưởng trên nhóm hoặc trên cộng đồng về khuynh hướng tích tìm những cảm xúc nhất thời, đề cao những trò ngoạn mục, v.v.

Những suy nghĩ nầy không nhằm phê phán một lãnh vực nào, nhưng chỉ muốn cảnh giác thái độ áp dụng một cách ngây ngô vào trong cuộc sống tinh thần và đạo đức.

Đặc biệt, khi hiện tượng đó xảy ra trong bối cảnh của một cuộc họp ‘bất ngờ’, tùy hứng, thì ta lại càng vận dụng tinh thần phê bình kiểm thảo để được tỉnh táo.

Thực sự có phải người ta muốn xem như là những ‘hoa trái’ khi nói đến những thành quả tâm lý về sự thanh thản nội tâm đạt được trong nhựng lúc ấy hay không ? Nhưng những hiện tượng như thế hoặc hay hơn nữa có thể có được khi ta áp dụng những kỹ thuật khác nhau của các bộ môn thuộc trật tự nhân loại.

Những thành quả tương tự có thể là thành quả của môn trị liệu nào đó của khoa tâm lý. Và như thế thì không ‘nhất thiết’ phải cho rằng đây là ảnh hưởng siêu nhiên đặc loại phát xuất từ Chúa Thánh Thần.

Ngay cả khi có những lời kinh và những cử chỉ tôn giáo ‘bao lót’ trò chơi về những tác động tâm sinh lý con người, thì việc suy xét về mặt siêu nhiên một cách toàn diện cũng không thể loại trừ việc phân tích toàn bộ bối cảnh có tính cách nhân loại.

Tôi đã từng đối đầu với lối luận chứng ‘xem quả biết cây’ trong Document de Malines số 4 : ‘Canh Tân và các quyền lực của tối tăm’.  Nơi đây tôi đã nói đến lối luận lý què quặt liên quan đến những người trừ quỉ khi họ nêu lên châm ngôn nầy nhằm áp dụng những lối ‘trừ tà một cách bừa bãi’, nghĩa là không có sự ủy nhiệm minh nhiên của giáo quyền có năng cách.

Tôi cũng đã đề cập một nội dunh như thế trong cuốn sách của tôi nhan đề là : Nghĩ gì về việc tái võ trang tinh thần?54 Trong sách nầy, tôi nhắc nhở rằng một mặt chúng ta nhìn nhận những hoa trái có giá trị về mặt đạo đức, nhưng mặt khác cần dè dặt về giáo lý.

Những thí dụ nêu lên trên đây nhằm nới rộng tầm nhìn và giúp ta tiếp cận cụ thể hơn những lãnh vực đa biệt khi phải áp dụng và giải thích châm ngôn xem trái biết cây.

2.  Những nguy hiểm liên quan đến kinh nghiệm

MỘT THẮC MẮC ĐẦU TIÊN:

CÓ CẦN CHO MỌI NGƯỜI BIẾT VỀ NHỮNG HIỂM NGUY HAY KHÔNG?

Có người cho rằng đừng nên nói đến những nguy hiểm liên quan đến hiện tượng nầy, sợ làm hại đến tác động của Thiên Chúa.

Người ta tin là việc xem ‘ngây ngất trong Thánh Thần’ như một lãnh vực nguy hiểm là chuyện không tốt. Và nhấn mạnh rằng  ngay việc dùng chữ nguy hiểm đã là cổ võ một thái độ nghi hoặc ngăn cản người ta suy nghĩ một cách tỉnh táo….

Theo họ, khuyến cáo thì đã đặt vấn đề từ nguyên tắc, và cấm đoán một cách tiên thiên ngay cả việc đặt vấn đề xem hiện tượng ‘ngất ngây trong Thánh Thần’ như một trong những ơn ích của Chúa ban cho thời đại chúng ta, như một hoa quả của một Lễ Hiện Xuống mới.

Đây đúng là là một lối xác quyết lạ lùng thiếu nền tảng.

Làm sao viết ra những lời ấy một cách bình thản khi không hề qui chiếu vào những người được Chúa ủy thác để suy xét tối hậu về những đoàn sủng trong Giáo hội ?

Ngược lại với thái độ đầy thiên kiến đó, ta có thể đọc những dòng chữ nầy của nhà thần học Chính thống giáo  nổi danh Olivier Clément, nhắc ta nên thận trọng :

« Trước một kinh nghiệm tập thể như thế, ta thử hỏi xem đây là một kinh nghiệm đặc loại về Chúa Thánh Thần, có tính cách siêu nhiên hay đây là một kinh nghiệm tâm lý. Một lối khát khao tâm lý như thế không mấy tốt lành. Trong kitô giáo Đông phương, có một thái độ trong lành và rất cảnh giác.55 »

Ta cũng đọc được những lời tương tự trong tập san đại kết của Hoa kỳ Pastoral Renewal, Kevin Perrota vị chủ nhiệm phát biểu như sau :

« Một trong những khó khăn mà chúng tôi, trong Phong trào đoàn sủng phái Ngũ Tuần, phải cùng nhau khắc phục đó là khuynh hướng lẫn lộn kinh nghiệm siêu nhiên và kinh nghiệm cảm xúc tâm lý.

Một trong những hậu quả của việc lẫn lộn nầy là những ai dễ bị xúc cảm thì tự cho mình là được Chúa Thánh Thần tác động, và họ đồng hóa cuộc sống siêu nhiên với cảm xúc tâm lý. »56

Thật thế, chúng ta không được lẫn lộn những bình diện khác nhau và phải nghiên cứu thật kỹ những mâu thuẩn và những nguy hiểm nằm dưới hiện tượng nầy.

Những nguy hiểm đó vừa tác hại cho người kinh nghiệm nó vừa cho người quảng bá và cổ động cho nó.

NHỮNG NGUY HIỄM

CHO NHỮNG NGƯỜI CÓ VAI TRÒ THỤ ĐỘNG

Một trong những bức thư trả lời cho câu hỏi của tôi liên quan đến hiện tượng nầy đã nêu lên những mối nguy hiểm được chính người ấy kể lại tuần tự như sau :

- « Ta có thể lo là nhiều người vô tình quên tìm kiếm Chúa, nhưng mãi lo tìm những kinh nghiệm tôn giáo theo mốt mới nhất, vì tò mò hơn là mong được chữa lành, vì thích mới lạ và trò ngoạn mục mà thôi.

- Ta có thể lo là nhiều người vô tình cố làm cho kẻ khác lưu tâm đến mình vì nhu cầu tâm lý hoặc cảm xúc hơn là chú tâm vào việc mở rộng lòng mình đón nhận Chúa Thánh Thần đến tác động.

- Ta có thể lo rằng nhiều người vì vô tình chìu  theo một kích thích tâm lý, cảm xúc hoặc điên loạn, nhất là vì đã nghe kẻ khác thuyết phục, hoặc xem hiện tượng té xỉu như là chuyện đương nhiên phải xảy ra trong một cuộc cầu nguyện chữa lành, nên  cố tìm cách đạt cho được hiện tượng nầy. Ta phải đặc biệt cảnh giác khi chuyện ấy xảy ra trong một bối cảnh nào đó có tính cách vô trật tự.

- Ta có thể lo rằng nhiều người như muốn xét đoán tác động của Chúa Thánh Thần, không phải trong những hoa trái tốt lành đâm nở trong cuộc sống hằng ngày, nhưng dựa trên số người ‘té xỉu trong Thánh Thần’.

- Ta có thề lo rằng một số người cảm thấy tự mãn vì mình được xếp vào số được tuyển chọn, và nơi một số khác thì thấy bối rối không biết chuyện gì đang xảy ra. »

Tôi nghĩ là ta có thể kể thêm hàng loạt những nguy cơ như thế, chẳng hạn nhiều người đã cố tìm một giải pháp cho những vấn đề cá nhân mà không lo tự mình giải quyết chúng một cách cần cù, lao nhọc trong cuộc sống đạo hạnh, quên mình, thứ tha v.v.

Vô tình hay cố ý, người ta ham tìm kiếm những giải pháp-tức thời, giải pháp-phép lạ; bấy giờ, té xỉu-ngây ngất là một loại  ‘thuốc gây tê mê siêu nhiên’.

Linh mục Tardif, người đã thực thi tác vụ chữa lành được nhiều người biết đến, nói rằng ngài đã dứt khoát từ chối yêu cầu của những người xin ngài cầu nguyện cho họ ‘té xỉu trong Thánh Thần’. Đó đúng là đường lối mục vụ trong sáng lành mạnh.

Một nhận xét khác đáng làm ta lưu ý liên quan đến tác động của  ước muốn vô thức nơi đương sự. Nều y tin đây là một đặc sủng, và là điều mà y mong ước, thì chính y sẽ phải ê chề thất vọng nếu không đạt được hiện tượng mình mong chờ  và cho rằng Chúa ít thương yêu mình.

Trong trường hợp nầy, nhiều yếu tố khác chen chân vào để tạo nên một hiện tượng trong nội tâm mà ý thức không hay và không xuất hiện  ra rõ ràng.

Ở đây chúng tôi không nói đến những người tự nhiên cảm thấy có hiện tượng té xỉu xảy ra ngoài tiên liệu của họ (–đây lại là một trường hợp khác -), nhưng nói đến những người được mời và tự thân hành đi đến để cố tìm cho được ơn ‘té xỉu trong Thánh Thần’.

Họ sắp hàng chờ đợi, có khi sắp hàng đi sắp hàng lại nhiều lần mong sao nhận cho được hoặc nhận thêm kinh nghiệm mà người ta đã gợi ra.

Có người cảm thấy khốn khổ ê chề nếu thấy không có gì xảy ra cho mình hết, và tưởng chừng như mình có lỗi, nhất là khi kẻ trung gian bên ngoài liên tục quấy rầy thúc giục họ để yên cho Thánh Thần tác động !

Cuối cùng, là nguy cơ có thể cảm thấy lâng lâng tự đắc nơi kinh nghiệm nầy, hướng về việc tìm  mình hơn là đón nhận tác động của Chúa. Nhận xét nầy hẳn nhiên không nhằm nói đến mọi người một cách chung chung, nhưng tâm lý con người luôn ở với con người và ta không thể không nêu lên giả thiết.

NGUY HIỂM CHO

NHỮNG NGƯỜI ĐÓNG VAI TRÒ CHỦ ĐỘNG

Bây giờ chúng ta đề cập đến những người chủ động tổ chức.

Nhà thần học Anh giáo Morton Kelsey từng dạy nhiều năm tại Đại học Đức Bà tại South Bend (Hoa Kỳ) cho xuất bản một loạt những nghiên cứu phân tích tâm lý và cảnh giác những nguy cơ liên quan đến những người chủ động.

Mac Nutt cũng nói như thế trong các bài viết của mình, dù cá nhân ông cũng đã rơi vào đó. Và ông ta không phải là nạn nhân duy nhất của sự kiện ấy.

Ta sẽ gây gây  trong người, chẳng hạn khi đọc những lời phô trương sau đây trong cuốn sách The man behind the Gift (Con người đằng sau Ân huệ) nói về cuộc đời của linh mục Ralph A. Diorio (Hoa Kỳ). Qua người viết, tác giả nói về mình như sau : « Khi tôi đi vòng qua anh chị em đang sắp thành hàng ở đây, nhiều người trong anh chị em sẽ cảm thấy như một luồng điện, một hơi ấm, một tia sáng phát ra từ nơi người tôi. Một số trong anh hị em sẽ té xuống. »

Một vị lãnh đạo tôn giáo tự giới thiệu mình qua lối quảng cáo về uy danh mình như thế thì đã tạo ra một ảnh hưởng tâm lý cho những người đang chờ đợi.

Yếu tố ‘gợi ý’ đặc biệt gây tác động trong các cuộc tập trung nhiều người. Trong các tài liệu của tôi thu thập, tôi có một bản văn viết về một cuộc cầu nguyện chữa lành tại Thụy Sĩ, do một tu sĩ công giáo hướng dẫn kể lại :

« Một số người trong các vị sẽ té xuống. Các vị đừng sợ. Thời Trung Cổ, trong một số tu viện, từng hàng dài các tu sĩ té như thế. Họ được Chúa Thánh Thần đụng đến như Phaolô xưa trên đường Damas và như các binh lính ở vườn Gietsêmani. Chúa sẽ giữ gìn các vị để khi té quí vị không bị thương tổn gì… »

Tiếp đó bản văn mô tả buổi cầu nguyện chữa lành lần đầu ấy như sau :

« Đến phiên mình, bà X  nói về cuộc đối thoại thân mật với Chúa, các thị kiến, các thành quả chữa lành mình nhận được, và để chấm dứt bà tuyên bố : ‘Bây giờ, ngay lúc nầy, một số trong các vị đang được chữa lành. Bây giờ Chúa đến với quí vị : hiện đang có một bịnh ung thư đang được chữa khỏi ; và cũng có những bịnh ngẹt ống dẫn máu ; rồi một bịnh ung thư khỏi phải mổ vì chính Chúa Thánh Thần can thiệp. Có những sạn thận tự nhiên tan mất do máu của Chúa Kitô. »

Và đây là đoạn văn mô tả buổi cầu nguyện chữa lành lần thứ hai :

« Buổi cầu nguyện mở đầu bằng những chứng nhân được chữa lành trong lần trước. Họ bình luận về việc họ được chữa lành.

Cuộc cầu nguyện kéo dài hai giờ ; những bài hát và những ca ngâm liên tục nhau vang lên, chỉ bị đứt khoảng bởi những bài đọc về việc chữa lành rút ra từ Kinh Thánh, và những lời khuyên nên đứng ngồi như thế nào để té cho đúng cách.

Không khí càng trở nên khó thở. Đôi khi ánh sáng chỉ còn thấy lờ mờ. »57

Ta thấy các mối nguy hiểm càng hiển nhiên khi hiện tượng xảy ra ở một cấp độ càng lớn rộng, theo lối bà Katherine Kuhlman tổ chức ; mối nguy ít gia trọng khi hình thức tổ chức kín đáo và ‘nhẹ nhàng’ hơn.

Nhưng ngay trong mức độ kín đáo, tôi cũng thấy quá lạm khi nhận xét cho rằng đây ‘là một kinh nghiệm thần bí, hoặc là bước đầu của giai đoạn ấy’.

2.  Hiện tượng thuộc trật tự tự nhiên hay là dấu chỉ tác động của Chúa Thánh Thần?

LÀ HIỆN TƯỢNG TỰ NHIÊN ?

Chúng ta tiếp tục nghiên cứu hiện tượng nầy và đã đến lúc nêu lên  câu hỏi cuối cùng, bên ngoài những lo sợ về những nguy hiểm có căn cứ :

Đây là một hiện tượng thuộc trật tự tự nhiên hay là một lối can thiệp đặc biệt của Chúa Thánh Thần vượt lên trên các năng lự tự nhiên ?

Như thế là chúng ta đã đụng đến những tương quan rất khó diễn tả giữa tự nhiên và  ân sủng : tự nhiên chấm dứt ở đâu, ân sủng bắt đầu ở đâu ?

Một mặt, tác động của ân sủng trực tiếp xảy ra rất khó mà thiết định, vì nó tiếp cận với những thành tố nhân loại và không tạo ra một con đường song song.

Mặt khác, thành ngữ ‘tự nhiên’ cũng khó mà định nghĩa. Từ diển triết học của Lalande đưa ra mười tám ý nghĩa khác nhau. Và những định nghĩa theo lối ấy giới hạn trong việc xác định bản sắc riêng của đối vật hiện có, chứ không cho ta biết các năng lực tự nhiên phải dừng lại ở đâu, vì có các năng lực tự nhiên chưa từng biết đến nhưng các khám phá mới mẻ có thể nắm bắt được trong nay mai. Chúng ta biết là các khám phá khoa học nới rộng tài năng con người càng ngày càng nhiều.

Thánh Augustinô từng nói: « Những mầu nhiệm của vô hình không mâu thuẩn với tự nhiên, chúng chỉ  mâu thuẩn với điều chúng ta biết về tự nhiên. »

Trong mối liên hệ với Chúa Thầnh Thần, tương quan tự nhiên và ân sủng đã từng được linh mục Andrien Demoustier s.j. diễn tả rất hay như sau trong bài viết ‘sự can thiệp của Chúa Thánh Thần’, nhân nói đến các Phong Trào Đoàn sủng58.

« Thánh Thần thánh hóa cũng chính là Thánh Thần tạo dựng. Do đó tác động thánh hóa của Chúa Thánh Thần không những tôn trọng và sử dụng những yếu tố của đời  sống chúng ta, nhưng còn làm cho chúng có giá trị và tăng cường thần lực. Thánh Thần thánh hóa và biểu lộ công việc thánh hóa bằng cách tác động trong những lãnh vực của đời sống chúng ta, những lãnh vực mà khoa tâm lý học, xã hội học, có quyền chính đáng để phân tích v.v. trong khuôn khổ của mình. Tác động của Chúa Thánh Thần không phải là vô hiệu hóa hoặc hạ giá các nghiên cứu nầy, trái lại, tác động đó buộc chúng ta phải tiến hành việc nghiên cứu một cách nghiêm túc và đứng với sự thật hơn.

Khi thánh hóa con người, Chúa Thánh Thần tôn trọng và nhấn mạnh tự do của kinh nghiệm con người. Tất cả những biểu lộ của tác động Ngài là những biểu lộ trong thần trí con người. Thần trí nầy của con người vẫn luôn khác với Thần Trí của Thiên Chúa.  Những biểu lộ của Chúa Thánh Thần, khi phải đem ra phân tích như những dấu chỉ chân thực của việc chính do Ngài can thiệp, luôn còn là những hành động của con người, nên phải được hiểu và tiến hành dựa vào những qui luật của nhận thức và khôn ngoan của con người.

Những qui luật tiến hành nghiên cứu của tâm lý học, xã hội học, kinh tế học, chính trị học v.v. luôn có giá trị và hơn thế nữa phải khẩn trương sử dụng, do nơi sức năng động  của kinh nghiệm siêu nhiên của chúng, vì chính Thánh Thần của Chúa can thiệp để nói cho chúng ta biết ý nghĩa hành động của Ngài.

Những hiện tượng đoàn sủng theo nghĩa hẹp của chữ nầy, nào nói tiếng lạ, tiên tri, chữa lành v.v., vì do Chúa Thánh Thần tác động, nên đó là những hiện tượng con người mà các nhà nghiên cứu chuyên môn về kinh nghiệm tôn giáo của nhân loại thường biết đến. Chúng thường xảy ra khi hội tụ một số những hoàn cảnh nào đó. Chính nhờ ta biết rõ chúng, biết những nguyên nhân và những hậu quả của chúng, mà chúng ta có thể nhận ra đâu là những dấu chỉ của tác động do Chúa Thánh Thần. »

NHỮNG ĐỘNG LỰC TỰ NHIÊN KHÔNG BIẾT ĐƯỢC

Chúa Thánh Thần gắn bó với hành động của con người, thấm nhập và đưa hành động con người đến những cứu cánh vượt lên trên chính nó. Nhưng đừng nên hấp tấp gán cho hành động con người như một sự can thiệp trực tiếp của Thánh Thần vượt lên trên hoặc tách ra khỏi những biến hóa của của năng lực tự nhiên.

Thế giới của các năng lực tự nhiên bao la, và những năng lực tự nhiên chưa từng được biết đến hoặc đang được con người khám phá càng ngày càng nới rộng và trải tràn trước mắt chúng ta. Lịch sử khoa học cho chúng ta thấy điều đó, mỗi một khám phá mới là mỗi lần những năng lực mới của tự nhiên hé cho ta thấy bí mật và qui luật của chúng.

Những khám phá nầy không hề làm giảm quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa, vì Ngài là nguyên nhân tối hậu của vũ trụ; nhưng Ngài không xuất hiện cho chúng ta như là nguyên nhân trực tiếp và độc quyền nơi một hiện tượng thiên nhiên nào đó, chẳng hạn giông tố hoặc cầu vòng trên trời, như đã từng xuất hiện như thế đối với tổ tiên chúng ta. Quyền năng Chúa không suy giảm, nhưng đó là do giới hạn từ phía chúng ta.

Điều gì đúng trong toàn bộ, thì đặc biệt trong việc khai thác những năng lực con người cũng y như thế.

Những hiện tượng tâm lý lạ lùng luôn hiện hữu. Đã từ lâu chúng được xem như là siêu nhiên hoặc đôi khi cho là quỉ ma; và chỉ dần hồi qua thời gian người ta mới khám phá ra rằng chúng là những hiện tượng tự nhiên.

Nhờ khám phá của Mesmer (bác sĩ người Đức 1734-1815) và những người kế tiếp mà ta biết đến phóng xạ năng tâm lý : lý thuyết Mesmer đã giúp khai phá dần các năng lực tâm sinh lý tiềm ẩn nơi mội người.

Khoa học ngày nay cho chúng ta hay là não bộ con người hiện chỉ sử dụng một phần rất nhỏ năng lực của mình. Khoa học ấy cho biết về thôi miên, về gợi nhớ, về thần giao cách cảm, ba động từ trường nhằm chữa trị hoặc thí nghiệm, đồ hình khả thị về cảm khí con người, về tình trạng giản quyết, hôn thụy, mộng du.

Liên quan đến địa hạt đang đề cập, ta có thể đọc các tài liệu nghiên cứu về thôi miên một phần, trong đó có nói đến té xỉu ra đằng sau (và té sấp) như là những phương thức trị liệu tâm lý các nhóm, mà ta có thể luyện tập được.  Đây là một lối gợi ý dẫn dụ cá nhân đến tình trạng bất động, và áp dụng những kinh nghiệm về trạng thái tự động cơ thể.

Và sát với đề tài của chúng ta hơn, chúng tôi xin nói đến những nghiên cứu liên quan đặc biệt do khoa tâm lý học và tâm linh tâm lý học đang tiến hành  (Chúng tôi không nhằm dứt điểm vấn đề hay có lập trường thiên kiến, nhưng muốn nêu lên tính cách phức tạp của ‘hiện tượng té xỉu’ (falling phenomenon) khi phải đưa ra một lối giải thích).

Trong tâm lý học

Về hiện tương liên quan, ta có thể nghiên cứu nơi các đề mục như gợi ý, tự gợi ý, thôi miên, tâm lý tập thể, sinh hoạt của vô thức, các kinh nghiệm tâm vật lý.

Nếu hiện tượng phát sinh từ việc đụng chạm nơi thân thể, nên truy tìm nơi các nhà chuyên môn của một bộ môn nghiên cứu mới được thành lập, hy vọng có được những giải thích cần thiết. Hiện nay có ‘phương pháp trị liệu bằng sờ đụng (therapeutic touch)’ vừa  được áp dụng trong y giới.

Một tập san ở Hoa kỳ Women’s Day (ngày 26 tháng sáu năm 1979) viết về phương pháp ấy như sau :

« Một nhóm mới trong các người chữa trị giúp bịnh nhân giảm đau bằng việc đặt tay lên họ. Giới khoa học không giải thích phương thuốc đó tác động như thế nào, nhưng ghi nhận việc ấy mang lại hiệu quả. »

Vị nữ sáng lập ra trường phái y khoa nầy, bà Dolores Kriegen, giáo sư tại Đại học New York, đã xuất bản  những kết quả nghiên cứu của bà dưới tựa đề Therapeutic Touch : how to use your hands to help or to heal (Thuật sờ đụng để chữa trị : làm thể nào dùng tay để giúp đỡ và chữa trị).

Trong một vài trường hợp,  hiện tượng xảy ra có thể liên quan đến ‘thuật thôi miên’ hoặc tự thôi miên. Linh mục Maloney S.J. viết :

« Tôi đã được người ta thôi miên và tôi đã thôi miên nhiều người. Trong khi thôi miên ta cảm thấy một cảm giác an bình lạ lùng, như rời khỏi thân xác mình và bay bổng về trời. Một người có tôn giáo có thể cho đây là việc của Chúa, nhưng hậu quả phát xuất từ một phương pháp tự nhiên, một kỹ thuật mà ta đừng lầm lẫn với việc cầu nguyện. »

Nhà thần học nầy còn viết cho Morton Kelsey rằng chính ngài đã học về các hiện tượng ấy dưới sự hướng dẫn của một nhà tâm lý học không phải là kitô-hữu ; nhà chuyên môn nầy đã thực hiện những hiện tượng liên hệ mà không qui chiếu gì về Chúa cả.

Sự kiện nhà khoa học trên không hề kêu đến Thiên Chúa buộc ta phải nghiên cứu hiện tượng nầy một cách hết sức thận trọng, không thể vội vàng đi đến một kết luận dựa vào yếu tố tôn giáo khi phân tích. Và hẳn nhiên việc giải thích hiện tượng lại càng phải dè dặt hơn nữa.

Về cấp độ tâm lý, ta cũng cần lưu ý đến việc thẩm định hiện tượng liên quan, vì khi áp dụng các phương pháp thư giản tự nhiên, ta cũng có được những hiệu quả tương tự.

Bên ngoài địa hạt tâm lý học

Trong những địa hạt nghiên cứu khác đang thời khai phá, người ta cũng thấy con đường càng ngày càng mở rộng và nảy sinh nhiều vấn đề chưa từng được biết đến.

Người ta cho hay có những trường sinh lực chiếu dọi toàn thân thể con người và tạo một thứ ‘hào quang’ mà người ta có thể chụp hình được…

Những khám phá về các hiện tượng dị thường, những tiềm năng của con người và của não bộ càng ngày càng phong phú. Các nghiên cứu và khám phá ấy thật quí giá và nên tiếp tục; tất cả giúp ta hiểu rõ hơn câu nói của thánh Irênê : « Vinh quang của Chúa là con người đang sống ».

Trong tác phâm tựa đề : Histoire naturelle du surnaturel (nxb Albin Michel) [Lịch sử tự nhiên của thế giới siêu nhiên], nhà sinh vật học Lyale Watson dành một chương để nói đến những  năng lực ẩn kín của thần trí trên thân xác.

Tương lai hẳn còn có những nghiên cứu khoa học càng sâu xa hơn về các hiện tượng như thần giao cách cảm hoặc trao chuyển tư tưởng và  hình ảnh.

Theo Charles Nonorton, giám đốc ngành tâm linh tâm lý học của bịnh viện Maimonides tại Nữu Ước thì hy vọng sẽ có những khám phá mới.

« Nều mối tương quan viễn cảm có thể thực hiện như dự liệu của các thí nghiệm chúng tôi đang làm, thì chuyện đó hàm ngụ có sự hiện hữu của một thành tố cao hơn vật chất mà ta chưa biết đến. Việc nhận ra sự hiện hữu của thành tố nầy hoặc hình thức năng lực nầy hẳn sẽ có một tầm mức quan trọng y như việc khám phá ra năng lực nguyên tử. »

Chúng tôi không chuyên môn trong địa hạt nầy; nhưng ta không ngại mở ra với những gì mới mẻ có thể giúp chúng ta nhận ra một chiều kích chưa khai phá về kiến thức của con người.

Tôi kết thúc bằng một chứng tá mà tôi trực tiếp nhận được.

Một linh mục đã thực hiện ’hiện tượng ngây ngất trong Thánh Thần’ trong nhiều năm, sau đó vì vâng lời giám mục của mình, và cũng vì thâm tín cá nhân, đã từ chối không tiếp tục nữa, cho tôi hay rằng ngài có những cảm giác đau nhức và nóng lên ở hai bàn tay, tưởng chừng như bị điện chạm, mỗi khi đặt tay trên người bịnh hoặc không có bịnh cũng thế.

Ngài không còn tiếp tục áp dụng lối nầy,  nhưng ngài nói với tôi là nay mỗi khi lên bục giảng dạy, nếu ngài đưa tay làm một cử chỉ kèm theo lời nói, thì những người ngồi ghế hàng đầu cử tọa lại bị té ngửa ra đằng sau.

Nguồn năng lực gì vậy ?

Tôi không biết. Nhưng cũng như ngài, tôi không có lý do gì để không nhận là sự kiện nầy xảy ra. Kết luận duy nhất của tôi ở mục nầy là sự việc chưa được giải đáp dứt khoát.

3.  Nên dè dặt

Chúng ta không thể nhắm mắt trước hiện tượng nầy và không thấy rằng nó đã thực sự lan tràn trong Giáo hội xuyên qua Phong trào đoàn sủng, đồng thời tạo ra nhiều điểm đặt thành nghi vấn. Về mặt mục vụ, chúng ta cần có một lập trường, và các thẩm quyền có trách nhiệm phải đưa ra những chỉ dẫn cần thiết.

Trong tiến trình của cuộc điều tra mà tôi có dịp tổng kết ở chương II, tôi từng hỏi một số nhà thần học hoặc nhà tâm lý học ở một số quốc gia khác nhau. Chung chung, mọi người đồng quan điểm là chúng ta nên dè dặt.

Một Ủy ban nghiên cứu

Trước hết, đây là một câu trả lời từ phía một Ủy ban nghiên cứu thần học và mục vụ mà Văn phòng quốc gia của Phong trào đoàn sủng bên cạnh Giáo hội công giáo tại Ái Nhĩ Lan có dịp được hỏi đến về đề tài nầy.

Tôi trích một vài đoạn chính trong đó :

« Về mặt mục vụ chúng tôi đề nghị :

- Nên tránh dùng thành ngữ : ‘(té xỉu) ngây ngất trong Thánh Thần’, vì việc ấy gợi lên cho người ta nghĩ rằng hiện tượng liên hệ, một cách chắc chắn hay có thể, đến từ Chúa. Tốt hơn, nên dùng thành ngữ chung là ‘té’, mà ngài John Richards đề nghị. Có như thế thì chúng ta sẽ ở trên một bình diện mô tả sự kiện, đưa dến một phán đoán khách quan hơn và một lối suy xét không tiền kiến về nguyên nhân của việc té xỉu.

- Chúng tôi luôn luôn chống lại việc tạo ra những hoàn cảnh mà hiện tượng nầy có thể xảy ra.

- Chúng tôi không muốn hỗ trợ việc làm của những thừa tác viên trong việc cầu nguyện hay giảng dạy gắn liền với hiện tượng nầy.

- Khi nói đến ‘ngây ngất trong Thánh Thần’, chúng tôi luôn chọn một thái độ tiêu cực, nhưng đồng thời có thể nghĩ rằng trong một vài dịp họa hiếm đây có thể là một ân sủng của Chúa.

- Chúng tôi không khích lệ bất cứ ai đi tìm lối té xỉu nầy như tìm một ơn huệ của Chúa vì việc việc nầy sẽ đưa họ đến những cú té xỉu do chính họ tạo ra…

Giáo sư Heribert Muehlen

Nhà thần học Heribert Muehlen với những tác phẩm có thế giá về Chúa Thánh Thần đã viết thư cho tôi, và trong phần kết của bản nghiên cứu mà tôi yêu cầu giúp với tư cách cá nhân, đã tóm lược như sau:

“Té ngửa ra đằng sau, không còn cảm giác về thân thể mình, có thể là một hỗ trợ tâm lý dẫn đến một sự phó thác sâu xa hơn vào Chúa.

Theo sự suy xét của trí khôn, thì tôi cho đây là một hiện tượng thuộc lãnh vực tâm lý và có tính cách trị liệu, và không nằm trong khuôn khổ của một sinh hoạt tôn giáo.

Chỉ có những người có năng cách về mặt tâm lý học và y khoa mới có thể đảm trách, vì những phản ứng thuộc lãnh vực y khoa có thể đòi hỏi những săn sóc tương ứng.”

Linh mục Congar o.p.

Và sau đây là một phản ứng của cha Congar o.p., ngài vừa hoàn tất nhiều tác phẩm quan trọng về Chúa Thánh Thần.

Khi được hỏi về những người đã kinh qua những sự kiện nầy, cha viết thư cho tôi nói lên suy nghĩ của cha về ‘hiện tượng ngất ngây trtong Thánh Thần’:

“Những sự kiện thể lý bên ngoài và ngay cả tâm lý bên trong được chân nhận như thế, việc đó không cho phép ta đưa những hiệu quả mà các năng lực tâm lý có thể mang lại ( mà Phong trào đoàn sủng có thể áp dụng hay dấy lên), để nhất thiết gán cho Chúa Thánh Thần.

Ta ngại sẽ rơi vào một tiến trình qui nạp. Ở đây còn có một sự đáp trả tự do trước sự thăm viếng âm thầm và hiện thực của Chúa nữa không? Ta sợ có thể rơi vào một hình thức duy tín tiêu cực.

Hẳn nhiên là Chúa mời gọi chúng ta phó thác cho Ngài (xem Thánh Têrêxa Lisieux), nhưng một sự phó thác của con người đứng thẳng và tích cực (xem Ez 1, 1-2).

Những người thực hành kinh nghiệm nầy làm chứng rằng họ cảm thấy một tình cảm phó thác, mất ý thức cá nhân, có được một cảm giác an bình, ấm áp, một sức mânh đưa họ vượt qua hấp lực trái đất. Tình trạng ấy rõ là nguy cơ mà những người Corintô thời thánh Phaolô gặp phải. Những người thời ấy từng ham chuộng những kinh nghiệm về những ‘thần lực (pneumatika)’ … Họ không màng tìm đến Chúa Thánh Thần, đến Thiên Chúa và thích đi tìm những ơn của Ngài; nguy cơ ham thích những cảm giác siêu nhiên mà các nhà thần bí tố giác không phải là chuyên vô căn cứ.” 59

Tôi cũng muốn trích ra đây kết luận rất sâu sát của một cuộc điều tra đến từ nước Pháp.

Trong cuộc gặp gỡ thường niên lần thứ tám của các tu sĩ Dòng Tên thuộc Phong trào đoàn sủng tổ chức tại Paris vào tháng giêng năm 1983, ‘hiện tượng ngất ngây trong Thánh Thần’ được đưa ra nghiên cứu và phổ biến dưới tựa đề: Ngất ngây trong Thánh Thần: những yếu tố cần suy xét.

Phán đoán chung về hiện tượng phức tạp nầy kết thúc bằng những hàng chữ nầy:

“Trước những nguy cơ sai lệch gặp phải, trước thái độ khôn ngoan dè dặt của các chủ chăn của Giáo hội, cuối cùng vì sinh hoạt đoàn sủng không lệ thuộc vào ‘hiện tượng ngất ngây trong Thánh Thần’, chúng tôi nghĩ không nên đưa vào hay hỗ trợ hiện tượng nầy trong Phong trào đoàn sủng công giáo’

Phần chúng tôi, chúng tôi cũng kết luận như thế.

Một đoàn sủng cho thời mới chăng?

Tiếp tục suy tư theo đường hướng nầy, trước hết tôi muốn nói là người ta đã quá lạm khi cho rằng nếu chống lại ‘đoàn sủng’ nầy là đặt thành vần đề mọi thứ đoàn sủng như một tờ quảng cáo nào đó quả quyết.

Trường hợp trên đây cũng như trường hợp của hiện tượng nói tiếng lạ. Người ta quên là trong Thánh Kinh, việc nói tiếng lạ chẳng hạn không hề được giải thích như đó là một ơn huệ lạ lùng về những ngôn ngữ mà ta chưa từng biết đến.

Nhưng thế nào đi nữa thì không được liên kết số phận của ‘hiện tượng té xỉu’ (falling phenomenon) với số phận của những đoàn sủng được truyền thống Giáo hội công nhận và bảo đảm.

Ngoài ra, đoàn sủng với đặc sủng! Y nghĩa của chúng không đồng bộ. Thánh Phaolô kể ra một danh sách dài về những đoàn sủng thông thường giúp ta nhận ra cứu cánh siêu nhiên của những ơn tự nhiên, và danh sách đó cũng chỉ là tượng trưng.

Đi từ đoàn sủng cai quản đến đoàn sủng giảng huấn, dạy bảo, rao truyền giáo lý, giúp kẻ liệt… Danh sách còn có thể nối dài với những sinh hoạt con người.

Không nên thiên kiến

Hiện tượng chúng ta đề cập phải được xem là tự nhiên cho đến khi có chứng cứ ngược lại. Phận vụ phải chứng minh ngược lại là của phía chủ trương nó là một hiện tượng siêu nhiên. Đây không phải là thiếu tin tưởng hay một thái độ chủ trương duy lý, nhưng chỉ là áp dụng cụ thể thần học cổ điển về tương quan tự nhiên –ân sủng.

Để tránh việc làm hoang mang tâm trí những người đang sinh hoạt trong những môi trường mà hiện tượng ấy xảy ra, ta cần có một giáo huấn về các mối tương quan giữa tự nhiên và ân sủng, đặc biệt là sự chồng chéo giữa sinh lý, tâm lý và thần trí trong sinh hoạt con người. Làm như thế sẽ tránh được những mối mê hoặc tràn lan.

Về phận tôi, một cách tổng quát, vấn đề đặt ra không phải là thiết định bản chất hoặc lối giải thích thích hợp cho một trường hợp cá thể nhất định nào.

Tôi chỉ có thể ghi nhận những chứng tá đã được sống, và thành thật biết ơn những người tôi liên lạc đã đáp ứng lời kêu gọi của tôi để trả lời. Tôi không thay họ để xét về kinh nghiệm riêng của mỗi người.

Nhưng, tôi muốn nêu lên những đường hướng mục vụ tổng quát liên quan đến bối cảnh và những môi trường đa biệt mà hiện tượng nầy xảy ra: như các nhóm cầu nguyện, những cuộc tập trung đông đúc, các thánh lễ; và cũng liên quan đến những ‘người chuyên môn’ tại nhiều nước tự xưng mình có ơn nầy.

Qui chiếu vào  Giáo hội

Không cần đến giám mục sở tại để xét xem hiện tượng nầy có nằm trong Truyền thống Giáo hội hay không là chuyên không bình thường.

Và như tôi đã lưu ý nhiều lần, việc âm thầm tổ chức không cho giám mục biết, ngại rằng ngài không cổ võ hoặc dè dặt, cũng là một  chuyện không bình thường.

Trong Hội thánh của Chúa, không có một lối hành đạo riêng dành cho những người được ưu đãi, nằm ngoài lề của cuộc sống chung của kitô hữu.

Vì lợi ích thiêng liêng của kitô hữu, tôi nghĩ rằng họ hãy ý thức thật rõ rằng Giáo hội trong toàn khối là đoàn sủng, nghĩa là không có hai Giáo hội : một Giáo hội ‘định chế’ và một Giáo hội khác là ‘đoàn sủng’.

Thành ngữ ‘định chế’ định vị phẩm trật Giáo hội trong khuôn khổ xã hội học,  và không ai không biết rằng ‘những định chế’ đang là đối tượng cho người ta chỉ trích và từ khước.

Giáo hội kỳ thực là một thực thể ‘bí tích’, và thành ngữ nầy đi sâu vào mọi sự việc. Nghĩa là giám mục-linh mục-phó tế được Chúa Thánh Thần ủy thác khi chịu chức thánh và đã nhận một đoàn sủng trường kỳ để phục vụ dân Chúa. Những đoàn sủng nầy tồn tại và làm nên chính cơ cấu Giáo hội hữu hình.

Những đoàn sủng liên quan đến tất cả những người chịu phép rửa là những ơn huệ được Chúa Thánh Thần ban; chúng là những biểu lộ của sự hiện diện của Chúa Thánh Thần để xây dựng nên Giáo hội. Nhưng, đó là những ơn định kỳ, nghĩa là không trường kỳ gắn liền với người nhận. Ta không thể hưởng hoài một đặc ân nào đó, và càng không phải là người sở hữu của ơn ấy.

Cần lưu ý đặc biệt điều sau đây nếu muốn đón nhận tràn đầy mầu nhiệm của Giáo hội và sống mầu nhiệm đó: Giáo hội được xây dựng trên nền tảng của các Tông đồ – và các giám mục là những kẻ kế vị các ngài -  và một cách tối hậu chính các vị nầy có bổn phận và trách vụ để phán đoán các tiên tri và giải thích các đoàn sủng.

Do đó các giám mục, ý thức vị thế của mình và rộng mở với kitô hữu, có thể thực thi phận vụ chủ chăn và hướng dẫn dân Chúa.

Một bộ luật đi đường không phải là một gánh nặng cản trở việc lưu thông, nhưng là một sự bảo đảm giúp đi lại an toàn và tránh tai nạn.  Trong viễn tượng như thế, cần phải định vị các hiện tượng đang xảy ra để có thể giúp cho các ân huệ của Chúa được triển nở nơi chúng ta, và trước hết là xác minh được một cách an toàn  về sự trung thực của các ân huệ.

Kết luận

Bên trên hiện tượng đang tranh luận nầy, chúng ta trở lại điểm chính của đề tài chúng ta muốn đề cập: tính cách chân thực và khả tín của Canh tân ‘biến cố Thánh Thần hiện xuống’.

Ở đây chúng ta thấy Giáo hội hữu hình và Giáo hội vô hình còn cần phải sống hội nhập với nhau như thế nào. Các giám mục là những người hướng dẫn cuộc sống thiêng liêng của dân Chúa, phải sát cánh với dân mình, đặc biệt trong những lãnh vực hết sức tế nhị  hầu tránh những sai lệch và mất  đi năng lực. Các vị cũng cần thỉnh các nhà thần học cao thâm trình bày và chia sẻ những kho tàng khôn ngoan của các nhà thần bí của chúng ta cũng như của truyền thống kitô giáo Đông, Tây về cuộc sống thiêng liêng cho những kitô hữu có thiện chí.

Những ơn huệ của Chúa Thánh Thần, cũng như những nhân đức luân lý, phải được sống linh động và cụ thể trong những tình huống cá biệt chứ không phải là một ý niệm trừu tượng. Phát xuất từ nguồn suối duy nhất là Chúa Thánh Thần, nhưng nguồn suối ấy cần được ta thích ứng với các loại đất, với những lãnh vực, hoàn cảnh đa biệt.

Lối giáo huấn thiên liêng và đạo đức của chúng ta đã rập khuôn theo những mẫu mã quá cứng nhắc, cần được canh tân trong Thánh Thần.

Đối diện với những hiện tượng mới liên quan đến đời sống thiêng liêng, chúng ta cần đưa ra những hướng dẫn cần thiết cho người tín hữu: những đèn đỏ, đèn xanh hoặc đèn chớp chớp trên bước đường họ đi. Đó chính là điều kiện để có được một sự tiến tới chân thực và an toàn.

Một đường lối làm thinh không can thiệp không đáp ứng được những gì mà tín hữu có quyền trông chờ vào các vị lãnh đạo của họ. Nhưng những cảnh giác suông chưa đủ: chúng phải hướng đến những lời kêu mời tín hữu hãy trung thành tôn trọng sự thật trước những ơn huệ và đoàn sủng đa biệt của Chúa Thánh Thần.

Tài liệu Malines số 6 nầy nhằm dọn đường cho nỗ lực canh tân liên quan đến mục vụ chữa lành, vốn là một yếu tố trong Mầu nhiệm nhập thể cứu độ của Chúa.

Chúa Kitô Đấng cứu độ con người cũng là Đáng chữa lành những vết thương của con người. Giáo hội của Chúa có phận vụ nối tiếp sứ vụ chữa lành của Chúa, tiếp tục chiến đấu chống lại những quyền lực của Sự Ac, và nhận diện, chứng thực và hỗ trợ việc khai triển đoàn sủng chữa lành đồng thời vạch ra những tuyến lộ an toàn.60

Ngoài ra, tôi tin rằng một hiện tượng như hiện tượng chúng ta đã đề cập trong các trang nầy cũng thúc giục chúng ta tiếp tục nghiên cứu thêm, nhằm đi đến một lối hiểu thích ứng hơn giữa tự nhiên và ân sủng.

Lối thẩm thấu đó rất cần thiết để việc thăng tiến cuộc sống tự nhiên không biến thành một chủ nghĩa duy nhiên, và việc đón nhận thế giới siêu nhiên khỏi lệch lạc thành chủ trương duy siêu thực.61

Xuyên qua lịch sử Giáo hội, chúng ta thấy cũng có vấn đề thăng bằng như thế đặt ra khi có một lối đề cao quá mức bất chấp sự hỗ tương cần thiết.

Tôi rất thích câu nói của một nhân vật trong một bản kịch của Paul Claudel : “Tôi thích những sự vật ở với nhau”. Ân sủng và tự nhiên phải cùng triển nở để đáp ứng với ý muốn của Chúa về con người, con người ấy phải đứng thẳng và mang trách nhiệm, đồng thời hiến dâng cho Chúa một cách hoàn toàn vô cầu, để được tô bồi bởi các ơn tuyệt vời của Chúa, những ơn vượt quá sức mong đợi của con người chúng ta.

Thay lời vĩnh biệt của Đức Hồng Y    62

Tương lai ở trong tay của những ai biết truyền lại cho thế hệ mai sau những lý do để sống và để hy vọng

HC Vui mừng và Hy vọng (Số 31)

Nhìn về tương lai làm sao không nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội ngày mai: Ngài luôn là ‘Thần lực ban sự sống’ theo đúng ý nghĩa của thành ngữ nầy. Tôi xin được nhấn mạnh điểm nầy thay cho lời vĩnh biệt.

CHÚA THÁNH THẦN TRONG HỘI THÁNH

Trong kinh Tin Kính, Giáo hội được tuyên xưng là ‘duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền’. Trong bốn đặc tính ấy, đặc tính nguyên sơ là ‘thánh thiện’. Giáo hội được gọi là ‘thánh’ trong các nội dung xa xưa nhất của lời tuyên xưng đức tin.

Có lẽ lối nói xa xưa nhất được diễn tả thế nầy: “Tôi tin Chúa Thánh Thần trong Giáo hội thánh’.63 Sự thánh thiện của Giáo hội xuất hiện như ân huệ khởi thủy của Chúa Thánh Thần. Vì thế tổ tiên chúng ta trong đức tin có lý khi nói đến ‘Giáo hội thánh, Mẹ chúng ta’. Những chữ nầy không phải phát xuất từ văn chưong sùng tín. Kỳ thực chúng ta tin vào chức năng làm Mẹ thiêng liêng của Giáo hội, vì Giáo hội sinh ra chúng ta khi ban cho chúng ta sự sống và sự thánh thiện.

Giáo hội của đức tin chúng ta không phải là sự tập hợp hoặc tổng cộng những ai tuyên bố, với tư cách cá nhân hoặc cùng với cộng đoàn, là mình thuộc về Chúa Kitô. Giáo hội có một sự sống, một thực thể bền vững đi trước và vượt lên việc gia nhập một cách ý thức của những người tin vào Chúa Giêsu Kitô và cộng đồng đặc loại mà họ là thành phần. Giáo hội vừa là cộng đồng mà chúng ta cùng nhau xây dựng nên – ‘Giáo hội là chúng ta’- và Giáo hội còn là Mẹ ôm ẵm chúng ta, một cộng đồng hiền mẫu sinh chúng ta khi mang đến cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa, trong Chúa Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần.

Giáo hội của đức tin chúng ta là thánh ngay từ đầu. Sự thánh thiện đó không phải là tổng cộng các vị thánh mà Giáo hội sinh ra, nhưng chính sự thánh thiện riêng của Giáo hội – sự thánh thiện của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần trong Giáo hội-  nảy nở trong chúng ta.

Không phải các thánh sáng chói, nhưng Chúa và chỉ có Ngài rạng sáng nơi các thánh của Ngài.

Theo nghĩa đó, Giáo hội là trung gian của sự thánh thiện của Thiên Chúa. Giáo hội là mẹ sinh các thánh, những người đã thuận để cho Giáo hội nuôi dưỡng mình. Theo đúng nghĩa, chúng ta không phải làm cho mình ‘nên thánh’, nhưng ở trong sự thánh thiện của Giáo hội và lớn lên trong sự thánh thiện nguyên sơ mà chúng ta nhận được khi chúng ta chịu phép rửa.

CHÚA THÁNH THẦN NGAY GIỮA LÒNG CỦA CÔNG CUỘC RAO TRUYỀN PHÚC ÂM VÀ ĐẠI KẾT

Cám dỗ thường xuyên gặp phải là suy nghĩ về canh tân Giáo hội như một lối tổ chức lại, thích ứng với những nề nếp xã hội bên ngoài, cải cách các cơ cấu theo mẫu của các định chế nhân loại. Chúng ta có khả năng làm ra các máng xối và các ống nước, nhưng không có khả năng làm trào vọt lên nguồn suối.

Không phải là từ khước nhu cầu phải tiến hành những cải cách, nhưng Đức Gioan XXIII đi sâu vào vấn đề, đến tận nguồn suối nước hằng sống, khi kêu gọi kitô hữu đón nhận ơn Chúa để một mùa Hiện Xuống mới được thể hiện trên Giáo hội. Giáo hội luôn luôn cần được tô bồi lại trên nền móng mà Giáo hội từng được xây dựng, nghĩa là tại Nhà Hội, nơi kinh nghiệm thành lập bởi biến cố Thánh Thần Hiện Xuống.

Canh tân mà người ta mong đợi, như một sự linh hoạt biến cố Hiện Xuống, trước hết không phải là một lối canh tân bên ngoài, nhưng là canh tân tự căn nguồn, trong sự tự do mà chúng ta dành cho Chúa để Ngài ‘Kitô hóa’  chúng ta từ bên trong nhờ vào Chúa Thánh Thần. Mọi hy vọng của chúng ta về đại kết nhằm đưa các kitô hữu trở về một mối hiệp nhất hữu hình, nằm ở nơi ấy.

CHUỖI FIAT

Chuỗi 64  kinh được trình bày ở đây mang tên chuỗi   FIAT. Khởi đầu, chuỗi được dẫn nhập bằng lời nguyện FIAT kêu cầu Chúa Thánh Thần xin Ngài đưa chúng ta, hiệp thông với Mẹ Maria, đi vào trung tâm các mầu nhiệm vui, thương, và mừng của Chúa Giêsu.

Nó nhằm thể hiện lại trong chúng ta những gì mà các Tông đồ đã kinh nghiệm tại Nhà Hội ở Giêrusalem, khi các ngài cùng cầu nguyện với Mẹ Maria. Các ngài đã đợi trông Chúa Thánh Thần đến đổi thay các ngài, ban cho các ngài can đảm và sức mạnh để mang Phúc Âm đến trong lòng thế giới. Chuỗi ấy nhắc cho tất cả chúng ta nhớ đến bổn phận phải ‘tác động lời cầu nguyện của chúng ta’.

“Ước gì chuổi ‘FIAT’ nhỏ bé nầy có thể tìm đường đi sâu vào các gia đình để các gia đình trở nên những Nhà Hội của các Tông đồ tụ họp chung quanh Trinh Nữ Maria để nhận Chúa Thánh Thần Hiện Xuống’.

Ta có thể nói là chuỗi nầy, vừa cổ điển vừa mới, là một loại chuỗi rất thích hợp cho việc lần chuỗi trong gia đình, một chuỗi kinh đại kết và truyền bá Tin mừng. Chuỗi FIAT đúng là một dụng cụ đào tạo kitô giáo.

      

Lạy ChúaThánh Thần

Xin giúp chúng con,

hiệp thông với Mẹ Maria,

sống lại các mầu nhiệm vui, thương, mừng

của Chúa  Giêsu.  Amen.

 

 Xin cho chúng con

- Một đức tin của Phép Rửa linh hồn

- Một Thánh Thần duỡng nuôi,

- Một Phép Thêm Sức đổi mới,

 

Để chúng con

- trở thành nhân chứng trung thành của Chúa Kitô và Tình Yêu trái tim rất thánh của Ngài

- bằng lời nói và  việc làm,

- mọi nơi và mọi lúc. Amen.

 

Chúng ta hãy cầu nguyện cho

Giáo hội ...   thế giới ...   theo ý chỉ riêng của chúng ta...

Kinh Lạy Cha      

- tiếp đó là chín mầu nhiệm: ba mầu nhiệm vui, ba mầu nhiện thong, ba mầu nhiện mừng của chuổi FIAT. Mỗi mầu nhiệm được đọc lên tiếp sau đó là lời kinh ‘Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần’ biểu lộ lòng tôn thờ và biết ơn của chúng ta đối với Ba Ngôi đang hiện diện và hướng dẫn cuộc sống chúng ta.

- Sau đó là lời cầu nguyện:

Thánh Giuse, đấng bảo vệ  Thánh gia,

xin bảo vệ  chúng con,

Thánh Micae Tổng lãnh thiên thần,

xin bênh đỡ chúng con  khỏi mọi sự dữ,

Các thiên thần và các thánh,

xin cầu cho chúng con.

- Chuổi FIAT chấm dứt bằng một bài hát:

 

Lạy Mẹ Maria, xin day con biết nói

xin vâng với Chúa

trong mỗi giây phút của đời con

 

Lạy Mẹ Maria, xin dạy con nói

cám ơn Chúa

trong mỗi giây phút của đời con.

 

GHI CHÚ

54 Que penser du Réarmement moral ?  Les Éditions Universitaires, Paris-Bruxelles, 1953, tr. 116-118.

55 Trích trong André FERMET : L’Esprit est notre vie, tr. 84, Desclée de Brouwer, 1984.

56 Pasroral Renewal, tháng 11 năm 1983, bộ 8, số 1.

57 Ta có thể tìm biết chi tiết và những nhận xét có tính cách phê bình qua ngòi bút của một tác giả người Thụy Sĩ nghiên cứu đặc biệt về những gì xảy ra trong những buổi hội họp đông người  mà ông là chứng nhân. Karl Guido REY, Gotteserlebnisse im Schnellverhahren, Sugession als Gefahr und Charisma, Edit. Koesel, 1985.

58 Christus 93, cuốn 24, tháng giêng 1977.

59 Thư ngày 5 tháng 4 năm 1982.

60 H.Y SUENENS : ‘Renouveau et Puissances des Ténèbres’, Cahiers du Renouveau, Paris, 1982.

61 H.Y. SUENENS : Culte du Moi et foi chrétienne, Chương 1, Desclée de Brouwer, Paris, 1985.

62 Lời cuối nầy là những câu cuối trong chương sau cùng của quyển II trong Ký sự của Hồng Y Suenens : Les Imprévus de Dieu, tr. 317, Paris, Fayard, 1993.

63 Xem Pierre NAUTIN, Je crois à l’Esprit Saint dans la sainte Église pour la résurrection de la chair, Paris, Cerf, 1977.

64 Chuỗi FIAT là một dụng cụ tạ ơn phục vụ công cuộc truyền bá Phúc Âm. H.Y. Suenens đã viết một tập sách nhỏ để giái thích chuỗi ấy. Sách và chuỗi do Hội FIAT phổ biến.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!