Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Đăng Trúc
Mục Lục

I. Giêsu

II. Giêsu khởi từ Giêsu

III. Giêsu hay là Giêsu-Kitô ?

IV. Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta

Từ vựng

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Nhân quyền và Giáo hội - Những suy tư lịch sử và thần học

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Hai)

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Một)

Giêsu-Kitô

Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động của Giáo Hội

Tông huấn Christifideles Laici

Giêsu-Kitô
II. Giêsu khởi từ Giêsu

Từ thủa ban đầu

 

Điều làm người ta ngạc nhiên hơn cả về Đức Giêsu kỳ thực cũng là thắc mắc tại sao  «công cuộc[1] »* của Ngài có thể mãi tiếp tục đến ngày hôm nay. Không những ký ức về Ngài không phôi pha qua bao thế kỷ, mà ngày nay trên thế giới vẫn còn một nhóm từng mấy trăm triệu người, không khác gì những người khác, ngoài việc gắn bó thật sự với Ngài.

 

Ngay sau Giêsu

Để làm sáng tỏ sự kiện làm thế nào mà « công cuộc của Đức Giêsu » luôn tiếp diễn, ta thử trở lại ngọn nguồn. Hẳn nhiên là quay về chính Đức Giêsu ; nhưng – và trong một nghĩa nào đó phải nói là trước hết -  phải tìm hiểu việc gì xảy ra ngay sau khi Ngài đã khuất.

Vì kỳ thực Giêsu là người, và ngài đã chết thật. Vả lại, Ngài không bao giờ viết điều gì để lại cả. Nếu sau hai mươi thế kỷ có điều gì liên quan đến Ngài mà còn đến được với chúng ta, thì vì có « một sự việc gì đó » đã xảy ra sau khi Ngài mất. Nếu không thì chắc những gì liên quan đến Ngài hẳn chỉ  giữ kín trong huyệt mộ mà thôi. Như vậy, điều gì thực sự đã xảy ra « ngay sau » Giêsu ? Đó là câu hỏi cần được đặt ra nếu muốn có một may mắn nào đó để đi xa hơn.

 

Các môn đệ

Khởi đầu công việc, Đức Giêsu  tuyển môn đệ*. Ngài đào tạo họ khi Ngài còn ở với họ và đã trao cho họ phận vụ tiếp tục công việc của Ngài một ngày nào đó, và thật sự họ đã thực hiện sau khi  Ngài ra đi.  Nên chính nhờ họ và chỉ nhờ có họ

__________________________________________

"  Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách nầy. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người " (Gioan 20, 30-31)

__________________________________________

 

mà từ đó về sau  chúng ta mới đến được với Giêsu, bởi lẽ chỉ nhờ vào họ mà công cuộc* của Đức Giêsu mới được tồn tại... Nhưng phải xem bằng cách nào sự việc lại diễn tiến như thế !

 « Các môn đệ » sở dĩ theo Đức Giêsu vì nghĩ rằng nghe  lời  Ngài dạy và xem  việc Ngài  làm, hẳn họ sẽ tìm được ý nghĩa toàn hảo cho cuộc đời của họ : « Thưa Thầy, chúng tôi biết theo ai ? Thầy có những lời hằng sống » (Gioan 6, 68). Nhưng nay trước mắt họ, vị thầy vô song nầy đã bị xử tử, bị toàn Israel* ruồng bỏ : hoàn toàn không phải là những gì họ mong đợi ! Hơn nữa, họ là người Do-Thái tốt lành, tin một Thiên Chúa và một Thiên Chúa duy nhất mà mắt người trần không thể nào thấy được, Đấng « ngự nơi ánh sáng không hề với đến » (1 Gioan 6,16).  Thế nhưng khi chúng ta đọc lại những bản văn của Tân Ước  do chính các Tông đồ hoặc môn đệ trực tiếp của họ đã viết, thì họ lại minh xác với  chúng ta rằng Giêsu thực sự là Con Thiên Chúa !

Như vậy, những người môn đệ đầu tiên đã phải thắng vượt ít nhất hai trở ngại hết sức cam go để có thể truyền đạt những gì họ loan báo cho chúng ta về Đức Giêsu. Trước hết là thảm trạng [2]  nơi cái chết của Giêsu, một khi trước đây chính Ngài đã từng dấy lên niềm hy vọng nơi họ;  tiếp đó là việc họ không thể nào làm được khi nhìn nhận một Thiên Chúa ngoài Đức Giavê.

Nhưng các bản văn cũng cho chúng ta hay là có hai điều giúp họ vượt thắng được các trở ngại đó.

Một mặt là niềm thâm cảm họ tiếp nhận  nơi Giêsu trong thời gian sống với Ngài trước đây : ngày ngày, Ngài đã dấy lên nơi tâm hồn họ sự ngạc nhiên và, biết bao lần họ thắc mắc về Ngài. Khi thấy việc ngài làm (Mc 2,12), họ tự hỏi : « Làm sao việc đó xảy ra được ? ». Khi nghe Ngài nói (Mc 6,2 ; xem 1,27), họ sững sờ : « Do đâu mà Ngài biết  điều ấy ? ». Và cuối cùng : « Ngài là ai vậy ? » (Mc, 4,41).

Mặt khác, một thời gian ngắn sau khi Đức Giêsu chết, họ đã xác tín là Ngài đã đi qua sự chết, đã được phục sinh : « Giêsu Nazareth, con người ấy (...) đã từng bị giao nộp (...), Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại» (CV 2,22-24).

Chưa đến lúc chúng ta đặt vấn đề xem thử chính chúng ta thật sự có tin vào sự sống lại của Đức Giêsu hay không ; chúng ta sẽ trở lại vấn đề đó ở phần sau. Lúc nầy chúng ta cố gắng nắm bắt điểm quan trọng nhất đối với niềm tin của các môn đệ vào Đức Giêsu : Chính vì họ đã tin vào sự sống lại của Đức Giêsu, nên họ đã nói và đã viết về Ngài như họ đã làm. Và chính vì thế mà « công cuộc cuả Đức Giêsu* » đã tồn tại và đến với chúng ta. Phaolô chẳng hạn  diễn tả minh bạch thế nầy : « Nếu Đức Kitô không sống lại, đức tin của anh chị em vô ích (...). Nếu chỉ vì cuộc sống nầy thôi mà chúng ta đã đặt niềm hy vọng của chúng ta vào Đức Kitô, thì chúng ta là những kẻ khốn cùng hơn ai hết » (1 Cr 15,17-19).

Đến đây, có thể nào xác định xem các môn đệ ấy đã nói và viết gì về Giêsu hay không? Về thắc mắc nầy, chúng ta phải quay về Tân Ước.

 Tân Ước

 

Bộ Tân Ước, gồm bốn bản Phúc Aâm  (Mathêu, Marcô, Luca và Gioan), các thư của các tông đồ hoặc thánh thư (của Phaolô, Gioan, Phêrô...) và sách Khải huyền, ghi lại chứng từ trực tiếp của những người đã sống với Đức Giêsu, đã « thấy, nghe, sờ đụng » (1 Gioan 1,1)  Ngài. Thử lược xem Đức Giêsu mà họ muốn giới thiệu với chúng ta như thế nào. 

 

 Là một con người

Họ nói đến một con người. Người ta biết đến cha mẹ Ngài (Mc 6,3) và nơi sinh của Ngài (Mt 2,1). Ngài biết mệt nhọc (Gioan 4,6) và biết đói khát (Mc 11,12). Ngài đã sống tình bè bạn (Gioan 11,36) và niềm hân hoan (Lc 10,21), âu yếm (Mc 10,13-16) và thán phục (Mt 8,10). Có lúc Ngài tức bực và nổi giận (Mc 2,5), và không biết tương lai (Mc 13,32) và ngay cả bị cám dỗ (Mc 1,13). Ngài buồn phiền khi mất một người bạn (Gioan 11,35), khi quê hương Ngài thất vọng, khi tương lai của Ngài đáng lo âu (Lc 19,41 tiếp theo). Ngài từng khắc khoải trước khổ nạn (Mc 14,33), và kinh nghiệm thân phận bị bỏ rơi trong thử thách tột bực, sự chết  (Mc 15,34). Xuyên qua những tình cảnh đó, Ngài đã sống như một người tin, tin tưởng vào Thiên Chúa ngay trong những giây phút đen tối nhất (Mc 14,36), và đã chết, phó thác số phận mình vào Thiên Chúa, đặt hết hy vọng vào Thiên Chúa ngay trong tình cảnh tuyệt vọng (Lc 23,46).

 

Là Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ

Tuy nhiên, không bao giờ Đừc Giêsu lại được giới thiệu chỉ như một người ở giữa những người khác. Ít nhất cần phải thêm hai đặc điểm nầy nếu muốn kể lại đúng chân dung mà Tân Ước trình bày về Đức Giêsu.  Trước hết,  các bản  văn  nhìn nhận

__________________________________________

 

«  Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy người tắt thở như vậy liền nói : ‘ Quả thật, người nầy là Con Thiên  Chúa’ »

 ( Mc 15,39)

__________________________________________

 

nơi Đức Giêsu, con người Nazareth nầy, một lý lịch* Thiên Chúa [3]  không hơn không kém. Thật thế, không những Giêsu được giới thiệu như () một vị tiên tri*  rất lạ lùng, chưa bao giờ từng thấy một vị nào như thế (Mc 2,12), và như  Con của con người*, siêu phàm và vinh hiển mà tiên tri  Daniel đã từng loan báo (Mt 8,20 ; xem Đn 7,13) ; nhưng Ngài còn là « Chúa* »[4] ,  là Con* [5] Duy nhất của Thiên  Chúa (Mc 1,11) và là « Hình ảnh* » [6] của Thiên Chúa (Cl 1,15) ; và cuối cùng là « Lời* » [7]  ở « với Thiên Chúa » (Gioan 1,1b) và là « Thiên Chúa » (Gioan 1,1c). Tóm lại : Ngài được nói đến  là « Thiên Chúa». Thứ đến, Giêsu được gắn với phận vụ và vai trò Đấng Cứu Độ, và Đấng Cứu Độ

 __________________________________________

 

«  Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết »  (Gioan 6,40)

mọi người [8]. Vì để cứu độ thế giới mà Ngài đã được gửi đến (Gioan 3,17) và Ngài đã đến (Mc 2,17). Ngài có những lời hằng sống (Gioan 6,68).  Ngài đã nộp mạng mình (làm " hy tế ") để "nhiều người " được cứu độ (Mc 14,24). Nên Ngài là « Con Chiên * tế lễ », Đấng « gánh lấy và xóa tội trần gian » (Gioan 1,29). Ai tin vào Ngài và đi theo Ngài sẽ được cứu độ (Gioan 6,40) ; ai chịu phép rửa nhân danh Ngài (Mc 16,16)  và đón  nhận

thân xác Ngài (Gioan 6,51) thì sẽ có sự sống đời đời. Tóm lại : « Không có một danh nào khác dưới bầu trời  nhờ đó mà chúng ta có thể được cứu độ » (CV 4,12).

Chúng ta thử tóm kết : Đức Giêsu đã được giới thiệu như một tiên tri đến từ Nazareth, đồng thời như  Con riêng  của Thiên Chúa duy nhất và là Đấng Cứu độ chân thật của mọi người. Đó là chứng tá của những môn đệ đầu tiên của Ngài về Ngài, mà Tân Ước lưu lại cho chúng ta. Ai đọc sách ấy hẳn có thể thấy như vậy. Nhưng chúng ta sẽ còn sớm nhận ra rằng sự thể không đơn giản!

 

Qua các thế kỷ

 

Chúng ta vừa kiểm chứng xem từ Đức Giêsu đã chuyển qua thế hệ trực tiếp đi sau Ngài như thế nào, để biết bằng cách nào «công cuộc* » của Đức Giêsu có thể tiếp tục đến với chúng ta. Nay vấn đề đặt ra cho chúng ta là tìm hiểu xem, qua suốt  mười chín thế kỷ kể từ thời các nhân chứng trực tiếp của Đức Giêsu đến chúng ta, người ta đã tiếp tục hiểu và trình bày chân dung và thân phận Ngài như thế nào. Việc làm nầy có thể giúp chúng ta hôm nay hiểu rõ hơn về Ngài.

 

Thiên Chúa thật và người thật

Kitô hữu đã phải đối đầu rất sớm với những sai trật – những lạc thuyết* [9] - trong phương cách hiểu chứng tá của Tân Ước liên quan đến Đức Giêsu.

Điểm đáng lưu ý là lạc thuyết đầu tiên là một thuyết lý không nhìn nhận Đức Giêsu-Kitô có một thân xác thật sự. Và tiếp đó, suốt gần năm thế kỷ, các giáo phụ của Giáo hội* phải chống lại với các trào lưu liên tục có khuynh hướng khước giảm về nhân tính thật sự của Đức Giêsu. Chẳng hạn người ta ngại phải nhìn nhận việc Đức Giêsu có một linh hồn và một ý chí con người như chúng ta. Vì nếu nhìn nhận như vậy là giả thiết rằng Ngài hẳn không biết đến một số việc và phải mang chịu những khổ đau. Làm sao chấp nhận được điều nầy mà không phạm đến thiên tính trọn đầy mà ta từng muốn nhìn nhận nơi Ngài ! Đây là điểm đầu tiên : Giáo hội vào các thế kỷ đầu luôn chống lại các trào lưu nầy. Giáo hội quả quyết rằng Đức Giêsu là người thật.

Trường hợp tương tự và là điểm thứ hai cũng quan trọng mà Giáo hội không bao giờ nhượng bộ, đó là chân lý về thiên tính của Đức Giêsu. Giáo hội đặc biệt đã phải xác quyết chân lý nầy vào đầu thế kỷ thứ tư. Thượng phụ Ariô thành Constantinôpôli nêu lên rằng Ngôi Lời* đã nhập thể* nơi Đức Giêsu (xem Gioan 1,14) không thật sự là Thiên Chúa. Ngài cũng chỉ là một thụ tạo thôi. Nhưng, ngài là một thụ tạo tuyệt đối duy nhất không giống với bất kỳ ai, là  thụ tạo đầu tiên, và từ thụ tạo nầy mọi thụ tạo khác sau đó đã được tạo dựng và tiếp tục được tạo dựng. Lý thuyết nầy đi ngược lại một cách quá rõ rệt nhiều điều trong Tân Ước  nên nó tức khắc gây nên những phản ứng chống đối mãnh liệt (chung quanh giáo phụ nổi tiếng Athanase thành Alexandria). Nhưng âm hưởng vấn đề dấy lên khắp Đế quốc đòi hỏi một một giải pháp triệt để nhằm chận đứng : tập họp đông đảo tối đa các vị  « lãnh  đạo đức tin », tức là các giám mục, để giải quyết một lần dứt khoát và rõ ràng. Và « công đồng » đầu tiên, công đồng Nicée, được triệu tập vào năm 325. Bản văn mà các nghị phụ công đồng Nicée chuẩn nhận được công đồng Constantinôpôli (năm 381) tu chính và bổ sung và tiếp tục được Kitô-hữu đọc vào các ngày lễ chủ nhật.  Nghĩa là bản văn vô cùng quan trọng. Được gọi là « bản tín điều[10] công đồng Nicée-Constantinôpôli ». Bản văn chống lại lạc thuyết Ariô và xác quyết rằng Con duy nhất của Thiên Chúa, Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể trong Đức Giêsu-Kitô, « đồng bản tính* với Đức Chúa Cha». Nghĩa là : Ngài thực sự thuộc về «cảnh vực Thiên Chúa »[11], Ngài là thành phần của chính thực tại Thiên Chúa[12], Thiên Chúa không là « Thiên Chúa » nếu không có Ngài[13]. Nói cách khác : Đức Giêsu là người thật và cũng là Thiên Chúa thật.

 

Hai bản tính và một ngôi vị

Sau công đồng Nicée, còn cần thêm nhiều cuộc tranh luận và một vài công đồng* khác nữa để thấy rõ hơn vấn đề trực tiếp dấy lên từ những soi sáng vừa mới thực hiện được trong bản tín điều nói trên : Làm sao cùng một hữu thể đồng thời là Thiên Chúa thật và con người thật, mà không chia phân thành đôi ? Mặc dầu những công đồng kế tiếp nêu lên nhiều  điểm minh xác quan trọng, nhưng công đồng CHALCÉDOINE họp năm 451 đã soạn bản văn (bản « qui định » [14] ), được nhìn nhận sau nầy như lề luật đức tin liên quan đến Đức Giêsu-Kitô :

 

Chúng tôi kêu gọi (...) để tuyên xưng một Chúa Con duy nhất và chân thật, Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta ; toàn vẹn về thiên tính, toàn vẹn về nhân tính ; thật sự là Thiên Chúa và thật sự là người, được kết thành bởi một linh hồn có lý tính [15] và một thân xác ; đồng bản tính * với Đức Chúa Cha trong thiên tính của Ngài, đồng bản tính với chúng ta trong nhân tính của Ngài ( ...) Trong hai bản tính*, không  hỗn hợp và không đổi thay, không phân chia và phân ly [16] (...) Những đặc tính của hai bản tính luôn toàn vẹn và gặp nhau trong một vị* [17] duy nhất hoặc ngôi* (...) [18]

 

Nói cách khác :

 

1)           Đức Giêsu là người « giống với chúng ta trong mọi sự trừ tội lỗi » (Xem Dt  4,15), Ngài tham gia vào bản tính* con người, nghĩa là : tham gia vào cùng « khung hữu thể[19] » của con người.

2)           Nhưng Ngài cũng tham gia bản tính Thiên Chúa, nghĩa là : ngài đồng thời tham gia « cảnh vực hữu thể » của chính Thiên Chúa.

3)           Nhưng, hai sự  tham gia [20] nầy được thực hiện, hướng dẫn và điều hành bởi một ngôi vị *, đó là Ngôi Lời * Con Thiên Chúa. Sự hiệp nhất và hữu thể của Đức Giêsu-Kitô được thực hiện nơi Ngôi Vị nầy.

4)           Tuy nhiên, ngôi vị thiên tính ấy hướng dẫn, điều hành và tác động mỗi bản tính (trong hai bản tính)  theo những khả năng riêng và những đặc tính cá biệt của mình.  Vì vậy mà nên nói rằng nhân tính của Đức Giêsu thật sự sinh hoạt, trong mọi sự [21], « theo tính con người». Nhưng cũng cần thêm rằng những gì nhân tính đó làm và chịu đựng đều được hướng dẫn, nâng đỡ và chu toàn bởi chính Ngôi Lời-Con Thiên Chúa.

 

Đó là tóm kết  những qui định về đức tin vào mầu nhiệm Đức Giêsu-Kitô, sau nhiều thế kỷ, từ các thánh Tông đồ cho đến thời chúng ta.

 

Cộng đồng Kitô-giáo và thời tân kỳ

Qui định của công đồng Chacédoine chỉ đạo suy tư về Đức Giêsu-Kitô cho đến ngày nay. Về điểm nầy cũng như trong nhiều lãnh vực khác, thời Trung cổ và đặc biệt là Thánh Tôma Aquinô *  đã đóng một vai trò quan trọng. Qua gần mười lăm thế kỷ người ta lặp lại lối đặt vấn đề của họ, cố soi dọi hai điểm chính yếu : vấn đề « hiệp nhất trong cùng một ngôi vị* [22]»  ( làm thế nào con người và Thiên Chúa có thể kết hợp làm một nơi Đức Giêsu-Kitô, mà Thiên Chúa lại không tiêu hút hết con người ?) ; và « mầu nhiệm cứu chuộc* » ( làm thế nào Đức Giêsu và việc Ngài đã làm có thể  mang lại sự cứu độ cho toàn thể thế giới ?). Những nhà thần học hôm nay đặc biệt đưa thêm những suy tư về " ý thức của Đức Kitô ", vào những vấn đề ấy : làm thế nào con người Giêsu đã có thể ý thức rằng mình là Thiên Chúa?  Nói chung, nỗ lực chính trong nhiều thế kỷ là bình chú, lặp lại và nối tiếp giáo huấn của công đồng Chalcédoine (và những gì Thánh Tôma và thần học thời Trung cổ đã nói về qui định nầy).

Vào thời tân kỳ lại xuất hiện nhiều đối kháng. Nhiều thắc mắc liên tục và dồn dập đặt ra :

-              Kỳ cùng, tại sao phải chấp nhận một truyền thống* và một giáo huấn*  như là những thẩm quyền duy nhất về chân lý : Kinh Thánh và cảm nghiệm cá nhân không đủ hay sao ? (Luthêrô*.)

-              Tại sao lại phải nhìn nhận một thẩm quyền đặc biệt ngay cả nơi Kinh Thánh : lý trí không đủ để con người đạt đến chân lý sao ?  (triết học ánh sáng*, học thuyết duy lý).

-              Cuối cùng, tại sao cứ mãi bận tâm về các lối suy tư : không cần để ý đến điều mà lịch sử có thể giúp chúng ta hiểu về Đức Giêsu hay sao ?  Vì không phải rằng Đức Giêsu là người, nên cũng là một nhân vật (của) lịch sử như bao nhiêu vị khác hay sao ? (thế kỷ XIX, khi nền khoa sử học phát sinh ; xem phần sau).

 

Sự thể không phải là tình trạng song hành, đôi đường đôi nẻo xa lạ với nhau, một  bên là « truyền thống » của cộng đồng Kitô-giáo, bên kia là phe chống đối của thời tân kỳ; nhưng mỗi bên tìm cách bảo vệ và cố thủ lập trường của mình sợ bên kia tấn công...

 

Các nhà minh giải Kinh Thánh và các nhà thần học ngày nay

Vào thời đại chúng ta, đối diện với những gì đang bị đặt lại thành vấn đề, phía Kitô-giáo, Tin lành* cũng như Công giáo*, người ta đã thực hiện được một công trình to lớn  khi nêu lên lại những câu hỏi liên quan đến Đức Giêsu mà tâm thức thời đại đang đặt ra. Những nhà chuyên môn về Kinh Thánh - những nhà minh giải* Kinh Thánh – truy cứu lại Tân Ước. Họ thiết định nhiều dữ kiện trong đó có một số bằng chứng rất quí, không thể nào hoài nghi được nữa, có thể giúp người ta dựa vào một cách an toàn.  Những dữ kiện nầy vừa liên hệ đến Đức Giêsu vừa liên hệ đến những lý do đã thúc đẩy các thế hệ Kitô-hữu đầu tiên trình bày về Ngài như họ đã làm. Còn phía các nhà thần học*, thì họ dựa vào các nhà chú giải Kinh Thánh để cố gắng diễn tả đức tin muôn thủa một cách linh hoạt hơn, trả lời cho những thắc mắc và chống đối dấy lên từ con người ngày hôm nay. Họ có lối tiếp cận mới và áp dụng những phương pháp mới mang lại lợi ích cho chúng ta.

Phần lớn những tên tuổi về thần học hiện thời đã viết về Đức Giêsu-Kitô như  thế. Trước hết ở Âu Châu và Mỹ Châu. Nhưng ngày nay ở Phi Châu và Viễn Đông có nhiều nỗ lực rất đáng lưu ý nhằm trình bày «những khuôn mặt của Đức Giêsu » vừa đúng với đức tin của Giáo hội vừa thích ứng với các nền văn hóa của các dân tộc địa phương. Cuối cùng không ai mà không biết đến vị thế dành cho Đức Giêsu-Kitô trong trào lưu thần học rất quan trọng mới đây, chúng tôi muốn nói đến « thần học giải phóng », ở Châu Mỹ Latinh và các nơi khác.

 

Có thể nói đây là những chứng cớ cho thấy, « từ Giêsu » (xem tựa đề chương hai nầy), Đức Giêsu đã không ngừng làm cho người ta chú tâm và mãi còn làm cho ta chú tâm. Nay là lúc cần nhìn rõ hơn nữa điều hay nào, lợi ích nào  mà Ngài có thể luôn luôn mang lại cho chúng ta ngay trong thời buổi nầy : như thế nào, tại sao và đến mức nào.  


[1] * «  affaire » những chữ đặc biệt được tác giả đánh dấu (* ) được giải thích trong bản từ vựng  phần phụ lục.

[2] Le scandale de la mort de Jésus

[3]  L’identité ... divine

[4]  Le Seigneur 

[5]  Le Fils Unique de Dieu 

[6]  L’Image de Dieu 

[7]  Le Verbe 

[8] « Sauveur...universel »

[9]  Les hérésies

[10]  Symbole de Nicée-Constantinople  =  kinh tin kính

[11]  Sphère de Dieu

[12]  Il fait partie de la réalité  même de Dieu

[13]  Dieu n’est plus « Dieu » sans lui

[14]  La «  définition »

[15]  Âme raisonnable

[16]  Sans confusion ni changement, sans division ni séparation

[17]  Personne

[18]  Hypostase

[19]  Sphère d’être 

[20]  Appartenances 

[21]  En tout et pour tout

[22]  L’union hypostatique 



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!