Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Đăng Trúc
Mục Lục

I. Giêsu

II. Giêsu khởi từ Giêsu

III. Giêsu hay là Giêsu-Kitô ?

IV. Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta

Từ vựng

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Nhân quyền và Giáo hội - Những suy tư lịch sử và thần học

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Hai)

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Một)

Giêsu-Kitô

Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động của Giáo Hội

Tông huấn Christifideles Laici

Giêsu-Kitô
III. Giêsu hay là Giêsu-Kitô ?    Attach file

      Qua toàn bộ chương trước đây, chúng ta đã thu thập được một nguồn tài liệu phong phú ; kỳ thực là chúng ta chỉ nhằm nêu lên một cách thiết yếu những gì đã được người ta nói đến Đức Giêsu-Kitô qua lịch sử, từ thời các vị Tông đồ đến thời đại chúng ta. Và vào phần cuối chương ấy, qua những gì chúng ta đã ghi nhận được, chúng ta không thể kết thúc làm sao hơn là nêu lên thắc mắc : vậy Đức Giêsu can hệ gì với chúng ta hôm nay. Bây giờ chúng ta sẽ tập chú vào điểm đó.

 

Thắc mắc về Đức Giêsu

và  « tầm quan trọng của vấn đề »

 

Thắc mắc chủ yếu nêu lên về Đức Giêsu-Kitô có thể tóm kết thế nầy. Chữ « Giêsu » không có gì khác hơn là một tên gọi của một người như bao nhiêu người khác ở Israel : nó nói đến một vị tiên tri vùng Nazareth, được biết như là người mà không ai có thể quên được !

« Kitô » ngược lại, là một việc khác. Hẳn nhiên, người ta đã có thói quen – và ngay từ nơi Tân Ước – kết hợp chữ « khác » ấy với « Giêsu » đến độ thường không còn thấy có sự khác biệt nào giữa hai chữ nầy. Hậu quả là: thành ngữ « Giêsu-Kitô » từng được cảm nhận như một nhất thống trong đó hai yếu tố « Giêsu » « Kitô » kết hợp thành tương quan, nay  lại không còn được phân biệt và được cân nhắc nữa. Tình trạng đó mới đáng đặt thành vấn đề !  

__________________________________________

 

« Dọc đường, Người hỏi các môn đệ : «Người ta nói Thầy là ai ? »  Các ông đáp : « Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó. » - Người lại hỏi các ông : « Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ? »  Ông Phêrô lại lên tiếng trả lời : « Thầy là Đấng Kitô »   (Mc 8,27-29)

 

« Giêsu » và « Kitô »

 

Những Kitô-hữu *  đầu tiên không cảm nhận như vậy, và chúng ta ngày nay cũng đừng nên cảm nhận như vậy. Vì nếu « Giêsu » (chỉ) là tên người,  thì  « Kitô » lại   là một  tước  hiệu : tước  hiệu mà những môn đệ đã đi theo Đức Giêsu tin rằng phải áp dụng cho Ngài. Ông Giêsu ở Nazareth ấy, họ đã gọi là « Đấng Kitô »,  họ đã nhìn nhận, đã tuyên xưng là « Kitô » (xem Mt 1,16).

Như vậy « Kitô » muốn nói lên điều gì ?

Câu trả lời đơn giản : « Kitô » là một chữ Hy-Lạp dịch chữ  « Thiên Sai*[1] », nghĩa là « được Thiên Chúa gửi đến ». Nên đối với các môn đệ, nói đến « Giêsu-Kitô » hẳn nhiên là nói đến Đức Giêsu, nhưng đồng thời cũng là nhìn nhận và tuyên dương rằng người ấyĐấng Thiên Sai. Họ đã xử sự như thế, không phải chỉ như một người chứng của kẻ bàng quang, vô tình, nghĩa là chỉ biết lặp lại những điều tai nghe mắt thấy về người đó. Nhưng sâu xa hơn, họ cũng nói lên ý nghĩa và tầm quan trọng  - hay nói cách khác là : lợi ích thiết thân  - mà họ cảm nhận về  lời nói và hành vi của Đức Giêsu, kỳ cùng là về cuộc sống và thân phận của Ngài, mang lại cho họ và cho thế giới. Cùng với dân của họ, họ chờ đợi « Đấng Thiên Sai », Đấng Kitô của Thiên Chúa, Đấng sẽ đến để mang lại cho họ thứ tha, giải thoát và ơn cứu độ. Và khi nói lên danh hiệu Giêsu Kitô, thì có nghĩa là họ đã tuyên dương rằng Đức Giêsu Đấng Thiên Sai mà họ chờ đợi. Họ tuyên xưng rằng Đức Giêsu đáp lại niềm trông đợi của họ, cho dẫu Ngài " chuyển dời " và biến đổi niềm hy vọng đó ngay trong giây phút mà Ngài chuẩn ban.

 

 Có liên quan gì đến chúng ta không?

Nay chúng ta thấy được tầm quan trọng thiết thân đối với các môn đệ khi họ nói về Đức Giêsu như họ đã làm : khi họ gọi Ngài là Giêu-Kitô, khi tuyên dương  Đức Giêsu là Đấng Kitô. 

Ngay từ lúc đầu họ theo Đức Giêsu vì họ tin Ngài có thể chính là Đấng mà họ trông đợi : « Thầy có phải là Đấng phải đến hay là chúng tôi phải đợi một vị khác ? » (Mt 11,3). Và người ta cũng có thể nhận ra thêm được rằng, sau nầy, những gì họ có thể loan truyền về Ngài (– nghĩa là : Ngài thật là Đấng Cứu Độ thế giới và Con riêng của Thiên Chúa  -),  thì đó cũng là một sự giải thích nội dung tước hiệu  « Đức Kitô » mà họ đã từng cảm nhận về Ngài, một Đấng mà nguời ta trông đợi.

Từ sự kiện đó, chúng ta có thể rút ra vài kết luận minh bạch hơn giúp chúng ta tiếp tục suy nghĩ :

-    vì Đức Giêsu được nêu lên thành vấn đề, nên nay cần phải làm sáng tỏ những gì người ta có thể nói về Ngài một cách chắc chắn, trong khuôn khổ là một nhân vật lịch sử như các vị khác.

-    vì Đức Giêsu đó đã được gọi là Đấng Kitô ngay từ lúc ban đầu, thế thì nay ta cũng tự hỏi có thể gọi như vậy không, và gọi như vậy thì có liên quan gì đến chúng ta không.

-    ... nhưng, vì tầm quan trọng mà các môn đệ đầu tiên gọi Đức Giêsu là « Đấng Kitô », chúng ta cần tự hỏi chính mình : Đức Giêsu có liên quan gì đến chúng ta không ? Hoặc rõ hơn : Ngài có thể đáp ứng được ước mơ nào, hy vọng nào trong chúng ta ?

 

   Bây giờ thì đã rõ ràng : thắc mắc « Giêsu hay là Giêsu-Kitô ? » làm tựa đề cho chương ba nầy diễn tả đúng câu hỏi rốt ráo về Đức Giêsu-Kitô. « Giêsu ? », nghĩa là : chỉ như là con người Giêsu hay sao ? ; hoặc « Giêsu-Kitô ? », nghĩa là : một Giêsu mà chính tôi cũng có thể nhìn nhận như là Đấng đáp ứng được những nguyện vọng, những lời  kêu cầu, và niềm hy vọng cưu mang cuộc sống tôi hay không? – Nói tóm, thắc mắc về Đức Giêsu gắn liền với câu hỏi liên quan giữa Ngài và ý nghĩa đời tôi. Chúng ta lần lượt đề cập đến vấn đề nầy dưới hai bình diện đó.

 

Giêsu là ai ?

 

Chúng ta bắt đầu bằng câu hỏi về Đức Giêsu : Ngày nay chúng ta biết được được điều gì chắc chắn về cuộc đời của Ngài trong lịch sử vào thế kỷ đầu của công nguyên ?

 

Nhiều vấn đề

Độc giả hẳn có cảm tưởng là chúng ta đang quay lại một điểm đã từng nói trước đây : không phải chúng ta đã từng trả lời câu hỏi nầy rồi hay sao? Đặc biệt là khi nhắc đến các chứng tá của Tân Ước dưới tựa đề " là một con người " (xem chương II) ?  Ở đây kỳ thực không phải là lặp lại nhưng là muốn đào sâu.

Lần trước chúng ta nói chi tiết về việc các vị viết Tân Ước giúp chúng ta biết về con người Giêsu ; chúng ta nói rõ là chỉ ghi nhận những gì mà « bất cứ ai đọc Tân Ước » cũng hiểu như thế. Nhờ vậy chúng ta có thể nhận ra rằng  những lối trình bày một Đức Giêsu chỉ như « Thiên Chúa » mà thôi, một lối hiểu về Đức Giêsu mất hết nét nhân tính đậm đà nơi Ngài, là không chuẩn xác ; những người Kitô-hữu nguyên thủy không bao giờ có lối suy nghĩ như thế về Đức Giêsu-Kitô : họ luôn nhấn mạnh đến nhân tính của Ngài. Chừng đó cũng đã là một điểm khả quan rồi. Nhưng chỉ dừng lại đây, thì e rằng như ngầm hiểu là điều gì Tân Ước nói về Đức Giêsu đều ăn khớp với sự thật lịch sử  của Ngài trong mọi mặt. Kỳ thực ở điểm nầy lại có nhiều vấn đề đặt ra, ít  nhất là khởi từ thế kỷ XIX.

 

Có hai trào lưu vào thế  kỷ XIX

Chúng ta không cần phải  nói đến những chủ trương cho rằng Đức Giêsu chỉ là một huyền thoại*, một chuyện do trí tưởng tượng của những con người đặc biệt có nhiều tài năng sáng tác, đầy thiện chí quảng đại nhưng khá ngây ngô bịa đặt ra mà thôi. Nhưng bên cạnh chủ trương đó lại còn có những quan điểm khác mà chúng ta không thể không lưu ý.

 

Khai sinh khoa học lịch sử

Dọc dài suốt thế kỷ XIX một bộ môn khoa học vể lịch sử được xây dựng lần hồi. Nhờ các công trình khảo cổ, nhờ nghiên cứu sâu sát và đối chiếu các tài liệu đào bới truy tìm được v.v., ngưới ta có thể đi đến việc « trực tiếp » có một ý niệm về môi trường và những điều kiện đa biệt trong đó Đức Giêsu lịch sử đã từng sống. Chữ « trực tiếp » nêu lên đây muốn nói rằng : không buộc phải đóng khung trong nội vi Tân Ước, như bấy lâu thường làm. Đúng như dự đoán, lúc bấy giờ một số nhà nghiên cứu say sưa với kiến thức mới mẻ của mình đã cho rằng nay người ta có thể biết «sự thật» về Đức Giêsu; người ta có thể thực sự thiết định lại lý lịch* của Ngài, một lý lịch mà trước đây vì nhu cầu phải tôn vinh tôn giáo của mình các tín đồ đã tô son trét phấn trong các bản văn Tân Ước.

Nhưng thay vì tìm lại được con người  « Giêsu thật sự » như người ta từng chủ trương, thì ngược lại, người ta đã đi đến một loạt hình ảnh nào đó về Đức Giêsu ! Có người tìm thấy nơi Ngài như nhân vật náo hoạt chính trị và là nhà cách mạng ; người khác lại khai phá ra nhà khổ hạnh và tiên tri cải cách ; có nhóm nữa thì thấy đúng là một khuôn mặt tôn giáo dấn thân hết mình cho một chủ trương nhất thần tuyệt đối ; bên nầy thì cho Ngài là một biệt tài về xảo ngôn và lèo lái quần chúng ; phe khác lại khám phá ra được một nhân vật lãng mạn rất thần thông, biết trước  về số phận mình phải đi đến cảnh chịu bắt bớ  v.v.

Không những kết quả hoàn toàn đi ngược lại điều người ta chủ trương, mà người ta kỳ cùng nhận ra rằng tình trạng đa biệt của các chân dung đó phản ảnh chính những khuôn mặt khác nhau của các nhà nghiên cứu. Mỗi người phóng họa trên Đức Giêsu những tiêu chuẩn và những sở thích của mình : người tôn vinh tiêu chuẩn chính trị, cưu mang ước mơ chính trị thì thấy một Giêsu đậm nét chính trị ; người đi tìm đạo đức thì thấy nhà đạo đức Giêsu ; và cứ thế mà nhân mãi lên ... Đây đúng là bằng chứng hùng hồn cho thấy vấn đề sở thích đóng vai trò quyết định trong mối quan hệ với Giêsu (= đánh giá Đức Giêsu). Đây cũng là bằng chứng hùng hồn buộc chúng ta phải lưu ý về phương cách mà sở thích đó có thể chi phối hay đẩy đưa!

 

Trào lưu thứ hai

Những kết quả hỗn tạp  như thế đã khiến một thế hệ nghiên cứu thứ hai đưa ra một kết luận hoàn toàn trái ngược. Họ chủ trương phải có lập trường dứt khoát và nên đồng thuận trước với nhau rằng không thể nào biết được chắc chắn Đức Giêsu là ai. Không những bởi vì ngày nay chúng ta không cách gì tránh khỏi những chi phối do ước vọng chủ quan của mình trong nỗ lực tìm kiếm sự thật về Đức Giêsu, mà kỳ thực từ đầu, sự kiện như thế đã xảy ra nơi những chứng nhân đầu tiên về Ngài.  Các bản Phúc Ââm, nói cho đúng, chắc cũng không trình bày trung thực những gì liên quan đến Đức Giêsu. Những gì các sách đó kể lại, đúng hơn, có thể nói đó chỉ là lối hiểu của những người trước đó đã từng đi theo Ngài, rồi sau nầy nhớ lại. Những tâm tư riêng của họ chi phối hình ảnh mà họ hình dung và mô phỏng về Đức Giêsu. Nên không bao giờ có thể tiếp cận chính Đức Giêsu được: e rằng đã đến lúc cần phải hạ huyệt Đức Giêsu lịch sử vì Ngài đã khuất bóng từ lâu, không thể nào chúng ta tìm lại chân dung lịch sử chính xác của Ngài được cả !

 

Đức Giêsu lịch sử,  hôm nay

Từ hậu cảnh vừ trình bày, và chính trong bối cảnh như thế mà vấn đề chúng ta đang ưu tư : « Đức Giêsu đúng ra là ai? » lại càng quan trọng  và không thể không đặt ra.  Ta có thể nói được điều gì chắc chắn về cuộc đời Ngài, về điều Ngài nói và Ngài sống, Ngài làm và Ngài phải chịu ? Nếu ta không thể không biết đến việc các vị viết Tân Ước đã suy đi xét lại và trình bày Đức Giêsu theo kinh nghiệm riêng và thao thức riêng của họ, thì câu hỏi đặt ra là đến mức độ nào ta có thể tin được vào điều họ kể lại cho chúng ta về Ngài ?

Cám ơn Chúa và cám ơn các nhà nghiên cứu trong thế hệ thứ ba, chúng ta nay có được điều kiện khả quan hơn để trả lời. Khoa sử học còn tiến triển, nếu biết dựa vào Tân Ước với một phương pháp phê bình đứng đắn, hẳn sẽ nêu lên được những nội dung chân xác.

Hai nhận xét sau đây làm ta suy nghĩ. Một mặt một số những dữ kiện nơi Tân Ước liên quan đến Đức Giêsu không thể nào bịa ra được trong bối cảnh của những cộng đoàn sau ngày Đức Giêsu đã khuất.  Mặt khác, những dữ kiện nầy cũng không giải thích được trong  bối cảnh xã hội thời mà chính Đức Giêsu đã sống. Nên không thể nào kết luận khác hơn được ngoài việc phải nhận chân rằng các dữ kiện nầy phát sinh từ chính Đức Giêsu. Khi đọc các bản văn Phúc Âm dưới lối kiểm thảo của hai nhận xét dẫn lộ nầy, người ta thấy các kết quả thu thập được rất phong phú, có thể dựa vào chúng để trình bày khuôn mặt Đức Giêsu lịch sử với những đường nét rõ ràng, chính xác.

 

 

Thới điểm và môi trường sống của con người Giêsu

Nếu khó thiết định chính xác ngày giờ sinh của Đức Giêsu, thì người ta không thể lầm khi nói rằng Ngài bắt đầu công khai thực hiện sứ vụ rao giảng vào năm 28-29. Còn về thời điểm Ngài mất, thì cũng xem như chính xác : người ta có thể ghi là ngày thứ sáu mồng 07 tháng 04 năm 30, đó là dữ kiện mà thiên văn học có thể xác định dựa và những chỉ dẫn của Phúc Aâm Gioan. Người ta cũng có thể nghĩ rằng tác giả nầy còn cho chúng ta thời điểm của Bữa Tiệc-ly*, bữa ăn cuối của Đức Giêsu ; tuy vậy, điểm cuối nầy còn chưa chắc lắm  vì Marcô và Luca gợi lên một thời điểm khác hơn.

Đó là phần thiết yếu về thời điểm. Nhưng còn vấn đề nầy quan trọng hơn : người ta biết rằng vào thế kỷ thứ nhất, ở trên phần đất Palestine có nhiều nhóm xã hội-chính trị và nhiều trào lưu tôn giáo; thế thì Đức Giêsu thuộc vào nhóm nào.  Đã rõ là Ngài thuộc trào lưu thanh tẩy * [2] vì Ngài đã thân hành đến để Gioan làm phép rửa ở bờ sông Gioc-đăng (Mc 1,9). Tuy thế, Ngài cũng có đi lại với những người trong cộng đồng Do-Thái giáo đương thời : những người Phariêu* Những người nầy rất nghiêm nhặt. Họ làm thành một khối rất « thuần khiết », tẳn mẳn về những vấn đề tinh thuần đạo đức và lễ nghi (xem một thí dụ nơi Mc 7,1-3). Phong trào của Gioan tẩy-giả chủ trương khác với nhóm nầy, và muốn mở thật rộng cửa cứu độ. Vị nầy loan truyền rằng bất cứ ai, chấp nhận quay trở lại đường ngay và chịu phép rửa theo lời kêu mời của các tiên tri* rao truyền Phán-Quyết của Thiên Chúa, thì đều đến được với Thiên Chúa. Đức Giêsu rõ ràng tham gia vào trào lưu nầy : Ngài cũng làm như thế khi mời gọi tất cả những người  « được xem là không thánh thiện » mà phái Pharisêu* loại ra. Ngài đã không nói là mình đến « kêu mời không phải những người ngay chính mà là những người tội lỗi » (Mc 2,17) hay sao ?  Và khi Ngài khuất, Giáo Hội khởi thủy quyết tâm hướng về dân ngoại, đó chính là vì họ đã nối dài đường lối nầy của Ngài.

Tuy ban đầu Đức Giêsu từng làm phép rửa như Gioan tẩy-giả đã làm (Gioan 3,23-26), nhưng Ngài đã sớm dừng lại và rút ra khỏi phong trào nầy. Theo Ngài, phép rửa trên sông Gioc-đăng không còn là con đường cứu độ mà Thiên Chúa tặng ban. Từ nay, con đường ấy sẽ không gì khác hơn là chính lời nói và hành vi của Ngài – kỳ cùng nghĩa là chính con người Ngài.... Nhưng ở đây ta qua một bình diện khác.

__________________________________________

«  Các ông nghiên cứu Kinh Thánh vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời ; mà chính Kinh Thánh  lại làm chứng về tôi ; và các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống » (Gioan 5,39-40)

__________________________________________ 

Cung cách và số phận của vị tiên tri Giêsu

 

-   Điểm nổi bật nơi Giêsu. Nếu cách xử sự và thái độ tổng quát của Ngài phản ảnh cung cách một tiên tri*, thì Ngài lại không tự giới thiệu mình giống hoàn toàn với các vị đi trước, nghĩa là các tiên tri được Cựu Ước ghi lại. Các tiên tri ấy loan báo « Lời Đức Giavê », Đức Giêsu lại nói thế nầy : « Đã có lời nói (cho anh em) : « (... tiếp theo lời trích dẫn Luật của Thiên Chúa). » « Còn Tôi, Tôi  nói với anh em : (...). » (chẳng hạn xem Mt 5,20 tiếp theo). Ở đây mọi sự cho thấy như là Đức Giêsu xác minh chính lời của Ngài có thế giá, có quyền năng,  điều mà từ trước đến nay vốn là thẩm quyền riêng của Lời duy nhất và tối thượng của Thiên Chúa.

Điểm nầy là nét đặc trưng của Đức Giêsu lịch sử. Đức Giêsu đã chứng thực quyền uy nầy, đã gây nhiều đợt ngạc nhiên và thắc mắc về « vị tiên tri Nazareth » như chúng ta đã có dịp nhắc đến.

Nhưng quyền năng đó cũng đã gây tị hiềm nơi giới lãnh đạo tôn giáo dân Do-Thái (sau đó là nhà cầm quyền Roma). Và Đức Giêsu sớm thấy rằng sứ điệp và cách xử sự của Ngài sẽ dẫn đến việc  người ta có thể kết án Ngài. Ngài đọc được số phận Ngài nơi số phận của các tiên tri-tử đạo đi trước. Điểm mới nầy trực tiếp gắn liền với cách sống của Đức Giêsu và liên quan đến việc « minh định quyền năng » qua chính cuộc sống ấy ; và điểm ấy cũng là nét đặc trưng của Đức Giêsu.

 

-         Nét đặc trưng thứ hai : những gì Đức Giêsu nói và làm, không bao giờ Ngài hành động cho riêng Ngài. Toàn bộ cuộc đời Ngài đều xuyên suốt bởi một động lực, một thái độ song đôi. Một mặt Ngài nói, hành động và sống cho con người và để cứu độ họ. Ngài đã không đến để được hầu hạ, nhưng để phục vụ (Mc 10,45). Ngài dùng lời nói để chỉ con đường sống (Lc 10,28). Và nếu Ngài bị mất mạng sống mình, thì đừng lầm tưởng (bị) như thế ; kỳ thực chính Ngài tự hiến dâng (đó là ý nghĩa sâu xa của Tiệc-ly*), và Ngài đã hiến dâng cho " vô số dân chúng "(Mc 14,24). 

            «  Và Ngài nói với họ : « Nầy là máu ta, máu Giao Ước  sẽ đổ ra cho nhiều người. »

 (Mc 14,24) 

 « Và Ngài nói : « Abba, Cha ơi ! Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén nầy. Nhưng xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha ! » (Mc 14,36)

 

 

Mặt khác, việc làm và cuộc sống cho kẻ khác ấy, Ngài đã chu toàn nhân danh Đấng Khác mà Ngài gọi là Cha của Ngài. Chính Người Cha nầy đã gửi Ngài đến (Mc 9,37) và Ngài chỉ muốn thực hiện ý Cha Ngài, dẫu có thế nào đi nữa (Mc 14,36). Ngoài ra Ngài có suộc sống thân mật tuyệt đối duy nhất với Cha Ngài : Đó là nội dung được diễn tả nơi chữ « Abba, Cha » (nghĩa là : ba), mà chỉ có một mình Đức Giêsu dùng để nói với Chúa Cha. Như vậy đây là một dữ kiện mới liên quan đến thân thế thật sự của Đức Giêsu trong lịch sử : trước hết là đối với Đức Giêsu, đời Ngài không có ý nghĩa gì ngoài tương quan kỳ diệu của Ngài với Đấng mà Ngài gọi là Cha Ngài.

 

-   Cuối cùng, Đức Giêsu còn thể hiện mối tương giao với con người và với Cha Ngài theo hai điểm qui chiếu rất đặc trưng. Trước hết là điểm qui chiếu thời gian : Đức Giêsu luôn hướng các môn đệ Ngài về điều sắp xảy ra cho Ngài, về một  tương lai lúc đầu còn bất định, nhưng sẽ sớm tỏ rõ dần. Tầm quan trọng của những gì Ngài nói, Ngài làm và hơn nữa là chính con người Ngài thật sự chỉ khai lộ nơi cái chết và những biến cố kỳ diệu bao quanh cái chết nầy. Đức Giêsu đã nói trước điều nầy cho các môn đệ Ngài và cũng nói rõ là họ không thể hiểu được. Nói tóm, Đức Giêsu lịch sử đã tiên báo rõ ràng rằng « chìa khóa » của đời Ngài sẽ nằm nơi phần kết thúc.

Trong bối cảnh đó có thêm điểm qui chiếu thứ hai : Đức Giêsu loan báo một Đấng Khác sẽ đến. Một Đấng Khác kỳ nhiệm sẽ đến sau Ngài và tiếp tục công việc của Ngài trong họ. Một  Đấng Khác không phải là Cha mà Đức Giêsu thường hay nói đến. Một Đấng Khác mà Đức Giêsu gọi là Thần (Thánh) (Mc 13,11).

Đó là những nét đại khái mà ngày nay người ta có thể  nói về «Đức Giêsu lịch sử ». Ở đây hẳn rõ nét  hơn  những  gì  đã trình  bày về Ngài ở phần 

 

 

" Và Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi, đó là Thần sự thật" (Gioan 14,16)

 

trên (xem chương II)  qua tựa đề " Là một con người ". Nhưng cần nói thêm, như Ngài đã thấy trước lúc còn sống, là Ngài sẽ bị ruồng bỏ và bị lên án tử hình, vì tất cả những điểm đặc trưng nầy sớm làm cho người đương thời « không chịu nổi » Ngài, - Ngài rầy rà quá- .  Sau phiên xử « lấy lệ » của tòa án Do-Thái, Ngài bị điệu qua tòa án của vị tổng trấn địa phương của Roma tên là Philatô ; Ngài bị lên án tử hình và bị  treo lên thập giá ở một nơi gọi là Golgotha ; đã chết, hầu như bị bỏ rơi một mình trơ trọi.

 

Tại sao lại có những Kitô-hữu ?

 

Điều làm ta ngạc nhiên là tất cả sự việc đã không dừng lại đó.  Tại sao sự việc ấy lại tiếp tục, và làm thế nào mà có những Kitô-hữu ? – Chúng ta gặp lại câu hỏi từ đầu chương nầy : những người ngày nay tự nhận là theo Đức Giêsu, Đấng mà chúng ta vừa lược qua chân dung lịch sử đó, vì lợi ích gì họ theo Ngài? Trả lời câu hỏi nầy sẽ giúp chúng ta tiến xa hơn nữa trong việc khám phá ra Ngài thật sự là ai.

 

 

Một dữ kiện không thể chối cải : có những Kitô- hữu

Sự kiện hết sức hiển nhiên là có những Kitô-hữu. Chúng ta sẽ lấy điểm nầy làm điểm khởi phát ; và để bắt đầu chúng ta cần vượt qua một số những khó khăn liên quan đến chủ đề đó. Trước hết : Bên  trong cộng đồng những người tự nhận là Kitô-hữu, đã có và chắc sẽ mãi còn có những người bất xứng và những người cố chấp thiển cận. Chúng ta hãy nhìn nhận sự kiện đó, không cần phải che giấu làm gì ; tuy nhiên cũng nên lưu ý rằng không thể vì thế mà vội đánh giá Kitô-giáo là xấu xa: khi lấy những người bất xứng nhất để qui chiếu và đánh giá, làm như thế không phải bất công lắm hay sao ? Và hẳn nhiên cũng có những Kitô-hữu « giữ đạo thói quen » hoặc « xưa bày nay làm». Nhưng trong một thế giới mà những tập tục ‘‘ xưa bày nay làm’’ tự chúng  càng ngày càng ít ảnh hưởng đến dư luận và cách sống của con người, thì tại sao sự thể đó lại không xảy ra trong địa hạt đức tin ?

Kỳ cùng, điều không thể chối cải là : trên thế giới có một số người «Kitô-hữu » đông đảo, cũng tự do và thông minh như bao nhiêu người khác, cũng có khả năng trong các chức năng và phận vụ xã hội, cũng « bình thường » và sáng suốt như mọi người ; họ là Kitô-hữu vì họ muốn như thế, vì họ đã chọn con đường nầy và muốn tiếp tục đi trên con đường nầy.

Có những hệ thống ý hệ-chính trị điều hành được nhờ vận dụng sự ép buộc và bộ máy kiểm soát của công an; giáo quyền không có một sứ mệnh, một bộ máy lãnh đạo, một lối hiệu năng công tác như thế. Có những giáo phái dựa vào sự sợ hãi những quyền năng vô hình và áp đặt một mạng lưới áp lực xã hội chằng chịt ; Kitô-giáo ngày nay không phải vậy. Người ta càng ít nói đến Kitô-hữu như những người bị giáo quyền khống chế hoặc bị một truyền thống cứng nhắc bóp nghẹt, hơn là nhắc đến một số người Kitô-hữu làm đội ngũ tiên phong trong vô số những nỗ lực canh tân và giải phóng (hãy xem những gì xảy ra trong các nước thuộc đệ tam thế giới, chẳng hạn). Hơn nữa, nhiều người Kitô-hữu nghĩ rằng nếu sự thể đã không xảy ra được như thế, thì họ cũng đã rút lui từ lâu rồi...

Những Kitô-hữu nầy không bị tha hóa, buồn rầu..., chả có gì là mặc cảm hổ ngươi hay khốn khổ cả! Họ hiên ngang là Kitô-hữu. Chúng ta sẽ nói đến những Kitô-hữu đó ở đây. Và nói như thế nầy. Không ai bị buộc phải đặt vấn đề Kitô-giáo cả. Nhưng bất kỳ ai muốn biết hoặc muốn đặt câu hỏi về Kitô-giáo, thì không thể nào phủ nhận sự kiện  nầy: ngày nay luôn có những Kitô-hữu, và họ là Kitô-hữu  bởi vì họ đã chọn con đường nầy và hoan hỉ tiếp tục muốn làm người Kitô-hữu.

Đó là điều mà đoạn văn nầy gọi là « một dữ kiện không thể chối cải ». Chuyện đó xảy ra đúng như thế. Không thể khoát tay nói bừa rằng đây là tình trạng vong-thân, một loại thuốc phiện. Và phải lấy từ sự kiện nầy để nói một cách nghiêm túc về Kitô-giáo và đức tin Kitô-giáo. Để tiếp cận Kitô-giáo, không thể dùng lối sưu tra có tính cách lý thuyết tổng quát hoặc nhận định trừu tượng như là những biên khảo rắc rối rườm rà và những ý thức hệ. Nếu đã có những ý niệm, những giáo thuyết và những chuỗi tâm-chứng được thực hiện trong khuôn khổ Kitô-giáo, thì đó là những biểu lộ của những cuộc sống cụ thể và vô số những kinh nghiệm cá nhân qua hai mươi thế kỷ, nơi những mẫu cộng đồng con người hết sức đa biệt, ở cấp địa phương cũng như trên bình diện hầu như toàn cầu.

 

Sự việc xảy ra thế  nào ?

 

Nếu chúng ta đồng ý nhìn sự  việc như thế, thì câu hỏi sẽ đặt ra là tại sao có chuyện đó xảy ra. Để trả lời thắc mắc nầy, chúng ta lần lượt đi vào hai cấp độ.

 

 

Một câu trả lời ở hai cấp độ khác nhau

Cấp độ đầu : Đã có Kitô-hữu và còn có Kitô-hữu hôm nay, trước hết vì đã có Đức Giêsu. Vì Ngài đã mời gọi người ta theo Ngài ; sau đó có những kẻ đã theo Ngài, đã quảng bá sứ điệp của Ngài và làm tăng số Người trong nhóm môn đệ; rồi con số từ đó lại tăng lên gấp bội xuyên qua thời gian và không gian. Đức Giêsu đúng là nguồn gốc, là qui chiếu, là chuẩn mực cho «con người gọi là Kitô-hữu »[3]. Ta cũng biết không phải chỉ có những người Kitô hữu tin Thiên Chúa và chủ trương một lối yêu thương nào đó đối với kẻ khác. Nhưng Kitô-hữu khác với những người nầy ở hai điểm : nơi Kitô-hữu,  tin Thiên Chúa và yêu kẻ khác (và tất cả những gì liên quan) đều trực tiếp do Đức Giêsu dạy phải làm và được thiết định trong Ngài[4].  Chỉ cần xem vị thế Đức Giêsu trong bản kinh Tin Kính thì rõ. Ngoài ra, Kitô-hữu trước hết được minh xác trong tương quan với Đức Giêsu-Kitô ngay từ nơi tên gọi của mình. Tên gọi « Kitô-hữu » nầy đã được dùng lần đầu tiên ở Antiokia, ngay từ thời Thánh Phaolô (CV 11,26) ; tên gọi nầy chỉ định họ là những ngưởi « của Đức Kitô », như chính bản Phúc Aâm thứ hai đã viết (Mc 9,41) : « Anh em thuộc về Đức Kitô ».

Nhưng có một cấp độ thứ hai : nếu quá khứ đã có những Kitô-hữu và nếu vẫn  luôn có Kitô-hữu, thì cũng vì những người được Đức Giêsu mời gọi đã thực sự chấp nhận bước đi theo Ngài.  Và lời kêu mời nầy mãi luôn vang vọng, vì có những ngưởi theo Ngài, đến phiên họ, tiếp tục quảng bá không ngừng. Nhưng tại sao sự việc đó lại xảy ra?  Lý do rất rõ ràng. Trước đây những môn đệ*  đầu tiên đã từng theo Đức Giêsu vì họ nghĩ rằng Ngài ban cho họ " những lời hằng sống "(Gioan 6, 68 -  xem phần trên) ; thì nay Kitô-hữu gắn bó với Đức Giêsu  cũng vì họ nghĩ rằng Ngài tha thiết đến họ và " nói " với họ, bởi vì Ngài mang lại cho họ điều mà họ nhìn nhận như là ý nghĩa cuộc đời họ. 

 

Những nhân chứng

 

Ở đây, chúng ta hẳn có vô số những chứng nhân. Nhưng chỉ cần nêu lên một vài nhân chứng được xem là tiêu biểu.

Có thể bắt đầu bằng chính chứng nhân của Thánh Phaolô :

Đối với tôi, sống là Đức Kitô ( Ph 1,21).

 

 

Và tiếp đó qua các thế kỷ :

Thánh Polycarpe (Thế kỷ thứ II), đã lên tiếng  trước khi chịu tử đạo :

Tôi đã phụng thờ Ngài trong 86 năm và Ngài không hề làm hại gì đến tôi. Thế thì tại sao tôi có thể nhục mạ Đức Vua của tôi, Đấng đã cứu độ tôi ?

 

Thánh Phanxicô Assisi cầu nguyện Đức Kitô  ở thánh đường Thánh Đamianô :

Lạy Chúa cao quang, xin đến soi sáng cảnh tăm tối của tâm hồn con; xin ban cho con một đức tin chân thực, một lòng trông cậy vững bền, một lòng mến yêu toàn hảo; xin Chúa cho con cảm nhận và hiểu biết ; để con có thể thực thi thánh ý Chúa, là thánh ý không bao giờ làm con lầm lạc. Amen

 

Luthêrô * :

Chỉ có một niềm tin độc nhất và duy nhất trong tâm hồn tôi, đó là tin vào Chúa Kitô. Tất cả suy tư thần học của tôi phát sinh từ đức tin nầy; tôi cảm nhận và xét xem ngày đêm xuyên qua đức tin và sáng tác trong đức tin ấy ; – nhưng từ sự khôn ngoan cao cả, bao la và sâu thẳm đó, tôi vẫn không biết gì hơn ngoài một vài mảnh vụn chân lý mong manh, nghèo nàn.

Có Đức Kitô là có tất cả.

Nếu còn Chúa Kitô, mọi cái vẫn còn và có thể tìm thấy (...)

 

Và những người trong thời đại chúng ta,

D. B onhoeffer :

Nếu trái đất dã xứng đáng mang con người Giêsu-Kitô, nếu một người như Đức Giêsu đã có thể cư ngụ ở đấy, thì cuộc đời  chúng ta đáng để sống. Nếu Đức Giêsu đã không đến sống ở đây, thì mặc dù có tất cả những ai mà chúng ta biết, chúng ta kính thương, thì cuộc đời chúng ta vẫn vô nghĩa.

 

Karl Rahner :

Có thể yêu mến Đức Giêsu bất cứ ở đâu và bất cứ thời nào (...). Người ta đọc Kinh Thánh y như hai người tình đang nhìn nhau và sống chung với nhau trong cuộc sống hằng ngày (...).Người ta thực sự nghe Ngài nói với mình một điều gì đó, và đó là sự sống, hơi thở  của mình ; và nếu không có Ngài ở đấy thì mình không là gì hết (...). Trong mối tình người ta ấp ủ hướng về Ngài, Đức Giêsu trở thành Đấng Tuyệt đối cụ thể.

 

Một bài ca của những người KITÔ-HỮU DA ĐEN Ở BẮC-MỸ :

Ai đã tìm kiếm tôi khi tôi lưu lạc? Ai giúp tôi đang nặng gánh giữa cuộc đời ? Ai dẫn lối tôi đi về nẻo công chính, ai đặt tôi trên nền nhà vững chãi ? Tôi biết đó là Đức Giêsu ; tôi biết đó là Chúa tôi.

Một giám mục người Ma-li vừa mới mừng lễ ngân khánh linh mục.

Tôi mãi chọn Đức Giêsu-Kitô, như một tình yêu trong tâm hồn tôi, một niềm hy vọng trước mắt tôi, một con đường và một ngọn đèn chiếu sáng trên mọi nẻo đường mà ước vọng rao truyền Phúc Âm và tình huynh đệ còn dẫn bước tôi đi, nhân Danh Ngài.

 

Qua tất cả các  nhân chứng ấy, Đức Giêsu-Kitô là nguồn sống, ánh sáng và sức mạnh cuộc đời như vị giám mục người Phi-Châu mà chúng ta vừa nhắc đến, điều đó không lạ lùng hay sao ? Nhưng chúng ta cũng có thể lấy lại lời Phúc Aâm thánh Gioan : Đức Giêsu là  Đường và là Sự Thật của Đời Sống. Nói cách khác : tất cả những người được gọi là « Kitô-hữu » nầy kinh nghiệm rằng đời họ có một ý nghĩa, tìm được ý nghĩa trọn vẹn, khi họ quyết tâm sống theo Đức Giêsu, bước theo vết chân Ngài, đi theo Ngài. Đối với họ, đó là ý nghĩa đầu tiên khi nói đến việc thuộc về Đức Giêsu-Kitô, tin vào Đức Giêsu-Kitô.

Nhưng vẫn còn cần  phải đi xa hơn nữa...

 

« Tin Đức Giêsu-Kitô »

Một lối nói như thế nghĩa là gì ?

-    Tin ai là phó thác vào họ không hậu ý, không giới hạn.  Khi nói « tôi tin bạn », là nói : chắc chắn rằng tôi có thể dựa vào bạn và bạn sẽ không bỏ tôi ; tôi không hoài nghi gì về việc bạn sẽ luôn ở bên cạnh tôi và tôi có thể luôn trông chờ vào bạn. - Đó đúng là điều mà Kitô-hữu nới với Đức Giêsu và nói về Đức Giêsu.

-  Mỗi người mỗi cách, nhưng mọi người đều tìm cái gì đó hay ai đó có thể soi sáng, dẫn lối họ trong cuộc sống. Một số người tin rằng họ sẽ không thất vọng, những thắc mắc của họ sẽ có câu trả lời. – Những ai tin Đức Giêsu thì nghĩ rằng họ tìm được tất cả những điều đó trong lời dạy, gương lành và đời sống của Đức Giêsu. 

 

" Đối với tôi, sống là Đức Kitô " (Ph 1,21)

 

-              Một số người lại còn đi đến việc hy vọng « vào đời sau », hy vọng vượt qua được tất cả những gì làm trở ngại cho việc hoàn thành viên mãn cuộc đời họ, kể cả sự chết. Họ tuyên xưng niềm hy vọng vào một sự cứu độ*[5], cứu thoát khỏi điều ác, mọi điều ác. – Khi Kitô-hữu nói rằng họ tin Đức Giêsu-Kitô, thì thực sự họ xác quyết rằng Ngài có thể mang lại tất cả những gì họ chờ mong ; nhưng hơn thế nữa điều Ngài đem lại vượt quá mọi điều họ hy vọng ï : « Điều mà mắt con người chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, tâm tư họ chưa từng nghĩ đến »,  đó là những gì «  Thiên Chúa đã dọn sẳn cho những ai thương mến Ngài » (1 Cr 2,9) trong Đức Giêsu-Kitô.

 

__________________________________________

 

«  Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ bày cho chúng ta biết » (Gioan 1,18)

________________________________________

 

-              Cuối cùng, một số người ý thưc rằng không thể nói đến cứu độ khi không có một Đấng Cứu Độ*, vì ơn cứu độ là điều mà mình không tự ban cho mình được. Và trong ý nghĩa đó họ đã đi đến việc nói đến Thiên Chúa [6]. Vì nói cho cùng, còn cái gì khác để qui chiếu ngoài « Thực Thể » nầy, Thực Thể toàn thiện, toàn năng mà cuộc sống con người và những vấn nạn cuộc đời đang thắc mắc : Thực Thể ấy có hiện hữu không ? là Ai ? Thực Thể mà những ai tin nhận nói rằng vừa hoàn toàn  khác với tất cả những gì chúng ta kinh nghiệm được, lại vừa gần gũi chúng ta, ần cần lo lắng cho chúng ta ? – Đối với Kitô-hữu, tin Đức Giêsu-Kitô đúng là xác quyết rằng nhờ Ngài và trong Ngài chính Thiên Chúa đã tỏ bày cho chúng ta khuôn mặt Ân Phúc* [7] của Ngài, Thiên Chúa « tự thân đến gần chúng ta » (Mc 1,15), tự mạc khải như một Thiên Chúa-cho-chúng ta, Thiên Chúa-ở với-chúng ta (Emmanuel -  Mt 1,23). Như là Chúa của con người.[8]

 

 Một vấn nạn cam go

 

Đó là ý nghĩa Kitô-hữu xác minh về đức tin của mình vào Đức Giêsu-Kitô. Đối với họ, Đức Giêsu là một vị « ở giữa », trung gian* [9] mà Thiên Chúa dùng để đến với chúng ta và đem lại ý nghĩa cho đời chúng ta : giúp chúng ta vượt qua mọi đe dọa, dẫn dắt cuộc đời con người đạt  đến một cứu cánh viên mãn vượt lên trên mọi ước vọng. Như vậy là tuyên xưng một sự liên kết chặt chẽ giữa « Đức Giêsu » và « Thiên Chúa ». 

Nhưng ở đây lại không thấy rõ đâu là đầu mối liên kết như thế.

Và một khó khăn nghiêm trọng lại dấy lên ở đây : Đức Giêsu đã chết ! Cái chết của Đức Giêsu không gây một trở ngại hiển nhiên cho việc nhìn nhận một mối liên hệ đặc biệt giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa hay sao ? Nếu Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ cho cuộc đời con người, thì làm sao sự kiện đó thể hiện được bởi Đức Giêsu và trong Đức Giêsu ? Đức Giêsu ấy đã biết đến sự chết, và Đức Giêsu đã chết hay sao?

Về điểm nầy, người ta như cố thử chống chế, và nói : Nhưng chính Đức Giêsu đã không từng nói với các môn đệ Ngài là đợi đến lúc Ngài chết mới biết được mầu nhiệm cái chết nầy hay sao ? và Ngài đã không từng xác quyết rằng sau cái chết nầy Ngài sẽ gữi  Thần của Ngài đến hay sao ? Do đó phải chăng từ nơi « Thần của Đức Giêsu » và trong Thần nầy, chứ không phải nhờ chính Đức Giêsu và trong chính Đức Giêsu, mà Kitô-hữu cảm nghiệm Thiên Chúa của cuộc đời họ và sự cứu độ của họ ? Chúng ta chắc chắn sẽ nói đến Thánh Thần trong phần sau. Nhưng có thể đưa ngay ra đây hai nhận xét. Trước hết : với sự chống chế nầy, mối liên hệ giữa Thánh Thần và Thiên Chúa cũng không giúp ta thấy được vấn đề một cách rõ hơn !  Tiếp đó : ta cũng không hiểu bằng cách nào, sau khi Ngài đã khuất, Đức Giêsu lại có thể gửi  Thánh Thần  đến để tỏ bày Thiên Chúa và làm cho Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta, nếu chính Ngài đã chứng kiến mối liên hệ của mình với Thiên Chúa từng bị cái chết đặt thành vấn đề.

Tóm lại : có xét cách nào đi nữa thì sự chết của Đức Giêsu ở đây thực sự là một lối phủ định khó vượt qua ! 

 

Ngài được phục sinh

 

 « Thật vậy... » nhưng

 

« Thật vậy... » ba ngày sau khi Đức Giêsu chết, hai môn đệ trên đường đi Êmau đã từng nói như thế .

" Thật vậy, có mấy người đàn bà đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói ; còn chính Người  thì họ không thấy » (Lc 24,23-23).

« Thật vậy... »  Kitô-hữu hôm nay cũng có thể nói như thế, chúng tôi không thể chối cải những gì « bừng dậy* »,  « dấy lên* », « hồi sinh » trong cuộc sống  chúng tôi khi chúng tôi quyết tâm đi theo Đức Giêsu, tiếp nhận lời Ngài và tin tưởng vào Ngài... Nhưng tất cả sự việc đó lại không minh chứng là Ngài đã vượt qua sự chết và hằng sống ! Kỳ cùng, e rằng cũng chỉ là sức mạnh của những lời giáo huấn và gương sáng của Ngài đấy thôi ; ngày nay những điều đó vẫn có thể còn gây hứng cảm trong chúng tôi, khi chúng tôi truy tìm để qui chiếu, nhưng ai dám chắc rằng chúng thuộc một cảnh giới khác hơn, chứ không phải chỉ là hình ảnh của một quá khứ chết tiệt mất rồi ? « Thật vậy... "  Kitô-hữu ngày nay còn có thể nói thêm rằng : tất cả những gì ngày nay chúng tôi biết được một cách chắc chắn về cuộc đời cụ thể của Đức Giêsu lịch sử sẽ làm xuất hiện trước mắt chúng tôi một nhân vật có một tầm vóc lạ thường, một Đấng đã từng gắn bó  thân mật cũng hết sức lạ thường với Thiên Chúa...  Nhưng chừng ấy cũng không đủ để bảo chứng cho chúng ta rằng cuộc sống lạ thường kia, một khi đã đi vào cõi chết, có thể vượt thắng được  cõi chết đó.

Ở đây cần phải hết sức minh bạch. Kitô hữu ngày nay có thể dựa vào hai yếu tố mà chúng ta vừa nêu trên đây: một mặt là những gì họ có thể biết về Đức Giêsu lịch sử, mặt khác là «hứng khởi*» dấy lên trong cuộc sống của họ, mà họ có thể cảm nhận được khi qui chiếu về Đức Giêsu. Những sự kiện ấy thực sự có thể giúp họ kiểm chứng tầm quan trọng và lợi ích mà Đức Giêsu chiếm giữ trong đời họ; và hẳn nhiên là quan trọng và bổ ích. Nhưng  chừng đó không đủ để làm cho họ tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu. Điều dẫn họ đến đức tin ấy còn là một dữ kiện khác, mà ngoài điều ấy ra thì đức tin Kitô-giáo không bao giờ có được : dữ kiện mới nầy là chứng tá của các vị  Tông Đồ.

 

Chứng tá của các vị  Tông Đồ

« Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân (...) các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình và đã đóng đinh người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây  vẫn hy vọng rằng chính Người  là Đấng sẽ cứu chuộc Israel ! » (Lc 24,19-21).

Chắc chắn các Tông Đồ chán nản ê chề sau khi Đức Giêsu qua đời. Nên điều đáng ngạc nhiên là : không bao lâu sau cái chết nầy, chúng ta thấy họ bỗng nhiên từ thinh lặng chuyển đến thái độ lên tiếng mạnh dạn, và từ tình trạng hoàn toàn ủ dột nhảy qua một cảnh giới năng động đến độ lao mình dấn thân trên các nẻo đường thế giới bất chấp nguy cơ tử đạo.  Và khi các vị cho biết lý do về sự  chuyển biến hoàn toàn khác thường của đời họ và của cả chính con người họ, một chuyển biến mà họ là người đầu tiên phải ngạc nhiên, thì họ nói đến những biến cố vượt lên sức mong chờ của họ; chúng ta gọi những biến cố đó là « những lần hiện ra* ».

Phải hiểu các biến cố nầy như thế nào ? Trong một số hoàn cảnh, các môn đệ*  Đức Giêsu đã kinh nghiệm về một « cái gì đó » không giải thích được đến với họ, vượt ra ngoài sức mong chờ. Một cái gì đó mà họ không chủ động, nhưng bổng nhiên « xảy đến » cho họ. Nhưng cái gì đó lại nhắc nhở họ nhớ lại những lúc gặp gỡ mà họ đã từng biết đến khi cùng chung sống trước đây với Đức Giêsu. Thật thế, tất cả những  « lần hiện ra* » đều có một đặc tính gặp gỡ như vậy.

Những cuộc gặp gỡ nầy là kinh nghiệm mắt thấy, tai nghe, ngay cả tay sờ đụng ; nhưng ngược lại với mọi điều họ nghĩ và vượt lên mọi điều họ hy vọng, những kinh nghiệm bất ngờ ấy lại dẫn đưa họ đến việc nhìn nhận rằng Đức Giêsu đến với họ từ cõi chết -  nói tóm là họ nhận ra rằng Ngài đã được sống-lại*,  Ngài đã chỗi dậy*  từ cõi chết.

Tuy nhiên các Tông Đồ còn nói rõ rằng những cuộc gặp gỡ đó lại có những đặc tính chưa từng biết đến so với những cuộc gặp gỡ trong thời gian từng sống với Ngài trước khi Ngài mất ở Núi Sọ : Ngay khi họ muốn đụng đến Đức Giêsu để nắm lấy Ngài, ngay khi họ nhận ra được Ngài, thì Ngài tránh đi, Ngài « biến mất trước mắt họ». Như là Ngài muốn xin họ hiểu rằng Ngài lại đến giữa họ và luôn ở với họ, – nhưng từ nay- bằng một cách khác. Và đó là điều mà họ đã làm chứng : « Anh em hãy đi ; hãy làm cho mọi dân tộc thành môn đệ (...). Và Thầy, Thầy sẽ ở luôn luôn với anh em cho đến ngày tận thế »  (Mt 28,20).

 

Còn chúng ta, hôm nay

 

Vì các môn đệ đầu tiên đã sống các kinh nghiệm nầy một cách hoàn toàn bất ngờ, một kinh nghiệm được chúng ta gọi là hiện ra*, nên họ đã quyết tâm tin và loan truyền Đức Giêsu phục sinh, một biến cố ngoài sức tưởng tượng. Nhưng về phần chúng ta, chúng ta lại không có được những kinh nghiệm ấy. Phải nhìn nhận sự kiện nầy : chỉ khi chúng ta đồng ý đón nhận và suy gẫm kỹ lưỡng chứng tá của các Tông Đồ*, chúng ta mới có cái gì đó để có thể tin vào sự phục sinh của Đức Kitô. Trong ý nghĩa như thế, các Tông Đồ đúng là những " cột trụ " của đức tin chúng ta (Gl 2,9).

Nhưng cần nói ngay rằng chúng ta không phải vì thế mà tin một cách  nhẹ  dạ.  Trước hết  vì

 

 

« Ngay lúc ấy, họ ra đi và trở về Giêrusalem. Họ gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người nầy bảo hai ông : « Chúa sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon ! » Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. » (Lc 24,33-35)

 

 chứng tá các Tông Đồ không phải thiếu bảo chứng: vì có " cái gì đó " cho thấy rằng với tâm thức của họ, họ khó có thể bịa đặt ra; và cũng vì có cái gì đó mà họ đã dấn thân ngay cả đến mức tử đạo. Nhưng còn hai lý do khác nữa có thể củng cố hành trình đức tin chúng ta. Trước hết là nhờ vào khoa học lịch sử, những gì chúng ta nay biết được về tính cách phi thường nơi nhân vật Giêsu và mối liên hệ thân mật của Ngài với Thiên Chúa, có thể dễ thúc đẩy chúng ta tin lời các Tông Đồ nói về đặc tính cũng phi thường nơi số phận của Ngài sau khi Ngài chết. Tiếp đó, những đợt « hứng khởi » làm đà sinh lực cho cuộc sống chúng ta khi chính chúng ta thực tâm tìm về Đức Giêsu, có thể giúp chúng ta hiểu rằng các Tông Đồ cũng đã cảm nhận (trong chính tâm hồn họ sau khi Đức Kitô chết) những tác động như thế và đã tuyên dương Ngài sống lại và Ngài hằng sống. Sự khác biệt giữa các vị và chúng ta hiển nhiên ở điểm nầy : các vị, và chỉ có các vị mới được phúc sống các lần hiện ra* và có thể nhận chân được mối liên hệ giữa Đấng phục sinh và Đức Giêsu mà họ từng sống chung trước khi Ngài chết (từ phép rửa* của ông Gioan cho đến ngày Ngài lìa « họ ».  CV 1,22)

 

Nếu chỉ dựa trên những gì chúng ta tự mình kiểm chứng, chúng ta không thể nói Đức Giêsu phục sinh ; nhưng những gì chúng ta có thể kiểm chứng lại giúp chúng ta hiểu và tiếp nhận sứ điệp của các Tông Đồ về mục nầy. Ngược lại, nếu chỉ có sứ điệp các Tông Đồ, chúng ta sẽ không có giải pháp nào hơn là tin các vị dựa vào lời họ nói ; nhưng nếu sứ điệp ấy có thể soi dẫn những dữ kiện mà chúng ta có trong tầm tay, nghĩa là chúng ta có thể kinh nghiệm và kiểm chứng, thì chúng ta có thể dễ xác tín hơn và hân hoan dấn thân trong đức tin của mình hơn.

 

Còn bạn, bạn nghĩ thế nào ?

Chỉ bằng một tác động đức tin, các môn đệ đầu tiên đã chấp nhận theo Đức Giêsu đáp trả lời kêu gọi đầu tiên của Ngài, họ rong ruổi với Ngài suốt hành trình thực thi sứ vụ cho đến lúc Ngài chết. Và cũng còn do một tác động đức tin mà sau khi Ngài chết, mọi sự tiêu điều, họ đã tuyên xưng Ngài sống lại, qua ơn ích của những lần hiện ra*.

 

Một lần nữa, chúng ta có dịp nhìn rõ lại cuộc sống đức tin của mình. Cũng nhờ một tác động đức tin như thế mà ngày nay chính chúng ta mới có thể nhìn nhận Đức Giêsu-Kitô là:

-    Đấng kêu gọi và lôi kéo chúng ta theo Ngài,

-         Đấng đem lại ý nghĩa cho đời chúng ta, làm cho cuộc sống chúng ta «sống lại », luôn mãi canh tân linh hoạt*,

-         Đấng đến với chúng ta và thực chứng là hằng sống ngay trong cuộc đời chúng ta,

-         Đấng sống lại và vì thế có được mối liên hệ duy nhất và vĩnh cửu với Thiên Chúa.

 

Để vun trồng cuộc sống đức tin đó nơi chúng ta, tất cả còn tùy vào :

1)           sức phấn khởi* [10]trong mối tương quan của chúng ta với Đức Giêsu  có thể làm cho chúng ta sống, với các Kitô-hữu, trong Giáo hội hay không.

2)           những gì chúng ta biết về Đức Giêsu và về những chứng nhân giúp chúng ta biết Ngài.

3)           việc chúng ta sẳn sàng chấp nhận sự  chứng thực * của các Tông Đồ

Nhưng tất cả những điều nầy lại tùy thuộc vào quyết định cá nhân và tự do của chính chúng ta. Vì, hôm nay cũng như hôm qua và ngày mai đến mãi mãi, Đức Giêsu lên tiếng hỏi mỗi một người trong chúng ta : « Còn bạn, bạn nghĩ thế nào ?  đối với bạn, tôi là ai ? »


 


 

[1] « Le Messie »

[2] Baptiste

[3]«  l’être chrétien »

[4]  Se définissent par rapport à lui

[5] un salut

[6] Dieu

[7] Grâce

[8] Comme le Dieu des hommes

[9] Médiation

[10]La  qualité suscitante* (lòng nhiệt thành sống đạo)



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!