Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Đăng Trúc
Mục Lục

I. Giêsu

II. Giêsu khởi từ Giêsu

III. Giêsu hay là Giêsu-Kitô ?

IV. Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta

Từ vựng

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Nhân quyền và Giáo hội - Những suy tư lịch sử và thần học

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Hai)

Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Một)

Giêsu-Kitô

Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động của Giáo Hội

Tông huấn Christifideles Laici

Giêsu-Kitô
IV. Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta

       Chúng ta tiến đến đâu rồi ? Hãy kiểm điểm lại trong vài hàng trước khi đi vào giai đoạn bốn và cũng là chương chót trong nỗ lực suy tư về Đức Giêsu-Kitô. Vấn đề rốt ráo là đến phiên chúng ta, chúng ta có thể nói rằng Đức Giêsu là "Đấng Kitô" hay không. Qua phần trên, chúng ta nay có thể nêu lên những điều kiện để có thể thực hiện một lối tuyên xưng đức tin* như thế. 

-   Trước hết cần đến một loại kinh nghiệm nào đó. Chúng ta từng nói rõ là : một kinh nghiệm «  về   lòng  nhiệt  thành * [1] »,   chữ  nầy  gợi   lên hình  ảnh  những Kitô-hữu bước đi theo Đức Giêsu,  

            «  Tôma trả lời Ngài : « Lạy Chúa tôi  và  là Thiên Chúa tôi ! »  (Gioan 20,28)

tiếp nhận lời Ngài, thực thi giáo huấn của Ngài, gặp gỡ tụ họp với những tín hữu khác đang chia sẻ cùng một lối sống đạo... Kinh nghiệm nầy là nền tảng cho tất cả. Cách nầy hay cách khác thì cũng phải có kinh nghiệm như thế mới có thể tin Đức Giêsu-Kitô. cần có sự tiếp xúc thành thực với những người đang sống kinh nghiệm ấy và hôm nay đang làm chứng về niềm tin của mình, vì đó là điều kiện thiết yếu cho những ai không tuyên xưng Đức Giêsu-Kitô có thể đi theo bước đường nầy.

 

-  Sau đó phải chấp nhận chứng tá của các Tông Đồ, y như đã được chép lại trong Tân Ước,  và y như điều Giáo Hội còn truyền đạt lại cho chúng ta hôm nay.

 

-  Cuối cùng phải tự mình quyết định ; hẳn nhiên những người ngoài, Giáo hội và Thiên Chúa có thể trợ giúp chúng ta, nhưng mỗi cá nhân là một chủ thể duy nhất đầy đủ tư cách và trách nhiệm để tự quyết định niềm tin của mình.

 

 Một kinh nghiệm, một qui chiếu, một quyết định : đó là con đường dẫn đưa từ « Giêsu » đến « Giêsu-Kitô ». Từ một  Đức Giêsu  mà ta có muốn hay không thì Ngài cũng « đã có trong lịch sử », đến Đức Giêsu mà tôi, hôm nay, tôi nhìn nhận là Đấng Kitô  (của đời tôi).

Khi bước theo con đường nầy để tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, tôi nhìn nhận nơi Ngài là :

-              Đấng mang lại ý nghĩa và sức sống cho đời tôi hôm nay, nên tôi nhìn nhận Ngài  luôn hằng sống.

-              Đấng mang lại cho tôi những gì mà chỉ có Thiên Chúa mới mang lại được, nên tôi nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa.

 

..... Nhưng ở đây, kinh nghiệm, qui chiếu và     quyết định ấy lại hối thúc chúng ta suy tư :

-              Thiên Chúa là ai mà có thể đến với chúng ta nhờ Đức Giêsu-Kitô, và trong Đức Giêsu-Kitô, Thiên Chúa ấy lại ở trong tầm với của chúng ta [2] ?

-              Làm thế nào để hiểu Đức Giêsu-Kitô một khi lịch sử cho chúng ta hay Ngài là người thật, nhưng chúng ta lại phải nhìn nhận Ngài cũng thật là Thiên Chúa ?

-              Đức Giêsu-Kitô ấy mang lại cho chúng ta điều gì ? và nếu chúng ta trả lời rằng Ngài đem lại cho chúng ta « phần rỗi », thì điều ấy nghĩa là gì ?

 

Chỉ khi chúng ta cố gắng tìm cách nêu lên được, tối thiểu là một vài yếu tố để trả lời cho những thắc mắc phát xuất từ tận đáy lòng chúng ta như thế, thì chúng ta mới thấy được tất cả tầm quan trọng của Đức Giêsu-Kitô đối với chúng ta. Và chúng ta sẽ hiểu được danh xưng cao quí mà Truyền Thống Kitô-giáo từ xa xưa đã gọi Ngài;  danh xưng mà chúng ta đã cố ý chọn làm tựa đề chương cuối nầy : Đức Giêsu-Kitô Chúa Chúng ta.

 

 

Thiên Chúa của Đức Giêsu-Kitô

 

Phải hiểu về Thiên Chúa như thế nào, nếu chấp nhận tin rằng:

-              trong Đức Giêsu, Thiên Chúa thật sự tự-thân-hành đến trong tầm với của chúng ta ;

 

-              nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa tự-hiến-ban Ngài cho chúng ta để chúng ta nhận ra Ngài, ngay trong đời chúng ta, như là Đấng bồng bế, nâng đỡ và linh hoạt cuộc sống chúng ta.

-              nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa tự-mạc-khải* một cách cụ thể như là Thiên Chúa-cho chúng ta và ở-với-chúng ta ?

 

Chúa Con và Chúa Thánh Thần

 

Như thế, vấn đề không những là Thiên Chúa muốn tự-hiệp thông [3] với chúng ta, nhưng làm thế nào Ngài có thể thực hiện điều đó ! Nghĩa là : chính Ngài phải là « sự hiệp thông » - nói cách khác là khả năng tự-hiến-ban, và vừa là quà tặng. Đến đây người ta có thể phải nêu lên  thế nầy : ngay trong tác động ở bên trong của chính Ngài, Ngài tự-hiến-ban cho một Đấng Khác như thế nào, thì Ngài cũng có thể nhờ qua Đấng Khác ấy để tự-hiến-ban cho chúng ta như thế... Diễn tiến nầy hẳn phải giả thiết là Đấng Khác nêu lên ở đây, một cách nào đó, liên đới với chúng ta !

Quan điểm nầy lại đúng như những gì mà Kinh Thánh và Truyền Thống Kitô-giáo đã dạy chúng ta. Thật đúng như thế, một mặt Kinh Thánh và Truyền Thống nói rằng nếu Thiên Chúa « trước hết » là CHA, thì Ngài là Cha trong tương quan với một ĐẤNG CON trước hết ở trong Ngài  (Gioan 1,18  nói là « trong lòng Ngài »). Nhưng mặt khác Kinh Thánh và Truyền Thống nói thêm rằng Cha đã gữi Con mình mang thân xác làm người (nhập thể làm người), Ngài đã làm cho Con Ngài trở thành một người ở giữa chúng ta, để chính chúng ta lại có thể trở thành con Ngài.

Như vậy, nhờ Đức Giêsu-Kitô và trong Đức Giêsu-Kitô chúng ta có thể được sinh ra và tiếp cận không ngừng với sự sống của chính Thiên Chúa.

Và nếu tất cả những điều nầy chúng ta chỉ có thể tiếp nhận được là nhờ Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha và Đức Giêsu gữi đến cho chúng ta sau khi Chúa Giêsu chết và sống lại, thì nơi Thiên Chúa không phải chỉ là Cha và Con, nhưng cũng có Thánh Thần Yêu Thương. Chính Kinh Tin Kính nói với chúng ta là Thánh Thần, từ Chúa Cha và Chúa Con « mà ra», là giây liên kết của sự hợp nhất toàn vẹn Thiên Chúa Ba Ngôi.

Như vậy « sự hiệp thông » của Chúa Cha và Chúa Con thực hiện trọn vẹn trong Chúa Thánh Thần. Và trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa tự mình liên lạc với chúng ta, thông ban cuộc sống Ngài cho chúng ta.

Khi gửi  Chúa Thánh Thần đến với chúng ta (Thánh Thần Đấng nối kết chính Chúa Con với Chúa Cha), thì Chúa Con nhập thể làm cho chúng ta thông dự vào sự sống của Chúa Cha. Khi thông ban Thánh Thần Đấng nối kết Ngài với Chúa Con, thì Chúa Cha lại sinh chúng ta, đưa chúng ta vào sự sống của chính Ngài.

 

Thiên Chúa-Ba Ngôi

 

Vì  thế mà kỳ cùng với điều kiện phải nhìn nhận Thiên Chúa là « BA NGÔI* » một Chúa Cha, một Chúa Con và một Chúa Thánh Thần, thì chúng ta mới có thể hiểu - được chừng nào hay chừng ấy ! -  rằng Thiên Chúa đến với chúng ta nhờ Đức Giêsu-Kitô.  Và chỉ  nhờ  thế chúng ta mới nhận  ra được nơi mầu nhiệm không thể hiểu nầy một cái gì đó hé lộ cho chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa Tối Cao và Toàn Năng thực sự nối kết chúng ta vào sự sống của Ngài và hiệp thông với chúng ta. Vì nay chúng ta biết thêm rằng Ngài thực hiện chính sự hiệp  thông  nầy  khi  gửi  đến giữa chúng ta và cho  

 «  Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần » ( Mt 20,19)

 

chúng ta Con duy nhất là Đấng Ngài Yêu Thương và là Đấng luôn thông hiệp với Ngài trong Thánh Thần chung của hai vị.

Khi nối kết chúng ta vào thân phận làm Con (Chúa Cha) của Ngài, Chúa Con nhập thể đưa chúng ta vào trong dòng sinh lực luôn tác động và linh hoạt chính cuộc sống Ngài, từ lúc Ngài được sinh ra trong lòng Đức Maria đến ngày Ngài Phục Sinh.

Nhờ Chúa Giêsu-Kitô, với Ngài và trong Ngài, hiệp nhất cùng Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể xưng hô « Thiên Chúa Toàn Năng » là « Cha chúng ta » và « ca tụng và tôn vinh Ngài », « để mọi người được cứu rỗi ».

Nhưng điểm nầy nêu lên cho chúng ta hai thắc mắc nữa cần truy xét.

 

Mầu nhiệm Đức Giêsu-Kitô

 

Nếu Đức Giêsu có thể giúp chúng ta tiếp cận với Thiên Chúa vì Ngài là Con Thiên Chúa* nhập thể*, Ngài lại cũng luôn là con người Giêsu, Con của bà Maria, vị tiên tri ở Nazareth, người bị Philatô lên án, bị đóng đinh trên đồi Golgotha. Như thế câu hỏi đặt ra cho chúng ta là bằng cách nào Ngài vừa là người  và vừa là Thiên Chúa.

 

Con Thiên Chúa, nhập thể

 

Ở đây chúng ta cần lưu ý một điều hết sức quan trọng : Đức Giêsu không phải là « Thiên Chúa » nói chung chung một cách trừu tượng[4], nhưng là Con Thiên Chúa. Vì trong Con Thiên Chúa, sự  kết hiệp thiên tính và nhân tính (kết hiệp bản tính*  Thiên Chúa và bản tính*  con người của Ngài) bấy giờ không thể quan niệm như là việc xếp cạnh bên nhau của hai thực thể xa lạ và  bất động. Hai thực thể nầy hẳn nhiên khác nhau[5] và sẽ mãi mãi khác nhau. Và còn hơn thế nữa giữa hai thực thể nầy có khoảng cách vô tận phân cách « Thiên Chúa » và những gì không phải là Ngài. Nhưng điều phải nhớ là hai thực thể nầy, vẫn luôn khác biệt, lại được linh hoạt và xuyên suốt bởi cùng một động lực [6] làm cho đôi bên chung sống, khác nhau nhưng lại hiệp nhất. Độâng lực đó, năng lực tự-thực-hiện chính mình khi triển khai những sức linh hoạt của mình, là động lực của chính Con Thiên Chúa (của « ngôi vị » riêng là Chúa Con trong Thiên Chúa).

Trong Thiên Chúa, Chúa Con chỉ hiện hữu và tác động đầy đủ ngôi vị làm Con khi tiếp nhận không ngừng từ Chúa Cha và tự-hiến-lại cho Chúa Cha không ngừng (trong Thánh Thần chung của hai vị).  Đó là « hữu thể [7] »  của Ngôi Con.  Nên nay có thể hiểu được rằng khi làm người, Chúa Con ấy mặc  lấy  nhân  tính  trong  tác  động  và  sinh lực[8] làm Chúa Con của chính mình, nhân tính tiếp nhận nơi  Đức Maria  và sẽ là nhân tính của « Đức  Giêsu Nazareth ». Người ta có thể hiểu được điều nầy, đúng như vậy, vì, giống như sự sống con người, sự sống Con Thiên Chúa được thực hiện trong mối tương giao với Thiên Chúa, một mối tương giao cũng được liên kết bởi tác động tiếp nhận và dâng trả lại.

 

 

« ...và tất cả những gì thuộc về con thì cũng thuộc về Cha, và những gì thuộc về Cha thì cũng thuộc về con » (Gioan 17,10)

 

 

Trong Đức Giêsu, không có sự mâu thuẫn nhưng ngược lại là sự đồng qui giữa khía cạnh là Thiên Chúa và khía cạnh làm người. Trong thực tế cụ thể của hai bản tính nầy, đôi bên đều được xuyên suốt và linh hoạt bởi cùng một động lực nền tảng chung. Động lực nầy phát xuất từ Ngôi Con Thiên Chúa, đó cũng là độâng lực nhờ đó Chúa Con tự-thực-hiện mình là Con trong Thiên Chúa. Nhưng động lực nầy vừa không ngừng hiện diện trong nhân tính của người-Giêsu, lại vừa giúp Ngài tự-thực-hiện theo chương trình riêng của Ngài trong tư thế Chúa  Con.  Đó  là  điều  mà  chúng ta nhận  ra  nơi chân dung Giêsu của các Phúc Aâm. Ngài nói rằng Ngài chỉ muốn nói hay làm điều gì mà Cha muốn Ngài phải nói và phải làm mà thôi (Gioan 4,34 ; 5,36). Ngài chỉ muốn hoàn thành ý Cha (Gioan 5,30). Ngài đi vào sự chết là trao phó thân Ngài lại trong tay Cha (Lc 23,46). Nên sự sống lại của Ngài do đó cần được hiểu là một cuộc tái-sinh[9] vuợt lên trên sự chết (CV 13,33 ; Rm 1,4).

 

 

« Tôi không thể  tự ý mình làm gì (...) vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi » (Gioan 3,30)

 

Nói chung, chúng ta thấy toàn bộ cuộc sống của Đức Giêsu, chết và ngay cả sự sống lại,  thể hiện động lực nền tảng  « tiếp-nhận / dâng-trả-lại», là nét đặc trưng, và ngay cả là thành tố tạo thành chính Ngôi Con trong Thiên Chúa ; động lực đó được ghi khắc nơi một nhân tính hoàn toàn giống với nhân tính chúng ta (trừ tội lỗi).

 

 

Con người Giêsu, hiệp nhất với Chúa Con

 

Không có gì phải sợ về việc Chúa Con  vì nhập thể mà giảm tính Thiên Chúa đi. Khi Ngài nhập thể, Ngài luôn vẫn là Con Chúa Cha và đưa nhân tính của Ngài vào chính động lực linh hoạt Ngài trong Ngôi vị Chúa Con. Cũng không có gì phải sợ nhân tính của Đức Giêsu ít chất người (hoặc cao vượt nhân tính !). Kỳ thực, Thể theo nhân tính nầy  mà Chúa Con linh hoạt, tác động, dẫn lối, và thấm nhập Đức Giêsu... và đưa Ngài vào động lực của Thiên Tính làm Con trong Thiên Chúa Ba Ngôi[10].

Trong nhản quan đó, chúng ta đề cập đến vấn đề đau khổ hoặc việc không biết một số sự việc (xem Mc 13,32) nơi con người Giêsu, cũng như vấn đề Ngài có ý thức thiên tính của Ngài hay không. Cũng như Ngài đã chịu khổ đau như thế nào trong thân phận con người [11], khổ đau lại do Con Thiên Chúa mang nhận, thì cũng một cách ấy trong thân phận con người Ngài ý thức về thân thế Ngài[12] . Ý thức của Ngài là ý thức chỉ hiện hữu « từ » Thiên Chúa và do Thiên Chúa,  từ Chúa Cha và bởi Chúa Cha;  là ý thức  tiếp nhận  và  luôn mãi tiếp nhận từ nơi Cha để dâng trả lại cho Cha ; là ý thức về mối liên hệ duy nhất cực kỳ thắm thiết, cực kỳ gắn bó. Mối liên hệ đó là nguồn hoan lạc vô song (Lc 10,21) và sự vững tâm tuyệt đối bất chấp mọi thử thách, kể cả lúc cảm thấy bị  bỏ rơi : tiếng  kêu : « Tại sao Cha lại bỏ Con ? » (Mc 15,34) vẫn còn là một lời cầu xin vì là lời kêu đến Chúa Cha. Mối liên hệ nầy không có gì, không có ai, không nơi nào, không lúc nào có thể đặt lại thành vấn đe,à dầu chỉ một chấm phết ; ngay cả « xuống địa ngục* » của sự chết cũng sẽ không phôi pha.

  

Sự cứu độ từ Đức Giêsu-Kitô

 

Thiên Chúa đã gửi Con Ngài cho chúng ta để hiệp thông với chúng ta ; để nâng đở, soi đường và ban sức mạnh cho đời chúng ta ; nhưng sự hiệp thông đó được mặc khải cho chúng ta như thế nào ? Và nếu sự cứu độ nằm trong điều nầy, thì phải hiểu sự cứu độ như thế nào cho đúng ?

 

Trở thành con cái Thiên Chúa cho đến muôn đời

 

Trước hết chúng ta định nghĩa sự cứu độ : là chúng ta có thể sống sự sống mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta nhờ Con Ngài trong Thánh Thần. Được cứu độ có nghĩa là (ơn) ân sủng* giúp đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa của Sự Sống, Thiên Chúa  Hằng Sống và ban Sự Sống. Và đồng thời nhờ đức tin mà có thể bảo đảo mình vượt qua được mọi trở ngại ngăn cản sự sống nầy: tất cả mọi khổ đau và ngay cả sự chết,  để sống lại*, tiếp theo Đức Giêsu-Kitô, trong sự sống không còn chết nữa, trong Vương quốc mà « Thiên Chúa sẽ lau sạch mọi nước mắt » ( Kh 7,17 ; 21,4), trong Thành Giêrusalem trên trời, nơi sẽ tụ tập những người được cứu độ « thuộc mọi ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia » (Kh 7,9) giữa muôn lời ca ngợi tạ ơn  hỉ hoan.

Đó là động lực nền tảng của sự cứu độ : nhờ Thánh Thần mà Chúa Cha và Chúa Con gửi đến, chúng ta được liên kết vào mối quan hệ Cha-con với Thiên Chúa của Chúa Con. Từ thân phận và tầm vóc của chúng ta, chúng ta nhờ Ngài mà được sinh ra trong chính sự sống của Thiên Chúa. Vì thế chúng ta được mời gọi để sống sự tự do của kẻ làm con, để hợp tác vào công trình của Chúa Cha, để hưởng tất cả ơn ích mà Ngài đã định cho chúng ta, và tiếp nhận gia sản dành cho chúng ta trong tư cách là « kẻ đồng hưởng gia nghiệp » của Con Ngài (Rm 8,17).

Và vì việc nầy thực sự chỉ có thể thực hiện được trong Đức Giêsu-Kitô và bởi Đức Giêsu-Kitô, nên cụ thể khi chúng ta tham gia vào các bí tích * của Giáo Hội, thì chúng ta được kêu mời để tiếp nhận sự hiệp thông toàn vẹn vào sự sống đến từ Thiên Chúa và được đưa đến ngang tầm chúng ta trong lịch sử con người. Những bí tích* - trước hết là Rửa tội và Thánh Thể*- là những dấu chỉ sống động và hữu hiệu để Thiên Chúa tiếp tục đến gặp gỡ chúng ta, trao ban cho chúng ta sự sống của Ngài sau ngày Chúa Giêsu ra đi.

 

Ơn tha thứ,  một ơn huệ vô thường[13]

Tuy nhiên trở ngại chính cho sự thực hiện ơn cứu độ là tội lỗi. Đúng như  thế, ơn cứu độ giả thiết ta mở rộng tâm hồn, tiếp đón, và sẳn sàng chấp nhận Đấng đề nghị ơn cứu độ cho mình. Nhưng tội lỗi lại là thái độ ngược lại : tự mãn đến độ khinh thị kẻ khác, từ chối tiếp nhận kẻ khác vào trong cuộc sống mình, từ chối tin cậy và phó thác vào kẻ khác.

Nói cho đúng, Thiên Chúa cũng không làm gì được trước một thái độ như thế, một sự từ khước như thế, vì Ngài đã muốn chúng ta tự do, và Ngài tôn trọng chúng ta tự do như thế trong mọi thái độ nầy khác của chúng ta. – Đúng hơn thì Ngài vẫn làm được điều nầy ; Thiên Chúa có thể còn làm một việc, một việc thôi : chứng tỏ cho chúng ta hay rằng, chúng ta có đối xử thế nào đi nữa, thì ít nhất Ngài còn làm được điều nầy là không bỏ rơi chúng ta và  tiếp tục yêu  thương  chúng ta.  Đó đúng là ý nghĩa  việc  Đức  Giêsu  đến  trong  thân  phận làm người hoàn toàn giống chúng ta. Nếu Thiên Chúa cứu chúng ta, thì không phải như một nhà độc tài bắt buộc chúng ta phải chấp nhận các ơn huệ mà không được nói gì hết, hoặc như một kẻ cả vừa gia ân vừa khinh khi làm nhục kẻ mang ơn. Thiên Chúa đến với chúng ta như một người trong chúng ta, mang trọn thân phận của chúng ta, ngay cả chấp nhận những hậu quả của tội lỗi ; thực đúng như thế : Đức Giêsu sẽ phải chịu án tử hình.

 

 « Cuối  cùng Ngài đã gửi con Ngài đến » (Mt 21,37). 

Thiên Chúa yêu chúng ta không vì gì cả, một ơn huệ* vô thường, mãi mãi. « Chỉ cần » chúng ta hiểu điều đó và rút ra những hệ quả – và chúng ta sẽ được tha thứ, giải thoát mọi tội lỗi, vươn ra khỏi sự hư hoại, đưa lên phẩm giá của kẻ làm con. Sự tha thứ của Thiên Chúa hoàn toàn, trọn vẹn, không tơ vương ân hận chi nơi Ngài. Chỉ cần chúng ta đón nhận mà thôi.

 

Chúng ta cần lưu ý điểm nầy, trong ơn tha thứ của Thiên Chúa, không phải như hình ảnh kinh hoàng của một kẻ tàn bạo mà người ta vô tình (nếu không nói là cố ý !) gán cho Ngài khi nói Ngài buộc Con Ngài phải nhập thể để  « trả » thay cho chúng ta, và chỉ hả giận khi thấy cho bằng được máu huyết lai láng đổ ra. Đã hẳn rằng công việc Đức Giêsu đã làm và số phận mà Ngài phải chịu rất nặng nề. Những sự kiện đó tự chúng cho chúng ta thấy tầm  gia trọng của tội lỗi mà cuộc đời của Ngài phải là sự cứu chuộc*. Nhưng đừng cho rằng nhờ những tang thương nầy, nhờ  giá khổ đau của Ngài mà Đức Giêsu sẽ làm cho Thiên Chúa từ giận dữ đổi sang khoan dung đối với chúng ta.

Thực ra, Đức Giêsu chết trên thánh giá không là nguyên nhân làm cho Thên Chúa tha thứ : Ngài khai mở cho thấy ơn tha thứ [14]. Ngài không là nguyên nhân theo nghĩa rằng Ngài không ép Thiên Chúa phải quyết định đi từ giận dữ đến khoan dung nhờ vào chiến công hiển hách nào đó của Ngài.

 

« Vì chính Cha thương yêu anh em » (Gioan 16,27)

 « Bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, đó là lúc chúng ta còn là người tội lỗi, thì Đức Kitô đã chết cho chúng ta » ( Rm 5,8) 

 

Trái lại Ngài chỉ mặc khải cho thấy rằng Thiên Chúa  không  thay  đổi  thái  độ  đối  với  chúng  ta, Thiên Chúa chờ đợi chúng ta và rộng tay tiếp đón chúng ta, nếu chúng ta từ chốn lầm lạc đồng ý quay về lại với Ngài. Dụ ngôn tuyệt vời về đứa con hoang đàng, với hình ảnh người cha hân hoan chào đón đứa con lạc đường trở về (Lc 15,11-32), có nói gì khác hơn đâu ?

 

Kêu gọi thực thi thân phận làm người

 (phận vụ dành cho chúng ta)

 

Nhưng sự cứu độ không phải việc làm của một mình Con Thiên Chúa. Sự cứu độ không thể thực hiện nếu không có chúng ta tham gia. Con Thiên Chúa mang ơn cứu độ cho chúng ta khi Ngài nhập thể, chết và sống lại, nghĩa là  mang nhân tính và làm người. Ơn cứu độ ấy sẽ không thể chỉ « mang nhân tính[15] » nơi người mang đến ; nó cũng cần mang nhân tính nơi những kẻ nó hướng đến : nó chỉ hiện thực một khi có sự hợp tác và với sự hợp tác của kẻ thụ nhận (mang nhân tính).

Cộng tác như thế nào đây ? Thay đổi tâm tư và từ bỏ tính ích kỷ và tôn sùng những thần tượng của mình để gặp gỡ một Thiên Chúa hằng sống và chân thật, - vâng đúng như thế !  Nhưng đồng thời cũng diễn tả thái độ từ bỏ tội lỗi và quay về với Thiên Chúa hằng sống trong cách sống của mình đối với kẻ khác, với tất cả những kẻ khác trên thế giới. Không thể yêu Thiên Chúa mà ta không thấy, nếu không yêu người anh em mà ta thấy. Không thể đón nhận được sự sống là ơn cứu độ vào tâm hồn ta, nếu chúng ta không dấn thân thăng tiến đời sống anh em chúng ta trên thế giới.

Vì tất cả những chương trình sinh hoạt cuộc đời chúng ta liên hệ với nhau : đời sống cá  nhân, gia đình, xã hội, chính trị. Nếu sự cứu độ của con người chính là sự sống Thiên Chúa, thì cuộc sống của con người mà Thiên Chúa muốn cứu độ lại tùy thuộc vào những nỗ lực nơi trần thế nầy. Vì con người thực sự cần có phương tiện để sống còn, có cơm ăn, áo mặc và tự do không bị áp bức trói buộc, để có thể tiếp nhận đề nghị cứu độ của Thiên Chúa, và có thể đáp trả. Không ai tin vào sự cứu độ của Thiên Chúa mà có thể thờ ơ với những hoàn cảnh sống cụ thể của những kẻ được ơn cứu độ kêu mời. Trong một nghĩa nào đó, ta nói rằng sự cứu độ của Đức Giêsu-Kitô nhằm khai lộ hướng đến một cuộc sống bất diệt, sẽ không thể nào tiến hành nếu không có sự giải phóng cuộc sống trần thế nầy.

 

Còn những người khác ?

 

Đây hẳên là câu hỏi cuối cùng : còn những kẻ không biết Đức Kitô, thì không thể, đã và sẽ không thể tiếp nhận chương trình cứu độ của Ngài hay sao ?

Câu hỏi quá bao la, nhưng cũng phải cố gắng trả lời một cách hết sức gãy gọn.

Đối với đức tin Kitô-giáo, chắc chắn Thiên Chúa muốn mọi người, không phân biệt là ai, đều hưởng ơn cứu độ trong Đức Giêsu-Kitô. Và không phải vì một số người chưa biết đến Đức Giêsu-Kitô mà dự định của Thiên Chúa không có giá trị đối với họ : khả năng cứu độ mà Đức Giêsu-Kitô mở ra cũng đến với họ, vì khả năng đó tuyệt đối đến với mọi người.

Như vậy phải chăng nói rằng họ sẽ được cứu độ dù họ có muốn hay không, hoặc không cần gì họ phải cộng tác ? Cả hai đều không phải. Cũng cần có sự  cộng tác của chính họ ; và sự cộng tác đó phải thể hiện nơi cuộc sống của họ, quên mình và từ bỏ tính ích kỷ và khép kín tự mãn. Phục vụ và yêu thương. Mặc dầu các việc lành nầy ở bên ngoài mọi sự nhận biết Đức Giêsu–Kitô, nhưng chúng dẫn lối cho người thực hiện hưởng những gì mà Đức Giêsu-Kitô hứa ban cho những ai sống y như họ ; bởi vì chính Đức Giêsu-Kitô kêu mời mọi người bước đi trên nẻo đường nầy.

Vì một sự cộng tác như thế mọi người có thể thực hiện, nên không ai tiên thiên bị đặt  ra ngoài ơn cứu độ của Đức Giêsu-Kitô. Vì mọi người đều được mời gọi và có phận vụ phải thực thi, nên không một ai có thể cứu độ một cách dễ dãi hay đại khái cả. Mọi người, kể cả những người không phải là Kitô-hữu, đều được kêu mời để hưởng ơn cứu độ*, một ơn cứu độ gắn liền với một phận vụ* cần phải  thực  thi  bằng  mọi  giá;   sự cứu độ nầy trước hết vẫn là một ân huệ vô thường ban cho mọi người, kể cả Kitô-hữu. 

Chúng ta sẽ kết luận trong một chữ nầy thôi: « Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta » : cùng với Truyền Thống Kitô-giáo xa xưa nhất, chúng ta sẽ tôn vinh Đức Giêsu  bằng danh xưng nầy ; chúng ta được mời gọi để nhìn nhận Ngài là Đấng Kitôø qua danh xưng nầy. Đức Giêsu ấy, Thánh Gioan ghi lại trong Phúc Aâm (Gioan 20,28) rằng tông đồ Tôma đã xác tín để tuyên xưng là « Chúa của tôi và Thiên Chúa của tôi».

Phúc cho chúng ta nếu hành trình đi từ « Đức Giêsu » đến « Đấng Kitô », - giống như diễn biến tâm thức của người chứng vốn cứng lòng tin ấy -, giúp chúng ta khám phá và thâm tín rằng Đức Giêsu-Kitô 

 

-              là một CHÚA, tự hiến mình làm KẺ PHỤC VỤ cho phần rỗi chúng ta,

 

-              và là một THIÊN CHÚA tự mình muốn làm ANH của chúng ta đến muôn đời.

  


[1] suscitation

[2] à  notre portée

[3] Se communiquer à nous : hiệp thông, liên lạc, nối kết

[4] Purement et simplement

[5] Distintes

[6] Dynamisme

[7] « être »

[8]  Dans son propre mouvement et son propre dynamisme d’existence filiale

[9] Re-engendrement

[10] Le mouvement de sa propre filiation trinitaire

[11] Humainement

[12] De ce qu’il « est »

[13] Le pardon dans la Grâce

[14] Il le (le pardon) révèle

[15] humain

__________________________________________

 

« Còn chúng ta, chúng ta đã nhận biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu : ai cư ngụ trong tình yêu, thì cư ngụ trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa cư ngụ trong người ấy » ( 1 Gioan 4,16).

 

 

« Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói : ‘ Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha...’ » (Lc 10,21)

 

 



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!