Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gia Đình Lectio Divina
Mục Lục

LỜI NGỎ

Giải thích hình Lectio divina

I. Dẫn nhập

II. LECTIO DIVINA là gì?

III - VII

VIII. Những giai đoạn thực hành Lectio divina

IX. Việc đọc Lời Chúa Theo cha Daniel

PHỤ LỤC

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

LECTIO DIVINA - Cầu Nguyện Dưới Tác Động Của Lời Chúa

LECTIO DIVINA học trong trường Mẹ Maria

LECTIO DIVINA - Cầu Nguyện Dưới Tác Động Của Lời Chúa
VIII. Những giai đoạn thực hành Lectio divina

* Guigues II Le Chartreux đã theo câu Mt 7,7: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” và đề nghị như sau:

 “Cứ xin trong khi ĐỌC

  Anh em sẽ nhận được trong SUY NIỆM

  Cứ gõ bằng CẦU NGUYỆN

  Anh em sẽ gặp được trong CHIÊM NGẮM”.

   Qua câu này, Guigues đã diễn tả nền móng cho phương cách thực hành Lectio divina qua bốn bậc hay bốn giai đọan:

LECTIO – MEDITATIO – ORATIO – CONTEMPLATIO                   

ĐỌC – SUY – CÂU – NGẮM

   Bốn giai đoạn cổ điển trên đây (Đọc - Suy - Cầu - Ngắm) theo Enzo Bianchi có thể chia thành hai giai đoạn chính:

- Giai đoạn một (ĐỌC - SUY), khách quan hơn, người ta để tính khác biệt của bản văn nói với mình;

- Giai đoạn hai (CẦU - NGẮM), chủ quan hơn, tính chủ quan của người đọc đi vào liên hệ với ý nghĩa của bản văn, để cho mình được phán đoán, hướng dẫn, yên ủi và đáp lại bằng cầu nguyện.

Và phương cách này sẽ được sử dụng, bành trướng, lặp lại, giải  thích và áp dụng sau đó cho tới ngày nay.

* Và bởi vì Lectio divina chủ yếu là một cuộc đối thoại của tình yêu, nên cũng là:

           - TIẾP NHẬN     trong lắng nghe (ĐỌC)

                                       và suy nghĩ (SUY NIỆM)

           - HIẾN THÂN    trong đáp lời (CẦU NGUYỆN)

           - GẶP GỠ           trong hiệp thông (CHIÊM NIỆM)

 

* Trong một đan viện kia, khách qua đêm có thể đọc được trên một phiếu kẹp trong sách Tân Ước để trên bàn như sau:

1. Bạn hãy cầm lấy và mở đọc một cách chậm rải, suy nghĩ về đoạn văn đã chọn, hãy khám phá ra điều nói với bạn cách đặc biệt như là một Lời của Chúa.

2. Bạn hãy suy niệm và nghĩ tưởng về điều bạn vừa đọc; đặt tâm trí bạn vào đó, nhưng nhất là nhẩm đi nhắc lại câu đó trong lòng, đặc biệt lưu ý đến điều đụng chạm tới bạn nhất.

3. Bạn hãy nói với Chúa: Bây giờ chính Chúa đã mở ra cuộc đối thoại qua Lời của Người, bạn hãy đáp lời  trong thân tình như một người bạn tâm tình với bạn mình.

4. Bạn hãy nâng tâm hồn lên tới Chúa: Bạn hãy giữ tâm hồn bạn cận kề bên Người trong khiêm tốn, hiến thân, tôn thờ, theo sự thúc đẩy của tình yêu.

******

1. ĐỌC

* Khi mở Sách Kinh Thánh, bạn đừng chọn một bản văn cách tình cờ hay gặp đâu đọc đấy, vì để đảm bảo một liên tục trong Lectio, nên đọc một cuốn trong Kinh Thánh từ đầu tới cuối, hoặc đọc các bài đọc trong phụng vụ. Đối với những người mới thực hành Lectio divina, thường nên khuyên họ theo các bài đọc trong Thánh Lễ hằng ngày, nhất là bài Phúc Âm.

* Bạn đọc bản văn không chỉ một lần, nhưng nhiều lần. Cũng khuyên đừng chỉ đọc bằng mắt, nhưng môi miệng bạn nên phát thành âm, và khi có thể còn nên đọc lớn tiếng.

* Phải đọc một cách chậm rải, chú ý, tiếp nhận, kính cẩn, không nuôi tham vọng làm giàu kiến thức. Mục đích nhắm tới không thuộc lãnh vực tri thức, nhưng chính là khám phá vị ngọt thiêng liêng của bản văn. Việc đọc này chính là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và bạn. Bạn hãy chú tâm nhận ra được sứ điệp mà Chúa nói riêng với bạn qua bản văn bạn đọc.

* Đọc là một hình thức nghe luôn cho phép bạn có thể trở lại điều đã nghe. Điều quan trọng đó chính là biết lắng nghe Lời và ở lại trong Lời.

* Viện phụ Delatte đã viết cho các đan sĩ:

    “Thánh Kinh, đó chính là thư của Thiên Chúa gửi cho tạo vật của Người; hơn nữa đó còn là thư tình và do vậy đọc thư đó không theo tính cách phân tích văn phạm. Cần phải đọc bằng cặp mắt của trái tim”.

* Đọc chậm rải, an bình và nên lập lại nhiều lần để khắc ghi bản văn trong trí nhớ và trong trái tim của bạn giống như cây bút viết trên sáp mềm.

* Đừng để mình bị lừa dối cho rằng bài đọc không dễ. Chắc hẳn, đọc thì đơn giản, nhưng có nhiều kiểu đọc. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rõ rằng đọc như là một việc làm đầu tiên của Lectio divina chỉ có thể dẫn đấn chiêm ngắm khi hội đủ một số điều kiện:

            - nếu đọc đúng cách;

            - nếu biết đọc lại nhiều lần;

            - nếu việc đọc mở ra cho suy tư việc suy tư này lại hướng dẫn và soi sáng cho việc đọc;

            - nếu việc đọc dẫn tới cầu nguyện;

            - và, cuối cùng, nếu việc đọc này sẽ đưa vào an bình và nghỉ yên trong Chúa.

*****

2. SUY

* Suy, đó chính là nhai, là nghiền ngẫm... vì đó chính là: lặp lại, suy nghĩ, nhớ lại, giải nghĩa, đi sâu vào... Như thế Lời được hiểu kỹ hơn, được lĩnh hội. Sự lĩnh hội Lời vừa đọc, lắng nghe có kết quả như thể làm cho chúng ta nếm hưởng được vị ngọt, giúp chúng ta nhận ra được từng ý nghĩa sâu xa của Lời.

* Tới giai đoạn này, việc đọc phải trở thành suy niệm chăm chú và sâu đậm bởi vì suy niệm ở đây trước hết là đào sâu sứ điệp mà bạn đã đọc và Chúa muốn nói với bạn.

* Cần thiết phải tin chắc rằng suy niệm không có gì giống với việc tìm kiếm, phân tích hay chú giải. Suy niệm chú ý đến bản văn để khám phá ra sự phong phú, điểm thiêng liêng ẩn tàng, sứ điệp chính. Dừng lại ở những chữ chưa biết, gây ngạc nhiên, những từ mới. Dừng lại ở một câu hay một lời. Suy niệm đưa ta nhớ tới một câu khác trong Cựu hoặc Tân Ước.

* Khi một đoạn văn nào đãy đánh động, gây cho ta chú ý, cần phải đọc và đọc lại, nhai đi nhai lại, đưa vào trí nhớ của ta để  nghiền ngẫm nó ngay cả khi ta đã xong Lectio divina.

* Cũng cần nên đặt những câu hỏi cho mình. Bài đọc Kinh Thánh này đề nghị với tôi điều gì cho cuộc sống thiêng liêng của tôi, cuộc sống luân lý của tôi, cuộc sống con người của tôi? Bản văn của Lời này có thể soi sáng gì cho tôi để giải quyết một số vấn đề (cá nhân, cộng đoàn hay điều gì khác)? Đó chính là hiện tại hóa, tiếp nhận những ánh sáng và những giá trị chất chứa trong bản văn Kinh Thánh.

* Hiểu được bản văn Kinh Thánh trong Lectio divina phần lớn lệ thuộc vào khả năng cải thiện của tôi về kiến thức Kinh Thánh nhờ chính Sách Kinh Thánh. Tôi sẽ luôn hiểu sâu hơn khi nhớ đến, đối chiếu với những bản văn tương tự. Điều này sẽ soi sáng, giúp khai triển sứ điệp và nhờ Chúa Thánh Thần tác động cho ta hiểu sâu, hiểu đầy và hiểu cách thiêng liêng hơn. Dĩ nhiên, được thế cần phải năng đọc Kinh Thánh. May mắn là từ ít năm nay chúng ta có những bản dịch Kinh Thánh mới với những chú giải bổ ích phong phú.

*****

 

 

3. CẦU

* Bạn đã lắng nghe qua việc đọc và suy, bây giờ bạn có thể nói qua cầu nguyện. Nếu bạn đã biết điều bản văn nói lên và nói với bạn, bạn có thể nói với Người điều gì?

* Lời đã đến với bạn qua bản văn, qua việc đọc; Lời đã được đào sâu tìm hiểu qua việc suy niệm. Bây giờ Lời quay trở lại với Thiên Chúa dưới hình thức của cầu nguyện. Cầu nguyện chúc tụng, tạ ơn, xin ơn, tạ lỗi v.v...

* Ở đây chúng ta đi vào đàm đạo với Chúa. Chính là lúc con tim của bạn, tâm hồn của bạn đáp lại Chúa đã nói với bạn qua Lời của Người.

* Bây giờ bạn hãy nói với Chúa, trả lời Người, đáp lại những mời gọi, những linh hứng của Người, điều Người xin bạn, sứ điệp Người nói với bạn qua Lời mà bạn đã đọc, đã lắng nghe, đã hiểu, đã đào sâu nhờ Chúa Thánh Thần trợ giúp.

* Bạn đừng quá dừng lại ở suy nghĩ; hãy đi vào đàm đạo và nói như một người bạn nói với bạn mình ( Đnl 34, 10).

* Nếu có những chữ lúc đầu cảm thấy khó, bạn hãy nhớ rằng sự thinh lặng cũng là một cách thế đáp lời, tốt đối với người cầu nguyện trong việc quên mình và cũng tốt đối với Đấng biết mọi sự.

* Bạn hãy cố gắng tôn trọng tiến trình song đôi này:

 1- Để cho Chúa xuống trong bạn, bởi vì cầu nguyện trước khi là một việc nâng tâm hồn lên tới Chúa, đầu tiên là việc Chúa xuống trong bạn. Người đến gặp gỡ bạn để đi vào đàm đạo với bạn.

 2- Tiếp đến bạn hãy để cho lời nguyện của bạn thoát ra. Chúa Giêsu khuyên thánh nữ Catarina Sienna: “Con hãy tạo cho mình thành sức chứa, Thầy sẽ biến mình thành suối tuôn trào”. Lời cầu nguyện phải đơn sơ, tự nhiên. Lời cầu nguyện ở đây là kết quả, có nghĩa là hoa trái của việc đọc và suy, hơn là một phương thế để tiếp cận với thần linh.

* Lời đã đến trong bạn và bây giờ đương nhiên Lời quay trở về với Người dưới hình thức cầu nguyện. Hiểu thế, thánh Augustin đã nói: “Khi bạn lắng nghe là lúc Chúa nói với bạn; khi bạn cầu nguyện, là bạn nói với Chúa”.

* Cầu nguyện chính thật phát sinh từ Lời của Thiên Chúa và được Lời của Thiên Chúa nuôi dưỡng. Đó là lời cầu nguyện dâng lên từ một trái tim được chính Lời đánh động. Vậy bạn hãy cầu nguyện với chính những lời của Thiên Chúa. Đây chính là thời gian tuyệt vời của cuộc đàm đạo thân thương âu yếm: nếu bạn kiên trì, bạn sẽ đi từ ngỡ ngàng tới ngạc nhiên thán phục.

* Khi bạn gặp khó khăn cầu nguyện, bạn hãy đơn sơ chậm rải - và nếu cần thì lặp lại nhiều lần - kinh Lạy Cha. Đó chính là kinh nguyện của Chúa Giêsu, lời kinh mà Người đã dạy chúng ta và luôn xứng tầm với mọi môi miệng và mọi con tim!

*****

4. NGẮM (CHIÊM NIỆM)

* Đó chính là lúc đàm đạo êm đềm với Thiên Chúa, không với một ước mong nào khác ngoài ước mong ở gần kề bên Người. Sự hiện diện này và sự ở gần kề này luôn im lặng hơn, như trong một cuộc đi dạo của hai người yêu nhau, vào một lúc nào đó, sau khi đối thoại và vui sướng được gặp lại nhau, người ta chỉ đơn sơ ở gần kề bên nhau, ở bên cạnh nhau. Như thế, luôn gần với Chúa hơn, ta nhận thức được ý tưởng của Người sâu xa hơn, ta cảm nhận lòng Người rộng mở và ta chỉ việc buông mình đi vào.

* Không còn nghi ngờ gì cả, từ giờ phút này Người đối diện với ta; ta chỉ còn cần phải nhìn Người, chiêm ngắm Người, như Maria Madalena kề bên chân Thầy. Bỡ ngỡ, ngạc nhiên, cảm phục: Chiêm nắm là thế và chỉ là thế. Chiêm ngắm không phải là xuất thần, cũng không phải là một trải nghiệm ngoại thường, nhưng là rất bình thường: nhìn chính Người và để cho Người thâm nhập vào mình.

* Chiêm ngắm, đó chính là gặp gỡ Lời vượt trên những ngôn từ.

* Chiêm ngắm là khát mong tạo nên do sự vắng mặt bề ngoài, hay thỏa thuê về sự hiện diện của nhau.

* Chiêm ngắm là sự phản kháng kiên nhẫn và êm dịu của lòng kiên trì của ta. Nó là sự trung thành chờ đợi trong thinh lặng. Chiêm ngắm, chính là “biết kiên trì”!

* Chính yếu là biết đặt mình trong tư thái sẵn sàng, biết đi vào trong chính mình để gặp gỡ Đấng ngự trong đó. Tác giả Tauler nói: “Thiên Chúa thường đến gặp thăm ta, nhưng ta thường không có mặt trong nhà mình”.

* Chiêm ngắm không là gì khác ngoài việc đàm đạo lòng với lòng, êm đềm và an bình với Chúa và trong Chúa, không cần phải rườm lời để tạo lên sự gần gũi này. Sự thinh lặng thay cho ngôn từ.

* Chiêm ngắm không do cố gắng suy niệm và ý chí thao tác gì cả, nhưng là một ơn ban của Đấng soi sáng đôi mắt của lòng ta (Chúa Thánh Thần).

* Chiêm ngắm không phải là điều  ta đạt được do những cố gắng cá nhân mình, không phải là một trạng thái đến từ bên ngoài; nhưng đó chính là quả tự mhiên, chín mùi từ hạt mầm của việc chúng ta cầu nguyện với Lời Chúa (Cầu nguyện dưới tác động của Lời Chúa: Lectio divina).

*****

Trích trong “Thang đan sĩ” của Guigues Ile Chartreux:

Đọc là tìm kiếm sự dịu dàng của đời sống vĩnh phúc, suy niệm thì tìm ra nó, cầu nguyện là để xin nó, chiêm ngắm là để cảm nếm nó. Đó chính là lời Chúa nói: Hãy tìm sẽ thấy. Hãy gõ thì cửa sẽ mở cho. Hãy tìm bằng cách đọc, sẽ gặp được bằng cách suy niệm. Hãy gõ bằng cầu nguyện, và hãy vào bằng suy ngắm.

Việc đọc đem đến cho miệng ta một lương thực bổ dưỡng, suy niệm làm ta nhai và nghiền nát lương thực đó, cầu nguyện giúp ta nếm hưởng được sự êm dịu đó, còn chiêm ngắm là chính sự dịu dàng đó, nó làm ta cứ vui thỏa và đổi mới ta.

Đọc thì còn ở một lớp vỏ, suy niệm thì ở trong tủy, cầu nguyện thì ở trong việc diễn tả ước muốn, còn chiêm ngắm ở trong niềm vui sướng cảm nhận sự dịu dàng đã đạt được.

.....

Đọc là một chăm chú học hỏi Kinh Thánh với tinh thần     gắn bó.

Suy niệm là một việc làm của trí tuệ, để thăm dò tỉ mỉ một chân lý ẩn kín.

Cầu nguyện nâng tâm lòng lên với Chúa để tránh xa những điều xấu và đạt được những điều tốt.

Chiêm ngắm, là nâng hồn lên trong Chúa, nếm hưởng những niềm vui êm dịu vĩnh hằng.

...

Đọc, suy niệm, cầu nguyện và chiêm ngắm, được kết nối với nhau cách rất chặt chẽ và sẵn sàng hỗ trợ nhau mỗi khi cần, đến độ những bậc thang đầu tiên chẳng dùng gì được nếu không có những bậc thang sau và như vậy chẳng bao giờ người ta có thể đạt tới bậc này nếu không đi qua bậc kia, hoặc trừ trường hợp rất ngoại lệ.

Vậy đâu là sự suy niệm có hiệu quả? Chính là suy niệm dẫn đến cầu nguyện sốt sắng và việc cầu nguyện này thường dẫn tới việc chiêm ngắm rất êm dịu ngọt ngào.

----

Như thế, không có suy niệm, việc đọc chỉ là khô khan; không đọc, suy niệm sẽ đầy sai lầm; không có suy niệm, cầu nguyện sẽ nguội lạnh; không có cầu nguyện thì suy niệm cũng chỉ vô ích và chẳng mang tới kết quả gì. Cầu nguyện và lòng sùng kính kết hợp với nhau đạt được chiêm ngắm; trái lại, đạt được chiêm ngắm không cần cầu nguyện thì thật là một ngoại lệ hiếm có và có thể là một phép lạ.

*****

(Theo một tài liệu của đan viện Lérins)



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!