Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gia Đình Lectio Divina
Mục Lục

LỜI NGỎ

Giải thích hình Lectio divina

I. Dẫn nhập

II. LECTIO DIVINA là gì?

III - VII

VIII. Những giai đoạn thực hành Lectio divina

IX. Việc đọc Lời Chúa Theo cha Daniel

PHỤ LỤC

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

LECTIO DIVINA - Cầu Nguyện Dưới Tác Động Của Lời Chúa

LECTIO DIVINA học trong trường Mẹ Maria

LECTIO DIVINA - Cầu Nguyện Dưới Tác Động Của Lời Chúa
PHỤ LỤC

 

1. KỸ THUẬT ĐỌC LỜI CHÚA

 

Đọc Lời Chúa phải thật chậm rải, lắng lòng nghe để nâng bạn lên hiệp nhất và gặp gỡ Thiên Chúa. Ngài sẽ bộc lộ chính Ngài cho bạn và giúp bạn tin yêu.

Phương thức đọc Lời Chúa gồm có 3 giai đoạn như sau:

1/ Đọc (lắng nghe)

2/ Suy niệm

3/ Cầu nguyện  - 

4/ Kết hiệp

(theo truyền thống gồm bốn giai đoạn:
  Đọc, suy niệm, cầu nguyện và chiêm ngắm)

1- Đọc/ Lắng nghe (Lectio)

a/ Nghệ thuật Đọc là biết trầm lắng nghe, bằng “cái tai của con tim” để nhận ra được tiếng nói bình lặng, êm dịu, nhỏ bé của Chúa.

b/ Bạn hãy nhớ lại Lời Chúa phán bảo Tiên tri Êlia như sau: Người nói với ông: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa. Kìa Đức Chúa đang đi qua”. Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi ông: “Ê-li-a, ngươi làm gì ở đây”? (1V 19, 11-13).

Tiếng nói của Chúa nhẹ nhàng, thì thầm đụng chạm đến trái tim của bạn; đang thể hiện sức sống của Ngài tràn ngập tâm hồn bạn.

c/ Muốn nghe được tiếng nói êm dịu của Ngài, bạn cần phải học sống và yêu thinh lặng. Nếu bạn cứ nói hoài hoặc trong tâm óc chứa đầy những tiếng ồn ào, uế tạp, bạn sẽ không nghe được tiếng êm dịu của Ngài. Vậy bạn cần lắng trầm mình xuống để có thể lắng nghe.

d/ Kiểu đọc này khác hẳn khi ta đọc sách báo, người ta đọc như cái máy, như chạy bộ; nhưng bạn cần lắng nghe một cách tôn kính, trầm lặng và yêu mến. Bạn phải lắng nghe tiếng nói tĩnh mịch và nhỏ nhẹ do chính Chúa đang nói với bạn.

2- Suy niệm (Meditatio)

a/ Suy niệm là khi thấy lời nào, câu nào vừa đọc, đang nói với ta một cách thân tình, rung động, bạn hãy dừng lại đó và nhai đi nhai lại cho tới khi nhuần nhuyễn. Nhai như con trâu, con bò nhai cỏ một cách bình lặng.

b/ Hoặc bất kỳ hình ảnh nào như bạn noi gương Đức Maria trong đêm Giáng sinh. Sau khi đã nghe những người chăn chiên tường thuật những chuyện lạ về Chúa Giêsu: “Mẹ ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19).

c/ Như vậy, khi đọc Kinh Thánh, bạn hãy nhớ câu nào gây cho mình chú ý, cảm kích, hãy nắm giữ lại lời ấy và nhẹ nhàng lặp lại êm đềm, nhuần nhuyễn cho tới khi chuyển hóa vào ý nghĩ, tâm tư của bạn. Khi đó Lời Chúa sẽ thực sự đụng chạm và tác động thâm sâu vào đời sống thực tế của bạn.

3- Cầu nguyện (Oratio) 

a/ Bước thứ ba trong việc đọc Lời Chúa là Cầu nguyện để đối thoại, trò truyện thân mật với Chúa, Đấng mời gọi bạn đi vào tình yêu thương ấp ủ của Người.

b/ Cầu nguyện cũng là hiến dâng, là hiến tế trọn vẹn để Lời Chúa thay đổi bạn, như linh mục hiến dâng của lễ lên Chúa trong Thánh lễ. Bạn hãy dâng lên Chúa tất cả, nhất là những cảm nghiệm khó khăn và đau thương nhất.

 

4. Tiến vào kết hiệp

a/ Bạn cứ ngồi yên trong sự hiện diện của Chúa bao trùm. Chúa sẽ dùng Lời Người như một phương tiện mời gọi bạn nhận sự ôm ấp biến đổi. Vì bạn đang trong vòng tay yêu thương nên không cần ngôn ngữ diễn tả nữa.

b/ Khi bạn đã tiến vào mối dây thông hiệp với Chúa, không cần nói gì nữa, chỉ cần yên lặng trong sự hiện diện của Người.

c/ Bạn cần tu luyện thinh lặng, không cần tới lời nói nữa, lúc này bạn chỉ ngây ngất cảm nghiệm Chúa đang hiện diện trong bạn.

Những bản văn Kinh Thánh thấm tràn đức tin của những người đã viết ra. Một cách thế tốt để đọc Kinh Thánh là cố gắng tìm kiếm chứng từ đức tin. Tất cả mọi kitô hữu, nhờ chính đức tin của riêng mình, có thể khám phá ra những khía cạnh của chứng từ này và dùng đó để làm cho việc cầu nguyện của mình thêm phong phú.

Chú ý đến chữ, đến câu, cách diễn tả có sắc thái tôn giáo là một cách thế để đạt tới được việc nhận ra đức tin có trong bản văn. Ghi nhớ lại một câu, một lời, một ý nguyện để nghiền ngẫm, để nhắc nhớ lại trong ngày càng nhiều lần càng tốt (cũng có thể biến nó thành tư tưởng duy nhất trong ngày thì càng tốt, các thánh tu rừng ngày xưa chỉ làm có vậy!). Trong ngày sống, có vô vàn “khoảng trống” để chúng ta có thể làm chuyện này: lúc rảnh rỗi,   di chuyển, lúc ngồi chờ việc gì đó. Tập đưa câu Lời Chúa vào   trong trí nhớ để rồi Lời Chúa sẽ là lương thực tuyệt vời cho tâm trí chúng ta.

Chẳng có qui luật nào cho việc chọn câu Lời Chúa. Có thể ghi nhớ một câu nào đó đánh động mình nhất khi đọc hay nghe Kinh Thánh. Trong mức độ có thể, mỗi khi trong ngày nhắc nhớ đến lời Kinh Thánh đã chọn, bạn nên và chỉ cần để ra vài giây để dâng một lời kinh đơn sơ nhắc bạn kết hiệp với Chúa Giêsu. Cách thực hành này phải rất bộc phát, không cần phải suy nghĩ gì lâu dài. Nhưng nên làm càng nhiều lần càng tốt... Một khi đã thành thói quen (mà nhân đức cũng chỉ là thói quen tốt đấy thôi!), thì 60 giây trong một phút, 60 phút trong một giờ, và 24 giờ trong một ngày tâm trí bạn sẽ luôn tưởng nghĩ tới Chúa. Các thánh tu rừng xưa kia đã đạt được điều đó, chúng ta cũng có thể, nếu muốn.

Đôi khi chúng ta có cảm tưởng cứ lặp đi lặp lại hoài một lời, một câu. Nhưng có sao đâu. Ngôn từ của đức tin cũng giống như ngôn từ của tình ái. Khi yêu nhau làm gì có chuyện nhàm chán một lời yêu cho dù có nhắc đi nhắc lại trăm lần trong ngày... Do đấy, cần yếu tố tình yêu đối với Chúa (cụ thể ban đầu là đối với Chúa Giêsu).

Nếu giả như trong Tin Mừng Thánh Lễ của ngày chẳng có lời nào đánh động tâm tình bạn để bạn ghi nhớ, bạn đừng mất công khổ sở mò tìm. Đơn sơ sử dụng lại một lời của những ngày hôm trước, hoặc dành giờ mở Sách Kinh Thánh ra đọc tiếp chương sách bạn đang tiếp tục đọc (giả định rằng Kinh Thánh là cuốn sách bạn đọc hằng ngày...). Tuy nhiên bạn cũng nên lưu ý rằng, nhiều khi Chúa để chúng ta không dễ dàng hiểu hoặc chẳng hiểu gì với mục đích giúp chúng ta khiêm tốn đón nhận Lời, cầu xin Chúa Thánh Thần... Bạn cần kiên trì trong suy niệm và cầu nguyện. Đừng vừa thấy khó là bỏ qua. Lúc khác thuận tiện, nên tìm đọc trong các sách chú giải hoặc đơn sở hỏi người khác.

  

LECTIO DIVINA:

 

2. CẦU NGUYỆN

DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA LỜI CHÚA
NHƯ THẾ NÀO?

 

TỔNG HỢP LECTIO DIVINA

Phải quyết định dành 55 phút cho Chúa Kitô. Nếu cần, nên cầu nguyện để có được thời gian tối thiểu này.

Lectio divina là như một cuộc Truyền Tin nhỏ trong đó mỗi ngày chúng ta được mời gọi tiếp nhận một Lời của Chúa Kitô như Mẹ Maria, nhờ Mẹ Maria và với Mẹ Maria. Cần phải nhập thể Lời này trong ta. Lectio divina là một Bữa Ăn đích thật. Cần phải có ít là 55 phút để ăn, để nhai, để tiêu hóa, để hấp thụ Lời được Chúa Giêsu nói với ta hôm nay. Sau đây chúng tôi tổng hợp 15 giai đoạn cần theo để thực hành Lectio divina.

I- CHUẨN BỊ

1- Ngồi

Ngồi ở một nơi yên tĩnh và cô tịch; tốt nhất là vào buổi sáng.

2- Hiện diện với Chúa Kitô

Đặt mình hiện diện trước tôn nhan Chúa Kitô.

Những phương thế có thể giúp ta: làm dấu thánh giá, vài lời kinh ngắn gọn, ảnh tượng, nến, tràng chuỗi v.v…

3- Xác tín rằng Chúa Kitô muốn nói với ta

Giục lòng xác tín Tình Yêu Chúa dành cho tôi và Ước Muốn của Chúa về tôi hôm nay: Người nói với tôi, cải hóa tôi, ban cho tôi Sự Sống của Người qua Lời của Người là chính Thần Khí và Cuộc Sống Thiên Chúa của Người.

4- Tuyệt đối dành ưu tiên cho Chúa Kitô

Quẳng gánh lo đi, dâng cho Chúa tất cả những bận tâm của ta, ưu tiên thuộc trọn về Chúa Kitô là Đấng muốn nói với ta. Không lấy gì làm hơn Chúa Kitô là Đấng sẵn sàng nói với ta lúc này.

5- Dâng hiến ta cho Chúa Kitô không điều kiện

Cũng như đáp lại Ơn Chúa sắp ban, tôi sẵn sàng dâng hiến Chúa toàn thân tôi, vô điều kiện. Tôi làm hết cách chú tâm lắng nghe Chúa nói với tôi qua các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay (dù không thể tham dự Thánh Lễ).

II- THAO TÁC

Giai đoạn tích cực tìm hiểu

Giai đoạn này rất cần. Chúng ta góp phần mình vào việc tìm hiểu Lời mà chúng ta đọc! Ơn liên quan cần thiết lúc này là sự trợ lực chung của ơn sủng được ban cho mọi người. Sự cố gắng này giúp ta đào sâu những ý nghĩa, tìm hiểu, cố công vượt lên đạt tới điểm gặp gỡ của tác động trực tiếp với chính Chúa Kitô.

6- Đọc (lần 1) để hiểu

Đọc 4 đến 5 lần bài đọc thứ nhất (hoặc hai bài đọc đầu tiên của các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng), rồi đọc 4 đến 5 lần bài Phúc Âm. Tìm hiểu ý nghĩa của các bản văn. Có thể sử dụng những chú thích ở cuối trang dể giúp hiểu được phần nào). Những lời hiểu được là như những phím đàn đã được chọn nhấn hoặc như những màn che đã được vén lên. Như thế Thần Khí có thể thổi, diễn tấu, nói, giúp ta nhận ra được Tiếng của Người.

Giai đoạn lắng nghe: cầu xin Chúa Thánh Thần

“Giai đoạn lắng nghe” dễ được cảm nhận hơn. Giai đoạn này giúp ta có cái nhìn trong suốt. Nó đòi ta phần nào phải thoát khỏi bản văn để chính Chúa Kitô sở hữu bản văn đó và dùng bản văn đó nói với ta. Trong giai đoạn lắng nghe này ta tha thiết nài xin Chúa Thánh Thần giúp ta vì thiếu ơn Người ta không thể nhận ra được Lời của Chúa Kitô qua những hàng chữ Kinh Thánh. Ơn liên quan cần thiết lúc này là sự trợ lực đặc biệt của Ân Sủng. Chính từ lúc này và cho tới lúc đem ra thực hành Lời Chúa, có nghĩa là tới cuối Lectio divina, tác động của Thần Khí có tính cách trực tiếp và cá nhân.

7- Đọc (lần 2) để nhận ra ý muốn của Chúa Kitô

Khi đọc, ta xin Chúa Thánh Thần giúp ta biết lắng nghe Chúa: “Lạy Chúa, hôm nay Chúa muốn con điều gì” / “Xin Chúa soi sáng con”.

8- Đọc (lần 3) để tìm ra một ánh sáng duy nhất

Đọc lại hai bài đọc, đồng thời giục lòng muốn nhận ra ý Chúa Giêsu cho tôi hôm nay. Thường chỉ một ánh sáng (ý Chúa) cho mỗi ngày. Lúc này tôi có thể ghi lại những lời đánh động tôi nhất.

9- Đọc (lần 4) phân biệt ánh sáng rõ ràng

Đọc lại những lời đánh động mình nhất (không phải là cả bài đọc). Thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa, hôm nay Chúa muốn con làm gì, thực tế, cụ thể”? Cứ hỏi và chờ đợi cho tới khi nhận rõ ra được điểm thực tế đặc biệt đưa ra thực hành ngày hôm nay. Nhất thiết là phải hạ mình xuống cho đến khi Ánh Sáng chạm tới một điểm ở mảnh đất lòng ta.

10- Viết vào nhật ký những chữ gây cho ta động lòng

Ngắn gọn ghi lại ánh sáng vừa tiếp nhận được để giúp ta ý thức hơn. Ít ra viết những chữ, những câu Chúa đã dùng để nói với ta và từ nay mang một ý nghĩa sống động cho ta. Nhìn tổng kết Ánh Sáng, Lời cho tôi hôm nay.

III- THỰC THI

11- Cầu xin Chúa Thánh Thần giúp ta thực hành Lời

Cầu xin Thần Khí ban sức mạnh để có thể đem ra thực hành ánh sáng đã nhận được: “Lạy Chúa, xin ban cho con Sức Mạnh của Chúa để con thực hành Lời Chúa nói với con”

12- Tạ ơn, chìm sâu trong Ngài

Dành đôi phút thinh lặng để suy nguyện, chìm đắm trong Chúa để tạ ơn Chúa đã đến nói với tôi, cho tôi sống kết hiệp với Chúa và cho tôi cảm nghiệm được gần gũi Chúa.

13- Thực hành Lời ta đã tiếp nhận

Đưa vào thực hành Lời tôi đón nhận hôm nay. Đó là hành động nền tảng và là lúc quyết định của Lectio divina. Hành động này được thể hiện ngay trong giờ Lectio divina nếu nó thuộc lãnh vực hoàn toàn nội tâm, hoặc sau giờ Lectio divina hay trong ngày.

14- Làm cho Lời vang âm suốt ngày sống

Trong ngày cần lưu tâm sống kết hiệp dưới Ánh Sáng này. Cũng cần làm cho Lời vang âm trải qua các biến cố của ngày sống.

15- Tạ ơn vào cuối ngày

Cuối ngày, kiểm điểm xem ta có cho Lời nhập thể hay không, vui mừng tạ ơn Chúa đã ban sức mạnh Thần Khí của Người giúp ta chu toàn Lời Người đã ban cho ta qua Lectio divina.

Jean Khoury

trong “Lectio divina: học ở trường Mẹ Maria

Fr. M. Bảo Tịnh chuyển ngữ 2010

(đã có tại các nhà sách Công Giáo)

 

 

 3. LECTIO DIVINA VÀ PHỤNG VỤ GIỜ KINH

 

Trong những năm vừa qua nhiều kitô hữu đã có thói quen cầu nguyện bằng Phụng Vụ Giờ Kinh. Phương pháp cầu nguyện này có cái ưu việt, vì là lời cầu nguyện chính thức của Giáo Hội. Trong lời cầu nguyện này, chúng ta là Dân Chúa được liên kết cách đặc biệt với Đức Kitô là Đầu và là Đấng Trung Gian để dâng lên Chúa Cha danh dự và ngợi khen mà ta có nhiệm vụ phải làm, đồng thời bày tỏ những ơn cần thiết của Dân Chúa và của thế giới. Giáo Hội theo truyền thống lâu đời yêu cầu những người được liên kết cách riêng với Đức Kitô trong bí tích Truyền Chức thánh phải trung thành với việc đọc lời kinh này mỗi ngày. Cả những người đáp lời mời gọi của Chúa dâng hiến đời mình sống trong tình thân với Người bằng lời khấn giữ những lời khuyên Phúc Âm cũng được yêu cầu trung thành tham dự vào lời kinh của Đức Kitô và Giáo Hội Người. Sau cuộc canh tân và ý thức sâu hơn về lời mời gọi nên thánh phổ quát của Dân Chúa, nhiều tín hữu ngày nay đã theo chân linh mục, tu sĩ trong cách cầu nguyện này.

Dưới sự thúc đẩy mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần, Phụng Vụ Giờ Kinh đã được canh tân, sao cho thích hợp hơn với đời sống của những người dấn thân hoạt động cho Giáo Hội và cho xã hội, còn hình thức nguyên thủy thích hợp cho đời sống tu sĩ thì dành cho các tu sĩ nam nữ. Phụng Vụ Giờ Kinh giờ đây gồm Kinh Sáng và Kinh Chiều, với một giờ nhỏ vào ban ngày có thể đọc vào giờ nào thuận tiện, và một giờ nhỏ Kinh Tối đọc vào cuối ngày. Ngoài ra, có giờ Kinh Sách, đó chính là giờ kinh Lectio.

Không nên ngạc nhiên khi thấy có giờ Lectio trong Phụng Vụ Giờ Kinh. Điều quan trọng cần nhớ luôn là Phụng Vụ Giờ Kinh chính là phương thế cầu nguyện. Ta đã thấy rằng cầu nguyện, tiếp cận, hiệp thông với Chúa phải là con đường hai chiều. Phải là thời gian để nghe cũng như để nói. Và người khôn thường lắng nghe đối tác nếu đối tác là Đấng Toàn Khôn. Trước kia, Phụng Vụ Giờ Kinh Sách được gọi là “Canh Thức” (hay Kinh Đêm). Phụng vụ này thường được cử hành vào đêm trước, lúc sáng sớm trời còn tối. Thánh Biển Đức truyền rằng phải đọc giờ kinh đó một giờ sau nửa đêm. Tu sĩ Dòng Xitô là những người muốn giữ luật thánh Biển Đức cặn kẽ tuyệt đối, thường thức dậy khoảng lúc 3 giờ sáng để đọc kinh phụng vụ này (Tùy mỗi đan viện, ở Việt Nam các đan sĩ Xitô thường đọc sau Kinh Tối trước khi đi ngủ, chú thích của Fr. Bảo Tịnh 0cist)). Thời biểu đó thường không thích hợp với những người sống đời hoạt động thời nay, nên sau cuộc canh tân Phụng Vụ Giờ Kinh, giờ kinh này bây giờ đúng tên gọi: giờ Kinh Sách, có thể cử hành vào bất cứ giờ nào thích hợp nhất cho người đọc.

Vì Phụng Vụ Giờ Kinh là một phương thức cầu nguyện, nên nó đã xếp để giúp ta cầu nguyện. Nếu chỉ đọc cho đủ mọi chữ trong sách (gọi là “đọc” giờ kinh) thì không có công phúc gì. Linh mục nào chỉ coi Phụng Vụ Giờ Kinh (còn gọi là Sách Nguyện) như thế sẽ không thể cảm thấy nó có đủ ý nghĩa đáng để đọc trung thành, và họ sẽ chỉ cảm nghiệm nó như một thực hành nặng nề hơn là lời cầu đem tươi mát, như là cuộc hiệp thông thân tình với Chúa, Đấng mà họ yêu mến và là Đấng yêu thương họ.

Đối với những ai tự nguyện buộc mình cầu nguyện Phụng Vụ Giờ Kinh, thì giờ Kinh Sách chính là Lectio của họ. Và giờ kinh đặc biệt này phải được tiếp cận như thế. Những câu mở đầu giờ kinh là lời cầu xin trợ giúp kêu cầu Chúa Thánh Thần. Thánh Vịnh tiếp theo đó là lúc thần trí ta lắng đọng và thật sự đi vào thánh nhan Chúa. Các Thánh Vịnh giúp ta giũ bỏ những lo âu, những việc đang làm, giải thoát ta và mở rộng hồn ta để lắng nghe và giúp ta nghe được điều gì Chúa muốn nói với ta hôm nay.

Ngay khi khởi đầu cuộc lắng nghe những bài mà Giáo Hội đã lựa chọn cho ta đọc hôm đó, thì tốt nhất, ta nên ấn định cho mình một khoảng thời gian hợp lý để đọc giờ Kinh Sách. Ta cũng có thể ấn định chi tiết hơn, bao nhiêu phút để đọc những Thánh Vịnh chuẩn bị, bao nhiêu phút cho những bài đọc. Như thế, nếu một câu Thánh Vịnh nào đó lên tiếng nói và kêu gọi ta vào hiệp thông sâu hơn với Chúa một lát, thì ta có thể làm như thế trong khoảng thời gian đã ấn định hoặc một thời gian dài hơn nếu ta có thể tự cởi trói cho mình. Hãy nhớ rằng Phụng Vụ Giờ Kinh là một phương pháp cầu nguyện. Không có vấn đề đọc dài hay ngắn, mà vấn đề là ta sử dụng bản văn có đó để cầu nguyện thực sự. Nếu một ngày nào đó ta không cần đến bản văn bài đọc đã cho, hoặc chỉ cần một phần nhỏ, để khởi đầu cầu nguyện thực sự với Đức Kitô và Giáo Hội, thì việc đọc toàn bộ bản văn không còn là cần thiết. Thật vậy, cứ tiếp tục đọc, thay vì đi vào cầu nguyện sâu, là bỏ mất toàn bộ cái ý nghĩa của cái mà Giáo Hội muốn cho ta làm. Bởi vậy, giả sử ta định năm phút để đọc Thánh Vịnh và ta đọc Thánh Vịnh trong khoảng thời gian đó, hoặc đọc một câu, hai mươi câu hay mọi câu Thánh Vịnh được in trong sách cho ngày hôm đó. Ta cầu nguyện bằng Thánh Vịnh trong khoảng thời gian ta có thể và làm đúng thời gian phân định cho việc chuẩn bị lắng nghe của ta.

Rồi ta tiến đến việc đọc sách. Và ở đây nữa, ta cũng ấn định thời giờ vì không ai buộc ta phải đọc bao nhiêu phần bản văn bài đọc. Điều ta mong muốn là ở lại bên Chúa, lắng nghe Chúa nói, và nghe những gì mà Chúa muốn nói với ta hôm nay. Nếu Chúa đong đầy lỗ tai và con tim ta ngay từ câu đầu tiên, ta sẽ ngưng ngay tại đó. Ta để cho nó nói vào thẳm sâu nội tâm ta, ban tặng ta “Lời Sống” để mang theo khi ta về với nhiệm vụ và phục vụ. Không cần tiếp tục đọc hết bài đọc được in trong sách. Nó còn ở đó đến năm tới và năm tới nữa. Nó sẽ nói với ta, hoặc Chúa nói với ta qua nó vào thời thuận tiện. Hãy đừng để mất những gì Chúa muốn nói với ta hôm nay. Và hãy để cho Lời đâm rễ sâu vào đất tốt. Hãy lượm một “Lời Sống” để đem theo, Lời mang sự linh hoạt mới cho suốt cả ngày, cho giờ cầu nguyện các Giờ Kinh Phụng Vụ khác, cho con người của ta trong cư xử với anh chị em như bản thân Đức Kitô.

Đối với những người có nhiệm vụ cầu nguyện Phụng Vụ Giờ Kinh với Giáo Hội, Lectio không phải là phụ lục, một mực thích nghi vào cuộc sống một ngày bận rộn của ta. Lectio là thành phần cấu tạo của Phụng Vụ Giờ Kinh, giờ Kinh Sách nuôi dưỡng và chuẩn bị cho ta cầu nguyện những giờ kinh khác cho sốt sắng.

(M. Basil Pennington Ocso, trong “Lectio divina, Canh Tân Phương Pháp Cầu Nguyện với Thánh Kinh, bản dịch của Lm Phêrô Nguyễn Đức Thiêm, tr. 48 - không đề năm xuất bản).

4. LECTIO DIVINA THEO NHÓM

 

            CHỌN LỜI CHÚA

          Khi thực hành  Lectio divina chung theo nhóm, người trách nhiệm chuẩn bị nên tìm chọn trướcc bài đọc Tân Ước. Vì mới đi vào thực hành nên tìm trong các Tin Mừng sẽ dê dàng thực hành suy niệm hơn.

            Chọn bản văn hoặc là của ngày lễ, của Chúa Nhật trước hoặc sau ngày hôm đó. Hoặc tốt nhất chọn một bản văn đáp ứng hoàn cảnh  sống của nhóm hoặc một chủ đích nào đó của buổi cầu nguyện v.v...

            THỰC HÀNH

Chuẩn bị:

- Chuẩn bị nơi chốn cử hành Lectio divina: Một tượng Chúa, Đức Mẹ, hoặc Sách Kinh Thánh, một cây nến, một bình bông nhỏ, đơn sơ..

- Người trách nhiệm cần chuẩn bị dọn trước bản văn Tin Mừng. Chọn người đọc tốt.

Cử hành:

Đọc kỹ đề nghị dưới đây, theo đó uyển chuyển áp dụng. Tuy nhiên luôn giữ đầy đủ những giai đoạn của Lectio và thêm vào phần chia sẻ:

a- Cầu nguyện chuẩn bị sau khi nhóm đã tề tựu đông đủ. Cố gắng đúng giờ.

b- Đọc Lời Chúa: Đọc ít nhất 3 lần theo các lược đồ đề nghị.

c- Chia sẻ sau lần đọc thứ nhất để nêu lên những điểm gây chú ý.

Chia sẻ sau lần đọc thứ hai để nói ra những suy niệm của cá nhân mình (không có tính cách giảng và huấn đức ở đây!).

Chia sẻ sau lần đọc thứ ba để dâng lời nguyện đáp lại Lời Chúa vừa mới đón nhận và suy niệm. Những lời cầu nguyện ở đây cần là những lời cầu nguyện thiết thực đáp lại Lời Chúa và tóm kết những suy niệm chia sẻ của anh chị em trong nhóm. Do vậy khi người khác chia sẻ, chúng ta cũng phải chú tâm lắng tai nghe. Và thường sau mỗi ý nguyện của một người, để ra vài giây thinh lặng rồi cùng thưa “Amen” hoặc “Xin Chúa nhậm lời chúng con” hoặc một câu đáp nào khác tương tự (nhưng phải nói trước, hoặc nhóm đọc lại theo người điều khiển nói lần thứ nhất).

Khi chia sẻ phải giữ nguyên tắc này là chăm chú nghe người khác chia sẻ, “can đảm” chia sẻ với người khác, nhưng đừng quá tham lam dành chia sẻ quá nhiều và quá dài. Phải tôn trọng anh chị em trong nhóm. Cũng đừng để thời gian thinh lặng quá dài giữa những ý chia sẻ, nhưng cũng đừng vội vã liên tục nói không để một ít giây thinh lặng.

d- Tuy thực hành Lectio chung theo nhóm, nhưng mỗi người cũng cần phải chọn một Lời Chúa để dùng cầu nguyện, tưởng nhớ đến Chúa như khi thực hành riêng.

e- Và cũng phải chọn một quyết định để cải hóa cuộc sống của mình. Hoặc khi cần, người trách nhiệm cũng có thể đề nghị một quyết định chung cho cả nhóm.

g- Hát kết thúc hoặc dâng lời tạ ơn cho buổi chia sẻ.

 

Xin đọc đề nghị tiếp sau đây:

 

MỘT ĐỀ NGHỊ

LECTIO DIVINA THEO NHÓM

 

Nhiều người cùng đọc một bản văn Kinh Thánh thường đem lại một chiều kích khác cho Lectio divina. Nhưng thực hành thế nào?  Đây là một đề nghị trong nhiều cách thế. Thực hành cho một nhóm khoảng từ 5 đến 10 người (đừng quá đông, 7 người là lý tưởng). Bản văn được chọn trong phụng vụ thánh lễ.

Cuộc gặp gỡ được bắt đầu bằng một lúc cầu nguyện ngắn gọn. Rồi đến những giai đoạn quan sát, suy niệm và cầu nguyện.

1. Cầu nguyện hoặc hát để chuẩn bị Lectio divina

Cũng có thể khẩn cầu Chúa Thánh Thần. Một bài hát tất cả nhóm đều thuộc sẽ giúp cho việc tụ họp và tạo bầu khí cầu nguyện thích hợp.

2. Thời gian quan sát

- Một người đọc chậm và lớn tiếng bản văn đã chọn trước.

- Sau đó dành ra 5, 7 phút thinh lặng tuyệt đối, mỗi người quan sát những yếu tố làm nên bản văn (ví dụ: những từ, những nhân vật, những cử động, nơi chốn, những danh xưng người ta nói về Chúa Giêsu v.v...).

- Chia sẻ.

Lần lượt mỗi người trình bày cho nhóm, qua chỉ một hai câu ngắn gọn, điều mình quan sát xét thấy là quan trọng nhất.

Thời gian quan sát này cần tất cả mọi người trong nhóm cùng có một bản dịch Kinh Thánh như nhau.

3. Thời gian suy niệm

- Người thứ hai đọc lại lớn tiếng, rõ ràng bản văn.

- Trong 5, 7 phút thinh lặng, dùng lại bản văn để cố gắng nhận ra đức tin được diễn đạt trong đó, và xét xem điều đó có vang vọng đối với đức tin của chính mình hay không.

- Chia sẻ lần nữa.

Mỗi người, qua một hai câu ngắn gọn, tóm tắt điều đối với mình là một huấn dụ về đức tin trong bản văn và có ảnh hưởng gì đối với đức tin của riêng cá nhân mình.

Để cho cuộc chia sẻ trao đổi này hoàn toàn mang tính cách cá nhân, mỗi người cố gắng diễn tả bằng ngôi thứ nhất số ít (“tôi”, “em”, “đối với tôi”, “tôi nhận thấy trong bản văn...”, và tránh những kiểu nói chung chung (như “chúng ta”, hoặc “bản văn muốn nói”...). Ở đây cốt yếu là đơn thuần là chuyển trao ý của mình cho người khác. Tránh không đi vào tranh luận. Mỗi người đơn sơ lắng nghe điều người khác nói ra...

4. Thời gian chiêm ngắm hay cầu nguyện

- Người thứ ba đọc lại bản văn lớn tiếng, rõ ràng.

- Trong 5, 7 phút thinh lặng, mỗi người cầu nguyện tùy theo quan sát và suy niệm khởi động cho cá nhân mình, và cũng từ những gì nghe được từ những người trong nhóm nói ra. Trong lời cầu nguyện cố gắng đừng quên dùng chính những từ những câu của bản văn. Mổi người chọn hình thức của lời cầu tùy theo nội dung của bản văn: tin tưởng, ngợi khen, xin ơn, chuyển cầu v.v...

- Chia sẻ cuối cùng.

Mỗi người tham dự ngắn gọn nói lên trước nhóm một câu, một lời nguyện. Mỗi người giữ lại cho mình một lời trong trao đổi để đưa vào trong kinh nguyện riêng tư của mình trong ngày hoặc trong tuần.

5. Kết thúc

Kết thúc buổi gặp mặt bằng một lời kinh của Hội Thánh mà tất cả đều thuộc (Kinh Lạy Cha, Magnificat, Kinh Tin Kính....)

Mỗi người đón nhận những gì người khác nói trong giờ Lectio divina không phán đoán, nhận định, phê bình hay góp ý. Mục đích của buổi họp mặt không phải là để học hỏi về bản văn, cũng không phải để trao đổi tranh luận về bản văn, nhưng đơn thuần là để chia sẻ niềm tin của cá nhân mình trong khi đọc bản văn đó. Thế thôi.

  

5. MỘT ĐỀ NGHỊ

THỰC HÀNH LECTIO DIVINA

TRONG GIA ĐÌNH

 

1. Đọc kinh tối trong gia đình là một điều rất cần thiết. Những gia đình nào có thói quen tốt lành này nên trung thành tiếp tục. Tuy nhiên cũng nên xem lại cách thức và nội dung kinh đọc, nhất là xét xem cách đọc kinh như thế có giúp chúng ta sống thân mật với Chúa và có “cải thiện” cuộc sống của chúng ta hay không.

2. Một nhận định chung: Phần đông các bạn trẻ “ngán” đọc kinh trong gia đình. Do vậy cũng nên tìm hiểu lý do và cách tân lối đọc kinh sao cho mọi phần tử trong gia đình đều phấn khởi tham dự.

3. Một đề nghị cụ thể: đem Lời Chúa vào giờ kinh qua phương cách đơn sơ áp dụng Lectio divina: Cầu nguyện bằng Lời Chúa, rút ra từ những chia sẻ trên đây.

4. Nhận thấy rằng mỗi buổi tối dành ra 20-30 phút để gặp gỡ Chúa qua Lectio divina là tạm đủ. Riêng ngày Chúa Nhật vì đã tham dự thánh lễ và những sinh hoạt của xứ đạo nên có thể không đọc kinh chung trong gia đình. Dẫu vậy trước khi đi ngủ, mọi người cũng nên qui tụ trước bàn thờ để lắng nghe một đoạn Tin Mừng (nên đọc bài Tin Mừng của ngày hôm sau).

5. Sau đây là diễn tiến một đề nghị Cầu nguyện với Lời Chúa mỗi tối trong gia đình.

    Chuẩn bị:

- Bàn thờ có hoa đèn đơn sơ

    - Bài đọc Kinh Thánh – Mỗi gia đình nhất thiết phải có một quyển Kinh Thánh, hoặc ít ra là Tân Ước và một bản ghi những trích dẫn các bài đọc Phụng Vụ Thánh Lễ hằng ngày (có trong các lịch Công Giáo, hoặc tờ bướm)- người được chỉ định đọc, nên dọn trước và đọc qua. Khi đọc thì đọc chậm rải để mọi người có thể lắng nghe và ghi nhớ.

a- Họp chung mọi người: những thông tin cần thiết về Giáo Hội, Giáo Xứ, Quê hương, thân tộc, lối xóm v.v... để đưa vào trong các ý nguyện. Không nên dài dòng văn tự. Chỉ thông tin, còn nếu muốn tán dài thì để lúc khác.

b- Đọc một vài kinh khởi đầu giờ kinh trong gia đình, kinh cầu xin Chúa Thánh Thần. Và gia trưởng cũng có thể đơn sơ nói vài lời dẫn vào giờ kinh. Tiếp đến:

c- Đọc Lời Chúa: Nên đọc bài Tin Mừng của ngày lễ hôm sau. Lời chúng ta đón nhận qua lắng nghe. Chính Giáo Hội đại diện Chúa chọn Lời Chúa nói với chúng ta. Chúng ta khiêm tốn đón nghe để đem vào thực hiện trong cuộc sống .

d- Nếu có sách chú giải Lời Chúa, có thể đọc cho cả gia đình. (Hiện nay có các sách loại này, nên đến tìm mua tại các nhà sách công giáo, cũng có thể nhờ cha xứ mua dùm!)

e- Dành ra chừng đôi ba phút để mỗi người suy niệm về Lời vừa nghe và đặc biệt:

g- Ghi nhận một Lời ngắn gọn trong bài Tin Mừng vừa nghe. Học thuộc lòng câu này. Dùng câu này làm kinh nguyện (Đàm thoại thân tình với Chúa khi đi ngủ và suốt ngày hôm sau. Nhắc đi nhắc lại câu này càng nhiều lần càng tốt.

h- Sau khi đã suy niệm, mỗi người có thể dâng một ý nguyện tự phát: chúc tụng Chúa, cảm tạ Chúa, cầu xin Chúa (theo ý nguyện đáp lại Lời Chúa hoặc những ý nguyện vừa nêu lên với nhau trước giờ kinh, hoặc một ý nguyện riêng tư), tạ lỗi với Chúa nếu có điều xảy ra không tốt trong gia đình.

i- Gia trưởng hay gia mẫu nói vài lời đơn sơ nhỏ nhẹ nhắc nhủ con cái những gì trong ngày thấy cần nói với các con (không la mắng ở đây). Con cái lắng nghe và ghi nhớ, đưa ra sống trong những ngày tới song đôi với thực hành Lời Chúa.

Thiết nghĩ trong giờ kinh này, cha mẹ cũng nên “can đảm” để cho con cái nói ra cảm nghĩ, nhận định của con cái đối với cha mẹ. Cha mẹ lắng nghe, không bào chữa. Cám ơn con cái nhắc nhở mình. Và để con cái “dám” ngỏ lời với cha mẹ, cha mẹ phải biết khuyến khích, tỏ ra sẵn lòng nghe con cái. Ích lợi của việc đối thoại này trong gia đình thật to lớn nếu biết dựa theo Lời Chúa mà sống cải tiến. Con cái cần được giáo hóa, nhưng cha mẹ cũng rất cần được Lời Chúa giáo hóa và những góp ý của con cái sẽ khơi động nơi cha mẹ sự cải tiến cần thiết này.

Và dĩ nhiên anh chị em cũng nên góp ý cho nhau.

k- Có thể đọc 1 kinh Lạy Cha, 3 kinh Kính Mừng.

l- Đọc kinh cám ơn.

Đề nghị diễn tiến trên đây có thể uyển chuyển tùy ngày. Tuy nhiên đừng kéo dài giờ kinh quá, bọn trẻ sẽ ngán ngẩm. Các cha mẹ hoặc ai muốn lần chuỗi đọc kinh dài hơn thì có thể đọc riêng. Dĩ nhiên ngày thứ bảy hoặc các ngày lễ kính Đức Mẹ, gia đình cũng nên lần hạt mân côi chung với nhau. Khi thấy suy niệm đủ 50 kinh là quá dài thì có thể rút ngắn lại 40, 30 hay 20 kinh, thậm chí chỉ 10 kinh. Số lượng kinh đọc không cần thiết bằng chất lượng đọc kinh. Dù lần chuỗi chung, không bao giờ bỏ đọc đoạn Tin Mừng của ngày hôm sau. 

 

6. LÀM GIÀU TÂM TRÍ BẰNG LỜI CHÚA 

Cuộc sống thiêng liêng của bạn có phong phú hay không là do bạn có được nhiều Lời Chúa trong trí nhớ, trong tiềm thức, nhất là trong tâm lòng của bạn hay không. Người ta suy tưởng bằng chính những chất liệu và kiến thức người ta có trong đầu óc. (Viết trong ngoặc đơn thôi: Chỉ cần đơn sơ lưu ý đến các bài giảng của các linh mục, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Khi không có gì trong đầu, thường các vị lấy những bài giảng có sẵn trong sách, trên mạng, đưa ra đọc cho giáo dân nghe, siêng thì lấy từ nhiều bài rồi xào nấu thành bài của mình, nhưng khi nói thì mắt cứ phải dán vào bản văn vì thực ra bài giảng không phải là của mình (ở đây xin nói rõ tôi không nói đến các linh mục chưa hoặc không có khả năng nói trước công chúng). Có những linh mục, sau khi công bố Tin Mừng, hôn Sách Thánh, xếp Sách lại và từ từ lái Lời Chúa qua những vấn đề chính trị, thời sự, chẳng ăn nhằm gì đến Lời Chúa muốn nói với tín hữu ngày hôm ấy, hoặc lôi ra những vấn đề của giáo xứ và bắt đầu khuyên, chuyển sang chửi. Lần giảng nào cũng thế. Tìm hiểu lý do dễ nhận ra rằng, trong đầu óc vị linh mục đó số vốn Lời Chúa thật là nghèo).

Tích lũy hay làm giàu Lời Chúa bằng cách siêng năng đọc Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa, đọc đi đọc lại. Phương cách viết nhật ký Lectio divina là cách thế tốt nhất, dễ dàng nhất và hiệu quả nhất. Không cần gì phải tham lam. Có những người có thói quen học thuộc lòng bài Tin Mừng ngày Chúa Nhật. Rất đáng khâm phục. Nhưng không mấy người có thể làm được. Mỗi ngày thực hành Lectio divina, đọc kỹ trong suy niệm bài Tin Mừng mỗi ngày, rút ra một câu ý nghĩa cho đời mình. Học thuộc lòng câu đó và dùng làm câu tâm tình đón nghe Chúa nói rất nhiều lần trong ngày, vừa có lợi giúp chúng ta nhớ đến Chúa, kết hiệp với Chúa nhờ câu Tin Mừng đó và đồng thời giúp chúng ta “nạp” câu đó vào trong bộ nhớ của tâm trí mình. Khi bạn có dàn máy vi tính, muốn có tài liệu để lấy ra sử dụng, bạn phải nạp các dữ liệu vào bộ nhớ. Đối với Lời Chúa cũng thế thôi. Nếu bạn muốn có Lời Chúa để sử dụng trong cuộc sống thiêng liêng của bạn, hoặc để suy nghĩ dọn bài giảng, bài thuyết trình, bài chia sẻ v.v... bạn cũng cần phải có sẵn trong kho tư liệu về Lời Chúa. Khi bạn có sẵn, bạn sẽ dễ dàng “lôi” ra để sử dụng. Theo nguyên tắc “Lời giải thích Lời”, bạn có thể gặp những Lời khó hiểu, sẽ có những Lời khác trong kho tư liệu hiện ra để giải thích Lời đó. Chúa Thánh Thần làm việc trong bạn theo phương cách tự nhiên này. Bạn phải “phụ giúp” Chúa Thánh Thần để Ngài làm việc trong bạn được hiệu quả. Đừng khoán trắng cho Ngài. Ngài chỉ hoạt động trong bạn nếu có bạn cộng tác. Cầu nguyện với Ngài là cần thiết, nhưng cũng rất cần cộng tác với Ngài.

Thử làm một tính cộng. Nếu trung thành mỗi ngày một Lời thì một năm đã có 365 Lời. Cũng không cần “tham lam”. Mỗi năm giữ lại trong đầu óc 200 Lời. Cuộc đời người tín hữu cố gắng trung thành như thế thì chẳng mấy chốc sẽ là nhà triệu phú về Lời Chúa. Và cái giầu này là cần thiết nhất, quan trọng nhất, quí báu nhất. Muốn có thể thực hiện được chúng ta phải trung thành thực hành Lectio divina, nuôi dưỡng, củng cố và tăng tình yêu đối với Lời Chúa. Có nghĩa là chúng ta càng ngày càng sống yêu mến Chúa nhiều hơn.

Đối với các chủng sinh hoặc tu sĩ nam nữ. Nếu các bạn khi mới bước chân gia nhập tiểu chủng viện, dòng tu, bắt đầu thực hành Nhật Ký Lectio Divina, khi chịu chức phó tế (là lúc các bạn bắt đầu thi hành sứ vụ rao giảng Lời Chúa), hoặc khi khấn dòng, tính trung bình phải tối thiểu 7 năm. 200 Lời Chúa mỗi năm nhân 7 năm: các bạn đã có 1400 câu. Nếu có bớt đi 50% cũng vẫn còn tối thiếu 700 câu. Không nhớ để đọc ra, nhưng 1400 câu đó và nội dung bài Tin Mừng các bạn suy niệm qua thực hành Lectio divina, chưa kể việc các bạn học Kinh Thánh và đọc Kinh Thánh, vẫn còn đó, có đó trong tâm trí, trong tiềm thức, trong sự hiểu biết về Lời Chúa. Mỗi khi cần đến, Lời Chúa sẽ như thác tuôn trào ra. Đọc các bài viết của các thánh thời trước, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Tu luật cha thánh Biển Đức (thế kỷ thứ 6) hầu như là những trích dẫn Lời Chúa dầy kín các trang sách luật của ngài. Ngài không có sách Kinh Thánh toàn bộ như chúng ta để ngồi tìm mò trong đó, nhưng trong suy niệm Lời Chúa từ trong đầu óc ngài tuôn ra. Những bài giảng hay khảo luận của các thánh Giáo Phụ, của những thánh như Bênađô, Têrêsa Avila, Gioan Thánh Giá chẳng hạn, Lời Chúa được trích dẫn trải dài các trang sách cũng theo kiểu đó.

Còn chúng ta hôm nay? Ngay từ hôm nay, phải bắt đầu nạp Lời Chúa vào trong tâm lòng, để sống hiện tại cuộc sống  kết hiệp với Chúa và để làm giàu cho cuộc sống mai ngày. Cần vô cùng!  

 

7. NHẬT KÝ LECTIO DIVINA

 

Lưu ý: Bạn chỉ viết  nhật ký sau khi đã  thực hành Lectio divina đủ giờ. Có nghĩa là 9 bước ghi dưới đây, bạn thực hiện xong 4 bước đầu (1-4) và bước cuối cùng (9), sau đó bạn mới nên tiến hành những bước 5-8 trên trang nhật ký. Nhật ký Lectio divina không là mục tiêu chính. Lectio divina mới là điều bạn cần thực hiện.

             Dĩ nhiên trong khi thực hành Lectio divina, bạn nên học thuộc lòng Lời (hay câu) đánh động bạn nhất để dùng nó kéo dài Lectio divina trong suốt ngày sống và chọn cho mình một quyết định cụ thể để hoán cải.

1. Chuẩn bị, cầu nguyện.

2. Đọc Lời Chúa: Bài Tin Mừng của ngày.

3. Suy niệm, cầu nguyện, chiêm ngắm:

    Thực hành theo những hướng dẫn trên đây.

4. Áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống .

5. Chọn một Lời và viết Lời này vào nhật ký.

6. Ghi nhớ và học thuộc lòng để trong ngày sống nhắc lại Lời này càng nhiều lần càng tốt: Dùng Lời này để liên tục sống kết hiệp với Chúa (Chúa nói với ta từng phút giây qua Lời này và ta lắng nghe Chúa trải dài suốt ngày sống).

7. Viết vào nhật ký một lời nguyện ngắn gọn đáp lại Lời Chúa vừa suy nguyện.

8. Chọn một quyết định cụ thể như là đáp lời Chúa bằng chính cuộc sống của mình với quyết tâm để Lời Chúa hoán cải đời mình. Viết quyết tâm này vào nhật ký.

9. Tạ ơn

MỘT TRANG NHẬT KÝ LECTIO DIVINA

 

Ngày........... tháng......... năm ..........

từ…................ giờ  đến................... giờ

1. Lời Chúa: (chọn một Lời trong bài đọc hôm nay)

_____________________________________________________________________________

_____________________________________________________________________________

_____________________________________________________________________________

_____________________________________________________________________________

2. Lời nguyện: (một lời nguyện ngắn gọn đáp lại Lời đã nhận)

_____________________________________________________________________________

_____________________________________________________________________________

_____________________________________________________________________________

_____________________________________________________________________________

3. Chọn một quyết định cho ngày sống:

_____________________________________________________________________________

LECTIO DIVINA:

Tiến trình của tình bằng hữu Kitô giáo

Lectio (Đọc):                  Mở lời làm quen.

Meditatio (Suy):             Gặp gỡ thân tình

Oratio (Cầu):                  Tình bạn keo sơn.

Contemplatio (Ngắm):   Hợp nhất nên một.

Hợp nhất nên một với Chúa Giêsu để có thể nên
“đồng hình đồng dạng với Người” (Th. Phaolô)

(Cha  M.Basil Pennington Ocso)

 



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!