Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Minh Tâm
Bài Viết Của
Minh Tâm
NGƯỜI MẸ
“Tháng giêng là tháng ăn chơi”
XUÂN KHÔNG VỀ
Thực hư
TIỀN VÔ NHƯ NƯỚC
QUÀ TẶNG
Ảo Ảnh
TIỀN VÔ NHƯ NƯỚC

Minhm

Lúc còn bé, tôi sung sướng sống chung nhà với bà ngoại tôi. Ông tôi qua đời khi tôi chưa sinh. Bao nhiêu lời khôn dại ẩn tàng trong các câu chuyện cổ tích xa xăm, bao nhiêu ký ức thơ mộng thời thơ ấu của tôi đều gắn kết với hình ảnh bà ngoại thân thương.

Hằng năm, chuẩn bị đón giao thừa, bà luôn nhắc mẹ tôi lo hứng nước, chứa đầy mọi lu, khạp trong nhà, thậm chí đầy tràn cả các chậu, thau lớn nhỏ… Gạo phải đong đầy các khạp, hũ. Ngoại tôi nói: “Các gia đình Việt Nam từ xưa vẫn tuân theo cổ tục này của tiền nhân”. Ngoại còn dặn mẹ tôi: “Cha mẹ phải dặn dò nhắn nhủ con cháu về sau phải làm việc này mỗi khi chuẩn bị ăn Tết, đón mừng Xuân Mới, để gia đình có một năm mới khấm khá hơn”. Cổ tục thật dễ thương.

Trong thời chiến tranh lan rộng ấy, dầu ở thôn quê hay thị thành, mức sống dân mình vẫn còn thấp. Gia đình tôi cũng không giàu có gì. Nhưng mẹ tôi vẫn tất bật lo cho đàn con đông đúc đầy đủ mọi thứ để ăn Tết. Một nồi thịt kho tàu kèm đôi chục quả trứng to. Một nồi canh “khổ qua” đầy tràn, ăn vài ngày cũng chưa cạn. Một khạp cải chua chèn cứng. Rau giá sống thì đầy một rổ… Không phải vì chợ không nhóm bán trong ngày mùng một Tết, mà là vì quan niệm: “Cần gì cũng có đủ”. Ngày mùng một, không ai xin mượn gì của ai. Mà cũng không ai vui lòng cho vay, cho mượn vì tránh tiền của ra đi. Ai cũng mong muốn năm mới “tiền của vô như nước”.

Bà và cha mẹ tôi đã trở về bên Chúa, sau một đời cúc cung tận tuỵ cho con, cho cháu. Ngày Tết gần kề, tôi không khỏi bồi hồi nhớ cảnh mẹ tôi: nón lá đội đầu, một tay trải phơi bánh mứt, một tay lau mồ hôi chạy dài trên trán. Cha tôi năm nào cũng chở về một chục dưa hấu đầy một xe xích lô đạp. Anh em chúng tôi mừng rỡ chạy ra bê vô nhà, chất đầy dưới bộ “đi-văng” để ăn dần đến khi hạ nêu. Hằng năm vào đêm 28 tết, anh chị em chúng tôi thích nằm quanh bà ngoại, cạnh nồi bếp lửa bánh tét to đùng trước sân, nghe kể chuyện đời xưa rồi ngủ thiếp lúc nào không biết…

Lớn lên, lập gia đình, vì nhu cầu công tác, vợ chồng tôi lưu lạc lên tận Sài Gòn từ đầu thập niên 70, thế kỷ trước. Chân ướt chân ráo, những năm đầu lập nghiệp tại miền đất phồn hoa đô hội này, chúng tôi phải sống eo hẹp trong xóm bình dân của tầng lớp lao động. Chiến tranh vẫn dai dẳng, bùng nổ khắp nơi. Đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, nên khu xóm nghèo của gia đình tôi không có được nước sạch của Thủy Cục Sài Gòn chảy về tận mỗi nhà như những dãy phố ngoài mặt đường. Mỗi khu phố chỉ có một hoặc hai vòi nước công cộng. Nên gần như mọi nhà đều phải đến “phông tên nước” để xách nước về nhà sử dụng.

Từ đó phát sinh một nghề bình dân sống được quanh năm và còn kiếm được khá tiền trong mấy ngày giáp Tết đó là: nghề gánh nước mướn. Họ là nguồn sống của cư dân thành thị, nhưng có lẽ họ chỉ được trọng vọng trong các ngày cận tết. Vì trong ngày 30 tết, nhà nào cũng mong muốn nước vô đầy nhà của mình. Hết nhà này kêu, đến nhà kia gọi. Họ phải cật lực gánh nước từ tờ mờ sáng đến tận đêm giao thừa. Thậm chí không có giờ nghỉ ngơi, ăn uống. Họ vừa gánh nước vừa nhai bánh mì thay cho bữa cơm thường ngày.

Chính vì hiểu tâm lý này, sau giờ Giao thừa, người gánh nước mướn cũng thường tự động gánh đến mỗi nhà một vài đôi thùng nước với ý chúc tốt lành: “Đem tiền của vào nhà như nước cho gia chủ”. Sau vài câu chúc vui vẻ của những người lao động siêng năng thức thời này, các gia chủ đều vui vẻ trả tiền công, vừa thưởng thêm gấp năm, gấp mười ngày thường. Nhiều người thuộc giới buôn bán đã cẩn thận dặn người gánh nước từ mấy hôm trước: đợi khi giao thừa xong là gánh nước tới và nói to lên: “Xin chúc: nhất bản vạn lợi”, hoặc là “Mua may bán đắt, một vốn bốn lời”. Nghe xong, gia chủ vui cười hể hả, và “Lì Xì” thật hậu hĩnh mặc dù nhà họ không hề thiếu nước.

Đặc biệt, một trong các cô gái “lọ lem” sống bằng nghề gánh nước mướn thời ấy tại đất Sài Thành này, có một cô đã trở thành vị “Công Chúa” giàu sang của một “Đất Nước Hột Xoàn” tại xứ Phi Châu Đen. Số là có một anh lính gốc Phi trong binh đoàn Lê Dương Pháp quốc, đã đến viễn chinh tận đất nước Việt Nam thuộc Đông Dương xa xôi này. Trong thời gian đồn trú tại Sài Gòn, anh lính Lê Dương ấy đã thương một cô gái nghèo và để lại một “giọt máu cưng” rồi biền biệt trở về cố hương sau Hiệp Định Genève 1954. Thời thế tạo anh hùng, gần 18 năm sau, anh Trung sĩ Lê Dương ngày trước đã trở thành Vị Tổng thống của nước Cộng Hòa Trung Phi, một Đất nước Hột xoàn giàu có: Tổng Thống BOKASSA. Sau một thời gian yên vị, ông đã vội nhờ Bộ Ngoại giao của Chính Phủ Sài Gòn truy tìm và mang về cho ông đứa con “thất lạc”, kèm theo lời hứa sẽ có một món quà đền ơn hậu hĩ.

Không biết vì lợi lộc, hay vì nhu cầu ngoại giao, Chính Phủ lúc đó đã vội tìm đưa sang cho ông một cô gái cũng tóc quăn cũng da đen và ông ấy đã vui mừng đón nhận. Nhưng thật bất ngờ, sau đó, nhật báo TRẮNG ĐEN lúc ấy, qua một bài phóng sự thăm dò, đã tìm đưa về cho ông Tổng Thống vị công chúa đích thực mà ông không bao giờ ngờ tới. Cô công chúa lọ lem này sống bằng nghề gánh nước mướn để nuôi thân và nuôi mẹ. Nhờ tấm lòng nhân hậu của ngài Tổng Thống, nàng Công Chúa đã được đón nhận và đoàn tụ với cha và cô Công Chúa giả trước kia cũng được ông tiếp nhận làm con nuôi của mình.

Qua câu chuyện người cha trần gian mà còn biết yêu thương con cái và cả người không phải là con của mình như thế, tôi nhớ đến Cha Chí Thánh của chúng ta trên trời. Ngài luôn thương yêu hết mọi người, cả những người không nhìn nhận Ngài là Cha của họ. Ngài vẫn cho mặt trời soi rọi trên khắp nhân trần. Ngài vẫn cho thời tiết xoay chuyển khí hậu, đổi thay ấm, mát cho hết mọi người dù họ là cỏ hay lúa. Ngài không vội bứng gốc cỏ lùng (x. Mt 13, 24-30). Ngài vẫn để cỏ và lúa cùng lớn lên trong Gió Xuân, trong sương mai, trong nước mát, trong nắng ấm… Ngài vẫn mong có một ngày nào đó trong năm: Cỏ sẽ biến thành Lúa. Để đến cuối năm, Ngài sẽ nâng niu và đưa họ vào kho lẫm. Tên trộm lành trong Phúc Âm, trước kia là cỏ lùng gai góc, xấu xí, khi vừa biết sám hối, tức thì đã được LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA đưa vào kho lẫm, đưa về Thiên đàng với Ngài. Còn nữa, còn biết bao, biết bao cỏ lùng, trong ân sủng Chúa, đã trở thành lúa và nhiều cỏ sẽ tiếp tục trở thành lúa, trở thành con của Ngài. “Ta đến không để cứu người công chính, mà để cứu người tội lỗi”(Mt 9, 13).

Ước gì mọi cư dân thành phố này biết nói lên lời nguyện xin của người Phụ nữ Samari xưa khi gặp được Chúa Giêsu, nguồn nước hằng sống: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”(Ga 4, 15). Thiếu điểm tựa vững chắc là Thiên Chúa đầy tình thương và quyền năng, con người bơ vơ, lạc lõng, trống vắng, tuyệt vọng. Con người lo sợ mọi thứ. Họ sợ thất bại, sợ nghèo đói, sợ mất việc, sợ bị bỏ rơi, sợ chia ly, sợ đau khổ, sợ xung khắc, sợ xui xẻo, sợ già nua, sợ bệnh tật, sợ chết sớm, sợ cả sống lâu… Con người đành bám vào tiền tài, danh vọng để mong lấp đầy những hố thẳm trống vắng và tuyệt vọng ấy. Nhưng, vô ích. Mất Chúa là mất tất cả. Có được Chúa là có tất cả. Đức Giêsu, nguồn nước hằng sống, luôn sẵn sàng cho chúng ta khi chúng ta cần đến Ngài: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).

Ước gì các bậc cha mẹ, Tết đến, mở đầu cho một quỹ thời gian mới, luôn nhắc nhở con cháu cố gắng chiếm hữu được chính Thiên Chúa. CÓ CHÚA, CÓ TẤT CẢ. Đầy đủ. Trọn vẹn. Không còn gì để thiếu. Không còn gì để lo. Có được Ngài, biết dựa vào Ngài, chúng ta không còn tất bật, lo lắng trăm bề nữa. Tình yêu và Lòng Thương Xót của Ngài giúp chúng ta thanh thản, bình an và hạnh phúc trong cuộc sống trần gian này “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ thêm cho”(Mt 6, 33).

Tác giả: Minh Tâm

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!