Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
Bài Viết Của
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
BAO GIỜ THỎA LÒNG?
DỌN ĐƯỜNG
KHỦNG HOẢNG ĐỨC TIN
HÔN NHÂN VÀ TRẺ EM
LINH MỤC TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA
ĐIỂM HẸN CỦA CHÂN LÝ ĐỨC TIN
CHỖ Ở
GIUSE ĐỊNH BỎ MARIA
Vươn tới sự phục vụ đích thực
NGÔN SỨ BỊ KHƯỚC TỪ
ĐỤNG VÀO CHÚA
Cảnh báo về vấn đề giữ vệ sinh
ĐỪNG SỢ
Đạo Tha Thứ
Trái tim không ngủ yên
Tiệc Cưới Con Vua
Chúa đi trên biển
Đi tìm địa chỉ nghỉ ngơi
ANH EM LÀ ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN
Chúa Có Máu Ghen
Từ chuyện tình của Mátthêu
Kế hoạch làm ăn của Chúa Giêsu
Chuyện tình Tôma và Lòng Thương Xót Chúa
Quà tặng độc nhất của Thiên Chúa
ĐÂY CHIÊN THIÊN CHÚA
Giàu có và Nước Trời
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
MẤY NÉT CHẤM PHÁ CHO LINH MỤC
MẤY CỤ GIÁM MỤC THẬT LÀ BUỒN CƯỜI !
THẦY LÀ ĐƯỜNG LÀ SỰ THẬT VÀ LÀ SỰ SỐNG
SUY TƯ VỀ VĂN HÓA NGHỆ THỤÂT VÀ THỬ HƯỚNG TỚI MỘT LỐI MỤC VỤ
ĐỨC GIÊSU QUAN TÂM ĐẾN CON NGƯỜI
Ý nghĩa của Thánh giá
KHI CÁI CHẾT CẬN KỀ
ĐI TÌM PHƯƠNG PHÁP RAO GIẢNG TIN MỪNG
CHẠY THEO CHIẾC BÓNG
THEO Đức giê-su đi gieo giống
THA HÓA QUYỀN LỰC
SỐNG THEO THÁNH THẦN
TRONG QUỸ ĐẠO TRUYỀN THỐNG
MẤY CỤ GIÁM MỤC THẬT LÀ BUỒN CƯỜI !

 

“Khi ấy, Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng: ‘Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại’. Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Capharnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: ‘Dọc đường anh em bàn tán điều gì vậy?’ Các ông làm thinh, vì khi đi đường các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi nhóm Mười hai lại mà nói: ‘Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người’” (Mc 9, 31-35).

Người giáo dân sẽ nghĩ như thế nào, khi Đức Giáo hoàng và các Đức Giám mục cãi nhau?! Thế mà HĐGM đầu tiên trên thế giới đã cãi nhau! Các đấng cãi nhau ngay ngoài đường về vấn đề quyền bính trước mặt Đức Giêsu, nhưng Ngài đã nín nhịn. Về tới nhà Ngài mới hỏi: “Dọc đường anh em bàn tán với nhau chuyện gì thế?” Chúa hỏi là ‘bàn tán’ cho nó nhẹ nhàng thôi, chứ thực ra là các cụ nhà mình vừa cãi nhau một trận cũng tương đối đấy!

Cụ Giám mục Giacôbê đã có kinh nghiệm về sự cãi nhau, ghen tương là không tốt, là nguy hiểm, nên trong thư cụ viết cho bà con ta như sau: “Đâu có ghen tương và tranh chấp, đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa… Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải bởi điều này sao: là chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em: anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ghen ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột nhau, gây chiến với nhau” (x. Gc 3,16; 4,1-2).

Tại sao các Thánh Tông đồ lại cãi nhau để tranh giành quyền bính, vai vế cao thấp, mà lại không ai dám tranh nhau về việc phục vụ? Mạnh Tử cho rằng: “nhân chi hoạn, tại hiếu vi nhân sư”, nghĩa là: cái bệnh của người đời là hay thích làm thầy thiên hạ. Cha Henri Nouwen đã nói: “Chúng ta đã không ngừng bị cám dỗ dưới quyền lực thay thế cho tình yêu. Chúa Giêsu đã trải qua cơn cám dỗ ấy một cách vô cùng đau thương, từ sa mạc đến thập giá. Còn lịch sử dài và đau thương của Giáo Hội là lịch sử của những con người chọn lựa quyền lực thay cho tình yêu, chọn lựa thống trị thay cho thập giá, chọn lựa làm lãnh đạo thay cho được lãnh đạo”. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm và mời gọi người môn đệ thân yêu của mình là Timôthê hãy can đảm: “Con hãy làm việc lao nhọc và chịu đựng như là một người lính tốt của Chúa Kitô” (2 Tm 2,3).

Nhưng theo Chúa Giêsu, quyền bính và phục vụ phải gắn liền với nhau làm nên bản chất người môn đệ. Chúa Giêsu luôn phải vất vả dạy lại bài học và môn học khó nhất trên đời, nhưng lại là môn học phổ thông nhất (giống như văn hoá phổ cập), đó là môn học yêu thương phục vụ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Thánh Phêrô đã ngỡ ngàng vì Thầy quỳ xuống rửa chân cho mình và tất cả anh em. Nhưng Chúa đã nói trước rằng: “Thầy sống giữa anh em như người đầy tớ”. Môn học này người ta phải học cả đời mà không có ngày ra trường, mãn khoá; vì thực sự học tới chết mà vẫn không xong, không đạt kết quả để đến khi vào thiên đàng vẫn bị loại ra cả đống! Quả thật đây là môn khó học, khó dạy và khó thực hành nhất trên đời. Nó nằm trong chương trình quy hoạch tổng thể bao trùm mọi công việc của người môn đệ mà Chúa Giêsu luôn đòi hỏi gay gắt, quyết liệt.

Theo Chúa, bao gồm cả sự cho đi tận tuyệt, trọn vẹn. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải là con người siêu việt. Điều đòi hỏi đơn giản là người ta trước hết phải nhận biết những yếu đuối của mình để được cứu chuộc: “Sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9).

Để hiểu được Chúa Giêsu thì cần phải chịu đau khổ với Ngài, theo Ngài bằng sự từ bỏ con người của mình. Ai thực sự hiểu được Chúa Giêsu, người đó chính là vị tử đạo, tử đạo không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những hành động nữa, người đó đã quảng diễn cuộc đời của mình cho đến cuối cùng. Chúng ta sẽ được hoà nhập vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu trong chiều kích chúng ta sẵn sàng chịu đau khổ với Ngài, và lúc đó chúng ta sẽ không hổ thẹn về Ngài và về những lời Ngài.

Chính vì người ta quên mất mình là môn đệ Chúa Kitô nên cứ mải mê phấn đấu đạt được những tiêu chuẩn kiểu thời đại thực dụng. Chính vì đánh mất hương vị của tình yêu đích thực nên người ta ra sức tìm những vỏ bọc hời hợt, giả tạo để che lấp. Dáng dấp của sự phục vụ hôm nay có mang theo nhiều thứ tinh vi khôn lường của ma quỷ. Có khi người ta còn hy sinh nhiều hơn cho kế hoạch ấy mà lại cứ tưởng là đang phụng sự Chúa! Biết bao nhiêu sự tranh đấu, tranh chấp, dấn thân sai mục tiêu. Đức hồng y Carlo Martini nói: “Điều cơ bản là không phải đấu tranh tới chỗ đổ máu, mà là tìm được sự hoà thuận và những đường lối thích hợp”.

“Nguy cơ cho giáo hội ngày nay không phải là vì bách hại mà là đánh mất hương vị của mình, thiếu những người làm chứng rõ rằng thánh giá, toàn thánh giá trong Chúa Kitô có thể nên vinh hiển, nguồn mạch cứu độ” (ĐHY. Josef Tomko giảng tại Đài Loan 23/11/2009). Chúng ta đánh mất hương vị của mình khi chối từ đau khổ; khi không dám ghé vai vác thập giá được trao ban ngoài ý muốn.

Những thứ chủ nghĩa và các mối quan hệ công chúng trong xã hội hiện đại hôm nay đang làm chao đảo và điên đảo con người. Tính ‘hợp pháp tinh vi’ của quyền hành và sự hưởng thụ cá nhân đang lôi kéo chúng ta xa rời tâm tình dấn thân phục vụ và sự hy sinh vô vụ lợi của người tông đồ. Những sự bao che, ngụy biện của một ‘lương tâm có vấn đề’ đang lấn lướt cuộc sống bình an của chúng ta từ hành vi cử chỉ nhỏ nhặt cho tới những ứng xử hằng ngày. Thánh Augustinô nhận định: “Trong đời sống người kitô hữu, có một cuộc chiến đấu giữa hai thứ tình yêu: yêu Thiên Chúa cho đến từ bỏ bản thân mình và yêu bản thân cho đến nỗi chối bỏ Thiên Chúa”. Đó là sự thật luôn được chứng minh cụ thể.

Thánh Têrêsa Avila nói: “Chúa không cần việc làm của chúng ta, Người chỉ muốn tình yêu thúc đẩy những công việc ấy”. Còn Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu thì nói: “Thiên Chúa chẳng cần đến việc làm của chúng ta nhưng Người khát tình yêu của chúng ta”. Thiên Chúa không chờ đợi nơi chúng ta những việc làm, những hoạt động, sản phẩm của một việc lành nếu không làm vì tình yêu. Thánh Gioan Thánh Giá bảo: “Tình yêu luôn biết lợi dụng tất cả, điều lành cũng như điều dữ”. Tình yêu biết lợi dụng những cảm động cũng như những khô khan, những tư tưởng cũng như những trống rỗng, nhân đức cũng như tội lỗi.

Thực trạng của đời sống tu trì hôm nay, cái làm cho người ta ngại sống không phải là nếp sống khó nghèo mà là những chuyện khác. Chuyện khác đó là những đối diện trực tiếp trong các mối tương giao con người trong một thời đại đang quan niệm tự do dân chủ, tự do nhân quyền; khiến mình dù trong bậc tu cỡ nào cũng phải đòi cho bằng được một chút quyền mà quên mẫu gương Thầy Giêsu: “Dù là Thiên Chúa nhưng không nhất thiết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa... đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá”. Đó là điều chính yếu trong đời dâng hiến phải có, nếu không chỉ là lối sống vô nghĩa hay sống để lừa đảo, tranh giành hơn thua với nhau mà thôi.

Giáo dân càng ngày càng đòi hỏi sự phục vụ của chúng ta ở mức độ cao. Và xem ra tương quan cuộc sống con người hôm nay nhiều khi được nhìn như một siêu thị để mà chọn lựa và bình phẩm hàng hoá. Do đó, đôi khi người giáo dân cắm cúi đi tìm nơi người tu hành một sự nâng đỡ vật chất và chỉ coi đó là tiêu chuẩn cao để đánh giá bậc tu hành. Đó là điều sai lầm. Cần phải chỉnh đốn và giáo dục cho họ ý thức lại cho đúng. Bởi nó sẽ dẫn tới hậu quả không tốt cho họ và cho chính nhà tu hành. Quả thật, cũng có phần đáng sợ khi cuộc sống chỉ coi nhau như món hàng hay sự giá trị về mặt kinh tế: khi nào còn tốt thì sử dụng khi hết hạn thì vất đi. Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ: “Sự ác trong thời đại chúng ta trước hết hệ tại ở chỗ hạ giá và tầm thường hoá tính độc đáo duy nhất nền tảng của mỗi một con người. Cái ác này không chỉ ở trên bình diện đạo đức nhưng sâu xa hơn, trên bình diện hữu thể. Đối diện với cái ác này, cái ác mà những hệ tư tưởng vô thần cổ súy, chúng ta phải chống lại, không chỉ bằng những tranh biện vô bổ nhưng phải tìm cách ‘khôi phục’ huyền nhiệm về con người như một ngôi vị” (Hiệp Thông số 64/2011, tr.171).

“Giáo Hội phục vụ tất cả những gì làm nên cuộc sống con người, trong lao động, trong gia đình, trong xã hội, để tất cả được hoàn thành trọn vẹn cho lợi ích của con người. Đó không phải là một chiến thuật để lôi kéo họ về với Giáo Hội. Nhưng đó là một dịch vụ Kitô giáo (service Chrétien) để cho con người được sống và được hạnh phúc tràn đầy. Với danh hiệu đó, người kitô hữu, giáo dân và linh mục phải có mặt và hoạt động trọn vẹn và chân thành trong chính cuộc sống của thế giới” (Hồng y François Marty).

Đức Giám mục Tổng thư ký xuất sắc của HĐGM tiên khởi là thánh Gioan Tông đồ đã dám viết về người bạn của mình là ông Giám mục Giuđa đang giữ chức Chủ tịch Uỷ Ban Bác Aí Xã Hội trong câu chuyện xức dầu thơm tại Bêtania như sau: “Y (Giuđa) giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung chứ không phải là để lo cho người nghèo” (Ga 12, 5-6). Cũng may Giuđa chết trước Gioan, chứ nếu ông mà đọc được điều này thì Gioan cũng bị khốn khổ đấy! 

Hãy bắt chước thánh Phaolô mà thú nhận rằng: “Thật vậy, tất cả chúng ta nữa, xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời, lầm lạc, làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái lạc, sống trong gian ác và ganh tị, đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau. Nhưng Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại. Không phải vì tự sức chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3,3-5). Thánh nhân còn lặp lại điều ấy trong thư gửi tín hữu Êphêsô: “Tất cả chúng tôi xưa kia cũng thuộc hạng người đó, khi chúng tôi buông theo các đam mê của tính xác thịt, thi hành những ước muốn của tính xác thịt và của trí khôn. Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác. Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã Người cũng cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ” (Ep 2,3-6).

 

Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn

Tác giả: Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!