Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Jos Trần Đình Long sss
Bài Viết Của
Lm. Jos Trần Đình Long sss
MÙA CHAY- MÙA CỦA LÒNG XÓT THƯƠNG
KHAI BÚT ĐẦU NĂM
CON ĐƯỜNG BỎ NGỎ- CON ĐƯỜNG TÍN THÁC
KINH MÂN CÔI SỐNG – SỐNG KINH MÂN CÔI
Nếu Linh Mục Không Có Lòng Thương Xót
MẸ SẦU BI - MẸ THƯƠNG XÓT
CHƯỚNG NGẠI CỦA THẬP GIÁ
SỢ PHẢI LÊN TRÊN TRỜI!
THƯ GỞI ĐỨC MẸ THÁNG HOA
CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ LÒNG THƯƠNG XÓT - NĂM TÂN PHÚC ÂM HÓA TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ VÀ CỘNG ĐOÀN DÂNG HIẾN
HOÀ BÌNH VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT
THƯ GỞI CHÚA HÀI ĐỒNG
Mùa Vọng - Mùa Của Lòng Xót Thương
THƯ GỞI CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
THÁNH THỂ - TIN MỪNG VÀ QUÀ TẶNG CỦA THIÊN CHÚA CHO THẾ GIỚI
THÁNH THỂ VỚI NGƯỜI NGHÈO VÀ KẺ THẤP CỔ BÉ HỌNG
SỐNG ĐẠO LÀ TỬ ĐẠO
THƯ GỞI CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

 


 

“Anh em đã chịu lấy Lời giữa bao nỗi gian nan,

trong sự hoan hỷ của Thánh Thần” (1Tx1,6)


 

Kính thưa các thánh tử đạo Việt Nam,

Con thường nghe các bài giảng, các bài nói chuyện tự phát của ĐTC Phanxicô. Con rất tâm đắc với những ý tưởng thẳng thắn thành thật đó. Trong bài giảng ngày 2-5-2014 tại nhà nguyện thánh Martha, ĐTC Phanxicô thú nhận: “Tôi đã khóc khi biết tin các Kitô hữu bị đóng đinh tại một quốc gia không phải Kitô giáo. Ngày nay vẫn còn nhiều người bị giết và bị bắt bớ vì danh Chúa, và chúng ta vẫn còn thấy nhiều người như các tông đồ, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su.”

Suy niệm việc Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều, và việc các môn đệ của Chúa Kitô bị đánh đập bởi Thượng Hội Đồng Do Thái, ĐTC Phanxicô đã đề xuất ba hình ảnh biểu tượng.

“Hình ảnh đầu tiên là lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người. Đức Giêsu chú ý đến những vấn đề thiết thực của dân chúng, không quan tâm đến việc có bao nhiêu người theo Ngài, và cũng không bao giờ nghĩ đến việc thực hiện một cuộc “điều tra dân số” để xem Giáo Hội đã phát triển hay chưa! Ngài hiền lành, khiêm nhường, nói năng, giảng dạy, yêu thương, đồng hành với con người với sức mạnh của tình yêu.

“Hình ảnh thứ hai là sự ‘ghen tị’ của các nhà chức trách tôn giáo thời bấy giờ. Họ không thể chịu đựng được thực tế là rất đông dân chúng đang đi theo Đức Giêsu. Họ không thể chịu đựng được và họ ghen tị. Đây là một thái độ rất xấu: ghen tị và đố kỵ. Cha đẻ của sự ‘đố kỵ’ là ‘ma quỷ’. Qua sự đố kỵ, sự dữ đã bước vào thế gian. Dân chúng biết họ. Dân chúng sẽ không theo họ, nhưng dân chúng chịu đựng họ vì họ có quyền lực, thẩm quyền tôn giáo, thẩm quyền trên người dân. Những người này không thể chịu đựng được sự hiền lành của Chúa Giêsu. Họ không thể chịu đựng được tình yêu. Và họ trả giá đắt cho sự ghen tị, sự căm thù. Với thủ đoạn chính trị và thủ đoạn tôn giáo, họ tiếp tục thống trị dân chúng… Họ cho điệu các tông đồ ra, để đánh đập và ra lệnh cho các tông đồ không được nói về danh của Chúa Giêsu. Sau đó, họ phóng thích các tông đồ. Thật bất công ! Nhưng họ đã làm điều đó. Họ là những người ‘kiểm soát lương tâm’ (cảnh sát của tư tưởng), và cảm thấy họ có quyền làm như thế. Những người kiểm soát lương tâm… Thậm chí ngày nay trên thế giới, có rất nhiều người như thế.”

“Hình ảnh thứ ba là niềm vui nhân chứng. Niềm vui của các vị tử đạo Kitô giáo. Niềm vui của rất nhiều người dù bị bách hại thù hằn ghét bỏ đánh đập lòng vẫn hân hoan bởi họ được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Kitô. Và hôm nay vẫn còn rất nhiều người như thế! Chỉ cần nghĩ đến một số quốc gia, anh chị em có thể vào tù vì chỉ mang theo một quyển Tin Mừng. Hoặc là anh chị em sẽ bị phạt chỉ vì đeo thánh giá.

Ba biểu tượng: chúng ta hãy nhìn vào chúng. Đó là một phần của lịch sử cứu độ của chúng ta.”

Vâng, con đã nhìn vào 3 biểu tượng này khi cùng với Hội Thánh Việt Nam mừng kính các Thánh Tử Đạo của quê hương mình. Con vui mừng tạ ơn lòng thương xót của Chúa biết bao nhiêu. Quả thật, vì thương xót dân tộc nhỏ bé của chúng con đây mà Chúa đã cho sự vinh quang của Nước Trời bừng lên từ những làng mạc nghèo khổ, những lũy tre xanh, những thôn xóm hiu quạnh rải rác trên khắp giải đất Việt Nam thân yêu.

Con thấy rõ bàn tay Chúa đã làm những việc lớn lao trên các thánh, là 117 con người vô danh bé mọn, đại diện cho tất cả những người bé mọn khác. Suốt đời các thánh chưa hề mơ tưởng đến hai chữ “anh hùng”, thế mà lại được trở thành vô cùng quyền năng dũng mạnh, làm sửng sốt các vua quan suốt hai thời Trịnh, Nguyễn. Và hôm nay, các thánh đã được nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô. Cả triều thần thiên quốc vang lên lời ca ngợi sự lạ lùng của lòng Chúa xót thương, Đấng “không thiên vị người nào, nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10,34-35). Và thế giới trần gian cũng nhận ra trong hân hoan của Thánh Thần rằng những con người Việt Nam từ trước tới nay xa lạ với họ, hôm nay lại là những vị thánh đáng yêu đáng mến của mình.

Các thánh kính mến,

Có phải cuộc sống của con người cứ chịu đựng đau khổ, cứ hy sinh thời giờ, sức lực, tiền của, cho lý tưởng của mình đến độ phải tù đầy mạng vong, thì những cái ấy sẽ làm cho người ta trở nên “thánh tử đạo” chăng? Có lẽ vì hiểu như thế cho nên nhiều phần tử Hồi giáo quá khích đã ôm bom hoặc lái xe chở đầy chất nổ lao vào cơ quan, đám đông rồi kích hoạt chất nổ làm chết bao nhiêu người, và họ tin rằng như vậy là “tử đạo”, như vậy sẽ được thưởng cho lên thiên đàng! Thật sự cho dù những cái đó xuất phát từ lòng dũng cảm hay chí khí anh hùng của người ta chăng nữa, thì tất cả chỉ là phù vân, như Kinh Thánh nói : “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2). Con thấy những vui buồn, sướng khổ, lao nhọc, tù đầy và sự chết của con người hữu hạn, muốn trở thành vô hạn trong vĩnh cửu, thì phải ở trong chương trình cứu độ, nghĩa là phải dính dự vào cuộc khổ nạn phục sinh của Đức Kitô, phải xuất phát từ đó, từ sự thúc đẩy của Thánh Thần, chứ không phải từ cái gọi là “chí khí anh hùng” của con người.

Con xin mọi người muốn nhìn và đánh giá các thánh tử đạo cho đích thật, thì đừng nhìn vào công lao, khổ nhục, gông xích, tù đầy và sự chết thê thảm của các thánh, vì chỉ những cái ấy mà thôi chẳng nói lên được điều gì. Những người chết vì lý tưởng thế gian, cũng từng chịu đau khổ như thế, hoặc còn hơn thế nữa. Chả lẽ vì thế họ cũng được phong là “thánh tử đạo”? Như thế giữa “anh hùng dân tộc” và “thánh tử đạo” có khác gì nhau?

Muốn đánh giá các thánh tử đạo cho đúng thì trước hết phải nhìn vào Đức Giêsu, hạt lúa đầu tiên của nhân loại đã vì tuân phục ý Cha mà chết đi. Và từ sự chết đó mới nảy mầm sự sống phục sinh cho thế gian, để những ai tin vào Người thì dù thử thách truân chuyên, đau khổ hay sự chết cũng không quật ngã được, vì họ đã trở nên một danh phận với Con Thiên Chúa : “Nếu ta cùng  chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ  cùng hiển trị với Người.” (2Tm 2, 11-12)

Thưa các thánh,

Con thấy trong thời buổi cấm đạo ở nước Việt Nam từ thế kỷ 16 đến 19, có rất nhiều giáo dân đã bỏ đạo, nhiều kẻ đã sẵn sàng bước qua thập giá để mưu cầu sự sống tạm bợ của mình. Thời nay có khi còn tệ hơn, chưa ai cấm đạo mà nhiều người đã chối đạo rồi! Các thánh cứ nhìn vào những ngày sau năm 75 sẽ thấy. Thiếu gì người Kitô hữu xiêu vẹo nghiêng ngả “chưa đánh đã khai” hoặc không dám khai vào vào bản “sơ yếu lý lịch” tôn giáo thật của mình, mặc dù chưa có ai đe dọa cấm cách gì mình. Việc đó chỉ là bình thường thôi. Một cái bình bằng sành bằng đất, va chạm vào một vật gì cứng hơn nó thì phải bể tan tành là lẽ đương nhiên. Thân phận con người yếu đuối mỏng dòn, như chiên giữa bầy sói, làm sao đứng vững được nếu không có ơn Chúa phù trì.

Con phải nhận rằng sức lực của con người trước những khổ hình đòn vọt chỉ có thể đầu hàng và thối lui. Đó là lẽ thường tình. Nhưng một con người sức lực yếu đuối, run sợ trước khổ hình, mà lại hiên ngang xưng danh Đức Giêsu trước vua quan quyền thế, rồi cuối cùng chấp nhận mất mạng sống mình chứ không chịu mất Đức Giêsu, đó mới là sự bất bình thường. Vì một quyền năng của ai đó đã ở trong con người ấy. Quyền năng ấy là quyền năng của Đức Kitô. Thánh Phaolô đã nhận mình là yếu đuối như cái bình sành, lọ đất, nhưng lại xác tín mạnh mẽ : “Chúng tôi toàn thắng nhờ Đức Giêsu yêu mến chúng tôi” (Rm 8,37).

Trong niềm hân hoan mừng kính các thánh, con xin đặt cõi lòng tan nát của con vào đại dương lòng thương xót của Đức Giêsu. Xin cho con dù bên ngoài được bao trùm bằng nhiều nghi thức tưng bừng nhộn nhịp, cờ quạt trống phách linh đình, nhưng bên trong con không bị rơi vào cái “huyền thoại tử đạo”, nghĩa là kéo những gì thuộc giới Thiên Chúa trở thành giới phàm trần, rồi vì phấn khởi quá mà tự phong cho các vị tử đạo thuộc quê hương mình bao nhiêu tước hiệu của trần thế : chí khí anh hùng, máu chảy đầu rơi cũng không sá gì... Như thể là tất cả công nghiệp tử đạo là do công sức riêng của các thánh, hoặc do đất nước này đã sản xuất được những người con anh dũng như vậy. Trước mặt Thiên Chúa : một ông thánh tử đạo và một ông thánh ẩn tu, ai anh hùng hơn ai ? Cả hai làm thánh đều do sức mạnh của Thánh Thần chứ không phải bằng sức của con người. Cả hai phải để Thánh Thần hướng dẫn trong từng bước đi, từng nhịp thở chứ không phải theo “giòng máu anh hùng, hào khí ngất trời” đưa đẩy.

Trong thánh lễ khai mạc Thượng Hội Nghị Giám Mục Thế Giới ngoại lệ lần III kéo dài 2 tuần lễ (5-19/10/2014) được cử hành vào lúc 10 giờ sáng ở Đền Thờ Thánh Phêrô do chính ĐTC Phanxicô chủ tế và giảng lễ, cùng với các hồng y, thượng phụ, tổng giám mục, giám mục, linh mục và thành phần của Hội Nghị. ĐTC cũng nhấn mạnh: “Lòng tham lam tiền bạc và quyền lực vẫn luôn hiện diện trong con người chúng ta. Mộng ước của Thiên Chúa bao giờ cũng đụng độ với những gì là giả hình nơi một số thành phần tôi tớ của Ngài. Chúng ta có thể 'gây trở ngại rắc rối' cho mộng ước của Thiên Chúa nếu chúng ta không để mình được hướng dẫn bởi Thánh Linh. Thần Linh là Đấng ban cho chúng ta một sự khôn ngoan vượt trên kiến thức và giúp chúng ta có thể hăng say làm việc một cách thực sự tự do và khiêm tốn sáng tạo.

Khi nhìn vào Đức Giêsu thì con thấy rõ chân tướng các vị tử đạo. Trước hãi hùng của thập giá, Đức Giêsu cũng run rẩy sợ hãi, Người nói với các môn đệ : “Tâm hồn thầy buồn đến chết được!” (Mt 26,38). Tất cả những ai thấy mình bất lực yếu đuối, rồi hoàn toàn cậy nhờ vào Thiên Chúa, kẻ ấy sẽ được Thiên Chúa làm cho thành vị đại thánh. Trong suốt bốn Tin Mừng, không chỗ nào nói Đức Giêsu hiên ngang anh dũng bước lên thập giá. Đức Giêsu run rẩy sấp mặt xuống trước Cha mà cầu nguyện (Mt 26,39). Đức Giêsu hoàn toàn cậy nhờ vào Cha, bám chặt lấy ý Cha và vâng phục ý Cha cho đến chết, nên đã được phục sinh vinh quang, và được siêu tôn làm Chúa muôn loài. Và từ thập giá Đức Giêsu Kitô, nhân loại mới được hưởng tràn đầy ơn cứu chuộc.

Tử đạo, nghĩa đích thật là người làm chứng (hay chứng nhân như thường gọi). Đức Giêsu Kitô là vị tử đạo đầu tiên. Người đã chết để làm chứng cho Cha của Người. Đức Giêsu chết trong thinh lặng, không thanh minh, không biện luận, không tranh cãi, như chiên con ngậm câm để người ta dẫn đến lò sát. Nếu con muốn thành một chứng nhân đích thực, thì phải là chứng nhân trong Đức Kitô. Do đó con nhận thấy rằng tử đạo không phải là một anh hùng hiệp sĩ cứu khốn phù nguy giữa thế gian, rồi luôn hô hào khẩu hiệu “vì anh em, với anh em”, nhưng phải là người đặt đời mình vào thánh ý Thiên Chúa, để Thần Khí Đức Kitô hoạt động, điều khiển đời mình cho đến chết. Các thánh đã cho con thấy muốn là chứng nhân đích thực thì phải xác tín được như thánh Phaolô: “Mọi thời và khắp nơi, chúng tôi mang trong thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được tỏ hiện nơi chúng tôi” (2Cr 4,10).

Các thánh yêu quý của con,

Con hiểu nghĩa tử đạo là như vậy, có đúng không? Ngày xưa các thánh chỉ sống một niềm tin như thế. Ngày nay, xin cho con biết noi gương các thánh để trước mọi biến cố đau thương trong cuộc đời, con chỉ chăm chú nhìn vào Đức Giêsu Đấng giầu lòng thương xót, để biết thinh lặng nhẫn nhịn trước mọi chống đối, từ bên trong ra cũng như từ bên ngoài vào, không biện luận, không tranh cãi, mà cũng không hoảng hốt lo âu. Con chỉ im lặng với lòng yêu mến thiết tha và tín thác vào quyền năng Thiên Chúa, Đấng giầu lòng thương xót, xin cho tất cả những kẻ ghen ghét, bỏ vạ cáo gian, hành hạ làm khổ con đủ cách, và ngay cả có thể giết chết con, được ơn quay về với lòng Chúa xót thương và ra đi làm chứng cho lòng thương xót ấy.

Con biết mình được mời gọi làm chứng nhân cho Đức Kitô ở ngoài phố chợ cũng như trong gia đình, khi sản xuất cũng như chỗ buôn bán, trong xí nghiệp cũng như ở trong trường lớp, trong thánh đường cũng như nơi giải trí. Tất cả mọi nơi, mọi lúc, con mang trong thân mình cuộc khổ nạn của Đức Kitô, để lòng thương xót của Chúa luôn tỏ hiện bằng cuộc sống khiêm nhường, hiền từ, vui vẻ, hăng say phục vụ và đầy lòng thương xót của con, để cho những người đang ghét đạo Chúa, hoặc không biết Chúa, nhìn vào  chứng nhân của Chúa, sẽ yêu mến và đón nhận Chúa vào cuộc đời mình. Con có làm được điều đó chưa? hay con chỉ “nói mà không làm” ? Tệ hơn nữa, nếu con “nói một đàng mà làm một nẻo” thì con sẽ thành người “phản chứng” chứ không phải là người “làm chứng” cho Tin Mừng.

Xin cho cuộc sống của con đừng làm cớ cho người ta ghét đạo và xa rời Đức Giêsu hơn nữa. Đừng để người đời mỉa mai : “Tin Đạo chứ không tin người có Đạo” hoặc : “Họ chỉ giữ Đạo mà không sống Đạo”.

Các thánh kính mến,

Con xin được kết lá thư này bằng lời khai mạc của Đức Hồng Y Tổng Thư Ký Lorenzo Baldiseri trong Thượng Hội Nghị Giám Mục Thế Giới tháng 10-2014 về đề tài: 'Các Thách Đố Mục Vụ về Gia Đình trong Bối Cảnh Truyền Bá Phúc Âm Hóa'. 

"Trong bài giảng đầu tiên của Đức Thánh Cha ở Nguyện Đường Sistine (14/3/2013), khi đề cập đến tinh thần của giáo triều mình, Đức Thánh Cha đã nói đến 3 chữ: 'bước đi', 'xây dựng' và 'tuyên xưng', mà đầu tiên là 'bước đi'. Việc cùng nhau bước đi thực sự là 'syn-odos', 'Synodus'. Giáo Hội, một cộng đồng tín hữu trong Chúa Kitô, đang tiến bước về nhà Cha. Một Giáo Hội truyền giáo trên các nẻo đường thế giới để loan báo và tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, như là một cơ cấu tổ chức, và bằng các đặc sủng cùng với các thừa tác vụ khác nhau trong hiệp thông, thể hiện con đường sự sống và chứng từ Phúc Âm”. 

Xin các thánh giúp con mạnh dạn “bước đi”, “xây dựng” và “tuyên xưng” niềm tin của mình để trở nên chứng nhân của Đức Kitô trong lòng thương xót của Thiên Chúa nơi mọi người Amen.

 Tín Thác

Lễ Các Thánh TĐVN 2014



 

Tác giả: Lm. Jos Trần Đình Long sss

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!