Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Jos Trần Đình Long sss
Bài Viết Của
Lm. Jos Trần Đình Long sss
MÙA CHAY- MÙA CỦA LÒNG XÓT THƯƠNG
KHAI BÚT ĐẦU NĂM
CON ĐƯỜNG BỎ NGỎ- CON ĐƯỜNG TÍN THÁC
KINH MÂN CÔI SỐNG – SỐNG KINH MÂN CÔI
Nếu Linh Mục Không Có Lòng Thương Xót
MẸ SẦU BI - MẸ THƯƠNG XÓT
CHƯỚNG NGẠI CỦA THẬP GIÁ
SỢ PHẢI LÊN TRÊN TRỜI!
THƯ GỞI ĐỨC MẸ THÁNG HOA
CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ LÒNG THƯƠNG XÓT - NĂM TÂN PHÚC ÂM HÓA TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ VÀ CỘNG ĐOÀN DÂNG HIẾN
HOÀ BÌNH VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT
THƯ GỞI CHÚA HÀI ĐỒNG
Mùa Vọng - Mùa Của Lòng Xót Thương
THƯ GỞI CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
THÁNH THỂ - TIN MỪNG VÀ QUÀ TẶNG CỦA THIÊN CHÚA CHO THẾ GIỚI
THÁNH THỂ VỚI NGƯỜI NGHÈO VÀ KẺ THẤP CỔ BÉ HỌNG
SỐNG ĐẠO LÀ TỬ ĐẠO
CON ĐƯỜNG BỎ NGỎ- CON ĐƯỜNG TÍN THÁC

Góc Đời Sống Dâng Hiến

 

Lm. Giuse Trần Đình Long, Dòng Thánh Thể


 

Nếu hội thánh còn là hội thánh của Chúa Kitô, nếu hội thánh còn là thân mình của Đấng cứu chuộc ở trần gian, thì hội thánh phải cho thế gian thấy mình là một Đức Giêsu Kitô nối dài, một Đức Kitô nhỏ bé khiêm hạ giầu lòng thương xót như trong thư Philiphê 2,1-11. Nếu không, thì hội thánh chỉ còn là một cộng đoàn với những nhà thờ nguy nga, đền đài lộng lẫy làm hoa mắt thế gian, với những phẩm phục long trọng, những lễ nghi trang hoàng tốn kém, những thứ bậc chồng chất lên nhau. Rốt cuộc tất cả những thứ ấy đã che lấp mất Đức Giêsu Kitô là đầu, là sự sống của hội thánh. Kinh nghiệm đau xót của hội thánh thời trung cổ đã chứng minh điều ấy. Vậy Đức Giêsu được diễn tả trong thư Philiphê là Đức Giêsu thế nào ? Xin đọc lại lời Chúa : “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự…” (Pl 2, 5-11) và Thánh Phaolô đã nhấn mạnh bằng câu này : “Anh em hãy có nơi anh em tâm tư như đã trong Đức Giêsu…”

Hội thánh bất kỳ ở đâu, toàn cầu hay địa phương, bất kỳ là cộng đoàn đông số hay ít ỏi, hay là ngay cả là một cá nhân Kitô hữu, thì tất cả và từng người phải có như nhau Một Tấm Lòng, Một Suy Nghĩ, Một Tình Cảm, Một Tâm Tư như Đức Giêsu Kitô. Và từ trong tâm tư ấy mới xuất phát việc làm, mới hướng dẫn mọi hành động. Như thế mới công chính, mới tinh tuyền, mới duy nhất, mới thánh thiện được.

Vậy tâm tư của Đức Giêsu là tâm tư gì ? Tấm lòng của Đức Giêsu là tấm lòng gì mà hội thánh và mỗi người trong hội thánh phải có ?

Tấm lòng Đức Giêsu là lòng thương xót, là tấm lòng bỏ ngỏ để cho Cha của Ngài hoạt động. Đức Giêsu xuống thế gian không phải để làm một cái gì theo ý mình mà là bỏ ngỏ tất cả để chỉ làm theo ý của Cha. Suốt cuộc đời của Chúa Giêsu chỉ có thế. Một tấm lòng như thế, thì người đạo đức ngày nay không thể chấp nhận được, không thể chịu được. Nhưng Đức Giêsu đã chịu được và đã công bố cho cả thế gian biết như vậy : “Phần Ta, Ta chẳng làm gì cả, Cha bảo sao Ta làm vậy… Lương thực của Ta là làm theo ý Cha Ta. Vì Ta đến, không phải để làm theo ý của Ta, mà làm theo ý Cha, Đấng đã sai Ta”.

Những người đạo đức hôm nay nôn nóng cộng tác với Thiên Chúa, chỉ muốn làm một cái gì cho sáng danh Chúa, nhưng thực ra là làm sáng danh mình, cho nên sinh hoạt cộng đoàn cứ loạn xà ngầu lên. Thánh Faustina đã phải thốt lên: "Ôi, đau đớn biết bao cho tâm hồn tôi khi nhìn thấy một tu sĩ mà lại thiếu tinh thần tu trì! Làm sao có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa khi người ta phình đại kiêu căng và tự ái dưới lớp vỏ nỗ lực vì vinh danh Thiên Chúa, trong khi thực sự đang tìm kiếm bả vinh hoa cho bản thân? Khi nhìn thấy như thế, tôi cảm thấy rất đau đớn. Làm sao một linh hồn như thế có thể được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa? Sự kết hợp với Chúa không thể có ở đây." (NK, 1139)

Têrêsa, thánh nữ của tình yêu, của lòng thương xót, cũng chỉ có một tâm tư như Đức Giêsu Kitô. Têrêsa cũng như Faustina nhỏ bé đơn sơ như đứa trẻ hoàn toàn tín thác vào cha của mình, như Chúa Giêsu muốn: "Bởi vì con là con trẻ, con hãy ở mãi bên Trái Tim Cha. Nét đơn sơ của con làm thoả lòng Cha hơn những khổ chế của con." (NK, 1617)

Cuộc đời của Têrêsa trước mắt những người đạo đức có thể bị lên án là một cuộc đời thụ động, chẳng được tích sự gì cả, cái gì cũng ỷ vào Chúa, để cho Chúa làm. Chính một chị dòng kín ở Lisieux khi được lệnh viết về tiểu sử của Têrêsa đã : “Cuộc đời Têrêsa có gì đâu mà viết! Cuộc đời quá bình thường, đến độ tầm thường nữa”. Thế nhưng, hội thánh đã tuyên xưng người phụ nữ chẳng làm được tích sự gì ấy nên một người làm nhiều việc lớn lao quá sức tưởng tượng: “Têrêsa, Bổn Mạng Các Xứ Truyền Giáo”. Têrêsa đã có một tâm tư như đã có nơi Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu đã bỏ ngỏ đời mình cho Cha, nên công việc 3 năm rao giảng của Ngài chẳng có bao nhiêu mà đã cứu cả nhân loại. Têrêsa cũng bỏ ngỏ cho Chúa Giêsu, thì qua tấm lòng rỗng không chẳng có đạo đức gì, chẳng có công nghiệp gì, chỉ biết tín thác, Đức Giêsu đã lấp đầy bằng lòng thương xót của Ngài, và làm cho Têrêsa thành quyền năng, kéo bao nhiêu linh hồn về với hội thánh, ngang ngửa với Thánh Phanxicô Xaviê, suốt đời bôn ba vất vả ngược xuôi. Têrêsa không có những hoạt động hiển hách : “Các chị đừng tưởng phải làm những việc lớn lao mới nên trọn lành được. Chúa Giêsu không cần đến những công trình hiển hách, hay những tư tưởng quảng bác của chúng ta. Nếu Ngài muốn những quan niệm cao siêu, Ngài đã chẳng có các Thiên Thần thông biết trổi vượt các bậc kỳ tài trần gian ư ? Vậy Chúa không đến trần gian để tìm kẻ thần thông hay các bậc thiên tài, nhưng để yêu dấu sự đơn sơ chân thành.

Thực ra thái độ "bỏ ngỏ" hay "tín thác" của Têrêsa, không phải là thái độ "thụ động" nằm chờ sung rụng. Đó là thái độ tích cực thể hiện niềm tín thác tuyệt đối vào Chúa cùng với nỗ lực hết mình để làm theo ý Chúa. Sau khi đã miệt mài tìm kiếm thánh ý Chúa, nhận ra ý Chúa là phải làm công việc của Chúa, thì phải cố gắng hết sức mà làm công việc ấy, dù khó khăn trở ngại, dù thử thách gian nan, như chính Chúa Giêsu đã vâng ý Cha, làm công việc của Cha đến thiệt cả mạng sống. Đâu phải nói là "vâng ý Cha" rồi "ngồi chơi xơi nước" để Cha làm gì thì làm, rồi biện luận rằng mình "chọn Chúa" chứ không "chọn công việc của Chúa". Chúa nói với thánh Faustina: "Hỡi ái nữ của Cha, Cha không miễn chước cho con khỏi hành động đâu... Con hãy làm những gì trong khả năng của con, nhưng con không bao giờ được thôi cố gắng." (NK,1374). Và Thánh Faustina thưa lại: "Lạy Chúa Giêsu của con! Con biết sự cao cả của một người được chứng thực qua các việc làm, chứ không phải bằng những lời nói hoặc cảm nghĩ của họ. Chính những công việc chúng con thực hiện sẽ nói về chúng con. Xin đừng để con mơ mộng, nhưng ban cho con can đảm và sức mạnh để chu toàn thánh ý Chúa... Nếu Chúa muốn để mặc con trong tình trạng bấp bênh cho dù đến cuối đời, nguyện Thánh Danh Chúa được ngợi khen" (NK, 663).

Nếu thực sự "chọn Chúa" thì phải làm theo ý Chúa, làm công việc của Chúa, và làm việc của Chúa thì phải chấp nhận gian nan tư bề, ma quỷ quấy phá, con người cản ngăn. Đừng cho rằng khi mình làm việc tông đồ mà "xuôi chèo mát mái" thì đó là hợp ý Chúa, còn khi gặp trở ngại khó khăn thì công việc đó không phải là ý Chúa. Càng gặp trở ngại, càng chứng tỏ đó là việc của Chúa, như Faustina đã tự thú: "Ôi lạy Chúa Giêsu của con! Chúa biết con gặp bao nhiêu chống đối trong vấn đề này, bao nhiêu trách mắng con phải chịu đựng, bao nhiêu cười nhạo con phải chấp nhận trong thanh thản...Một mình con, có lẽ con không sao vượt qua nổi việc này, nhưng với Chúa là Tôn Sư của con, con có thể làm được mọi sự. Ôi, một nụ cười mỉa mai gây ra vết thương tê tái biết bao, nhất là khi người ta nói ra vẻ hết lòng thành thực" (NK, 662). 

Chúa còn cho Faustina thấy hơn thế nữa: "Vinh quang lòng thương xót của Chúa ngay lúc này đang vang lừng bất chấp nỗ lực của các kẻ thù và của chính Satan, kẻ hết sức căm hận lòng thương xót Thiên Chúa. Công cuộc này sẽ giật khỏi nanh vuốt hắn rất nhiều linh hồn, và đó là lý do khiến thần dữ nhiều khi cũng ra sức cám dỗ những người lành ngăn trở công cuộc. Nhưng tôi đã thấy rõ thánh ý Chúa đang và sẽ được thực hiện đến từng chi tiết cuối cùng. Những nỗ lực điên cuồng của kẻ thù không cản trở nổi chi tiết nhỏ nhặt nhất trong những điều Chúa đã tiền định. Có hệ gì nếu có những lần công cuộc dường như hoàn toàn bị tiêu tan; vì chính khi ấy, công cuộc lại càng được củng cố hơn nữa" (NK, 1659)

Chúa xác nhận rõ ràng: “Hỡi tông đồ Lòng Thương Xót của Cha, con hãy công bố cho toàn thế giới về Lòng Thương Xót khôn dò của Cha. Đừng chán ngại trước những khó khăn con phải đương đầu khi rao truyền tình thương của Cha. Những khó khăn này tuy làm con đau khổ, nhưng hết sức cần thiết cho việc nên thánh của con và là bằng chứng cho thấy công cuộc này là của Cha.” (NK 1142).

Ngày nay có nhiều người không muốn đi vào con đượng thơ ấu thiêng liêng của Têrêsa, không muốn tín thác như Faustina, họ cứ muốn phải làm một cái gì đó để “lưu danh hậu thế”, và vì hăng say quá cho nên những “cái tôi” to lớn ấy dễ va chạm nhau cứ rối tinh rối mù lên. Ai cũng muốn "xưng hùng xưng bá", muốn làm những tượng đài thật to, những "công trình thế kỷ" để thu hút mọi người kéo đến chỗ mình, để mưu danh cầu lợi, chứ nào Thiên Chúa có được tôn vinh! Ai cũng muốn để lại "dấu ấn" trong thời mình đang coi sóc, cho nên kẻ trước "xây", người sau đến "đập", rồi lại "xây" cái mới, cái khác hơn, to hơn, cao hơn, lộng lẫy hơn, tốn kém hơn, để sau này thiên hạ nhìn vào đó mà tưởng nhớ đến mình. Cứ thế người ta đua nhau mà làm, dẵm lên nhau mà làm, rồi có khi vì hăng say làm cho mình quá, tranh dành ảnh hưởng, giành nhau quyền lợi, mà đưa đến cảnh "huynh đệ tương tàn". Đó là mưu mô vô cùng thâm độc của ma quỷ, mà vì đang "say men chiến thắng" nên khó ai nhận ra! Họ sợ người thế gian quên mình khi mình về hưu, sợ người ta không còn nhắc đến mình khi mình không còn tại chức nữa. Ấy vậy mà người ta không sợ mình quên Chúa, át mất vinh quang Thiên Chúa, nhất là không cảm nhận được niềm hạnh phúc đích thực như Têrêsa là thấy tên mình "được ghi trên Trời" chứ không phải được "ghi trên bia đá, sổ vàng"!

Bởi vì ai cũng muốn ý của mình là nhất, không ai muốn có nơi mình một tâm tư như đã có nơi Đức Giêsu Kitô. Nếu chỉ với ý của riêng từng người, sức của con người mà cải tạo được thế giới, cải tạo được giáo hội, và nói thẳng ra, cải tạo được chính bản thân mình, thì Ngôi Hai Thiên Chúa khỏi cần phải xuống thế để chết tủi nhục thập gía. Suốt đời Đức Giêsu chỉ dạy một lời cầu nguyện “xin cho ý của Cha trên trời được thể hiện khắp mặt đất, khắp cõi lòng”. Khi lòng tôi không phải là tấm lòng của Đức Giêsu, không phải tâm tư của Đức Giêsu thì dù tôi có đạo đức đến mấy, có hăng say hoạt động tông đồ đến mấy cũng chẳng được ích gì. Cái  gọi là đạo đức, là hoạt động tông đồ ấy thực chất chỉ để vinh danh cái tôi của mình hơn là vinh danh Chúa. Tôi giống như những người nói với Chúa: “Lạy Chúa, Lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ qủi, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Nhưng Đức Giêsu đã thẳng thắn nói với họ rằng: “Ta không hề biết các ngươi, xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,21-23). Đức Giêsu khẳng định: “Chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy mới được vào Nước Trời mà thôi.”

Hội thánh Đức Giêsu không phải là Hội của những người “đạo đức thông thái”, “giầu sang phú quý”, “nhà cao cửa rộng” họp nhau lại để Danh Chúa nhờ những người đó mà được hiển vinh. Hội thánh Đức Kitô gồm những người tội lỗi, cần lòng thương xót của Chúa, được Chúa xót thương, và sẵn sàng để cho Chúa xót thương cứu vớt.

"Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta nhớ rằng “sứ điệp mạnh mẽ nhất của Thiên Chúa là lòng thương xót". Điều ấy có nghĩa là chào đón người lạ với sự đồng cảm và con tim rộng mở, từ những người tị nạn phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh tàn phá, đến những người nhập cư phải rời bỏ nhà cửa để đi tìm cuộc sống tốt hơn. Điều ấy có nghĩa là diễn tả sự cảm thông và tình yêu với những người chịu thiệt thòi và bị gạt ra bên lề, với những người chịu đau khổ, với những người đang tìm sự cứu độ." (Phát biếu của Tổng Thống Mỹ Obama trước ĐTC Phanxicô, tại Tòa Bạch Ốc, ngày 23.9.2015)

Hội thánh của Đức Giêsu không khuyên bảo ai, không dạy dỗ ai, mà chỉ đi loan báo và làm chứng về một Đức Giêsu giầu lòng thương xót, vì xót thương nhân loại mà chịu chết trên thập giá và phục sinh. Ai chịu lấy Đức Giêsu Kitô thì được cứu. Chịu lấy Đức Giêsu là phải bỏ ngỏ đời mình để Đức Giêsu đổi lòng dạ của mình thành tâm tư của Ngài. Khi ấy sẽ có mọi sự tốt lành, sẽ xót thương nhau, yêu thương nhau không thể tưởng tượng được. Nếu không bỏ ngỏ đời mình như Têrêsa, như Faustina cho Thiên Chúa tái tạo cái tâm tư, cái lòng của mỗi người, thì dù có sống với nhau một ngàn năm, một vạn năm, chúng ta cũng vẫn chỉ là những hòn đá rắn chắc cô đơn nằm cận kề nhau mà không thể nên một với nhau được, có đụng vào nhau thì chỉ toé lửa mà thôi.  

"Thánh ý của Thiên Chúa dành cho chúng ta là hãy luôn có lòng thuơng xót và đừng lên án bất cứ ai. Thiên Chúa có một trái tim nhân lành vì Ngài luôn thương xót. Ngài thấu hiểu những khổ đau của con người, những thách thức chúng ta phải đối mặt, và những tội lỗi của chúng ta.  Là một người Samaritanô nhân lành có thể là một thách đố với nhiều người, nhưng đó là cách tốt nhất để bắt chước Chúa Giêsu và bước theo con đường của Ngài.  Hành vi một người Samaritano nhân hậu đang thực hiện chính là bắt chước lòng thương xót của Thiên Chúa khi người ấy tỏ lòng thương xót với những người cần đến." (Đức Thánh Cha Phanxicô)

"Quá khứ của con, Lạy Chúa, con phó thác cho lòng Thương xót của Chúa; hiện tại của con, cho Tình yêu Chúa; và tương lai của con, cho sự Quan Phòng của Chúa.” (Thánh Faustina)

“Con hãy nói cho các linh hồn đừng dựng trong tâm hồn họ những vật cản cho Lòng Thương Xót của Cha đang rất muốn hoạt động trong họ. Lòng Thương Xót của Cha hoạt động trong tất cả những tâm hồn mở cửa cho Cha. Cả các tội nhân lẫn người công chính đều cần đến Lòng Thương Xót của Cha. Ơn hối cải cũng như ơn bền đỗ đều là những hồng ân do Lòng Thương Xót của Cha.” (NK, 1577)

“Chỉ cần một chỗ dưới chân Chúa sẽ làm cho linh hồn khốn khổ của tôi  được bổ dưỡng và dứt khỏi nhiều điều lo lắng. Xin cho tôi niềm an ủi được luôn là một tu sĩ bình thường với sự cô tịch nào đó… Tôi thấy cái chết kề bên… Tôi chợt hiểu ra rằng chúng ta chỉ có một nơi trú ẩn, đó là lòng thương xót vô cùng và lòng nhân hậu của Chúa chúng ta.” (Thánh Eymard, tổ phụ Dòng Thánh Thể)

Lạy Cha, ngợi khen Cha đã ban cho chúng con một tấm lòng, để những lúc thất vọng chán nản, chúng con có chỗ tín thác nương nhờ. Tấm lòng ấy là Trái Tim Đức Giêsu, Đấng giầu lòng thương xót. Xin cho chúng con được mạnh dạn tín thác mà bỏ ngỏ để Cha làm những điều kỳ diệu trong con người yếu hèn tội lỗi của chúng con.

Tác giả: Lm. Jos Trần Đình Long sss

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!