Chuyên mục:
“Tôi Tin, Chúng Tôi Tin”
Nhạc sĩ Văn Duy Tùng
Kính
mời theo dõi video tại đây:
https://bit.ly/3MpUyC0
Bình an là một ân huệ cao
quý mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại. Vì, bình an vừa là trạng thái hạnh phúc sống động lại vừa mang dấu
ấn của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, khi Chúa Giêsu phục sinh, Ngài chỉ ban cho các tông đồ
một báu vật duy nhất là “Bình an cho các con”. (Ga 20,19.20.26)
Như thế, bình an là cái mà nhân loại luôn luôn khao
khát và mong ước đạt đến, thế nhưng nhân loại sẽ không bao giờ
đạt được nếu không có Đấng Phục Sinh ban bình an. Thánh Luca đã thuật lại:
khi Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus với dáng vẻ một
lữ khách, nhưng rất bình an, bình an đến độ bình thường
nên hai môn đệ không nhận ra Ngài. Khi Chúa lên tiếng hỏi họ:
«Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?» (Lc 24,17). Chưa nhận được
câu trả lời thì Chúa đã bị trách là người đứng ngoài cuộc: «Chắc ông là người
duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong
thành mấy bữa nay» (Lc 24,18). Vì là khách nên bàng quang, nên không hay biết
chuyện gì, chuyện cả thế gian đều biết riêng chỉ có mình ông là không biết… và
vì là khách nên hai môn đệ mới mời Ngài ở lại: «Xin hãy ở lại với chúng tôi, vì
trời đã xế chiều và ngày cũng gần tàn» (Lc 24, 29).
Cũng vậy, Thánh Gioan
tường thuật, khi bà Maria Madalena đến mồ Chúa, không thấy Chúa, bà
khóc lóc; nhưng khi Chúa đứng trước mặt thì bà lại tưởng là người làm vườn (Ga
20,15). Với Maria, Chúa Giêsu
chẳng những bình thường mà còn rất tầm thường nữa, bình thường như một người
làm vườn và tầm thường như một người lấy cắp xác người chết: “Thưa ông, nếu ông đã mang Ngài đi thì xin chỉ cho tôi biết
ông đã đặt Ngài ở đâu, để tôi đưa Ngài về”. (Ga 20, 15).
Chúa Giêsu, không vì là
Đấng ban bình an nên Ngài phải bình an. Nhưng
vì Ngài đã yêu đến cùng, yêu đến không còn giữ lại cho riêng mình một khoảng
cách, một sự khác biệt nào đó để người khác có thể nhận diện. Ngài trở nên bình thường
như một lữ khách, như người làm vườn và tầm thường như một người lấy cắp xác.
Tuy nhiên, dung mạo của Chúa Giêsu dù là bình thường đến tầm thường đi nữa,
nhưng chỉ những ai nhìn ở góc độ
tình yêu thì mới có thể nhận ra Ngài. Thật
thế, hai môn đệ trên đường Emmaus không nhận ra Chúa qua giọng nói, hình dáng,
quần áo… mà nhận ra Chúa cầm bánh,
dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ (Lc 24, 30-31). Còn Maria chỉ nghe Chúa
gọi “Maria” là đã nhận ra Thầy. Trong tình yêu có những bí mật thật dễ thương
là thế.
Nếu Chúa Giêsu được xem là
một Lữ Khách Bình An, thì hai môn đệ của Ngài là những
lữ khách không bình an. Hai môn đệ trên đường
trở về quê hương với sự thất vọng đến chán chường, thất vọng vì cho rằng
những quyết định của mình là sai lầm, có lẽ các ông tiếc nuối vì đã bỏ công
lao, sức khỏe, thời gian đã qua để đi theo một con người và hy vọng người ấy sẽ
khôi phục Israel, hy vọng mình sẽ có một chỗ đứng trong vương quốc ấy. Maria
cũng thế, chắc hẳn tuyệt vọng lắm, vì chỉ còn cái xác của Thầy thôi mà cũng bị
lấy cắp. So với các tông đồ; Maria đơn giản hơn nhiều, bà không hy vọng Thầy
khôi phục Israel hay trông đợi Thầy làm việc gì lớn lao vĩ
đại, bà cũng không tranh giành chỗ ngồi bên hữu và bên tả Thầy như
hai anh em con ông Giêbêđê. Đối với Maria; đơn giản
chỉ là tình yêu. Tuy nhiên với bà, tình yêu đối với Chúa Giêsu có phần trở nên
ích kỷ, có phần như sở hữu Chúa cho riêng mình, đành rằng bà rất yêu Chúa. Vì thế, Chúa trong tâm trí bà là do bà vẽ nên - một hình ảnh có
phần chủ quan mà bà đã yêu thương. Hơn thế, bà muốn giữ mãi tình yêu đó, muốn Chúa ở mãi trong cuộc đời bà theo cách thức của bà, theo
một khuôn mẫu bà vạch sẵn… Nhưng Chúa Giêsu là con người cho mọi người và tình yêu của Ngài
được dành cho tất cả nhân loại chứ không của riêng ai. Vì Chúa Giêsu không như
bà nghĩ, cho nên, dung mạo Chúa Phục Sinh
đứng trước bà vừa thân thương nhưng lại vừa xa lạ là thế.
Thế thì, các tông đồ, mỗi
người suy nghĩ và muốn Chúa thực hiện chương trình cứu độ của Cha theo cách
riêng của mình, nên khi không được như ý thì
các ông lại không bình an.
Người lữ khách trong bài
hát “LỮ KHÁCH BÌNH AN” của tôi là một lữ khách
mang dấu ấn của người con được Thiên Chúa yêu thương. Người lữ khách này không
đi trên đường về Emmaus như hai môn đệ, cũng không trên đường ra mộ Chúa như
Maria… mà đang lữ hành trong thân
phận làm người, làm con Thiên Chúa của mình, người lữ khách ấy đang lữ hành
trên con đường trần gian và đang tiến về miền đất yêu thương vĩnh cửu.
Khi viết bài hát này, hơn
bao giờ hết tôi đã cảm nghiệm được tình yêu
của Thiên Chúa và cảm nghiệm rất sâu sắc thân phận làm người của mình, một
người con đã ngụp lặn trong thân phận bất toàn và đã cảm nghiệm hơn bao giờ hết
nỗi bất lực ấy. Với những ước muốn rất là con người, rất ư tầm thường mà tôi đã
viết lên ca khúc; không chỉ cho chính mình,
mà cho cả anh chị em đang sống xung quanh, những người cùng đang chia sẻ thân
phận làm người và làm con Thiên Chúa với mình và khao khát “BÌNH AN”.
Cũng như hai môn đệ, Maria
và các tông đồ… Người lữ khách ấy là tôi, là anh, là nhân loại
đang khắc khoải trong cảm giác không bình an của mình. Không bình an vì nhiều
nguyên do; với hai môn đệ và các tông đồ, rào cản cho sự bình an là nỗi thất
vọng cho một dự tính nhằm vào vương quốc Israel, nhắm vào quyền hành, vào vị
thế…; rào cản của Maria là một tình yêu không ban phát. Còn tôi, anh và nhân
loại… chắc hẳn mỗi người có một vị thế khác nhau trong xã hội, trong Giáo Hội
nên chắc chắn mỗi người có những rào cản khác nhau khiến chúng ta không bình
an.
Ca khúc thể hiện những cụm
từ: tiền tài, danh vọng, kiêu
căng, ganh tị và đau khổ… xem ra rất quen thuộc và
rất tầm thường ấy nhưng lại là rào cản khó vượt cho những ai khao khát sống
bình an. Đặt tâm trạng vào bài hát, sẽ cảm nghiệm những tranh giành ảnh hưởng lên nhau đều bắt nguồn từ mưu lợi;
là sức mạnh, là tiếng nói có thế giá của con người, của chế độ. Nó có sức chi phối, thậm
chí đè bẹp lên vị thế và nhân phẩm của người khác, khiến Thiên Chúa không còn
là nguồn bình an, mà trớ trêu thay, trở thành rào cản cho những toan tính của
chúng ta.
Những toan tính ấy chắc
chắn sẽ chi phối, sẽ biến thái tình cảm: “ganh ghét, giận hờn, so đo…”, là
những ngôn từ thể hiện bản chất rất là con người của lữ khách. Nhưng lữ khách của tôi ý thức được những điều ấy không đẹp lòng Chúa,
cũng chẳng hợp lòng nhau. Có thể thành công của người này lại là thất bại của người khác,
hạnh phúc của mình có khi là đau khổ của những anh chị em khác. Vì thế, lữ khách của tôi tìm về nguồn xuất phát của sự bình an là Thiên Chúa. Phó thác như Chúa Giêsu đã phó thác vào tay Cha, yêu thương như
Chúa Giêsu đã yêu thương, và tha thứ như Chúa Giêsu đã tha thứ… tôi nhận thức rằng, tự bản
chất “BÌNH AN” của Thiên Chúa và toan tính của thế nhân sẽ loại trừ nhau. “Bình an” phủ định danh
vọng, tiền tài, ganh ghét, giận hờn, kiêu căng hay đau khổ; chúng sẽ không tồn
tại bên nhau. Tuy nhiên, vì là con người nên “cỏ lùng và lúa” vẫn phải sống
chung trong một ruộng của chủ cho đến ngày tận thế.
Còn tôi, là một dân đen,
tôi không có tham vọng khôi phục “vương quốc” hay đạt được một vị trí nào đó
trong xã hội hay trong Giáo Hội… Vì thế, rào cản làm cho tôi không bình an chắc
hẳn không phải là tiền tài, vì tôi không có nhiều tiền đến nỗi phải chi phối
cuộc sống của người khác, cũng không phải là danh vọng, thế giá, vì tôi có
“danh” đâu mà “vọng”, cũng chẳng có vị thế để đứng trên “giá”. Có thể, với tôi
là một kiến thức giới hạn, vì có kiến thức là có suy tính, đúng sai, khoa học…
và rồi trong tình yêu tôi cũng sẽ phán đoán đúng sai, cách khoa học như thế với
Thiên Chúa, với anh chị em quanh tôi. Trong khi thước đo tình yêu là con tim mà con tim thì không cần kiểm chứng
bằng khoa học, cũng như thể việc bác ái không cần phán đoán đúng hay sai… Điều mà xem ra rất nghịch
lý nhưng lại rất hợp lý đối với tình bác ái, với tình yêu thương…
Điều chắc chắn là Chúa
không bảo tôi – trong xã hội này, hôm nay – yêu đồng loại mà không cần có kiến
thức. Nếu như bình an và tính
toán loại trừ nhau, thì kiến thức và con tim tồn tại song song bên nhau. Con tim cần có lý trí để thể hiện tình yêu cách phải lẽ. Tình
yêu và lý trí bổ sung cho nhau, dung hoà lẫn nhau để tạo lòng bác ái, và để từ
đó những lời nói xoa dịu những vết thương lòng, để từ đó phát sinh nghĩa cử, vì
như Thánh Giacôbê đã nói: “Đức tin không hành động là đức tin chết”.
Xã hội hôm nay có thể nói
là một xã hội điện toán, cho nên con người hôm nay là những con người có tính
toán; tính như thế nào để có thể tiện lợi, đạt hiệu quả cao nhưng phải rất
“nhanh như điện”. Tôi cũng vậy, dù muốn dù không cũng phải sống trong dòng chảy
ấy. Và vì thế, trong cuộc sống thay vì tôi phải nằm trong chương trình của
Thiên Chúa, phải là công cụ để Chúa điều khiển
cho công trình cứu độ của Ngài, phải
là người để được Thiên Chúa yêu thương, thì tôi lại đặt Thiên Chúa vào trong
chương trình của tôi, vào sự sắp xếp của tôi, tôi chỉ dành riêng cho Chúa một
góc trong tâm hồn và một khoảng thời gian giới hạn để gặp gỡ. Nhưng khoảng thời
gian gặp gỡ ấy mấy khi được trọn vẹn, và có
khi ở bên Ngài cũng chỉ như ở bên một người xa lạ.
Bài hát “LỮ
KHÁCH BÌNH AN” thấm đẫm tâm hồn tôi, vì những tính toán xem ra rất nhỏ nhoi ấy lại là rào cản rất lớn
cho bước chân tôi đến với Chúa, đến với với tha nhân. Lời của ai đó làm tôi nhớ mãi: «Đừng thấy nhỏ nhoi mà tưởng trong đó thứ gì cũng nhỏ». Thật vậy, tội nhỏ mà tôi thường gọi
là tội nhẹ, cũng như những tật xấu cỏn con mà tôi xem thường, thật ra, có sức
công phá mãnh liệt, và nếu không lưu tâm sẽ có thể làm tôi quỵ ngã bất cứ lúc
nào.
Lời bài hát như vừa là một
lời thầm nguyện cầu, như vừa khắc khoải sâu lắng từ trong cõi thâm sâu của tâm
hồn, như vừa là một bài học nhắc
nhở tôi luôn ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa là suối nguồn bình an. Nơi ấy, tôi học được bài học phó thác, yêu thương; tôi hiểu
được Thiên Chúa sẽ hoàn tất
công trình cứu độ của Ngài trên sự yếu đuối, bất toàn của tôi và của anh chị em
sống bên tôi.
Xin mời Bạn cùng với tôi,
chúng ta hãy bắt đầu nhón gót để làm người “LỮ KHÁCH” bước đi trong “BÌNH AN” cuộc đời.
Xin mở link youtube dưới đây để nghe bài
hát LỮ KHÁCH BÌNH AN qua giọng hát của nam danh ca Phan Đình Tùng, và diễn
ảnh do Trúc Tiên thực hiện : https://youtu.be/8JMb6HTO1lA
Trân trọng,
Văn Duy Tùng