Buổi sáng hôm đó , ở Giê-ru-sa-lem , chắc là bầu khi phấn
khởi lắm lắm …Cứ nhìn vào những lễ hội hôm nay mà đoán thì sẽ có thể tưởng tượng
ra được những khuôn mặt , những miệng cười … và cả những cõi lòng nữa …
Tin Mừng không cho thấy cuộc đón rước này được chuẩn bị như
thế nào về phía quần chúng , ai là người đứng ra tổ chức và kế hoạch tổ chức ra
làm sao …Không , hoàn toàn không có một dấu vết nào về chuyện cuộc đón rước có
tổ chức …Đương nhiên rồi …Làm sao mà giới hữu trách Do Thái bao gồm thượng phẩm
, tư tế , biệt phái , luật sĩ …lại chịu đứng ra tổ chức … vì Giê-su lúc này là
cái “ gai ” họ muốn nhưng chưa nhổ đi được …Dĩ nhiên có một số đông bà con tin
và ngưỡng mộ … nhưng bà con cũng không đủ thẩm quyền …Còn số đông khác nữa thì
thuộc loại vô thưởng vô phạt : hễ chỗ nào vui nhộn, náo nhiệt thì có mặt …vậy
thôi !
Về phía Chúa thì lại có vẻ có chuẩn bị và chuẩn bị khá kỹ ,
dặn dò từng cách làm và từng câu nói … để mọi sự xảy ra “ đúng theo lời Kinh
Thánh đã báo trước ” …
Những thái độ và những tâm trạng : thái độ và tâm trạng của
“ Đấng nhân danh Chúa mà đến” và thái độ cũng như tâm trạng của những người
có mặt hôm ấy ở Giê-ru-sa-lem và hôm nay giữa cuộc đời này…
Nức lòng và phấn khởi , rộn ràng và nhiệt huyết , khuấy động
và sôi nổi , chúng ta cũng hãy tham gia cuộc đón rước này …nhưng cũng hãy tự hỏi
chính lòng mình xem : mình đang đón rước ai ? đón rước để làm gì ? …
Là Linh Mục gần 40 năm trời … và – như thế - thì chí ít ra
cũng có dịp để tổ chức trên 30 cuộc “ kiệu lá ” qua năm cộng đoàn Giáo Xứ được
“ bổ nhiệm” tới …
Thời gian từ 1975 - 1989 … hình như những cuộc kiệu lá có vẻ
ít rộn ràng hơn nhưng lại khá là có chiểu sâu : bà con – do nhiều nhiều những
giới hạn cả về mặt tinh thần lẫn vật chất – nên không quan tâm mấy đến những gì
bên ngoài hay bên cạnh của dịp lễ lạy và vì thế cũng thanh thoát hơn , gần gũi
hơn với Giê-su trần trụi , Giê-su bầm dập … và Giê-su bị treo …Cái tâm tình này
của bà con – xét mình lại– thấy là ảnh hưởng khá nhiều đến “ chủ tế ” đồng thời
cũng là người đứng ra tổ chức Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh…Bản thân – khi lặng lẽ
khoác màu áo đỏ và với nhánh vạn tuế trên tay đi trước cộng đoàn kiệu lá – thấy
mình phải cố sức để nên giống Giê-su mỗi ngày vì khối bà con trên mười hai
ngàn người này sẽ không còn biết dựa vào ai để sống đức tin giữa một cuộc sống
thật sự khó khăn và quá mù mờ về tương lai …Những lời tung hô “ chúc tụng Đấng
nhân danh Chúa ” có vẻ như nghẹn ngào và tràn đầy cảm xúc … vì biết rằng con
cái Chúa – từng người – nhìn thấy nơi mình chính Giê-su bị treo – không phải chỉ
là dăm ba giờ - mà là từng giây từng phút khi sống và trình bày đức tin của
mình …
Những năm tháng của thời “ mở cửa” – khi các dịp tổ chức lễ
lạc tôn giáo – do bên ngoài thấy thương và có điều kiện để hổ trợ - nên việc tổ
chức cũng đã bắt đầu dần có khuynh hướng nghiêng về chiều kích “hoành tráng” với
mục đích tuy không rõ rệt nhưng ngấm ngầm có tính cách “ biểu dương đạo mình !”
… Não trạng này – không biết có đúng không – nhưng cũng làm cho “ chủ tế ” phần
nào quên đi vai trò là môn sinh của Thầy , làm theo lệnh Thầy … và cố để nên
giống Thầy … “ Chủ tế ” - mơ hồ thôi – nhưng có vẻ như mập mờ thấy mình là “
Chúa” : Chúa trong kiệu lá … nhưng chưa chắc đã chịu là Chúa trên Thánh Giá …
Bà con dần dần lơ là với bầu khí đón rước thủa nào ở Giê-ru-sa-lem xa lắc xa lơ
và ở một cái thời cũng xa lắc xa lơ …Vậy là cử hành chỉ còn mang tính nghi thức
“ làm lại” vậy thôi…Mình đã xét mình và mình thấy nơi bản thân mình có vẻ như
không còn mấy nữa những tâm tình …
Đến thời ồ ạt của các phương tiện hiện đại hôm nay thì cuộc
kiệu – dĩ nhiên là vẫn được tổ chức theo nghi thức – nhưng những người tham dự
có vẻ như đã tự mình tách ra thành nhiều thành phần và ở những tâm trạng vừa
khác biệt , vừa khác hoắc : một thiểu số cao tuổi vẫn còn “ Giesu-Maria! ” ở
bất cứ chuyện lớn nhỏ nào trong ngày sống… thì đương nhiên là thành kính rồi ;
phần đại đa số ở tuổi lo ăn, lo làm và lo hưởng thụ … thì ráng nhập cuộc cho
tròn bổn phận ; giới trẻ thì không ít bạn vừa đi kiệu vừa lướt di động – trong
đó – có đủ mọi thứ chẳng ăn nhập gì đến ý nghĩa cuộc kiệu … cho nên cũng không
biết mình kiệu gì , đón rước ai và người mình đón rước ấy có ảnh hưởng như thế
nào đến sự sống còn của con người …
Tất cả những tâm trạng trên mình gặp thấy nơi chính bản thân
mình qua 40 năm Linh Mục từ một Linh Mục trẻ 29 tuổi cho đến nay là một Linh Mục
già “ thất thập ” …và là một Linh Mục không thích lắm những phương tiện của “
văn minh đô thị ” vì không muốn mình quá bị ràng buộc …
Cám ơn Chúa về tất cả những “ hồng ân ” ấy của đời Linh Mục
, vì – có lẽ nhờ vậy – mà hôm nay có dịp ngồi gõ về cuộc kiệu Chúa Nhật Lễ Lá
sắp tới - khai mạc Tuần Thánh 2015 … và – với dự định của mình – thì cũng là
cuộc kiệu chót trong tư cách còn làm việc ở một Giáo Xứ … Với cái đấu gối khi
vui khi buồn thì đương nhiên là mình sẽ không “ chủ trì ” cuộc kiệu …Vì thế sẽ
có dịp ngồi lại một mình , lắng nghe những tiếng tung hô “ Chúc tụng Đấng nhân
danh Chúa” và đếm thứ xem đã thực sự được bao lần mình tung hô thật lòng …
“ Đúng , Người này là Con Thiên Chúa ” : lời tuyên xưng thật
hơn bao giờ hết và thật hơn bất cứ lời tuyên xưng nào khác ở trần gian này: một
lời tuyên xưng đi từ chứng kiến đến ngưỡng mộ , một lời tuyên xưng không bị
vướng bận bất cứ lý lẽ nào mà chỉ là “ ngộ” … Không biết từ đó về sau thì con
người tuyên xưng ấy như thế nào , nhưng chắc chắn một điều – trong tâm hồn và
đầu óc mình – hình ảnh “ Người này là Con Thiên Chúa ” sẽ khó phai mờ …Tin Mừng
không bận tâm nữa đến cái về sau của người tuyên xưng , nhưng còn Ơn Chúa , còn
tâm tư , còn suy nghĩ …
Màu đỏ của lễ phục trên người chủ sự đương nhiên là “ màu của
vua chúa” bởi vì đóng vai vua Cứu Thế khởi hoàn vào thủ đô của mình mà …Mình
khá là ngại phải chủ sự những cuộc kiệu như thế này , vì – thỉnh thoảng được làm
khán giả bên ngoài – mình thấy hình như khuôn mặt chủ sự của mình - có lẽ do
nghi thức long trọng quá chăng – nên cũng nghiêm túc một cách không bình thường
… Nó làm cho mình nhớ đến một mẩu chuyện ngụ ngôn nào đó nói về việc ông chủ
trên lưng được bà con kính trọng chào đón mà chú ngựa thì cứ vênh mặt lên như là
những chào đón ấy dành cho mình …Dĩ nhiên “ màu đỏ ” này cũng sẽ được khoác lại
lên mình Chúa ở ngay giữa cuộc hành hình Chúa với mục đích nhục mạ …Ôi ! cái “
màu đỏ ” đa dạng và nhất thời biết là bao …Có chăng chỉ là “ màu đỏ ” kính các
thanh tử đạo mới nói lên tất cả …Con Thiên Chúa – làm – người bị treo là Vị Tử
Đạo mẫu …
Đang gõ những giòng này thì được tin người đàn anh đáng kính
Alexis Nguyễn Thạch Ngọc được Chúa gọi về với Chúa sau 78 năm trong thân phận
người lữ hành trên mặt đất trần gian này …mà ai cũng biết là rất trần gian với
đầy đủ những hỷ - nộ - ái - ố của mọi con người dương thế …Lúc này thì Cha
Alexis đang dõng dạc tuyên xưng: “ Đúng , Người này là Con Thiên Chúa ” khi có
mặt trước tôn nhan Thiên Chúa : một lời tuyên xưng của một đời theo Chúa giữa
muôn ngàn bấp bênh và trớ trêu …Và cũng là lời tuyên xưng thật nhất, không vướng
bận chi nữa y như lời tuyên xưng chiều nào của viên sĩ quan ngoại đạo đứng trước
cảnh tối tăm mù mịt của đất trời …
Thời gian còn lại của ngài trên trần gian hình như cũng ngắn
hơn một chút vì Tuần Thánh đã cận kề …Với ngài thì cũng chẳng sao – mình nghĩ
thế - bởi vì ngài đã ở trong Vĩnh Cửu và ngay cả cái ông thánh Alexis mà ngài
nhận làm bổn mạng cũng là một nhân vật mơ hồ thì lúc này chỉ còn Chúa – phải –
chỉ còn Chúa , Đấng thương ngài và đón ngài …
“ Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ cho linh hồn Alexis được
lên chốn nghỉ ngơi ! Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng .
Amen”
Và cùng với Cha Alexis , xin được tuyên xưng : “ Đúng , Người
này là Con Thiên Chúa” .
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp .