Thông thường, hai chữ "Xuống Ðường" gợi lên
cho chúng ta hình ảnh của những chống đối, biểu tình, đôi khi mang tính cách
bạo động trong đường phố. Nhưng cũng có những trường hợp người ta "xuống
đường" là để gặp gỡ, cảm thông với người khác, nhất là những người không
nhà không cửa, những người sống bên lề đường, những người bị đẩy ra bên lề xã
hội cách này hay cách khác: Ðó là trường hợp "xuống đường" của một số
giáo dân thuộc xứ Saint Leu Gilles thuộc phận 16 của thủ đô Paris Pháp quốc.
Từ 8 năm qua, một số giáo dân thuộc
xứ trên đây đã tụ họp lại để thành lập một hiệp hội có tên là "Giải phóng
kẻ bị giam cầm". Thật ra đây không phải là một chương trình xã hội quy tụ
các nhà giáo, các cán sự xã hội để săn sóc cho những người đầu đường xó chợ, mà
chỉ là một nhóm nhỏ gồm những tín hữu chỉ muốn xuống đường, ra khỏi bốn bức
tường nhà thờ, hoặc mái ấm gia đình để đến gặp gỡ, trò chuyện với những người
đứng đường như các cô gái điếm, những người nghiện ngập. Mục đích duy nhất của
những gặp gỡ này chính là thiết lập tình thân hữu với những người mà ai cũng
ghét bỏ.
Một thanh niên thường xuyên đến gặp gỡ với những
cô gái điếm ở đường Saint Denis đã giải thích như sau: "Trước mặt Chúa,
chúng ta cũng như những cô gái điếm đứng đường, nhưng chúng ta biết rằng Chúa
yêu thương chúng ta bên kia tất cả những hành động đĩ diếm của chúng ta. Các cô
gái điếm đánh động lương tâm đang ngủ yên của chúng ta. Họ mời gọi chúng ta hãy
tự đặt vào trong cái nhìn của Chúa và đừng bao giờ kết án ai."
Đúng là như vậy, động từ “xuống đường” trước
đây – và có lẽ ngay cả bây giờ - ở nơi
này nơi khác - vẫn có những thời điểm nhóm này nhóm kia xuống đường là để bày
tỏ một thái độ, một chính kiến, một nhu cầu hay cũng có thể là để ủng hộ hoặc tẩy chay một chủ trương, một nhân
vật…
Thời kỳ người viết ở Trung Tâm Mục Vụ Đông Á Châu (I.A.P.I), Đức Hồng Y Tổng Giám Mục
Manila – Phi Luật Tân có xin các Giáo xứ và các Học Viện, các trường Đại Học và
Trung Học tổ chức “xuống đường” tuần hành một ngày để lên tiếng yêu cầu
chính quyền thời đó bớt độc tài và dành cho dân chúng có dịp để lên tiếng bảo
vệ mình…Đúng ngọ thì cuộc tuần hành dừng chân và tất cả đều gõ xoong, gõ chảo
rân trời khoảng cỡ mươi mười lăm phút rồi giải tán…Người viết có hỏi bạn bè
người Phi thì họ cho biết tục lệ của người Phi là khi cần xua đuổi ma quỷ…thì
gõ xoong, gõ chảo!!! Nghĩa là sự độc tài hay khuynh hướng đàn áp này/khác được
coi là công việc của ma quỷ…cần phải được bài trừ, xua đuổi…Mới đây có dịp dùng
bữa với vài ba người bạn người Phi và họ cho biết là ông cựu Tổng Thống Rodrigo
Duterte lúc này phải trốn chui trốn nhủi vì sợ bị thân nhân những con nghiện và
những tay buôn ma túy đã bị ông bắn chết cách vô tội vạ tìm ông để trả
thù…Chống và bài trừ ma túy là điều tốt,
nhưng xả súng bừa bãi không cần xét xử lại là điều ác…Giáo dưỡng và giúp cho
nạn nhân có thời gian cai nghiện đồng thời biết cố gắng để rời xa ma túy, rời xa tật xấu là
điều tốt, nhưng coi thường nhân mạng và phẩm giá con người là điều ác…
Hình ảnh vào bài trên kia là cuộc đua việt dã “Marathon
Quốc Tế VTV LP Bank – Sắc mầu hoàng hôn Cát Bà” được tổ chức ngày 19/10/2024 vừa qua…Đấy cũng
là một hình thức “xuống đường” , nhưng là “xuống đường” nhằm tôn
vinh giá trị của đoàn kết, của yêu thương, của sức khỏe và của vẻ đẹp quê
hương…
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng mời chúng ta – thành viên
trong Giáo Hội – “xuống đường” với nhiệt huyết của những người
tin …Ngài nói – trong buổi Tiếp Kiến chung ngày 27/3/20213 rằng : “Theo Chúa
Giêsu có nghĩa là học cách ra khỏi chính mình để đi gặp tha nhân, nhất
là những người bị lãng quên, những người cần được thông cảm hơn cả, cần được
giúp đỡ và ủi an. Theo Chúa Kitô đòi ta “phải ra khỏi chính mình,
khỏi lối sống đức tin mệt mỏi chỉ theo thói quen, ra khỏi cám dỗ co cụm trong
khuôn khổ của mình”… Ngài còn nhấn mạnh : “Tôi thích một Giáo Hội bị
bầm dập, bị thương tích, dơ bẩn vì đã ở ngoài đường hơn là một Giáo Hội yếu
nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn
có một Giáo Hội quan tâm đến việc được ở vị thế trung tâm và rốt cuộc bị vướng
mắc vào một mạng lưới của những nỗi ám ảnh và thủ tục” ( Tông Huấn Niềm Vui
Tin Mừng, số 49)…Và lấy cảm hứng từ những nỗi niềm ấy của Đức Thánh Cha, Linh
mục Trần Tuấn đã sáng tác nhạc phẩm “Đi về vùng ngọai biên” được ca sĩ
Phan Đình Tùng trình bày:
Đừng đứng trên ban-công mà nhìn cuộc đời,
Đừng lướt trên iphone mà nhìn mọi người,
Đừng nói câu yêu thương bằng miệng, bằng lời…
Nhưng bước xuống và hãy đến…
Hãy đến những vùng ngoại biên…
Ông Cụ ngót nghét trăm năm tuổi “sống & làm
việc” Chúa trao vẫn miệt mài “ra khỏi chính mình” – thậm chí ngồi
trên xe lăn để đi đến mọi miền đất trần gian – miền cận lân và miền ngoại biên,
miền chầp nhận đón tiếp và cả những miền đất “yêu cầu rời đi” (x. Mc 5 ,
17)…Người ta đôi khi lên tiếng phàn nàn chi tiết này, lời nói kia nơi một Ông
Già…khi Ông Già “bộc phát” một suy nghĩ nào đó…thì quả thật là
“đòi hỏi” quá đấy, bởi Thiên Chúa không miễn trừ cho bất kỳ ai – dù họ ở địa vị
nào, mang những trách vụ ra sao – Người cũng không miễn trừ cho họ sự thoái hóa
đương nhiên của phận người theo qui luật sinh-lão-bệnh-tử…Làm sao mà một con người
ở tuổi 88 có thể lanh lợi, tinh tế cho bằng một con người ở tuổi 77 cho
được…Nhất là tình hình của thế giới , của gia đình nhân loại và cả trong gia
đình Giáo Hội ngày càng rối beng gây khốn cùng cho con cái Chúa – con cái trong
nhà và cả những người con còn lang thang vùng ngoại biên…Còn ăn, còn ngủ được và còn lên tiếng được hằng ngày
đã là hồng ân lắm rồi…Chưa nói đến gương sống đức tin, đức cậy, đức mến…vượt xa
mọi con người trần thế khác…Gì thì gì nhưng cũng phải sống yêu thương, từ bi và
hỷ xả…cho nó xứng với danh nghĩa của “sinh-vật-đầu-đội trời-chân-đạp-đất”
chứ…Moi và móc là chuyện của sói…
Câu nói của một thành viên Hiệp Hội địa phương – Hiệp Hội Giải Phóng Kẻ Bị Giam Cầm của Giáo Xứ Saint Leu
Gilles - về “cư dân ban đêm” của con đường nổi tiếng thế giới Saint Denis –
quận 16 / Paris : “Trước mặt Chúa, chúng ta cũng như những cô gái điếm đứng
đường. Nhưng chúng ta biết rằng Chúa yêu thương chúng ta bên kia ( và bên
trên) nhũng hành động đĩ điếm của chúng ta…Các cô gái điếm đánh động lương
tâm đang ngủ yên của chúng ta. Họ mời chúng ta hãy tự đặt mình vào tâm điểm
cái nhìn của Chúa và đừng bao giờ kết án
ai…” Bạo gan chưa ? Nhưng thật chí lý…Được dựng nên trong tư thế “thụ
tạo người” với những ân điển vượt xa những thụ tạo khác – lý trí, ý chí, tự do,
chọn lựa…và quyết định…như một thần minh…Vậy mà lại tận dụng tất cả những “ân
điển” ấy vào việc chối bỏ Thiên Chúa…thì gọi là gì bây giờ nhỉ ? Không phải là
“đàng điếm” sao ? Cư dân ban đêm ở Saint Denis – quận 16/Paris nổi
tiếng thế giới – hay là những cánh bướm đêm ở khá nhiều các “khu vực đèn đỏ”
tại các đô thị lớn – dĩ nhiên họ “make up” để hành nghề, nhưng trong “trái
tim con người” của họ vẫn cháy bỏng nỗi khát khao “thoát kiếp”…để
sống tốt, sống lành hơn…Người viết vẫn nghĩ thế…Chẳng qua là vì họ chưa gặp
được cơ hội, chưa có dịp để nắm lấy bàn tay của Chúa qua những con cái Chúa là
Kitô hữu chúng ta đấy thôi…Có cơ hội và có dịp, chắc chắn họ sẽ khác đi rất
nhiều…Người viết nhớ Chị Chiara Lubich có nói một câu rất thánh thiện và cũng
rất nữ giới : “ Khi một cô gái biết mình được yêu, cuộc đời của họ sẽ thay
đổi : mọi thứ quanh cô dường như đẹp hơn và mọi khía cạnh cuộc đời được thăng
hoa hơn. Cô cảm thấy tử tế hơn đối với người khác…Người Kitô hữu càng biết sâu
hơn về chân lý “Thiên Chúa là Tình Yêu”…thì sẽ càng sống mãnh liệt hơn kinh
nghiệm đó ” (trích từ Tập “Trong Gai lại có Hoa Hống” , Chiara Lubich)…
Cho nên “xuống đường” không thuần túy
chỉ là việc mở cửa nhà mình để bước vào phố thị, nhưng còn là mở “cánh
cửa lòng” để có thể cười, có thể nói, có thể ôm, có thể hôn bất cứ ai ở
trong bất cứ hoàn cảnh nào – nhưng đặc biệt nhất là trong những hoàn cảnh cần
được thông cảm, cần được chia sẻ…và cần được quan tâm…
Alfred Adler – một bác sĩ và là chuyên gia tâm thần
học - đã từng chia sẻ : “Chúng ta học được trong tình bạn rằng hãy
nhìn bằng mắt của người khác, nghe bằng tai của người khác, và cảm nhận bằng
trái tim của người khác.”
Còn Chúa Giêsu thì quá biết nỗi niềm ước mơ của con
cái Chúa là gì : là được Chúa yêu thương đón nhận chúng ta vào Nhà Thiên Chúa
là Cha…Xin hãy vui lòng nghe lại lời khẳng định của Người :
“Nào những kẻ Cha Ta chúc
phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo
thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống;
Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc;
Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm.” Bấy giờ
những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy
Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp
rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc
ngồi tù, mà đến thăm đâu?” Ðể đáp lại, Ðức Vua sẽ bảo họ rằng: “Ta bảo thật các
ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta
đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
Và thưa bạn, chúng ta hãy
“xuống đường”…ngay hôm nay : xuống đường để đến công sở, trường học,
chợ búa, văn phòng…và hãy nắm lấy tay Giêsu nơi tất cả những người chúng ta gặp…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp