Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Lê Xuân Hy, Ph.D.
Bài Viết Của
Gs. Lê Xuân Hy, Ph.D.
Ý Nghĩa của Hang Đá và Máng Cỏ: Dấu Chỉ Tuyệt Vời
Đức Tin Công Giáo và Thuyết Tiến Hóa
BÍ MẬT CỦA CHÚA CỨU THẾ

 

Trong Tin Mừng theo Thánh Máccô chưong 8, Đức Giêsu hỏi các môn đệ:  "… Anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phêrô trả lời: "Thầy là Đấng Kitô". Đức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.”  (Mc 8,29-30).

 Tại sao Chúa Giêsu xuống thế để tỏ mình ra cho muôn dân, mà lại cấm ngặt các môn đệ không được nói với ai về Người?

Chúa ra lệnh giữ bí mật này nhiều lần. Phúc âm theo Thánh Máccô ngắn gọn, mà trong đó có cả chục lần Chúa bảo mọi người giữ kín miệng. Chúng ta cùng nhau xem lại một số lần:

Ngay từ đầu Phúc Âm, ma quỷ đã biết Chúa là ai, nhưng Chúa không cho chúng nói, như trong câu 24 chương 1, khi một thần ô uế la lên rằng: "Ông Giêsu Nadarét, ... Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!"  Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: "Câm đi...!"

Câu 34 của chương 1 cũng vậy, "Đức Giêsu trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai."

Trong chương 3, Chúa cũng cấm quỷ nói ra.

Không phải Chúa chỉ cấm quỷ, mà cấm cả những người Chúa thương và đã chữa lành. Sau khi Chúa chữa người bị phong hủi trong chương 1, ngài bảo anh: "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả..."

Chương 5 kể chuyện Ngài cho em bé sống lại như sau: "Người cầm lấy tay nó và nói: "Talithakum", nghĩa là: "Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi !"

Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ.

Đức Giêsu nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy,..."

Chương 7 kể chuyện Ngài chữa kẻ câm điếc rồi cũng giữ bí mật: "Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Epphatha", nghĩa là: hãy mở ra !

Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.

Đức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả."

Và còn khá nhiều chi tiết khác và trường hợp khác mà Chúa có vẻ bí mật, như sau khi Chúa biến hình, "Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trừ khi Con Người đã từ cõi chết sống lại."

Trở lại câu hỏi là: tại sao Chúa lại có vẻ bí mật thế?

Mầu nhiệm của Chúa Cứu Thế

Có lẽ vì Chúa biết chúng ta sẽ hiểu lầm Ngài. Phúc âm Thánh Máccô cho thấy nhiều lần chính các môn đệ hiểu lầm Chúa Cứu Thế. Chúng ta trở lại đoạn thánh Phêrô tuyên xưng  "Thầy là Đấng Kitô". Ngay sau đó, Chúa dạy rõ ràng cho các ông về Ngài: "Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở."

Phản ứng của các môn đệ ra sao?

"Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người."

Vậy Thánh Phêrô dùng đúng chữ "Thầy là Đấng Kitô" nhưng thật ra ông không hiểu Chúa Cứu Thế. Các môn đệ khác cũng vậy.

Làm sao chúng ta hiểu được Thiên Chúa? Chúng ta chỉ hiểu được qua Chúa Kitô. Làm sao chúng ta hiểu được Chúa Kitô? Chúng ta phải nghe lời Ngài và nhìn vào cuộc sống của Ngài. Khi chúng ta nghe kĩ và nhìn kĩ, chúng ta thấy gì?

Thánh giá chính là Mầu nhiệm của Chúa Cứu Thế. Trước khi Ngài chịu khổ nạn, cho dù Ngài nói rõ tới đâu, nói bao nhiêu lần, các môn đệ vẫn không hiểu thấu mầu nhiệm này. Chính vì vậy Ngài mới có vẻ giữ bí mật, để cho thiên hạ khỏi hiểu lầm.

Hình ảnh thánh giá bao trùm từ đầu tới cuối Phúc âm Thánh Máccô. Ngay từ đầu, Chúa bị cám dỗ, và Thánh Gioan Tẩy Giả bị bắt. Chúa liên tục nhắc tới khổ giá cho Ngài và những người theo Ngài như chương 8 này, "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy."

Không phải chỉ trong lời nói thôi, mà từ đầu chương 3 "nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu."

Khi bị bắt rồi, khi thập giá đã rõ ràng rồi, thì Chúa tuyên bố công khai:

"Vị thượng tế lại hỏi Người: "Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?"

Đức Giêsu trả lời: "Phải, chính thế."

Khi Chúa tắt thở rồi, dân chúng mới nhận ra con Thiên Chúa:

"Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: "Quả thật, người này là Con Thiên Chúa"."

Chúa dặn các môn đệ không kể lại chuyện Chúa biến hình cho tới khi "Con Người đã từ cõi chết sống lại" vì khi đó thánh giá đã rõ ràng rồi.

Thánh giá thời nay

Các môn đệ không hiểu nổi mầu nhiệm thánh giá của Chúa Cứu Thế trước khi Ngài chịu khổ hình. Còn chúng ta, có lẽ chúng ta quen hình ảnh thánh giá quá rồi, mà lại sống trong một văn hóa hưởng thụ, nên cũng khó hiểu và sống mầu nhiệm mà Chúa Cứu Thế đã mạc khải cho chúng ta. Có một số thánh giá dễ thấy, như tai nạn xe cộ, hay làm ăn vất vả. Những thánh giá này có thể nặng nề lắm, nhưng có lẽ không phải là những loại thánh giá chính mà Chúa Giêsu nói tới.

Chúa muốn nói tới thánh giá của kẻ "liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng." Trong thế gian này, khi chúng ta làm điều gì vì sự thật và vì tình thương, nhiều khi chúng ta không được khen mà trái lại, chúng ta có thể phải vác thánh giá, có khi do chính những người thân của chúng ta trao cho.

Như vậy có phải là bất công không? Chúa Cứu Thế, và cũng là con đường của chúng ta, đã không trở thành một luật sư tài giỏi, ngược lại đã chịu chết cách bất công, nếu hiểu theo nghĩa trần thế.

Phần tôi, tôi thường chỉ theo được Chúa Cứu Thế trong câu nguyện đầu: 

"Ápba, Cha ơi ! Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén này."

Còn tôi chưa cầu nguyện theo được câu sau của Ngài:

"Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha".

Gs. Fx. Lê An Hòa 

Tác giả: Gs. Lê Xuân Hy, Ph.D.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!