Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Lê Xuân Hy, Ph.D.
Bài Viết Của
Gs. Lê Xuân Hy, Ph.D.
Ý Nghĩa của Hang Đá và Máng Cỏ: Dấu Chỉ Tuyệt Vời
Đức Tin Công Giáo và Thuyết Tiến Hóa
LÀM SAO SỐNG VỚI CHÚA GIỮA TRĂM NGÀN BẬN RỘN ?

 

Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Simôn và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa:  “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” (Mc 1,35-37).

Trước nhà tôi, ngay cạnh chỗ xe đậu, là một miếng đất nhỏ trồng một loại cây mọc sát mặt đất tên là periwinkle, đâm nhiều nhánh và mọc rất dầy, cỏ dại ít chen vào nổi, tôi tạm gọi là “cỏ lan.” Ở ngay mép mảnh đất đó, thỉnh thoảng bánh xe cán lên, nên đất bị nén xuống, cỏ lan không mọc được, nhưng một vài loại cỏ dại lại mọc mạnh và đâm rễ sâu.

Có lẽ đời sống đức tin phần nào cũng giống như việc trồng cỏ lan. Khi ta bận rộn với nhiều công việc thì lòng ta cũng giống như mảnh đất hay bị bánh xe lao công của cuộc đời cán lên, làm cỏ tốt khó mọc, còn cỏ xấu dễ thao túng. Ngay cả khi ta bận rộn với việc tốt, kể cả việc tông đồ, “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” lòng chúng ta cũng có thể bị xa Chúa.

Nhiều người cho là triết gia Nietzsche phạm thượng khi ông viết “Thượng Đế đã chết,” nhưng ít người đọc cả đoạn để hiểu rằng ông đang cảnh cáo cả những người có đạo đang đánh mất Chúa, phỏng dịch, “Thượng Đế đã chết, tao nói cho bây nghe, chính chúng ta đã giết Người. Chính chúng ta hành quyết Người. Cách nào? Làm sao chúng ta uống cạn cả đại dương? Ai cho chúng ta cái giẻ lau mất cả chân trời? Đấng thánh nhất và quyền năng nhất mà vũ trụ từng biết đã chảy máu đến chết dưới lưỡi dao của chúng ta… Nhà thờ có khác gì mộ Chúa” (Bản tiếng anh http://www.age-of-the-sage.org/philosophy/friedrich_nietzsche_quotes.html).

Tôi cảm nhận việc Thượng Đế chảy máu đến chết ngay trong hồn tôi và nhiều người chung quanh khi chúng tôi quá bận rộn trong cuộc sống. Ban ngày thì đi làm kiếm cơm. Khi đủ cơm rồi thì kiếm nhà lớn hơn, xe đẹp hơn, đồ chơi hiện đại hơn, phim ảnh và truyền hình tân tiến mới lạ hơn để lấp đầy mọi khe hở về không gian và thời gian trong tâm hồn và cuộc sống; việc tông đồ cuối tuần càng làm bận rộn thêm. Đúng là “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm chủ nhật.”

Khi không sống gần Chúa, thì chuyện bé xé ra to, mất thêm giờ và tâm sức tranh cãi những chuyện không đâu. Đại dương và chân trời, cũng như lòng đạo, không chen vào trong cuộc sống được, mặc dù vẫn đi lễ, dạy giáo lý, và có vẻ sống đàng hoàng, đạo đức.

Khi không thực sự sống tinh thần Phúc Âm thì việc đạo đức cũng có thể trở thành cơ hội cho “cái tôi” được đề cao, cho “ghen tỵ” có đất sống. Từ ghen tỵ đến mưu mô hại người (bằng trăm ngàn cách) chỉ có một bước chân.

Rất may Chúa nhập thể, không những dạy chúng ta với dụ ngôn gieo giống (Mc 4,13-20), mà còn làm gương cho chúng ta nữa: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.”

Kinh nghiệm của một số người cho thấy là giờ cầu nguyện buổi sáng rất giúp ích, cho dù đôi khi phải cố gắng đi ngủ sớm hơn để thức dạy sớm hơn. Lúc đó thân xác chưa mệt mỏi, không khí thành phố còn tương đối trong lành, chúng ta dễ tâm tình với Chúa, cảm nhận Chúa, và bàn với Chúa về một ngày sắp tới. Đây có lẽ là lúc dễ chiêm niệm hơn. Ngược lại, đa số chúng ta khá mệt mỏi vào buổi tối, ngại cầu nguyện và dễ bị chia trí khi chiêm niệm.

“Lạy Chúa này con đây! (1 Sm 3,4), con đã theo Chúa từ ngày còn nhỏ; con đã giữ đạo từ nhiều năm; nhưng Chúa vẫn xa lạ đối với con; Chúa vẫn vắng bóng trong tâm hồn và cuộc sống của con.

“Lạy Chúa, lỗi tại con; vì con đã dành tâm trí, thời gian và sự chú ý của con cho những chuyện khác, chứ không dành ƯU TIÊN cho Chúa! càng không dành TẤT CẢ cho Chúa!

“Chính bằng cách sống ấy mà con đã loại trừ Chúa ngay trong tâm hồn và cuộc sống của con. Con còn mạnh tay loại trừ Chúa bằng cách sống đạo đức giả, miệng nói một đàng mà việc làm một nẻo; miệng nói yêu thương, bác ái, phục vụ nhưng lòng chứa đầy tính toán, mưu mô, xảo quyệt, ghen tỵ, hiềm thù và kiêu ngạo.

 

Lạy Chúa, xin giúp con trở về cùng Chúa!”

FX. Lê An Hòa, Seattle University, USA.   

Tác giả: Gs. Lê Xuân Hy, Ph.D.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!