QUÀ TẶNG TIN MỪNG:
Chúa Nhật XX Thường Niên, năm A
(Mt 15, 21-28)
Lm Anphong Nguyễn Công
Minh,
Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam.
Kính
mời theo dõi video tại đây:
https://bit.ly/3P2vllw
Có
một lời ca mà ta nghe rất quen, của Y-Vân: “Lòng
mẹ bao la như biển thái bình dạt dào, Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt
ngào.” Lời ca đó có thể dẫn ta đến một người mẹ mà bài Tin Mừng hôm
nay nhắc tới: bà mẹ người ngoại, người Canaan.
Bà bất chấp tất cả, bất chấp nhục nhã để đi van xin cho con gái của bà bị quỉ
ám được chữa lành. Chắc bà này đã đi nhìều thầy, chạy nhiều thuốc mà
tiền mất tật mang. Cứ xem cách mô tả trong bài Tin Mừng hôm nay thì rõ. Bởi vì lần đến với ông thầy Giêsu này, bà đã tỏ ra lão luyện
trong nghề van xin đến độ Chúa phải khen: “Lòng tin của bà mạnh thật!”
Thật đẹp, thật phúc biết bao nếu Chúa Giêsu cũng nói câu đó với tôi, “Lòng tin của con mạnh thật!” Nói như thế, tức là
có những người “lòng tin của ngươi yếu quá!” Vậy ta sẽ trả lời 2 câu hỏi : (1) Tại sao có người lòng tin mạnh, có người lòng tin yếu;
và câu (2) quan yếu hơn: nếu lòng tin yếu, có
cách nào làm cho mạnh không?
1. Tại sao có người lòng
tin mạnh, có người lòng tin yếu.
Ta
phải giới hạn để nâng câu hỏi này lên hàng “thiêng liêng.” Đức tin khác lòng tin. Giữa người với người là lòng tin. Giữa
người với Đấng Tối Cao là đức tin. Tại sao có những người đức tin
thật mạnh mà có những người đức tin yếu kém. Hỏi đổi lời: “Tại sao có những người dễ dàng tin vào Chúa vào Mẹ. Còn
có những người cảm thấy rất khó khăn để tin Chúa tin Mẹ?”
Câu
hỏi này cũng giống như câu hỏi: Tại sao có những người thật mập mạp khoẻ mạnh
lại cũng có những người khẳng khiu ốm yếu?
Họ
khẳng khiu ốm yếu là do cha mẹ họ. Họ thừa hưởng một thân xác mảnh khảnh của mẹ
của cha. Cha nào con nấy. Cha gầy gò, con ốm yếu. Nhưng cũng có những người ốm yếu vì chính họ không biết chăm
sóc sức khoẻ cho chính mình.
Điều
đúng cho sức khoẻ thể lý thế nào thì cũng gần
đúng cho sức khoẻ tâm linh, tức đức tin của chúng ta thể ấy. Một số
người đức tin yếu kém là do cha mẹ tổ tiên của họ. Cha mẹ có đức tin loại ba
cọc ba đồng thì đức tin của con cái làm sao mạnh mẽ được. Đức tin của cha là
loại “con quì lạy Chúa Ba Ngôi, con lấy được vợ con thôi nhà thờ” thì con cái
họ sinh ra làm sao có được lòng tin vào Chúa vào Mẹ vững mạnh được. Người ta
nhận xét, những Giáo Hội có tổ tiên là những vị
tử đạo, thì đức tin của Giáo Hội đó vững mạnh. Giáo Hội Việt Nam
thừa hưởng đức tin 117 vị thánh Tử Đạo, 2000 người tử đạo khác đã có hồ sơ chờ
xin phong thánh và cả trăm ngàn
người chưa có hồ sơ. Đại Hàn với 103 vị thánh tử đạo là tổ tiên, và cách đây 9
năm, 16-8-2014, đức giáo hoàng Phanxicô đến Đại Hàn để phong chân phước cho 124
vị tử đạo nữa, khiến con dân Giáo Hội Đại Hàn có
một đức tin kiên vững, bậc nhất ở Á Châu này. Đức tin cũng như sức khoẻ phải được
vun đắp. Thừa hưởng đức tin bất
khuất từ cha ông, mà không tài bồi vun đắp thì đức tin cũng lung lay yếu ớt.
Đến đây ta qua câu hỏi 2.
2. Nếu đức tin yếu, có
cách nào làm cho mạnh không?
Thưa có, và phải như vậy. Một
cơ bắp nếu không hoạt động không tập luyện thì sẽ yếu dần, có thể đi đến co rút
lại. Một đức tin không củng cố sẽ lắc lư giữa dòng đời đầy cạm bẫy làm mình xa
Chúa. Vậy đức tin năng tập luyện cũng sẽ thành
đức tin mạnh. Học hỏi bàn luận suy
niệm về Lời Chúa như chúng ta
đang làm đây; tham dự thánh lễ với phần dâng lễ ít phút cách chăm chú sốt sắng hơn; cầu nguyện mỗi ngày để
trở thành thói quen trong đời sống… tất cả đều
có thể làm đức tin mạnh hơn. Và còn một cách tập luyện đức tin xem
ra hữu hiệu hơn. Đó cũng là cách chúng ta muốn nói hôm nay, Dostoievski trong
tác phẩm “Anh em nhà Karamazov” có
bàn tới cách này.
Trong
tác phẩm, tác giả đề cập đến một bà lão, sức
khoẻ thiêng liêng (đức tin) suy thoái cùng với sức khoẻ thể xác (càng già đức
tin càng yếu…). Ngày nọ bà bàn luận vấn đề này với một vị linh mục
cũng già tên là Zossima. Bà nói với linh mục về đức tin yếu kém và những ngờ
vực của bà mới phát sinh khi … già: “Thiên Chúa có hay không? Ngài có quan tâm đến tôi? Có gì
sau khi chết không?”
Linh
mục già lắng nghe, cảm thông và nói với bà: Chẳng có cách nào chứng minh rõ
ràng những điều bà thắc mắc. Nhưng bà vẫn có thể tin những điều đó cách vững
vàng hơn.
-Bằng cách nào?
bà giả hỏi.
-“Bằng yêu thương. Hãy cố gắng yêu người láng giềng của bà thật
tình và bà sẽ nhận thấy có Chúa thật. Có
một tương lai huy hoàng sau khi chết. Đây là điều chắc chắn, đã được thể nghiệm
và đã có kết quả”.
Linh
mục già Zossima nói thật chí lý. Càng yêu nhiều
thì càng tin mạnh. Tin và yêu đi đôi với nhau như hai đường rầy xe lửa. Tìm được cái này là thấy rõ cái kia. Người phụ nữ
Canaan trong bài Tin Mừng hôm nay mà Chúa khen đức tin mạnh thật cũng là người yêu thật mạnh. Bà không xin Chúa
cho bà mà bà xin cho con bà. Lòng mẹ bao la. Bà đã vượt qua cả 3 cửa ải, 3 bước
khó để xin cho bằng được:
- Bước
1: Bà xin Chúa, Chúa nín thinh!
- Bước
2: Môn đệ nhắc khéo Chúa để đuổi bà về, Chúa bỏ lửng một câu: “Thầy chỉ được
sai đến cứu những con chiên lạc nhà Israel thôi”
- Bước
3: Khi bà cố nài van nữa để chữa lành cho đứa con bị quỉ ám, thì Chúa cho một
cú “ân huệ” (tức phát súng kết liễu kẻ bị án tử hình): “Không nên lấy bánh của con cái mà cho chó ăn.” Tưởng rằng cú ân
huệ này sẽ hạ gục bà mẹ. Ai ngờ bà vẫn sống: “Đúng thế thưa Ngài, nhưng mà lũ chó con
cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”
Chúa Giêsu thua. Lòng
tin bà mạnh thật. Bà tin mạnh vì bà yêu con bà
quá sức. Yêu là việc làm của Tin. Đức tin không việc làm là đức tin (yếu). Tin mà không yêu là tin yếu. Muốn tin mạnh thì cũng hãy yêu nhiều. Chắc chắn như vậy.
Amen.
Lm Anphong Nguyễn Công Minh, ofm –
Hẹn gặp lại