QUÀ TẶNG TIN MỪNG:
Chúa Nhật XVI Thường Niên, năm B
Lm Anphong Nguyễn Công
Minh,
Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam.
Kính
mời theo dõi video tại đây:
https://bitly.li/ol6Q
Nếu
dùng ngôn ngữ sân khấu hoặc điện ảnh của một đạo diễn để phân chia các cảnh,
thì đoạn Tin Mừng hôm nay (đoạn phim) vừa nghe vừa xem, gồm 4 cảnh :
1. Các Tông đồ đi giảng về tíu tít kể cho
Chúa nghe việc họ làm, lời họ dạy.
2. Chúa đưa các môn đệ đi tìm nơi vắng vẻ
nghỉ ngơi.
3. Dân chúng khắp nơi tuôn đến.
4. Chúa thấy vậy dạy dỗ họ nhiều điều.
Bốn
cảnh này qui về hai hồi: (1) Chúa và các tông đồ và (2) Chúa và dân chúng. Hai
hồi này có một chủ điểm với 3 chữ thật hay: “Chạnh
lòng thương”. Chạnh lòng thương
các tông đồ và chạnh lòng thương dân chúng.
1. Chạnh
lòng thương các tông đồ.
Khi các tông đồ được Chúa sai đi từng hai
người một, như bài Tin Mừng tuần trước, nay trở về từ bốn phương tám hướng, kể
lại cho Chúa nghe mình đã giảng gì, chữa lành ai, ra tay trừ quỉ thế nào, được
tiếp đón ra sao, bị xua đuổi thế nào… thì Chúa
liền chạnh lòng thương họ, và Ngài bảo họ đi nghỉ ngơi đôi chút.
Nghỉ ngơi là một nhu cầu, chứ không phải
hàng xa xỉ. Nhu cầu tức không thể không có; còn
xa xỉ, có cũng được không chẳng sao. Nghỉ
ngơi là nhu cầu. Ngay cỗ máy còn được nghỉ ngơi, huống gì là con người. Trong
con người, ta tưởng quả tim làm việc liên tục, cả ngày lẫn đêm. Không đâu! Mỗi lần tâm trương là mỗi lần tim nghỉ. Tim bóp lại để bơm máu đi là tim làm việc, rồi
buông thả, là tim xả hơi. Ta đo huyết áp là xem cả cực tiểu và cực đại. Lúc tim
bóp lại, huyết áp cực đại. Khi tim buông ra,
huyết áp cực tiểu, ấy là lúc tim nghỉ. Con người làm việc mỗi ngày,
có giờ nghỉ, mỗi tuần có ngày nghỉ, mỗi năm có tuần nghỉ. Một xã hội tiến bộ,
chạnh lòng thương, thì phải có quy chế ngày nghỉ. Làm việc 6 ngày, mong có ngày
nghỉ. Sách Sáng Thế nói: “Và ngày thứ bảy Chúa
nghỉ ngơi”. Khi tu viện chúng tôi
đây sửa chữa lại, đập phá dựng xây, khi làm nhà tiền chế cho giáo xứ, chúng tôi
mong đến Chúa nhật, để thợ nghỉ ngơi, mà chúng tôi cũng được ngơi nghỉ không nghe
tiếng động của qui trình dựng xây.
Các tu sĩ có tuần tĩnh tâm năm, như là
nghỉ ngơi phần xác, nuôi dưỡng phần hồn. ĐGH cũng đang thời kỳ nghỉ của năm,
các ngài thường rút về dinh thự mùa hè ở Cartel Gandolfo cho đến giữa tháng 9.
Vì thế chạnh lòng thương các tông đồ sau
khi ra đi rao giảng trở về, Chúa Giêsu nói: “Các
con hãy tìm nơi vắng vẻ nghỉ ngơi đôi chút”.
Nhưng khi thấy các tông đồ và Chúa Giêsu
rút đi, thì dân chúng “hiểu ý”. Marcô ghi như thế. Hiểu ý không phải “để yên” cho họ đi nghỉ, mà hiểu ý là biết Chúa Giêsu và các tông đồ “đi đâu”, nên họ đi đường bộ, đường tắt, đón lỏng Chúa
Giêsu và các môn đệ, vừa khi Chúa Giêsu và các tông đồ đến nơi vắng vẻ để nghỉ
thì đã thấy một đám đông dân chúng có mặt ở đó, và Chúa thấy họ thì chạnh lòng
thương.
2. Chạnh
lòng thương dân chúng
Chúa đã chạnh lòng thương hai người mù ở
Giêrikhô, nên chữa lành họ. Chúa chạnh lòng thương bà goá Na-in nên làm cho con
trai độc nhất của bà trỗi dậy từ cõi chết. Còn hôm nay, thấy đám đông dân
chúng, Chúa chạnh lòng thương. Nhưng chúng ta sẽ ngạc nhiên về chạnh lòng
thương của Tin Mừng hôm nay: Ta có biết chạnh lòng thương thì Chúa Giêsu hôm
nay làm gì không? “Ngài dạy họ nhiều điều”.
Không phải một điều, vài ba điều, mà là nhiều điều… cho đến khi xế xẩm tối, Ngài mới làm phép lạ bánh
ít hoá bánh đa cho họ ăn. Ta sẽ nghe bài Tin Mừng bánh hoá nhiều này vào tuần
tới. Còn trước hết, chạnh lòng thương, Ngài dạy họ nhiều điều.
Nếu ăn uống là một nhu cầu tự nhiên, thì hiểu biết, tri thức cũng là một nhu cầu hiển nhiên không
kém, chứ không phải hàng xa xỉ đâu. Con người có một nhu cầu đi tìm
chân lý, và như Chúa Giêsu nói: “Chân lý sẽ
giải thoát anh em”. Có nhiều
người hăng say nghiên cứu tìm chân lý, mà quên ăn quên ngủ. Có biết bao nhiêu
chân lý, có biết bao nhiêu điều mà con người muốn biết, cần hiểu: Nào là biết về Chúa: Chúa là ai. Nào là muốn biết về
con người: mình là ai, liên hệ thế nào với Chúa. Và nhất là: Chết là
gì, tại sao chết, chết đi đâu… tất cả đều là những điều mà con người
thời đại nào cũng khao khát biết, cho dẫu là đánh vần không được abc, a bờ cờ,
mà ta gọi là mù chữ, thì họ cũng khao khát được
biết những lẽ cần cho được rỗi linh hồn.
Cha mẹ nào không cho con cái đi học giáo
lý là phải trả lẽ trước mặt Chúa. Nhiều gia đình chỉ chăm chút cái ăn cái mặc
và học hành cho giỏi ở trường đời, điều này cũng kỳ công, nhưng vịn vào đó rồi
cho con nghỉ giáo lý là một thiếu sót lớn.
Nghỉ ngơi
là một nhu cầu. Học biết chân lý cũng là một nhu cầu. Có nhiều lúc
gặp xung đột, kiểu như xung đột bổn phận mà ta thường gặp nhất: một bên chữ
hiếu, một bên chữ tình biết chọn đường nào, thì riêng trong lãnh vực này dựa
vào diễn tiến của đoạn Tin Mừng hôm nay, ta thấy Chúa và các môn đệ có nhu cầu
nghỉ ngơi, nhưng dân chúng lại có nhu cầu nghe Lời, cho nên Chúa đã hy sinh nhu cầu nghỉ ngơi để thoả mãn nhu cầu lắng nghe
của dân chúng. Thấy họ, Chúa
giảng dạy nhiều điều cho đến tận chiều tối, mới ra tay làm phép lạ bánh hoá
nhiều.
Thánh
Lễ có cơ chế gần giống đoạn Tin Mừng hôm nay và sau đó. Phần thứ nhất là Phụng vụ Lời Chúa, ta lắng nghe Chúa
nói, nói qua bài đọc 1, bài đọc
2, kể cả đáp ca cũng là bài đọc, rồi nghe bài Tin Mừng, rồi nghe giảng dạy…
chẳng khác gì, “thấy dám đông dân chúng, Chúa
chạnh lòng thương và giảng dạy họ nhiều bài”. Rồi phần 2 của Thánh
Lễ là phụng vụ Thánh Thể, hoá bánh thành của ăn nuôi sống, chẳng
khác gì bài Tin Mừng sau đó (tức CN tới, 17B) ta sẽ nghe, tiếp nối giảng dạy nhiều điều là Chúa làm phép lạ hoá
bánh ra nhiều cho dân chúng ăn.
Và
đến đây là tạm chấm dứt phần: thấy dân
chúng, Chúa Giêsu chạnh lòng thương giảng dạy họ nhiều điều, để chúng ta
bước qua phần 2 của Thánh Lễ, Chúa hoá bánh rượu thành thịt máu người để nuôi
sống chúng ta.
Lm Anphong Nguyễn Công Minh, ofm –
Hẹn gặp lại