Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Phêrô Phạm Văn Trung
Bài Viết Của
Phêrô Phạm Văn Trung
Một cuộc viếng thăm bất ngờ tuyệt vời
Phục Sinh và Ý Nghĩa Cuộc Đời (Chi tiết từ “Sự phục sinh” (1715) của Sebastiano Ricci.)
Cái chết không chiến thắng
Tin vào Chúa Phục Sinh đòi hỏi một thái độ xác tín
Chúa Kitô trút bỏ mọi vinh quang bằng lòng chịu chết vì yêu thương
Chúng ta là một dân tộc Phục Sinh
Khao khát gặp Chúa Giêsu
Chết đi để sống tình yêu đích thực
Niềm vui trong tình xót thương của Thiên Chúa
Thiên tính hiển vinh của Chúa Giêsu.
Suy niệm và sống Mùa Chay Thánh
Kẻ thù ngày nay và Nước Trời ngày mai
Trở lại cuộc đời thanh sạch
Tin cậy và phó dâng mọi sự cho Chúa
Cầu nguyện suy niệm dành cho những người dễ bị phân tâm
Hơn cả sự chữa lành
Bài học về thẩm quyền
Chúng ta tìm thấy Chúa ở đâu?
CHÚA QUAN TÂM TÔI LÀ AI, NGÀI KHÔNG QUAN TÂM TÔI CÓ GÌ.
VIỆC CHIÊM NIỆM CÓ DÀNH CHO MỌI NGƯỜI KHÔNG?
MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐƯỢC KÊU GỌI NÊN THÁNH
Đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu
Hãy chọn Chúa Kitô và bước đi theo Ngài
Hãy thờ phượng Đức Vua
Đón Chúa theo gương mẫu của Mẹ Maria
Niềm vui được ánh sáng Chúa Kitô chiếu rọi
Cảm nghiệm niềm vui trong Chúa Kitô
Sám hối, thú tội và thanh tẩy đời sống để đón Chúa đến
Hãy canh chừng, hãy thức tỉnh
VƯƠNG QUỐC TÌNH YÊU CỦA VUA NHÂN LÀNH
ĐỜI SỐNG ĐẠO HẠNH VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT THA NHÂN
TẨY TRẮNG ÁO MÌNH TRONG MÁU CON CHIÊN
LÀM CHO NHỮNG YẾN BẠC SINH LỢI GẤP ĐÔI
TẠI SAO CHÚNG TA LẠI CHẾT?
NGỌN ĐÈN HẾT DẦU VÀ CƠN BUỒN NGỦ
PHỤC VỤ TRONG KHIÊM NHƯỜNG
KINH THÁNH CÓ ĐỀ CẬP DẾN LUYỆN NGỤC KHÔNG?
SỰ HIỆP THÔNG CỦA CÁC THÁNH
YÊU THƯƠNG LÀ LUẬT CAO TRỌNG NHẤT
VIỆC CHIÊM NIỆM CÓ DÀNH CHO MỌI NGƯỜI KHÔNG?
TƯ CÁCH MÔN ĐỆ VÀ VIỆC RAO GIẢNG TIN MỪNG CỦA CHÚA KITÔ

 

 

Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến…” (Luca 10: 1-12, 17-20)

NHƯ CHIÊN CON ĐI VÀO GIỮA BẦY SÓI

Bài Tin Mừng này tiếp nối ngay sau bài Tin mừng của Chúa Nhật tuần trước: chúng ta đã thấy Chúa Giêsu đương đầu với những nỗi khổ tâm mà sứ mạng đòi hỏi ở Ngài: chấp nhận sự không an toàn, không có chỗ tựa đầu, để kẻ chết chôn kẻ chết, nghĩa là biết lựa chọn gian khổ như bị đóng đinh, tra tay vào cày mà không ngoảnh lại, chấp nhận đối mặt với cái chết bằng cách kiên quyết đi lên Giêrusalem. Người ta có thể đoán được những cám dỗ luôn ẩn hiện đằng sau những gì Chúa Giêsu quyết định. Thánh Luca cho chúng ta thấy điều đó trên đường lên Giêrusalem: Chúa Giêsu đã tự mình vượt qua mọi cám dỗ. 

Ngài vẫn còn phải truyền đi ngọn đuốc: Ngài lần lượt sai các môn đệ của mình đi truyền giáo. Việc chuẩn bị cho họ là điều cấp thiết vì sự ra đi của Ngài đang đến gần. Và Ngài cho họ tất cả những lời khuyên cần thiết để họ chuẩn bị đối mặt với những cám dỗ mà Ngài biết rõ: họ cũng sẽ phải đối mặt với những cám dỗ tương tự.

Họ cũng sẽ biết đến sự khước từ: như Chúa Giêsu đã phải chịu sự khước từ của một làng Samaria, họ phải chuẩn bị để chịu sự khước từ; nhưng đừng để điều đó ngăn cản họ. Khi họ buộc phải rời khỏi một ngôi làng, họ vẫn cứ phải nói về sứ điệp mà họ đã được sai đến để nói: “Các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Luca 10; 11). Nhưng để cho thấy rõ rằng việc làm của họ hoàn toàn không được quan tâm và những người thụ hưởng sứ điệp luôn có quyền từ chối, Ngài nói thêm: “Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón…” (Luca 10; 10). 

Họ cũng sẽ phải nếm trải sự căm thù: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Luca 10: 3). Họ sẽ vẫn phải loan báo không mệt mỏi và mang lại bình an: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này! " Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy” (Luca 10: 5-6). Chúng ta phải tin vào sự lan tỏa của bình an bằng mọi giá: khi chúng ta thực sự hết lòng cầu mong cho một ai đó bình an, thì bình an thực sự sẽ lớn lên. Chúng ta biết điều đó bằng kinh nghiệm. Tuy nhiên, người đối thoại của chúng ta cũng phải là một người bạn của bình an; nếu không, Chúa Giêsu nói với họ “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông” (Luca 10: 11), nghĩa là đừng để mình bị đè bẹp bởi những thất bại, những lời từ chối… Đừng để điều gì khiến anh em phải “kéo lê chân mình”, một cách nào đó!

Họ cũng sẽ cảm thấy không an toàn: chính Chúa Giêsu “không có chỗ tựa đầu” (Luca 9: 57); nếu chúng ta hiểu một cách chính xác, thì môn đồ của Ngài cũng vậy: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” (Luca 10: 4). Họ cũng sẽ phải học cách sống ngày nào biết ngày ấy, mà không cần lo lắng về ngày mai, bằng lòng với việc “người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó” (Luca 10: 7), giống như người Do thái xưa trong sa mạc chỉ có thể thu nhặt mana từng ngày một.

TÍNH CẤP BÁCH CỦA SỨ VỤ

Họ cũng phải lựa chọn, đôi khi như bị đóng đinh vào thập giá, vì sứ mệnh cấp bách: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa ” (Lc 9,60) đó là một đòi hỏi vì những bổn phận dù thánh thiêng nhất theo con mắt của chúng ta cũng phải nhường chỗ cho sự cấp bách của Nước Thiên Chúa. “Đừng chào hỏi ai dọc đường” (Luca 10: 4) là một cụm từ cùng ý nghĩa cấp bách: đối với các môn đồ của Ngài, là những người ở phương đông, nên việc chào hỏi nhau dài dòng là một bổn phận thực sự.

Họ cũng sẽ phải chống lại sự cám dỗ muốn thành công: “Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia” (Luca 10: 7). Họ cũng sẽ phải học cách ước ao đến lượt mình truyền đi ngọn đuốc: sứ mệnh quá nặng nề, quá quý giá, người ta không thể độc chiếm nó: sứ mệnh không thuộc về chúng ta; bởi vì một trong những cám dỗ tinh tế nhất có lẽ là không thực sự muốn những người khác làm việc bên cạnh chúng ta. “Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mátthêu 9; 38): điều này không có nghĩa là dạy cho Chúa điều gì đó mà Ngài không biết, nhưng có nghĩa là người ta phải nhận ra rằng môn đệ cần đến sự giúp đỡ. Ngài biết điều đó hơn chúng ta! Chính khi cầu nguyện, chúng ta để cho mình được Ngài soi sáng. Cầu nguyện không bao giờ nhằm mục đích thông báo cho Thiên Chúa: đó là điều rất tự phụ của chúng ta! Cầu nguyện là để chuẩn bị cho bản thân chúng ta được biến đổi.

Cám dỗ cuối cùng: tự kiêu về những thành công của chúng ta. “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Luca 10; 20). Cần phải tin rằng, bao giờ cũng vậy, việc trở thành ngôi sao luôn rình chờ các môn đệ: các tông đồ đích thực có lẽ không buộc phải là người nổi tiếng nhất. Các môn đệ chân chính không tự hào về chính mình hay công này việc nọ của mình, họ chỉ như thánh Phaolô: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Galát 6:14).

Chúng ta có thể nghĩ bảy mươi hai môn đồ đã vượt qua tất cả những cám dỗ này vì khi họ trở về, “Họ hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con” (Luca 10; 17). Nhưng Chúa Giêsu nói với họ: “Thầy đã thấy Satan như một tia chớp từ trời sa xuống” (Luca 10: 18). Chúa Giêsu thực hiện chuyến đi cuối cùng đến Giêrusalem và chắc chắn Ngài kín múc được ở đó sự trợ lực lớn lao; vì ngay sau khi thánh Luca nói với chúng ta “Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Chúa Giêsu hớn hở vui mừng” thì Ngài nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Luca 10: 21).

TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA CÓ TÍNH QUYẾT ĐỊNH

Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa,

đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời,

nào dâng lời ca tụng tôn vinh!

(Thánh vịnh 66: 1-2)

Trước hết tình yêu của Thiên chúa biểu lộ qua niềm vui được hứa ban. Niềm vui được “hát lên mừng Danh Thánh, được dâng lời ca tụng tôn vinh” thực sự là động lực chính của việc rao giảng tin mừng này: vào lúc khó khăn, điều quan trọng là người môn đệ phải nhớ rằng Thiên Chúa không muốn gì ngoài niềm vui của con người và một ngày nào đó niềm vui sẽ chiếm lĩnh toàn bộ trái đất, toàn thể nhân loại! Một niềm vui tràn trề, vui tươi nhưng rất cụ thể, thực tế, bắt nguồn từ những nhu cầu cơ bản nhất của chúng ta: được nuôi dưỡng, no nê, an ủi, nâng niu như Isaia nói:

Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ,

được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối.

Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy 

tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về. …

(Isaia 66: 12-13)

Thánh vịnh 66 vọng lại:

Tất cả những ai kính sợ Chúa Trời,

đến mà nghe tôi kể việc Chúa đã làm để giúp tôi.

Vừa mở miệng kêu lên cùng Chúa,

tấc lưỡi tán dương, tôi đã sẵn sàng.

Điều gian ác, nếu lòng này ấp ủ,

chắc hẳn là Chúa chẳng nghe đâu.

Thế mà Thiên Chúa đã nghe rồi, để tâm đến lời tôi cầu nguyện.

Xin chúc tụng Thiên Chúa

đã chẳng bác lời thỉnh nguyện tôi dâng,

lại cũng không dứt nghĩa đoạn tình

(Thánh vịnh 66: 16-20)

Chính Thiên Chúa là người hành động, như  tiên tri đã nói rõ điều đó: “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy”.  Chính Thiên Chúa quan tâm đến niềm vui của dân Ngài mà đại diện là Thành Thánh:

Hãy vui mừng với Giêrusalem,

hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ,

hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô !

Hãy cùng Giêrusalem khấp khởi mừng,

hỡi tất cả những người đã than khóc Thành Đô

(Isaia 66: 10).

Như dân Do thái xưa ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa vì cuộc xuất hành khỏi Ai Cập để vào vùng đất Canaan là những hành động quyền uy vĩ ​​đại của Thiên Chúa, các Kitô hữu, môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, không ngừng rao giảng thập giá cứu độ của  Ngài, thập giá đã giải cứu chúng ta khỏi ách thống trị của hoàng tử của thế gian này – là Pharaoh Ai Cập đối với dân Do thái xưa, cũng như bất cứ các quyền lực xã hội chính trị nào hiện nay phản lại giá trị Tin mừng - và đưa chúng ta vào vui hưởng các phúc lành trên trời. 

Chúng ta tin vào Tin mừng tình yêu của Thiên Chúa vẫn được Chúa Kitô rao giảng qua Giáo hội hôm nay. Chúng ta được mời gọi đem lại bình an cho mọi người cách không mệt mỏi: “Điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới. Chúc tất cả những ai sống theo quy tắc ấy, và chúc Israel của Thiên Chúa được hưởng bình an và lòng thương xót của Ngài” (Galát 6: 15-16).  Và bình an này là dành cho tất cả các dân tộc trên trái đất. Để công bố bình an này, người ta phải quay về Chúa Cha là Tình yêu: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gioan 4: 16). Chúng ta phải buông bỏ mình để làm theo ý muốn yêu thương của Chúa Cha, để đắm mình trong đức tin vào Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại. Chúng ta cần phải để bản thân được dẫn dắt như thánh Phaolô: “Nhờ thập giá Ngài, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Galát 6; 14). Trong cái chết của Ngài trên thập giá, Chúa Kitô trở nên một với chúng ta, vì Ngài đã trở thành con người và chia sẻ đau khổ, ngay cả cái chết của chúng ta. Đức tin của những môn đệ là đức tin của sự chia sẻ, của sự trao đổi. Các điểm đặc biệt của đức tin của người môn đệ là mối tương quan được sống với Thiên Chúa cũng như sống trong mối tương quan với những người khác. Đó là ý muốn của Chúa Giêsu: “Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một” (Luca 10: 1). Chính trong việc chia sẻ sứ mệnh như thế mà các môn đệ hiểu được lẽ nhiệm mầu mà “Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Luca 10: 21).

Vì vậy, chúng ta hãy là những người phục vụ sự bình an, sự bình an này mà chúng ta cần phải trao ban cho tất cả, vượt ra ngoài những nhóm người thân hay bạn bè đồng lòng và thoải mái của chúng ta. Chúng ta cần có sự khiêm tốn để nhận ra rằng công lao của chúng ta không là gì cả trong việc rao giảng Tin mừng của Chúa Kitô. Chính Ngài mới là người giải thoát chúng ta trong từng khoảnh khắc của cuộc sống nô lệ chất chứa đầy đam mê bất chính của chúng ta. Đây là một món quà miễn phí từ Thiên chúa dành cho tất cả mọi người mọi thời đại, ngay cả trong những ngục tù tội lỗi tăm tối của chúng ta, bởi vì chúng ta là tội nhân, nhưng là tội nhân được tha thứ! Sự tham gia của chúng ta vào công cuộc Cứu rỗi này là sẵn lòng đón nhận ơn cứu độ đó vào cõi lòng sâu thẳm của chúng ta, trong trái tim của chúng ta. Điều quan trọng là Yêu nhiều; như Thánh Augustinô nói: “Một lần cho tất cả, bạn hãy nhớ một điều: Hãy yêu đi, rồi làm điều bạn muốn. Nếu bạn yên lặng, hãy yên lặng vì yêu. Nếu bạn nói, cũng hãy nói vì yêu. Nếu bạn tha thứ, hãy tha thứ vì yêu. Hãy đâm rễ tình yêu tận đáy sâu tâm hồn: từ gốc rễ này, chắc chắn sẽ chỉ sản sinh những điều tốt lành” (Thánh Augustinô, Chú giải thư thứ nhất của thánh Gioan 7, 8).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

 

Tác giả: Phêrô Phạm Văn Trung

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!