Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Nguyễn Văn Thành
Bài Viết Của
Gs. Nguyễn Văn Thành
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn?
Nguy cơ Tự Bế (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn ?
CON ĐƯỜNG BAO DUNG (trong Văn Hóa và Huyền Sử Việt Nam)
THÁCH THỨC VÀ TỐ CÁO…

 

(Suy Niệm Mùa Chay) 

Câu chuyện về cuộc nổi loạn của Dân Israen tại Mêriba, mà chúng ta vừa mới đọc trong phần đầu của Thánh Lễ, vẫn còn mang tính thời sự ngày hôm nay. Chính chúng ta vẫn thường tái diễn những điều đã xãy ra tại Massa và Mêriba. Trong tiếng Do Thái, từ Massa có nghĩa là thách thức và Mêriba có nghĩa là tố cáo. 

Chính trong thời đại khó khăn ngày hôm nay, thách thức và tố cáo vẫn còn là những hành động thông thường và lan tràn khắp mọi nơi.  

Hẳn thực, chúng ta thường nghe hay là phát biểu những câu nói như :

- Hội Thánh phải như thế nầy…

- Đức Giáo Hoàng chỉ cần…

- Các giám mục có thể làm…

- Phải chi các linh mục sống như thế nầy…

- Trời ôi, giới trẻ ngày nay…

- Các bậc cha mẹ bây giờ không còn có can đảm…

- Người ta đòi hỏi, yêu cầu quá nhiều chuyện…

- Thế giới văn minh ngày nay đang trôi dạt một cách bất định…

- Các thánh đường càng ngày càng trống vắng và hiu quạnh… 

Những câu nói tương tự như thế phát sinh và khởi động nơi chúng ta thái độ u sầu, tăm tối, chán nản, thất vọng và đôi khi trầm cảm. 

Thế nhưng, có mấy ai trong chúng ta có khả năng khẳng quyết được rằng : bản thân tôi không bao giờ có những tư tưởng như vậy ? Nói khác đi, ai có thể nói rằng : tôi chẳng bao giờ ngồi trên tảng đá Massa và Mêriba, để rồi càm nhàm, như con cái It-ra-en, với những ngôn từ tố cáo và thách thức ?

Chính vì vậy, bài đọc thứ nhất trong Thánh Lễ hôm nay rất thích ứng cho chúng ta. Còn hơn thế nữa, ngày hôm nay, Thiên Chúa đích thân trả lời cho chúng ta, như đã trả lời cho Ông Môsê : « Chính Ta sẽ đứng trước mặt các ngươi, trên tảng đá của Núi Ho-rép ».

Và trăm vạn lần vượt quá mọi so sánh, Chúa Giêsu ngày hôm nay đang nói với mỗi người anh chị em trong chúng ta : « Thầy đang ở trước mặt từng người, trong Nhà Tạm, thuộc mỗi Nhà Nguyện, bình thường và đơn sơ nhất, mà cha ông tổ tiên đã xây dựng lên, đó đây rải rác trên những vùng đất thấm nhuần Đức Tin Kitô giáo. 

Anh Chị Em thân mến,

Chính Chúa Giêsu là Tảng Đá vững vàng, không ai có thể lay chuyển. Xuất phát từ nơi Ngài, tuôn trào ra những Thác Nước Hằng Sống, mà người đàn bà xứ Xa-ma-ry đã khao khát chờ mong. Nước Hắng Sống ấy có khả năng thoa dịu mọi vết thương  nôn nóng và thiếu kiên nhẫn. Duy chỉ có một mình Ngài mới có thể làm cho những sa mạc của tâm hồn chúng ta, trở nên phì nhiêu, đâm chồi nảy lộc và kết sinh hoa trái. Duy một mình Ngài có khả năng mang lại một bầu trời an bình và thanh thản, cho tâm hồn của chúng ta, đã có lần bị loạn động và hoang mang, trước những cảnh tượng nghèo đói và lầm than của thế giới ngày hôm nay. Làm sao chúng ta có thể dửng dưng, không bị thương tổn đến cùng độ, trước những yếu hèn, sa ngã của những con người đáng thương hại, trong lòng Hội Thánh. Đó chính là Hội Thánh mà chúng ta tìm cách phục vụ, với những khả năng hiện hữu và khiêm hèn của chúng ta. Đồng thời, lắm lần chúng ta cũng làm hoen ố, những nét đẹp huy hoàng, thánh thiện của Hội Thánh, với bao nhiêu thiếu sót và lối nhìn thiển cận, trong cuộc sống làm người của chúng ta. 

Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn hiện diện trong Nhà Tạm, cũng như bây giờ Ngài đang hiện diện trên trời, với bao nhiêu vết thương đã được tôn vinh. Sau này, chúng ta sẽ thấy những vết thương ấy giống như những viên kim cương tỏa ra ánh sáng chói lòa và lấp lánh của Hồng Ân Cứu độ, trên khuôn mặt của mọi người thuộc mọi thời đại. Đức Kitô đang có mặt ở đó, trong NhàTạm. Chúng ta có biết rõ điều ấy không ? Nếu có, tại làm sao chúng ta vẫn để Ngài sống lẻ loi một mình tại nơi ấy? 

Trong mỗi Nhà Tạm của chúng ta, Chúa Giêsu đang hiện diện với một tư thế thờ lạy trong thầm lặng, trước mặt của Thiên Chúa Ngôi Cha. Chính vì vậy, khi đến cầu nguyện trước Nhà Tạm, chúng ta hòa mình vào Lời Cầu Nguyện đang bao bọc và che phủ chúng ta khắp mọi phía. Đó là Lời Cầu Nguyện của Đức Kitô.

Chỉ cần có một tấm Bánh Thánh nho nhỏ, trong một ngôi nhà thờ nho nhỏ, ở đâu đó trên mặt trái đất, địa cầu đã tạo ra được cho Thiên Chúa một niềm vui cao cả và mênh mông. Và không còn có điều gì khả dĩ làm cho Ngài buồn lòng, bởi vì từ mặt địa cầu, Người Con yêu dấu của Ngài đã dâng lên cho Ngài một Lời Cầu Nguyện, mà Ngài không thể khước từ. 

Ở đó, trong Nhà Tạm, Ngôi Con có thể ban Ơn Tha Thứ để hóa giải cho mọi lời tố cáo. Ngài Tha Thứ những lời thách thức chống lại Tình Yêu của Ngài. Ngài Tha Thứ những hành động phản loạn, chống lại Lòng Nhân Từ của Ngài. Tuy nhiên, còn có rất ít người đi đến nhận lãnh Hồng Ân Tha Thứ của Ngài. Rất ít người tìm đến kín múc nơi Mạch Nước Trường Sinh, đầy Bao Dung và Đồng Cảm. Nhờ đó, sau khi được hòa giải với Thiên Chúa, họ có đầy đủ mọi khả năng và sinh lực, để tiếp tục hiên ngang bước tới trên con đường đầy gian khổ của cuộc sống làm người, trên quả đất nầy.

 

Hỡi Anh Chị Em,

Chúng ta hãy lợi dụng những ngày Mùa Chay còn lại, để tìm đến với Đấng đang gọi mời chúng ta: “Chính Thầy đây, đang ở trước mặt Anh Chị Em. Thầy là Tảng Đá không hề bị lay chuyển của Hội Thánh. Chính Thầy đã giao phó cho Phêrô, những Bí Tích ban phát Hồng Ân Cứu Độ. 

Hỡi các con thân yêu, hãy đến với Hội Thánh. Mỗi ngày, với tất cả tấm lòng Thành Tín và Thương Yêu muôn đời, Thầy lặp đi lặp lại cho Hội Thánh Lời của Thầy: “Anh Em tha tội cho ai, thì người ấy được tha thứ. Này đây, Thầy ở lại luôn mãi với Anh Em, cho đến ngày tận thế”.

Lá thư của Thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn ở Rôma, mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ hai, cũng trình bày cho chúng ta một cách rõ ràng và tuyệt diệu vai trò và giá trị vững bền của Đức Cậy Trông  (hay là Đức Hy Vọng), trong đời sống của người Kitô hữu. Chứng ta vẫn giữ vững lòng Cậy Trông, thậm chí khi có những thách thức bi quan đang đe dọa chúng ta, trong đời sống mục vụ. Đức Hy vọng không thể tàn lụi, khi những tiếng thét gào phản loạn đang bùng nổ và bốc cháy từ những con tim khốn khổ bị tổn thương. Cùng với Thánh Phaolô, chúng ta có thể khẳng quyết rằng: “Đức Cậy Trông không lừa gạt một ai, hay là không bao giờ dẫn đưa chúng ta vào con đường lầm lạc. Thiên Chúa Ngôi Cha đã ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần. Và Chính Chúa Thánh Thần đổ tràn Tình Yêu của Ngôi Cha vào trong tâm hồn chúng ta”.

Đức Cậy Trông cũng là Lời Hứa lạ lùng và kỳ diệu, mà Chúa Giêsu đã ban tặng cho  người Đàn Bà xứ Xa-ma-ry, được Phúc Âm nói tới: “Ai uống nước mà Thầy ban tặng, sẽ không còn khát. Nước mà Thầy ban cho người nào, sẽ trở thành trong tâm hồn của người ấy, một Nguồn Suối tuôn trào phát sinh Đời Sống Vĩnh Cửu. Đức Tin, Đức Cậy và lòng khát khao Tình Yêu của Bà đã lập tức chuyển hóa Bà thành một vị thừa sai đầy xác tín. Nhờ đó, với một lòng nhiệt tình hoàn toàn tự phát, bà đi khắp đó đây, tập hợp mọi người đang đợi chờ Hồng Ân Cứu Độ. Và Ơn Cứu Độ ấy chính là Đấng vừa mới thắp lên Ngọn Đèn chiếu sáng cho tâm hồn của Bà. Đó cũng là những tiêu chuẩn cần qui chiếu, khi chúng ta thực hiện những chương trình mục vụ, cũng như khi chúng ta rao giảng Đức Tin, với một ý chí năng động và  tràn đầy nhiệt tình. 

Cũng trong một tinh thần tràn đầy Hy Vọng và Hân Hoan như vậy, tôi muốn chia sẻ với Anh Chị Em về “Cuộc Hành Hương lạ lùng thắp sáng lòng tin tưởng” của giới trẻ, do Cộng Đoàn Taizé tổ chức tại Genève vào cuối năm 2007. Bốn chục ngàn bạn trẻ đã tụ họp thành một cộng đoàn Cầu Nguyện và thân hữu. Bốn chục ngàn bạn trẻ, xuất phát từ những chân trời khác nhau của Địa Cầu, tụ họp với nhau để cùng nhau hô to, cho toàn thể thế giới lắng nghe và hiểu biết rằng: Ở đâu Lòng Ích Kỷ, Cá nhân chủ nghĩa và tình trạng thiếu bao dung, biết dừng lại, không còn phát triển, ở đó Hòa Bình sẽ bắt đầu xuất hiện trong quả tim của mỗi người. Chỉ khi nào những giá trị cơ bản được mọi người đồng lòng, đồng giọng tung hô và xưng tụng,Tình Huynh Đệ giữa người với người lúc bấy giờ sẽ trở thành hiện thực. Sở dĩ như vậy, vì với điều kiện ấy chúng ta mới khám phá được nền móng tối hậu, trong sự nhận biết một vị Cha Chung là Thiên Chúa. 

Tôi cũng sung sướng được hát lên bài ca Đức Cậy Trông, để kêu mời nhiều anh chị em tham dự một cách đông đúc và đặc biệt vào Cuộc Hành Hương tại Lộ Đức, vào cuối tháng năm. Vào thời điểm ấy, nhiều giám mục và hội đồng giám mục thuộc Vùng Thụy Sĩ nói tiếng Pháp, sẽ tụ họp và gặp gỡ nhau, để mừng lễ 150 năm kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra với bà thánh Béc-na-dét. Tại Lộ Đức, cũng có một Tảng Đá và một Dòng Suối Nhiệm Mầu. Nhiều đoàn lũ đông đúc cũng sẽ cùng nhau tuôn về Lộ Đức. Trong các xứ đạo, chúng ta hãy động viên kêu mời nhau tham dự đông đúc. Tại sao không mở ra những chiến dịch, với mục đích biếu tặng vé hành hương cho những anh chị em bệnh tật, nghèo khổ, già cả, cô liêu? Chính chúng ta sẽ là những cán bộ hộ tống, cùng đi theo để tổ chức những chương trình cầu nguyện, tôn thờ và hòa giải. 

Đối với những người không thể đi hành hương tại Lộ Đức, tôi kính mời những anh chị em ấy đến đông đủ tại Đền Thờ Đức Mẹ “Notre Dame des Marches”, ngày mồng 7 tháng 9 năm 2008. Ngày ấy, trong khuôn khổ của Địa phận nhà, chúng ta sẽ tề tựu đông đúc, để mừng lễ kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức. Và ở nơi ấy, Mẹ đã ban phát nhiều hồng ân lạ lùng.

Như chúng ta vừa nhận thấy, chúng ta có bao nhiêu cơ hội để hy vọng, cầu nguyện, thờ lạy, vui mừng và hoà giải giữa chúng ta với nhau, và giữa chúng ta với Thiên Chúa. 

Và vì Tình Yêu thôi thúc chúng ta, chúng ta hãy lợi dụng một vài ngày còn lại, trước Lễ Phục Sinh, để bước lên Núi Thánh của Thiên Chúa, để hòa giải với Ngài, trong một tiến trình ăn năn, thống hối, luôn luôn đổi mới và luôn luôn đặt nền tảng trên quan hệ trực tiếp giữa hai chủ thể năng động là Ngài và chúng ta. Chúng ta còn có thì giờ để từ bỏ những tảng đá u buồn và sầu khổ là Massa và Mêriba. Nhờ đó, chúng ta sẽ đến gần Chúa Giêsu là Tảng Đá của Hồng Ân Cứu Độ, để uống Nước Trường Sinh của Ngài. Đồng thời chúng ta trở nên những nguồn suối ân sủng cho những ai đến gặp gỡ chúng ta, trên những nẻo đường hành hương, ở trên trần thế nầy. 

Tôi không còn có lời cầu chúc nào tuyệt diệu cho bằng lời nguyện xin cho mỗi người trong anh chị em “Một cuộc tiến lên Lễ Phục Sinh tràn đầy Hạnh Phúc và Ánh Sáng của Thiên Chúa.

Giám Mục và cũng là Người Cha của anh chị em:

 

Bernard GENOUD, Giám Mục Địa Phận

Genève, Lausanne và Fribourg, Thụy Sĩ 

Lá Thư Mục Vụ 

Chủ Nhật thứ 3 Mùa Chay, năm A

Ngày 23-24 Tháng 2 năm 2008

 

NGUYỄN Văn Thành chuyển ý

 

Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!