Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Francis Assisi Lê Đình Bảng
Bài Viết Của
Francis Assisi Lê Đình Bảng
Trường ca TỰ TÌNH KHÚC
CHÚA NHẬT LỄ LÁ - NÉM ĐÁ - PHỤC SINH
Trường ca NẾP NHÀ NAZARETH
Đọc thơ tình yêu Lê Đình Bảng - Bùi Công Thuấn
KINH CẦU LỄ TRO MÙA CHAY
HIỆN TƯỢNG LỤC BÁT TRONG THI CA VIỆT NAM
TẢN MẠN CHUYỆN RỒNG… RẮN LÊN MÂY
BÀI NHÃ CA THÁNG GIÊNG
TỪ SILENT NIGHT HOLY NIGHT … ĐẾN ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG.
BÁO CHÍ CÔNG GIÁO VIỆT NAM HÀNH TRÌNH THẾ KỶ - MỘT THOÁNG NHÌN
HÁT TRÊN ĐỈNH TRỪƠNG SƠN
KINH SÁCH NGUYỆN GIỖ CẦU HỒN - MỘT DI SẢN ĐỨC TIN VĂN HÓA
THIÊN ĐÀNG, ĐỊA NGỤC ĐÔI QUÊ
THƯ EM TÊRÊSA GỬI CHỊ PAULINE - Kính đâng Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu
BAO GIỜ CHO ĐẾN THÁNG MƯỜI
TỪ KINH NHẬT MỘT “MAGNIFICAT” ĐẾN BÀI THƠ “LA VIERGE À MIDI”... VÀ...
VĂN CÔI THÁNH NGUYỆT TÁN TỤNG THI CA.
MỘT CHÚT TÌNH CỎ HOA
NHỮNG MÙA TRĂNG TUỔI MỌN
Bập bềnh trên sông bao la... rằm trung thu, nhớ Lm - nhạc sĩ Phương Linh
TÔI SẼ LÀM MƯA HOA HỒNG
TÔI CÓ LÀ CHI CŨNG NHỜ ƠN CHUÁ
CÔNG GIÁO VIỆT NAM VÀ DI SẢN HÁN NÔM
TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU
Mẹ La Vang, Mẹ Giáo Hội Việt Nam
VỀ LAVANG, VỀ NHÀ MẸ TRĂM GIAN
MỘT CHÚT TÂM TÌNH CỎ HOA
Trường ca TỰ TÌNH KHÚC
Ở MỘT MIỀN QUÊ KHÁC
GIỮA BAO LA ĐẤT TRỜI
TỚI PHIÊN CHẦU LƯỢT NHỚ VỀ THÔNG CÔNG
NGUYỆN CẦU
BÀI NGỢI CA CHÚA TRỜI (Cảm hứng từ kinh nguyện Magnificat)
MẶT TRỜI Ở PHƯƠNG ĐÔNG
LỜI DÂNG
CON VỀ XỨ MẸ MÙA HOA
ME NHƯ TRĂNG Ở ĐẦU NGUỒN
PHẦN HỒN CỦA MỘT LỄ HỘI DÂNG HOA
NỢ TRĂM NĂM BAO GIỜ TRẢ ĐƯỢC?
TỪ KINH CẦU ĐỨC BÀ ĐẾN THÁNH MẪU THI KINH
NGÔN NGỮ NHÀ ĐẠO TRONG KINH VÃN MÙA CHAY Ở XỨ ĐÀNG TRONG


 

l Lê Đình Bảng

 

1. Trên các phương tiện truyền thông suốt những năm qua, chúng tôi đã nhiều lần nói tới mảng kinh văn của các giáo phận theo truyền thống Thừa Sai hoặc thuộc Dòng ĐaMinh ở Bắc bộ: Hà Nội, Phát Diệm, Hải Phòng, Bùi Chu, Bắc Ninh, Thái Bình. Nay, nhân mùa Chay – mùa Thương Khó yên ả, thư nhàn, xin mời bạn đọc cùng chúng tôi bơi thuyền qua sông Gianh, xuyên suốt rẻo đất khúc ruột Trung bộ và ở lại cùng người phương Nam một chuyến xem sao. Cứ cơm đường cháo chợ, cứ nhẹ tếch tang bồng, cứ khăn gói gió đưa. Để thấy sức sống vồn vã, thiêng liêng của kinh vãn như vẫn còn tiềm tàng đâu đó. Phơi phới trong lòng các cộng đoàn họ đạo nhà dòng, chòm xóm, gia đình. Cứ mở ra mà đọc mà gẫm suy từng trang bài của sách kinh Mục Lục để sống trọn vẹn tâm tình mùa Chay với Vinh, Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Kontum, Ban Mê, Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết. Hoặc đủng đỉnh xuôi về với miền Đông và Tây Nam bộ đang chuyển mùa, đang sai trái vườn nhà. Người ta quý trọng sách Mục Lục-Nhựt Khóa, không những vì bản thân của nó là kho tàng kinh nguyện bất ly thân, mà còn vì một số trang mục bài bản đã gợi mở tầm hiểu biết, kinh nghiệm về cảm hứng, về phong hóa và ngôn ngữ đời thường của nhà đạo mình ở xứ Đàng Trong. Cụ thể là các ấn bản Mục Lục của nhà in Tân Định sau này vốn là hậu thân của sách “Mục Lục Xiêm” in ở Băng Cốc, Thái Lan lần đầu tiên vào năm 1868, một bách khoa toàn thư của người con Chúa.

Trở lại chuyện kinh vãn mùa Chay – mùa Thương Khó – Tuần Thánh. Sách Mục Lục đã dành hẳn một chương riêng mang chủ đề “Ca hát mùa Chay” mà nội dung là các Thánh Vịnh hoặc những ca nguyện của ĐaVít, của các giáo phụ, tiên tri, thánh nhân. Dễ đến hàng nghìn, vài nghìn câu thơ đủ các thể loại rất phong phú, đa dạng: Ở Các Giáo Nhơn, Thương Ôi Đến Ngày, Ớ Ngọn Cờ, Thương Ôi Đức Mẹ, Cảm Tạ Kinh… Đặc biệt “Lời Chúa Trối” và “Lời Đức Mẹ Than”, “Ớ Linh Hồn” như một trường thiên ngâm khúc bất tận rất thống thiết, có giá trị cả về tín lý – thần học lẫn ngôn ngữ văn chương, nghệ thuật. Bằng điền dã và trao đổi thực tế với những quới chức, những người trọng tuổi còn sót lại ở một số họ đạo cổ, chúng tôi đã ký âm được ít nhiều cung giọng mảng kinh văn này, như một thể nghiệm ban đầu, chưa dám trình làng. Có thể nói, Mục Lục đã ngồi cùng chiếu, đã viết và nói thứ ngôn ngữ chung với Tự Điển Việt Bồ La, Phép Giảng Tám Ngày của giáo sĩ Đắc Lộ (1651); với Giám mục Taberd và thánh Philipphê Phan Văn Minh (1838-1843); với linh mục Philipphê Bỉnh (1822); với Gia Định Báo (1865) của Pétrus Ký; với Truyện Thầy Lazarô Phiền của P.J.B Nguyễn Trọng Quản (1887); với Tuần Báo Nam Kỳ Địa Phận (1908-1945); với Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895) và các sách báo quốc ngữ của ta đang phổ biến ở ngoài xã hội bấy giờ.

 

2. Tại một số nhà thờ họ đạo cổ, suốt dọc dài hành trình dong ruổi ấy, tình cờ tôi thiệt có phước đã được sống, được cảm nhận những khoảnh khắc rất xúc động, bồi hồi khi nghe, khi đọc kinh kệ mùa Chay miền Trung và Nam bộ cứ mãi dạt dào một thứ ngôn ngữ và cung giọng vời vợi của núi sông, của đồng rừng mênh mang hồn đất hồn người. Còn nhớ cái cảm giác gai người lần đầu tiên cách nay mấy chục niên dư, khi tôi như gã ngồi đồng chết lặng đi ở gian cuối nhà thờ họ đạo Chợ Quán vào một buổi chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Từ cửa miệng của lớp người “gác cửa quá khứ” – những Trùm, Câu, Biện và cả những dì phước Mến Thánh Giá cao niên, những lão ông lão bà vô danh – tôi nghe thấm vào lòng mình từng giọt là từng câu từng chữ bài kinh vãn “Lời Đức Mẹ Than”. Não nùng, đứt ruột. Đúng là khúc bi ca “Stabat Mater Dolorosa”. Xin dẫn ra đây một vài trích đoạn:

“Nầy là tay thiệt/ cứu tử hườn sinh/ chữa đâu đó lành/ đặng an đặng khỏi.

Nầy miệng hay nói/ thiện ác phân minh/ lấy những lời lành/ dạy răn thiên hạ.

Ai ngờ sự lạ/ tay người thế gian/ lấy phép nồng nàn/ hại con Thiên Chúa.

Dường như tôi tớ/ phải chịu gian truân/ rày mẹ mất con/ sống làm sao đặng?

(câu 10-16)

“Mẹ rày bối rối/ chẳng biết cậy ai/ an ủi một lời/ giảm phiền kẻo khốn.

Ruột tằm đòi đoạn/ con hỡi Giêsu/ mẹ khốn một mình/ sao con chẳng chữa?

(câu 19-24)

“Sao con chẳng để/ chút dấu làm tin/ cho mẹ giữ gìn/ kẻo lòng mẹ nhớ?

Mẹ xin gai mũ/cùng cái sắt đinh / thánh giá gian hình /lưỡi đòng thảy thảy.

Mẹ xin giữ lại/ làm của yêu riêng.

“Khi xưa tuổi bé/ ẵm xác con tôi/ thấy những sự vui/ Thiên Thần mầng hát.

Bây giờ chẳng khác/ cắt ruột đòi cơn/ thảm thiết lo buồn/bàng hoàng ghe nỗi”.

(câu 60-630)

3. Đến nay đã hơn 50 năm rồi, tôi vẫn còn nhớ được câu hát của cố Tây Le Fèbvre ở họ đạo Tấn Tài, Dinh Thủy, Phan Rang: “Noël au balcon, Pâques au tison”. Và cũng ngần ấy thời gian, lời mẹ tôi vẫn văng vẳng bên tai: “Có cầu có thiêng, có kiêng có lành”. Trong ký ức mồn một của đứa trẻ đã có đủ trí khôn, làm sao tôi quên được chuỗi hình ảnh bùi ngùi về cái đêm mưa giã từ Hà Nội 1954. Trong tay nải đựng hành lý vô Nam đeo trên vai bố tôi, lỉnh kỉnh nào gạo, muối, lọ dầu con hổ, cái điếu cày làm bằng khúc tre già. Và lạ lùng thay, còn có cả quyển sách “Ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu” bản chữ Nôm trên tờ giấy bổi ố vàng. Gia tài hương hỏa của kẻ tha phương chỉ có bấy nhiêu. Lại mới những ngày ra Giêng vừa rồi, khi đưa tro cốt của người bạn đời từ bên Mỹ về, bà cụ thân mẫu ông bạn tôi bảo, muốn gửi gắm kiếp đời trong nhà chùa, đặng nghe kinh kệ đẫm mùi khói hương, sẽ mau siêu sinh tịnh độ. Chảy đi sông ơi, những lời kinh sao cứ váng vất, ràng rịt trong lòng tôi…

Thì ra, ngay từ buổi đầu, Tin mừng của Chúa cũng đã đến mảnh đất này bằng con đường tơ lụa của thi ca, vãn hát, bằng vần điệu bổng trầm rất ư giàu sang trong kho tàng ngôn ngữ của dân tộc tôi. Từ công chúa Catarina trong khuê các cung đình cho đến những tác giả ẩn danh trong mảng kinh vãn của Mục Lục, Toàn Niên, Ca Nguyện, những quyển sách gối đầu giường dạy làm người, dạy nên thánh bao đời nay. Phải chăng đây là một trong những di sản vừa dung chứa đức tin, lại vừa thể hiện ngôn ngữ, phong cách, cung điệu rất văn hóa của người Công giáo Việt Nam. Và cho dù chỉ là những gieo vãi đầu mùa còn ít nhiều cảm tính, thô mộc đi chăng nữa thì những thứ của cải ấy – trong điều kiện và hoàn cảnh lịch sử của chúng – cũng đã xứng đáng là hoa trái được cưu mang – sinh thành, để nuôi sống đức tin và lòng đạo, không ai được phép xem thường. Bởi cơm nước nuôi phần xác thế nào thì kinh hạt đã nuôi phần hồn như thế.

 

Tác giả: Francis Assisi Lê Đình Bảng

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!