SUY NIỆM LỄ THÁNH GIA THẤT NĂM B
Qua Lời Tổng
Nguyện của ngày lễ hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã
muốn đề cao Thánh Gia như một tấm gương xán lạn, để mọi người chúng ta bắt chước.
Ước gì chúng ta cũng biết học đòi mà ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc
lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu chúng ta được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu
trong nhà Chúa trên trời.
Để có thể
ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, và sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến,
chúng ta phải quy hướng về Đức Kitô, để chiêm ngắm tình yêu của Đức Kitô dành
cho chúng ta. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô đã gợi lại tình
yêu của Đức Kitô dành cho Hội Thánh, để nhắc nhở mỗi người chúng ta sống đúng vị
trí của mình trong gia đình: Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần
của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Cùng với Đức Maria và ông Giuse, Đức Giêsu trở
về Nadarét, sống vâng phục các ngài.
Trong bài
đọc hai của giờ Kinh Sách, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã coi Gia Đình Nadarét là
Trường Học của Tin Mừng: Tại đây, chúng ta học được phương pháp giúp ta hiểu
Đức Kitô là ai. Tại đây, chúng ta nhận ra cần phải quan sát khung cảnh nơi Người
cư ngụ giữa chúng ta: địa điểm, thời gian, phong tục, ngôn ngữ, nghi lễ tôn
giáo, và tất cả những gì Đức Giêsu đã sử dụng để mặc khải chính mình cho thế
gian. Tại đây, mọi sự đều lên tiếng, mọi sự đều có ý nghĩa.
Trong bài
đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa đã hứa cho Ápraham một dòng dõi, sách Sáng Thế
tường thuật như sau: Đức Chúa đã đưa ông ra ngoài và phán: “Hãy ngước mắt
lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không.” Người lại phán: “Dòng
dõi ngươi sẽ như thế đó!” Ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người
công chính.
Trong bài
Đáp Ca, Thánh Vịnh 104, vịnh gia đã xác quyết: Chính Đức Chúa là Thiên Chúa
chúng ta, giao ước đã lập ra, muôn đời Người nhớ mãi, nhớ lời đã cam kết đến
ngàn thế hệ! Đó là điều đã giao ước cùng Ápraham, đã đoan thề cùng Ixaác.
Bài đọc
hai của Thánh Lễ, được trích từ thư gửi tín hữu Hípri, cho thấy: nhờ đức
tin, ông Ápraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được
lãnh nhận làm gia nghiệp. Ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin,
cả bà Xara vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc
tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín.
Thiên
Chúa là Đấng Tín Trung, đặt niềm trông cậy nơi Người, chúng ta sẽ không phải thất
vọng bao giờ, trong Kinh Cậy, chúng ta tuyên xưng: Vì Chúa là Đấng phép tắc
và lòng lành vô cùng, đã phán hứa sự ấy, chẳng có lẽ nào sai được. Qua Gia
Đình Nadarét, chúng ta học được bài học trông cậy, phó thác của Mẹ Maria, của thánh
Giuse, và hơn hết, chúng ta học được từ nơi Đức Giêsu mẫu gương hoàn toàn tin
tưởng vâng phục thánh ý Chúa Cha: Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của
Chúa Cha. Do đó, Chúa Cha đã dùng chính Con Một của Người để phán dạy chúng
ta, như câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Thuở
xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn
sứ; nhưng vào thời sau hết, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.
Trong bài
Tin Mừng, ông Simêôn đã nói với Đức Maria: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ
cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời
chống báng. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” Trong mầu
nhiệm thứ tư của Năm Sự Vui, chúng ta xin cho được vâng lời chịu lụy. Trong
Mầu Nhiệm Vui, đã có xen lẫn bi kịch, trong gia đình, để có thể ăn ở đúng lễ
nghĩa gia phong, và sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, chúng ta phải
bắt chước Gia Đình Nadarét: vâng phục thánh ý Chúa, đón nhận tất cả những gì
Chúa gửi đến với lòng biết ơn. Khi vâng giữ những gì Chúa truyền dạy, chắc chắn,
chúng ta sẽ phải đối mặt với một thực tế: thua thiệt, mất mát, tuy nhiên, chúng
ta hãy cứ can đảm, tin tưởng, cậy trông, tín thác vào Chúa như Gia Đình Nadarét
xưa, giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi, Chúa sẽ can thiệp và giải cứu
chúng ta thoát khỏi những tình cảnh éo le, bi đát nhất, vấn đề là, chúng ta có
đặt trọn niềm trông cậy vào Chúa hay không mà thôi.
Tác giả:
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền,OSB.
|