NĂM ẤT TỴ - TẢN MẠN VỀ CON RẮN ĐỒNG
Kinh Thánh
đã nhiều lần sử dụng các con vật để làm biểu tượng liên hệ đến Đức
Giêsu: Như là con chiên, Đức Giêsu đã trở nên của lễ để cứu chuộc
chúng ta. Như là sư tử, Đức Giêsu đã chiến thắng Satan thay cho
chúng ta. Đức Giêsu là con chiên đã bị giết, nhưng, cũng là sư tử
chiến thắng của chi tộc Giuđa. Trong các biểu tượng, thì con rắn lại mang
một ý nghĩa rất đặc biệt: Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa
mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy (x. Ga 3,14).
Con rắn vừa cắn chết vừa cứu sống. Đây là một
nghịch lý của con rắn. Chính vì thế mà, biểu tượng của ngành dược là
hình ảnh con rắn quấn quanh một cái ly: thuốc có thể chữa bệnh và cứu sống,
nhưng, cũng có thể gây hại và giết chết. Thuốc chỉ là dược phẩm khi được
dùng đúng cách, nếu không, thuốc sẽ có thể trở thành độc phẩm.
Nọc độc của
rắn là độc chất, nhưng, nọc độc của rắn cũng có thể trở
thành dược chất, khi rắn độc được đem đi ngâm rượu: Rắn
càng độc, rượu càng quý, nếu, rắn được ngâm đúng cách, nhất là
“ngâm toàn phần”, nghĩa là, ngâm nguyên con, không bỏ ruột.
Rượu có thể
biến nọc độc của rắn thành rượu thuốc, khi rắn độc để cho
rượu ngấm vào mình, chuyển hóa và rút trích ra những dược chất. Cũng vậy,
bản tính loài người chúng ta đã ra hư hỏng, độc ác, vì nghe theo lời dối trá của
con rắn xưa cũng có thể được biến đổi, nếu như, chúng ta để cho Lời
Chúa thấm nhập vào trong chúng ta. Lời Chúa có sức biến đổi những độc
chất trong chúng ta thành những dược chất: sinh ơn cứu độ cho chúng
ta và cho những người xung quanh.
Con rắn
đồng được treo lên
trong sa mạc là hình ảnh tiên trưng cho Đức Giêsu được giương cao trên thập giá
để sinh ơn cứu độ cho chúng ta: Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con
mình (x. Rm 8,3); Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như
ta, nhưng không phạm tội (x. Hr 4,15). Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì
Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho
chúng ta nên công chính trong Người (2 Cr 5,21).
Trong sách
Dân Số, có hai động từ: ra’ah : ראה. (nhìn lên) và navat : נבט.
(trông thấy rõ): Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên (ra’ah
: ראה.) con rắn đó, sẽ được sống (Ds 21,8). Hễ ai bị rắn cắn mà trông
thấy rõ (navat : נבט.) con rắn đồng, thì được sống (Ds 21,9). Không
phải con người được cứu bởi con rắn đồng, nhưng, chính nhờ Thiên Chúa là
Đấng xót thương cứu chữa, khi con người biết “nhìn lên” tình yêu và lòng
thương xót của Chúa, và “trông thấy rõ” sự phản nghịch của mình. Vì thế, ơn cứu độ của Thiên Chúa đòi hỏi phải “nhìn lên” Đấng
là tình yêu và giàu lòng thương xót, và “trông thấy rõ” sự ngỗ
nghịch, bội phản, và ngờ vực của chính mình. Một khi nhìn thấy rõ
sự bất trung, nhận thức rõ thái độ vô ơn bạc nghĩa, và biết thú nhận
tội lỗi của mình, thì con người liền được Chúa tha thứ, chữa lành.
“Nhìn
lên” và “trông thấy
rõ” là một con đường mới, tức khắc mở ra, con đường dẫn đến sự thật, ánh
sáng... Không ân huệ nào có thể được ban tặng, nếu không, do kế hoạch yêu
thương của Thiên Chúa; Không ân sủng nào có thể được đón nhận, nếu không, do sự
tự nguyện ưng thuận của con người. Ước gì trong Năm Ất Tỵ này, ta biết “nhìn
lên” thập giá và “trông thấy rõ” những bội phản bất trung của mình,
để chúng ta mau mắn đáp lại tình yêu của Đấng đã yêu thương và thí mạng vì
chúng ta, hầu, chúng ta được đổi mới trong Năm Thánh này, với niềm hy
vọng tràn trề, tiến về trời mới đất mới, nơi mà, bé thơ còn đang
bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn
hổ mang. (x. Is 11,8). Ước gì ta đừng bao giờ thất vọng về
tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Ước gì được như thế!
Tác giả:
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền,OSB.
|