Đọc cuốn báo Nguyệt San TRÁI TIM ĐỨC MẸ số tháng 5/2008 nầy, tôi thấy có bài của sơ Lệ Tâm: "Hãy Can Đảm! Đừng Sợ" (trang 31), bài của linh mục Nguyễn Bá Thông: "Cũng Một Chọn Lựa" (trang 38-39), bài của chị Hoàng Thị Hà Tiên: "Còn Mãi Bầu Trời Thương Yêu" (trang 59-63). Lại thấy cả ba bài viết nầy đều hay, hay hơn bài viết của tôi nhiều (bài "Khôn Khéo Với Khôn Ngoan", trang 59-61) nên tôi thật là vui và xúc động nhớ đến đoạn Phúc Âm của Thánh Marco:
Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà góa nghèo đến bỏ hai đồng tiền nhỏ, tức là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: "Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa nghèo nầy đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia dâng cúng của mình dư thừa, còn bà nầy đang túng thiếu, nhưng đã dâng cúng tất cả tài sản, tất cả cái cần để sinh sống." (Marco 12: 41-44)
Nhớ đến để ứa nước mắt hạnh phúc: cảm tạ tình Chúa đoái thương mà đoái thương cách ý nhị sao! Chúa chăm chút cho mình có những niềm vui bất ngờ, vô giá: quanh việc mình viết phục vụ báo Mẹ ... Vì thú thật tôi hay có cái suy nghĩ và tự ví việc mình phấn đấu vượt mọi khó khăn trong ngoài, để tháng tháng có được bài góp mặt đều đặn trên báo Mẹ suốt gần chín năm nay là cũng không khác chi việc bà góa nghèo trong Phúc Âm đã phấn đấu trước cái nghèo cùng cực của bà, để bỏ đồng tiền bà duy nhất có vào hòm tiền dâng cúng. Bà góa nghèo đã được Chúa vinh danh, nên tôi ắt thế nào cũng sẽ được Chúa đoái thương ... Thì đấy, Chúa đã đoái thương: chỉ trong một số báo Mẹ của tháng 5/2008 nầy thôi mà được có hai bài viết của cha Thông với chị Hà Tiên là hai ngòi bút do tôi giới thiệu, lại có thêm bài của sơ Lệ Tâm là do chị Hà Tiên giới thiệu để sơ cũng cùng được cộng tác với báo Mẹ (câu chuyện bên trong hậu trường, sẵn dịp vui, tôi ... bật mí luôn. Số là đã từ lâu, có những bạn đọc thân quen cứ "xúi" tôi nên đề nghị với quý cha Chủ Nhiệm, Chủ Bút bớt đăng các bài thuộc về kinh sách, thần học, tín lý dễ làm cuốn báo bị khô khan và người ta ngán đọc, để đăng những bài cho đọc giải trí mà lành mạnh, xây dựng ... Nhưng, với tôi thì: "Con chiên phải theo ý chủ chăn", và làm trợ bút là phải "thuyền theo lái" nên dù được quý bạn đọc thân quen cứ "xúi", tôi vẫn chẳng mở miệng thưa thốt chi với quý cha ở tòa báo. Bù lại, lòng yêu mến cuốn báo mình phục vụ và sự cảm thông với nỗi niềm của quý bạn đọc: nên tôi có cái ước ao và nhẫn nại tìm những ngòi bút để giới thiệu với báo Mẹ ...)
Cạnh việc Chúa đoái thương tôi vừa nêu trên, Chúa còn đoái thương ban cho tôi bao việc khác nữa thật vô vàn hạnh phúc! Nhất là việc tôi được quý bạn đọc báo Mẹ tin yêu giao cho công tác để làm thêm. Như thỉnh thoảng có những vị bạn đọc gửi ít tiền đến tòa báo nhờ chuyển cho tôi, hoặc nếu đã biết địa chỉ tôi thì gửi thẳng đến tôi có khi chỉ là tờ $5, $10, $20 ... nhín nhịn được thay vì mua sắm nên bỏ đại vào bao thư và cho tôi trọn quyền quyết định muốn gửi về nơi nào ở Việt Nam thì gửi: miễn là an ủi cho người khổ dù giáo dù lương. Có thể nói hầu hết mỗi lần được những đồng tiền như vậy, tôi đều ưu tiên gửi về quý sơ nhất là quý sơ Mến Thánh Giá có nuôi các trẻ khuyết tật. Mà các trẻ khuyết tật thì thương lắm! Đã đến với các trẻ một lần thì không thể "đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ" trước những nhu cầu của trẻ như đói cần ăn, rét cần mặc, đau cần chữa bệnh ... Tạ ơn Chúa, có những bạn đọc đã một lần liên lạc với tôi thì cứ mềm lòng cho tôi "réo" mãi và còn vận động luôn cả người thân, bè bạn. Mà hễ vận động là được nghe cảnh giác: sợ rằng bị gạt bị lừa vì tin sao được bà Đáo Tiệp và tin sao nổi quý sơ thời nay ... Nhưng tạ ơn Chúa, những vị bạn đọc nầy không sợ bị lừa bị gạt mà tin. Tin tôi vì thấy tôi rõ ràng minh bạch trong vấn đề tiền bạc: vừa chịu tiền cước phí để chuyển về và vừa đóng góp vào số tiền có khi phải hơn hay ngang ngửa với tổng số tiền được cho, thì mới đủ để gửi về quý sơ lo cho một trẻ đi chữa bệnh chẳng hạn, hoặc sắm một đợt đồ mặc rét cho mỗi trẻ trong nhà ... Tin quý sơ vì nhớ lời Chúa dạy: "Ai cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Đấng Kitô, thật thầy bảo các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn." (Marco 9: 40-41) nên hiểu là quý sơ không dám đơn sai ...
Nay, trước chủ đề của Nguyệt San TRÁI TIM ĐỨC MẸ số tháng 7: "Các Bệnh Nhân Và Những Người Khuyết Tật", tôi xem như "dịp bằng vàng" để mình đề nghị quý sơ Mến Thánh Giá ở một số mái ấm (mà thay mặt quý bạn đọc tin yêu ủng hộ thương giúp nên tôi đã liên lạc suốt thời gian qua) viết về công việc của các ngài, cho tôi được giới thiệu lên báo Mẹ. Hầu quý bạn đọc nào đã thương thêm thương hơn, đã nghi ngại sẽ bớt hoặc thôi nghi ngại.
Và đây, qua những lời của quý sơ tâm sự, kính mời quý bạn đọc vào thăm từng gian mái ấm của tình người.
* *
*
Đầu tiên là nhà nuôi trẻ khuyết tật do sơ Nguyễn Thị Hương, dòng Mến Thánh Giá Khánh Hòa phụ trách.
Địa chỉ: Mái Ấm Hy Vọng – Thôn Bãi Giếng Nam, Cam Đức, Cam Lâm, Khánh Hòa.
Tel: 058-981-692 hoặc 0909-505-204.
E-mail: srngochuongopposite@gmail.com
hoặc "srngochuong@yahoo.com"
Sơ Hương tâm sự:
"Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Xã Hội Học, công việc đầu tiên đến với mình là giúp quán cơm "Sinh Viên Tự Chọn". Đây là quán cơm giúp các sinh viên nghèo từ các vùng thôn quê lên thành phố học, có thể đến ăn bữa ăn no và rẻ nơi quán cơm thoáng mát, vệ sinh. Chính trong thời gian nầy với công việc tiếp cận, thăm hỏi, lắng nghe mình cũng đã giúp nhiều sinh viên vượt qua những khó khăn về mặt tinh thần trong cuộc sống.
Công việc không chỉ dừng lại đó, mình chuyển sang công tác giúp người nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng gặp bão lụt. Ngày ngày một mình lủi thủi đi đến những giáo xứ giàu để xin quần áo cũ, gạo, mì tôm, sách vở, bút ... đêm về chọn lựa, giặt, đóng thùng, cuối tháng lại gởi đi theo lệnh của Cha Giám Đốc. Ngoài ra có những giáo xứ nghèo cần Kinh Thánh, hay làm tủ sách mini cho các cháu nghèo có nơi để đọc sách, tăng thêm kiến thức và tránh được thời giờ đi rong chơi, mình lại một phen tìm kiếm các mạnh thường quân nho nhỏ và gom góp khi nào đủ thì mua các nhu cầu cần thiết ấy rồi gởi đi ... Công việc cứ như thế, hết giúp chỗ nầy đến chỗ khác, thời gian cũng gần 4 năm, nhiều lúc áp lực công việc cũng thấy mệt mỏi nhưng sự mệt mỏi đó cũng đã được bù đắp bằng những niềm vui, nụ cười của người khác.
Đến giữa năm 2006, một lần nữa mình phải thay đổi công việc và thay đổi ngay cả chỗ ở. Bỏ thành phố Sài Gòn để về với Mái Ấm Hy Vọng tại Bãi Giếng Nam, Cam Đức, Cam Lâm, Khánh Hòa. Nơi đây thật là "vạn sự khởi đầu nan" vì phải đương đầu với đủ mọi khó khăn để khởi sự cho một công việc hoàn toàn mới: giúp nuôi dạy các trẻ khuyết tật. Căn nhà nầy tuy mới xây năm 2004, nhưng có lẽ thợ xây không chuyên nghiệp hay vì lý do chi đó đã xuống cấp nhanh chóng. Hệ thống điện nước đã thiếu thốn, không an toàn, còn bị tắc nghẽn! Mái nhà nầy trước đây đã có khởi nuôi một số cháu có những chứng bệnh đặc biệt, và một lớp trẻ tình thương nho nhỏ nhưng lúc nầy đang tạm cho nghỉ, vì ngân khoản không có! Và nếu mình yêu cầu họ đóng góp để nuôi dạy các cháu thì họ trả lời: "Nhà chúng con nghèo quá, nghe nói sơ nuôi từ thiện chúng con mới dám đưa tới gởi, nếu phải đóng góp thì chúng con sẽ nhốt cháu ở nhà" nghe mà đau lòng!
Trong hai tháng đầu về đây, giáo dân ai cũng thắc mắc không biết các sơ làm gì mà ngày nào cũng nghe tiếng búa đục đẽo. Chỉ biết cười trừ không biết phải trả lời sao, vậy mà còn nhiều cái cần phải chỉnh sửa lắm! Nhưng thôi phải nghỉ đã, vì tài chánh không còn, hãy dành lại một ít để nuôi các cháu sắp nhập.
Tháng 9/2006, sự gì cần đến được đến. Một số gia đình có cháu đã ở trước, thời gian qua cho nghỉ, nay thấy cơ sở hoạt động trở lại đã tới đăng ký để xin giúp đỡ vì gia đình quá nghèo, có cháu mồ côi cha hoặc mẹ, cũng có những cháu được sinh ra thấy bị tật nguyền thì mẹ bỏ đi. Những cháu nầy thật đáng thương vì mắc những chứng bệnh đặc biệt như: "down", tâm thần, động kinh, bại não, câm điếc ... Những chứng bệnh mà xã hội dường như không mấy ai quan tâm, ngay chính cha mẹ cũng muốn bỏ rơi con, vì trong gia đình nghèo có một người con bị một trong những chứng trên thì cả nhà phải gánh vác thêm hai miệng ăn không! Cảnh nghèo, nợ nần lại càng nghèo, nợ nần ngày càng tăng. Khởi sự năm học mới nầy mình quyết định chỉ giúp những cháu khuyết tật, mồ côi trong các gia đình nghèo, khó khăn.
Cơ sở "Mái Ấm Hy Vọng" thật sự đang cùng với xã hội giúp một số gia đình nghèo có thể vượt ra khỏi cảnh nghèo, có nghĩa khi họ có thời gian thì họ mới có thể lao động tìm kế sinh nhai dễ dàng hơn, qua đó cũng tạo cho họ một niềm tin trong cuộc sống. Và điểm đặc biệt mà cơ sở "Mái Ấm Hy Vọng" muốn nhắm tới là đưa những đứa trẻ nằm bên lề xã hội được hòa nhập với cộng đồng, được nuôi dạy, vui đùa, tạo cho những cháu bị thiệt thòi nầy tìm lại được niềm vui, nụ cười. Vì mỗi cháu cũng là một nhân vị Thiên Chúa tạo nên, chúng cũng cần phải được tôn trọng.
Cơ sở hạ tầng "Mái Ấm Hy Vọng" thật giới hạn! Nhân sự thì chỉ có 3 sơ nhưng hiện nay đang giúp nuôi dạy 25 cháu. Có 3 cháu nhà gần nên sáng đi chiều về, số còn lại vì nhà xa, gia đình nghèo không có phương tiện, các cháu ở lại đây từ sáng thứ Hai đến chiều thứ Sáu, không phân biệt tôn giáo, địa vị.
Ở đây qua sự giao tiếp, vui chơi với nhau, xem phim, sinh hoạt ca hát, học tập ... đã làm các cháu biết cởi mở, tự tin, không còn sống tự kỷ như trước. Hiện có vài ba cháu sau thời gian ở đây đã có thể đọc các hàng chữ trên tivi, đọc sách, viết chữ, phát âm rõ ràng hơn, nhiều cháu giỏi về múa, hát, nhiều cháu tập cả tháng mới phát âm được một chữ Ô, O, A ... Có những cháu được đưa đi chữa bệnh thoái vị bẹn, động kinh, 3 cháu được mua xe lăn ...
Cái làm mình phải hy sinh nhiều nhất là vệ sinh cá nhân, các cháu không thể ý thức nên việc đại, tiểu tiện lúc nào cũng được và bất chấp ở đâu. Ngân khoản hàng tháng chi phí cho điện nước khá cao do phải tắm, giặt, rửa, lau chùi nhà liên tục.
Về ăn uống phần đông các cháu không thể tự làm, do đó mỗi sơ cùng một lúc phải đút cơm cho 3, 4 cháu. Các cháu lại ăn khỏe, tính khí bướng bỉnh khác thường nên khi cháu nổi cơn lên thì một sơ không tài nào trị nổi.
Công việc một ngày như mọi ngày, cứ xoay vần cả ngày lẫn đêm, không biết đã bao nhiêu lần cả nhà không ăn trọn một bữa ăn vì được báo cáo cháu nào đó đang phóng uế, hay chọc nhau khóc.
Cũng đã nhiều người đặt vấn đề:
"Tại sao các sơ lại đi giúp đỡ các cháu có những chứng bệnh dị biệt nầy? Tương lai nó đâu có đâu, để tiền để sức mà giúp các cháu nghèo nhưng bình thường, thông minh thì có ích cho xã hội hơn không? Nó sống được bao nhiêu tuổi, giúp nuôi nó làm chi cho uổng công? Người ta sinh ra thì người ta phải gánh lấy hậu quả, sao các sơ lại đi vác ách giữa đường làm gì cho mệt xác? Một gia đình có một cháu mắc bệnh như thế họ đã không chịu nổi, sao các sơ dại dột mà nuôi đông thế? Các sơ làm gì ra tiền mà nuôi không cho họ vậy?..."
Những thắc mắc trên, cũng đủ nói lên một công việc khó khăn, đòi hỏi nhiều phấn đấu, nhiều ý chí trong chính bản thân.
Và đại loại còn nhiều câu hỏi thắc mắc được đặt ra nữa xem chừng họ không chấp nhận được công việc mà các sơ đang tự mình gánh vác nầy.
Nhưng, với cái nhìn Đức Tin Kitô Giáo, mình không thể dửng dưng trước bao cảnh đời đầy đau khổ, đã không xoa dịu nỗi đau cho họ, còn đẩy họ vào con đường cùng là đi ngược lại với đường lối của Chúa.
Những khi nhận được những câu thắc mắc, mình chỉ biết trả lời đơn giản:
- Nếu mình cũng suy nghĩ, cũng làm những cái mà ai cũng giành làm thì còn có công gì trước mặt Chúa nữa.
Và họ cũng đã tìm được câu giải đáp:
- Chỉ có những người tu hành mới dám hy sinh bản thân mình như thế!
Cám ơn Chúa, qua công việc mình làm, phần nào cũng giới thiệu được khuôn mặt đáng yêu của Đức Kitô cho mọi người chưa nhận ra Ngài. Và một điều đáng nói lên nhất, đó là Chúa không bao giờ thua lòng quãng đại của mình. Hãy sống phó thác và đúng vậy, Chúa đã đánh động bao tâm hồn cho họ biết mở rộng trái tim, biết cảm thông, chia sẻ để cùng tiếp tay nâng đỡ về mặt tinh thần cũng như vật chất để chị em có thể tiếp tục công việc từ thiện nầy ...
Việc nuôi các cháu trong nhà đã thế, dân chúng sống chung quanh cũng nghèo, phần đông họ mới từ Quãng Bình vào lập nghiệp, họ sống bằng nghề kéo lưới rùng ban đêm ở vùng ven biển, kiếm đủ ăn cho cả nhà đã khó nói chi đến bệnh tật. Khi mới được thuyên chuyển về đây, đúng lúc dân bị dịch bệnh đau mắt cả làng! Ôi thôi mấy chị em không còn giờ nghỉ. Cả ngày chữa bệnh, châm cứu, lăn cào, chích thuốc, phát thuốc miễn phí hết người nầy đến người khác. Chúa cũng đã chúc lành, dân chúng vượt qua nạn dịch đau mắt mà tốn phí không hết bao nhiêu. Có một đêm đáng nhớ nhất, khoảng 20 giờ, cả nhà đã lên giường nằm ngủ, tiếng la cấp cứu, cấp cứu làm mọi người bàng hoàng chỗi dậy, bật đèn mở cửa thì thấy một anh đang cõng người vợ mặt tái xanh, hơi thở dồn dập như muốn đứt quãng. Mấy chị em vừa cầu nguyện xin Chúa giúp, vừa cùng nhau xoa bóp, lăn cào, châm huyệt cứu tỉnh, sau 15 phút hơi thở bệnh nhân từ từ bình thường trở lại và rồi sau đó cùng chồng ra về. Chị em cảm thấy nhẹ người, đóng cửa, tắt đèn và đi ngủ. Giấc ngủ vừa bắt đầu thì tiếng la hét cấp cứu mà lần nầy với giọng kêu cứu thất thanh! Vội vàng chỗi dậy mở cửa thì cũng bệnh nhân đó, lại trong tình trạng nguy kịch hơn! Chị em không biết làm sao hơn, một phần đã quá mệt trong ngày, khả năng chữa trị với chứng bệnh ngộp tim không có, tiệm thuốc không ai chịu mở cửa giờ nầy ... Thật là bối rối, vừa làm các động tác trợ tim, vừa xoa bóp, khẩn nguyện xin Chúa gìn giữ bệnh nhân thoát được qua đêm. Một lần nữa Chúa đã nhậm lời. Hiện nay chị đã có một cháu gái và bệnh không còn tái phát ... Suy nghĩ lại mình mới thấy đường lối Chúa vạch cho mỗi người chúng ta đi thật tuyệt vời, ví như trước đây Bề Trên không sai mình đi học châm cứu thì giờ đây làm sao có thể giúp chữa bệnh cho dân? Không cho mình vào Sài Gòn học thì mình đâu tiếp cận được những nhà hảo tâm giúp mình số thuốc, số tiền để mua thuốc phát miễn phí ...Và ngày qua ngày đã trở thành thói quen, bây giờ hễ ai đau ốm, bị ghẻ lở ... cũng đến để xin sơ cho thuốc. Gia đình có người đau bệnh cấp, cũng đến nhờ quý sơ giúp, hướng dẫn đi bệnh viện. Có nhiều gia đình khi con đau bệnh có thể nguy hiểm nhưng ngại không dám đi bệnh viện vì không có tiền, mình cũng phải tự ý tác động cha mẹ, cung cấp người, phương tiện cho con họ được đến bệnh viện kịp thời chữa trị. Cám ơn Chúa mọi công việc Chúa đã làm nơi con ...
Để có thêm thu nhập nuôi các cháu, chị em cũng làm rẫy, trồng mì lấy củ bán, tranh thủ những ngày không có các cháu để dọn vườn, cuốc cỏ, trồng cây ăn quả ... Những ngày làm như thế, người nông thôn thường nói: "Bán lưng cho trời và bán mặt cho đất". Quả thật như thế, đó là những ngày không xối nước lên người, nhưng áo quần có thể vắt ra nước! Có làm như thế, mình mới có thể đồng cảm với những nỗi vất vả của những người đi làm thuê trên những cánh đồng nắng cháy đổ mồ hôi, sôi nước mắt để đổi lấy chén cơm manh áo ... (Thú thật tôi có hỏi sơ về bữa ăn. Sơ cho biết với các trẻ thì bữa ăn nào của chúng cũng có thịt bầm nhỏ nấu với khoai tây, cà rốt, hay nấu canh rau, nấu miến ... Còn quý sơ thì thường xuyên ăn cá mà "cá ngàn con" tức loại cá nhỏ như cá ve, cá liệt ... vì loại cá nầy rẻ tiền và thường người ta mua về nấu cho heo ăn để chúng có thêm chất đạm, chóng lớn ...)"
Và vâng, thưa quý bạn đọc, "Mái Ấm Hy Vọng" do sơ Hương phụ trách với công việc chính chỉ là nuôi dạy giúp các trẻ khuyết tật chớ không nuôi luôn, mà đã hữu ích giữa đời như thế, và quý sơ phải hy sinh đến thế! Thì đủ hiểu các mái ấm của quý sơ nhận nuôi luôn các trẻ khuyết tật: sẽ hữu ích giữa đời xiết bao và quý sơ còn phải hy sinh đến chừng nào ...
* *
*
Bây giờ, kính mời quý bạn đọc vào thăm thêm vài ba mái ấm nữa được quý sơ nhận nuôi luôn các trẻ khuyết tật ...
Trước hết là mái ấm được mang tên: "Nhà Trẻ Khuyết Tật Lâm Bích", do sơ Agnès Nguyễn Thị Tâm phụ trách.
Địa chỉ: Tu Viện Mến Thánh Giá Xã Đoài, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An.
Tel: 038-3861-238.
E-mail: "tuvienxadoai@yahoo.com"
Sơ Tâm tâm sự:
"Công đoàn chúng tôi hiện có 232 người, trong đó các chị đã về già lên tới 1/3 và con số đệ tử 107 em mà một số em còn đi học, còn lại là chị em chúng tôi đi phục vụ công tác Tông Đồ ở các giáo xứ. Tất cả chị em chúng tôi ai cũng được sinh ra và lớn lên từ cảnh đời nông nghiệp, ai cũng rất gần gũi và hiểu rõ, cảm nhận được sự vất vả và thiếu thốn nơi từng hoàn cảnh sống của bà con nông dân nghèo đói ở vùng thôn quê. Đặc biệt là những gia đình có những đứa con tàn tật, những đứa trẻ bị bỏ rơi ... Trước thực trạng đó, chị em chúng tôi thấy rằng chính chúng tôi phải có trách nhiệm đối với các em mồ côi khuyết tật là việc cần thiết mà chúng tôi phải làm vì hạnh phúc, vì tương lai cho các em, vì tình yêu đồng loại và nhằm thăng tiến con người trong xã hội.
Vào ngày 26/2/1992, nhà trẻ được mang tên "Nhà Trẻ Khuyết Tật Lâm Bích". Bước đầu chỉ năm, bảy cháu ở các vùng lân cận. Nhưng dần dần cho tới nay đã 16 năm, nhà trẻ Lâm Bích không tính những cháu đã được về chầu Chúa, con số lên tới 45 cháu, tất cả đều là tàn tật hết, và nằm một chỗ đã hơn quá nửa: với đủ các loại bệnh như: "down", bại liệt, thần kinh, mù, què, câm, điếc, ảnh hưởng của chất độc da cam. Trong số 45 em nầy, chỉ có 5 em là còn có cha mà không có mẹ hoặc có mẹ nhưng không có cha, lại quá nghèo khổ không đủ điều kiện chăm sóc và sự hiện diện của các em là gánh nặng, nên xin chúng tôi đem về nuôi. Số còn lại hầu hết đều hoàn cảnh tàn tật không ai chăm sóc, vứt bỏ ở cổng bệnh viện hay ở nơi này nơi khác, làm người nầy người nọ thấy thương tâm đã đem tới cho chúng tôi nuôi ...
Thời gian đầu lúc mới 3-5 cháu, chị em chúng tôi chưa có nhà để nuôi, các cháu ở nhà phát thuốc tình thương. Sau đó lên tới 10 cháu, chị em chúng tôi đã xây thêm một căn phòng nhỏ để có điều kiện chăm sóc. Tầm mắt của chị em chúng tôi có thể nhìn xa trong tương lai là chúng tôi có thể làm một căn nhà lớn để có điều kiện chăm sóc và nhận nhiều các em. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên chị em chúng tôi chỉ làm thêm từng phòng nhỏ để các em có thể ở chung với nhau. Cho tới bây giờ dù con số đã tăng lên tới 45 em nhưng nhà cửa vẫn còn ngăn từng phòng nhỏ, chật chội. Trước hoàn cảnh đó, chị em chúng tôi rất vất vả về việc chăm sóc các em! Khó khăn nhất của chị em chúng tôi là khi phải từ chối hoàn cảnh của những hoàn cảnh cha mẹ mang tới xin chúng tôi giúp đỡ chăm sóc. Về tình thương và sự nuôi dạy thì chị em chúng tôi rất sẵn sàng, nhưng bên cạnh đó là về kinh tế và về nhà cửa còn chật.
Riêng hoạt động của chị em Mến Thánh Giá Vinh, chúng tôi là giúp đỡ những người nghèo, người già neo đơn, trại cùi Quỳnh Lập và những người cùi tại gia ở Hà Tĩnh, dạy giáo lý, tập hát, đàn nhạc, phục vụ tủ thuốc tình thương ở các vùng sâu vùng xa. Đời sống chị em cũng chỉ sống bằng nông nghiệp, luôn bị thiệt hại đủ thứ như hạn hán, lũ lụt, mưa bão, sâu bệnh, thất thu, có làm mà không có thu! Những lần viếng thăm chia sẻ cho người nghèo, chăm sóc trẻ em mồ côi khuyết tật, hầu hết là chị em chúng tôi đã chia sẻ từng khẩu phần trong cộng đoàn mình. Cuộc sống của chị em chúng tôi cũng khá vất vả. Nhưng trong niềm tin yêu và phó thác, chúng tôi xin ký thác cuộc đời chúng tôi theo thánh ý Ngài. Nên từ đó mặc dầu vất vả thiếu thốn nhưng chúng tôi vẫn vui và hạnh phúc và chị em thường động viên an ủi nhau, vì chúng tôi đã được cộng tác với Ngài trong công cuộc cứu độ.
Kính thưa quý vị,
Khi chị em chúng con nói đến: "Đón nhận các em khuyết tật về nuôi", không phải tất các em khuyết tật đều được chị em con đón nhận, nhưng chỉ những em có những hoàn cảnh đặc biệt mà thôi, như các em con đã nói trên. Vì nhu cầu thiết thực của Tu Viện đang khó khăn về kinh tế, bởi vì giá cả thị trường ngày càng tăng, thêm nữa nhà trẻ "Mồ Côi Khuyết Tật" chúng con sinh sống nơi miền quê ít ai biết đến. Chị em chúng con có đủ nhân sự và tình thương để đón nhận và nuôi dạy nhiều em mồ côi khuyết tật khác nữa. Nhưng về mặt tài chánh chị em chúng con còn khó khăn ...
Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị ân nhân và trả công cân xứng cho mọi người. Chúng con hy vọng nhiều ở tình thương và lòng quảng đại của quý vị ..."
Cũng xin thưa cả hai mái ấm vừa nêu: "Nhà Trẻ Khuyết Tật Lâm Bích" sơ Tâm phụ trách và "Mái Ấm Hy Vọng" sơ Hương phụ trách: thảy đều chưa có một lần đăng "Mong Tấm Lòng Vàng" trên báo Mẹ. Riêng hai mái ấm dưới đây thì đã có được đăng "Mong Tấm Lòng Vàng" trên Nguyệt San TRÁI TIM ĐỨC MẸ.
Như mái ấm do sơ Cao Thị Ánh Hồng phụ trách,
Địa chỉ: Tu Viện Mến Thánh Giá Hướng Phương – Quảng Phương, Quảng Trạch, Quảng Bình.
Tel: (84)52-512-074 hoặc 090-966-8050
E-mail: "mtghp2005@yahoo.com"
Được biết nhờ sự thương giúp của quý ân nhân trong và ngoài nước, đặc biệt sau khi đã đăng "Mong Tấm Lòng Vàng" trên báo Mẹ (số 352 tháng 4/2007, trang 64( thì hôm 13/5/2008 vừa qua quý sơ MTG Hướng Phương đã khởi công xây dựng nhà trẻ khuyết tật với tên gọi: "Trung Tâm Hiền Mẫu Cha Thánh Vin-Xen-Tê" để nuôi dạy khoảng 400 em. Kính mời quý bạn đọc nghe sơ Ánh Hồng tâm sự thêm:
"Vào những thế kỷ 18, 19 khi mà thuốc tây chưa có, chị em chúng tôi tự làm thuốc bằng việc góp các loại lá, rễ cây, vê thành từng viên nhỏ. Cứ hai chị em một gánh: người đi miền xuôi, kẻ đi miền ngược, người đi miền núi, kẻ vào các làng mạc hẻo lánh ... phát thuốc cho những người đau ốm. Từ những chuyến đi như vậy, chị em càng thấy rõ hơn hoàn cảnh khó khăn của mọi người, đặc biệt các em mồ côi, khuyết tật, không cha, không mẹ, sống vất vưởng nơi các chợ, quán. Chúng tôi đã đem về nuôi, rồi dần dần con số các em tăng lên, chúng tôi đã lập ra một trại gọi là "Khu Con Trẻ Hướng Phương". Trong những năm chiến tranh ác liệt, "Khu Con Trẻ" bị tàn phá. Các em mồ côi, khuyết tật phải đem nuôi giấu trong các tu viện cùng các nữ tu. Thời đó kinh tế nhà dòng rất khó khăn, chúng tôi chỉ ăn khoai, rau má và các em cũng chỉ được nuôi như vậy.
Trong hơn 35 năm từ 1955 đến 1990, tu viện hầu như sống trong đêm dài đen tối. Chúng tôi không thể công khai làm việc thiện. Số các em mồ côi lớn, chúng tôi gả chồng, cưới vợ. Một số người khuyết tật đã chết. Còn lại vài người, chúng tôi tiếp tục nuôi giấu họ cùng các nữ tu.
Sau năm 1990, nhà nước mở cửa, cho phép dòng tu đón nhận ơn gọi các tu sĩ. Chúng tôi vui mừng chào đón những thành viên mới, tiếp tay cùng chúng tôi tiếp tục sứ mạng của Dòng. Chúng tôi vẫn gánh thuốc viên đi khắp nơi, vừa kiếm kế sinh nhai, vừa giúp đỡ những người nghèo, đau ốm, già nua, cô đơn, đặc biệt chú tâm đến các em mồ côi, khuyết tật. Con số các em lại đông dần và cho đến nay đã gần 50 em, đang được nuôi tại nhà khách của tu viện. Ngoài 50 em nầy, ở Quảng Bình còn có gần 4 ngàn em mù, câm, điếc, bại liệt, "down", thần kinh, mồ côi, thiếu được nuôi dạy.
Chúng tôi thấy rất rõ nhu cầu cấp thiết đó, nhưng "lực bất tòng tâm"! Về nhân sự, chúng tôi có đủ người để phục vụ, nhưng chúng tôi không thể cho các em tất cả mọi thứ các em cần (như về nhà ở, kinh phí nuôi ăn, áo quần, thuốc men, các dụng cụ y tế để chữa trị phục hồi chức năng, tiền học phí, sách vở ...)
Hằng ngày chăm sóc các em, chúng tôi rất vui mừng thấy các em tiến triển tốt. Như em Quỳnh Như khi mẹ đem đến cho, đã 6 tuổi nhưng chỉ cân nặng 7kg, nằm một chỗ, chân tay teo tóp. Sau 2 năm được chúng tôi chăm sóc, cháu đã lớn 15kg và ngồi được. Phục vụ vất vả nhất đối với chúng tôi là các em không biết gì, cụ thể như em Kim Chi, năm nay khoảng 18 tuổi mà không thể nói, sống như một con thú hoang, ăn bất cứ thứ gì, xin lỗi kể cả ăn băng vệ sinh ...
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng tin tưởng vào tình thương và sự giàu có vô cùng của Thiên Chúa qua những tấm lòng vàng đã, đang và sẽ tạo được điều kiện cho chúng tôi làm việc thiện, qua sự nuôi dạy các em mồ côi, khuyết tật tại tỉnh Quảng Bình này bây giờ và trong tương lai. Nguyện xin Thiên Chúa qua lời bầu cử của Mẹ La Vang, Thánh Cả Giuse và Cha Thánh Vincente Nguyễn Thị Điểm trả công bội hậu cho quý ân nhân của chúng con ..."
(Cũng xin thỏ thẻ với quý bạn đọc điều nầy ... Hôm 25/5/2008 vừa qua là lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, tôi có kính biếu quý sơ $100 để cả nhà vui bữa ăn có thêm chút chi "sang" hơn các ngày thường. Sơ Ánh Hồng mail qua cho biết:
"Lâu lắm rồi, từ hôm Tết đến giờ, vừa thất thu của năm ngoái, vừa đói, vừa nhịn để nuôi các em khuyết tật, mồ côi nên các sơ phải ăn uống e dè lắm! Bây giờ được chị đãi thật là vui và cảm động ... Chị ạ nhiều lúc chúng em đùa nhau: người ta thừa chất nên bị cao máu, tiểu đường, còn các sơ Quảng Bình thì suy dinh dưỡng ... thật là nghịch lý! Chúng em cũng biết tu viện còn quá nhiều khó khăn, nhưng con đường MẾN THÁNH GIÁ mà chúng em đã chọn và tình nguyện bước theo Đức Kitô thì không bao giờ, nản lòng, chùn bước ...")
* *
*
Với như mái ấm mới được hình thành gần hai năm nay, do vị nữ tu trẻ là sơ Trần Thị Hạnh phụ trách.
Địa chỉ liên lạc: Tu Viện Mến Thánh Giá Lưu Mỹ – Trù Sơn, Đô Lương, Nghệ An.
Tel: 0383-697-146.
E-mail: "tuvienluumy@yahoo.com" (đã có đăng "Mong Tấm Lòng Vàng" trên báo Mẹ số 357 & 358 tháng 9 & 10/2007)
Xin kính mời quý bạn đọc nghe sơ Hạnh tâm sự thêm:
"Thời gian tôi được tu viện cho đi học ở thành phố Vinh là thời gian tôi được tiếp xúc với nhiều hạng người trong xã hội và cũng thấy được cảnh sống của dân thành phố: văn minh, có học thức, mỗi gia đình đều có bằng "Gia Đình Văn Hóa" vì sinh đẻ có kế hoạch, lại có điều kiện cho con ăn học đầy đủ. Chứ không phải như vùng chúng tôi đang sống: gia đình nào cũng có 6 đến 7 con trở lên, điều kiện ăn học không có ... Nhưng không ít những người đầu đường xó chợ và các trẻ tàn tật, mồ côi, nạo phá thai nhi ở tuổi học sinh, sinh viên vì các gia đình giàu có muốn cho gia đình mình được tiếng là "Gia Đình Văn Hóa" và nhan nhản ... các tệ nạn khác của xã hội ...
Từ đó tôi ước mơ tu viện mình có điều kiện để quy tụ những em tàn tật, mồ côi và khuyên các cô gái lầm lỡ không phá thai để sau nầy nuôi con cho chúng. Ước mơ xa vời quá, bởi tu viện chúng tôi ở nơi vùng quê, lại cách thành phố Vinh 50km. Hằng ngày chỉ sinh sống bằng nghề trồng lúa, khoai, ngô, đậu, lạc ... mình ăn chưa đủ huống chi mà nuôi được ai? ... Hoa màu thì hoàn toàn nhờ vào thời tiết của trời nhưng mấy năm nay thời tiết xấu, thêm lũ lụt, sâu bọ nên đâu thu hoạch được chi! Như năm nầy trời lạnh quá, tu viện chúng tôi đã gieo được 2 mẫu lúa mà chết hết, gieo đến lần thứ hai cũng không lên được bao nhiêu và khi bắt đầu trổ bông thì bị sâu phá hoại gần hết; đất màu trồng ngô trồng lạc cũng bị sâu cắn hết! Cho nên nuôi đủ chị em trong tu viện đã là khó, lấy gì mà mơ tới nuôi trẻ từ thiện nầy ... Trong tu viện có đến gần 100 chị em mà đã 1/3 quý sơ già mất sức lao động; 1/3 chị em đi làm việc Tông Đồ. Vì chúng tôi sống vào vùng dân quê nên thói quen ở đây là chị em chỉ đi làm việc bác ái như vậy chứ không được trả lương, may ra thì đủ nuôi sống bản thân, thiếu thì về nhà Mẹ xin từng chai nước mắm; 1/3 số chị em còn lại ở nhà Mẹ làm ruộng, trồng trọt, chăn nuôi sinh sống. Hằng ngày chúng tôi muốn giúp đỡ những người già cả neo đơn, đói bệnh trong giáo xứ là cũng đều phải bớt khẩu phần của chị em, hoặc mỗi thứ Sáu chúng tôi đều ăn chay để nhường phần ấy lại làm việc bác ái.
Vậy mà ước mơ tôi đã thành hiện thực! Mùa Hè năm 2006 không thể dửng dưng trước nỗi bất hạnh của một số em mồ côi, khuyết tật, tu viện chúng tôi đã quy tụ số em nầy về nuôi không phân biệt tôn giáo. Và không có nhà để nuôi thì ngăn ra một phòng của tu viện mà nuôi. Rồi Chúa thương, tạo điều kiện cho mua được ngôi nhà dù hư, dột, mối mọt vì xây dựng đã lâu năm. Công việc chúng tôi hầu như âm thầm và cũng trôi qua theo ngày tháng nhưng đến hôm nay nó đã lan rộng rất xa. Cả đến những gia đình ở thật xa chúng tôi có con bị dị tật cũng mang đến xin được gửi vào. Trước mắt chúng tôi chưa dám nhận nhưng hy vọng trong thời gian tới Chúa sẽ cho thành sự ...
Hiện giờ chúng tôi hai chị em ở riêng ngôi nhà mới tậu được nầy gần tu viện, dù hư dột mối mọt ... và đang nuôi các em dù đang thấy thật quá khó khăn và phức tạp nhưng vẫn quyết không chùn bước và phó thác ...
Trong dân làng cũng nhiều người ca tụng những hy sinh vất vả mà chị em đã gánh lấy, nhưng cũng không ít người bàn ra nói vào rằng:
"Thà về nhà lấy chồng và nuôi một vài con còn hơn ở đây rước đám người tàn tật, gớm ghiếc như vậy để nuôi cho khổ thân! Và như vậy thì những gia đình nào có con dị tật là cứ gửi vào cho quý sơ nuôi thì sướng biết mấy? Đã không mất tiền nuôi con còn đỡ được một gánh nặng cho gia đình ..."
Nhưng chúng tôi cảm thấy hạnh phúc với sự hy sinh, cố gắng về mặt tinh thần cũng như vật chất, vì đã đem hết khả năng để dấn thân và phục vụ Đức Kitô trong những mảnh đời bất hạnh nầy, hầu xoa dịu nỗi đau và đem họ đến một cuộc sống hạnh phúc ..."
* *
*
Và còn nữa, biết bao là những mái ấm đầy ắp tình người cho muôn vạn triệu mảnh đời bất hạnh, mà quý bạn đọc đã mắt thấy tai nghe cũng như từng dấn thân thương giúp ...
California, 27/5/2008