Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Nhà Văn Hương Vĩnh
Bài Viết Của
Nhà Văn Hương Vĩnh
HÀNH TRÌNH VỀ MIỀN ĐẤT HỨA
LỄ HIỆN XUỐNG
LỄ THĂNG THIÊN
CHÚA LÀM GÌ Ở HỎA NGỤC
NHỮNG NGƯỜI XA LẠ
THANH LIÊM TRÍ THỨC
RỬA CHÂN
MỘT CÕI ĐI VỀ
NGƯỜI PHARISÊU VÀ NGƯỜI THU THUẾ
HÀNH TRÌNH CUỐI ĐỜI
TUỔI GIÀ
ƠN GỌI CỦA SONG THÂN NỮ THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU
NGHỊCH TỬ VÀ HIẾU TỬ
NGƯỜI CHA ÂN TÌNH
NGƯỜI MẸ GIO LINH
TÌNH MẪU TỬ VÀ PHỤ TỬ
VỢ HIỀN
VIỄN KIẾN
BÌNH TĨNH VÀ THÔNG CẢM
SỰ THÀNH THẬT
ẢNH HƯỞNG MÔI TRUỜNG TRÊN ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
GIA ĐÌNH LÀ GÌ?
TÓM LƯỢC PHÚC TRÌNH CHUNG KẾT THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI THỨ XIV VỀ GIA ĐÌNH
BÀI GIẢNG CỦA ĐTC KẾT THÚC ĐẠI HỘI THẾ GIỚI CÁC GIA ĐÌNH LẦN THỨ VIII TẠI PHILADELPHIA
LỊCH TRÌNH ĐẠI HỘI THẾ GIỚI CÁC GIA ĐÌNH LẦN THỨ VIII - 2015 - TẠI PHILADELPHIA - USA
ĐẠI HỘI THẾ GIỚI CÁC GIA ĐÌNH LẦN THỨ VIII - 2015
XUÂN GIA ĐÌNH
ĐƯỜNG LỐI CỦA CHÚA
SAU BỐN THẬP NIÊN
TUYÊN NGÔN CỦA HÀN LÂM VIỆN CÔNG GIÁO PHÁP - “MỐI LIÊN HỆ HÔN NHÂN, GIA ĐÌNH, CHA MẸ, CON CÁI”
SAU BA THẬP NIÊN
AI LÊN NÚI CHÚA
ĐỨNG DẬY! TA ĐI NÀO! - “LEVEZ-VOUS! ALLONS!” (TỰ THUẬT CỦA ĐGH GIOAN PHAOLÔ II)
CÁI CHẾT LÀM RUNG CHUYỂN ĐỊA CẦU
NẮNG CHIỀU
Tác phẩm Đồng Hành Với Chúa - Bài suy niệm 25
NGƯỜI CHA ÂN TÌNH
XUÂN NẦY CON KHÔNG VỀ!
TÂM TÌNH CẢM TẠ
SAU BA THẬP NIÊN
NẮNG CHIỀU

 

HƯƠNG VĨNH 

Trong thập niên qua, hằng năm vào mùa hè, Trường từ miền Tây Canada trở lại thành phố Montréal thuộc tỉnh bang Québec ở mạn Đông để gặp lại bạn bè cũ, đồng thời thăm viếng ngôi mộ của thân mẫu đã qua đời cách đây mười lăm năm. Đặc biệt hè năm nay (2009), sau ba năm xa cách vì những lý do ngoài ý muốn, Trường mới trở lại thăm viếng thành phố đó. 

Đền Thánh Thánh Cả Giuse 

Trường đến Montréal một sáng sớm đầu tuần vào một ngày nóng nhất trong năm: 42độ C. Nơi Trường thăm viếng đầu tiên là Đền Thánh Thánh Cả Giuse Montréal, vì ở đó ghi lại nhiều kỷ niệm khó quên. 

Trước 1975, khi phục vụ với tư cách chuyên viên tại Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam (tức ngân hàng trung ương thời bấy giờ), Trường được gởi đi tu nghiệp nửa năm ở Quỷ Tiền Tệ Quốc Tế tại Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, trong một khoá học về kinh tế tài chánh. 

Trước khi khoá học kết thúc vào giữa tháng năm, một cuộc du ngoạn cuối tuần ở hai thành phố Toronto và Montréal của Canada được tổ chức dành cho các học viên tham dự khoá. Trong thời gian một ngày một đêm lưu lại thành phố Montréal, nhóm của Trường được đưa đi du ngoạn nhiều nơi, kể cả Đền Thánh Thánh Cả Giuse Montréal. Vì thời gian eo hẹp, nhóm của Trường không được lên viếng Đại Thánh Đường kính Thánh Cả Giuse mà chỉ đứng bên cạnh thánh tượng khá lớn của Ngài, ở dưới sân nhìn lên.

 

(Tượng Thánh Cả Giuse ở dưới sân nhìn lên) 

Hướng dẫn viên cho biết, những khách hành hương trong nhiều thập niên qua, đã dâng cúng tiền bạc xây nên ngôi Đại Thánh Đường vĩ đại đó, sau khi cầu xin và được nhiều ơn thiêng. Lúc bấy giờ Trường đứng trước thánh tượng Thánh Cả Giuse và thầm thỉ cầu xin Ngài cho đem gia đình sang định cư ở Montréal. Khi biến cố 30/04/1975 xảy đến, sau nhiều khó khăn nguy hiểm trong cuộc vượt biển, Trường đã đem cả gia đình sang định cư ở thành phồ đó! 

Quang cảnh Đn Thánh Thánh Cả Giuse 

Ðền Thờ Thánh Cả Giuse Montréal gồm nhiều cơ sở tôn giáo khác nhau, toạ lạc trên một ngọn đồi thánh thiêng rộng 500 mẫu tây. Nơi đây có đầy đủ phòng hướng dẫn, phòng khách, phòng lưu niệm, phòng bán các kỷ vật, nhà giải khát, nhà ăn...

Ngay cạnh nhà tiếp đón du khách là một tháp chuông cao, gồm 56 chuông lớn nhỏ khác nhau, do nhà sản xuất Paccard et Frères thị trấn Annecy-le-Vieux bên Pháp đúc và dâng tặng Ðền Thánh năm 1955, nhân kỷ niệm 50 năm xây cất đền thờ.

Khi bước qua cửa chính, du khách tiến vào một Nguyện Ðường Nhỏ (The Votive Chapel) kính Thánh Cả Giuse. Nơi đây trang trí 8 phù điêu lớn rất quý giá do điêu khắc gia người Canada là Joseph Guardo thực hiện năm 1948, theo 8 chủ đề về Thánh Cả Giuse: Ðấng Bảo Trợ các Gia Ðình, Bổn Mạng giới Thợ Thuyền, Đấng Bảo Trợ các Tâm Hồn Thanh Khiết, Bổn Mạng Người Chết Lành, Đấng Nâng Ðỡ những ai Ðau Khổ, Đấng Hy Vọng của những Bệnh Nhân, Đấng Xua Đuổi thần dữ và Ðấng Bảo Trợ Giáo Hội.

(Tượng Thánh Cả Giuse trong Nguyện Đường Nhỏ)

Dọc theo hành lang nguyện đường, treo la liệt trên tường hàng trăm chiếc nạng, hàng trăm cây gậy hoặc những bia đá cẩm thạch của khách hành hương, bày tỏ lòng tri ân Thánh Cả Giuse, vì được lành bệnh lạ thường nhờ sự chuyển cầu của Chân Phước Sư Huynh Anrê trước tòa Chúa.

Từ hành lang nguyện đường nhỏ, hiện ra một ngôi mộ lớn bằng đá cẩm thạch màu đen huyền. Ðây là nơi an nghỉ của Sư Huynh Anrê qua đời ngày 06/01/1937, thọ 92 tuổi. Ngày 11/12/1963, Tòa Thánh Vatican bắt đầu mở hồ sơ điều tra phong á thánh cho Sư Huynh đáng kính và đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 23/05/1982. Và trong chuyến tông du đến Canada, chính Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến quỳ cầu nguyện tại ngôi mộ này ngày 11/09/1984.

(Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cầu nguyện bên mộ phần Chân Phước Anrê)

Kế đó là Nhà Thờ Hầm (The Crypt Church). Sở dĩ gọi là Nhà Thờ Hầm vì được kiến trúc với những đà ngang lớn chống đỡ Vương Cung Thánh Ðường xây bên trên, có hơn 1,000 chỗ ngồi, được xây cất năm 1916 do hai kiến trúc sư Dalbé Viau và Alphonse Venne thiết kế họa đồ. Ngay chính giữa cung thánh là tượng Thánh Cả Giuse, chiều cao 2m75, nặng 2,300 kg, do một nghệ sĩ người Ý là ông A. Giacomini, đã tạc bằng một thứ đá hoa cương màu trắng rất quý. 

(Tượng Thánh Cả Giuse trong Nhà Thờ Hầm)

Trên nhà thờ hầm, bày ra một sân thượng khá cao, nơi đây du khách có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát thành phố Montréal, với phía trước là trường trung học Notre Dame, nơi mà Sư Huynh Anrê đã phục vụ như một người gác cổng. 

Lên một lầu nữa, du khách sẽ thăm viếng một khu triển lãm nhỏ về cuộc đời Sư Huynh Anrê, gồm 4 phòng:

-         Phòng I được thiết kế lại y hệt nơi cổng trường học Notre Dame mà Sư Huynh Anrê đã làm người gác dan trong 40 năm, từ năm 1870 đến 1909.

-         Phòng II là văn phòng nơi Sư Huynh đón tiếp và săn sóc các bệnh nhân.

-         Phòng III là căn phòng đơn sơ, có một giường cá nhân, một cái bàn và chiếc ghế, một cái dù (cái ô) đen treo trên tường, được thiết kế lại giống hệt căn phòng bệnh viện Notre Dame de l' Espérance, nơi Sư Huynh qua đời ngày 06/01/1937.

-         Phòng IV là một phòng nhỏ bằng sắt mạ đồng, có lan can chung quanh, chính giữa có đặt trái tim đã khô của Sư Huynh trong một hộp nhỏ bằng vàng. Ðây là một truyền thống lâu đời của nước Pháp và nước Ý thường lấy trái tim của các bậc vĩ nhân nổi tiếng để dân chúng tri ân và tôn vinh.

(Phòng đặt quả tim đã khô của Chân Phước Anrê)

Bên cạnh đó là cả một khu vườn rất rộng, với 14 chặng đàng Thánh Giá, gồm những bức tượng màu trắng rất mỹ thuật, tạc bằng đá cẩm thạch quý giá, với kích thước như một người trung bình được chiếu sáng ban đêm do một hệ thống ánh sáng. Tại khu vườn này cũng có một tượng Chúa Kytô Phục sinh.

Kế đó là Bảo Tàng Viện chiếm cả một khu vực lớn cạnh Vương Cung Thánh Ðường, với chủ đề Thánh Gia Thất Chúa Kytô, Ðức Mẹ và Thánh Cả Giuse, gồm các tác phẩm nghệ thuật quý giá, thu thập qua nhiều năm khác nhau, khởi đầu từ khi xây cất đền thờ nhỏ đầu tiên vào năm 1905.

Bảo tàng viện chia thành hai khu vực khác nhau:

-         Bảo tàng viện bằng sáp (The Wax Museum) do nghệ sĩ Joseph Guardo thực hiện năm 1955, gồm 10 cảnh sinh hoạt của Thánh Gia Thất, với 76 bức tượng bằng sáp, kích thước giống như người thật.

-         Bảo tàng viện Giáng Sinh, gồm 330 máng cỏ do các nghệ sĩ của 130 quốc gia trên khắp thế giới thực hiện. Từ chủ đề Chúa Kytô Giáng Sinh – mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập thể – đã được thể hiện bởi các nghệ sĩ của các quốc gia Âu Châu, Mỹ Châu, Phi Châu, Á Châu, Châu Thái Bình Dương. Bất cứ đoàn du khách của quốc gia nào cũng cố tìm xem tác phẩm của quốc gia mình trong số 130 quốc gia đó. Những máng cỏ bằng gỗ, bằng pha lê, bằng kiếng, bằng vải, sơn dầu, tranh thủy mạc, bằng sứ, bằng sành v.v.. đã nói lên tinh hoa và văn hóa của mỗi dân tộc. Cũng có hai bộ hang đá máng cỏ Việt Nam: một bằng rễ cây đẽo gọt rất tinh vi mỹ thuật và một bằng tranh sơn mài vẽ Chúa Kytô, Ðức Mẹ và Thánh Cả Giuse dưới y phục và dáng vóc người Việt nam. Hai hang đá máng cỏ này do nhà văn Phạm Ðình Khiêm, Sàigòn, kính tặng bảo tàng viện năm 1992.

Cuối cùng là Vương Cung Thánh Ðường kính Thánh Cả Giuse, dài 105 mét, rộng 65 mét, chiều cao từ nền đến mái vòm 60 mét, nếu tính chung từ nhà thờ hầm đến chóp đỉnh thánh giá là 319 mét, đường kính mái vòm bên trong 26 mét, mái vòm bên ngoài 39 mét. Toàn bộ Vương Cung Thánh Ðường cao 263 mét sánh với mặt biển, đây cũng là ngọn tháp cao nhất thành phố Montréal.

(Vương cung Thánh Đường kính Thánh Cả Giuse) 

 Sư Huynh Anrê (André)  

Sư Huynh Anrê, vị sáng lập Ðền Thánh kính Thánh Cả Giuse thành phố Montréal, tên thật là Alfred Bessette, sanh ngày 09/08/1845, tại thị trấn Saint Grégoire d'Iberville, miền Nam Thành phố Montréal. Thầy là người con thứ 8 trong số 12 người, thuộc một gia đình Công giáo đạo đức nghèo khó. Bốn năm sau, gia đình thầy phải di chuyển về thị trấn Farnham để thân phụ thầy thuận tiện hành nghề đốn củi trong rừng. Nhưng một bất hạnh lớn lao đã xảy đến, thân phụ thầy đã tử thương bất ngờ qua một tai nạn lao động vì cây gãy đổ, lúc đó thầy mới lên 9 tuổi.

Ba năm sau, một tang lớn lại xảy đến, thân mẫu thầy cũng qua đời vì bệnh lao phổi để lại một đàn con thơ côi cút nghèo khổ. Năm 12 tuổi, thầy phải bỏ học để đi học nghề. Lúc bấy giờ, thầy chỉ biết có chữ ký và đọc được một số kinh nguyện. Là một công nhân trẻ tuổi, không nghề chuyên môn, thầy đã lao động nặng nề như làm phu hồ, thợ nề, thợ mộc, thợ rèn, bán báo dạo, thợ đóng giầy!

Sau đó thầy theo đoàn di dân Canada nghèo khổ di chuyển xuống làm công nhân trong một nhà máy tơ sợi tại thị trấn Moosup, tiểu bang Connecticut, Hoa Kỳ, trong thời gian 4 năm. Năm 1867, liên bang Canada được thành lập, thầy trở về cố hương với những đoàn đồng bào hồi hương.

Năm 1870, cảm nhận tiếng Chúa kêu gọi, thầy tình nguyện dâng hiến cuộc đời trong Tu Hội Thánh Giá (Congrégation de Sainte Croix) tại Montréal và đổi tên là Sư Huynh Anrê. Vì sức khỏe yếu kém, không thể đảm đang các công tác nặng nhọc, bề trên tu hội đã trao cho thày làm người gác dan (Portier) tại cổng trường học Notre Dame, tại Côte-des-Neiges.

Trong suốt thời gian dài trên 40 năm làm người gác dan cho trường học Notre Dame, thầy Anrê đã tận tình săn sóc rất nhiều bệnh nhân đến với mình. Thày đã làm tất cả mọi việc nặng nhọc vì lòng yêu mến Thánh Cả Giuse như lau chùi sàn nhà, bổ củi, trồng rau, hớt tóc miễn phí cho trẻ em nghèo v.v.. Phát xuất từ một tâm hồn thánh thiện quên mình của thầy, rất nhiều sự kiện lạ lùng đã xảy ra nơi đây mà người ta coi như những phép lạ vì không ai có thể giải thích được!

Là một người gác cổng, ngày ngày đối diện với ngọn đồi cao Mount Royal phía trước cổng trường trung học Notre Dame, thầy Anrê ao ước được xây cất một đền thờ bé nhỏ kính Thánh Cả Giuse trên ngọn đồi đó. Nhờ sự tận tình giúp đỡ của bạn bè, các ân nhân và tu hội, một nhà nguyện nhỏ đã được khởi công xây cất ngày 19/10/1904.

(Nhà Nguyện Sư Huynh Anrê)

Sự thánh thiện đơn sơ cộng với tình thương bệnh nhân vì Thánh Cả Giuse đã ngày càng lôi cuốn dân chúng tuôn đến hành hương. Năm 1917, một nhà thờ hầm (The Crypt Church) được xây cất để đáp ứng nhu cầu khách hành hương quá đông. Rồi năm 1931, công cuộc kiến thiết Vương Cung Thánh Ðường lớn lao nguy nga kính Thánh Cả Giuse ngay trên chính đỉnh đồi bắt đầu thực hiện. Ngày nay khách thập phương từ rất xa trong thành phố Montréal cũng nhìn thấy vòm đền thờ cao.

Thầy Anrê đã được Chúa gọi về ngày 06/01/1937, hưởng thọ 92 tuổi. Công cuộc kiến thiết Vương Cung Thánh Ðường và những cơ sở khác trong đền thờ chỉ hoàn tất năm 1967, nghĩa là 30 năm sau khi thầy Anrê qua đời. Vì rất nhiều phép lạ xảy ra tại nơi đây, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong thày dòng bé nhỏ, ít học, suốt đời là một người gác cổng khiêm tốn lên bậc Chân Phước ngày 23 tháng 5 năm 1982.

Đại Chủng Viện Montréal 

 

(Đại Chủng Viện Montréal)

Vào một ngày trong tuần, Trường ghé thăm Đại Chủng Viện Montréal do các linh mục thuộc Tu Hội Xuân Bích sáng lập năm 1840, theo lời yêu cầu của Đức Cha Ignace Bourget, giám mục Giáo Phận Montréal thời bấy giờ.

Vào năm 1878, Đại Chủng Viện Montréal trở nên trụ sở Phân Khoa Thần Học, đầu tiên trực thuộc Đại Học Laval ở Thành Phố Québec, nhưng vào năm 1925, trở thành Phân Khoa Thần Học của Đại Học Montréal theo giáo luật, tuy nhiên trụ sở vẫn đặt ở Đại Chủng Viện Montréal cho đến năm 1967.

Vào năm 1967, Đại Học Montréal có một hiến chương mới nên sự quản trị và giáo huấn của Phân Khoa Thần Học hoàn toàn sáp nhập vào Đại Học Montréal. Riêng Đại Chủng Viện Montréal vẫn tiếp tục chuyên lo đào tạo các linh mục tương lai. 

Vào năm 1969, Đại Chủng Viện Montréal có thêm một cơ quan đặc trách những ơn gọi tu muộn, nhằm đáp ứng nhu cầu của những thành phần có nhiều lứa tuổi khác nhau, đã trải qua nhiều kinh nghiệm ở đời với quá trình học vấn đa dạng. 

Ngày 04/07/1979, Trung Tâm Đào Luyện Thần Học của Đại Chủng Viện Montréal được trực thuộc Phân Khoa Thần Học của Đại Học Latran ở Roma. Vì vậy những sinh viên tốt nghiệp ở đây được cấp phát văn bằng cử nhân thần học của Phân Khoa Thần Học đó. 

Ngày 18/01/1989, theo đề nghị của Đức Cha Pietro Rossano là viện trưởng Viện Đại Học Latran lúc bấy giờ, Trung Tâm Đào Luyện Thần Học ở Đại Chủng Viện Montréal được nâng lên thành Học Viện. Trên bình diện giáo huấn, từ đây Đại Chủng Viện Montréal được điều hành dưới danh xưng là Học Viện Đào Luyện Thần Học Montréal và được đăng ký ở tỉnh bang Québec vào năm 1995. Với danh xưng nầy, ngoài việc thu nhận các chủng sinh cho việc đào tạo linh mục, Đại Chủng Viện Montréal được phép đón nhận nhiều sinh viên giáo dân kể từ 1993.  

Về phương diện đào tạo linh mục, vào thập niên 1950 trở về trước, hằng năm Đại Chủng Viện Montréal thu nhận từ ba đến bốn trăm đại chủng sinh. Nhưng từ sau Công Đồng Vatican II và do ảnh hưởng cuộc cách mạng thầm lặng xảy ra ở tỉnh bang Công giáo Québec, số đại chủng sinh thu nhận hằng năm giảm sụt một cách thê thảm. Vào thập niên 1970, số đại chủng sinh hằng năm trên dưới 70 thầy. Nhưng những năm gần đây, chỉ còn trên dười 20 đại chủng sinh cho mỗi niên học. 

Hãy xin thì sẽ được 

Trong dịp thăm viếng Đại Chủng Viện Montréal, tình cờ Trường gặp một đại chủng sinh người Campuchia là sinh viên năm thứ hai thần học vào niên khoá tới. Vì là mùa hè, thầy phục vụ ở phòng tiếp tân Đại Chủng Viện để có tài chánh trang trải học phí trong năm. Hiện nay thầy đang ở lứa tuổi “tam thập nhi lập”. Thầy được cha mẹ mang đi vượt biên lúc được hai tuổi.  

Gia đình thầy vốn là những công tư chức Phật tử ở Nam Vang, trước thời Khmer Đỏ. Khi thầy chia sẻ chi tiết nầy về gia đình mình, Trường liên tưởng đến xứ Chùa Tháp, nơi mà hình ảnh những vị sư áo vàng thấp thoáng khắp nơi.

 

(Một nhà sư bước đi qua trước Cung điện Hoàng gia Campuchia ở Nam Vang) 

Khi Khmer Đỏ tràn vào, gia đình thầy cũng lâm vào cảnh tang tốc chung của đất nước và dân tộc Khmer. Nhưng may mắn, song thân thầy có quen biết một tướng lãnh Khmer Đỏ và ông nầy có nhiều cảm tình với gia đình thầy, nên đã bao che, nhờ đó họ thoát được tử thần, không như nhiều nạn nhân kém may mắn khác. Chính trong thời điểm đó thầy sinh ra đời. Về sau, nhờ được tướng lãnh Khmer Đỏ đó dành cho nhiều sự dễ dàng nên cha mẹ thầy đã vượt biên thành công.  

Khi ở trại tị nạn, gia đình thầy được một linh mục Dòng Đa-Minh người Âu hoạt động ở đó giúp đỡ. Do sự giới thiệu của vị linh mục nầy, gia đình thầy được Tu Hội Thánh Giá (Congrégation de Sainte Croix) đặc trách Đền Thánh Thánh Cả Giuse bảo lãnh và thầy được cấp học bổng để theo học trường trung học tư thục Notre Dame, đối diện với Đền Thánh, là nơi trước kia Sư Huynh Anrê làm người gác cổng trong bốn mươi năm. 

Trong những năm học ở đây, thầy có cơ hội kính viếng Đền Thánh Thánh Cả Giuse nhiều lần và rồi cùng với Ơn Chúa, càng ngày thầy cảm thấy yêu mến đạo Công giáo nhiều hơn. Sau nhiều lần trao đổi với cha mẹ, cuối cùng cả gia đình thầy theo đạo Công giáo, gồm có cha mẹ, thầy và em gái. 

Tuy nhiên, bước đường theo Chúa không ngừng lại ở đây. Mỗi lần tham dự Thánh Lễ ở Đền Thánh Thánh Cả Giuse, thầy cảm thấy tiếng gọi muốn dâng mình làm linh mục để rao giảng Tin Mừng của Chúa. Đây là một quyết định khó khăn. Thầy gặp sự chống đối của gia đình, vì thầy là rường cột tương lai, chống đỡ gia đình trong thời buổi kinh tế khó khăn mà cha mẹ thầy hiện đang sinh sống với đồng lương eo hẹp.  

Nhưng rồi, với lòng chân thành, một ngày kia thầy đã quỳ cầu nguyện một cách khẩn thiết bên thánh tượng Thánh Cả Giuse trong Đền Thánh và điều mong ước của thầy được toại nguyện. Gia đình thầy đồng ý để thầy theo đuổi ơn thiên triệu và Đại Chủng Viện Montréal đã dang tay đón tiếp thầy. Đối với thầy, đây là ân huệ lớn lao mà Thánh Cả Giuse đã ban cho thầy. Thầy đã xin và thầy đã được. Hiện thầy là một trong những đại chủng sinh nghiêm túc, cương quyết  tiến tới chức linh mục với niềm tin sắt son trở thành chứng nhân của Chúa Kitô ở giữa trần thế, trong thời đại mà  giới trẻ như thầy rất khó chấp nhận.

(Hình ảnh một thầy đại chủng sinh trong giờ phụng vụ) 

Hãy tìm thì sẽ gặp 

Vào một ngày khác trong tuần, Trường đến tham dự Thánh Lễ ban sáng tại Đền Thánh Thánh Cả Giuse để tạ ơn và cầu nguyện. Cũng tình cờ, Trường gặp lại một nữ tu Việt Nam mà cách đây mười lăm năm đã đoàn tụ với gia đình ở Canada, tại một tỉnh bang khác. 

Hồi đó, Sơ là một thanh nữ rất năng động. Khi vừa tới Canada, Sơ đã chuyên lo học tập để có một nghề chuyên môn hái ra tiền. Cùng với ý chí và khối óc thông minh, trong thời gian ngắn, Sơ đã thành công trên thương trường và tiền bạc thu hoạch cũng rất dồi dào. 

Tuy nhiên, với tuổi thanh xuân, có sẵn một nghề chuyên môn hái ra tiền và một bạn trai đàng hoàng chung thuỷ, nhưng Sơ vẫn cảm thấy tâm hồn mình khắc khoải một điều gì cao thượng hơn. Thế rồi, Sơ cùng với những thanh thiếu nữ khác hay đi tĩnh tâm ở thành phố Montréal, Québec, Canada. Qua nhiều lần suy tư cầu nguyện trước Thánh Thể và trao đổi với cha linh hướng, dần dần Sơ cảm thấy tiếng gọi của Chúa trở nên mạnh mẽ và rõ nét hơn ở trong tâm hồn. 

Cuối cùng, Sơ đã giả từ tất cả: giả từ cha mẹ già thân thương, giả từ nghề nghiệp mà Sơ yêu thích và hái ra tiền. Nhưng khó khăn nhất là phải giả từ bạn trai sau gần hai năm quen biết với những lời phát ra tự đáy lòng anh ấy: anh không giành em với Chúa! Nhưng nếu là một người đàn ông khác, anh không để em yên đâu! 

(Hình ảnh một nữ tu ngước mắt lên trời cầu nguyện) 

Trong khi chia tay lần cuối, anh bạn trai xin phép hát tặng Sơ bài hát “Em hiền như ma soeur”, lời của Nguyễn Tất Nhiên do Phạm Duy phổ nhạc: 

Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa

Như mưa đời phất phơ, chắc ta gần nhau chưa?

Tay ta từng ngón tay, vuốt tóc em lưng dài

Đôi ta vào quán trưa, nhắc nhau tình phôi pha..

 

Em mang hồn vô tội, đeo thánh giá huy hoàng

Còn ta nhiều sám hối mà sao vẫn hoang đàng..

Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa

Đưa em về dưới mưa, có nhau mà như xa...

 

Em hiền như ma soeur, vết thương ta bốn mùa

Trái tim ta bệnh hoạn, em yêu này em yêu..

Ta nhờ em ru ta, hãy ru tên vô đạo,

Hãy ru tên khờ khạo, em yêu này em yêu...

 

Đưa em về dưới mưa, chiếc xe lăn dốc già

Đưa em về dưới mưa, áo em bùn lưa thưa

Đưa em về dưới mưa, hỡi cô em bé nhỏ

Ôi duyên tình đã qua, có bao giờ không xưa?

 

Vai em tròn dưới mưa, ướt bao nhiêu cũng vừa

Như ưu tình đã xa, thấm linh hồn em yêu...

La la là lá la,.. lá la la la là

La la là lá la,.. lá la là la la...........

 
Đó là bài ca mà anh bạn trai hát tiển đưa Sơ lên đường đi đến Montréal để vào nhà dòng, còn anh lui về, đi sang ngã rẽ cuộc đời, chắp nối tình duyên với một cô gái khác trong ca đoàn và cũng là bạn gái của Sơ. Đến nay hai người đã kết hôn và có một cháu trai xinh xắn. 

Thế là đã gần mười năm khi Sơ giả từ tất cả để đáp lại Tình Yêu của Chúa! Sơ đã tìm và Sơ đã gặp. Hiện Sơ đảm trách mục vụ giới trẻ đối với các em bụi đời. Ngoài ra, Sơ còn đảm trách phần vụ cổ võ ơn thiên triệu cho dòng, vì Sơ là một trong số ít nữ tu trẻ tuổi của dòng. Đó là một công tác không mấy dễ dàng trong bối cảnh hiện tại, vì đời sống tu trì ở hãi ngoại, không giống như ở Việt Nam, không được giáo dân coi trọng và giới trẻ ngoại quốc phần nhiều nhìn các nam nữ tu sĩ không mấy thiện cảm, đôi khi xem thường, có vẻ hiếu kỳ, kể cả nghi kỵ… 

Thậm chí có khách thập phương khi gặp Sơ trong sắc phụ của một phụ nữ đời thường, với tượng Thánh Giá của hội dòng mà Sơ đeo trước ngực, có hình dáng đặc biệt khác thường, họ tưởng đó là đồ đeo trang sức và hỏi thăm Sơ nơi mua sắm, ngõ hầu có thể mua một tượng như thế để đeo. Nhưng khi Sơ cho biết đó là Thánh Giá biểu tượng của hội dòng của Sơ thì họ tỏ ra thất vọng và chào từ biệt Sơ ra đi… 

Ngày nay, các nam nữ tu sĩ ở hãi ngoại không còn mặc tu phục như trước nên khi ra đường người ta không thể phân biệt. Đó là một thách đố: cho dù không mang áo dòng, nhưng các tu sĩ tự cảm thấy mình được mời gọi theo Chúa qua cách sống và cách làm việc để thế nào người khác nhận ra mình là tu sĩ, đang là chứng tá cho Tin Mừng trong thế giới ngày nay. Muốn được như thế, mỗi ngày các tu sĩ phải tranh đấu để có thời giờ cầu nguyện, tham gia các giờ phụng vụ, đọc kinh nhật tụng và suy niệm Lời Chúa. Nếu không, công việc sẽ cuốn hút hết thời giờ và đời sống nội tâm của tu sĩ sẽ trở nên nghèo nàn khô héo! 

Hãy gõ cửa sẽ mở cho 

Trong dịp ghé thăm Đại Chửng Viện Montréal, Trường gặp lại một người bạn gốc Québec, trước kia là giáo dân đi truyền giáo ở Phi châu. Sau khi hồi hương, người bạn đó đã vào tu học ở Đại Chủng Viện Montréal và đã được thụ phong linh mục trên mười năm nay. Trong bảy năm làm cha phó xứ rồi chánh xứ một họ đạo ở Montréal, cha đã gia nhập Tu Hội Xuân Bích và được gởi đi du học một ngành chuyên môn ở Roma và trở về làm giáo sư Đại Chủng Viện Montréal. 

Chiều hôm đó, Trường mời cha đi ăn cơm tối ở phố Tàu. Điều ngạc nhiên đối với Trường là cha thích đi bộ từ Đại Chủng Viện đến phố Tàu khoảng nửa giờ đồng hồ. Cha tự nhiên mặc áo giáo sĩ với cỗ áo Rom đi qua giữa thành phố Montréal với người qua kẻ lại đông đúc vì là giờ tan sở. Thấy Trường có vẻ ngạc nhiên, cha giải thích là phải làm chứng nhân mọi nơi mọi lúc. Theo cha, chiếc áo làm nên thầy tu, không phải như quan niệm thông thường là “chiếc áo không làm nên thầy tu”. 

(Mt linh mc vi c áo Roma) 

Cha thuật lại cách đây mấy năm, trong một dịp đi Paris, cha cũng mặc áo giáo sĩ đi giữa thành phố hoa lệ và có hai thanh niên nhìn cha rồi tiến lại hỏi có nhà thờ nào gần đó để đi xưng tội. Cha cho biết mình là du khách nên không rõ, tuy nhiên nếu họ muốn xưng tội thì ở đâu cũng xưng được. Thế rồi hai thanh niên đó lẳng lặng ra đi…có lẽ họ cảm thấy không thoải mái xưng tội ngoài thánh đường, giữa phố chợ. 

Cha cho biết, trước đây, cha giám tỉnh Xuân Bích của Canada ở Montréal được mời đi ăn trong một nhà hàng sang trọng. Ngài cũng mặc áo giáo sĩ. Khi gần đứng dậy ra về, một bà ăn mặc rất sang đã đến xin xưng tội với ngài. 

Qua những trao đổi với cha bạn trong bữa ăn, Trường nhận ra điều nầy, như Đức Thánh Cha Phaolồ VI đã nói: thời đại nầy cần chứng nhân, chứ không cần người rao giảng suông. Nói cách khác, thế giới ngày nay cần những người rao giảng bằng cách làm chứng nhân, chứ không phải rao giảng bằng lời nói mà thôi. Nếu các linh mục, tu sĩ và giáo dân can đảm gõ cửa người khác, chắc chắn sẽ có nhiều cánh cửa mở ra. 

Trên đường đưa cha về Đại Chủng Viện Montréal, Trường thấy cha bước đi khoan thai chậm rải như nhắc nhở khách qua đường cha là linh mục của Chúa. Lúc bấy giờ, trong tâm trí Trường hiện lên bài hát quen thuộc “Vì tôi là linh mục”, lời của Nguyễn Tất Nhiên, do Nguyễn Đức Quang phổ nhạc, với nhiều suy tư khó diễn tả: 

Vì tôi là linh mục

Không mặc chiếc áo dòng

Nên suốt đời hiu quạnh

Nên suốt đời lang thang

 

Vì tôi là linh mục

Có được một tín đồ

Nhưng không là thánh thần

Nên tín đồ đi hoang

 

Vì tôi là linh mục

Giảng lời tình nhân gian

Nên không còn tiếng khóc

Nên không còn tiếng trách

Nên không biết kêu than

Nên tôi rất bơ vơ

Nên tôi rất dại khờ

 

Vì tôi là linh mục

Không mặc chiếc áo dòng

Nên suốt đời hiu quạnh

Nên suốt đời lang thang 

 

Vì tôi là linh mục

Có được một tín đồ

Nhưng không là thánh thần

Nên tín đồ đi hoang  

Vì tôi là linh mục

Tưởng đời là hạnh phúc

Nên tin lời thiếu nữ

Như tin vào nước Chúa

Câu kinh sớm chưa yêu

Câu kinh tối chưa mê

Vẫn mất mát ê chề  

…… 

Vì tôi là linh mục

Vì tôi là linh mục

Người ơi!

Một linh mục rất dại khờ. 

Trong sách truyện các Thánh, một vị Thánh hằng ngày lúc sáng sớm đem một tu sĩ đi theo mình, băng qua các đường phố đông đúc rồi trưa chiều trở về nhà. Ngài cho vị tu sĩ biết là mình đi rao giảng Tin Mừng. Ngày kia tu sĩ thắc mắc vì không thấy ngài rao giảng gì hết, vị Thánh đó cho biết mỗi lần đi qua phố phường như thế, với dáng điệu nghiêm túc, có Chúa ở trong tâm hồn, là một cách rao giảng hùng hồn nhất, vì người ta sẽ nhìn vào cách thức đi đứng của mình để nhận biết Chúa.   

Nghĩa Trang Côte-des-Neiges 

(Nghĩa Trang Côte-des-Neiges) 

Vào chiều thứ bảy tuần lễ đó, Trường đến viếng thăm Nghĩa Trang Côte-des-Neiges lần cuối, nơi có ngôi mộ bà cụ thân sinh. Mỗi dịp ghé thăm mộ, Trường hay mua một bó bông plastic để cắm lên mộ, vì có thể tồn tại lâu dài với thời gian, cho dù thời tiết khắt nghiệt trải dài qua mùa đông hay mùa hè. Trường lấy những bông hoa mới mua thay thế những bông hoa cũ đã tàn phai qua năm tháng… 

Trường không mua những hoa tươi như thông lệ của người đời, mỗi lần đi thăm viếng nghĩa trang, bởi vì thời gian tàn phai rất chóng, chẳng khác nào số kiếp “sớm nở tối tàn” của loài hoa. Trường nhớ câu trả lời của vị Minh Sư với một đệ tử khi hỏi về lẽ tử sinh. Ngài đáp: hễ có sinh ắt có tử, có sống ắt có chết, có nở phải có tàn… Chỉ có bông hoa giả mới không tàn mà thôi.

Nghĩa trang lớn nhất Canada 

Nghĩa Trang Notre-Dame-des-Neiges, thuộc giáo xứ Notre-Dame de Montréal, rộng 1,39 cây số vuông, toạ lạc gần trung tâm thành phố Montréal, thuộc tỉnh bang Québec, Canada. Đường vào nghĩa trang dọc theo một phần con đường Côte-des-Neiges và lên sườn đồi Mont Royal.

 Đây là nghĩa trang Công giáo nhưng dành chôn những người quá cố thuộc mọi tôn giáo và là nghĩa trang lớn nhất Canada. Năm 1998, Nghĩa Trang Côte-des-Neiges đuợc công nhận là di tích lịch sử quốc gia của Canada. 

Trường nhớ lại cách đây trên dưới mười năm, linh mục Trần Tử Nhản, cựu bề trên giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế ở Việt Nam trước 1975, cũng được an táng ở nghĩa trang nầy, trong một khu đất qui tụ một số di dân người Việt vừa Công giáo lẫn Phật giáo. 

Nắng chiều 

Lúc bấy giờ trời đã về chiều, những tia nắng yếu ớt rọi xuống mặt hồ Lac au Castor, đối diện với Nghĩa Trang Côte-des-Neiges ở bên kia đường.  

(Lac au Castor ở công viên Mont Royal) 

Trường chậm rãi đi xuống đó để ngắm cảnh mặt hồ phẳng lặng trong buổi chiều tà. Tình cờ Trường gặp Chỉnh là một người bạn thâm giao không phải Công giáo, trong những ngày đầu tiên mới đến Montréal, sau biến cố 30/04/1975. Chỉnh vừa đậu xe gần đó, mở cửa xe lấy ra một bó nhang đi viếng mộ phần người bạn đời nằm xuống cách đây bốn năm, sau một thời gian dài vật lộn với căn bệnh ung thư.  

Trường cùng sánh bước với Chỉnh đến mộ phần người quá cố. Trường chợt thấy bên mộ bia người bạn đời của Chỉnh, đã dựng sẵn mộ bia của Chỉnh bên trên một nắm mồ trống đã mua, với tên Chỉnh cùng năm sinh. Khi nào Chỉnh nằm xuống và an táng ở đây, người ta chỉ thêm vào ngày tháng qua đời của Chỉnh mà thôi. Những nấm mồ quanh đó cũng thiết kế như thế. Một nấm mồ đã chôn thì kế bên là một nấm mồ trống dành sẵn cho người phối ngẫu còn sống với tên tuổi cùng năm sinh, ngày qua đời còn bỏ trống.  

Chỉnh cho Trường biết là mình đã sẵn sàng ra đi và không còn chút luyến tiếc, để gặp người bạn đời bên kia thế giới. Bỗng Trường nhớ lại trong lịch sử các Thánh cũng có vị thường để cái đầu lâu trong phòng để hằng ngày có dịp suy niệm về sự chết. Vị khác thì mua sẵn quan tài và thỉnh thoảng vào nằm bên trong để suy tư về cái chết. 

Trường hợp của Chỉnh, ngoài việc buông bỏ phó thác, anh còn thể hiện lòng chung thuỷ với người bạn đời: sống gần nhau, thác nằm bên nhau, như chim liền cánh, như cây liền cành... 

Thỉnh thoảng đôi ba lần trong tuần, Chỉnh lên thắp nhang trước mộ phần người bạn đời, đồng thời cũng ghé thắp nhang trên mộ phần song thân gần đó. Nghĩa cử nầy trở thành khó hiểu đối với con cháu của Chỉnh vì họ là ngưòi Canada gốc Việt, thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba, không còn nghĩa nặng tình sâu như Chỉnh đối với người quá cố. Cũng như họ, phần đông giới trẻ ở hãi ngoại chỉ nghĩ tới người sống và không mấy quan tâm đến người chết. 

Sau đó Chỉnh và Trường lẳng lặng đi về phía bờ hồ, ngồi xuống một ghế đá công viên đối diện với Lac au Castor để ngắm những tia nắng yếu ớt đang tắt dần và thầm suy tư về buổi hoàng hôn của cuộc đời. Bỗng Trường nhớ lại một câu bằng tiếng Pháp mà Trường đã cho khắc lên mộ bia của thân mẫu cách đây mười lăm năm: AU CRÉPUSCULE DE LA VIE, L’AUBE DE L’ETERNITE! (Vào lúc hoàng hôn cuộc đời là bình minh cuộc sống vĩnh cửu). 

Khi những tia nắng cuối ngày sắp tắt, Trường và Chỉnh chia tay nhau ra về. Ngày mai Trường sẽ rời thành phố Montréal thân thương sau một tuần lễ thăm viếng và hẹn trở lại mùa hè năm sau. 

Lúc bấy giờ công viên Mont Royal, lẫn Lac au Castor và Nghĩa Trang Côte-des-Neiges bắt đầu ngã sang màu tím. Trên đường về, Trường nghe văng vẳng bên tai hai câu hát mở đầu bài ca “Tím cả rừng chiều” của Thu Hồ, với nỗi lòng bâng khuâng... 

Tím cả rừng chiều một chiều tan bóng xế

Khi gió cuốn đìu hiu tím chiều lên màu...  

  

Montréal, Québec, Canada

22/08/2009

Tác giả: Nhà Văn Hương Vĩnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!