Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
JB. Nguyễn Hữu Vinh
Bài Viết Của
JB. Nguyễn Hữu Vinh
Hội Đồng Giám mục Việt Nam khóa XIII: Những ưu tư và hy vọng
NÉT VĂN HÓA TỪ MÔI TRƯỜNG CÔNG GIÁO: GIÁO LÝ CHẾ NGỰ LÒNG THAM LAM
Giaó Phận Hưng Hóa: Lang Thíp, gian nan con đường đem Tin Mừng cứu rỗi các linh hồn
Những động thái mới với giáo dân Công giáo ở Thành phố Sơn La
Giáo xứ Văn Hạnh: Tuần chầu lượt đầy lửa mến với chủ đề Công lý – Hiệp thông.
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Đức, người đã làm thay đổi nhận thức của đàn chiên.
Sĩ tử đến trường thi trong vòng tay nhân ái
GP Lạng Sơn – Cao Bằng: Thánh lễ truyền chức cho tân linh mục Dòng Chúa Cứu thế
HAI PHIÊN TOÀ CÁCH 2.000 NĂM: BƯỚC LÙI CỦA NỀN PHÁP LÝ
HỒNG Y PHAOLO GIUSE PHẠM ĐÌNH TỤNG: RA ĐI KHI MONG ƯỚC CÒN CHƯA TRỌN
MIẾNG ĐÒN NHỎ CỦA SỰ THẬT – CÔNG LÝ – HOÀ BÌNH, ĐẠI HOẠ CỦA TRUYỀN THÔNG VIỆT NAM
Đất nhà thờ làm công viên - đất công viên làm khách sạn: Hai động thái của một hành trình
Trở lại vùng quê của những người nghèo không biết Tết – bức tranh tương phản của chủ chăn và “đầy tớ”
Hiểm hoạ cho sự thống nhất của Giáo hội Việt Nam – điều lo ngại đã thành hiện thực
Sinh viên giáo phận Vinh: Giao lưu đầu xuân và cầu nguyện cho Sự thật – Công lý – Hoà Bình
CHIẾC TRỐNG SẤM LỚN NHẤT VIỆT NAM ĐÃ VANG LÊN HỒI TRỐNG GIỤC GIÃ CẦU NGUYỆN CHO SỰ THẬT – CÔNG LÝ – HOÀ BÌNH.
Giáo phận Hưng Hoá: “Niềm vui trên núi rừng Tây Bắc” hay nỗi đau trong lòng người Giáo dân?
Tản mạn Noel 2008 - Sơn La: Chuyện lạ có thật
CẢM NHẬN TRƯỚC NOEL 2008 Ở HÀ NỘI
Vụ Thái Hà: Vài ghi nhận sau phiên sơ thẩm
RỰC SÁNG LỬA HIỆP THÔNG – CẦU NGUYỆN CHO NẠN NHÂN THÁI HÀ
Hà Nội lụt: Cơn hoạn nạn để hiểu tận lòng quan
NHỚ NGUYỄN TRÃI: ĐEM ĐẠI NGHĨA ĐỂ THẮNG HUNG TÀN
Lại chuyện được mất ở Tòa Khâm sứ, Thái Hà
ĐÔI ĐIÈU VỀ NHỮNG SAI LẦM VÀ BÀI HỌC CẤP THIẾT
GIẢI PHÁP NÀO THẤU TÌNH , ĐẠT LÝ CHO VỤ VIỆC THÁI HÀ?
HÃY ĐỂ CÂU CHUYỆN THÁI HÀ MỘT HỒI KẾT CÓ HẬU
Thái Hà – Điều gì sẽ đến sau dùi cui, roi điện và hơi cay?
BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG: ĐỔ DẦU VÀO LỬA – THỬ THÁCH VỚI GIÁO DÂN THÁI HÀ
Cầu nguyện – Người ao ước và những kẻ sợ hãi
“BIẾT THÌ THƯA THỐT” – MỘT VÍ DỤ BI HÀI VỀ TRUYỀN THÔNG NHÀ NƯỚC
DÒNG CHÚA CỨU THẾ - XỨ THÁI HÀ VÀ NHỮNG CÂU HỎI TẠI SAO?
TÒA KHÂM SỨ - KHẢ NĂNG NÀO SẼ ĐẾN?
TẠI SAO tờ báo “NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM” LẠI XUYÊN TẠC THƠ của LINH MỤC VÕ THANH TÂM?
NẾU VÌ CẦU NGUYỆN MÀ CÓ AI PHẢI ĐI TÙ, TÔI SẼ ĐI THAY
MỘT VÒNG TRÒN ĐANG KHÉP KÍN VÀ NHỮNG SUY TƯ
ĐÊM KHÔNG NGỦ Ở TÒA KHÂM SỨ - CHẾT BÊN MẸ, CON SỢ CHI
ĐẤT ĐAI, TÀI SẢN VÀ CÁCH HÀNH XỬ CỦA MỘT NHÀ NƯỚC “DÂN CHỦ - PHÁP QUYỀN”?
CÓ NHỮNG NGƯỜI NGHÈO KHÔNG BIẾT TẾT
HỒNG Y PHAOLO GIUSE PHẠM ĐÌNH TỤNG: RA ĐI KHI MONG ƯỚC CÒN CHƯA TRỌN

Vài kỷ niệm nhỏ với Đức Hồng Y Phaolo Giuse

Trưa hôm qua, một người bạn nhắn tin qua điện thoại: “Anh lên Nhà Chung, Đức Hồng Y đã qua đời”, chúng tôi vội vàng cùng lên Toà Tổng Giám mục Hà Nội.

Khi tôi đến, căn phòng tầng 2 Toà Tổng Giám mục đang rất đông người, tất cả cùng tất bật, vội vã nhưng di chuyển trong im lặng, nói năng hết sức nhỏ nhẹ, một không khí nặng nề bao trùm khu vực này. Mọi người đang tập trung những công việc chuẩn bị cuối cùng cho Đức Hồng Y trước khi đưa Ngài ra Nhà Nguyện Fatima.

Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đang chăm chú cùng các linh mục, chủng sinh, các sơ và giáo dân chuẩn bị những công việc cuối cùng cho Đức Hồng Y. Nhìn những cặp mắt đỏ hoe của những người ở đây, nhất là một thầy của chủng viện - người đã tận tuỵ phục vụ, giúp đỡ Ngài những năm tháng đau yếu, lòng tôi bỗng trào lên cơn xúc động lạ lùng.

Những hồi ức về một đấng chủ chăn qua những thăm trầm của lịch sử Giáo Hội Công giáo Việt Nam nói chung, Tổng Giáo phận Hà Nội nói riêng, đã vụt hiện về cùng tôi trong ký ức.

Thực ra, kỷ niệm trực tiếp với Ngài, bản thân tôi không có được nhiều, nhưng là những kỷ niệm sâu sắc và đậm dấu ấn khó mờ phai.

Khi tôi đến Hà Nội, một chú học trò nhà quê ra tỉnh, qua vài năm học ở nơi trường sơ tán là Hương Canh, Vĩnh Phú không một lần được đi lễ, không đến được nhà thờ. Từ nơi học, nhìn xa xa có thể nhìn thấy tháp ngôi nhà thờ của xứ Hữu Bằng. Một buổi chiều mượn được chiếc xe đạp của người quen đạp mây cây số đến đó, thì thấy cảnh tượng tan hoang. Nhà xứ không có linh mục, nhà thờ trống hoác, xung quanh là rơm rạ phơi, trâu bò chạy quanh, đạp xe ra về mà lòng buồn man mác.

Những năm tháng đó, các giáo xứ hầu hết không có chủ chăn, Giáo phận Bắc Ninh chỉ có mấy linh mục. Giáo dân Bắc Ninh các vùng xa muốn đi lễ thì chiều thứ 7 đã cơm đùm cơm gói xuôi tàu về Hà Nội, rồi đi ngược lên Bắc Ninh để về nhà chung. Ở đó Đức Cha cho báo cơm, mỗi người vào kho mượn chiếu nằm ngủ vạ vật đâu đó, sân nhà thờ, vườn nhà chung… để sáng mai dự lễ. Lễ xong, lại một quy trình ngược để về quê.

Tuy vậy, những ngày lễ ở Bắc Ninh vẫn nhộn nhịp và đông đúc, tôi cảm phục sự kiên trì và lòng mến sốt sắng của giáo dân Bắc Ninh. Đến khi tìm hiểu mới thấy rằng để có được điều đó, công sức của Đức Giám mục không phải là nhỏ mà là tất cả tâm huyết, cuộc sống và hành động của Ngài nhằm để dẫn dắt đàn chiên vượt qua một giai đoạn khó khăn, sắt máu trong thời kỳ “tiến hành song song ba cuộc cách mạng, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội”.  

Khi trường chuyển từ Hương Canh về Hà Nội tôi vẫn còn đầy bỡ ngỡ, nhất là chuyện lễ lạt hàng tuần, cả trường chỉ có một mình mình công giáo. (Gần đây mới biết có một người nữa, nhưng khi đó không biết nhau, dù ở cùng phòng một thời gian dài, nhưng chẳng ai dám xưng ra mình là người công giáo).

Rất may, được một số anh chị em cùng sinh viên, quen biết nhau qua những buổi đi nhà thờ hướng dẫn và liên kết lại, dần dần liên hệ thành một nhóm sinh viên Công giáo ở tất cả các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Cũng có thể có một số nhỏ nào đó, vì những e ngại không dám đi lễ, đến nhà thờ công khai nên không biết, số biết nhau vẻn vẹn chỉ có 34 người.

Trong những lần gặp nhau hiếm hoi hàng tuần, tôi được các bạn nói nhiều đến Đức Cha Tụng ở Bắc Ninh (cách Hà Nội khá xa so với những sinh viên chuyên cuốc bộ chúng tôi). Các bạn kể nhiều về những ngày tháng trước đó được Giám mục Phạm Đình Tụng chăm sóc và động viên hết sức nhiệt thành và đầy tình thương yêu. Ngài luôn mong muốn đội ngũ học sinh, sinh viên Công giáo ngày càng đông và hướng dẫn những điều bổ ích thiết thực cho việc giữ gìn Đức tin sau này.

Những ngày chủ nhật, những khi có điều kiện lên đến Bắc Ninh, Ngài đón tiếp các sinh viên hết sức niềm nở và chân thành. Ngài coi các sinh viên như những người con xa nhà cần được linh hướng, dạy dỗ. Ngài luôn dành thời gian dạy các sinh viên những bài hát, những bài thơ. Những bài hát, những bài thơ của Ngài đã là nguồn động viên chúng tôi những ngày tháng bơ vơ. Tôi cũng ước được một lần đến bên Ngài, nhưng khoảng cách không gian và thời gian đã không cho tôi được thực hiện mong muốn tưởng chừng như đơn giản đó.

Thế rồi chúng tôi ra trường, mỗi người một ngả. Lần đầu tiên, tôi được thấy Ngài là khi Ngài về nhậm chức Tổng Giám mục Hà Nội, trong một buổi lễ bài giảng của Ngài về Tình yêu thương - mầu nhiệm lớn nhất của Thiên Chúa dành cho loài người và tạo vật. Bài giảng của Ngài hôm đó đã cuốn hút tôi một cách mãnh liệt và đã ghi một dấu ấn đậm vào sâu thẳm tâm hồn tôi bởi một vị Giám mục nhỏ nhắn về hình thể, nhưng sâu sắc về lập luận và sự hiểu biết.

Rồi cứ vậy qua đi những tháng ngày lo kiếm sống, tôi không có dịp được gặp Ngài vì trên vai Ngài lúc đó là trăm gánh nặng, thời gian đâu để chúng tôi phiền Ngài nhiều.

Năm 2004, tôi được tham gia thiết kế và giám sát thi công công trình nhà xứ và là nơi để Ngài nghỉ hưu ở Sở Kiện. Toà Tổng Giám mục dự định để Ngài về nơi đó đỡ ồn ào, đỡ bụi bặm nghỉ ngơi hưu dưỡng những ngày cuối đời. Tôi thấy thật vinh dự cho mình. Cứ vài tuần một, hai vợ chồng tôi lại vượt quãng đường hơn 60km trên xe máy để về Sở Kiện với một ý muốn thôi thúc là nhanh chóng hoàn thành ngôi nhà để Ngài có chỗ hưu dưỡng thật yên ả cho tuổi già sau mấy chục năm trời bươn chải lo lắng cho Tổng Giáo phận. 

Ngôi nhà được xây dựng xong Ngài xuống dự ngày khánh thành với Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và Đức Giám mục phụ tá Phaolo Lê Đắc Trọng, sức khoẻ Ngài tuy đã kém nhưng vẫn rất minh mẫn. Ngài hết sức hài lòng, cảm ơn sự đón tiếp và quan tâm của giáo dân đối với Ngài.

Lần đó tôi được gặp Ngài, qua câu chuyện vội vàng, tôi nhận thấy nơi Ngài, một hình thể nhỏ bé nhưng chứa đựng một sự khiêm tốn và lòng yêu thương chân thành lớn lao đối với tất cả mọi người.

Ngôi nhà làm xong, bốn phía vây quanh là hồ nước khá mát mẻ, nhưng Ngài chưa có dịp để sử dụng. Khi còn sức khoẻ, Ngài ở lại Hà Nội để cùng với Đức Tổng Giám mục Giuse chung tay gánh vác những công việc nặng nề mà dù đã nghỉ hưu Ngài vẫn không thể dứt ra. Những buổi lễ lớn, những khi có sự kiện trọng thể, dù tuổi cao sức yếu, sự hiện diện của Ngài, như một cây đại thụ trong gia đình Giáo phận vẫn kiên cường ở đó, là chỗ dựa cho Hàng giáo phẩm, giáo dân, linh mục và tu sĩ Hà Nội có thêm một niềm tin. Khi Ngài đã yếu, thì Ngài lại phải ở lại Hà Nội để tiện việc chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ.

Ra đi nhưng một ước nguyện chưa thành - nỗi đau còn đó

Khoảng năm 2000, tôi được nghe nói nhiều về Ngài qua câu chuyện Toà Khâm sứ Hà Nội đang bị chiếm đoạt để xây khu vu chơi giải trí 7 tầng. Đến khu Toà Khâm tôi thấy ngôi nhà được xây dựng để tổ chức đám cưới, nhảy nhót đã bị dỡ bỏ, máy đào, máy xúc và máy đóng cọc đang thi công công trình thản nhiên. Bên ngoài hàng rào, một tấm bảng vẽ mô hình khu nhà 7 tầng được căng lên như thách thức giáo dân Hà Nội và coi thường Toà Tổng Giám mục Hà Nội ngay gần kề.

Trước đó 3 tháng, Ngài đã gửi thư phản đối lên các cấp từ trung ương đến địa phương nhưng không một ai thèm hồi âm, mọi sự cứ thế tiếp diễn.

Thứ 7, chủ nhật tuần đó, tất cả các nhà thờ đều được nghe thư phản đối của chính Hồng Y Phaolo Giuse Phạm Đình Tụng và linh mục đoàn Hà Nội cùng ký tên gửi các cấp lãnh đạo đảng, nhà nước về sự việc này. Trong đó ghi rõ: “Tất cả những công trình xây dựng trái phép trên khu đất Toà Khâm sứ, chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm khi thu hồi”.

Quá trình đòi lại Toà Khâm sứ gắn liền với Ngài từ đó.

Mọi con tim bừng lên phẫn uất, đồng loạt các giáo dân nô nức ký tên vào danh sách ủng hộ việc phản đối xây dựng trên đất của Toà Khâm sứ.

Đến khi đó, chính quyền mới cho dừng lại các công việc, dù dự án đã khai trương, cọc móng đã đóng.

Nhưng sau đó, bằng cách này hay cách khác, người ta dần dần biến chỗ đó thành chỗ hoang tàn rồi sử dụng nó với nhiều hình thức khác nhau. Phía trong Toà nhà Khâm sứ là cơ quan “văn hoá”, phía sau là bể bơi và ngôi nhà ba tầng đối diện Nhà Khách Toà Tổng Giám mục dùng làm gì không được rõ. Chỉ được biết, tại trạm biến thế một chiếc cầu dao ghi rõ: PA38 – Ký hiệu chỉ công an – an ninh tôn giáo.

Bên ngoài hàng rào của khu đất, một bảng hiệu lớn được căng lên, với những hình vẽ màu đỏ rực: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” còn bên trong đằng sau tấm bảng là những dịch vụ ồn ào, bẩn thỉu khác như bể bơi dưới chân nhà ở và nhà khách năm tầng của Toà Tổng Giám mục, là chỗ gửi xe, là nơi bán phở.

Đỉnh điểm là cuối năm 2007, chính quyền đã cho một đơn vị (khi đó có tin là của một ngân hàng) vào ngang nhiên phá dỡ sàn gỗ lim và mái nhà Toà Khâm sứ.

Đến đây thì lòng dân trào lên uất hận. Những cuộc cầu nguyện liên tiếp bắt đầu.

Ngày mừng sinh nhật của Ngài lần thứ 90 cũng là một sự kiện trọng đại. Ngày đó, khắp muôn nơi đổ về Nhà Thờ Lớn Hà Nội, hàng trăm linh mục, hàng chục Giám mục và hàng vạn giáo dân nô nức về mừng sinh nhật Ngài.

Cũng ngày đó, sau Thánh lễ đã xảy ra vụ việc ở Toà Khâm sứ khi tất cả hàng trăm Giám mục và linh mục,hàng vạn giáo dân đang cầu nguyện bên ngoài thì chị giáo dân người Mường và anh chàng thanh niên bị bắt và đánh ngay trong Toà Khâm sứ. Đến khi đó thì cái bờ mỏng manh đã vỡ, nước đã tràn và Thánh Giá đã được đưa vào Toà Khâm sứ bắt đầu cuộc cầu nguyện gian khổ trường kỳ của Giáo dân dưới thời tiết mưa rét cắt da.

Với tuổi 90, Đức Hồng Y từ trên tầng 2 Toà Tổng Giám mục, nhìn xuống đoàn con cái mình vất vả trong gió lạnh rét mướt cuối năm, Ngài không khỏi ngậm ngùi thương cảm. Cái rét giá cắt da như thử thách người tín hữu để họ tỏ lòng tin mến nhiệt thành vào Thiên Chúa và lòng yêu chuộng Hoà bình, Công lý. Những  giáo dân đã được Ngài dẫn dắt và chứng tỏ tính kiên trung, tình liên đới vững vàng mạnh mẽ, Ngài chắc cũng phần nào yên tâm khi thấy những năm tháng lao nhọc của mình đã được đền đáp bằng những thành quả lớn lao là những tâm hồn các tín hữu đã trưởng thành.

Rồi diễn biến của sự việc Toà Khâm sứ ngày càng phức tạp khó khăn khi giáo dân tay không phải đối diện với hàng đàn chó nghiệp vụ, cảnh sát, dùi cui, và muôn vàn thứ công cụ, vũ khí khác bên hàng rào dây thép gai. Rồi những đe doạ dùng sức mạnh trấn áp của chính quyền. Rồi dự án “vườn hoa” được thi công kiểu chạy giặc, những động thái hăm doạ, trấn áp ngay trước căn phòng Ngài đang nằm dưỡng bệnh. Những âm thanh hỗn độn của đám “quần chúng tự phát… tiền” vọng vào giường bệnh của Ngài như những cú đấm ngàn cân vào một thân thể mỏng manh, sức khoẻ Ngài càng ngày càng yếu dần.

Qua những năm tháng, thời gian và những thử thách khắc nghiệt của cuộc đời, của xã hội đã dồn lên đôi vai bé nhỏ của Ngài, sức khoẻ của Ngài đã đi xuống trầm trọng và đến ngày hôm nay thì Ngài đã ra đi về nơi Chúa đã dành cho Ngài.

Ngài đã ra đi thanh thản qua suốt gần một thế kỷ, trải qua nhiều thăng trầm, nhiều chế độ xã hội để làm một chứng nhân của lịch sử, một tấm gương cho mọi tín hữu về niềm tin, lòng mến và sự trông cậy.

Nhưng vẫn còn một ước nguyện của Ngài chưa thành, mong ước của Ngài còn đó, khu đất đã “được làm vườn hoa” cho lực lượng bảo vệ đông đúc hưởng lương, vắng tanh người qua lại. Tượng Đức Mẹ sầu bi giờ vẫn còn đang ở nơi nào chưa thấy bóng.

Tối nay, khi đi lên với Ngài qua “vườn hoa”, tôi thấy phía trong trừ bảo vệ thì không một bóng người. Nhưng ngay bên cổng Toà Tổng Giám mục, trước mặt đoàn các nữ tu Dòng Mến Thánh giá Hà Nội và dòng người trắng khăn tang trên đầu, một đôi nam nữ hình như là học sinh đang vô tư biểu diễn trò tình cảm như nơi phòng riêng.

Phải chăng đây mới là mục đích của việc xây dựng vườn hoa bên cạnh Toà Tổng Giám mục và Dòng nữ tu?

Một giáo dân nói với tôi rằng: “Toà nhà Khâm sứ nhà nước bảo là làm thư viện “vì lợi ích của nhân dân”. Nhưng hiện nay họ lại dần dần đưa cái gọi là “Phòng văn hoá” quận về đó làm việc rồi, đâu có phải như họ nói là thư viện cho dân”?

 Tôi chưa thể kiểm chứng được thông tin này, nhưng chắc cũng có cơ sở, cái anh chàng hôm trước tôi gặp ở vườn hoa và đã có những câu hỏi hách dịch thiếu lịch sự kia, làm gì ở đó khi nghe nói rằng anh ta là Phó Giám đốc gì đó về Văn hoá? Với lại một công viên, vườn hoa nào chỉ bằng bàn tay mà cả đàn cả đống bảo vệ nghiêm mật như thế để làm gì?

Nếu thông tin này là đúng sự thật, thì một lần nữa, người dân sẽ hiểu rõ hơn thực chất của những lời nói và hành động của nhà nước và đống báo chí kia khi họ nói về quyền lợi của nhân dân khi làm 2 vườn hoa.

Đức Hồng Y Phaolo Giuse Phạm Đình Tụng đã về an nghỉ trong tay Chúa. Nhưng những nguyện ước của Ngài về một Giáo hội mạnh mẽ, đạo đức với hàng giáo phẩm trung kiên, hiệp nhất và những công lao của Ngài với Tài sản của Giáo hội vẫn là một nhiệm vụ nặng nề mà chính những người đang sống phải suy nghĩ sâu sắc hơn.

Với quãng đời hơn 90 năm, đảm đương đầy đủ các chức vụ trong Giáo hội Việt Nam từ thấp đến cao nhất, nhưng Ngài không có một dòng nào để làm cho mình nổi bật hay tự hào. Ở Ngài, đó là sự khiêm tốn đến ngạc nhiên.

Với bao con người tiếp xúc từ lớn đến nhỏ, nhưng không một ai nhận được từ Ngài sự hách dịch hay khó chịu, ở Ngài, đó là sự hạ mình và yêu thương.

Những đức tính đó, là những bài học lớn lao cho quan chức, những cán bộ và ngay cả với nhiều người trong hàng giáo phẩm, tu sĩ cũng như giáo dân.

Chia tay Ngài, chúng ta cầu xin Thiên Chúa đưa Ngài về hưởng Nhan Thánh Chúa, chúng ta cũng cầu cho Giáo hội Việt Nam luôn đồng tâm, đồng hướng và có sức mạnh vượt bậc bởi sự kiên trinh, vững vàng trong tinh thần đoàn kết yêu thương như chúng ta đã thấy.

Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho những ước vọng và công sức của Ngài về những tài sản của Giáo hội sớm được về cùng Giáo hội để sớm dùng vào những việc có ích phục vụ cộng đồng, phục vụ xã hội.

Hà Nội, Ngày 23/2/2009

·         J.B Nguyễn Hữu Vinh

Tác giả: JB. Nguyễn Hữu Vinh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!