Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Joseph Vũ
Bài Viết Của
Joseph Vũ
Zidane ơi…
Xin Đừng Làm Tôi Tớ Vô Duyên
Từ những Anh Hùng Không Gian đến Anh Hùng Không Tên
TU LÀ CÕI PHÚC
Từ ‘Gíop’ đến Linh Hồn
Sống những nghịch lý
Sợ điều đáng sợ
Từ cái I-Meo lạc đến những bức thư cần viết
Như Bông Hoa…
Nhà Truyền Thống Văn Hóa & Đức Tin
Ngắm Văn Côi Đức Bà
Một Nhà Thờ Hai Sơ
Một buổi chiều cuối năm
Lời Chúc hay Lời Nguyện
Lẩn Thẩn Từ Đông Quê
‘Làm nhớn’ ở Mỹ
Đặc Sản
Chứng Nhân Tầm Thường
Chiếc bình vỡ
Chai Rượu Tây Đen. (T. D.)
Cái Game Boy
‘LÀM NHỚN’ Ở MỸ

 

Ông bảo tôi ông là Đại Tá trong Quân Đôi Việt Nam Cộng Hoà trước đây. Nhìn cái dáng vẻ lịch lãm của ông ngồi trong một văn phòng đầy đủ tiện nghi, tôi tin ngay và thầm phục sự tài giỏi của ông: ngày xưa đã có uy quyền và bây giờ sang Mỹ đây lại có địa vị và nghề nghiệp tốt. Ông thật hào hoa và may mắn quá.

Nghe ông kể chuyện, tôi nhớ lại mẩu đối thoại từ một phòng khách lúc còn ở quê nhà gần mười năm trước:

- Sao anh không về nắm tỉnh Long Khánh?

- Mình đang nhắm, nhưng bà xã chưa chạy đủ tiền thì ông D. ở Tổng Tham Mưu đã phỗng mất. Bốn triệu đấy, nhưng chắc một hai năm là lấy lại thôi. Forêt, c’est l’argent (Rừng là bạc mà).

Ba ông tá im lặng một tí rồi lại tiếp tục nói truyện với nhau nửa bằng tiếng Tây, nửa tiếng Việt. Tôi phải đi dọn bàn và nghe lõm bõm được câu ‘L’homme mange le boeuf deviendra le boeuf’ mà lúc ấy chẳng hiểu các vị muốn nói gì.

Hôm nay nhìn ông Đại Tá nói chuyện điện thoại, xử dụng máy tính(calculator), máy bấm ghim, và ký tên một cách điệu nghệ và thoải mái, tôi mơ ước công việc làm của ông và thèm cái địa vị của ông quá.

Nghe ông nói truyện tôi có làm tưởng hội USCC(United States Catholic Conference)  mà ông đang làm việc cho là một cơ quan trọng yếu nhất nhì ở nước Mỹ và Orange County này chắc ai cũng phải biết đến.(Tôi mới đến Mỹ mà)

Một tuần sau, tôi lên hội để lãnh cái check trợ cấp thứ nhì thì bị lạc đường. Lần đầu tiên đi xe bus ở Mỹ nên lọng cọng. Đến ngã tư Tustin và First, tôi dặn bác tài xế khi nào đến hội USCC thì cho tôi xuống. Bác tài trố mắt nhìn tôi bảo: ‘USCC là cái gì? Tôi chưa bao giờ nghe nói. Chắc là trong khu phố kia đấy. Cậu cứ xuống mà tìm. Không thấy thì cầm vé này lên xe đi tiếp. Đưa đây tôi bấm lỗ cho’. Lần trước tôi đi với người bảo trợ, lại vội vàng và mới lạ nên tôi chả nhớ rõ khu nhà nào. Nhà nào cũng đẹp và giông giống nhau.

Cuối cùng tôi cũng tìm được đến hội, hai gian nhà trong một khu phố rộng. Tôi đến trễ, đã quá trưa, ông Đại Tá không vui như lần trước. Ông chẳng thèm nhìn tôi mà cứ luôn miệng trách tôi  trễ hẹn, trách tôi không chịu đi thi năng khiếu, và cằn nhằn tôi không mang đầy đủ giấy tờ. Tôi xin lỗi và giải thích là phải tôi phải đi ba chuyến xe và lại đi lộn nên đến trễ. Tôi cũng bảo ông là tôi đã không đi thi năng khiếu được vì người bảo trợ không nhắn lại. Ông không nghe, cứ tiếp tục ‘lên lớp’ đủ điều, nào là cuộc sống ở Mỹ khó khăn, phải chịu khó, phải tỉnh thức, phải đúng giờ… Gần một chục cái PHẢI như vậy. Thực ra những cái ‘PHẢI’ ông dậy rất ‘PHẢI’, nhưng ông không chịu nghe tôi giải thích hoàn cảnh mà cứ gắt lên như ông bố dậy đứa con khù khờ. Ông lại còn làm như ông có quyền ban phát hoặc cúp tiền trợ cấp cho tôi nữa.

Sau gần nửa giờ ‘học tập’ tôi mất kiên nhẫn. Lại buồn tủi vì một thân một mình ở xứ lạ, tôi đứng dậy bảo ông:

- Bác vui lòng cho cháu xin tờ giấy.

- Anh cần giấy để làm gì?

- Thưa cháu muốn viết giấy để xác nhận là cháu không nhận tiền của hội USCC nữa.

Ông hỏi:

- Thế sao anh sống?

Chẳng hiểu sao tôi lại buột miệng:

- I don’t care.

Thấy tôi tức giận, ông dịu lại. Vừa lúc ấy thì cô Kelly bước vào. Thấy tôi không vui, cô dẫn tôi sang một phòng khác để hỏi truyện. Cô Kelly tự giới thiệu là mới ra trường và về đây làm manager của ông Đại Tá. Tôi trình bày sự việc  bằng tiếng Anh rất giới hạn,  nhưng cô Kelly cũng hiểu vì ‘vấn đề’ chẳng có ‘vấn đề’ gì cả. Cô đưa tôi trở lại phòng ông Đại Tá và đề nghị đưa tôi vào làm việc cho hội. Ông Đại Tá đổi hẳn thái độ ‘ta đây’. Với tôi lúc nãy, ông nhăn mặt khó chịu như một con khỉ già, bây giờ với cô manager - có lẽ chỉ tuổi con ông thôi - thì ông lại ngoan như một con mèo con.

Tôi không nhớ tên của ông Đại Tá. Sau này quen Kim làm trong hội, tôi đựơc biết người ta hay gọi ông là Đại Tá… hách. Có lẽ cái tên này đã làm tôi quên mau cái tên thật của ông. Đó là người ‘làm nhớn’ đầu tiên mà tôi gặp khi mới Mỹ năm 1981.

Vào thời gian này, tôi hay đến tiệm may Thiết Lập của chị Dung để chơi. Tôi gặp chị Dung ở trại Leamsing, Thái Lan rồi tôi và chị cũng qua trại Galang, Indonesia với nhau. Chồng chị Dung bị cướp Thái Lan đánh chết trên đường vượt biên. Lên bờ chị cạo trọc đầu và xin nhập đạo.

Qua chị Dung, tôi biết anh Thụ, Trung Tá Thụ, người cao lớn, rắn chắc, tiếng nói trấm ấm. Anh  có cái nét đẹp phong trần của người lính với tuổi đời vừa quá bốn mươi, lại nói truyện rất ăn khách. Có lần, tôi đến thăm lúc anh đang chuẩn bị cơm tối:

- Tối nay anh sẽ đãi cả nhà món canh chua.

Tiếng ‘cả nhà’ làm tôi vui vui:

- Lính mà biết nấu cơm sao anh?

- Em thấy có thiếu gì đâu: cà chua, bạc hà, giá, hành, ngò, và cá bông lau. Chẳng có gì khó cả. Em ăn thử xem có ngon như nhà hàng không nhá.

Bố tôi, anh tôi, và các chú của tôi đều là lính nên tôi rất thương lính và thích nghe truyện lính, nhưng hôm nay tôi ngại gạ truyện một ông sĩ quan cao cấp như anh nên chỉ bảo chị Dung:

- Chắc chị Dung được nghe anh Thụ kể nhiều truyện đánh nhau lắm nhỉ?

Chị Dung vui vẻ:

- Em muốn nghe truyện gì anh Thụ kể cho.

Anh Thụ đáp ngay:

- Tất cả thuộc về dĩ vãng rồi. Nhất là những truyện của anh thì em không nghe được đâu.

Chị Dung tiếp:

- Gia đình anh Thụ làm lớn lắm. Anh của anh Thụ làm tỉnh trưởng Kontum, người kế anh Thụ cũng làm Đại Tá. Chỉ có anh Thụ là tối ngày dẫn Thủy Quân Lục Chiến đi đánh nhau thôi.

Quay sang anh Thụ tôi nói:

-  Ba của bạn em cũng có lúc ở tiểu đoàn Trâu Điên đấy. Anh Thụ ngầu quá bây giờ phải làm cái gì chứ?

Ý tôi muốn nói là những tổ chức kháng chiến. Anh Thụ đang bận bỏ cà chua vào nồi canh, mỉm cười.

- Làm gì bây giờ hả em. Có lẽ đền tội là việc nên làm nhất em ạ. Ngày xưa mình có là gì thì đã là rồi. Bây giờ đã quá trễ. Đây là anh nói riêng anh mà thôi. Phải nhìn lại mình để âm thầm mà tu tỉnh chứ. Anh nói thật với em này, anh đền tội suốt quãng đời còn lại cũng không đủ đâu. Tội không chịu đánh giặc theo cấp lệnh đã to rồi mà tội để cho quân mình chết oan uổng còn to gấp bội nữa. Em biết không, có lần đi hành quân, anh mải tìm gái mà để tiểu đoàn lọt ổ phục kích và ăn pháo chết cả trăm người … Thử hỏi tội này đền bao giờ cho đủ. Hồi ký nào mà dám viết những truyện như vậy. Dám lên tiếng gì nữa hả em.

Điều anh nói có thật hay không tôi không biết, chỉ nhớ rõ anh đã nói với tôi như vậy.

Rồi suốt cả buổi tối hôm ấy anh chỉ im lặng nghe chúng tôi trò truyện vượt biên, tỵ nạn, và định cư. Tôi cũng không dám hỏi anh truyện lính nữa, chỉ bâng khuâng nghĩ ngợi: “có những sĩ quan tệ như vậy thật hay sao”. Tôi nghĩ đến anh Trí, anh Châu là những người bà con của tôi, nghĩ đến Hiếu, đến Đạt là những bạn cùng hoc lớp nhất, tất cả đều ở trong binh chủng này và đều đã hy sinh hoặc thành phế binh(tôi mong nếu anh Thụ có đọc bài viết này cũng không trách tôi viết lại điều đã nghe). Dù sao tôi cũng vẫn phục anh, đã dám nhìn lại chính mình và dám nói thật về mình. Và tôi vẫn luôn yêu kính người lính dù họ là tướng tá hay binh nhất, binh nhì…

Đến năm 1986, tôi tìm ra được thằng bạn cũ, Minh. Phải, Phạm văn Minh mà cả lớp hay gọi là Minh Chùa hoặc Minh Trắng. Gọi là Minh Chùa vì Minh có khuôn mặt ‘thanh thoát’ như một thiền sư. Gọi là Minh Trắng là để phân biệt với Minh Đỏ cùng lớp.

Minh Trắng còn có biệt hiệu là Minh Siêu vì học giỏi. Học giỏi, nhưng một khi đã cầm sách thì Minh siêu không còn nhớ những việc thường ngày như ăn mặc tắm rửa nữa. Sau năm 1975, khi tôi còn đang còng lưng đào kênh thuỷ lợi ở Việt Nam thì Minh đã học xong Master Hoá Chất ở Mỹ. Và khi tôi vượt biên sang đến Mỹ thì Minh đã làm Production Manager cho công ty Hughes Corp ở Fullerton, California.

Minh dẫn tôi đi ăn trưa rồi đưa tôi vào sở làm để giới thiệu với mấy người nhân viên Việt Nam. Đi đến đâu người ta cũng chào hỏi Minh siêu như một ông lớn. Mỹ, Mễ, Phi, Đại Hàn gì cũng vậy… Minh siêu chỉ vắn gọn chào hỏi rồi lại đi tiếp, thỉnh thoảng mới đứng lại nói truyện ngắn với những người kỹ sư dưới quyền. Tôi phục Minh siêu sát đất. Minh siêu càng ngon cơm thì tôi càng thấy quê quê lúc đi bên hắn.

Minh Siêu rất siêu nên chẳng bao giờ khoe khoang. Khi được hỏi mới nói:

- Mình chỉ có bằng MA thôi, nhưng làm việc chung với nhiều Ph.D. lắm. Mình coi khoảng hơn chục kỹ sư điện và kỹ sư hoá chất chuyên về Radar. Budget của mình thì mỗi năm gần mười triệu. Công việc nhiều nhưng giờ giấc rất linh động. Mình có thể làm việc suốt đêm, nhưng cũng có thể đóng cửa phòng này để ngủ một giâc miễn là cho cô thư ký kia biết thôi.

Nói rồi Minh hỏi tôi:

- Sao ông không học lấy bằng Master nữa mà lại vội đi kiếm việc làm?

Minh Siêu lại ‘SIÊU’ rồi. Tôi đâu có ai trợ giúp mà học đi tiếp được. Ba mươi bốn tuổi rồi. Có lẽ Minh Siêu đã quên lấy vợ chứ tôi thì không quên được vì mấy cô trong lớp điện mà tôi đang dạy phụ cứ hay nói những truyện ‘cha già con mọn’ làm tôi nhột quá.

Minh Siêu làm nhớn mà đi cái xe cũ rích. Hỏi đến thì chỉ cười hi hí, giống như lúc sắp ‘chết đuối’ ở hồ nước Đa Thiện mà người ta hay gọi là Thung Lũng Tình Yêu ở Dalat hồi năm 1973 vậy. Hay thật.

Năm 1997, tôi đi học hai tuần ở Beaverton, Oregon. Tháng Mười ở đây trời mưa không ngớt. Có khi mưa ba bốn ngày liền. Tôi mê thức ăn Việt Nam nên đi đâu tôi cũng tìm nhà hàng Việt Nam hoặc những món ngoại quốc có ít cơm trong ấy. Ở Oregon ngày đầu tiên tôi đã tìm được một tiệm phở do người Tầu làm chủ. Ngày thứ hai, bạn bè giới thiệu đến SaiGon Buffet, đẹp, ngon và rẻ hơn.

Ngày thứ ba, rủ bạn bè ra phố Portland chơi, tình cờ tôi thấy một nhà hàng Việt Nam. Nhà hàng tên gì tôi không nhớ, chỉ nhớ nó nằm trên một con đường đông xe cộ và nhiều vũ trường thoát y (Ở Portland, các vũ trường này hoạt động suốt ngày: sáng trưa chiều tối đêm. Có nhiều chỗ chỉ to hơn cái chuồng gà ở Việt Nam một tí thôi và khách ra vào thì tự do, chẳng ai thèm để ý)

Đứng gần cửa nhà hàng là một người đàn ông trung niên, dáng người cao, đầu tóc gọn ghẽ, nước da ngăm ngăm ra chiều khoẻ mạnh. Tôi đoán ông là chủ, chủ Việt Nam, nên định mở lời chào bằng tiếng Việt với hy vọng làm quen và hỏi thăm đôi chút về thành phố. Hơn nữa,  đã ba ngày không được nói tiếng Việt nên tôi thèm lắm, thèm như thèm cơm tấm và thèm bún riêu vậy. Tôi vui vẻ ‘CHÀO ANH’, nhưng ông ta chỉ lạnh lùng một tiếng ‘HI’ ngắn gọn rồi để mặc tôi bước vào. Thấy hơi quê độ, tôi đưa mắt tìm người giúp bàn để cầu cứu.

Tôi vừa ngồi vào bàn thì đã thấy ông chủ đang vui vẻ đấu hót với một người khách bản xứ ra chiều thân nhau lắm. Tiếng Anh của ông cũng ‘xoàng’ như tôi(có lẽ dở hơn trừ ra mấy âm noodles và egg rolls) thôi, nhưng ông lại nói to như để khoe với những khách hàng Việt Nam đang ngồi ăn.

Một lúc sau mấy người bạn của tôi bước vào tiệm. Họ là những người mắt xanh tóc vàng nên ông chủ vui vẻ chào đón và giới thiệu các món ăn một cách điệu nghệ. Ông chỉ bàn cho họ, nhưng họ lại xin đến ngồi chung bàn với tôi, rồi họ lại chỉ vào tôi và bảo ông chủ: “ Đây là boss của chúng tôi”. Tôi cúi đầu chào ông một lần nữa làm ông hơi ngượng. Con Brenda  còn nghịch ngợm bóp vai bóp cổ tôi nữa. Thực ra tôi không phải là xếp của những ‘người ngoại quốc’ này, mà chỉ là project lead của họ thôi, nhưng vì lớn tuổi và vui tính nên họ hay gọi tôi như vậy. Từ lúc đó ông chủ không đến bàn của chúng tôi nữa.

Không hiểu sao ông chủ lại phân biệt đối xử với tôi, đồng hương Việt Nam của ông như vậy. Ông coi người ngoại quốc hơn tôi. Tôi thì khác nên thấy buồn buồn. Tôi có thói quen coi mọi người ngang nhau và đối xử với mọi người bình đẳng. Tôi nói truyện với ông Quintan già lau nhà(janitor) cũng giống như nói nói truyện với ông John, chủ hãng. Tôi bắt tay cô Becky tiếp viên(receptionist) cũng giống như bắt tay bà Cathy, giám đốc Tin Hoc (IT director) và cũng là xếp của tôi. Tôi chào con Dorothy Mỹ đen ở phòng kế bên cũng giống như chào thằng Art Mỹ trắng ở phòng đối diên. Mức độ thân thiện có khác, nhưng lịch sự và kính trọng thì như nhau.

Chẳng hiểu sao ông chủ nhà hàng này lại ‘lối’ qúa để rồi chẳng nói truyện với tôi và sau đó cũng mất dịp nói truyện với các bạn tôi. Tôi định làm quen ông, nhưng ông đã làm tôi mất hứng khi mới đến thành phố lạ nhưng khá dễ thương này lần đầu. Dù sao tôi vẫn thích Portland. ‘Dù không có ông… thành phố cũng vẫn thơ mộng và mát mẻ với những cơn mưa bụi cả ngày’.

Gần 20 năm đi ‘Làm sở Mỹ’ mà tôi vẫn chỉ ‘làm nhỏ’ nên những người mà tôi gặp ở trên là những người ‘làm nhớn’ đối với tôi đấy.

Chẳng biết giờ này ông Đại Tá còn làm việc hay đã về hưu? Chẳng biết anh Thụ đang làm gì để ‘đền tội’? Chẳng biết Minh Chùa giờ này đang buôn bán ở đâu? Nam Kinh hay Bắc Kinh? Sài Gon hay Hà nội? Chẳng biết ông chủ nhà hàng ở Portland còn nhớ tôi nếu tôi trở lại nhà hàng  của ông?

Dẫu sao thì quan niệm ‘làm nhớn’ cũng đã có phần thay đổi khi người ta bước sang thế kỷ 21. Người ta Bình Dị hơn. Đơn Giản hơn. Cởi Mở hơn. Gần Gũi hơn. Cảm Thông hơn… Hai mươi năm trước đây, xếp lớn có văn phòng riêng, bây giờ thì nhiều khi xếp ngồi cubicle và trong những buổi họp tôi đã thấy nhân viên gác chân lên bàn ngả người ra sau trả lời xếp thoải mái.

Hình như các đấng bậc trong đạo cũng vậy. Đức cha Kiệt thì đeo cây thánh giá bằng gỗ. Đức Cha Linh thì xưng ‘Em’ tối đa trên mạng emails. Đức cha Thống thì bật quẹt châm thuốc hút trong parking lot.

Ngồi cubicle vậy chứ mà công việc lại hiệu năng hơn. Đeo cây thánh giá gỗ vậy mà lại… không phải ‘hơi bị yêu’ mà là ‘được mến hơn’ nhiều.

Joseph Vũ, Fullerton, California

Tác giả: Joseph Vũ

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!