Chúa nhật 16 mùa thường
niên, năm B (Ngày 21/07/2024)
Bài đọc 1: Bài trích sách Tiên tri Giêrêmia (Gr
23, 1-6)
Bài Đọc II: Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu
Êphêxô (Ep 2, 13-18);
Phúc Âm: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 6,
30-34)
Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta
thấy Chúa Giêsu mời các môn đệ đi cùng Người đến một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi
và tĩnh lặng một chút. Tuy nhiên, khi đến nơi đã chọn, họ nhận ra rằng đám đông
đã đi trước họ và đang chờ họ đến.
Chúng ta thấy ở đây một ví dụ về sự
giằng co và căng thẳng thường gặp phải trong đời sống của mỗi Kitô hữu.
Một mặt, cần phải tìm đến một nơi yên
tĩnh để nghỉ ngơi và lấy lại sức khỏe, sau thời gian làm việc mệt nhọc, cùng
lúc dành thời gian để suy ngẫm và đánh giá những gì mình đã làm và tái tạo năng
lượng tâm linh của mình. Đồng thời, luôn có những yêu cầu và đòi hỏi liên tục
về việc cam kết dấn thân và phục vụ của chúng ta. Chúng ta cần đáp ứng một cách
quảng đại, nhanh chóng và đồng cảm ở những nơi có nhu cầu thực sự.
Sự nhấn mạnh là “nhu cầu thực sự” chứ
không chỉ vào nhu cầu của người khác hoặc mong muốn mình có thể đáp ứng những
nhu cầu của họ. Điều này đòi hỏi sự khôn ngoan và sáng suốt của chúng ta khi
cân nhắc các nhu cầu thiết thực. Sẽ có những lúc, mặc dù trong khó khăn, nhưng
chúng ta biết mình nên trả lời sẽ sẵn sàng và nói “Có”. Rồi sẽ có những lúc,
bất chấp những lời chỉ trích của người khác, mà nó có thể tạo ra, chúng ta phải
nói dứt khoát trả lời “Không”. Chúng ta (những người đóng vai trò là các mục tử
hay chịu trách nhiệm chăm sóc người khác) cần sẵn sàng nhưng không có sự sẵn
sàng tuyệt đối, vì chúng ta bị hạn chế về khả năng, chất lượng, lẫn các dịch vụ
mà chúng ta có thể cung cấp. Nói tóm lại, chúng ta không thể đáp ứng tất cả mọi
nhu cầu của người khác, dù chúng ta rất mong muốn, đó là sự thật không thể chối
bỏ.
Trong cuộc đời của Chúa Giêsu, đôi khi
chúng ta thấy Người rời xa dân chúng, bất chấp những đòi hỏi của họ, và đi đến
một nơi hoang vắng để cầu nguyện. Trong hoàn cảnh của bài Tin Mừng hôm nay
(Chúa nhật thứ 16 thường niên, năm B, Mc 6,
30-34), mặc dù Chúa Giêsu đã có ý định dành thời gian yên tĩnh với
các môn đệ của mình nhưng rõ ràng nhu cầu của dân chúng (đoàn chiên) cần được
đáp ứng tích cực. Họ giống như ‘con chiên không có người chăn’. Họ cần được dạy
dỗ và họ cần được cho ăn (hay nuôi dưỡng). Chúa Giêsu đã làm cả hai. Việc cho
ăn là cho cả thể xác và tinh thần.[1]
Chúng ta, với tư cách là những mục tử,
giống như Chúa Giêsu cần được tự do và không bị ràng buộc hoặc không bị cản trở
bởi hành lý vật chất hoặc tinh thần hoặc cảm xúc hoặc tâm linh. Chúng ta là
những linh mục hoặc giám mục được mời gọi làm mục tử; chúng ta được Chúa Giêsu
mời gọi để hợp tác với Ngài trong việc dạy dỗ, chữa lành và nuôi dưỡng. Tuy
nhiên, nếu muốn làm điều này một cách hiệu quả, chúng ta cũng cần dành thời
gian để nghỉ ngơi, để thư giản và nhất là chúng ta cần dành thời gian để cầu
nguyện và sống thân tình với Chúa hầu đổi mới tâm hồn và múc lấy năng lượng tâm
linh từ nơi Thiên Chúa.
Ngày nay chúng ta đang sống trong một
thế giới bận rộn và chạy đua với thời gian, nơi có rất nhiều tiếng kêu và than
vản “Tôi không có thời gian!” liên tục được vang lên từ các linh mục cũng
như người giáo dân. Tuy nhiên, khi xem xét và đáng giá về điều này, thực tế cho
thấy, chúng ta bỏ ra khá nhiều thời gian để xem Tivi (máy truyền hình) và phim
ảnh, cũng như “chat” trên Facebook, hoặc vào Tiktok để xem các videos, g ọi là
để giải trí. Chúng ta có rất nhiều thời gian để đọc tin tức, đi mua sắm hoặc
chỉ để buôn chuyện về những điều vô ích. Tuy nhiên, chúng ta lại không có thời
gian để cầu nguyện, suy ngẫm và đổi mới tầm nhìn cuộc sống của mình.
Là những người mục tử, chúng ta có một
thông điệp cần truyền đạt. Và thông điệp đó là gì? Đó chính là thông điệp mà
Chúa Giêsu đã mang đến – Tin Mừng về việc biến Nước Trời thành hiện thực trong
thế giới của chúng ta. Vương quốc đó có thể được mô tả bằng nhiều cách. Trong
Bài đọc thứ hai hôm nay, Thư của Thánh Phaolô gởi cho các tín hữu thành Êphêsô,
nó được mô tả như sau:
“Chính Chúa Giêsu là sự bình an của
chúng ta; qua mầu nhiệm nhập thể, nơi bản tính con người, Ngài đã kết hợp giữa
bản tính Thiên Chúa và bản tính con người và biến cả hai thành một nơi thân xác
của mình và Ngài đã phá bỏ bức tường ngăn cách, tức là sự thù địch giữa chúng
ta, bãi bỏ luật pháp với các điều răn và mệnh lệnh của nó, để Ngài có thể tạo
ra trong mình một nhân loại mới thay thế cho cả hai, do đó tạo nên hòa bình, và
có thể hòa giải cả hai với Thiên Chúa trong một thân xác qua mầu nhiệm thập giá,
nhờ đó qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, Chúa Giêsu đã tiêu diệt sự chết
và tội lỗi qua cuộc khổ nạn của Ngài trên thập giá. Nhờ vào cái chết và sự sống
lại của Ngài mà chúng ta được đón nhận ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu.
Chúng ta có thể nói rằng đó là sự mô
tả chính xác về đời sống đích thực của người Kitô hữu của chúng ta không?
Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta cùng với
Mục Tử Nhân Lành là chính Chúa Giêsu đưa đàn chiên bị phân tán và chia rẽ về
lại với nhau, phá bỏ những rào cản chia rẽ và chia cắt con người với nhau – dù
đó là ở cấp độ quốc gia, chủng tộc hoặc nhóm dân tộc, ở cấp độ tôn giáo hoặc
tầng lớp xã hội, hoặc đơn giản là đưa trở lại cộng đồng những người vì sự kỳ
thị của xã hội, hoặc bệnh tật luôn bị gạt ra ngoài lề xã hội của chúng ta. Chỉ
bằng cách này, bình an của Chúa Kitô mới trở thành hiện thực trong trái tim
chúng ta, trong xã hội và trong Giáo hội của chúng ta.
Lm. Trần Mạnh Hùng
[1] . Điều này dạy
cho chúng ta, nhất là các vị chủ chăn của Giáo hội, một bài học rất ý nghĩa và
thiết thực, chúng ta cần phải chăm sóc đàn chiên, không những chỉ về mặt tinh
thần mà cả về mặt vật chất, khi điều kiện và hoàn cảnh cho phép.