Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Giuse Hoàng Kim Đại
Bài Viết Của
Lm. Giuse Hoàng Kim Đại
CẦU NGUYỆN THEO KINH MÂN CÔI
Lectio Divina: Cầu Nguyện dưới ánh sáng Lời Chúa
Lm. Giuse Hoàng Kim Đại Góp ý với Đại Hội Dân Chúa
ĐỊA VỊ VÀ SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN
ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI & CỦA ĂN NUÔI SỐNG
THIÊN CHÚA BA NGÔI
NHIỆM TÍCH THÁNH THỂ
LƯƠNG TÂM CON NGƯỜI
TÔN KÍNH THÁNH KINH
HẠNH PHÚC CON NGƯỜI
ĐỊA VỊ VÀ SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN
BẢN GÓP Ý LIÊN QUAN ĐẾN PHỤNG VỤ
ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI & CỦA ĂN NUÔI SỐNG

 

LỜI MỞ ĐẦU

Thiên Chúa yêu thương loài người, Ngài đã dựng nên loài người một hữu thể, vừa thể xác vừa tinh thần.” Thiên Chúa cũng đã tạo ra của ăn vật chất để nuôi đời sống thể xác loài người và của ăn tinh thần để bồi dưỡng đời sống thiêng liêng của loài người. Nhờ của ăn vật chất, loài người sẽ sống trên trần gian trong khoảng 100 năm. Nhờ của ăn tinh thần, loài người sẽ sống một đời sống mới, hưởng tới sự sống trường sinh trong Nước Trời.

Trong tinh thần tỉm hiểu và chia sẻ, tôi dựa vào Thánh Kinh và Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo để trình bày về : Đời sống con người và của ăn nuôi sống. Tôi ước mong qua bài này, nhiều người sẽ nhận ra phẩm gía cao quý của mình, đồng thời quý trọng và thường xuyên đón nhận của ăn tinh thần để được sống an vui, hạnh phúc ở đời này và được vào Nước Trời hưởng hạnh phúc trường sinh.

 PHẦṆT

ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI 

 Chương một

THIÊN CHÚA DỰNG NÊN LOÀI NGƯỜI

GIỐNG HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA 

 I. Thiên Chúa dựng nên loài người giống hình ảnh của Ngài. Ngài dựng nên người nam và người nữ.

          Sau khi sáng tạo vũ trụ và muôn vật, Thiên Chúa đã dựng nên loài người giống hình ảnh của Ngài.           

A- Thánh Kinh đã ghi :

          - “Thiên Chúa phán : "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất." Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình.”

- “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.” (St 1,27) 

B- Hội Thánh đã giải thích như sau :

          1) Con người có nhiều khả năng : hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa; tự biết chính mình và hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.

          Vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên có phẩm giá là một nhân vị. Không phải là một sự vật mà là một con người. Con người có khả năng tự biết mình, tự làm chủ chính mình và tự do tự hiến và thông hiệp với những người khác. Do ân sủng, mọi nguời được mời để giao ước với Đấng Sáng Tạo, dâng lên Người một lời đáp trả tin yêu mà không ai có thể thay thế được.” (GLCG số 357)

          “Thiên Chúa đã sáng tạo mọi sự cho con người (GS 12,1; 24,3; 39,1); còn con người được sáng tạo để phụng sự, yêu mến Thiên Chúa và dâng lên Người tất cả thụ tạo.” (GLCG số 358) 

          2) Người nam và người nữ có cùng một phẩm giá, bình đẳng và sống cho nhau. 

           “Người nam và người nữ được sáng tạo, nghĩa là họ hiện hữu do ý muốn của Thiên Chúa : một mặt họ hoàn toàn bình đẳng với tư cách là những nhân vị; mặt khác, họ là nam và là nữ theo cách hiện hữu riêng. "Là nam", "là nữ" đều là thực tại tốt lành do ý muốn của Thiên Chúa : người nam và người nữ có một phẩm giá không thể mất được, do Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo trực tiếp ban cho (St 2,7.22). Người nam và người nữ có cùng một phẩm giá "là hình ảnh của Thiên Chúa". "Là người nam" hay "là người nữ", họ đều phản ánh sự khôn ngoan và sự tốt lành nhân hậu của Đấng Sáng Tạo.” (GLCG số 369)

          «Khi tạo dựng con người "có nam có nữ", Thiên Chúa muốn họ sống cho nhau. Chúng ta biết điều này qua một số câu Sách Thánh : "Người nam ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó" (St 2,18). Không một con vật nào có thể tương xứng với con người. (St 2,19-20). (GLCG số 371)         

          II. Thiên Chúa dựng nên loài người có hai đời sống :

          Đời sống tự nhiên và đời sống siêu nhiên.

          Thiên Chúa đã dựng nên loài người có xác, có hồn; nghĩa là loài người có hai đời sống : đời sống tự nhiên và đời sống siêu nhiên. Đời sống tự nhiên là đời sống của thân xác; đời sống siêu nhiên là đời sống của linh hồn và tinh thần.

          A-Thánh Kinh đã ghi :

          - “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía Đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.” (St 2,7-8)

          Nhưng nhiều người lại chỉ chú trọng đời sống tự nhiên mà không chú trọng đời sống siêu nhiên, nên đã có những hành động sai trái, vì thế sách Khôn Ngoan đã nhắc nhở người thợ gốm :

          - “Chỉ vì anh không biết Đấng đã nặn ra mình, Đấng thổi vào anh một linh hồn hoạt động, phú cho anh một làn sinh khí.” (Kn 15,11)

          B- Hội Thánh diễn giải như sau :

          1) Con người là một hữu thể, vừa thể xác vừa tinh thần.

          - “Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người là một hữu thể, vừa thể xác vừa tinh thần. Trình thuật Thánh Kinh diễn tả thực tại đó với một ngôn ngữ biểu tượng khi khẳng định rằng "Thiên Chúa lấy đất sét nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật" (St 2,7). Con người toàn diện được dựng nên do ý muốn của Thiên Chúa.” (GLCG 362)

          2) Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng linh hồn bất tử.

          - “Hội Thánh dạy rằng : mỗi linh hồn thiêng liêng được Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng, chứ không phải do cha mẹ "sản sinh": Hội Thánh cũng dạy rằng : linh hồn bất tử, không hư mất khi lìa khỏi xác trong giờ chết, và sẽ tái hợp trở lại với thân xác trong ngày phục sinh cánh chung.” (GLCG 366)

          3) Linh hồn là sự sống, là nguyên lý thuần linh nơi con người.

          - “Thánh Kinh thường dùng thuật ngữ linh hồn để chỉ sự sống con người (Mt 16,25-26; Ga 15,13) hoặc toàn diện con người (Cv 2,41). Nhưng cũng dùng để chỉ cái thâm sâu nhất (Mt 26-38), giá trị nhất nơi con người (Mt 10,28; 2 Mca 6,30), nhờ đó con người là hình ảnh Thiên Chúa cách đặc biệt : "linh hồn" là nguyên lý thuần linh nơi con người.” (GLCG 363)

          4) Con người toàn diện trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần.

          “Thân xác cũng được dự phần vào phẩm giá của con người là "hình ảnh của Thiên Chúa": nó là thân xác con người chính vì được linh hồn thiêng liêng làm cho sinh động. Và chính con người toàn diện được đặt định trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần, trong Thân Thể Chúa Ki-tô.” (1Cr 6,19-20; 15, 44 - 45). (GLCG 364)

          4) Xác và hồn là một thực thể duy nhất.

          - “Tuy gồm xác và hồn, nhưng là một thực thể duy nhất, con người, nhờ có thể xác, qui tụ nơi mình những yếu tố thuộc thế giới vật chất. Nơi con người, các yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng và có thể tự do dâng lời ca tụng Đấng Tạo Hóa. Vậy con người không được khinh miệt đời sống thể xác, nhưng trái lại, con người phải coi thân xác mình là tốt đẹp và đáng tôn trọng vì thân xác ấy do Thiên Chúa tạo dựng và phải được sống lại ngày sau hết.“ (GS 14,1). (GLCG 364)
          - “Sự thống nhất xác hồn thâm sâu đến độ ta phải coi linh hồn như là "mô thể" của thân xác; nghĩa là, nhờ linh hồn thiêng liêng mà thân xác được cấu tạo từ vật chất, thành một thân xác của con người sống động. Trong con người, tinh thần và vật chất không phải là hai bản tính được nối kết lại, nhưng sự kết hợp của chúng tạo thành một bản tính duy nhất.” (GLCG 365)       
       

          III. Thiên Chúa đã cho loài người sống thân tình với Ngài, được cộng tác vào chương trình sáng tạo và quan phòng của Thiên Chúa.

          Thiên Chúa yêu thương loài người, Ngài đã cho loài người sống thân tình với Ngài và cộng tác vào chương trình sáng tạo để nối tiếp nhân loại và làm chủ muôn vật do Thiên Chúa tạo thành.

          A- Thánh Kinh đã ghi :

          - “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ (Ađam và Eva), và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất." (St 1,28)

          B- Hội thánh giải thích như sau :

          1) Thiên Chúa cho loài người sống thân tình với Ngài và tham dự vào sự sống của Ngài.

          - “Con người đầu tiên không phải chỉ được sáng tạo tốt lành mà thôi, nhưng còn được đặt trong tình thân với Đấng Tạo Hóa, hài hòa với chính mình và với vạn vật xung quanh. Tình thân và sự hài hòa này chỉ thua kém vinh quang của sáng tạo mới trong Đức Ki-tô.” (GLCG số 374)

          - “Khi dùng quyền giải thích một cách chân chính ngôn ngữ biểu tượng của Thánh Kinh dưới ánh sáng Tân Ước và Truyền Thống Hội Thánh, Hội Thánh dạy rằng : nguyên tổ A-đam và E-và đã được sáng tạo trong một tình trạng "thánh thiện và công chính nguyên thủy" (Cđ Tren-te: DS 1511). Sự thánh thiện nguyên thủy ấy là "ơn được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa" (LG 2). (GLCG số 375)

          2) Thiên Chúa cho loài người làm chủ trái đất, làm chủ bản thân và tham dự vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

          - “Theo ý định của Thiên Chúa, người nam và người nữ được đặt "làm chủ" trái đất (St 1,28) như những "người quản lý" của Thiên Chúa. Quyền làm chủ này không được trở thành một sự thống trị độc đoán và phá hoại. Vì là hình ảnh của Đấng Sáng Tạo, "Đấng yêu thương tất cả những gì hiện hữu" (Kn 11,24), người nam và người nữ được gọi tham dự vào sự quan phòng của Thiên Chúa đối với các thụ tạo khác. Do đó, họ có trách nhiệm với thế giới mà Thiên Chúa giao phó cho họ.” (GLCG số 373)

          - “Quyền làm chủ trái đất mà Thiên Chúa đã ban cho con người ngay từ thuở ban đầu, được thực hiện trước tiên nơi con người, là việc làm chủ chính bản thân mình. Con người còn nguyên tuyền và hài hòa trong chính bản thân, vì còn tự do đối với ba thứ dục tính thường làm con người nô lệ các lạc thú của giác quan, sự ham mê của cải thế gian và đề cao "cái tôi" bất chấp những đòi hỏi của lý trí.” (GLCG số 377)        

          IV. Thiên Chúa cho loài người không phải đau khổ và không phải chết.

          Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài đã dựng nên loài người rất tốt đẹp, “được ơn tham dự vào sự sống của Thiên Chúa" (HC LG 2). Ngài cho loài người không phải đau khổ và không phải chết. 

          Hội Thánh trình bày như sau : 

- “Mọi chiều kích của đời sống con người được củng cố nhờ sự chiếu tỏa ân sủng này. Bao lâu còn sống mật thiết với Thiên Chúa, con người sẽ không phải chết (St 2,17; 3,19), cũng không phải đau khổ (St 3,16). Sự hài hòa nội tâm nơi mỗi con người, sự hài hòa giữa người nam và người nữ (St 2,25), sau hết sự hài hòa giữa đôi vợ chồng đầu tiên với toàn thể vạn vật, tạo nên tình trạng được gọi là "sự công chính nguyên thủy." (GLCG số 376)

          - “Dấu hiệu của sự thân thiện với Thiên Chúa là việc đặt con người trong vườn địa đàng (St 2,8). Con người sống ở đó "để canh tác và canh giữ đất đai" (St 2,15). Lao động không phải là một hình khổ (St 3,17-19), nhưng là sự cộng tác của người nam và người nữ với Thiên Chúa trong việc kiện toàn vạn vật hữu hình.” (GLCG số 378)

          - “Đó là tất cả sự hài hòa của tình trạng công chính nguyên thủy mà ý định của Thiên Chúa đã dành sẵn cho con người. Sự hài hòa này sẽ mất đi vì tội của nguyên tổ chúng ta.” (GLCG số 379)

          Tóm lại, Thiên Chúa đã dựng nên loài người giống hình ảnh Thiên Chúa, là một hữu thể vừa thân xác, vừa linh hồn rất tốt đẹp. Thiên Chúa cũng đã ban cho loài người nhiều ơn huệ : Được sống thân tình với Thiên Chúa, không phải đau khổ và không phải chết. Ngài cho loài người làm chủ bản thân và trái đất. Người nam và người nữ được cộng tác với Thiên Chúa trong việc kiện toàn vạn vật hữu hình. 

Chương hai

 LOÀI NGƯỜI SA NGà

I. Nguyên tổ và tội nguyên tổ.

          Đọc Thánh Kinh, chúng ta nhận thấy : Vạn vật và loài người trong vũ trụ được Thiên Chúa dựng nên rất tốt đẹp, nhưng chưa hoàn hảo; nghĩa là muôn vật trong vũ trụ đều trong tình trạng đang tiến tới hoàn hảo. Vì thế, khi quỷ dối trá cám dỗ, thì nguyên tổ là Ađam và Evà đã sa ngã.

A- Thánh Kinh đã ghi :

          - “Nó (là con rắn, là Satan) nói với người đàn bà: "Có thật Thiên Chúa bảo : "Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không ?"

          Người đàn bà nói với con rắn : "Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo : Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết."

          Rắn nói với người đàn bà : "Chẳng chết chóc gì đâu ! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác."

          Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân.”  (St 3,1-7)

B- Hội Thánh giải thích như sau :

1) Nguyên tổ đã cố tình phạm tội, bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa

          - “Trình thuật về sự sa ngã (St 3) sử dụng một ngôn ngữ tượng hình, nhưng xác định một biến cố hàng đầu xảy ra vào thời khởi nguyên lịch sử nhân loại (GS l3,l). Mạc khải giúp chúng ta xác tín rằng tất cả lịch sử nhân loại đều mang dấu tích nguyên tội mà nguyên tổ đã cố tình phạm.” (GLCG số 390)

          - “Con người bị ma quỷ cám dỗ, đã đánh mất lòng tín thác vào Đấng Sáng Tạo, và khi lạm dụng sự tự do, con người đã bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa. Đó là tội đầu tiên của con người (Rm 5,l9). Từ đó mọi tội lỗi đều là do bất tuân Thiên Chúa và thiếu tín thác vào lòng nhân hậu của Người.” (GLCG số 397)       2) Nguyên tổ đã lạm dụng tự do Chúa ban.

          Thiên Chúa đã ban cho con người nhiều ân huệ, nhưng có 3 ân huệ đặc biệt làm cho phẩm giá con người trở nên cao quý là : Lương tâm, tình yêu và tự do. Đồng thời Thiên Chúa đã tôn trọng tự do mà Ngài đã ban cho con người.

- “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài và cho họ sống trong tình thân với Người. Là một thụ tạo tinh thần, con người chỉ có thể sống tình thân đó khi tự do tùng phục Thiên Chúa. Điều đó được diễn tả trong lệnh cấm con người ăn trái cây biết lành, biết dữ "vì ngày nào ngươi ăn nó, ngươi sẽ chết" (St 2, l7). "Cây biết lành biết dữ" (St 2, l7) nói lên một cách biểu tượng ranh giới mà con người là thụ tạo không thể vượt qua, nhưng phải tự ý nhìn nhận và tôn trọng với lòng tín thác. Con người tùy thuộc vào Đấng Sáng Tạo, phải tuân theo các định luật tự nhiên và các tiêu chuẩn luân lý qui định việc sử dụng tự do.” (GLCG số 396)

          - Và “Chỉ khi nào nhận biết được ý định của Thiên Chúa về con người, lúc đó người ta mới hiểu tội là lạm dụng sự tự do Chúa ban cho con người được sáng tạo để yêu mến Chúa và yêu mến nhau.” (GLCG số 387)

          3) Nguyên tổ đã kiêu ngạo, muốn nên “như Thiên Chúa.”

- “Trong tội này, con người đã chọn chính mình thay vì Thiên Chúa và do đó đã khinh mạn Thiên Chúa: Con người đã chọn mình bất chấp Thiên Chúa, bất chấp những đòi hỏi của tình trạng thụ tạo và do đó bất chấp cả điều tốt lành cho bản thân. Khi tác thành con người trong tình trạng thánh thiện, Thiên Chúa đã dành sẵn ơn "thần hóa" sung mãn trong vinh quang. Do ma quỷ cám dỗ, con người đã muốn "nên như Thiên Chúa" (St 3,5) mà "không cần Thiên Chúa, qua mặt cả Thiên Chúa, và không theo Thiên Chúa." (GLCG số 398)          

          II. Hậu quả của tội nguyên tổ

          Nguyên tổ đã phạm tội, nên Thiên Chúa đã phạt nguyên tổ phải đau khổ và phải chết, đồng thời mất sự công chính và thánh thiện ban đầu. Án phạt này truyền đến tất cả mọi người sinh ra trên thế gian này.

          A- Thánh Kinh ghi :

          - “Chúa phán với Ađam : "Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: “Ngươi đừng ăn nó,” nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất." (St 3,17-19)

 B-  Hội Thánh trình bày những hậu quả như sau :

1) Mất sự thánh thiện nguyên thủy.

          - ”Kinh Thánh cho thấy những hậu quả bi đát của sự bất tuân đầu tiên đó. A-đam và E-và đã tức khắc đánh mất sự thánh thiện nguyên thủy (Rm 3,23). Họ sợ hãi trước vị Thiên Chúa (St 3,9-l0) mà họ quan niệm cách sai lệch, như một Thiên Chúa ganh tị, sợ mất các đặc quyền của mình.” (St 3,5). (GLCG số 399)

          2) Phá huỷ sự hài hoà với Thiên Chúa, với vạn vật và phải chết.

          - “Trước kia nguyên tổ sống trong sự hài hòa do tình trạng công chính nguyên thủy, nay tội đã phá hủy sự hài hòa đó, làm cho những khả năng điều khiển của linh hồn trên thể xác bị thương tổn (St 3,7); sự kết hợp nam nữ trở nên căng thẳng (St 3,ll-l3); mối quan hệ giữa họ đầy những ham muốn và thống trị (St 3,l6). Sự hài hòa với vạn vật bị phá vỡ : thế giới hữu hình trở nên xa lạ và thù nghịch với con người (St 3,l7-l9). Vì con người, muôn loài đã "lâm vào cảnh hư ảo" (Rm 8, 20). Cuối cùng, hậu quả đã được báo trước rõ ràng cho tội bất tuân, nay thành hiện thực : "Con người là tro bụi sẽ trở về bụi tro" (St 3,l9). Sự chết đã xâm nhập vào lịch sử nhân loại.” (Rm 5,l2) (GLCG số 400)

          3) Cả trần thế bị chìm trong tội lỗi. Huynh đệ tương tàn và lòng người luôn hướng về sự dữ.

          - Từ tội đầu tiên này cả trần thế bị chìm trong tội lỗi: huynh đệ tương tàn, khởi đầu là Ca-in giết A-ben (St 4,3-15); tiếp đến là sự sa đọa của cả loài người; cũng vậy, trong lịch sử Ít-ra-en, tội thường xuyên xuất hiện, nhất là dưới dạng bất trung với Thiên Chúa Giao Ước và sự vi phạm luật Mô-sê; cả sau biến cố cứu độ của Đức Ki-tô, tội xuất hiện dưới nhiều dạng ngay giữa người Ki-tô hữu (1Cr 1-6; Kh 2-3). Thánh Kinh và truyền thống Hội Thánh không ngừng nhắc nhở tội hiện diện khắp nơi trong lịch sử loài người.”

          - “Điều Thiên Chúa mặc khải cho ta biết, cũng được kinh nghiệm của ta xác nhận. Bởi vì nếu nhìn sâu tận đáy lòng, con người cũng khám phá ra mình hướng về sự dữ, và ngụp lặn trong muôn vàn sự dữ là những điều không thể xuất phát từ Đấng Tạo Hóa tốt lành. Nhiều khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguyên uỷ của mình, con người cũng đã phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích tối hậu, đồng thời phá vỡ mọi hòa hợp nơi chính bản thân cũng như đối với những người khác và với mọi loài thụ tạo (GS l3,l).” (GLCG số 401)

          4) Mọi người đều liên lụy với tội A-đam, nên phải chiến đấu không ngừng.

          - “Thánh Phao-lô khẳng định : "Do một người bất tuân, muôn người (nghĩa là mọi người) đã mang tội." (Rm 5,l9): "Cũng như vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi đã gây nên sự chết. Như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội" (Rm l5, l2).

          - Thánh tông đồ đối chiếu tính phổ quát của tội lỗi và sự chết với tính phổ quát của ơn cứu độ trong Đức Ki-tô : "Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được làm cho nên công chính, nghĩa là được sống" (Rm 5,l8). (GLCG số 402)

          - “Hoàn cảnh bi đát của trần thế "nằm dưới ách thống trị của ác thần" (l Ga 5,l9; l Pr 5,8) làm cho cuộc sống con người trở nên một cuộc chiến đấu. Một cuộc chiến cam go chống lại quyền lực bóng tối tiếp diễn suốt trong lịch sử nhân loại; khởi đầu từ lúc khai nguyên và sẽ kéo dài đến ngày cuối cùng như Lời Chúa phán... Dấn thân vào cuộc chiến này, con người phải luôn luôn chiến đấu để gắn bó với sự thiện và chỉ đạt được sự thống nhất nội tâm, sau khi hết sức cố gắng với sự trợ giúp của ơn Chúa (HCMV 37,2 ). (GLCG số 409)        

          III. Năm giai đoạn của đời sống con người.

          Sau khi loài người phạm tội, Thiên Chúa qui định đời sống của loài người phải trải qua 5 giai đoạn như sau :

          (1) Loài người được sinh ra.

          Tất cả mọi người được sinh ra theo quy luật do Thiên Chúa xếp đặt, qua sự cộng tác của cha mẹ ở trần gian. Từ khi người mẹ thụ thai cho đến khi sinh con là 9 tháng 10 ngày.

 (2) Loài người sinh sống.

Người cha, người mẹ, thay quyền Chúa, nuôi con và dạy dỗ con cho đến khi khôn lớn trưởng thành; rồi mỗi người sẽ sống tự lập và lựa chọn bậc sống cho mình : lập gia đình hoặc sống độc thân.

          Mỗi người cũng được tự do lựa chọn lối sống : sống thánh thiện theo Chúa hoặc sống dối trá, gian ác theo ma quỷ.

          Đời sống tự nhiên của loài người ở trần gian kéo dài khoảng 100 năm. 

          (3) Loài người phải chết.

          Tất cả mọi người đều phải chết do hậu quả của tội nguyên tổ. Nhưng mỗi người sẽ chết một cách khác nhau. Người chết già, người chết trẻ. . .

          Chết là linh hồn lìa khỏi thân xác. Linh hồn thì tồn tại, thân xác thì tan rã theo thời gian, chờ đợi ngày Chúa cho sống lại.

          (4) Loài người sẽ sống lại. 

           Đến ngày tận thế, Chúa sẽ cho loài người sống lại, nghĩa là Chúa dùng quyền năng của Ngài biến đổi thân xác tan rã của loài người thành thân xác linh thiêng, để kết hợp lại với linh hồn thành một con người mới.

Loài người sẽ sống lại là niềm tin căn bản của người tin theo Chúa Giêsu. (Đọc thêm : Ga 6,37-40;1 Cr 15,39-44)          

(5) Loài người sẽ sống trường sinh.

          Sau khi sống lại, Thiên Chúa sẽ phán xét loài người. Ngài sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo lời nói và việc làm khi còn sống trên trần gian. Người lành sẽ được Chúa cho huởng hạnh phúc trường sinh trong Nước Trời, còn người dữ sẽ bị Chúa phạt trong Hỏa ngục, phải đau khổ muôn đời. (Mt 25,31-46)                                  

PHẦN HAI

CỦA ĂN NUÔI SỐNG  

          Mặc dầu loài người phạm tội, phải đau khổ và phải chết, nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương, Ngài tiếp tục ban cho loài người của ăn vật chất và hơn nữa, Ngài đã sai Ngôi Hai giáng sinh làm người, là Chúa Giêsu, để ban cho loài người của ăn tinh thần. Nhờ của ăn tinh thần, loài người sẽ sống công chính, thánh thiện, sẽ được hưởng hạnh phúc ngay ở đời này và hạnh phúc trường sinh trong Nước Trời.

          Hội thánh giải thích như sau :

          - Sau khi sa ngã, con người không bị Thiên Chúa bỏ rơi. Ngược lại, Thiên Chúa kêu mời con người và tiên báo cách huyền nhiệm sự dữ sẽ bị đánh bại và con người sa ngã sẽ được nâng dậy. Đoạn này trong sách Sáng Thế được gọi là "Tiền Tin Mừng" vì đó là lời loan báo đầu tiên về Đấng Mê-si-a cứu chuộc, về cuộc chiến đấu giữa con rắn và người nữ và về chiến thắng cuối cùng của một hậu duệ người nữ này. (GLCG số 410) 
          - “Thánh Phao-lô nói : "Ở đâu tội lỗi ngập tràn, ở đấy ân sủng cũng được thông ban dư dật" (Rm 5,20); và Hội Thánh hoan ca khi chúc lành nến Phục Sinh : "Nguyên tội hỡi, tội hoá thành hồng phúc, nhờ có ngươi, ta mới được Đấng Cứu Tinh cao cả dường này" (T.Tôma S.th III,1,3 ad 3). (GLCG số 412)
 

Chương một

THIÊN CHÚA BAN CỦA ĂN VẬT CHẤT 

I. Thiên Chúa tạo dựng của ăn vật chất để nuôi sống thân xác loài người.

          Trước khi dựng nên loài người, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ vạn vật để phục vụ và nuôi sống thân xác loài người. Của ăn vật chất nuôi sống thân xác là: không khí, nước uống và cơm bánh.

1) Sau khi tạo dựng Ađam và Eva, Thiên Chúa ban cho loài người các thảo mộc làm của ăn  :

          - “Thiên Chúa phán: "Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi.” (St 1,29) 

2) Sau cơn Đại Hồng Thủy, Thiên Chúa ban cho gia đình ông Nô-ê các loài sinh vật làm của ăn :

          - “Thiên Chúa ban phúc lành cho ông Nô-ê và các con ông, và Người phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất. Mọi dã thú, mọi chim trời, mọi giống vật bò dưới đất, và mọi cá biển sẽ phải kinh hãi khiếp sợ các ngươi: chúng được trao vào tay các ngươi. Mọi loài di động và có sự sống sẽ là lương thực cho các ngươi; Ta ban cho các ngươi tất cả những thứ đó, cũng như đã ban cỏ xanh tươi.” (St 9,1-3)          

          II. Thiên Chúa tạo dựng các bộ phận trong thân thể con người để tiêu hoá của ăn vật chất.

          Hiện giờ chúng ta đang sống, vì chúng ta đã ăn, uống và hít thở không khí. Chúng ta ăn, uống và hít thở không khí, nhưng chúng ta cũng không điều khiển và biến hoá các yếu tố ấy thành máu huyết, xương thịt hay răng tóc của chúng ta. Nhưng chính Thiên Chúa đã tạo nên các bộ phận trong cơ thể chúng ta. Chúng hoạt động theo quy luật do Ngài xếp đặt và tác động để biến hóa các yếu tố vật chất ấy thành thân xác sống động.

          Như vậy, thân xác chúng ta sống được là nhờ của ăn vật chất do Chúa ban và Ngài xếp đặt tất cả. Nói cách khác, thân xác chúng ta là tổng hợp tất cả các yếu tố vật chất chung quanh. Hơn nữa, chúng ta sống lâu nhất cũng chỉ hơn kém 100 năm.          

          III. Thiên Chúa đã quan phòng tất cả.

          Thiên Chúa là Cha yêu thương, Ngài đã quan phòng và xếp đặt tất cả. Loài người phải tin tưởng tuyệt đối vào Ngài.

          Chúa Giêsu đã dạy:

          - “Thầy bảo cho anh em biết : đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao ?

          . . .

          Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6,24-34)              

Chương hai

THIÊN CHÚA BAN CỦA ĂN TINH THẦN 

          Vì yêu thương loài người, Thiên Chúa không chỉ ban của ăn vật chất để nuôi sống thể xác, mà Ngài còn ban của ăn tinh thần để nuôi đời sống thiêng liêng của loài người. Của ăn tinh thần là : Ơn Chúa, Lời Chúa và Mình Máu Chúa. 

          Chúa Giêsu nói với người Do thái : “Các ông hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát; nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” (Ga 6,27)

          Thật vậy, loài người chúng ta không thể tiến vào Nước Trời để hưởng hạnh phúc trường sinh, nếu không đón nhận của ăn tinh thần do Chúa tặng ban.

          Ngày nay Hội Thánh mời gọi các tín hữu hãy đến tham dự thánh lễ để lãnh nhận của ăn tinh thần, đặc biệt là Mình Máu Thánh Chúa.

          Thật vậy, Thánh lễ là bữa tiệc thánh, bắt nguồn từ bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giêsu và các môn đệ. Trong bữa tiệc này có đủ ba món ăn tinh thần : Đón nhận Ơn Chúa qua các lời nguyện; lắng nghe Lời Chúa qua các bài Thánh Kinh và lãnh nhận Mình Máu Chúa qua việc rước lễ.

          Hội Thánh xác đinh như sau :

          - ”Thánh lễ vừa là lễ tưởng niệm hy tế để lưu truyền muôn đời hy tế thập giá, vừa là bàn tiệc thánh để thông hiệp Mình và Máu Chúa.” (GLCG số 1382)  

          - “Hội Thánh buộc các tín hữu phải tham dự thánh lễ vào các ngày Chúa nhật và lễ trọng.” (GLCG số 1389)         

          I-  ƠN CHÚA

          - Ơn Chúa là “sự trợ giúp nhưng không mà Thiên Chúa ban để chúng ta đáp lại tiếng gọi của Người : trở thành con cái Thiên Chúa (Ga 1,12-18), làm nghĩa tử (Rm 8,14-17), tham dự vào bản tính Thiên Chúa (2 Pr 1, 3-4) và vào sự sống đời đời (Ga 17,3).” (GlCG số 1996)

          - Ơn gọi vào sự sống vĩnh cửu là một ơn siêu nhiên, tùy thuộc hoàn toàn vào sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa, vì chỉ mình Người mới có thể tự mặc khải và tự hiến. Ơn gọi ấy vượt mọi khả năng của trí tuệ và ý chí con người, cũng như của mọi thụ tạo (1 Cr 2,7-9).” (GLCG số 1998)

          Muốn đón nhận Ơn Chúa, chúng ta phải cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích.   

          A. CHÚA BAN ƠN THIÊNG QUA VIỆC CẦU NGUYỆN  

          1. Cầu nguyện với Chúa Cha :

Chúa Giêsu dạy các môn đệ  : “Khi cầu nguyện anh em hãy nói :

          - “Lạy Cha chúng con, ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

          - Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” (Amen)  (Mt 6,9-13)

          Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện tuyệt hảo nhất, vì qua kinh này, chúng ta xin tất cả những gì chúng ta ao ước và còn theo đúng thứ tự của lòng mong ước. (GLCG số 2763, 2541)

Kinh Lạy Cha là bản tóm tắt bốn sách Tin Mừng và cũng là trung tâm điểm của Thánh Kinh. (GLCG 2761-1763) 

          2. Xin Chúa Cha ban Thánh Thần :

          a) Chúa Giêsu dạy các môn đệ : 

          - Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho. Vì thế ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá sao ? Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp ? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người ?”  (Lc 11,9-13)

b) Hội Thánh đã xác định : 

Trong các ơn Chúa ban, ơn quan trọng nhất là ơn Chúa Thánh Thần. Bởi vì, Chúa Thánh Thần là nguồn mọi ân sủng.

- “Ân sủng trước tiên và chính yếu là hồng ân Thánh Thần để công chính hóa và thánh hóa chúng ta. Nhưng ân sủng cũng gồm các hồng ân Chúa Thánh Thần ban để liên kết chúng ta vào công trình của Người, ban cho chúng ta khả năng cộng tác vào công trình cứu độ tha nhân và làm phát triển Thân Thể Chúa Ki-tô là Hội Thánh.” (GLCG số 2003)

          c) Thánh Phaolô đã giải thích :

          - “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người.

          Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ.

          Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.” (1 Cr 12,4-11) 

          B. CHÚA BAN ƠN THIÊNG QUA CÁC BÍ TÍCH

          Chúa Giêsu đã lập các bí tích để ban ơn thiêng liêng cho loài người theo từng giai đoạn đời sống :         

          1. Bí tích Thanh Tẩy.

          Khi lãnh bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được Chúa tẩy rửa mọi tội lỗi; được tái sinh trong Thánh Thần để trở thành con Thiên Chúa; được trở thành phần tử của Hội Thánh, có bổn phận và quyền lợi.   

          Hội Thánh xác định như sau :

          - ”Nhờ bí tích Thanh Tẩy, mọi tội lỗi đều được tha : nguyên tội, mọi tội riêng cũng như mọi hình phạt do tội (DS 1316). Nhng người đã được tái sinh sẽ được vào Nước Thiên Chúa và không còn gì ngăn cản họ, dù là tội A-đam, tội riêng của họ, nhng hậu quả của tội, kể cả hậu quả trầm trọng nhất là xa lìa Thiên Chúa.” (GLCG số 1263)

- ”Bí tích Thanh Tẩy không chỉ rửa sạch mọi tội lỗi, mà còn làm cho người tân tòng trở nên "một thụ tạo mới" (2 Cr 5,17), thành nghĩa tử của Thiên Chúa (Gl 4,5-7), "được thông phần bản tính Thiên Chúa" (2 Pr 1,4), thành chi thể Đức Ki-tô (1Cr 6,15; 12,27) và đồng thừa tự với Người (Rm 8,17), thành đền thờ Chúa Thánh Thần (1Cr 6,19).” (GLCG số 1265)

          - ”Chúa Ba Ngôi Chí Thánh ban cho người được rửa tội ơn thánh hóa, ơn công chính hóa để người đó :  - có khả năng tin tưởng, trông cậy và yêu mến Người nhờ các nhân đức đối thần; - có thể sống và hành động dưới tác động của Chúa Thánh Thần nhờ các hồng ân; - ngày càng hoàn thiện hơn nhờ các nhân đức luân lý.    
          Toàn bộ đời sống siêu nhiên của người Ki-tô hữu đều bắt nguồn từ bí tích Thanh Tẩy. - Tháp nhập vào Hội Thánh là Thân Thể Chúa Ki-tô.” (GLCG số 1266)

- “Nhờ bí tích Thanh Tẩy, họ tham dự vào chức tư tế của Đức Ki-tô, vào sứ mạng ngôn sứ và vương đế của Người. "Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hoàng tộc chuyên lo tế tự, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công vĩ đại của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối vào nơi đầy ánh sáng dịu huyền" (2 Pr 2,9). Bí tích Thanh Tẩy cho các tín hữu tham dự vào chức tư tế cộng đồng của Dân Chúa.(GLCG số 1268)  

- ”Người đã được rửa tội trở thành phần tử của Hội Thánh, họ "không còn thuộc về mình, nhưng thuộc về Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta" (1Cr 6,19). Do đó, họ được mời gọi để phục tùng nhau (Ep 5,21; 1Cr 16, 15-16) và phục vụ nhau (Ga 13,12-15) trong tình hiệp thông của Hội Thánh. Họ được mời gọi vâng lời và phục tùng các vị lãnh đạo của Hội Thánh (Dt 13, 17) với lòng kính trọng và quý mến” (1Tx 5,12-13). (GLCG số 1269)

- “Bí tích Thanh Tẩy đã trao cho người lãnh nhận những trách nhiệm và bổn phận, đồng thời cũng cho họ được hưởng những quyền lợi trong lòng Hội Thánh : được lãnh nhận các bí tích, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và được Hội Thánh nâng đỡ bằng các trợ giúp thiêng liêng.” (GLCG số 1269)

Thánh Phaolô đã viết : 

- Khi lãnh phép Rửa, chúng ta được thông phần với Chúa Giêsu Kitô, để cùng chết và sống lại với Ngài. (Rm 6,1-14; Cl 2,11-13)

          - Khi lãnh phép Rửa, chúng ta được nên công chính, hợp nhất với nhau và hưởng sự sống đời đời. (1 Cr 6,9-11; 12,12-13; Gl 3,23-29; Tt 3,4-7)         

2. Bí tích Thêm Sức. 

          Khi chúng ta lãnh bí tích Thêm Sức, Chúa ban tràn đầy Thánh Thần và ơn sủng của Ngài để chúng ta sống và làm chứng nhân cho Chúa ở mọi nơi mọi lúc. 

          Hội Thánh xác định như sau :

          - Hiệu quả của bí tích Thêm Sức là người tín hữu được nhận Chúa Thánh Thần một cách đặc biệt, như ngày xưa các tông đồ đã nhận được trong ngày lễ Ngũ Tuần. (GLCG số 1302)

- “Bí tích Thêm Sức tăng trưởng và đào sâu ơn bí tích Thánh Tẩy:        
          - giúp chúng ta đi sâu vào tình nghĩa tử thiêng liêng, cho phép chúng ta gọi Thiên Chúa là "Cha" (Rm 8,15);
          - giúp chúng ta kết hợp mật thiết hơn với Chúa Ki-tô; 
          - gia tăng các ơn Chúa Thánh Thần trong chúng ta;  
          - cho chúng ta liên kết trọn vẹn hơn với Hội Thánh.”
(GLCG số 1303)

- "Ấn tích" Thêm Sức kiện toàn chức tư tế cộng đồng cho người tín hữu đã lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy, và "người lãnh bí tích Thêm Sức nhận được sức mạnh để công khai tuyên xưng đức tin vào Chúa Ki-tô như một bổn phận." (GLCG số 1305)            

          3. Bí tích Giao Hoà.

          Khi chúng ta lãnh bí tích Giao Hoà, chúng ta được Chúa tha thứ các tội riêng để chúng ta được trở về với Chúa và Hội Thánh. 

          Hội Thánh xác định như sau :

          - “Mục đích và hiệu quả của bí tích này là giao hòa hối nhân với Thiên Chúa. Ai lãnh nhận bí tích Giao Hòa với lòng thống hối và đạo đức, lương tâm "sẽ được bình an thư thái, được an ủi thiêng liêng" (CĐ Trentô: DS 1674). (GLCG số 1468)

- “Bí tích Giao Hòa thực hiện một "cuộc phục sinh thiêng liêng" đích thực, hoàn lại phẩm giá và những đặc quyền của đời sống con cái Thiên Chúa, nhất là tình bằng hữu với Người (Lc 15,32). (GLCG số 1468)

          - “Bí tích này giao hòa hối nhân với Hội Thánh. Bí tích Giao Hòa tái tạo sự hiệp thông huynh đệ, mà tội lỗi làm tiêu hao hay cắt đứt. Theo nghĩa này, bí tích Giao Hòa không những chữa lành hối nhân vừa được hiệp thông lại với Hội Thánh, mà còn làm cho Hội Thánh thêm sức sống sau khi đã phải đau khổ vì tội lỗi của các chi thể (1Cr 12,26). Tội nhân được Hội Thánh đón nhận lại vào cộng đoàn chư thánh, được liên kết với Hội Thánh và được củng cố nhờ sự trao đổi gia sản thiêng liêng giữa các chi thể sống động của Thân Thể Chúa Ki-tô, dù họ còn đang lữ hành nơi trần thế hay đã về Quê Trời.” (LG 48-50) (GLCG số 1469)

          - "Việc giao hòa với Thiên Chúa còn dẫn tới những sự giao hòa khác là chữa lành các vết thương do tội : khi được tha thứ, hối nhân được giao hòa với chính mình, nhờ đó tìm lại được chính mình; được giao hòa với anh em là những người họ đã xúc phạm và gây thương tổn; được giao hòa với Hội Thánh và vạn vật." (GLCG số 1469) 

          4. Bí tích Xức dầu bệnh nhân.

          Khi chúng ta lãnh bí tích Xức Dầu, chúng ta được Chúa nâng đỡ lòng tin và tha thứ mọi tội lỗi để chúng ta được bình an trong cơn bệnh nặng hoặc gìa yếu. Đồng thời được kết hiệp chặt chẽ hơn với Đức Ki-tô chịu khổ nạn và góp phần thánh hóa Hội Thánh và mưu ích cho mọi người    

          Hội Thánh xác định như sau :

          - “Chúa Thánh Thần ban một ân huệ đặc biệt trong bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Ơn căn bản của bí tích này là ơn sức mạnh, bình an và can đảm để lướt thắng những khó khăn do bệnh tật hay tuổi già. Đây là hồng ân của Chúa Thánh Thần giúp người đau yếu tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, cho họ sức mạnh chống lại cám dỗ của ma quỷ, cám dỗ ngã lòng và sợ chết (Dt 2,15). (GLCG số 1520)

          - “Sự trợ giúp của Chúa nhờ sức mạnh của Thánh Thần sẽ chữa lành linh hồn bệnh nhân, và nếu Chúa muốn thì thể xác cũng được chữa lành. (GLCG số 1520)

- “Ngoài ra,"nếu bệnh nhân đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha." (GLCG số 1520)

 - Thánh Giacôbê đã khuyên tín hữu hãy mời các kỳ mục (linh mục) đến cầu nguyện cho bệnh nhân và xức dầu cho họ để họ được tha thứ các tội. (Gc 5,13-16)

- “Nhờ ân sủng bí tích này, bệnh nhân lãnh nhận sức mạnh và hồng ân kết hiệp chặt chẽ hơn với Đức Ki-tô chịu khổ nạn : có thể nói, họ được thánh hiến để sinh hoa kết trái nhờ đồng hình đồng dạng với Đấng Cứu Thế chịu khổ nạn. Đau khổ, hậu quả của nguyên tội, nhận một ý nghĩa mới : được tham dự vào công trình cứu độ của Đức Giê-su.(GLCG số 1521)

- "Nhờ sẵn sàng kết hiệp với Đức Ki-tô chịu đau khổ và chịu chết khi lãnh nhận bí tích, các bệnh nhân góp phần mưu ích cho dân Thiên Chúa (LG 11). Khi cử hành bí tích này, trong sự hiệp thông của Dân Thánh, Hội Thánh cầu nguyện cho bệnh nhân và bệnh nhân nhờ ân sủng của bí tích, góp phần thánh hóa Hội Thánh và mưu ích cho mọi người : Hội Thánh phải chịu đau khổ và tự hiến cho Chúa Cha, nhờ Chúa Ki-tô, vì mọi người.(GLCG số 1522)

- “Bí tích Xức Dầu hoàn tất điều bí tích Thanh Tẩy đã khởi sự là người tín hữu được đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô chịu chết và sống lại. Bí tích này hoàn tất mọi việc xức dầu thánh, trong suốt cuộc đời người tín hữu : việc xức dầu trong bí tích Thanh Tẩy tuôn tràn sự sống mới trong chúng ta; việc xức dầu trong bí tích Thêm Sức củng cố sức lực chúng ta để chiến đấu giữa cuộc đời; việc xức dầu lần cuối giúp chúng ta an toàn trong cuộc chiến đấu cuối cùng trước khi vào nhà Cha.” (GLCG số 1523)         

          5. Bí tích Truyền chức thánh.

          Chúa trao quyền mục tử cho một số người nam qua bí tích Truyền Chức để họ thay quyền Chúa tiếp tục công cuộc cứu độ.

          Hội Thánh xác định như sau :

          - “Nhờ ân sủng đặc biệt của Chúa Thánh Thần, bí tích này làm cho thụ nhân nên giống Đức Ki-tô để trở thành khí cụ phục vụ Hội Thánh Người. Nhờ chức thánh, các ngài có thể thi hành chức vụ của Đức Ki-tô là Đầu Hội Thánh trong ba nhiệm vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế. (GLCG số 1581)

          - “Như trường hợp bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, việc tham dự vào chức vụ của Đức Ki-tô nhờ bí tích Truyền Chức dù được lãnh nhận một lần ở mỗi cấp. Bí tích Truyền Chức cũng in một ấn tín thiêng liêng vĩnh viễn, nên không thể lãnh nhận nhiều lần hay lãnh nhận tạm thời. (GLCG số 1582)

          - “Ơn riêng Chúa Thánh Thần được ban trong bí tích này làm cho thụ nhân vừa nên giống, vừa nên thừa tác viên của Đức Ki-tô là Thượng Tế, Thầy Dạy và Mục Tử.” (GLCG số 1585)

          - “Tự bản chất, chức tư tế thừa tác khác với chức tư tế cộng đồng, vì ban cho thụ nhân quyền thánh chức để phục vụ các tín hữu. Các thừa tác viên có chức thánh phục vụ dân Chúa qua việc giảng dạy, cử hành Phụng vụ và hướng dẫn Mục vụ.(GLCG số 1592) 

          6. Bí tích Hôn phối.

          Những ai lãnh bí tích Hôn Phối sẽ được Chúa chúc phúc và ban ơn đặc biệt để họ xây dựng gia đình hạnh phúc và góp phần xây dựng thế giới hòa bình.

           Hội Thánh xác định như sau :

          - "Do hôn phối hữu hiệu, giữa vợ chồng phát sinh một mối dây ràng buộc vĩnh viễn và độc nhất tự bản chất. Ngoài ra, trong hôn phối Ki-tô giáo, do một bí tích riêng biệt, vợ chồng được củng cố và như thế được thánh hiến nhằm tới thiên chức và những trách nhiệm của bậc sống." (GLCG số 1638)

- “Chính Thiên Chúa đóng ấn xác nhận lời giao ước qua đó hai người ưng thuận kết hôn, tự hiến cho nhau và đón nhận nhau (Mc 10,9). Từ hôn ước của họ "phát sinh một định chế vững chắc theo ý định của Thiên Chúa và có giá trị trước mặt xã hội" (GS 48,1). Hôn ước được liên kết với giao ước Thiên Chúa ký kết với nhân loại : "Tình yêu vợ chồng đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa." (GS 48,2) (GLCG số 1639)

- "Các đôi vợ chồng Ki-tô giáo được những ơn riêng cho bậc sống của mình trong Dân Chúa" (LG 11). Ân sủng đặc biệt của bí tích Hôn Phối kiện toàn tình yêu vợ chồng, củng cố sự hiệp nhất bất khả phân ly của họ. Nhờ ân sủng này, "họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái." (LG 11; LG 41) (GLCG số 1641)    

II. LỜI CHÚA

          Lời Chúa là của ăn tinh thần cần thiết cho đời sống của linh hồn và tinh thần con người, giống như nước uống cần cho đời sống của thể xác. Vì thế, chúng ta cần phải lắng nghe Lời Chúa hằng ngày.

          Chúa Giêsu đã phán :

- “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Đnl 8,3; Mt 4,4)

          - “Phúc thay kẻ biết lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa.” (Lc 11,28)

Thư gửi tín hữu Do thái đã trình bày :

- “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” (Dt 4,12-13)

          Thiên Chúa phán dạy loài người bằng 2 cách : qua Lương Tâm và qua Thánh Kinh.

1. Lương Tâm là tiếng nói vô hình của Thiên Chúa.

          Thiên Chúa đã ghi khắc trong tâm hồn con người tiếng nói vô hình của Ngài, đó là Lương tâm. Ngài dạy con người phải làm điều lành và tránh xa điều ác.

          - “Lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ."  (HCMV số 16)

- “Lương tâm là sứ giả của Đấng nói với chúng ta sau một bức màn, dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta, trong thế giới tự nhiên cũng như trong thế giới ân sủng.” (GLCG số 1778)

Nhưng sau khi nguyên tổ phạm tội, tinh thần loài người trở nên yếu đuối và Lương tâm dễ bị sai lầm, có khi trở nên mù quáng do tác động của ma qủy. Vì thế, Lương tâm loài người cần phải được thanh tẩy nhờ phép Rửa và Máu Chúa Giêsu Kitô.

          - “Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.” (1 Pr 3,21)

          - “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.” (Dt 9,13-14)

          2. Thánh Kinh là tiếng nói hữu hình của Thiên Chúa.

          Để bổ túc cho tiếng nói qua lương tâm, Thiên Chúa đã dùng các tổ phụ, các ngôn sứ, các tông đồ  và nhất là qua Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, để truyền dạy loài người các chân lý một cách đầy đủ và chính xác.

- “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. (Dt 1,1-2)

Những chân lý Thiên Chúa truyền dạy đã được ghi chép trong Thánh Kinh. Thánh Kinh gồm 73 quyển chia làm 2 phần : Cựu Ước 46 quyển và Tân Ước 27 quyển. Ngày nay Thánh Kinh (trọn bộ hoặc từng phần) đã được dịch ra 2454 ngôn ngữ khác nhau và phổ biến khắp nơi trên thế giới.

Thánh Phaolô viết :

          - “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.” (2 Tm 3,16-17; Rm 15,4)

          Vì vậy bất cứ ai muốn trở thành người công chính, được Chúa chúc phúc và hưởng sự sống muôn đời trong Nước Trời, thì phải thường xuyên lắng nghe và thực hành Lời Chúa. (Mt 7,21-27; Lc 8,19-21; 10,38-42; 11,27-28; Ga 5,24; 8,31.47.51; 12,47-48; 14,23-24; 15,3.7-17; Gc 1,25; 1 Pr 1,22-25)

          Hội Thánh dạy rằng :

          - “Hội Thánh luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng vụ, Hội Thánh không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu.

          Cùng với Thánh Truyền, Thánh Kinh đã và đang được Hội Thánh xem như là qui luật tối cao hướng dẫn đức tin, được Thiên Chúa linh hứng và đã được ghi chép một lần cho muôn đời.

          Thánh Kinh phân phát cách bất di bất dịch lời của chính Chúa và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các ngôn sứ và các tông đồ.

          Bởi vậy, mọi lời rao giảng trong Hội Thánh cũng như chính đạo thánh Chúa Kitô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn.

          Thực thế, trong các Sách Thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến gặp gỡ con cái mình, và ngỏ lời với họ.

          Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Hội Thánh; ban sức mạnh đức tin cho con cái Hội Thánh; là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Hội Thánh.

          Bởi thế, lời nói sau đây thật xứng hợp cho Thánh Kinh: “Thật vậy, Lời Thiên Chúa sống động và linh nghiệm” (Dt 4,12) “có khả năng gây dựng và ban gia tài cho mọi người đã được thánh hoá.” (Cv 20,32; 1 Tx 2,13) (MK số 21) 

        III. MÌNH MÁU CHÚA

          Vì yêu thương loài người yếu hèn và vì nhu cầu nuôi dưỡng đời sống trường sinh của loài người, Ngài đã trở thành của ăn thiêng liêng cho bất cứ ai tin nhận Ngài; cũng như Chúa đã biến hoá thịt, máu nơi người mẹ thành dòng sữa để nuôi con khi mới sinh.

          1. Chúa Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống.

          Trong thời gian rao giảng về Nước Trời, Chúa Giêsu đã nói với người Do Thái :

          -“Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."

          -"Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.

          - “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.

          - “Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời." (Ga 6,48-59) 

          Các tông đồ và một số môn đệ tin Lời Chúa nói; còn người Do thái và một số môn đệ khác không tin. (Ga 6,60-66)

          2. Chúa Giêsu lập bí tích Thánh thể :

 Trong bữa tiệc cuối cùng với các tông đồ và môn đệ, Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh thể. Ngài đã cụ thể hoá tình yêu thương chia sẻ và sự hiện diện đích thật của Ngài :

          - “Cũng trong bữa ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói :

          "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy." Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói:

          "Tất cả anh em hãy uống chén này, đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26,26-29; Mc 14,22-25; Lc 22,14-20; 1 Cr 11,23-25) 

          3. Hội Thánh ngày nay đã xác định như sau :

          - “Như của ăn vật chất phục hồi sức lực đã tiêu hao, bí tích Thánh Thể củng cố đức mến mà trong đời sống hằng ngày có xu hướng suy yếu đi.” (GLCG số 1394)

          - “Như của ăn vật chất mang lại sự sống cho thân xác thế nào, việc rước lễ cũng đem lại sự sống kỳ diệu cho đời sống thiêng liêng như vậy.” (GLCG số 1392)

          - Chúa khẩn thiết kêu mời chúng ta đón rước Người trong bí tích Thánh Thể: "Thật, Tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình" (Ga 6,53). (GLCG số 1384)

          - "Thánh Thể là lương thực hằng ngày của chúng ta. Đặc tính của lương thực thần thiêng này là sức mạnh hiệp nhất : hiệp nhất chúng ta với Thân Thể Đấng Cứu Độ và làm cho chúng ta trở nên chi thể Người, để chúng ta trở thành Thân Thể của Đấng chúng ta lãnh nhận... Lương thực hằng ngày cũng được ban trong các bài đọc chúng ta nghe mọi ngày ở nhà thờ, trong các thánh thi chúng ta nghe và hát. Tất cả đều cần thiết cho chúng ta trên đường lữ hành" (T. Âu-tinh).

          - "Cha Trên Trời khuyến khích chúng ta là con cái Nước Trời hãy xin Bánh Bởi Trời (Ga 6,51). Đức Ki-tô là tấm bánh : Thiên Chúa gieo trong lòng Đức Trinh Nữ, cho lớn lên trong xác phàm, nhào nắn trong cuộc Khổ Nạn, nướng trong mộ đá, cất giữ trong Hội Thánh, dọn ra trên các bàn thờ, và mọi ngày cung cấp cho các tín hữu làm lương thực trường sinh" (T. Phê-rô Kim Ngôn 71). (GLCG số 2837)

CẦU CHÚC MỌI NGƯỜI THƯỜNG XUYÊN ĐÓN NHẬN CỦA ĂN TINH THẦN ĐỂ ĐƯỢC SỐNG TRƯỜNG SINH.  

Lm. Giuse Hoàng Kim Đại

Tác giả: Lm. Giuse Hoàng Kim Đại

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!