Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
Bài Viết Của
Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
CHIÊM NGƯỠNG DIỆN MẠO CHÚA KITO TRÊN THẬP GIÁ
NIỀM TIN, THỬ THÁCH VÀ HY VỌNG (CHÚA NHẬT 2B MÙA CHAY)
SA MẠC TỘI LỖI
LỄ TRO VÀ MÙA CHAY THÁNH
THẾ NÀO LÀ ĂN MÌNH THÁNH VÀ UỐNG MÁU THÁNH CHÚA
LỜI NGUYỆN CỦA CHÚA GIÊSU TRƯỚC GIỜ TẠM BIỆT
THIÊN CHÚA BA NGÔI
GIÓ VÀ LỬA LÀ BIỂU TƯỢNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
CHÚA THÁNH THẦN LÀ TRẠNG SƯ BIỆN HỘ
TA LÀ ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG
CHÚA CHIÊN LÀNH VÀ ƠN CỨU CHUỘC
CON ĐƯỜNG EMMAUS VÀ NIỀM TIN CHÚA GIESU PHỤC SINH
CUỘC SỐNG NGƯỜI KITO HỮU
NHÌN MÀ KHÔNG THẤY..... ĐỨC GIÊSU ĐẾN TỪ THIÊN CHÚA
NƯỚC HẰNG SỐNG
CHÚA GIESU BIẾN HÌNH & Ý NGHĨA SỰ VIỆC
HÃY YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
TA ĐẾN ĐỂ KIỆN TOÀN LUẬT, KHÔNG PHẢI ĐỂ PHÁ HỦY
CHÚA GIESU VÀ ÁNH SÁNG ISAIAH (Tết Quý Mão 2023)
LỄ HIỂN LINH
MARIA MẸ THIÊN CHÚA
LỄ THÁNH GIA Chúa GIESU, Mẹ MARIA và Thánh GIUSE
THIÊN CHÚA SINH RA ĐỜI (Lễ Giáng Sinh-Bình Minh)
CHÚA SINH RA ĐỜI - Lễ Đêm
THIÊN CHÚA XUỐNG THẾ LÀM NGƯỜI (LỄ GIÁNG SINH-Lễ Ban Ngày)
LỊCH SỬ MÙA VỌNG
CHÚA GIESU MANG BẤT HÒA ĐẾN THẾ GIAN
ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
HÃY GIỮ VỮNG NIỀM TIN
PHẢN ỨNG CỦA TGM NAUMANN VỀ VIỆC ĐGH FRANCIS CHO BIDEN VÀ PELOSI RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
MỘT TRƯỜNG TRUNG HOC Ở WORCESTER, HOA KỲ BỊ MẤT DANH HIỆU CÔNG GIÁO
AI LÀ NGƯỜI ANH EM TÔI?
PHƯƠNG CÁCH MỤC VỤ CỦA CHÚA GIÊSU
ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÀ MÔN ĐỆ CHÚA GIESU
THIÊN CHÚA BA NGÔI
CHÚA VỀ TRỜI CHÚNG TA CÓ TƯƠNG LAI
ĐỨC TGM CORDILEONE CẤM CHỦ TỊCH QUỐC HỘI HOA KỲ PELOSI RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
ĐỂ NHỚ ĐẾN TA
ĐỨC GIESU PHỤC SINH VÀ BIẾN CỐ LỊCH SỬ
MỘT HY SINH VĨ ĐẠI VÀ CAO CẢ NHẤT
HÃY CHÈO THUYỀN RA CHỖ NƯỚC SÂU VÀ THẢ LƯỚI

CHÚA NHẬT V C THƯỜNG NIÊN

Is 6:1-2a,3-8; 1Cr 15:1-11/15:3-8,11; Lc 5:1-11

                                                  Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD 


      Sóng nước, gió bão, biển cả, tầu thuyền, cá, núi đồi, lửa…là những biểu tượng có nhiều ý nghĩa rất phong phú trong Kito giáo. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta khá nhiều hình ảnh rất tượng hình ấy. Chúa Giêsu đi trên mặt nước, gió bão sóng biển phải yên lặng, ông Simon Phêrô lưới được nhiều cá một cách lạ thường, đã là những biểu tượng mang nhiều ý nghĩa cần phải suy nghĩ.

 

BIỂN GALILEE, ĐỊA BÀN HOẠT ĐỘNG CỦA CHÚA GIÊSU 

Biển Galilee là một hồ nước ngọt dài khoảng 12 dậm, rộng khoảng 6 dậm. Mặt hồ thấp hơn mực biển chừng 685 bộ và sâu khoảng 200 bộ. Đánh cá vẫn là một kỹ nghệ quan trọng ở nơi này. Biển có núi đồi bao quanh tứ phía.  Khí hậu rất khác biệt giữa những đỉnh đồi cao và mực nước thấp nên thường xẩy ra những trận bão dữ dội bất ngờ. Khối nước này được nói ở câu 11 đoạn 34 trong sách Dân Số ám chỉ biển Kinnereth mà tiếng Do Thái là “kinnor” nghĩa là cây đàn thụ cầm nhỏ.“ Từ Shepham, biên giới chạy xuống Riblah, phiá  Đông của Ain, rồi lại chảy xuống nữa và chạm vào bờ biển Kinnereth ở hướng Đông”(Ds 34:11). Trong Tân Ước khi nói biển Kinnereth là ám chỉ cả ba hồ Genesereth, Tiberias và Galilee. Chúa Giêsu thường thuyết giảng quanh vùng bờ biển này.[1]

Theo thánh Mathiêu, Maccô và Luca thì Chúa Giêsu đã kêu gọi những môn đệ đầu tiên là dân thuyền chài ở trên biển hồ Galilee này. Đây là địa danh thiên nhiên ngăn cách giữa Do Thái ở phía Tây và dân ngoại ở phía Đông. Theo Maccô thì chúa Giêsu đả qua lại biển Gallilee này nhiều lần bằng thuyền. Do đó biển Galilee đã trở thành nhịp cầu duyên nghĩa giữa Do Thái và dân ngoại qua những giảng huấn và phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu.

Trong Tân Ước, biển là biểu tượng hoán cải, trở lại, cải tà qui chính. Trên biển, không có gì là phẳng lặng bình thường mà luôn luôn có những bất ngờ, kỳ diệu hoặc rất khó khăn nguy hiểm xẩy ra. Có những phép lạ rất cảm động, rất bi hùng đã được Chúa Giêsu làm trên biển Galilee. Thánh Mac cô kể chuyện Chúa Giêsu khiến sóng gió, bão biển đang quay cuồng dữ tợn phải yên lặng (Mc 4: 35-39). Marco cũng tả Chúa Giêsu đi trên mặt nước ở biển này để các môn đệ biết Người là ai. “…Chính Ta đây…” (Mc 6:45-50) Tin Mừng Gioan đoạn 21 cho thấy Phêrô đã biến đổi tâm thức rất rõ ràng và cấp kỳ khi ông tuyên xưng niềm tin của ông với Chúa sau bữa ăn sáng trên bờ hồ Tiberias và Chúa đã đặt hết tin tưởng của Người nơi ông là kẻ tội lỗi nhưng biết ăn năn thống hối (Ga. Đoạn 21). Lúc này là lúc Chúa đã làm một phép lạ phi thường trước mặt các môn đệ.

 

CHẤP NHẬN CHÚA GIÊSU VÀ ĐI THEO NGƯỜI

Câu chuyện thánh Luca kể việc Chúa chọn các môn đệ (Lc 5: 1-11) đã lấy từ Mac Co (Mc 1:16-20) và kể ra ngay sau khi Chúa xuất hiện ở Galilee. Vì thế Luca đã làm nổi bật sự tương phản giữa thái độ Simon chấp nhận Chúa một cách nồng nhiệt và thái độ từ chối Chúa của dân thành Nazareth.

Vì nhiều biến cố liên quan đến uy quyền của Chúa Giêsu đã được kể trước rồi nên Luca tạo ra câu chuyện này có lẽ để cho phù hợp với việc ông Simon và bạn bè ông chấp nhận đi theo Chúa. Chúng ta cũng thấy câu chuyện lưới được nhiều cá một cách kỳ diệu do Luca kể ở đoạn 5 và đoạn 4 na ná giống chuyện Chúa hiện ra sau khi sống lại do Gioan kể  (Ga 21:1-11).

Theo Luca thì câu chuyện xẩy ra sau khi Chúa sống lại là bản gốc. Trong Luca 4:8, Simon tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa[2] và tự nhận mình là kẻ tội lỗi. Vì thế biến cố đó ám chỉ Phêrô sau này sẽ là người lãnh đạo như trong Công vụ Tông Đồ nói (Lc 6:14; 9:20; 22:31-32; 24:34;Cv1:15;2:14-40;10:11-18;15:7-12) và là hình ảnh chàng đánh cá thành công (Cv 2:41).

 

CHÈO THUYỀN  RA CHỖ NƯỚC SÂU MÀ THẢ LƯỚI

Vì dân chúng đến nghe quá đông nên họ chen lấn nhau để được đến gần Chúa cho dễ nghe. Chúa đã bước lên thuyền của Phêro rồi biểu ông chèo ra xa bờ để Chúa giảng. Khi giảng xong, Người nói với Phêrô đưa thuyền ra xa chỗ nước sâu và thả lưới. Simon ái ngại: “Thưa Thầy, chúng tôi cực nhọc suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào”. Đây là những lời tỏ vẻ chán nản của một người đầy kinh nghiệm về biển đã biết trước những thất bại nếu làm theo như vậy. Nhưng vì lúc đó con người Galilee này có cái gì đặc biệt khiến ông Simon phải nghe theo.

Dù cực nhọc suốt đêm chẳng bắt được gì, nhưng Simon vẫn theo ý Chúa và thả lưới ở chỗ nước sâu mong Chúa làm phép lạ. Simon quả đã đưọc Chúa Giêsu kêu gọi đích danh tham gia vào quyền bính của Chúa, và thử thách đó đã trở thành nền tảng của lời Chúa hứa với ông. Simon ý thức được mình tội lỗi và bất xứng nên đã có phản ứng phủ phục quì gối trước mặt Chúa, nhưng Chúa xác quyết lại với ông là ông sẽ giữ trọng trách thu góp muôn dân vào một vương quốc như Chúa đã nói. Với tư cách người đánh cá, ông sẽ thu góp mọi loại cá vào lưới của mình.

Quả nhiên Chúa đã làm phép lạCả một đàn cá đã lọt lưới nhiều vô cùng khiến thuyền gần chìm, lưới muốn rách. Trước cảnh kỳ diệu ấy Phêro kinh hãi quì gối trước mặt Chúa: “ Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa tôi, vì tôi là kẻ có tội”(Lc 5:8).  

 Nhưng Chúa Giêsu xác quyết với ông: “Simon, đừng sợ, kể từ nay ngươi sẽ là kẻ bắt cá người, Ta sẽ không đi xa lìa ngươi đâu. Ta biết quá khứ của ngươi, nhưng cái đó không quan hệ đối với ta. Ta cần tay chân của ngươi, trái tim ngươi và cả mạng sống của ngươi nữa. Ta ban HY VỌNG cho ngươi! Ta tung lưới của ta thật rộng, và ngươi chính là con cá lớn nhất mà ta bắt được. Hãy coi, lưới muốn rách, thuyền muốn chìm như thế nào. Ngươi đã từng làm việc cực nhọc nhiều năm mà không hy vọng. Bây giờ hãy đến làm việc với ta, hãy chia sẻ bản thân ngươi với ta. Ta sẽ chỉ dạy cho ngươi cách đi trên mặt nước, tung lưới Ánh Sáng vào Nước trên vực sâu. Đừng sợ, vì ta luôn luôn ở bên cạnh ngươi.”

 

TIẾNG GỌI THÔI THÚC LÊN ĐƯỜNG

 Maccô và Mathieu diễn tả quang cảnh các ông ngư phủ bỏ lưới, bỏ thuyền, bỏ cả cha mẹ để theo chúa Giêsu (Mc 1:16-20; Mt 4:18-22). Luca thì nói rõ họ bỏ lại tất cả mọi sự (Lc 5:28; 12::33; 14:33; 18:22), nghĩa là hoàn toàn thoát ly khỏi mọi của cải vật chất, tư hữu. Làm môn đệ đòi hỏi phải có ơn gọi, một ơn gọi đầy quyền lực luôn luôn thôi thúc mình đi theo cuộc sống mới, xa cách những gì gọi là tầm thường, đều đặn, buồn tẻ hàng ngày, bỏ đi tất cả những gì làm mình chán nản, thối chí, thất bại và vô vọng để nhắm vào mục đích mới.

Chính Chúa Giêsu lúc đó đã kêu gọi các ngư phủ trở thành những kẻ đánh cá người, tham gia vào cuộc tranh đấu mới, vật lộn với sóng nước biển cả. Biển chính là suối nguồn cuộc sống, thức ăn của họ nhưng cũng là một mầu nhiệm, một đe dọa nguy hiểm và xáo trộn; biển này có thể lấy đi mạng sống của họ một cách dễ dàng, nhưng cũng nuôi dưỡng họ một cách phong phú và làm hưng phấn cuộc sống của họ.

 

TẤT CẢ LÀ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA

Chúa Giêsu bước lên thuyền của ông Simon để rao giảng. Con thuyền thánh Phêrô này là Giáo Hội, từ đó Chúa tiếp tục rao giảng cho toàn thể thế giới. Có những thời đại trong lịch sử Giáo Hội, và ngay cả thời đại của chúng ta hiện nay, ánh sáng Chúa Thánh Thần -từng ở khắp mọi nơi- nhưng lại có vẻ như đã bị tắt và Chúa Giêsu cũng không còn ở trên thuyền với chúng ta nữa.

 Nhưng bình tâm nhận thức, chúng ta sẽ thấy lửa đó thực ra không bao giờ tắt và sự hiện diện của Chúa cũng không bao giờ mất. Giáo Hội vẫn tiếp tục đi, tiếp tục cứu các linh hồn và hành trình đi về bến. Trong hào quang diễm phúc đó, ở bên kia biển cả của cuộc sống, tất cả những gì ở thế giới này hiện đang đe dọa Giáo Hội Chúa rồi cũng sẽ qua đi vĩnh viễn mà thôi.

 Tất cả chúng ta cùng ở trên con thuyền đó với Chúa. Chúng ta tin là Chúa đang chỉ đường cho chúng ta đi tới đích bằng an, và nuôi dưỡng hồn ta trên suốt đoạn đường dương thế này. Dĩ nhiên có những lúc chúng ta cũng sẽ gặp khó khăn trở ngại, thả lưới suốt ngày đêm mà chẳng bắt được con cá nào.

 Trong những lúc như vậy, chúng ta phải biết lắng nghe tiếng Chúa, như Phêrô đã nghe Chúa thả lưới xuống vùng nước sâu. Để cho niềm tin được tôi luyện, không phải là tuyên xưng hay không, mà là chứng tỏ ta có can đảm sẵn sàng làm một cái gì đó hay không. Tóm lại không chỉ nói mà phải làm.

 Chúng ta không dương buồn kiểu tầu Noah hay Titanic. Chúng ta ở trên mặt nước với Chúa Giêsu. Thầy Luis de León, một văn sĩ người Y Pha Nho chuyên viết chuyện thần bí ở thế kỷ 16 đã viết: “Bạn càng lái thuyền đi theo Chúa, bạn càng khám phá ra nhiều biển lạ”. Thiên Chúa không từ bỏ những ai thèm khát lòng thương sót và sự tha thứ của Chúa. Người bước đi trên mặt nước. Người khiến cho gió bão phải yên lặng. Người hướng dẫn tàu bè an bình  đi tới bến và mang theo với Người những con cá lớn, làm bữa tiệc linh đình, và mời gọi tất cả chúng ta đến tham dự.

Mình và Máu Thánh Chúa là bữa tiệc hàng ngày, là của ăn đời đời của chúng ta. 

 

ĐÔI LỜI KẾT: ÍT CÂU HỎI ĐỂ SUY NIỆM

.Những giây phút hoán cải của bạn là những giây phút nào?

.Bạn có nghĩ là đã có lúc bạn được Chúa gọi làm môn đệ của Chúa không?

.Những kinh nghiệm cá nhân nào đã là khí cụ giúp cho niềm tin của bạn trở nên mạnh mẽ?

.Bạn có thể nhìn thấy bạn qua hình ảnh của các môn đệ trên mặt biển không?

.Có thể là môn đệ Chúa Giêsu mà vẫn có những yếu đuối và thất bại không?

 

Lời Nguyện

       Tôi khẩn cầu Thiên Chúa của đời tôi…

       Ban cho tôi thả lưới đến cuối cuộc đời.

       Và khi mẻ lưới chót cùng tới,

       Tôi thành khẩn cầu xin Chúa,

       Trong mẻ lưới lớn Người ban,

       Cho tôi yên ngủ trong bình an.

       Với tình yêu Chúa hải hà ,

       Xin Người phán xét tôi,

       ….nâng đỡ cho tôi vào nhà Chúa. Amen.

 

Fleming Island, Florida

Jan.  2019


[1] Biển Hồ Galilee: Không hiểu sao lại gọi là biển, vì nước ở đây không mặn như nước biển mà ngọt. Vì thế sau này người ta gọi là Biển Hồ Galilee.  Hiện nay mực nước của hồ này xuống ngày càng thấp. Nhà nước đã giới hạn dùng nước của hồ này.

[2] Danh hiệu chỉ Chúa Giêsu sau khi Người sống lại từ cõi chết (Lc 24:34 và Cv 2:36) mà chúng ta đọc thấy trong hành trình lịch sử sứ vụ của Chúa Giêsu

Tác giả: Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!