Quý độc giả Ephata và Công Giáo Việt Nam thân mến,
Một lần cách đây không lâu, khi có dịp bay từ miền Tây Nam chéo sang phía Đông Bắc Hoa Kỳ, đến chơi tiểu bang Virginia, mấy người bạn cũ trong Nhóm Mai Khôi đưa chúng tôi đi thăm một bảo tàng khổng lồ dành cho báo chí nằm ngay khu trung tâm thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Người ta chơi ghép chữ thật gọn mà bóng bảy: Newseum.
Chúng tôi đã phải dành trọn cả một ngày từ sáng đến chiều mới tạm coi là đi hết các khu vực triển lãm, chứ thật ra chưa đi sâu, chưa đi cho trọn vẹn để cảm nhận tới nơi tới chốn về lãnh vực báo chí truyền thông của thế giới nói chung, của nước Mỹ nói riêng.
Những ngày này, Tin Mừng của Thánh Gioan liên tiếp và lập đi lập lại nhiều lần, nhắc cho chúng ta nhận thức và dẫn chúng ta vào tận cái cốt cái lõi, cái tinh cái hoa của Đạo Giêsu, đó là lẽ Yêu Thương, là luật Yêu Thương và cũng là lời mời gọi hãy Yêu Thương. Ngồi soạn bài chia sẻ và viết những dòng này, chúng tôi chợt nhớ lại một trong những ấn tượng thấm thía đã gặp được ở Viện Bảo Tàng Báo Chí vừa nêu ở trên: đó là câu chuyện về anh Kevin Carter được kể ở gian triển lãm các bức ảnh báo chí lừng danh thế giới đoạt giải Pulitzer ( Pulitzer Prize Photographs ).
Năm 1993, Kevin Carter là một phóng viên còn trẻ, năng nổ, có tài, chuyên săn ảnh cho một nhật báo nước Nam Phi. Trong một chuyến đi đến vùng đang xảy ra nạn đói, anh bắt gặp một bé gái người Sudan đang cố gắng lết về hướng một trung tâm cứu trợ. Giữa cái hoang vắng của đồng khô cỏ cháy, có hai đốm màu nâu đen nổi bật lên: ngoài bé gái khoảng 5 tuổi, gần đó, phía sau, một con kên kên đang so vai đứng bất động, kiên nhẫn chờ đợi con mồi. Bé gái đói lắm mà con kên kên cũng đói lắm. Bé gái còn phải tiếp tục lết đi cả mấy trăm thước nữa mới tìm được cái ăn. Con kên kên thì miếng mồi ngon ở ngay trước mặt, chỉ cách vỏn vẹn có 5 mét. Chỉ còn chờ bé gái kiệt sức, không nhích thêm được nữa, gục xuống, con kên kên sẽ có một bữa no. Một cuộc đấu tranh sinh tồn !
Kevin đưa máy lên chụp. Linh cảm nghề nghiệp cho anh đánh hơi thấy đây sẽ là một bức ảnh gây chấn động thế giới, anh nhanh chóng tìm phương tiện về lại toà soạn ở thủ đô Johannesburg, tráng cuộn phim. Ngay hôm sau, các nhật báo lớn như The New York Times, The Mail & Guardian tung bức ảnh lên trang nhất. Đúng là một quả bom tấn ! Kevin thật xứng đáng nhận lấy giải thưởng Pulitzer năm 1994 dành cho ảnh báo chí, tuy nhiên cùng lúc anh cũng nhận lấy những lời phán xét của công luận.
Bé gái người Sudan khốn khổ ấy cuối cùng có về được đến trung tâm cứu trợ hay gục chết ? Kevin khăng khẳng bảo là bé không chết đâu, bé đã được cứu. Nhưng các bạn đồng nghiệp, dư luận quần chúng và cả chính lương tâm anh vẫn cứ cật vấn anh gay gắt: hôm ấy anh đã làm gì cho bé ?
Vâng, Kevin đã chụp được ảnh bé và nhờ vậy, toàn thế giới được đánh động để nỗ lực cứu lấy một Châu Phi đang chịu thảm hoạ chết đói. Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một phóng viên ảnh chuyên nghiệp, bức ảnh đã là một thông điệp cứu rỗi cho biết bao số phận con người. Thế nhưng, còn bổn phận của lương tâm một con người thì sao ? Chỉ còn thiếu một vòng tay của yêu thương, đơn giản, bình dị, có thể làm được ngay cho số phận một sinh mạng bé bỏng thoi thóp, thế mà...
Nhiều ngày tháng dày vò ân hận sau đó, Kevin cố gắng tự bào chữa biện hộ là người ta đã cảnh báo: đừng có đụng đến những nạn nhân sắp chết đói, thân mình họ đầy những vi trùng nguy hiểm có thể lây lan nhiễm dịch cho nhiều người khác, hãy để công việc tiếp cứu cho các nhân viên y tế chuyên nghiệp và được trang bị cẩn thận. Thế nhưng Kevin vẫn không thoát được tiếng nói của lương tâm, anh làm mọi cách nhưng cuối cùng vẫn rơi vào những cơn khủng hoảng trầm cảm.
Ngày 27.7.1994, Kevin tự tử, cảnh sát tìm thấy anh đã chết trong một căn phòng đầy khí độc...
Câu chuyện đã khép lại mà không có happy ending cho bản thân Kevin Carter ở tuổi 33. Bao nhiêu người đã cật vấn Kevin, và Kevin đã ngã quỵ vì kiệt sức, Kevin đã không lết được đến nơi cứu trợ như bé gái anh đã chụp ảnh. Con kên kên của dư luận khắc nghiệp cuối cùng đã chộp được Kevin.
Và đến phiên những lời cật vấn dành cho chính dư luận, cho chính xã hội, cho chính mỗi người chúng ta: Trong khi Kevin cô đơn và khủng hoảng, bạn và tôi, chúng ta đã ở đâu ? Sao không thấy một cái hích vai ngay cạnh bên để đồng cảm ủi an ? Sao không thấy một vòng tay ôm bao dung tha thứ của bè bạn ? Sao không thấy một ai tìm đến với Kevin, đâu rồi một Linh Mục, một Nữ Tu chẳng hạn, chí ít cũng là một đồng nghiệp theo Đạo của Giêsu ?
Cuộc sống quanh ta không chỉ có một bé gái người Sudan của Châu Phi sắp chết đói. Cuộc sống quanh ta cũng không chỉ có một Kevin Carter bị dồn vào đường cùng...
“Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” ( Ga 15, 12 )
Lm. LÊ QUANG UY, DCCT, Chúa Nhật 17.5.2009