Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Lê Quang Uy, DCCT
Bài Viết Của
Lm. Lê Quang Uy, DCCT
CHUYỆN BÉ ĐẶNG MAI SƯƠNG ĐÌNH
"NHƯ GÀ MẸ Ủ ẤP CON DƯỚI CÁNH…"
700 SỐ BÁO – 700 HẠT MẦM NỞ HOA
CỨU TRỢ BÀ CON MIỀN TRUNG ĐANG CHỊU THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG
DỌN NHÀ, DỌN LÒNG…
KHÓA "VUI SỐNG TIN MỪNG"
ĐẦU NĂM MỪNG TUỔI… “NHÓM TOBIA”
THÔNG BÁO GHI DANH KHÓA GIÁO LÝ HÔN NHÂN AGAPE 26 CỦA TRUNG TÂM MỤC VỤ DCCT
MỜI GỌI GHI DANH THEO KHÓA KỂ CHUYỆN GIÁO LÝ TỔ CHỨC TẠI TRUNG TÂM MỤC VỤ DCCT
MỤC TỬ NHƯ LÒNG… DÂN MONG ƯỚC !
TẠI SAO NGƯỜI TA LẠI... ?
MẸ HẰNG CỨU GIÚP, XIN CỨU GIÚP CHÚNG CON
LỜI TUYÊN TÍN VÀO CHÚA GIÊSU CỨU THẾ
LỄ CHÚA CỨU THẾ - TIN HOẶC KHÔNG TIN
“TRÁNH QUA BÊN KIA MÀ ĐI...”
NẺO ĐƯỜNG HỒN NHIÊN CỦA TIN MỪNG ( Kỳ 12 ): Tờ lịch Tin Mừng
“TRỜI HÀNH CƠN LỤT MỖI NĂM…”
CẦU SIÊU, CẦU AN, VÀ CẦU NGUYỆN NỮA !
“HỠI ÔI, BÀ LÀ CHÚA BÀU CHÚNG CON…”
PHÉP LẠ “BÌNH AN HÓA NHIỀU” CHO TAM TÒA, CHO CẢ HỘI THÁNH VIỆT NAM
ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA, KHÔNG CÓ GÌ LÀ KHÔNG THỂ LÀM ĐƯỢC !”
VÌ TÔI LÀ LINH MỤC…
MÓN NỢ KHỔNG LỒ VÀ KINH KHỦNG VỚI CÁC THAI NHI
NGÀY GHI ƠN BỐ – FATHER’S DAY
CUỘC “TRƯỜNG CHINH” BẢO VỆ SỰ SỐNG
“THÁNH THẦN, KHẤN XIN NGỰ ĐẾN...”
“CÓ CHÚA CÙNG HOẠT ĐỘNG VỚI...”
“YÊU NHƯ THẦY YÊU...”
CHÚA LÀ CÂY - CON LÀ CÀNH - CHÚA LÀ BIỂN XANH - CON LÀ DÒNG SUỐI NHỎ
“TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI, VÀ CHIÊN CỦA TÔI BIẾT TÔI”
“HÃY CỨU LẤY TÂY NGUYÊN KHỎI THẢM HOẠ BAUXITE ĐỎ”
DÒNG SÔNG DÀI, BÊN LỞ BÊN BỒI...
“CON KIẾN MÀ KIỆN CỦ KHOAI !”
“XIN CHO CHÚNG CON HẰNG NGÀY... THẤT NGHIỆP !”
NHỚ “CỤ HỒNG” CỦA CHÚNG CON
ĐỔ MỒ HÔI – SÔI NƯỚC MĂT
“LÌ XÌ CHO... CHÚA GIÊSU”
MỘT ĐẤT NƯỚC CÓ RẤT NHIỀU ĐÊM THẮP NẾN NGUYỆN CẦU
BUỒN VUI LỄ GIÁNG SINH
“NGÀI ĐÃ ĐẾN NƠI NHÀ MÌNH, NHƯNG NGƯỜI NHÀ...”
NGÀY GHI ƠN BỐ – FATHER’S DAY

Quý độc giả Ephata và Công Giáo Việt Nam thân mến,

Cách đây mấy ngày, thật bất ngờ, người cháu ruột gọi tôi bằng cậu, mang vào Nhà Dòng cho tôi một tấm ảnh xưa cũ đã ngả vàng, vừa tìm thấy trong tủ riêng của bà chị cả tôi, là mẹ của cháu, đã qua đời được gần hai năm.

Ấy là tấm ảnh chụp bố tôi đang dắt tay tôi, thằng bé út ít, tan Lễ Nhà Thờ Phanxicô Đakao đi bộ về gần đến nhà. Lật mặt sau thấy ghi ngày 5.6.1966. Như vậy, dạo ấy bố tôi 50, bằng tuổi tôi bây giờ, còn tôi được 7 tuổi, cười toe hàm răng sún !

Trùng hợp là Chúa Nhật này, 43 năm sau, cũng một Chúa Nhật của tháng 6, được người Tây Phương chọn là Ngày Nhớ Ơn Bố ( Father’s Day ). Tôi ngồi viết những dòng này, mắt cứ nhìn mãi vào tấm ảnh cũ, bố tôi đó, tôi đó, cuộc đời đó, kỷ niệm đó, cũng là bao công ơn người cha dành cho con, ùa về trong hồi ức. Chỉ khác là 43 năm sau, tôi bằng tuổi bố tôi ngày xưa nhưng tay thì không dắt theo một đứa bé nào 7 tuổi, tôi đi tu, không lấy vợ, cũng chẳng thể đẻ con !

Tôi ghi ơn bố tôi, cả mẹ tôi nữa, hai người bằng tuổi nhau, lúc đã 43 tuổi, khá già rồi, vẫn chấp nhận sinh đứa con thứ bảy để tôi được làm người. Chứ cứ theo cái kiểu một con của Trung Quốc, hoặc “dù gái hay trai chỉ hai là đủ” của “Nhà Nước ta” bây giờ thì làm gì có tôi được Thiên Chúa thúc đẩy dấn thân không mệt mỏi với những anh chị em Linh Mục, Tu Sĩ và Giáo Dân trong phong trào Bảo Vệ Sự Sống – Chống Phá Thai !

Tôi ghi ơn bố tôi là một người nghiêm khắc trong bao dung, khá dữ đòn, nhưng tất cả là để dạy con cái đến nơi đến chốn. Giả như bố tôi không như thế, chắc chắn tôi đã chẳng được như bây giờ, dù có là đi tu làm Linh Mục đi chăng nữa !

Tôi ghi ơn những bữa cơm trưa và chiều, bố tôi ra lệnh không được vắng bất cứ ai trong gia đình, nhờ vậy bây giờ khi giúp Giáo Lý Hôn Nhân, tôi mới có được xác tín mà truyền đạt cho các bạn trẻ thời @ thấm thía được rằng bầu khí gia đình cần thiết như thế nào cho đời sống lứa đôi.

Tôi ghi ơn bố tôi cứ hễ có dịp là kể cho lũ con chúng tôi những ấn tượng và hồi tưởng về Hà Nội, về quê hương miền Bắc, mà vì tránh CS, bố tôi đã phải đành lòng dắt díu cả gia đình di cư chạy vào Nam. Thế là bây giờ khi tôi trở ra phục vụ Hội Thánh miền Bắc, tôi không hề lạc lõng lạ lẫm, chỉ như người đi xa lâu ngày trở về, chịu được cái rét căm căm, kham nổi cái nóng như lò sấy, ăn được, ngủ được, nói được, nghĩ được, cảm được đúng cái chất của người Ngõ Huyện, Hà Nội, và của người vùng Kinh Bắc, quê nội tổ nhà tôi.

Tôi ghi ơn bố tôi đã chuyển giao cho tôi ngay từ lúc lên hai lên ba, cái hồn của âm nhạc cổ điển, để tôi cứ thế được nuôi lớn lên bằng những giai điệu tuyệt vời của Bach, Vivaldi, Paganini, Albinoni, Mozart, Beethoven, Chopin, Débussy, Massenet... Nhờ đó mà có lẽ tính khí tôi bớt hung hăng, nổi giận đùng đùng không quá 15 phút, rất nhanh, biết lắng xuống, lặng người rồi ân hận mà nhận lỗi về phần mình.

Tôi ghi ơn bố tôi là một học trò rất giỏi của các sư huynh Lasalle trường Puginier ngày xưa, và sau đó còn là dân Trường Bưởi xuất sắc thập niên 30. Tiếc là vì gia cảnh, bố tôi không được học lên cao, xoay sang đi làm khi còn rất trẻ, mang nỗi hận lòng suốt đời mãi cho đến gần cuối đời, những năm sau biến cố 75, không ngờ được các cha Dòng Phanxicô và DCCT tận dụng khai thác cái kiến thức Tây Học và Hán Học của ông vào việc dịch sách Nhà Đạo.

Tôi còn nhớ đã luôn bắt gặp trong ánh mắt của cụ già gần 70 tuổi lấp lánh cái khí phách của một chàng trai trung niên, ông gọi tôi lại, bảo ngồi nghe đọc đoạn sách vừa dịch rất tâm đắc. Ông lại dẫn đoạn nguyên văn tiếng Pháp, phân tích tôi nghe cái ảo diệu của ngôn ngữ, Tây nó thế này, Ta nó thế kia. Cuối cùng ông còn cho tôi được phép góp ý sửa vì tôi cũng tương đối giỏi môn Văn.

Một lần, tôi bất ngờ trông thấy ông ngồi ở bàn, trước mặt ngổn ngang những sách, giấy nháp, từ điển, bút thước, hai tay chắp lại, mắt nhắm nghiền, một giọt lệ lăn dài trên má. Tôi đứng bất động, không dám phá vỡ cái khoảnh khắc linh thiêng ấy. Tôi biết rõ bố tôi đang cầu nguyện, đang hóa thân vào bài suy niệm ông dịch dở dang. Chắc bố tôi cũng chẳng ngờ cái diệu cảm ấy của ông đang dạy cho đứa con út bây giờ là Linh Mục, cái cung cách tiếp cận với bản văn Tin Mừng mà soạn bài giảng cho Thánh Lễ sắp cử hành.

Tôi ghi ơn bố tôi là một công chức Nhà Nước hết sức trong sạch. Trước 75 làm ở Quan Thuế mà chỉ cọc cạch cái xe Mobylette. Ai hỏi, bố tôi chỉ cười tự nhận là mình nhát, chẳng dám “ăn”, chẳng dám “bóp”, chẳng dám “vòi vĩnh” ai. Thế mà nhờ đó, bây giờ trong máu của tôi tự nhiên có được cái phản ứng mạnh mẽ trước những trò tham nhũng, hối lộ, quá bất công và bẩn thỉu của các cán bộ quan chức Nhà Nước.

Tôi ghi ơn bố tôi là típ người được gọi là “quân tử Tầu”, là “thẳng ruột ngựa”, có nói có, không nói không, thích hay ghét thấy rõ ra mặt, không lập lờ nước đôi.

Những ngày sau tháng tư bảy lăm, thương người nghèo bị đi Kinh Tế Mới, bố tôi có lần dắt cả một gia đình nheo nhóc 7, 8 đứa bé cho về ăn cơm dù nhà mình cũng chẳng dư giả gì. Nhưng cũng có lần ngay giữa chợ Đakao, ông hạ gục một tên cán bộ mất dạy ngã xấp mặt xuống đường bằng một cú điểm huyệt võ Tầu. Đến khi về nhà, bữa cơm, ông hứng quá, đứng lên bỏ bàn ăn, vừa kể chuyện vừa biểu diễn cho cả nhà xem ông trị tội một kẻ hống hách thế nào !

Thì ra bây giờ chính tôi cũng được thừa hưởng cái “máu” ấy để không chịu im lặng trước sự gian dối xảo quyệt, dám lên tiếng bênh vực người thấp cổ bé miệng và dứt khoát không chấp nhận đút lót, nịnh bợ, bẻ cong ngòi bút.

Tôi ghi ơn bố tôi, một người rất bình thường nhưng lại không hề tầm thường, đúng lúc cần thiết đã là một người can đảm và khôn ngoan, không bị khuất phục bởi sự sợ hãi. Năm Mậu Thân, tôi mới 9 tuổi, đêm mùng Một Tết, giữa lúc súng đạn ầm ầm, tôi tận mắt chứng kiến bố tôi bật đèn lên, bước đường hoàng ra trước cửa nhà, trả lời dõng dạc với mấy anh lính Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đang đằng đằng sát khí, rồi sau đó kéo ba bốn con người có thể bị bắn chết, đang run lẩy bẩy ngoài sân, vào hẳn trong nhà mà trú thân.

Và ấn tượng ấy đã ghi khắc sâu vào tiềm thức tôi, để bây giờ lúc ở Hà Nội, khi ở Sàigòn, tôi không đến nỗi run sợ khi đi giữa những hàng Cảnh Sát trang bị lủ khủ những thứ vũ khí đàn áp biểu tình.

Tôi thật sự ghi ơn bố tôi...

Vâng, trong “Ngày Ghi Ơn Bố” năm nay, tôi cũng đã năm mươi, nghĩa là cũng đã trạc tuổi được các bạn trẻ gọi bằng bố một cách thân thương, tôi nhìn lại mình thì thấy tôi chẳng phải là một anh hùng chi cả, nhưng tôi cũng không đến nỗi... hèn ! Bố tôi, mẹ tôi, anh chị em tôi, cháu chắt trong gia đình, trong dòng họ nội ngoại của tôi, mỗi người một chút, hun đúc, gom góp, cho tôi được là tôi hôm nay.

Cuối cùng, con xin ghi ơn Chúa đã cho con có một người bố như bố của con. Con tin rằng bố con, Antôn Lê Văn Lộc, nhờ sống tử tế và trung thực, đã được Chúa thương cho đoàn tụ với mẹ con, các anh chị của con trong Nước của Chúa từ lâu rồi. Amen.

Lm. QUANG UY, DCCT, Sàigòn, Chúa Nhật, “Ngày Ghi Ơn Bố” 21.6.2009

Tác giả: Lm. Lê Quang Uy, DCCT

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!