Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp
Bài Viết Của
Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp
CUỘC SỐNG ĐỜI SAU LÀ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
LÒNG SÁM HỐI VÀ ƠN CỨU ĐỘ
LỜI CẦU NGUYỆN KHIÊM NHƯỜNG
TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM VỀ SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO NHÂN NGÀY KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
CẦU NGUYỆN CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO
LÒNG BIẾT ƠN LÀM NÊN ĐIỀU KỲ DIỆU
XIN THÊM LÒNG TIN
TUÂN GIỮA ĐIỀU RĂN - ĂN NĂN SÁM HỐI
TIN MỪNG CHO NGƯỜI NGHÈO
DỤ NGÔN BA CHA CON
NHỮNG ĐIỀU KIỆN PHẢI CÓ ĐỂ TRỞ NÊN MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ
CHÚA TÔN VINH KẺ KHIÊM NHƯỜNG VÀ KẺ KHIÊM NHƯỜNG TÔN VINH CHÚA
NƯỚC TRỜI: NHÀ RỘNG - CỬA HẸP
HAI CHỊ EM MÁCTA VÀ MARIA
TIN MỪNG CHO NGƯỜI NGHÈO

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN, NĂM C

Bài đọc I: Am 8,4-7; Bài đọc II: 1 Tm 2,1-8; Tin Mừng Lc 16,1-13)

I.- DẪN NHẬP

Thưa quý vị đọc giả kính mến! để giúp chúng ta hiểu hơn về giáo lý của trình thuật Tin Mừng tuần này. Người viết xin mời quý vị nhìn lại một cách vừa tổng quát, vừa xuyên suốt, bố cục và ý tưởng của Thánh sử Luca muốn nhắm trình bày giáo huấn của Chúa Giêsu trong mấy tuần qua.

Bài Tin Mừng hôm nay là một đoạn của phần hai (từ chương 9 câu 51 đến chương 19 câu 27) sách Tin Mừng Luca. Phần này Thánh sử Luca dẫn đưa chúng ta đi vào hành trình của Đức Giêsu trên đường tiến đến Giêrusalem, để hoàn tất sứ mệnh cứu độ và để đón nhận “cái chết” làm của lễ toàn thiêu cứu độ muôn người.

Đứng trước những nhu cầu khẩn thiết của Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu muốn làm nổi bật vị trí ưu tiên của những hoạt động vì Nước Trời. Do đó, Thánh Luca đã khéo léo vận dụng đến 17 giáo huấn của Chúa Giêsu, bằng phương pháp kể chuyện dụ ngôn, gọn trong khoảng 10 chương liên tiếp. Đây là một hình thức độc đáo riêng của Tin Mừng Luca và đây cũng là những cách thức mới mẻ nhằm đưa ra những yêu sách triệt để cho những ai muốn theo Chúa Giêsu.

Nội dung chính của 10 chương (từ chương 9 câu 51 đến chương 19 câu 27) này là nhằm hướng dẫn, dạy dỗ các môn đệ, về cách sống và hành động vì mục đích là Nước Trời; đồng thời đưa ra những giải đáp trong các cuộc tranh luận với đối phương (là những người thường chất vấn Chúa Giêsu, để ngăn cản tiến trình cứu độ của Ngài).

Những điểm giáo lý then chốt này là:

- Đưa ra những yêu sách triệt để, cho những ai muốn theo Chúa và muốn làm môn đệ Chúa. (x. Lc 9,51-62; 10,38-42; 12,49-53; 14,25-33)

- Lập nên những tiêu chuẩn luân lý cho những ai muốn trở nên hoàn thiện để được vào Nước Trời. (x. Lc 12,13-21; 35-48; 13,22-30; 19,1-10)

- Giáo dục con người nhận thức được sự khôn ngoan đích thực là sự khôn ngoan của con cái sự sáng. (x. Lc 16,1-13)

- Nước Trời không phân biệt ai, miễn là phải có lòng từ bỏ mình vác thập giá và phải biết hy sinh thống hối để trở nên hoàn thiện. (x. Lc 15,1-32)

- Nước trời đặc biệt ưu đãi với những người khiêm nhường, nghèo khổ và hèn mọn. (x. Lc 14,1-14; 18,9-14)

- Dù có làm gì thì cũng phải cậy trông vào lòng nhân từ của Thiên Chúa và một dấu chỉ thực tế hữu hiệu của lòng cậy trông ấy chính là việc cầu nguyện. (x. Lc 10,1-12; 11,1-13; 17,5-13)

Trong tinh thần đó, lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cũng thôi thúc một sự lựa chọn quyết liệt. Theo Chúa đòi hỏi phải chọn đứng về phía Thiên Chúa thay vì đặt mình làm nô lệ cho những thần tượng vật chất. Khước từ hay công nhận, chọn yêu sách này hay yêu sách khác là cả một sự giằng co, là cả một sự nỗ lực không ngừng, nhất là sự lựa chọn đó lại là sự thiệt thân, vì chẳng ai muốn tay trắng hay muốn thiệt thân bao giờ.

Giáo huấn của hai bài đọc và bài Tin Mừng hôm nay cũng là tổng hợp những tiêu chuẩn nhằm: bênh vực người nghèo (x. Am 8,4-7); yêu thương và cầu nguyện cho mọi người được ơn cứu độ (x. 1 Tm 2,1-8); dùng tiền của để mua lấy bạn hữu và sự công chính để được hưởng Nước Trời (x. Lc 15,1-13).

Đó là lý do tại sao người Kitô hữu muốn vào Nước Trời thì phải biết chọn chủ, nghĩa là phải biết thu tích của đời mai sau, chứ không phải của cải đời này. Vì “không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 15,13).

II.- BÊNH VỰC NGƯỜI NGHÈO KHỔ (Bài đọc I: Am 8,4-7)

1. Người nghèo là ai? Xin phân biệt hai quan niệm và ý nghĩa của từ nghèo như sau:

Người nghèo theo quan niệm kinh tế xã hội:

Đó là những ai thiếu các phương tiện cần thiết để sống như: cơm ăn, áo mặc, nhà ở, thuốc uống, dụng cụ học hành, công cụ việc làm… Có thể xác định thêm một thứ nghèo vô tội vạ không lệ thuộc vào ý muốn cụ thể của các nạn nhân, nhưng do: đất bạc màu, hạn hán định kỳ, thiên tai…

Những người nghèo kiểu này, hiện nay phần đông họ đang lệ thuộc dưới hệ thống làm ăn của những nhà giầu (kiểu tư bản) với những đồng lương rẻ mạt, phẩm giá cũng bị hạ nhục trong những công việc hèn mọn, lặt vặt… khó có cơ hội phát triển xứng với phẩm giá tối thiểu của một con người.

Ta cũng gặp thấy một thứ nghèo kinh tế xã hội bất công: đó là cái nghèo phát sinh do một quá trình khai thác lao động mà Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thẳng thắn tố cáo trong thông điệp về lao động của Ngài (x. Laborem Exercens, số 8). Công nhân không được trả lương theo phép công bằng, giá nguyên vật liệu mỗi ngày một tăng vọt, lãi xuất tiền vay thì cao quá sức quy định… Ở đây, nghèo có nghĩa là bất công xã hội và thậm chí là bất công trên toàn cầu.

Như đã nói trên, còn nhiều hình thức nghèo khác nữa, tất nhiên là do tình hình kinh tế xã hội gây nên, trong số những người này có cả những nạn nhân của sự kỳ thị, bị ghét kiểu ấn tượng như (lý do chủng tộc, màu da, văn hóa, tôn giáo, người bản địa, phái nữ…). Thường là giữa họ, ta gặp thấy những kẻ nghèo nhất trong các người nghèo, vì có rất nhiều người chịu cả một chuỗi những áp bức, bất công và kỳ thị.

Người nghèo theo quan niệm của Tin Mừng:

Đó là bất cứ ai đem bản thân và khả năng của mình phục vụ Thiên Chúa và anh em đồng loại. Đó là những người không chú tâm vào bản thân mình, không cậy vào sức mình, không dùng danh trọng, quyền cao để phục vụ cho sự hưởng thụ ở đời này, nhưng mở rộng tâm hồn tri ân Thiên Chúa, phục vụ anh em, thậm chí phục vụ cả kẻ thù một cách vô tư lợi, và tìm mọi phương thế giúp cho mọi người được sống xứng đáng hơn.

Đối lập với xã hội tiêu thụ và tìm tư lợi, người nghèo của Tin Mừng dùng của cải đời này một cách điều độ và biết đem chia sẻ cho người khác. Họ không phải là nhà khổ tu khắc nghiệt, khinh rẻ của cải, nhưng ý thức việc sử dụng của cải như quà tặng Chúa thương ban.

Người nghèo của Tin Mừng là người sẵn sàng hiến dâng cho Thiên Chúa tất cả những gì họ có để thực hiện chương trình của Thiên Chúa ở trần gian, họ không phung phí, hay tiêu xài phóng túng cho thỏa lòng ích kỷ cá nhân. Vì thế, họ trở nên khí cụ và dấu chỉ Nước Chúa ở đời này.

Người nghèo của Tin Mừng thể hiện mình bằng sự liên đới với mọi người nghèo và còn nên đồng nhất với người nghèo, như Chúa Giêsu đã làm gương như thế.

Ai nào đó không nghèo về mặt kinh tế xã hội, nhưng tự coi mình là thành viên giữa người nghèo vì lòng mến yêu và tình liên đới, đấu tranh bênh vực cho họ, chống lại cái nghèo bất công của họ và cùng với họ tìm sự giải thoát đói nghèo, xây dựng công bình, đó là người nghèo của Tin Mừng. Người ấy là một con người siêu phàm vì họ không tôn vinh cái nghèo vật chất, bởi đó là hậu quả của tội khai thác bóc lột; cũng không tôn vinh của cải, là chứng tích của sự tích lũy gây áp bức và loại trừ; nhưng đề cao và đòi hỏi sự công bình cho hết mọi người.

Ai nào đó không liên đới với cuộc đời, với lợi ích và với những đấu tranh của người bị áp bức nghèo khổ một cách cụ thể và thực tâm, thì người đó không thể là một người nghèo của Tin Mừng được. Lòng yêu mến người nghèo đôi khi mạnh tới mức, khiến cho rất nhiều người tự đồng hóa với người nghèo và những người bị kỳ thị, để chia sẻ những khổ đau của họ, dự phần vào những niềm an ủi, giúp nhau cùng vượt khó và thậm chí dám cùng hy sinh cuộc sống vì người nghèo khổ. Đã có những mẫu gương đáng khâm phục của những người dám hy sinh cuộc sống, nghề nghiệp, gia đình, tuổi xuân để đến và phục vụ trong các trại phong, trại cai nghiện… tận những vùng xa xôi hẻo lánh, giống như đi biệt giam vậy. Đó là những con người của Tin Mừng, biết noi gương Chúa Giêsu khó nghèo tại Nadarét. Đó là những con người có thái độ giải phóng hoàn toàn, vừa tự giải phóng chính mình khỏi sự giầu sang giả tạo trần thế, vừa giải phóng cho người khác và cho Thiên Chúa ẩn mình nơi người nghèo khó.

2. Ưu tư hàng đầu, một vấn đề muôn thuở:

Đề tài người nghèo, từ bao đời nay vốn là một vấn đề muôn thuở, và là một ưu tư lớn lao đối với con người mọi nơi, mọi thời. Hơn nữa, giữa một xã hội đang phát triển về mọi mặt như ngày nay, thì vấn đề người nghèo luôn được các nhà lãnh đạo tâm huyết với dân nước, đặt lên ưu tư hàng đầu. Một câu hỏi lớn vẫn còn nan giải, đó là làm thế nào để tương quan giữa người nghèo và người giầu không còn là một hố sâu khoảng cách đáng sợ, trong thân phận và cuộc sống của mỗi người chúng ta???

Hôm nay, khi đọc bài đọc trích sách Ngôn sứ Amốt 8,4-7: chúng ta nghe vang vọng đâu đây lời Ngôn sứ như đang nói với con người của thời đại này, và như đang nói với tất cả mỗi người chúng ta. Đây là lời tố cáo những kẻ làm giàu bằng cách dùng đủ cách gian lận bóc lột và đối xử bất công đối với người nghèo, họ "làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm"... Sự ham mê tiền của đã làm cho họ chai cứng cõi lòng, khép kín trái tim yêu thương trước nỗi thống khổ của anh em.

Vượt xa hơn sự bức xúc của lời khiển trách, Ngôn sứ Amốt muốn khuyên mọi người ý thức đến trách nhiệm đối với người nghèo. Bởi vì sự nghèo nàn là một tai họa hay là một sự xúi quẩy cần được loại bỏ, vì “nghèo đâu phải là cái tội” (Herbert).

Xã hội chúng ta đang sống ngày nay cũng không hiếm những con người lợi dụng sự khó khăn kinh tế cũng như những khó khăn khác trong cuộc sống để trục lợi cho bản thân, gây hại cho người nghèo. Sứ mạng tiên tri của mỗi chúng ta, đặc biệt là mỗi người Kitô hữu, cũng phải can đảm đứng lên như Ngôn sứ Amốt chống lại những sai trái ấy. Như bất cứ ai trong xã hội, xã hội không được ruồng bỏ người nghèo khó. Người nghèo cũng được quyền trở nên hạnh phúc về vật chất, sức khỏe, môi trường, tư tưởng và tinh thần như mọi người.

Ước mong: Xã hội lập tức để ý tới những người nghèo, cụ thể như: tạo việc làm để giúp họ kiếm tiền sinh sống lương thiện.

Ước mong: Nhà Nước và những nhà lãnh đạo ban hành luật cho vay vốn để giúp người nghèo gầy dựng sự nghiệp. Vì “mọi sự giầu sang đều do sản xuất lao động mà ra” (Locke)

Ước mong: Xã hội tổ chức được những chương trình đào tạo việc làm, và thành lập nên các trường học hướng nghiệp: Vì “đa số những người có trình độ văn hóa cao hay trình độ tay nghề giỏi là những người khá giả hơn”.

Ước mong: Xã hội cũng cần giúp người nghèo vay vốn cách khéo léo, tế nhị. Không được làm tổn thất tính tự trọng của họ, không để mất đi phẩm chất con người của họ. “Vì đã từng có người vĩ đại nhất trong lịch sử là người nghèo nhất” (Emerson).

Ước mong: Người giầu cần đối xử tử tế với người nghèo, giúp đỡ họ bằng cách chia sẻ cơm ăn, áo mặc, của cải… và nghề nghiệp nữa. Trong xã hội vẫn từng có nhiều người giầu đã làm như thế. Thật đáng tôn trọng những tấm lòng quảng đại và yêu thương như thế.

Chúng ta có thể nói: Một xã hội còn tồn tại người nghèo thì xã hội đó còn nghèo, và xung quanh ta còn nhiều người nghèo thì dù ta có giầu cũng chẳng an lòng. Vì thế, người nghèo cần được giúp đỡ một cách đồng bộ và hợp lý bằng những tấm lòng yêu thương, từ thiện phù hợp với căn nguyên đạo lý của con người nhân vị.

Xuất phát từ những khát vọng và những cuộc đấu tranh của người nghèo. Giáo Hội tìm cách thúc đẩy lòng xót thương và long trọng lựa chọn bênh vực người nghèo, cũng cần nhắc lại một tuyên bố tại Medellin năm 1968 đã được chuẩn y tại Puebla năm 1979, trong đó các Giám mục đã nhìn nhận rằng: “Toàn thể Giáo Hội cần nhìn lại thái độ lựa chọn bênh vực người nghèo, phải đặt cho mình một mục tiêu là giải phóng người nghèo một cách toàn diện”.

Từ nay, Giáo Hội tìm cách tăng cường việc loan báo Tin Mừng, để mọi người đều cảm thấy mình dấn thân sống niềm tin như một nhân tố tích cực, làm biến đổi xã hội trở nên công bằng hơn và có tình huynh đệ hơn. Ai nấy đều phải lựa chọn bênh vực người nghèo: những người giầu thì quan tâm và dứt khoát chọn bênh vực người nghèo một cách chân tình, và những người nghèo thì chọn bênh vực những người nghèo khác hay những người nghèo khổ hơn mình.

III.- CẦu nguyỆn cho mỌi ngưỜi (Bài đọc II: 1 Tm 2,1-8)

Bài đọc II: 1Tm 2,1-8 của Thánh Phaolô hôm nay cũng rất phù hợp và giúp ích để bênh vực người nghèo, nhưng không phải là bằng tiền bạc hay của cải vật chất, mà là bằng những lời cầu nguyện. Thánh Phaolô trong các thư của ngài, nhiều lần lập đi nhắc lại để khuyên răn người Kitô hữu đừng sống ích kỷ. Nhưng hãy cầu nguyện cho mọi người, vì đó là điều làm đẹp lòng Chúa; và việc cầu nguyện cho mọi người, chắc hẳn luôn là khả năng của bất cứ ai.

Cầu nguyện là thể hiện tình bác ái, thể hiện lòng quảng đại và là phương thức tốt nhất để giúp cho mọi người, vì nó vừa có khả năng xây dựng cuộc sống trần thế bình an vững mạnh, lại vừa có khả năng xây dựng một đời sống đức tin vào Chúa, Đấng “là Đường, là sự Thật và là Sự Sống”.

Thiên Chúa là Đấng yêu thương cứu độ mọi người không trừ một ai. Tất nhiên, Ngài muốn cứu độ tất cả mọi người. Nhưng con người cũng phải biết cộng tác với Chúa và cộng tác với nhau trong công trình cứu độ này.

Cầu nguyện cho mọi người bao gồm:

- Cầu nguyện cho vua chúa và những nhà cầm quyền (x. 1Tm 2,2).

- Cầu nguyện cho bệnh nhân (x. Gc 5,13-15).

- Cầu nguyện cho kẻ thù và những người ngược đãi mình nữa (Mt 5,44; Cv 7,59-60).

- Cầu nguyện cho nhau (x. 2Tx 1,11; Ep 3,14-19).

- Cầu nguyện cho việc truyền giáo (x. Mt 9,37-38, Lc 10,1-12; Rm 15,30; 2Cr 1,11; 13,9; Ep 6,18-20; Cl 4,2-4; 2Tx1,11-12; Gc 5,19-20)

- Đặc biệt là cầu nguyện cho mọi người được ơn cứu độ (x. Rm 10,1; 1Tm 2,1-8; Gc 5,19-20)

Như vậy, việc cầu nguyện cho mọi người, đặc biệt là cho những ai có trách nhiệm trên cuộc sống an cư hạnh phúc của người khác, chính là trách nhiệm trần thế của người Kitô hữu. Đức tin đòi hỏi chúng ta luôn phải tích cực dấn thân xây dựng trần thế, góp phần làm cho cuộc sống mỗi người được an vui hạnh phúc và nhận ra phẩm giá cao quí “là hình ảnh Thiên Chúa” của mình. Ai đó làm ngơ hay ngược đãi với tha nhân, nhất là đối với người nghèo khổ là chống lại chương trình yêu thương của Thiên Chúa. Do đó, điều chúng ta có thể làm hôm nay, không gì hơn là cầu nguyện cho mọi người.

IV.- BiẾt sỬ dỤng tiỀn cỦa (Tin Mừng: Lc 16,1-13)

1. Tiền của:

Kinh Thánh dạy rằng: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền của được” (Lc 16,13). Điều này có nghĩa là phải khôn khéo trong việc sử dụng tiền của, vì nó được coi là một loại ngẫu thần “Ma mông = Thần Tiền” (x. Cl 3,5). Hơn nữa, tiền của là một thứ nay còn mai mất không có giá trị vĩnh cửu; lại rất dễ trở thành mối nguy cho bất cứ ai thiếu thận trọng, vì ta rất dễ sa vào cạm bẫy của nó. (x. Gv 1,2; 2,21-23; 6,2)

Nói như thế không có nghĩa là: Kinh Thánh dạy chúng ta coi khinh tiền bạc của cải, không cần chúng và cũng chẳng cần làm ra chúng. Nhưng cho chúng ta một cái nhìn khôn ngoan khi làm ra chúng và sử dụng chúng cho nhu cầu và mục đích của con người.

Tiền của, tự bản chất của nó không phải là nguyên nhân của tội lỗi hay sự vấp phạm gì, mọi sự trên đời này đều được Thiên Chúa dựng nên cách tốt đẹp, để phục vụ con người và để con người làm chủ chúng (x. St chương 1). “Nhưng cội rễ sinh ra mọi điều ác lại chính là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tm 6,10).

Vì thế, để có thể sử dụng nó cho tốt, chúng ta hãy coi tiền của là một công cụ hữu ích, là một phương tiện để trao đổi và phân phối, hay để chia sẻ và giúp đỡ nhau trong xã hội mà thôi.

2. Không thể làm tôi tiền của:

Sách châm ngôn dạy rằng: “Ai cậy trông vào của cải, người ấy sẽ quỵ ngã, còn chính nhân sẽ vươn lên như cành lá xanh tươi” (Cn 11,28); “vậy thà ít của cải mà sống công chính còn hơn nhiều huê lợi mà thiếu công minh” (Cn 16,8); “vì của cải không bền lâu muôn thuở và danh vọng chẳng lưu truyền muôn kiếp” (Cn 27,24).           

Và Tin Mừng Chúa Nhật 18 mấy tuần trước, đã cho chúng ta bài học về sự phù vân của tiền bạc: “Vì không phải dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu" (Lc 12,15).

Trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta lại nhận ra một bản chất nữa của tiền bạc đó là, nó bị coi như của bất chính, bởi vì nó đối nghịch với Thiên Chúa!: "anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được".

Người đời cũng thường nói rằng: “tiền là tệ hay tệ như tiền”, còn nữa người ta cũng nói “tiền là bạc hay bạc như tiền”. Tất vả những ví von hay thành ngữ ấy đều ám chỉ rằng: vì tiền mà người ta trở nên “tệ” và “bạc” với nhau đến mất hết nghĩa tình.

Tiền bạc thật nguy hiểm, nó có thể trở nên chủ nhân ông của con người. Nếu không biết khéo léo sử dụng, tiền bạc có thể biến con người thành nô lệ. Bởi từ ngữ “làm tôi” trong Kinh Thánh còn có một ý nghĩa rất mạnh là “tôn thờ”. Vì thế, tiền bạc cũng có thể trở thành một thứ ngẫu tượng nếu lệ thuộc nó. Người Kitô hữu chỉ biết làm tôi, chỉ biết tôn thờ duy nhất một mình Thiên Chúa mà thôi.

Trong thực tế cuộc sống, đây là một thách đố lớn lao cho người Kitô hữu hôm nay. Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt, lối sống ích kỷ hưởng thụ, người giầu - người nghèo bị phân cách nặng nề, thì con người thời đại xem ra rất coi trọng đồng tiền. Nó đang dần thống lĩnh mọi lãnh vực cuộc sống ngay cả lãnh vực thiêng liêng cao quí là đời sống tình cảm, tâm linh của con người. Nó đang trở nên một thứ thần tượng làm say mê lòng người, lôi kéo con người đi theo nó bất chấp tình người, bất chấp sự công bằng bác ái. Phải có đức tin mạnh mẽ, phải chuyên tâm thực thi Lời Chúa thì người Kitô hữu mới hy vọng vượt thắng được sự hấp dẫn lôi cuốn của tiền bạc vật chất.

Vậy, người Kitô hữu phải thẳng thắn từ chối làm tôi tiền của vì nó là một thứ ngẫu tượng (Cl 3,5), để chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình. (Kinh Tin Kính)

3. Sự khôn khéo của người quản lý:

Lời Chúa Giêsu dạy rằng: "Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16,9).

Một viên quản lý vốn mệnh danh là bất lương, con cái của thế gian khi thấy trước tương lai bấp bênh của mình, đã biết tận dụng cơ hội để bảo đảm tương lai cho mình. Vậy mà được khen là khôn khéo, chẳng qua là vì anh đã biết sử dụng đồng tiền bất chính mà mua lấy bạn hữu và tình bạn ấy đã cho anh một hứa hẹn tươi sáng những ngày sau no ấm bình bình yên. (x. Lc 16,8-9)

Còn con cái Thiên Chúa là con cái ánh sáng, nghĩa là con cái được soi sáng, được giáo dục, mà không biết khôn ngoan nắm lấy những cơ hội ở đời này để chuẩn bị cho tương lai mai hậu, là gia nghiệp trên trời, thì quả thật còn đáng trách hơn người bất lương là con cái thế gian.

Chắc chắn Chúa Giêsu không dạy phải làm theo cách thế xảo quyệt của viên quản lý, nhưng Người dạy phải biết khôn khéo, lo cho tương lai của mình như viên quản lý. Đó là phải biết chuẩn bị cho tương lai phần rỗi của mình, bằng chính việc thực thi bác ái. Còn nhớ, trong Sách Tôbia có dạy rằng: “Bạn hãy dùng của cải bố thí cho tất cả những ai thực thi công chính, và khi bố thí, mắt bạn đừng có so đo. Đối với ai nghèo khổ, bạn đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với bạn, Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ” (Tb 4,7). Quả thực, mọi người đều được mời gọi đi đến cùng đích cuối cùng là trở nên công chính thánh thiện, để được hưởng sự sống đời đời nơi Thiên Chúa. Con người sẽ ra sao vào ngày cánh chung, còn tùy thuộc vào cách sống hiện tại của mỗi người. Và tất cả những gì con người sống và sở hữu tại thế này, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống đời sau. Bài học trong Tin Mừng hôm nay chính là bài học về sự khôn ngoan. Khôn ngoan chuẩn bị cho mình một tương lai tốt đẹp ngày sau nơi Thiên Quốc. Đó là một sự khôn ngoan đáng khen ngợi.

Lời Chúa còn dạy rằng: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy" (Lc 6,38). Quả thật, với việc lành ta làm cho người khác mà được Thiên Chúa trả đáp hậu đãi như vậy; thì với việc dữ ta gây ra cho người khác, thử hỏi xem: khi Thiên Chúa đong lại cái đấu của sự thịnh nộ thì ai đỡ nổi đấu ấy.

Chính Thánh Phaolô đã từng trải nghiệm được chân lý đó và truyền lại cho cộng sự của ngài giảng dạy rằng: “Những người giàu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng” (1Tm 6,17).

Vậy, người quản gia này là "con cái thế gian", thế mà còn biết sử dụng của cải một cách khôn khéo bằng cách cho đi của cải hiện tại để đổi lấy sự bảo đảm cho tương lai. Thì "Con cái của sự sáng" phải noi gương đó, phải biết dùng của cải thế gian mà mua sắm của cải trên trời.

4. Mọi sự đều là của Chúa ban cho:

Thân trần truồng sinh ra từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Những gì Chúa ban cho rồi Chúa lại cất đi, xin chúc tụng danh Người”. (G 1,21; Gv 5,14)

Mấy ai vững tin như ông Gióp, hay mấy ai thực thi được như lời khuyên của sách Giảng Viên. Nhưng mỗi người Kitô hữu đòi hỏi phải luôn sống tinh thần đó và phải luôn biết tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Vấn đề con người ngày nay là cần phải biết sống niềm tin vào Thiên Chúa thế nào "cho phải đạo" trong môi trường sống hàng ngày: đó là yêu mến Thiên Chúa qua anh chị em mình; vì chính Thiên Chúa đã làm người để thực hiện điều đó cũng như đã dạy chúng ta phải làm như vậy.

Nếu chúng ta nhận ra rằng mọi sự ta có là do Thiên Chúa ban cho, và là sự chúc lành của Chúa trên mỗi cá nhân và trên cả nhân loại, thì chúng ta cũng phải nhận ra rằng: chúng ta chỉ là những người quản lý để phân phát cho anh em “đúng thời đúng lúc”.

Và bao lâu bên cạnh chúng ta còn có những người anh chị em bất hạnh, khốn khổ hoặc thiếu thốn, thì chúng ta không thể không có trách nhiệm về sự kiện đó. Vì "nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?" (1Ga 3,17).

Biết dùng tiền của để mua lấy phần thưởng Nước Trời, có lẽ thuộc phạm vi thi hành đức bác ái Kitô giáo, của những ai theo Chúa Kitô. Nếu ai trung tín trong việc nhỏ này, thì Chúa sẽ trao cho gia tài Nước Trời để quản lý. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn, trong việc dùng tiền của giúp đỡ những người nghèo khó, giúp xây dựng các công trình Nhà Chúa, cả thiêng liêng lẫn vật chất, hoặc xin lễ cầu cho các linh hồn, hay thân bằng quyến thuộc.

Quả thực, có được sự khôn khéo của người quản lý, biết dùng tiền của gian dối mua tình bạn hữu không phải là dễ! Điều này đòi hỏi chúng ta, chấp nhận thân phận nghèo khó từ bản chất làm người của mình, để có thể trở về với Chúa trong tình trạng tay trắng, mới xứng đáng tỏ bày lòng tin yêu và phó thác của chúng ta nơi Ngài; đồng thời, nhờ sự chia sẻ những gì ta có với anh chị em đồng loại, mới xứng đáng tình thân với họ trên quê hương vĩnh cửu Chúa hứa ban.

V.- NhẬn đỊnh, thay lỜi kẾt

Trong thời đại kinh tế thị trường và văn minh hưởng thụ ngày nay, tiền bạc là một cám dỗ rất lớn, tiền bạc có thể làm cho người ta quên mất tình nghĩa với anh em và xa rời tình yêu Thiên Chúa. Con người ngày hôm nay, đa phần chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền sao cho thật nhiều. Vì, theo quan điểm khách quan về mặt vật chất, thì tiền cần thiết cho cuộc sống. Làm sao chúng ta có thể mua thức ăn, đồ dùng, hàng hóa và nhiều thứ khác cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày mà không có đồng tiền nào?

Để có tiền chúng ta phải chịu khó lao động, sản xuất thật nhiều để thu nhập được nhiều tiền của. Một khi đã có càng nhiều tiền, thì cuộc sống càng nhiều tiện nghi. Đối với người trí thức, tiền là thứ ưu tiên cho họ cải thiện kiến thức, tiền giúp họ mua sách báo, thiết bị học tập, nguyên liệu nghiên cứu…v,v. Đây là phương thức lao động chân chính.

Tuy nhiên cũng không ít người kiếm tiền bằng những hành vi bất chính… điều này chắc chắn sẽ dẫn đến một đời sống bất ổn và tâm hồn cũng sẽ bất an. Và khi nằm xuống, mối hy vọng của họ sẽ tiêu tan, và niềm cậy trông vào của cải cũng tan thành mây khói (x. Cn 11,7).

Tiền thì cần thiết cho cuộc sống vật chất cũng như kiến thức của chúng ta. Thực vậy, nó không phải là thứ duy nhất mà chúng ta quan tâm đến trong thời đại hôm nay. Cuộc sống sẽ tồi tệ nếu chúng ta lãng phí tất cả thời giờ cho chúng!

Kiếm được nhiều tiền hơn, chúng ta cần phải biết làm sao để sử dụng nó cho đúng mức. Chúng ta cần phải xem nó như người đầy tớ và không bao giờ để cho nó làm chủ chúng ta. Với tiền mà chúng ta kiếm được, chúng ta phải tằn tiện để chia sẻ cho những công việc phúc lợi và tổ chức từ thiện. Danh ngôn Tây Phương có câu: “Người có hạnh phúc thực sự chính là người biết quan tâm đến hạnh phúc của người khác”. Chính vì thế mà đã có những tổ chức trên thế giới, hàng ngày, hàng năm, luôn ưu tư vận động và tình nguyện tài trợ hay giúp đỡ các nước nghèo, và người nghèo ở khắp nơi, mà không cần trả đáp.

Hiểu được mục đích chính của cuộc sống con người không phải là để thu gom của cải, vì tất cả những vật chất chỉ có giá trị hữu hạn, một ngày nào đó nó sẽ qua đi, nhất là khi chúng ta nằm xuống xuôi tay. Thì chẳng khác nào: “kẻ dại dột, nội đêm nay, người ta sẽ đòi mạng sống ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20). Nên nhiều người đã sẵn sàng bỏ công bỏ của, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu để giúp đỡ người nghèo khó và túng thiếu.

Như vậy, dụ ngôn người quản lý khôn khéo, là một giáo huấn khẩn thiết có thể ứng dụng cho bất kỳ ai đang sở hữu của cải trần gian. Dù là của cải Chúa ban hay của cải làm ra từ hành vi bất chính thì cái gương mà mỗi người cần phải học ở người quản lý này là:

- Vì anh đã nỗ lực tối đa làm chủ tiền của; bắt tiền của phục vụ mình và phục vụ bạn hữu.

- Vì anh đã nghĩ đến người nghèo, bênh vực người nghèo và giảm nợ cho người nghèo.

- Vì anh đã bỏ được thói quen sống ngày nào hưởng thụ ngày đó, để lo xa cho tương lai đời sau, là gia nghiệp đời đời viên mãn.

- Vì anh đã hành động khẩn thiết tức thì, để đạt cho bằng được Nước Trời, bằng được Thiên Chúa, kẻo ngày mai không còn cơ hội.

Mong sao, cả những người giầu và những người nghèo về kinh tế vật chất hay về phẩm giá tinh thần, đều được trở nên những người nghèo của Tin Mừng. Và như thế tất cả chúng ta đều là những người nghèo của Thiên Chúa, của Nước Trời. Như lời hứa và chúc phúc của Chúa Giêsu: "Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của mình vậy" (Tám mối phúc).

Lm GBt. BÙI NGỌC ĐIỆP-TSVN

Tác giả: Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!