Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp
Bài Viết Của
Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp
CUỘC SỐNG ĐỜI SAU LÀ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
LÒNG SÁM HỐI VÀ ƠN CỨU ĐỘ
LỜI CẦU NGUYỆN KHIÊM NHƯỜNG
TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM VỀ SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO NHÂN NGÀY KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
CẦU NGUYỆN CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO
LÒNG BIẾT ƠN LÀM NÊN ĐIỀU KỲ DIỆU
XIN THÊM LÒNG TIN
TUÂN GIỮA ĐIỀU RĂN - ĂN NĂN SÁM HỐI
TIN MỪNG CHO NGƯỜI NGHÈO
DỤ NGÔN BA CHA CON
NHỮNG ĐIỀU KIỆN PHẢI CÓ ĐỂ TRỞ NÊN MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ
CHÚA TÔN VINH KẺ KHIÊM NHƯỜNG VÀ KẺ KHIÊM NHƯỜNG TÔN VINH CHÚA
NƯỚC TRỜI: NHÀ RỘNG - CỬA HẸP
HAI CHỊ EM MÁCTA VÀ MARIA
CẦU NGUYỆN CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – C

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

Bài đọc 1: Xh 17,8-13; Bài đọc 2: 2Tm 3,14-4,2;Tin Mừng: Lc 18,1-8

I.- DẪN NHẬP

Hôm nay Chúa Nhật Thứ  29 Thường Niên, nhằm ngày Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo.

- Nội dung chính của bài đọc một (Xh 17,8-13) và bài Tin Mừng (Lc 18,1-8) hôm nay, nhấn mạnh đến tầm quan trọng và thế lực vô song của lời cầu nguyện; nhưng hiệu quả của nó lại tùy thuộc vào thái độ kiên tâm bền chí của người cầu xin.

- Còn nội dung của bài đọc hai (2Tm 3,14-4,2) thì nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Lời Chúa trong Sách Thánh, “vì có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa chữa, giáo dục, để trở nên người công chính”. Thánh Phaolô khuyên hãy rao giảng Lời Chúa bất cứ khi nào với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.

Đây là một sự trùng hợp thú vị, khiến tôi nghĩ đến việc liên kết hai nội dung trên thành một đề tài: “Cầu nguyện cho việc truyền giáo”.

Vậy trong khuôn khổ bài này, tôi xin trình bày đôi nét niềm thao thức của Chúa Giêsu và của các Tông đồ về vấn đề truyền giáo, trên cơ sở một số câu Kinh Thánh; nhằm giúp cho chúng ta có thêm ý thức về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc truyền giáo, để chúng ta ai nấy có thể tích cực góp phần vào công cuộc truyền giáo tùy theo hoàn cảnh và khả năng của mình (người thì lo việc truyền giáo, người thì lo cầu nguyện cho việc truyền giáo).

II.- NIỀM THAO THỨC CỦA CHÚA GIÊSU

Chúa Giêsu khi còn ở trần gian, Ngài đã luôn thao thức phải làm thế nào để nhân loại nhận biết tình thương của Thiên Chúa thực hiện nơi Ngài, nhờ đó mà nhân loại được ơn cứu độ. Rất nhiều lần Chúa Giêsu đã đề cập tới vấn đề này, xin được nhắc lại nơi đây một số câu:

- “Thầy đã ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49).

- “Xin cho hết thảy chúng được nên một. Cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ngõ hầu chúng ở trong chúng ta và thế gian tin là Cha đã sai Con” (Ga 17,20-21).

- “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).

- “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở nên môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy cho họ tuân giữ những điều Thày đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).

- “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15).

- “Đức Giêsu đi khắp các thành thị và làng mạc, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết mọi bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giêsu thấy đám đông dân chúng thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: ‘Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. 38Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về’” (Mt 9,35-38).

- “Đức Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng, và sai các ông từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính người định đến. Người bảo các ông: ‘Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về’” (Lc 10,1-2).

- “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng Tôi, và sẽ chỉ còn một đoàn chiên và một Mục Tử” (Ga 10,16).

- “Cả các anh nữa, hãy vào làm vườn nho cho tôi đi” (Mt 20,4).

Với những đoạn văn tiêu biểu nêu trên, chúng ta nhận thấy niềm thao thức cháy bỏng của Chúa Giêsu cho sự nghiệp thiết lập Nước Thiên Chúa cấp thiết dường nào?. Ban đầu, Người chọn các môn đệ để cộng tác vào công cuộc Người đang thực hiện. Người đặc biệt lưu ý đến việc cần phải có thêm thợ gặt trong đồng lúa của Thiên Chúa. Qua sự việc này, Chúa Giêsu còn cho thấy trách nhiệm của mọi người Kitô hữu là phải cầu nguyện cho nhu cầu truyền giáo lan rộng khắp hoàn cầu.

III.- LỜI VAN XIN CỦA THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

Còn các Tông đồ của Chúa Giêsu, đặc biệt là tâm tư của Thánh Phaolô, ngài khẳng khái quả quyết rằng: “Chúng tôi không thể không nói ra những điều mắt thấy tai nghe...” (Cv 4,20). Bởi các Tông đồ đã từng đi theo Người, từng sống với Người, từng nghe lời Người giảng dạy, từng chứng kiến các việc Người đã làm, nên các ông có một đức tin thật xác tín vào Chúa Giêsu Con Thiên Chúa Hằng Sống. Người là Đường là Sự Thật và là Sự Sống. Đó chính là lý do cơ bản nhất và là động cơ mà các Tông đồ ý thức phải làm hết mình để mọi người được ơn cứu độ và nhận biết chân lý của Thiên Chúa Yêu Thương.

Sau đây là những lời van xin của Thánh Phaolô:

Vậy, “Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một Con Người, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” (1Tm 2,1-6).

Và chính vì muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý thì phải cần có người loan báo: Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép rằng: Đẹp thay những bước chân sứ giả loan báo những Tin Mừng” (Rm 10,14-16).

Thánh Phaolô còn mô tả ý tưởng này trong nhiều đoạn văn khác như:

- “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh. Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói” (Ep 6,18-20).

- “Anh em hãy siêng năng cầu nguyện; hãy tỉnh thức mà cầu nguyện và tạ ơn. Đồng thời, cũng hãy cầu nguyện cho chúng tôi nữa, xin Thiên Chúa mở cửa cho chúng tôi rao giảng lời Người, để chúng tôi loan báo mầu nhiệm Đức Kitô; chính vì mầu nhiệm này mà tôi bị giam giữ. Xin cho tôi biết công bố rõ ràng mầu nhiệm ấy, như bổn phận tôi phải loan báo” (Cl 4,2-4).

- “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăn đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ”. (2Tm 4,2).

- “Anh em hãy lấy lời cầu nguyện mà trợ giúp chúng tôi. Như vậy, Thiên Chúa sẽ ban ơn cho chúng tôi nhờ lời cầu thay nguyện giúp của nhiều người; và do đó, nhiều người sẽ cảm tạ Thiên Chúa vì Người đã thương chúng tôi” (2Cr 1,11).

- “Thưa anh em, nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về, thì anh em hãy biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình” (Gc 5,19-20).

Với những ý tưởng nêu trên, thì quả thực là người đi rao giảng và người cầu nguyện cho những ai đi rao giảng, cả hai đều có nhiệm vụ và đều có công lao như nhau; quan trọng là mỗi người chúng ta cùng hiệp nhất với nhau và hiệp nhất với Chúa. Như lời minh chứng của Thánh Phaolô rằng: Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,3). Ở điểm này, Tin Mừng Thánh Gioan lại nói: “Ai gặt thì lãnh tiền công để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều vui mừng” (Ga 4,36).

IV.- NHẬN ĐỊNH

Khởi đi từ mệnh lệnh minh nhiên của Đức Giêsu: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở nên môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy cho họ tuân giữ những điều Thày đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Và chính Thánh Phaolô cũng nhìn nhận việc rao giảng Tin Mừng vừa là một vinh dự: Đẹp thay những bước chân sứ giả loan báo những Tin Mừng” (Rm 10,15); mà cũng vừa là một bổn phận: Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).

Ngôi hai đã được Thiên Chúa sai đến để loan báo Tin Mừng cứu độ cho loài người, Chính Người đã thiết lập Giáo Hội và chính Người đã tuyển chọn Nhóm Mười Hai Tông Đồ để huấn luyện và trao ban cho các ông sứ mạng rao giảng Tin Mừng (x. Mt 10,1-4; Mc 3,16-19; Lc 6,12-16). Người đã sai các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Kể từ đó, Giáo Hội tiếp tục thi hành mệnh lệnh của Chúa Giêsu, không ngừng rao giảng Tin Mừng cứu rỗi cho muôn dân.

Thế mà đã qua hơn hai thiên niên kỷ, khi nhìn lại thực trạng Công giáo toàn cầu nói chung, số người Kitô hữu vẫn chỉ là một tỉ lệ khá khiêm tốn (chưa đến 10%). Lời kêu gọi: Hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa Giêsu vẫn đang còn vang vọng từng ngày. Và mặc dầu công cuộc truyền giáo ngày hôm nay gặp nhiều khó khăn, "Giáo Hội vẫn sẽ tiếp tục là một Giáo Hội truyền giáo trong tương lai: bởi vì đặc tính truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo Hội" (AG 2).

"Nỗ lực rao giảng Tin Mừng cho muôn dân" (AG 1) vẫn luôn là mối bận tâm hàng đầu của Giáo Hội kể từ khi Chúa Giêsu thiết lập: Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Mệnh lệnh này được Chúa Giêsu ủy thác và trở thành mục tiêu không thể thay thế của Giáo Hội ở trần gian, nên "Giáo Hội luôn tận tâm lo lắng và cổ võ việc truyền giáo" (AG 16). Hơn nữa, Giáo Hội ý thức sâu xa lời Thánh Phaolô khẳng định với giáo đoàn Côrintô như chính lời của mình: "Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1Cr 9,16).

Với tư cách là người kế vị Thánh Phêrô, chăn dắt đoàn chiên mà Đức Giêsu đã trao phó, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bắt đầu Thông Điệp về Truyền Giáo của Giáo Hội với những lời sau đây: "Sứ vụ của Đức Giêsu, Đấng cứu thế đã trao phó cho Giáo Hội, vẫn chưa được hoàn tất. Vào cuối thiên niên kỷ thứ hai, sau Người đến, cái nhìn tổng quát về nhân loại cũng cho thấy sứ vụ đó vẫn còn ở giai đoạn đầu, và chúng ta phải dấn thân hết mình” (RM 1).

Và chúng ta cũng nhận thấy Giáo Hội chỉ là thiểu số trên thế giới. Ý thức về bối cảnh này, Giáo Hội cần nhìn nhận rằng truyền giáo là một việc làm tất yếu mang tính sống còn của Giáo Hội Chúa Kitô. Chúng ta chỉ thật sự góp sức làm cho triều đại Thiên Chúa phát triển nếu chúng ta biết trung kiên tuân giữ Lời Chúa và siêng năng cầu nguyện cho cánh đồng truyền giáo được lan rộng khắp hoàn cầu.

Nói tóm lại, Hội Thánh cần luôn ý thức lại gương mặt của chính mình. Và nếu nó có những điểm biến dạng nào so với gương mặt của Đức Giêsu, thì nhất thiết phải can đảm loại bỏ, hoặc phải được biến đổi để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Người Thầy chí ái của chúng ta (x. Rm 8,29; Pl 3,10).

V.- LỜI NGUYỆN THAY LỜI KẾT

Chủ sự:

Anh Chị Em thân mến!

Đức Kitô là nguồn ánh sáng và là ơn cứu độ. Người đem lại sự sáng cho những ai đang gặp tối tăm nơi thể xác và trong tâm hồn. Với niềm trông cậy sắt son, chúng ta cùng dâng lên Người lời nguyện xin:

1. “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa” (Lc 24,49). Lạy Chúa Giêsu, xin đổ tràn đầy Thánh Thần trên Hội Thánh khắp hoàn cầu, đặc biệt là Hội Thánh Việt Nam của chúng con, xin đừng để điều gì gây trở ngại cho những người đang tìm kiếm chân lý, nhưng luôn trở nên ánh sáng soi dẫn họ tìm thấy Chúa: là chân lý và là sự sống của chúng con.

(Chúng ta cùng cầu xin Chúa)

2. Chính anh em là chứng nhân của Thày” (Lc 24,48).  Lạy Chúa Giêsu, xin cho Hội Thánh Chúa biết chu toàn sứ mạng truyền đạt Lời Chúa đến cho nhân loại, đồng thời biết hướng mọi người đáp lại tiếng gọi của Chúa.

(Chúng ta cùng cầu xin Chúa)

3. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ, để mở trí cho các ông hiểu biết về Kinh Thánh” (x. Lc 24,45). Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con thấy rõ tình trạng mù lòa nơi tâm hồn của mỗi người chúng con, và cho chúng con biết đặt cuộc đời mình dưới ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa.

(Chúng ta cùng cầu xin Chúa)

4. “Xin Thày ở lại với chúng con” (Lc 24,29). Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhìn nhận lỗi lầm của mình và luôn biết thành tâm sám hối, để mỗi người chúng con luôn có Chúa ở cùng, hầu có thể trở thành một mẫu gương đời sống đức tin sống động, và là dấu chỉ loan báo đức tin cho mọi người nhận biết Chúa.

(Chúng ta cùng cầu xin Chúa)

Kết:

Lạy Chúa là Thiên Chúa Thành Tín, Chúa chẳng bao giờ từ chối lời kêu cầu tha thiết của chúng con. Xin cho chúng con biết mau mắn chạy đến cùng Chúa với lòng tin tưởng phó thác và cậy trông.

(Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.)

Linh mục GBt. BÙI NGỌC ĐIỆP-TSVN

Tác giả: Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!