Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Trần Hiếu, San Jose
Bài Viết Của
Trần Hiếu, San Jose
Thương nhớ Cha Giuse Phạm Kim Hùng
Chúc Mừng Xuân Mậu Tuất 2018
CÔNG NGHỊ LÃNH ÐẠO CÔNG GIÁO HOA KỲ - SỰ HIỆN DIỆN SỐNG ÐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
Đức Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng ưu ái dân tộc Việt Nam
ĐÊM GIÁNG SINH CỦA NGƯỜI BẢO DƯỠNG
“PHẢI CHẤP NHẬN TRẢ GÍA” KHI RAO GIẢNG GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI
Biển Đông Dậy Sóng—“Viên Đạn Cần Bắn Là Sự Đoàn Kết Dân Tộc”
Đức Kitô đã sống lại
Chú bé vẽ mèo
Câu Chuyện Giáng Sinh: GIA PHẢ CHÚA GIÊSU
DÂNG LỜI CẢM TẠ
THĂNG TIẾN MỐI QUAN HỆ GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI
Điểm sách “Thiên Chúa và Trần Thế” Trao đổi giữa ký giả Peter Seewald và hồng y Joseph Ratzinger do Phạm Hồng Lam dịch
Thăng tiến các mối quan hệ con người qua lắng nghe
Lá thư gửi Chúa
Sống đạo qua thăng tiến các mối quan hệ gia đình
Giải quyết bất đồng gia đình trong tinh thần Phúc Âm hóa
Thương Nhớ Bác Bùi Đình Đạm
Nhớ Bố Ngày Hiền Phụ
Đối phó với nóng giận trong các mối quan hệ gia đình
ĐI TÌM MÔ THỨC GIẢI QUYẾT NHỮNG BẤT ĐỒNG
Hải Linh — Danh Tài Thánh Nhạc Việt Nam
NĂM MỚI, THĂNG TIẾN NIỀM TỰ QUÝ TRONG HOẠT ĐỘNG CỘNG ĐỒNG
Làm gì khi người thân của bạn ghiền bài bạc?
NÓNG GIẬN TRONG HOẠT ĐỘNG CỘNG ĐỒNG
Giải quyết các xung khắc gia đình
AN TÂM TRONG VIỆC DẠY CON
Ba vị ẩn tu: Một truyền thuyết được lưu hành ở thị trấn Volga
HẢI LINH — DANH TÀI THÁNH NHẠC VIỆT NAM

Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời,

Chúa sinh ra đời, nằm trong hang đá nơi máng lừa...

(Hang Bê-Lem, 1945)

Trên nửa thế kỷ nay, mỗi độ Noel về, những dòng ca đó được cất lên khắp nơi, giữa những thánh đường chốn thành thị, hoặc nơi các lều tranh của miền thôn dã.  Bản thánh ca đã trở thành bất hủ, tương tự như các tác phẩm Silent Night, White Christmas, Jingle Bells...  của Âu Tây.  Hải Linh, người sáng tác bản nhạc lúc ở tuổi 25, từ đó đã cống hiến đời mình cho âm nhạc, đặc biệt là thánh ca Việt Nam. 

Từ khi qua đời cách đây 21 năm, ông thường xuyên được bằng hữu, môn sinh và giáo hữu khắp nơi thương mến tưởng niệm vào những tuần đầu của năm dương lịch.  Tại San Jose, môn sinh của ông là nhạc sư Phạm Đức Huyến, cũng âm thầm xin lễ cho ngài tại các nhà thờ Việt Nam.

“Tôi đã vô cùng xúc động nhớ đến thầy Hải Linh khi điều khiển ca đoàn hợp tấu bài Hang Bê Lem tuần qua”, nhạc sư Phạm Đức Huyến phát biểu.  Ông vừa trở về trong chuyến dạy nhạc tại nhà thờ Các Thánh Tửû Đạo Việt Nam Arlington, Washington D.C.

Theo lời linh mục nhạc sĩ Kim Long, Hải Linh là “danh tài của thánh nhạc Việt Nam, đặc biệt trong lãnh vực hợp xướng”. Ngoài hơn ba trăm tác phẩm, với nhiều bản hợp xướng bất hủ, Hải Linh là một trong những người tiên phong gầy dựng phong trào hợp ca của nền thánh nhạc Việt Nam.  Ông đã để lại vốn liếng trên một ngàn môn sinh ca trưởng do ông đào tạo hiện đang sống và phục vụ khắp nơi trên thế giới.  Kim Long, tác giả của hơn hai nghìn bản thánh ca rất phổ thông, là giảng sư của Phân Khoa Âm Nhạc tại Viện Đại Học Đà Lạt do Hải Linh làm Phân Khoa Trưởng trong những năm 1973 đến 1975.

Hải Linh, tên thật là Trần Văn Linh, người làng Ưng Luật, Phát Diệm (Ninh Bình), sinh ngày 4-10-1920, nhằm lễ kính thánh Phanxicô thành Assisi.  Ông là người con thứ hai trong một gia đình 7 người con, bốn trai ba gái.  Người em trai út là linh mục Trần Đức Hoan.  Thân phụ làm nghề đắp tượng và thân mẫu là một bà “quản” phụ trách việc dâng hoa, ngắm lễ, dạy kinh, tập hát... tại nhà thờ Lưu Phương, Phát Diệm. 

Kể từ lúc lên 11 tuổi, Hải Linh dâng mình cho Chúa, sau đó nhập chủng viện Bùi Chu.  Trong những năm ở chủng viện, Hải Linh tỏ ra rất say mê và có năng khiếu về âm nhạc.  Ông đã sáng tác bài “Mẹ Ơi Đoái Thương Xem Nước Việt Nam” vào năm 1945, và mùa Giáng Sinh năm đó ông đã dệt nên bài “Hang Bêlem”.  Chính ông là người đầu tiên điều khiển hợp xướng bản nhạc nầy trong thánh lễ đêm Giáng Sinh tại Nhà Thờ Chính Toà Phát Diệm.  Mọi người hiện diện đã nồng nhiệt tán thưởng, và linh mục Phạm Ngọc Chi, giám đốc chủng viện, ngợi khen bài ca là “một tuyệt tác” và bắt đầu lưu tâm đến tác gỉa.  Vào năm 1950, sau khi trở thành giám mục, đức cha Chi đã cử Hải Linh đi học về âm nhạc tại Rôma.

Nhưng ông ở Rôma chỉ một thời gian ngắn, rồi trẩy đi Pháp, thụ huấn âm nhạc tại nhạc viện Cesar Franck và đến năm 1956 tốt nghiệp với luận án “Mầu sắc nhạc Việt trong bình ca”.  Trong thời gian nầy, ông bắt đầu sáng tác trường ca Ave Maria, phổ thơ Hàn Mạc Tử:

“Như sóng lộc triều nguyên ơn phước cả

Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng

Thơm tho bay cho tới cõi Thiên Đàng

Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể...”

Trở về Việt Nam, ông dạy về hợp ca tại Âm Nhạc Viện Sài Gòn từ năm 1956 đến 1960.  Thời gian nầy, ông thành lập ca đoàn Hồn Nước, và cho ra đời một số tác phẩm nổi tiếng “Nữ Vương Hoà Bình”, “Tiếng Nhạc Oai Hùng”, “Đà Lạt Trăng Mờ”, “Duyên Kỳ Ngộ”, “Tiếng Thu”, “Hò Non Nước”, “Nhạc Việt”, “Cóc Quân”, “Chinh Phụ Ngâm”, “Cung Đàn Bạc Mệnh”, “Lòng Mẹ.”... Y Vân, tác giả bài “Lòng Mẹ”, đã chấp thuận cho Hải Linh chuyển lời dệt nên bản hợp tấu nhiều bè:   

“Bao la, chập chùng, biển bao la,

Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào...”

Vào năm 1961, Hải Linh đi Hoa Kỳ cùng với gia đình.  Trong khi người vợ lo việc đèn sách, Hải Linh đi làm nuôi gia đình và săn sóc hai cháu nhỏ, Cecil Dung và Joel Đức.  Thời gian ở Athens, Ohio, Hải Linh đã viết các soạn phẩm hoà tấu cho ban Hợp Tấu Đại Học Ohio trình diễn.  Vì nhu cầu của gia đình, ông di chuyển đến California, cư ngụ tại Sacramento một thời gian rồi đến Monterey để dạy tiếng Việt tại trường ngôn ngữ Đông Phương. 

Nhưng cung điệu trào dâng trong lòng người nghệ sĩ, khiến ông quyết tâm trở lại Ba Lê để nghiên cứu thêm về âm nhạc.  Ước mơ toại nguyện, từ năm 1968 đến 1970, ông trở lại kinh thành ánh sáng lần thứ hai.  Nơi đây ông cư ngụ cùng với linh mục nhạc sĩ Ngô Duy Linh và hoàn tất chương trình nghiên cứu sau hai năm học tập.

Trở về Việt Nam năm 1970, Hải Linh tích cực dấn thân vào các hoạt động cho âm nhạc:  giáo sư âm nhạc tại Viện Đại Học Đà Lạt, phát triển và đưa Ca Đoàn Hồn Nước tới một trình độ điêu luyện, và đã dày công huấn luyện được 40 lớp ca trưởng—là những người điều khiển các ca đoàn hợp xướng. 

Vào năm 1975, khi Hải Linh xách vali bước ra khỏi cửa để chuẩn bị di tản vì gia đình đang ở Hoa Kỳø, thì người em của ông hỏi, “Anh đi thật đấy à?”  Nghe câu đó, Hải Linh có cảm tưởng như là câu hỏi của cả Giáo Hội Việt Nam đặt ra với ông.  Sau vài phút định tâm, ông đã quay vào nhà và quyết định ở lại.  Ông nói, “Ngày xưa Giáo Hội Việt Nam đã đưa tôi đi du học để tôi có được kiến thức như ngày nay, tôi có bổn phận phải trao lại cho người khác.  Món nợ nầy tôi trả cả đời cũng chưa đủ!”

Từ đó cho đến năm 1986, Hải Linh tiếp tục dạy sáng tác và luyện ca trưởng tại tư gia.  Châm ngôn các hoạt động của ông là, “Tôn vinh Thiên Chúa và tán tụng quê hương”.  Ông cũng đã thực hiện một số nhạc phẩm hợp xướng nổi danh: “Tán Tụng Hồng Aân”, “Vinh Danh Thiên Chúa”, “Khúc Ca Mặt Trời”, “Trường Ca Các Tạo Vật”... Ngày 19-5-1986, sau khi hoàn tất các thủ tục đoàn tụ, ông đã đến định cư tại Hoa Kỳ.  Trong gần hai năm, Hải Linh đã thực hiện 15 chuyến đi khắp các nơi để mở các lớp huấn luyện ca trưởng, điều khiển các buổi hợp xướng, và tiếp tục sáng tác.   Để chuẩn bị cho lễ Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Rôma, ông đã soạn các bài “Kính Mừng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam”, “Bài Ca Khải Hoàn”:

“Đây bài ca nghìn trùng,

dâng về Thiên Chúa,

bài ca thấm nhuộm máu đào...”

Trong khi đang đi đó đây để chuẩn bị tập dượt cho buổi đại lễ, nhạc sư Hải Linh, sau một cơn đau tim bất ngờ, đã từ trần tại Nam Cali vào ngày 6-1-1988, hưởng thọ 67 tuổi.

Nhiều môn sinh của ông hiện đang theo vết chân của thầy mình trong các nổ lực sáng tác và huấn luyện ca trưởng.  Ở San Jose, Nhạc sĩ Phạm Đức Huyến, môn sinh và là cháu của Hải Linh, từ khi đến định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1990, đã huấn luyện được 88 lớp ca trưởng với khoảng gần hai ngàn người thụ huấn.  Trong năm 2007 và 2008, theo lời mời của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, ông đã về Hà Nội hai lần để dạy nhạc cho các đại chủng sinh và các ca trưởng trong tổng giáo phận. 

Ông nói, “Hải Linh là con người có tâm hồn rộng mở, sống cô đơn, xa vợ con, nhưng không cô độc, vì có nhiều học trò và ai cũng quyến luyến, thương yêu”.  Ông tiếp, “Tưởng niệm thầy Hải Linh, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của mình qua việc tiếp nối các công việc thầy đã làm.  Tôi thấy như thầy đang hiện diện và khuyến khích chúng tôi mở rộng vòng tay càng ngày càng lớn ra, để phục vụ cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội và xã hội”.-

Tác giả: Trần Hiếu, San Jose

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!