Ngụ ngôn 80
Chuột hoành hành dữ dội nên người ta quyết định đặt bẫy diệt chuột. Cũng vì chuột nhiều nên bẫy ngày càng tinh vi và hữu hiệu hơn. Bẫy càng tinh vi, càng nhiều loài chuột bị bắt và bị tiêu diệt, kể cả những con chuột nhỏ xíu. Nhưng cũng chính vì bẫy tinh vi mà loài chuột càng tinh khôn hơn.
Rồi đến lúc người ta phát hiện ra những con bị bẫy không phải là chuột lớn, cũng chẳng phải chuột nhỏ, mà toàn là... thằn lằn. Sao thằn lằn lại sa bẫy chuột? Một nghiên cứu được thực hiện và thấy có ba nguyên nhân.
Nguyên nhân thứ nhất là vì bẫy quá tinh vi nên chỉ cần thằn lằn bò ngang qua là dính. Thứ hai là có những con thằn lằn dại dột, thấy mồi của chuột cũng muốn ăn. Loại nguyên nhân thứ ba nghe ra thấy thương cho thằn lằn. Vì chuột tinh khôn muốn chắc ăn nên trước khi xơi các món ngon, chuột dụ thằn lằn thử trước. Thằn lằn tưởng chuột nhân từ nên thoải mái thử. Kết quả là thế nào ai cũng đã biết.
Lời bàn: Thế gian vốn điêu ngoa. Người ngay lành mà quá ngây thơ hay dễ động lòng tham là chết trước. Lo đối thoại với chuột thì thằn lằn sẽ làm thiêu thân cho chuột thôi.
Ngụ ngôn 81
Facebook nói với Multiply: “Ông làm gì có nhiều bạn bằng tôi?” Multiply cãi liền: “Nhiều ít chưa chắc ai hơn ai, nhưng tôi chất lượng hơn”. Wordpress cười cười: “Chất lượng là có tôi. Tuy nhiên cái lão Yahoo 360 mới là đông khách”. Cãi qua cãi lại, cãi tới cãi lui mãi, chẳng ai chịu thua ai. Bỗng tất cả đều câm hết. Không tiếng động. Không màu sắc. Không chữ nghĩa. Chẳng ai biết chuyện gì xảy ra. Bỗng dưng có ánh sáng chói loà và trong vầng sáng ấy hiện lên bốn chữ nhấp nháy: “Cho nói tự do”.
Facebook, Multiply cùng các anh em đồng thanh la to: “Chết rồi! Tường lửa!”
Ngụ ngôn 82
Mây trôi lững lờ. Gió thổi hiu hiu. Đẹp, đẹp lắm. Nhà thơ cao hứng viết ngay: “Mây bay về tận phương xa. Lòng anh bỗng thấy như là thần tiên”. Nhạc sĩ nhìn mây và khúc hát ra đời: “Mây, gió thổi mây bay mãi bay hoài làm anh nhớ những ngày có em”. Chưa hết, nhà toán học nhìn mây cũng cao hứng giảng trong lớp: “Các em biết không, mây là điều rất lãng mạn. Nhưng mây cũng huyền bí như một ẩn số. Hôm nay chúng ta học về phương trình có hai ẩn số”.
Mây được ca ngợi nên khoái chí. Hình như thời nay người ta lãng mạn hơn cái thời Hàn Dũ ngày xưa :"Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại", (Mây kéo phủ núi Tần Lĩnh, biết nhà ta ở đâu, ý nói nhớ nhà). Ngày xưa chỉ vậy thôi. Nhưng nói chung cũng là giống nhau.
Một ngày nọ nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn, nhà toán học, hoạ sĩ cùng đi chung máy bay. Bỗng mây đen nổi lên và gió thổi ào ào. Máy bay gặp mây và gió nên chao đảo dữ dội. Các nhà của chúng ta lo lắng sợ hãi nên quên hết những lãng mạn và ý nhị, chỉ còn ôm mặt khóc.
Cô tiếp viên hàng không thấy vậy mới nói: “Các bác thấy đó. Cái cách nói một chiều, nhìn sự vật một phía nó làm cho người ta không đủ sức chịu đựng khi gặp cuồng phong các bạn ạ. Chứ như cháu đây, cái gì cũng chẳng lo vì cháu luôn nhớ lời bố cháu: cứ bám khư khư một bên lề, giữ khư khư một ý tưởng rập khuôn thì chỉ có làm phông cho người ta chụp ảnh!”.
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs