Nguyễn Đăng Trúc, Reichstett, Pháp
Bản văn
Truyện Trầu Cau
Đời thượng cổ có một chàng tên là Quan Lang, trạng mạo cao lớn, Quốc vương cho họ là Cao, nhân lấy chữ Cao làm họ, sinh được hai trai, người đầu tên là Tân, người thứ tên là Lang, học với thầy đạo sĩ họ Lưu.
***
Nhà họ Lưu có một người con gái, tuổi chừng mười bảy hay mười tám muốn tìm đôi bạn, nhưng không biết người nào là anh em, bèn bưng một bát cháo và một đôi đũa mời hai người ăn để xem ai là anh ai là em. Thấy người em nhường cho người anh ăn trước, nàng bèn ghi nhớ lấy, đem tình thực trình bày với cha mẹ. Cha mẹ gả cho người anh kết làm vợ chồng, tình ái càng ngày càng thân mật.
***
Sau đấy, người em thấy anh đãi xử mình không bằng lúc xưa, đem lòng hờn giận mới bỏ anh mà đi. Đi đến một nơi thôn dã bổng gặp một cái suối lớn; không có thuyền để sang ngang, người em ngồi một mình khóc ròng rồi chết hoá thành một cái cây. Đến khi người anh mất em mới bỏ vợ đi tìm thì thấy em đã chết bèn gieo mình bên gốc cây mà tự tận hoá thành một tảng đá quấn quanh gốc cây. Sau đấy, người vợ lấy làm lạ sao chồng mình đi đã lâu mà không thấy về liền bỏ đi tìm, thấy chồng đã chết, nàng cũng gieo mình ôm lấy tảng đá mà chết luôn, hoá ra một sợi dây leo vấn vít trên đá, ngọn lá mùi thơm và cay.
Cha mẹ Lưu Thị đi tìm con, đến đó cũng than khóc, rồi lập đền thờ ở chỗ ấy mà thờ, người đương thời đi qua đấy, ai cũng đốt nhang vái lạy, khen là anh em hoà thuận, vợ chồng tiết nghĩa.
***
Trong khoảng tháy bảy tháng tám, khí nóng còn nồng, Hùng Vương đi tuần hành thường nghỉ chân ở đây để tránh nắng. Trông thấy trước đền im mát, dây lá phủ trùm, Vương lên tảng đá đứng ngắm nghía, hỏi ra mới biết công việc như thế, Vương lập tức bảo cận thần hái một trái cây và hái một lá dây leo, Vương thân nhai đi rồi nhổ trên đá, thấy có sắc đỏ tươi biết là vị ngon mới lấy đem về, bảo lấy đá lửa nung đá làm vôi, cùng với trái cây, lá dây hợp làm một mà ăn, thấy vị ngọt béo, thơm cay, môi mép sinh đỏ, mới truyền ban ra thiên hạ, phàm những lễ giá thú, hội đồng lớn nhỏ, đều phải lấy vật này làm trước. Từ bấy giờ nước Nam có tục ăn trầu cau là bắt đầu từ đấy vậy.
*
* * *
Truyện Đầm Nhất Dạ
Hùng Vương truyền ngôi đến vua cháu ba đời, có sinh được một người con gái tên là Tiên Dung Mỵ Nương, tuổi vừa mười tám, dung mạo tú lệ, nguyện không lấy chồng, chỉ thích ngao du thiên hạ. Vương chiều mà nghe theo. Mỗi năm khoảng tháng hai tháng ba, nàng sửa soạn thuyền ghe, lênh đênh ngoài biển, vui chơi quên cả ngày về.
***
Lúc bấy giờ Chử Xá Lang có người tên là Chử Vy Vân sinh được một người con trai tên là Chử Đồng Tử, hai cha con tính vốn hiền lành, nhà nghèo lại gặp nhà cháy, của cải khánh tận chỉ còn một cái khố vải, cha con ra vào thay đổi nhau mà mặc. Bị bệnh già, cha bảo con rằng:
- Ta chết thì chôn lỗ cũng được, để cái khố lại cho con mặc kẻo xấu hổ.
Cha chết, người con không nỡ làm thế, cứ để cả khố mà chôn. Chử Đồng Tử bấy giờ thân hình trần truồng, lạnh đói khôn xiết, mới cầm cần câu đi đến bờ sông câu cá, trông thấy thuyền buôn đi qua, đứng vào giữa nước mà xin ăn. Nào ngờ thuyền của Tiên Dung bổng đến đó; nghe thấy tiếng chuông trống đàn sáo, thấy những nghi trượng cờ xí, Đồng Tử sợ hãi, không biết trốn tránh vào đâu, trông thấy trong bãi phù sa có chòm lau sậy, lơ thơ năm ba gốc, bèn ẩn thân vào đó, đào cát thành huyệt để giấu mình, lại lấy cát vùi lên trên. Giây lát, thuyền của Tiên Dung ghé vào đó; nàng dạo chơi trên bãi cát, truyền lấy mùng màn vây kín cả chỗ lau sậy để tắm. Tiên Dung vào trong màn, cổi áo múc nước dội tắm; cát chảy, thân hình Đồng Tử lộ ra, hồi lâu Tiên Dung biết là con trai. Tiên Dung nói:
- Ta đã không thích lấy chồng, nay lại gặp người này ở trong huyệt cát, có lẽ trời khiến thế chăng? Thôi ngươi hãy dậy mà tắm rửa đi.
Rồi ban cho áo quần, cùng nhau xuống thuyền ăn uống hoan lạc; người trong thuyền đều cho là một sự gặp gỡ tốt lành xưa nay chưa từng có. Đồng Tử nói rõ sự tích cho Tiên Dung nghe; Tiên Dung thương xót bảo làm vợ chồng, Đồng Tử cố từ. Tiên Dung nói:
- Việc này tự trời tác hợp, việc gì mà từ chối ?
Những người tháp tùng đem việc ấy tâu lên với Hùng Vương; Hùng Vương giận bảo rằng:
- Tiên Dung không biết trọng danh tiết, không biết tiếc tiền của ta, đi chơi giữa đường lại hạ giá với người nghèo, còn mặt mũi nào mà thấy ta nữa; từ nay mặc kệ nó, không cho trở về nước nữa.
Tiên Dung nghe tin, sợ không dám trở về mới cùng với Đồng Tử mở chợ búa, lập phố xá, cùng nhân gian mậu dịch, dần dần nơi ấy thành một ngôi chợ lớn (nay là chợ Hà Lõa).
Thương nhân ngoại quốc qua lại buôn bán, kính sự Tiên Dung Đồng Tử làm chủ; có một nhà đại thương đến nói với Tiên Dung rằng:
- Qúi nhân xuất ra một thoi vàng, năm nay cùng với người nhà buôn ra ngoài biển mà mua vật quý, sang năm sẽ được lời một thoi.
Tiên Dung bảo Đồng Tử rằng:
- Vợ chồng ta do trời định khiến, ăn mặc là của trời cho, bây giờ nên lấy một thoi vàng cùng với người nhà buôn đi ra biển mua hàng đem về làm kế sinh nhai:
Đồng Tử bèn cùng đi với người nhà buôn; ngoài biển có một hòn núi tên là Quỳnh Viên Sơn; trên núi có một chiếc am nhỏ, người đi buôn ghé thuyền ở đấy mà múc nước; Đồng Tử lên chơi trên am, có một tiểu tăng tên là Phật Quang truyền phép cho Đồng Tử. Đồng Tử mới lưu lại am nghe thuyết pháp, giao vàng cho người đi buôn mua hàng, dặn lúc nào trở về thì ghé lại am để chở Đồng Tử về. Nhà sư mới tặng cho Đồng Tử một cái gậy và một cái nón, bảo rằng:
- Linh thông tại đây đó.
Đồng Tử trở về, đem chuyện đạo Phật nói hết Tiên Dung, từ đó giác ngộ, bỏ chợ búa, nghề buôn, đem nhau đi tìm thầy học đạo. Một hôm trời đã tối mà chưa đến nhà trọ, họ mới ở lại giữa đường, cắm gập úp nón lên trên mà che. Đêm đến canh ba, thấy hiện ra thành quách, lầu son đền báu, đài các lăng miếu, kho tàng miếu xã, vàng bạc châu ngọc, chiếu giường mùng màn, tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ la liệt đầy ở trước mặt. Sáng ngày, ai trông thấy cũng lấy làm kinh dị, tranh nhau đem những vật hương hoa ngọc thực đến dâng hiến và xưng thần. Văn võ bá quan phân quân túc vệ, biệt lập thành một nước.
Hùng Vương hay tin cho là con gái mình làm loạn mới phát binh đi đánh; quan quân đến rồi, quần thần xin phân quân án ngữ. Tiên dung cười rằng:
- Chuyện này không phải tự ta làm ra, cũng là trời giun giủi; sinh tử tại thiên, ta đâu dám chống cha, phải thuận chịu điều chính, chờ lệnh chém giết.
Lúc bấy giờ những người mới tập họp sợ hãi mà chạy tán loạn, chỉ còn bọn người cũ ở lại với Tiên Dung. Quan quân kéo đến đóng doanh ở bãi Tự Nhiên, chỉ còn cách một con sông lớn: ngày sắp tối nên chưa kịp tiến binh. Chừng đến nửa đêm, hốt nhiên gió lớn thổi làm nổi sóng đổ cây; quan quân đại loạn; bộ đảng, thành quách của nàng Tiên Dung nhất thời nhổ đi bay lên trời; đất ở chỗ ấy sập xuống thành một cái đầm lớn. Sáng ngày, dân gian trông không thấy thành nữa, cho là linh dị bèn lập miếu đường, thời thường đến tế, gọi đầm ấy là Nhất Dạ Trạch, châu ấy là Man Trù Châu (hoặc gọi là Tự Nhiên Châu), chợ ấy là Hà Lõa Thị.
Sau đến đời Nam Đế, binh nhà Lương sang xâm chiếm nước ta, vua sai Triệu Quang Phục làm tướng đem binh ngăn giữ. Quang Phục suất chúng tàng ẩn trong đầm, cái đầm ấy sâu rộng bùn lầy, khó bề tiến lui; Quang Phục cưỡi chiếc thuyền độc mộc qua lại cho tiện, thường nhân đêm tối, cưỡi thuyền độc mộc mà đột xuất đánh phá cướp lấy lương thực, làm kế trì cửu cho giặc kiệt quệ. Ba bốn năm trường giặc không đánh được, Bá Tiên than rằng:
- Đời xưa gọi là đầm nhất dạ thăng thiên, ngày nay lại là cái đầm nhất dạ đạo kiếp.
Gặp lúc Hầu Cảnh tác loạn bên Trung Hoa, vua Lương triệu Bá Tiên về, ủy quyền cho tỳ tướng Dương Sằn thống lĩnh quần chúng.
Quang Phục trai giới thiết đàn ở trong đầm, đốt hương cầu đảo. Thoát thấy thần nhân cỡi rồng giáng xuống giữa đầm, bảo Quang Phục rằng:
- Ta lên trời nhưng linh dị còn ở đây, người có lòng thành cầu đảo, ta đến giúp để bình loạn tặc.
Rồi cởi vuốt rồng đưa cho Quang Phục bảo giắt vào đầu đâu mâu, hễ đánh đâu là được đó. Nói đoạn lại bay lên trời; Quang Phục y như lời dặn đem binh đột kích binh Lương đại bại, chém được tướng Dương Sằn ở trận tiền, binh Lương lui chạy.
Quang Phục nghe tin Nam Đế mất, bèn tự lập lên làm Triệu Vương, đóng đô ở quận Vũ Ninh núi Trâu Sơn.
Phần minh giải
Học giả Lê văn Siêu, trong tác phẩm nghiên cứu Văn minh Việt Nam đã lấy hình ảnh cây đa để gợi lên sinh lực văn hóa dân tộc Việt nam và sức thu thái nhuần nhuyễn những tinh hoa của tam giáo Nho-Phật-Lão như sau :
"Tựa hồ như cây đa hút nhựa ở cành cây mà thông rễ xuống đất, đến khi bám rễ sâu được vào lòng đất thì rễ ấy lại thành thân cây để đưa nhựa lên nuôi cành lá ở trên. Bấy giờ nhìn cái thân cây ấy thì khó nhận ra nó là rễ hay nó là cây."
Nhận xét nầy của học giả Lê văn Siêu ăn khớp với hai câu truyện Trầu Cau và Đầm Nhất Dạ trong Lĩnh Nam Chích Quái. Đây là những mẩu truyện mà khi nghe qua, mỗi người Việt Nam cảm thấy như phát xuất từ nơi bề sâu, nơi Đại-ký-ức của chính lòng mình; nhưng truy cứu nội dung của từng truyện, khảo sát bố cục của chúng ta lại thấy đây là một chuỗi liên tục những mẫu mực văn hóa Nho-Lão-Phật thấm nhập một cách linh động vào thân-cây là tâm hồn và nếp sống người Việt-Nam. Linh động đến độ hầu như đồng hóa đúng như học giả Lê văn Siêu nhận xét: "Bấy giờ nhìn cái thân cây ấy thì khó nhận ra nó là rễ hay nó là cây".
I - Vị trí Trầu-Cau và Đầm Nhất Dạ trong bố cục toàn bộ của Lĩnh-Nam Chích-Quái
Theo Phan Huy Chú trong Lịch-Triều Hiến Chương Loại Chí, ở bản chính Lĩnh Nam Chích Quái truyện Trầu-Cau mang tựa đề là Tân Lang xếp vào truyện thứ 5 và truyện Đầm Nhất Dạ có tên là Chử Đồng Tử xếp vào truyện thứ 11. Vũ Quỳnh xếp lại thứ tự, đặt hai câu truyện nầy đi liền nhau tiếp theo bộ ba truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh và Mộc Tinh. Tựa đề được sửa đổi lại với tên Trầu Cau và Đầm Nhất Dạ.
Chúng ta đã thấy ở truyện thứ nhất, Hồng Bàng Thị, một luận đề tóm kết về nhân tính toàn diện trong ba chiều kích Thiên-Địa-Nhân, tổng lược phần Thể cũng như phần Dụng. Tiếp đến, tác giả xếp liền ba truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh để khai triển chiều kích của nhân tính mở ra trong tương quan với thiên nhiên, được biểu thị qua nguyên tượng (archétype) Thần Nông hay là Đất.
Ở trong hai câu truyện Trầu Cau và Đầm Nhất Dạ nầy, đề tài nổi bật là chiều kích của nhân tính trong mối tương giao giữa những con người cụ thể với nhau, tương quan xây dựng nên cộng đồng, đặt nổi nền tảng cộng đồng xã hội, trong cuộc sống gia đình : Nơi truyện Trầu Cau ba nhân vật chính là anh em Tân, Lang và cô gái nhà họ Lưu; và trong truyện Đầm Nhất Dạ ta sẽ thấy các hình thái đặc trưng của tương giao con người qua những biến chuyển của vợ chồng Tiên Dung Mỵ Nương và Chử Đồng Tử. Chiều kích nầy được văn hóa Trung Hoa biểu thị qua nhân vật huyền thoại Hoàng Đế, hàm ngụ một ưu tiên cho sinh hoạt của cộng đồng lớn có tính cách quốc gia. Nhưng trong thực tế lịch sử, ít nhất vào thời Trần, Lê, truyền thống văn hóa Trung Hoa uyên nguyên dường như đã bị che khuất, xuyên tạc, bởi một xã hội thực tế chỉ nhìn thấy phần Dụng, phần hình thức bên ngoài, nặng về nghi lễ giả tạo và phiền toái. Tác giả Lĩnh Nam Chích Quái, trong truyện Hồng Bàng Thị đã không nhắc đến Hoàng Đế, nhưng thay bằng nhân vật Đế Nghi, gợi lên những bước sa sẩy của một xã hội vụ hình thức, vô nhân đã từng được cảnh giác trong cuốn Đạo Đức Kinh; và truy nguyên mẫu mực của tương giao giữa người với người để làm thành cộng đồng xã hội qua hình ảnh Lộc-Tục. Lộc-Tục gây âm hưởng khác hơn là Hoàng Đế. Lộc-Tục có ngoại vi lớn hơn cả dân tộc, gợi lên cộng đồng con người phổ quát, từ nếp sống gia đình, bè bạn đến thân phận của toàn nhân loại trong cuộc sống ở dương gian. Lộc-Tục lại còn nhắc nhở tính cách bất phân ly của các chiều kích Đất-Trời nơi nếp sinh hoạt con người : Lộc là Duyên, là sức sống trào lên từ cảnh vực ẩn dấu, nguồn sống uyên nguyên, trai trẻ, bất ngờ, nhưng-không, là ơn của Trời. Tục là nỗ lực của con người, là thực tế lịch sử. Nhân vật nầy là con cháu Thần Nông (Đất) và Vụ Tiên (Trời). Những chi tiết đó cho thấy ưu tư của tác giả muốn nhấn mạnh đến mối tương quan chặt chẽ Đất-Trời-Người, làm nên Đạo, tức là cương thường cho cuộc sống. Điều mà trong sách Trung Dung đã nói đến: "Đạo dã giả bất khả tu du lỵ dã; khả lỵ phi Đạo dã".
Điều đặc biệt ở trong Lĩnh Nam Chích-Quái, là Đạo Người chân thật đó không được diễn tả ra trong khung cảnh ưu thắng của việc vị trị nước (như Nho-Lão nhấn mạnh) cũng không phải là bận tâm giải thoát cá nhân, hoàn thành nhân cách cho riêng mình để đạt đến mức thần, tiên hay người toàn hảo. Đạo người là mối tương giao giữa Tân, Lang và cô gái nhà họ Lưu, là mối tình Tiên Dung Mỵ Nương và Chử Đồng Tử, là mối tiếp cận cụ thể giữa những con người bằng xương bằng thịt trong bất cứ hoàn cảnh nào, nơi khung cảnh rộng bao la như mối tình nhân loại, hay trong khuôn khổ nhỏ hẹp, ngày ngày của cuộc sống vợ chồng. Thiện-hảo phát xuất và phát triển nơi tương quan nầy. Nói cách khác đi, tìm thiện hảo cho riêng mình, giả thiết không có cộng đồng xã hội, không có những người thân cạnh mình, nếu không nói là điều không tưởng, thì ít nhất cũng không phải là ưu tư mà tác giả Lĩnh Nam Chích-Quái truy tìm.
II - Truyện Trầu-Cau
II. 1- Hình thức văn chương của truyện Trầu-Cau
II - 1.a - Các tên gọi và khung cảnh câu truyện
Các tên Tân, Lang, cũng như việc dùng đến tập tục ăn cau-trầu cho thấy khung cảnh được chọn là cuộc sống hôn nhân và gia đình. Hai chữ Tân-Lang lúc bấy giờ có lẽ đã trở thành quen thuộc trong dân gian để chỉ người thanh niên mới cưới vợ.
Nhưng điểm đặc biệt trong câu truyện là sự hiện diện của người cha cô gái nhà họ Lưu; ông ta là một đạo sĩ, một người theo trường phái Đạo Lão. Điểm đặc biệt ở đây là người cha đạo sĩ đó đồng ý với người con gái của mình về việc trắc nghiệm xem ai trong hai người Tân và Lang là anh, qua việc người em nhường cho anh ăn trước. Câu truyện xem ra đơn giản, nhưng thực sự tác giả đã dùng chi tiết nầy để mô tả sự dung hợp hài hòa giữa Nho và Lão. Hẳn nhiên đạo sĩ là hình ảnh của tư tưởng Lão giáo, và sự nhường nhịn trên dưới, anh em là nét đặc trưng của trật tự xã hội trong khung cảnh xã hội nhà Nho.
Ở phần chính câu truyện (phần giữa), ta cũng thấy ngạc nhiên tại sao người chồng là Tân lại không biến thành cây cau, tượng trưng cho người nam, mà lại biến thành những hòn đá vôi. Hơn thế nữa, trong toàn bộ câu truyện, dường như tác giả muốn xây dựng các mối tương giao tích cực, thế mà kết quả của phần chính câu truyện lại bi thương qua dấu vết của ba cái chết. Thêm vào đó, dường như có sự bất bình nơi người em, đến độ buồn bực quá phải bỏ nhà ra đi, nhưng tác giả lại lấy sự ca tụng của dân chúng để đánh giá câu truyện nầy là mẫu mực của "anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa". Những thắc mắc như thế buộc ta phải tìm một hướng giải thích sâu rộng hơn về mặt văn hóa.
Một điểm khác trong truyện nầy có giá trị về phương diện xã hội học đó là vai trò chủ động của người phụ nữ trong khung cảnh xã hội Việt-Nam. Trong việc quyết định hôn nhân, quản lý nếp sống gia đình, là cộng đồng nền tảng của xã hội Việt-Nam, cô gái nhà họ Lưu chủ động hoàn toàn. Hơn thế nữa, khi gặp khó khăn của gia đình Tân và Lưu Thị, thì dường như chỉ có phía nhà gái quan tâm. Trong toàn bộ câu của Lĩnh Nam Chích Quái, sự kiện nầy còn thấy ở nơi vai trò hoàn toàn chủ động của Tiên Dung Mỵ Nương. Đây hẳn là dấu tích chứng minh rõ ràng chỗ đứng bình đẳng, đôi lúc còn ưu thế trong một số khung cảnh sinh hoạt, của người phụ nữ trong nếp sống hằng ngày của dân tộc ta. Nhưng từ những sự kiện nầy để xác định ngay rằng trước đây định chế gia đình Việt-Nam vốn là mẫu-hệ thì dường như thiếu căn cứ. Theo ý chúng tôi, cộng đồng dân tộc Việt-Nam được hình thành qua nhiều đợt tập hợp các cộng đồng nhỏ với những nếp sinh hoạt định chế rất dị biệt. Nhưng dựa vào khung cảnh toàn khối bản văn Lĩnh Nam Chích Quái, phản ảnh cả một tiến trình dung hợp để hình thành một cộng đồng có một nếp văn hóa thuần nhất, thì ta thấy từ xa xưa định chế gia đình ưu thắng là phụ hệ; đặc biệt là dấu tích nơi việc người con mang họ của cha.
II 1b - Bố cục và nội dung chính của truyện Trầu-Cau
Khởi đầu câu truyện, tác giả nêu lên hai chi tiết quan trọng để vào đề :
- Đời thượng cổ
- Quốc vương đặt tên cho Quang Lang là Cao
Phần hai mô tả quyết định chủ động tìm chồng của Lưu Thị, phối hợp Nho-Lão, ý muốn của Lưu Thị và sự đồng ý của cha mẹ.
Phần ba phần chính của câu truyện. Người em buồn bã ra đi; người anh và tiếp theo là người vợ của anh đi tìm. Ba người chết bên nhau thành cây cau, đá vôi và cây trầu.
Dân chúng ngưỡng mộ gương anh em hòa hợp, vợ chồng tiết nghĩa.
Phần bốn Hùng Vương ăn thử cau trầu với vôi, và truyền lịnh thiên hạ giữ lấy tập tục nầy trong các buổi lễ giá thú, hội đồng lớn nhỏ.
Qua phần mở đề và phần kết tác giả muốn nêu lên một bối cảnh xã hội Việt-Nam thật xa xưa và có tổ chức chặt chẽ. Ta thấy khung cảnh xã hội nầy như một thời Nghiêu Thuấn mà Khổng Tử thường gợi lên qua các mối tương giao thầy-trò, cha mẹ-con cái, anh-em, vợ-chồng, vua-dân, thái độ của dân chúng- đạo nghĩa, Nho-Lão... Nói tóm lại đây là cảnh thái hòa. Và toàn bộ những tương giao tốt đẹp đó phát xuất từ nội dung chính của câu truyện (ở phần ba), ứng dụng vào cuộc sống xã hội từ gia đình, làng xã đến cả quốc gia (ở phần kết).
II 2 - Truy tìm ý nghĩa của truyện Trầu-Cau
Qua phần trình bày bố cục bản văn, rất linh động và khéo léo, tác giả mở đầu với việc giới thiệu nguồn gốc câu truyện rất xa xưa (đời thượng cổ) và kết luận với nỗ lực muốn kéo dài tập tục ăn trầu như một nghi lễ quan trọng trong các mẫu mực tiêu biểu của các mối tương quan xã hội (phàm những lễ giá thú, hội đồng lớn nhỏ đều phải lấy vật nầy làm trước). Thêm vào đó là cố gắng của tác giả liệt kê nhiều mối tương quan xã hội khác nhau, nhiều cấp khác nhau. Như thế rõ rệt tác giả muốn đưa ý nghĩa của nội dung câu truyện ứng dụng cho bất cứ hoàn cảnh sống nào của con người trong thời gian.
Ý nghĩa cô đọng nầy được diễn tả trong phần ba của câu truyện. Xét về mặt văn chương, phần ba như tách rời ra khỏi ba phần : một, hai và bốn. Ba phần sau nầy có thể xếp vào bất cứ mẩu chuyện truyền thuyết nào, các yếu tố xảy ra hẳn là tưởng tượng thôi, nhưng có thể đó là một sự kiện bình thường của cuộc sống con người. Phần ba, trái lại, là một lối văn huyền thoại: người chết hóa thành cây, thành đá vôi... Và yếu tố khung cảnh huyền thoại đó thúc đẩy ta phải đào sâu ý nghĩa tượng trưng của chúng.
Trước hết có sự kiện khác thường như ta đã nêu ở phần trên, là thay vì lấy nhân vật của Tân để nói cây cau, Lưu Thị để nói đến trầu nhằm gợi lên hôn nhân, nam nữ, âm dương, thì tác giả lại chuyển Tân làm đá vôi, Lưu Thị là cây trầu và người em là Lang làm cây cau. Trong quan điểm âm-dương, tam-tài, và nơi hình ảnh của Cau-Trầu-Vôi, ta thấy Cau được mọi người nghĩ ngay đến yếu tố Trời, Trầu yếu tố Đất còn Vôi tạo nên sắc đỏ tươi như máu hẳn đó là hình ảnh cuộc sống con người.
Với lối xếp đặt các nhân vật đi kèm với các tượng trưng nầy, dường như tác giả không nhằm mô tả một mẩu chuyện tình duyên trai gái hay mẫu mực hôn nhân mà thôi. Ngược lại, hôn nhân cũng như bất cứ tương quan nào cũng lấy ý nghĩa ẩn kín trong câu truyện là giềng mối để qui chiếu.
Giềng mối đó vẫn là Tam Tài: Đất - Trời - Người kết hợp. Câu truyện khởi đầu ở phần ba hàm ngụ hai yếu tố Đất và Người (Lưu Thị và Tân) gắn bó bên nhau mà lơ là và quên sự hiện diện của Lang (Trời : cây cau).
Cũng như ba câu truyện trước, Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh, hoàn cảnh thực tại của con người trong thời gian được cảm nhận như là thiếu vắng Trời.
Phần tiếp là sự tìm kiếm của ba yếu tố Đất-Trời-Người để có lại một sự kết hợp vĩnh viễn. Sự kết hợp nầy tạo nên sự sống với nhiều màu sắc đỏ tươi, mùi vị thơm ngon. Nhưng chữ "chết" được nhắc lại nhiều lần ở đoạn nầy như đi lạc ra ngoài khung cảnh tốt đẹp, hài hòa, sinh động của toàn câu truyện. Phải chăng tác giả chịu ảnh hưởng của Nam Hoa Kinh cho rằng sống-chết đều chỉ là việc tự nhiên của Trời-Đất, không thấy có một cái gì bi thương, tiêu cực trong đó ? Để trả lời, chúng ta lấy phần đầu và phần kết câu truyện huyền thoại nầy (nơi phần ba) để thấy được phần mạch lạc riêng của nó. Nói rằng người em buồn bực bỏ đi trong phần đầu, tại sao lại kết luận là "người đương thời đi qua đấy, ai cũng đốt nhang vái lạy, khen là anh em hòa thuận!"
Như thế, chuyện người em buồn bực bỏ ra đi lại tượng trưng một chiều kích và nội dung khác hơn là mô tả chính các sự kiện được viết ra : Nội dung đó là mối liên hệ với Trời ẩn kín và con người dễ quên chiều kích nầy. Chết ở đây nói lên sự biến thể, thay đổi khung cảnh chia-cắt để bước vào thế giới mới có tương giao gắn bó. Chết còn gợi lên ý nghĩa của nỗ lực truy tìm đến cùng tột, "gắn bó đến chết mới thôi". Không những chết gợi lên sự nối kết vĩnh viễn giữa tình yêu anh-em, vợ-chồng, mà mục tiêu chính của nội dung câu truyện là sự gắn bó bất phân ly của ba yếu tố Đất-Trời-Người hiện diện trong bất cứ một mối tương quan nào giữa con người với nhau, đồng thời là nỗ lực liên lĩ của con người trong lịch sử tìm gặp cho được sự phối hợp hài hòa, toàn diện đó của nhân tính.
Tuy đã gợi lên thực tế người đang xa trời trong khung cảnh thực tế của lịch sử, nhưng toàn bộ nội dung bản văn tắm gội trong một niềm lạc quan; nếu không nói hoàn cảnh xã hội đã quá tốt đẹp, thì câu truyện cũng gợi lên niềm hy vọng không đắn đo về một nhân tính toàn diện có thể thực hiện trong tầm tay nỗ lực của con người. Dẫu có thể châm chước cho nhận thức quá lạc quan nầy, khi định vị nó trong khung cảnh của một câu chuyện huyền thoại; nhưng nếu đối chiếu với những bản văn sơ nguyên của các nền văn hóa như Hy lạp, Do thái, ta lại không thấy được cảm thức bi kịch, nơi thân phận hữu hạn của con người trong thời gian vừa khắc khoải ước mơ Tuyệt-đối, vừa thấy chơi vơi không tìm được điểm tựa nào nơi sức lực hữu hạn của mình để bắt gặp Tuyệt-đối chân thật ở giữa thực tế lịch sử. Bản văn nầy phải được xem như là một lối trình bày linh động, theo đúng tâm tư cảm thức dân tộc ta, để gợi lên cùng một nội dung đầy lạc quan trong chương đầu sách Trung Dung của Nho gia, hơn là thân phận khắc khoải của con người trong câu chuyện Oedipe Làm Vua của Sophocle, hay Prométhée Bị Trói của Eschyle. Nó bắt gặp phần đầu sách Sáng-thế của người Do thái khi con người nguyên sơ có được mối tương quan tốt đẹp Đất-Trời-Người nơi vườn Địa đàng, nhưng chưa đề cập đến thực tế của thân phận con người tại thế, với vinh quang và gánh nặng của tự do, khắc khoải về khổ đau và sự chết... trong phần hai của đoạn Kinh Thánh vừa kể.
Dẫu sao câu truyện Trầu-Cau không đứng riêng một mình. Tác giả Lĩnh Nam Chích-Quái, nhất là qua sự sắp xếp lại của Vũ Quỳnh, đã gắn liền câu truyện nầy với truyện Đầm Nhất Dạ. Lối trình bày lạc quan về một mẫu mực "phải như thế", trong truyện Trầu Cau, theo cung cách của Nho gia trong chương đầu sách Trung Dung sẽ được tiếp nối với kinh nghiệm cụ thể của hành trình con người trực giác khung trời của Đạo, thực hiện Đạo trong cuộc sống nhân thế đầy thách đố và cam go, được diễn tả trong truyện Đầm Nhất Dạ.
* * *
III - Truyện Đầm Nhất-Dạ
III. 1 - Hình thức văn chương
III 1a - Khung cảnh chung của câu truyện và các tên gọi
Ta thấy ở trong truyện Trầu Cau, khởi đầu tác giả dùng một số kỹ thuật văn chương để gợi lên một khung cảnh xa xưa, bất định: Thời thượng cổ, con người chưa có họ đến độ cần vua Hùng ban cho, và khi nhắc đến vua Hùng, thì cũng không xác định vua Hùng nào. Nhà nghiên cứu về tôn giáo học Mircea Eliade trong cuốn le Mythe de l'éternel retour đối chiếu nhiều mẫu văn hóa trong nhân loại qua lịch sử, đã thấy bất cứ đâu cũng có một lối trình bày tương tự về một thời hoàng kim (= Âge d'or, in illo tempore, il était une fois...) nguyên sơ nầy. Thời mà Thánh kinh Do thái gọi là thủa địa đàng chưa có ý niệm về thời gian, sự chết; Khổng Tử thường dùng một hình ảnh hầu như toàn thiện của lịch sử đó là thời Nghiêu Thuấn, Mạnh Tử thì gọi là thủa sơ nguyên (= nhân chi sơ, tính bản thiện); văn hóa Hy lạp dùng hình ảnh của Đại-ký-ức (đặc biệt trong bi kịch Hy lạp và triết học Platon), tượng trưng cho nguồn cảm hứng của thi ca và là khởi nguyên của tư tưởng.
Và vì mẫu mực uyên nguyên nầy, nên dấu tích của nó qua tập tục ăn trầu được đánh giá là một lễ nghi đi trước và luôn phải lặp lại nơi lịch sử, như một hình thức nối kết thời gian với vĩnh cửu, sự kiện xã hội với ý nghĩa văn hóa (phần kết truyện Trầu Cau).
Ở trong truyện Đầm Nhất Dạ, chúng ta lại bước vào một khung cảnh khác: Về thời gian đã có sự xác định cụ thể.
Hùng Vương truyền ngôi đến vua cháu đời thứ ba (cũng như cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông trong truyện Hồng Bàng Thị) nghĩa là vào thời vua Hùng Vương thứ tư. Số bốn nầy là chứng tích của một thời gian hạn định, cuộc đời con người có sinh, có chết. Chúng ta thấy con số bốn tượng trưng gợi lên một hình ảnh hữu hạn của thời gian nơi hầu hết các Kinh sách Trung Hoa và Do Thái. (như các ký hiệu: địa phương, phương là số 4. Dân lưu lạc 40 năm trong sa mạc...). Trong cuốn Tự Điển Các Tượng Trưng của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, số 40 và 4 được giải thích ý nghĩa như sau:
số 40- " Đây là con số của sự trông đợi, của chuẩn bị, của thử thách và hình phạt. Đây hẳn là khía cạnh tiên khởi vừa ít được người ta lưu ý đến nhưng lại là khía cạnh quan trọng hơn cả".
số 4- "Các ý nghĩa tượng trưng của số bốn gắn liền với những ý nghĩa của hình vuông và thập tự."
Phải chăng đây cũng là ý nghĩa chính nơi con số tượng trưng 4000 (4000 năm văn hiến) mà người dân Việt-Nam thường nhắc đến mỗi lần nêu lên tương quan giữa văn hóa và lịch sử.
Trở lại câu truyện Đầm Nhất Dạ, ngoài việc xác định khung cảnh lịch sử qua chi tiết xác minh thời của Hùng vương thứ 4 (tuy rằng đây cũng là một lối nói tượng trưng), tác giả còn ghi thêm tên của một vùng đất, một làng, một chợ, một ngọn núi, một cái vùng đồng bằng nhất định : Chử Xá lang, Hà-Lõa thị, Tự-Nhiên châu, Quỳnh-Viên sơn.
Tuy có mục tiêu nhằm nói đến cuộc sống cụ thể con người trong thời gian, không gian qua những chỉ dẫn của các chi tiết nầy, các tên gọi như Hùng vương thứ 4, Chử Xá lang, Hà-Lõa thị ... rõ rệt là những hình ảnh tượng trưng. Đặc biệt nơi tên gọi hai nhân vật chính là Tiên Dung và Chử Đồng Tử và nơi tên gọi của vị sư Phật Quang, mục đích văn hóa hàm ngụ trong đó không thể nào chối cãi được.
Các tên gọi phần lớn ghi đậm khung cảnh đạo Lão: Tiên Dung, Chử Xá Lang, Chử Vy Vân, Chử Đồng Tử, Hà Lõa, Tự nhiên, Nhất Dạ Trạch...
Các tên gọi ở đoạn cuối có âm hưởng nhà Phật: Quỳnh Viên sơn, Phật Quang...
III 1b - Một ưu tư muốn vượt lên trên những tiền kiến về văn hóa, xã hội
Trong truyện nầy tác giả Lĩnh Nam Chích-Quái (và qua đó là tâm thức bàng bạc của người dân Việt-Nam thời bấy giờ) có một nhận thức về ảnh hưởng các nền văn hóa Nho, Lão, Phật khác, và hầu như ngược lại với quan điểm của giới thức giả thời bấy giờ (và ngay cả ngày nay). Đạo Nho được tiếp nhận như một yếu tố văn hóa, không phải là các nghi lễ rườm rà, hình thức của vua quan, không khí hà khắc, vô nhân trong khung cảnh gia đình, hoặc là một mớ kiến thức điều hành một xã hội phong kiến phải học thuộc để đi thi, làm quan. Ảnh hưởng Nho học trong truyện Trầu-Cau là một trực giác về một cảnh vực uyên nguyên của nhân tính ghi khắc trong lòng của mỗi người. Nhưng khi đối chiếu trực giác bên trong đó với khả năng thực hiện của con người, thì Lĩnh Nam Chích Quái dường như đánh giá rằng Nho học bất cập trong nỗ lực nối kết nầy. Nói cách khác theo từ ngữ của Kinh Thượng Thư, giữa "Tâm duy vi" và "Tâm duy nguy" có một khoảng trống bao la, làm cho con người thực tế quờ quạng. Trong sách Trung Dung, người ta nhắc lại lời Khổng Tử than: "Đạo kỳ bất hành hỹ phù!"
Những gì được viết ra trong kinh sách Trung Hoa để ứng dụng Đạo, những điều kiện xem là nếp truyền thống Nho-gia qua các tổ chức, sinh hoạt chính trị, xã hội xuyên qua các thế kỷ, tác giả Lĩnh Nam Chích-Quái lại nhìn chúng như một sự hiểu lầm và ứng dụng lầm. Bước trật chân của việc ứng dụng Nho học trong lịch sử được Lĩnh Nam Chích Quái gợi lên trong các hình ảnh tiêu cực của Đế Nghi, Đế Lai, và còn được diễn tả rõ hơn trong các truyện Đầm Nhất Dạ, truyện Dưa Hấu (thái độ vượt lên trên khung cảnh Nho gia của Tiên Dung và Mai An Tiêm), vai trò chủ động của phụ nữ, sự vắng bóng những ưu tư nghi lễ hình thức...
Ngược lại, Đạo Lão và Phật Học theo tiền kiến xã hội là một lý thuyết trừu tượng, mơ hồ, không lý đến sinh hoạt con người cụ thể trong xã hội, tệ hơn nữa còn bị đồng hóa với mê tín như nhận xét của học giả Đào Duy Anh : " Những điều mê tín thuộc về đạo giáo nguyên vốn có từ đời thượng cổ..." , thì Lĩnh Nam Chích-Quái lại hiểu là những nỗ lực nối dài trực giác bên trong đem ứng dụng vào nếp sống cụ thể của con người trong lịch sử.
Việc cảm nhận Tam giáo Nho-Lão-Phật một cách đặc biệt như thế có thể nêu lên như một nét đặc trưng của văn hóa Việt-Nam trong khung cảnh văn hóa chung của vùng Đông Nam Á.
III 1c - Bố cục và nội dung truyện Đầm Nhất Dạ
Câu truyện được chia làm bốn phần :
- Phần một : thật dài nói đến cuộc gặp gỡ và kết hợp giữa Tiên Dung và Chử Đồng Tử.
- Phần hai : khá mâu thuẫn, nói về việc vợ chồng Tiên-Dung và Đồng Tử nghe theo lời đường mật của một nhà buôn.
- Phần ba : duyên gặp gỡ giữa Đồng-Tử và nhà sư Phật Quang = thế giới mới của con người hành đạo (một khung cảnh huyền thoại)
- Phần bốn : đưa câu truyện chuyển qua một sự kiện khác trong lịch sử.
Trước khi đi vào phần phân tích bố cục nầy, vì tôn trọng bản văn còn lưu lại, nên chúng tôi thấy cần đưa ra một nhận xét về giá trị trung thực của toàn bản văn. Cũng như phần cuối trong truyện Mộc Tinh, phần bốn của truyện Đầm Nhất-Dạ là một sự vá víu đi ngoài mạch văn của toàn bộ câu truyện. Về nội dung, toàn truyện Đầm Nhất-Dạ là một truyện truyền thuyết và có thêm những yếu tố huyền thoại. Có lẽ vì trong câu truyện có tên gọi Dạ-Trạch trùng hợp với một địa danh cùng tên liên quan đến công việc đánh quân Lương của Triệu-Quang-Phục (vào thế kỷ thứ 6, Triệu-Quang-Phục được người trong nước gọi là Dạ-Trạch Vương) nên đã có một hay nhiều sáng kiến nối hai mẩu chuyện vào nhau (đặc biệt, đây là việc làm mà Mạc Bảo Thần Nhượng Tống gọi là ghép "đầu cua - tai ếch" của sử gia Ngô Sĩ Liên trong phần Ngoại Kỷ của cuốn Đại Việt sử ký toàn thư. Chương: Đời Tiền Lý). Dẫu xét từ tiêu chuẩn nào bất kỳ từ nội dung đến hình thức, chúng tôi cũng không thấy có một lý do gì để ghép hai câu truyện nầy với nhau ngoại trừ chỉ có mấu mốc là chữ Nhất-Dạ. Do đó, chúng tôi giả thiết rằng phần bốn nầy không phải đã nằm trong bản sáng tác lúc ban đầu của tác giả Lĩnh Nam Chích- Quái, và không thấy có lợi ích chi về mặt văn hóa để truy cứu; và vì thế sẽ không còn nhắc đến phần nầy trong các phần nghiên cứu kế tiếp.
Trở lại câu truyện Đầm Nhất-Dạ với ba phần liên tục của nó.
- Phần một : Những hàng đầu của phần thứ nhất nhằm nói đến lý lịch của Tiên Dung. Tiên Dung Mỵ Nương (người con gái đẹp như tiên) đúng là hiện thân cho mẫu mực lý tưởng trong cuốn Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Nàng đẹp, tuổi mười tám, biểu tượng cho sinh lực tự nhiên nơi con người. Hai thái độ nổi bật nơi con người ấy là :
Thân phận người con gái trong khung cảnh xã hội Nho gia thịnh hành lúc bấy giờ là sống để lấy chồng sinh con và ở trong nhà. Lấy chồng như một qui ước xã hội đòi buộc; ở trong nhà như khuôn phép của Nho gia. Tiên Dung là một Trang Tử đặt lại vấn đề về luân lý truyền thống đó: Dừng lại nơi nền luân lý qui ước, chỉ biết có thói quen hình thức của đoàn lũ có phải là ý nghĩa trọn vẹn của Đạo không ?
Điểm thứ hai đáng lưu ý là phong thái tự do, tiêu diêu, thường được văn hóa Trung Hoa tượng trưng qua nét ông Tiên trường thọ. Nay tác giả Lĩnh Nam Chích-Quái khoác mặc "nét tiên" đó lên nhân vật Tiên Dung, một cô gái và đang tuổi xuân xanh. Nhân vật chính thứ hai là Chử Đồng Tử (người đàn ông chưa vợ sống trong bãi cát). Thông thường mẫu người quân tử là kẻ có học hành, thi cử làm quan, có vợ con, dấn thân nhận lãnh những trách nhiệm ngoài xã hội. Không phải chúng ta thường có hình ảnh người quân tử là người ăn học, làm quan triều đình hay sao? Ở đây nhân vật Chử Đồng Tử sinh ra trong thân phận nghèo hèn, chỉ biết khung cảnh của đồng lầy nơi thôn xóm, nơi khung cảnh gia đình của anh (Chử Xá lang). Trong câu truyện, khi gặp nàng Tiên Dung, Chử Đồng Tử trần truồng. Khác với nàng Tiên Dung vượt lên trên qui ước xã hội để sống cảnh tự do bao la của cõi trời, phổ quát, Chữ Đồng Tử cam chịu hoàn cảnh thiếu thốn giới hạn của đời sống. Chàng không phản kháng xã hội, nhưng lại chí trung với Đạo lý khi sống chí hiếu với cha; chàng thuận theo, chí hiếu đến độ chấp nhận trần truồng; thay vì lấy khố của người cha đã từ trần để che mình, thì Đồng-Tử để cả khố như thế mà chôn cha bởi lòng thấy chẳng nỡ. Chàng mặc lấy sự trần truồng và thiếu thốn của nhân vật tượng trưng cho Đất, cho thân phận trần tục của con người. Ở đây ta lại thấy nét âm, đất, không phải luôn là hình ảnh người đàn bà, nhưng là người đàn ông (khác với lối biểu thị truyền thống Trung Hoa).Và ở đây, khác với trong truyện Trầu Cau, không phải "trời" ẩn giấu, che mặt trong cuộc sống xã hội, nhưng chính Chử Đồng Tử (tượng trưng cho đất) lại phải đi tìm chỗ trốn trước sự hiện diện của Tiên Dung (yếu tố trời).
Tiên Dung đóng lều tắm, hẳn nhiên là cởi trần; và nước chảy làm cát trôi đi, lộ ra Chử Đồng Tử trần truồng. Và tác giả Lĩnh Nam Chích Quái lấy sự kiện nầy làm dấu chỉ cho duyên kết hợp đất - trời, thành vợ chồng. Và duyên nầy, theo ý của Tiên Dung, là :
"Việc từ trời tác hợp, việc gì mà từ chối."
Cuộc tác hợp uyên nguyên nầy, dưới con mắt của Hùng Vương, (ở đây là tượng trưng cho qui ước xã hội) được xem là vô đạo: lấy tiền của mình cho kẻ nghèo, cho người nghèo bình đẳng với mình. Từ sự đánh giá thuần xã hội nầy, việc làm của Tiên Dung là bất công, phi lý và vô đạo. Và một sự kiện như thế không thể tương hợp với cuộc sống "bình thường", theo nếp suy nghĩ của nhân thế:
"từ nay mặc kệ nó, không cho nó trở về nữa".
Ở đây tác giả nhấn mạnh đến sự bất tương hợp trong thực tế của xã hội con người trước chân lý. Chân lý uyên nguyên đó là nơi cư ngụ của Tiên-Dung và Đồng-Tử, được gợi lên trong tên gọi là Hà-Lõa. Hà là con sông, là thời gian sơ nguyên của con người, và Lõa là tình trạng trần truồng, nguyên sơ. Hà-Lõa cũng không khác hình ảnh Địa đàng khi người nam, người nữ nhìn nhau mà không hổ ngươi; là khung cảnh thái hòa "vào thủa ấy" (in illo tempore) trong truyện Trầu Cau.
- Phần hai : Nơi đây không có biểu tượng con rắn cám dỗ Adam và Eva, nhưng là lời thuyết phục của con người thương gia. Người thương gia dụ dỗ Tiên Dung - Chử Đồng Tử phải làm giàu hơn nữa, mặc dầu cuộc sống hai người yên ổn ở Hà Lõa rồi. Truyện kể là nếu bỏ vốn một sẽ lời ra mười trong một năm. Tiên Dung vốn không màng phú quí, đã từng thoát ly mọi ràng buộc để ngao du, nay là một người phụ nữ "so đò cò kè", kết buộc cuộc sống mình với số lượng của cải mong sẽ thu được. Nàng mất đi cả lương tri và phán đoán khi nêu lên một lời biện minh kỳ lạ, mâu thuẫn :
"Vợ chồng ta do trời định khiến, ăn mặc là của trời cho; bây giờ nên lấy một thoi vàng cùng với người nhà buôn đi ra biển mà mua hàng đem về làm kế sinh nhai."
Dẫu mâu thuẫn, nàng vẫn một mực nêu lên; và lạ thay Chử Đồng Tử cũng nhiễm phải lối suy nghĩ tổng hợp các mệnh đề mâu thuẩn nầy.
Không phải việc "buôn bán làm kế sinh nhai" là mâu thuẫn với sự kiện "ăn mặc là của trời cho", nhưng xuyên qua câu nói sau nầy có hai tâm tình và khung cảnh thế giới khác nhau : Trước khi gặp nhà đại thương, Tiên Dung - Đồng Tử đã mở chợ búa, lập phố xá, cùng nhân gian mậu dịch. Và cuộc sống đó vẫn ở vùng Hà Lõa. Nhưng khung cảnh sau khi gặp người nhà buôn lớn nầy là "cuộc sinh nhai" được đồng hóa hoàn toàn với cuộc chạy đua chỉ biết tìm lợi tức nhân tăng. Cuộc phiêu lưu đó chia rẽ Chử Đồng Tử và Tiên Dung, đẩy Chử Đồng Tử xa vùng Hà Lõa, làm mất đi ý thức "ăn mặc của trời cho", nghĩa là quên trời.
- Phần ba : Trong cuộc phiêu lưu của Đồng Tử bên cạnh người nhà buôn, giữa biển, hai người có duyên gặp một nhà sư trẻ Phật Quang. Nhà sư cư ngụ trong một am nhỏ, nơi mà người đi buôn đường xa trên biển ghé múc nước uống. Am nhỏ lại xây trên hòn núi giữa biển tên là Quỳnh Viên Sơn (núi của vườn quỳnh).
Biển và cuộc phiêu lưu là tượng trưng môi trường sinh hoạt con người trong trần thế. Am nhỏ có nhà sư Phật Quang cung cấp nước uống cho người lữ khách, một hình ảnh rất linh hoạt để gợi lên một nguồn sinh lực mới. Gặp sư Phật Quang, uống nước nguồn suối nầy, Chử Đồng Tử dừng lại, quay đầu về Hà Lõa. Chàng trao vàng cho người đi buôn, và nhận quà tặng của nhà sư đi xây dựng một cơ nghiệp mới: lên đường với cái gậy và cái nón.
Với cái gậy và cái nón nầy, Đồng Tử về gặp lại Tiên Dung và câu truyện bắt đầu bước vào một khung cảnh huyền thoại :
Hai người rời Hà Lõa, gậy nón lên đường làm người lữ khách tìm Đạo. Một hôm trên đường đi, vào canh ba, hai người hốt ngộ thấy một thế giới mới mở ra, đầy đủ như một thành trì lớn. Hùng Vương hay tin ngờ là Tiên Dung - Đồng Tử làm loạn đem quân tới đánh. Hai người không phản kháng. Đêm đến, quân lính Hùng Vương đóng ở bãi Tự Nhiên cách thành quách của Tiên Dung - Đồng Tử bởi một con sông lớn, chứng kiến một ngọn gió mạnh đưa thành quách và hai người về Trời. Sáng ngày, cơ sở thành quách chỉ còn lại là cảnh trí thiên nhiên của một cái đầm lớn. Đầm nầy có tên Nhất-Dạ-Trạch.
III 2- Truy tìm ý nghĩa truyện Đầm Nhất Dạ
Phần đầu
Trong khuôn khổ xã hội học, Tiên Dung có thể được xem là hình ảnh của một nữ anh hùng giải phóng phụ nữ ngày nay. Nàng không lấy chồng và thích ngao du thiên hạ, bất chấp những qui luật xã hội và ý của vua cha. Nhưng đây không có một tơ vương gì về nhu cầu diễn tả một nếp sống xã hội hay phản ứng tâm lý cả. Tiên Dung trong Lĩnh Nam Chích Quái là tượng trưng cho dấu tích của Đại-ký-ức ghi khắc trong lòng người. Nàng được gọi là tiên, là yếu tố không phát xuất từ nơi xã hội con người, nhưng từ cảnh vực bên kia bờ đến. Nàng đẹp, nét đẹp đó gợi lên sự thèm muốn một đà sinh lực thần tiên. Nàng là hình ảnh của tự do đi chu du thiên hạ, là năng lực vô giới hạn, vượt lên trên mấu mốc, biên giới của thời gian, không gian. Và đặc biệt hơn cả là chính nàng đi trước, chủ động đến tìm Chử Đồng Tử để kết hợp với chàng.
Câu nói của nàng với Chử Đồng Tử,
"Việc nầy tự trời kết hợp, việc gì mà từ chối ? "
tóm kết nội dung mà Tiên Dung tượng trưng.
Con người hướng lên với Trời, con người tác hợp với con người, con người mở ra với thiên nhiên, là do tự trời chủ động và đi bước trước.
Sự xuất hiện đột ngột của Tiên Dung vượt ra lên trên khuôn mẫu thường tình của cuộc sống và xã hội, cho thấy Minh Triết không phải là sản phẩm của một chuỗi các biến hóa liên tục từ thiên nhiên vật chất lên đến tư tưởng. Có thể nói, trong khung cảnh tự nhiên và xã hội, Minh Triết là một sự xuất hiện bất ngờ, một cuộc gặp gỡ kỳ lạ (= hốt ngộ) vượt ra ngoài qui luật tính toán, chờ đợi của thân phận Chử Đồng Tử là con người trong trần thế.
Đến đây ta thấy Lĩnh Nam Chích Quái khám phá một điều chưa nói, hay không bàn đến, trong tư tưởng của đạo Lão. Trong sách Đạo Đức Kinh, Đạo được trình bày như trong lời sấm, mở bức màn tối của xã hội để chỉ cho thấy Đạo Thường luôn có đấy: (un il y a). Con người quay về, làm theo việc của Đạo, thì Đạo làm cho đồng với Đạo.
Đạo trong Đạo Đức Kinh dường như không năng động lắm trong việc tìm cứu người! Lĩnh Nam Chích Quái mô tả Đạo chủ động hơn khi đặt nổi sự xuất hiện bất ngờ đến với con người trước. Thứ đến, nhân vật Chử Đồng Tử ghi đậm dấu tích của khung cảnh thế giới văn chương Lão giáo, nhưng Chử Đồng Tử đó không triệt để và bi quan quá đến độ phải đập phá hết dấu tích tích cực của Đạo nơi cuộc đời. Sách Đạo Đức Kinh viết rằng :
" Thiên địa bất nhân
dĩ vạn vật vi sô cẩu.
Thánh nhân bất nhân
dĩ bách tính vi sô cẩu ".
Chử Đồng Tử thì lại chí hiếu với cha, là biểu tượng của lương tri hồn nhiên, lòng thành thực nơi tâm con người. Có một xã hội giả hình của Hùng Vương thứ tư, nhưng thực tế trong nhân loại còn có những tâm hồn trong trắng, chân chất ngay thẳng và quảng đại. Và Trời chọn nơi những tâm hồn nầy để đến canh tân lại xã hội.
Tóm lại, phương thức diễn tả Minh Triết, tư tưởng của Lĩnh Nam Chích Quái phát xuất từ kinh nghiệm của những lương tri bình dị, những kinh nghiệm sống thực tế, hơn là lối trình bày bác học, từ chương của kinh sách Nho-Lão.
Chử Đồng Tử tên gọi đó có nghĩa là Cát-Đất, (chử = đất cát; đồng = đứa trẻ, gợi lên tâm hồn khiêm tốn, đơn sơ). Chử Đồng Tử nghèo nàn, ăn xin là hình ảnh của sự đón chờ, hy vọng và của ý thức về hoàn cảnh thiếu thốn. Chữ Tục trong Lộc-Tục hàm ngụ cùng một ý đó. Trước sự xuất hiện đột ngột của Tiên Dung, Chử Đồng Tử sợ hãi lấy cát vùi che thân mình. Chàng sợ hãi vì thấy mình trần trụi, vì thấy có sự cách biệt thân phận đất-trời. Và con người trần trụi của Chử Đồng Tử cũng gợi lên cảm thức vô chấp, không tiền kiến, tâm trống rỗng của bậc chí nhân.
Việc gặp gỡ, được tác hợp thành chồng vợ với Tiên Dung đối với thân phận con người bùn đất là ơn, là lộc từ Trời. Trong Kinh Dịch, phần cuối của soán từ quẻ Bát-Thuần-Khôn ghi : "an trinh, cát". Đây đúng là lời mô tả thân phận của một Chữ Đồng Tử trinh nguyên (đồng ; trẻ nhỏ), nhu thuận tiếp lộc của trời, và đó là cát, tức là gặp điều lành. Và sự tác hợp đất trời nầy giải thích rõ ý nghĩa của chữ Lộc-Tục, con người uyên nguyên nguồn gốc của dân tộc.
Nhưng trong cuộc gặp gỡ ấy, Tiên Dung cũng trần truồng. Chi tiết đó cho thấy chiều kích siêu việt của Trời thông ban cho con người một cách dư đầy, không che dấu. Tác giả Lĩnh Nam Chích Quái dùng phản ứng tức giận của Hùng Vương thứ tư để gợi lên sự ngỡ ngàng, không hiểu nổi của ân-lộc nầy, khi Tiên Dung lại kết hợp với Chử Đồng Tử. Đối với phán đoán thông thường của nhân thế, con người trần tham dự được cuộc sống của thần thánh là chuyện ảo tưởng, không thể chấp nhận được. Ân huệ nầy quá mức con người, là một sự phung phí, vô thường đến từ Trời. Và vì thế, khi Minh Triết cảm ứng gợi lên tình trạng kỳ diệu nầy, thì nó phải rước lấy sự phẫn nộ của xã hội qua hình ảnh tượng trưng của Hùng Vương thứ tư.
Nhưng qua đến phần thứ hai, vốn trời cho con người, ân lộc qua tượng trưng là Tiên Dung lại bị chuyển đổi do bàn tay con người. Tác động chuyển đổi đó tượng trưng qua nhân vật người đại thương gia. Tiên Dung và Đồng Tử không còn bằng lòng với địa đàng Hà Lõa, nhưng dùng vốn trời cho để xây dựng một nếp sống giàu có riêng theo ý mình, tạo một chân trời theo dục vọng và dự kiến riêng, nhằm quên phúc lộc ban đầu. Ở đây, cũng chính Tiên Dung là người chủ động nghe theo lời khuyên của thương gia trước. Chử Đồng Tử chỉ tuân hành ý của Tiên Dung. Thông thường, với quan điểm hẹp hòi đánh giá thấp thời gian, không gian, vật chất, thân xác, chúng ta dễ có tiền kiến là điều sai trái phát xuất từ phần được xem là hạ đẳng. Tiền kiến đó không phải chỉ là nét đặc trưng của một lối đạo đức ứng dụng sai tư tưởng triết học Platon trong khung cảnh văn hóa truyền thống Tây phương. Đây là một tiền kiến phổ biến trong hầu hết các khung cảnh truyền thống của các nền văn hóa xã hội con người. Lĩnh Nam Chích Quái có một quan điểm khác khi minh nhiên gọi tên sự sai trái là một Tiên Dung biến thể do thương nhân. Nhưng thương nhân là Karma, là ngã chấp, cũng như con rắn trong vườn Địa đàng; là chính ước muốn của con người xóa bỏ cảnh hòa hợp Đất - Trời - Người trong vùng Hà Lõa, để tạo thế giới riêng của mình. Trong khung cảnh xã hội Việt-Nam thời bấy giờ, nghề buôn bán được xem là một hình thức sinh hoạt thấp nhất, vì cô đọng sự tính toán cò kè của con người và xa lạ với đất - trời nhất. Lĩnh Nam Chích Quái mượn lấy hình ảnh tiêu cực nầy để gợi lên điều mà đạo Lão gọi là nhân vi, nhà Phật gọi là hành tạo nghiệp, Kinh Thánh Do thái gọi là phán đoán của con người thay cho lòng yêu thương của Giavê.
Lời của Tiên Dung bấy giờ nhằm thuyết phục Chử Đồng Tử cũng không khác lời Evà nói với Adam. Nội dung chính là chuyển vai trò của Trời thành vị thế riêng của mình. Kết quả cho thấy sống theo nhân tính không còn có nghĩa là nhận lấy ân lộc của trời để kết hợp với mọi người, nhưng là xây dựng thế giới riêng qua việc sở đắc và làm chủ các tài vật. Đây là sự mô tả thân phận con người tại thế. Câu chuyện được diễn tả trong phần nầy là cảnh thường nhật xảy ra trong cuộc sống, khác với khung cảnh có phần huyền thoại ở phần trên.
Phần ba là một cuộc gặp gỡ bất ngờ, không kém cuộc gặp gỡ kỳ lạ ở phần đầu. Nhưng điểm khác ở phần nầy là sự kiện xảy ra rất gần với cuộc sống bình thường.
Phật Quang, ánh sáng của kẻ đã gặp, lại biếu cho Đồng Tử một nguồn nước mới trên con đường phiêu lưu lầm lạc của anh. Ánh sáng nầy không phát xuất từ nơi khung cảnh xã hội trên đất, nhưng từ nơi một hòn đảo xa xăm ngoài biển cả. Nguồn nước cũng không phải của sông, lạch trên đất nhưng từ trên núi trào vọt lên trong một chiếc am nhỏ. Khung cảnh tĩnh mịch ngược đời nầy như làm dừng lại những háo hức mù quáng của cuộc sống quần chúng, đô hội. Nó gợi lên cái chân chất bên trong tâm hồn, ghi khắc những dấu tích của thời gặp gỡ giữa Tiên Dung và Chử Đồng Tử lúc ban đầu. Chử Đồng Tử, sau lần gặp gỡ nầy, liền trả vàng lại cho thương nhân, quay thuyền về Hà Lõa gặp Tiên Dung.
Tư tưởng là gặp, gặp cái rất mới so với cuộc sống thường ngày, nên khởi nguyên tư tưởng trong thân phận con người trong thời gian, xã hội là một tiếng sét, một sự rúng động làm ngạc nhiên. Nhưng cái rất mới đó lại rất cũ, vì nó là chân lý bao bọc lấy con người từ muôn thủa nhưng con người không hay biết hay cố quên đi. Các nền văn hóa lớn đều mô tả con người đi vào Minh Triết như là sự quay về : hồi đầu trong tư tưởng nhà Phật, quay trở lại, thay đổi tâm tình trong tư tưởng Do thái và Kitô-giáo, phản phục trong Đạo học, nhớ lại trong triết học Platon, doãn chấp quyết Trung trong Kinh Thư...Trong đoạn nầy một điểm đáng lưu ý nữa là vai trò của nhà sư nhỏ Phật Quang đối với cuộc đổi thay trong cuộc đời Chử Đồng Tử. Ánh sáng mà nhà sư nầy gặp, nhà sư trao lại cho người đồng loại. Con người cần đến con người trong bước đường tìm Đạo. Con người lại có bổn phận truyền ánh sáng của Đạo cho kẻ khác: Sau khi tiếp nhận ánh sáng, Chử Đồng Tử trao ánh sáng đó lại cho Tiên Dung.
Đến phần thứ tư, câu truyện lại chuyển đến một khung cảnh hoàn toàn có tính cách huyền thoại. Quà tặng của nhà sư giao cho Chử Đồng Tử là cây gậy và chiếc nón. Cây gậy biểu tượng cho thân phận nghèo khó, của kẻ lữ hành trên dương thế. Và đó chính là ý nghĩa của Đất, là thời gian lưu chảy và có giới hạn. Cái nón tròn là tượng trưng cho trời che trên đầu mình, gắn bó với thân phận kẻ lữ hành trong cuộc sống. Nhưng con người không sống một mình, không tìm Đạo, hành Đạo một mình. Chử Đồng Tử sánh vai cùng đi với Tiên Dung. Trời - Đất - Người cùng đồng hành là Đạo.
Cảnh thái hòa trời - đất - người tuyệt diệu đó được tượng trưng qua một cảnh tượng như thần tiên: Cảnh tượng lạ lùng xuất hiện khi hai người dừng chân ngủ giữa đường vào canh ba trong đêm, nhằm gợi lên một cảnh vực mới khi con người cảm nhận được sự hòa hợp đất trời. Đây không phải là giấc mơ về một thế giới nào khác xét về mặt sự kiện của sự vật bên ngoài ( réalité ontique). Nhưng đây là khung trời mới - đất mới của nhân tính chân thật (réalité ontologique), một cõi người ta sống đúng thân phận cao cả của mình trong cuộc sống bình thường.
Thêm một lần nữa, nếp sống mới của Tiên Dung - Chử Đồng Tử làm cho Hùng Vương lo sợ và phải dùng quân lính dẹp phá. Lời thật mất lòng, chân lý làm xã hội nhiều lúc khó chịu. Tư tưởng, Minh Triết khó lòng đi đôi với dư luận quần chúng. Và điều chân lý làm khó chịu, có phận vụ thức tỉnh con người đang mê, không phải đồng hóa với một sự chống đối giữa hai thái cực có-không, phải-trái trong khung cảnh phán đoán của con người và khả năng nhận thức sự vật. Lĩnh Nam Chích Quái mô tả rằng trước bạo lực của vua cha, Tiên dung cười, vì nàng thấy nơi vua cha có sự hiểu lầm. Nàng không dùng vũ lực chống lại vũ lực, vì nàng hiểu sức mạnh của chân lý, ở một khung trời, nơi một cảnh vực khác với sức mạnh và sự đánh giá của tiền kiến và nhận thức hữu hạn của con người xã hội.
Phần kết của câu truyện có tính cách chung-mãn-luận (eschatologique). Trước hết là sự kiện quan quân buộc phải dừng lại ở bãi Tự Nhiên, vì ngày sắp tối, mà thành quách của Tiên Dung và Chữ Đồng Tử lại ở bên kia bờ cách một con sông lớn.
Trước hết, Lĩnh Nam Chích Quái cho thấy giới hạn của thế giới ban ngày, tức là xã hội nhân vi không tự mình đi được vào đêm của cảnh vực người đã giác ngộ. Bãi Tự Nhiên gợi lên một giới hạn có đó mà không hiểu lý do tại sao và không cách gì thay đổi được: như tự nhiên có sự giới hạn cuộc sống con người nơi cái chết không thể tránh khỏi và không hiểu tại sao; như tự nhiên rồi quyền lực trần thế sẽ không thể diệt phá được sức mạnh của chân lý...
Và trong khung cảnh ban ngày của kiến thức con người, cái đầm vẫn là cái đầm cũ (khi sáng ra). Còn thành quách của Tiên Dung và Chử Đồng Tử chỉ xuất hiện một đêm (Nhất Dạ) và lại bay lên trời, nghĩa là một cảnh giới luôn còn xa lạ, nhưng là nơi cư ngụ của kẻ đã gặp, đã sống một nguồn cảm hứng khác đến từ bên kia bờ, một đêm so với ánh sáng giả tạo của tài trí con người thuần xã hội.
* * *
Qua phần phân tích hai câu truyện Trầu Cau và Đầm Nhất Dạ, chúng ta lại thấy nổi bật tính cách nhất quán về tư tưởng của toàn bộ bản văn Lĩnh Nam Chích Quái. Nhân tính trọn vẹn trong ba chiều kích Đất - Trời - Người trong bản văn Hồng Bàng Thị; tương quan đất - người trong ba truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh; và tương quan người với người gắn bó với trời và đất lại được khai triển một cách linh động nơi hai câu truyện dân gian, bình dị nầy: Trầu Cau và Đầm Nhất Dạ. Qua lối hành văn thần kỳ độc đáo, tác giả Lĩnh Nam Chích Quái một mặt diễn tả sự liên tục, có hệ thống của một nền nhân sinh quan của Minh Triết dân tộc, từ trực giác sơ nguyên đến tiến trình hiện sinh tìm về bến chung mãn; mặt khác lại trình bày những nét tinh hoa của Nho-Lão-Phật, các giá trị phổ quát và sức mạnh liên đới của cộng đồng nhân loại về mặt văn hóa, và đặc biệt là xác định thế nào là Minh Triết, thế nào gọi là tư tưởng, văn hóa theo quan điểm của truyền thống dân tộc Việt-Nam.