Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Nguyễn Đăng Trúc
Bài Viết Của
Gs. Nguyễn Đăng Trúc
Văn hóa và văn hóa dân tộc
Kỷ niệm 25 năm ngày Thành Lập Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn-Trường -Tộ, Pháp quốc
Vài nét về Gs. Nguyễn Đăng Trúc
Tác Phẩm Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam - Tư Tưởng Nguyễn Du
Tác Phẩm VĂN HIẾN NỀN TẢNG CỦA MINH TRIẾT
Tác Phẩm Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học
Tác Phẩm NHỚ NGUỒN
Tác Phẩm Ý NGHĨA CỦA VĂN HÓA - ĐẠO LÀM NGƯỜI
Nhân quyền và Giáo hội - Những suy tư lịch sử và thần học
Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Hai)
Một Cái Nhìn Mới Về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (Quyển Một)
Trực giác về hữu thể con người và hiện sinh - Minh Giải Truyện Bánh Chưng Và Truyện Dưa Hấu Trong Cuốn Lĩnh Nam Chích Quái
Các tương quan của Đạo Người - Minh Giải Truyện Trầu Cau và Đầm Nhất Dạ Trong Cuốn Lĩnh Nam Chích Quái
Chiều kích Trời - Minh Giải Truyện Đổng-Thiên-Vương Trong Cuốn Lĩnh Nam Chích Quái
Chúa Giêsu Kitô, con người thương xót
Kiều của NGUYỄN DU (1766-1820) Một gia sản văn hóa nhân loại
Đạm Tiên và « lời mới đến từ bờ bên kia, lời làm đứt ruột » trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
Nguồn Gốc Văn Hóa Việt Nam - Giải minh Truyện Họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh (1492)
Tình yêu trong văn hóa
Thực hiện Nước Trời thuộc về những người nghèo
Phúc của Kitô-hữu và sứ mệnh truyền bá Tin Mừng (Trong Bài Giảng Trên Núi theo Phúc Âm Thánh Mathêu)
Văn hóa Việt Nam và vấn đề triết học
Ý nghĩa của tên gọi Việt Nam và định hướng văn hóa
Đối Chiếu Sứ Điệp Truyện Hồng Bàng Thị Với Sứ Điệp Các Nền Văn Hóa Khác
Một vài suy nghĩ về đạo đức trong bối cảnh văn hóa ngày nay
Sứ điệp văn hóa nơi cuộc sống tha hương
Văn hóa là học làm người
Vĩnh biệt anh, F.X. Phan-Đức-Thông, người nói thẳng
Khổ và cứu khổ
Hồng Y  L.J. Suenens: THÁNH THẦN, HƠI THỞ SỐNG ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI (Quyển ba)
Hồng Y  L.J. Suenens: THÁNH THẦN, HƠI THỞ SỐNG ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI (Quyển hai Các Tài Liệu ở Malines)
Hồng Y  L.J. Suenens: THÁNH THẦN, HƠI THỞ SỐNG ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI (Quyển một)
Đạo vào đời
Các giá trị tinh thần trước những thách đố của kỷ nguyên mới
Trong Chúa Kitô, Giáo hội cầu nguyện: Lạy cha chúng con
Chứng tích hình thành và phát triển chũ quốc ngữ từ năm 1632 dến nay : tiến trình  của Kinh Lạy Cha
Thiên Chúa là Cha
Một tài liệu ngôn ngữ học đối chiếu Nhật - Hoa - Việt - Biên soạn tại Áo Môn (Macao) năm 1632
Đón nhận Chúa Thánh Thần để rao truyền Chúa Kitô
Kitô hữu được Chúa Thánh Thần ban sự sống, người đó là ai?
RAO TRUYỀN TRONG ĐỐI THOẠI

 

Joseph Doré

Tổng giám mục Strasbourg, Pháp

Bản dịch việt ngữ     Nguyễn đăng Trúc

 

     Gặp gỡ - Đối thoại - Rao truyền: phải chăng gặp gỡ và đối thoại tôn giáo chỉ có ý nghĩa thực sự vì mục đích truyền đạo mà thôi? Nói cách khác phải chăng trên đường gặp gỡ các tôn giáo, mục tiêu duy nhất kitô hữu thực sự nhắm đến  là “truyền bá” đức tin,“chiến đấu” cho đức tin  của mình ? Và như thế có nên nghĩ rằng gặp gỡ và ngay cả đối thoại chỉ có thể quan niệm và tiến hành như là những phương tiện thực hiện mục đích duy nhất nầy mà thôi không? Và nếu kitô hữu phải chứng nghiệm được việc gặp gỡ như một bước đường khám phá, một cơ hội để yêu thích niềm tin của “những  kẻ khác”, và còn hơn thế nữa, nếu họ có thể mong mỏi  công việc đối thoại   giúp họ ý thức sâu xa hơn về nét cá biệt nơi  đức tin của chính họ,  thì tất  cả những ý hướng đó phải chăng cũng tùy thuộc vào lợi ích nền tảng  là rao truyền,  nghĩa là  tìm cách  làm cho người đối diện mến mộ đức tin sẵn có của mình  hơn là cùng kẻ khác đi sâu vào những chất vấn của niềm tin tôn giáo, trình bày đức tin của mình hơn là lắng nghe?

      Trước những câu hỏi to lớn như thế đặt ra cho đức tin kitô hữu ngày hôm nay  và đồng thời để kết luận cho toàn bộ các nghiên cứu, chia sẻ và các suy tư khác kết tập thành  cuốn sách nầy (*), chúng tội xin nêu lên một vài đề nghị. Dĩ nhiên không phải là để dứt điểm toàn bộ những công tác  và  suy tư mà hai trăm trang sách từng gợi lên cho chúng ta thấy, nhưng là để cổ súy nỗ lực ấy bằng cách nêu lên một vài  định hướng cho bước đường tương lai; do đó  các đề nghị nêu lên sẽ được trình bày dưới một hình thức cô đọng: có thể xem như chuẩn mực hoặc tiêu mốc, mấu chốt hoặc cốt yếu tùy cách nói của mỗi người!

 

1. Khẩn thiết phải rao truyền   

      Cần phải minh bạch ngay từ bước đầu . Các tác giả  Br. Chenu, Cl. Geffré và M. Pivot đều đã lặp lại rất rõ là đức tin Kitô giáo thiết yếu  phải nhìn nhận rằng Thiên Chúa đã hoàn thành công cuộc tự-mạc khải (l’auto-révélation  de Dieu) trong Đức Giêsu-Kitô, công cuộc tự-mạc khải ấy cũng là  tự-truyền thông chính  Ngài (son auto-communication) cho nhân loại. Vì thế Kitô hữu không thể nào từ chối xãc quyết đã đặt ra ngay từ khởi thủy: “Thiên Chúa duy nhất, Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và con người cũng  duy nhất, đó là Đức Giêsu Kitô đã nạp mình làm của chuộc cho tất cả chúng ta.”, “Không có danh nào khác  (ngoài danh Giêsu Kitô) nhờ danh đó chúng ta có thể được cứu độ.” Đó chính là cốt lõi lý lịch và sự bất biến của kitô giáo và của đức tin của kitô hữu.  

*

     Chúng ta có thể hiểu được rằng một khẳng định rõ rệt như thế đã thúc đẩy những người thâm tín về nội dung nầy - và những ai luôn mãi gắn bó với mạc khải đó - đi đến một lối suy diễn đương nhiên là họ có phận vụ phải tận tâm tận lực rao truyền đức tin, tuyên dương đức tin cho mọi người (khi thuận lợi cũng như lúc gặp  khó khăn!), để mọi người được chia sẻ.  Người ta vẫn chân nhận là qua bao thế kỷ và ngay cả ngày nay Thiên Chúa có thể “ sắp đặt” để chuẩn chước, bù trừ và sắp đặt cách khác cho những người không phải là kitô hữu, nhưng rồi cũng cho  rằng đấy chỉ là một trường hợp ngoại trừ có tính cách  giai đoạn , một sự dung dưỡng tạm thời, chứ đừng tưởng là bền vững... mặc dầu thâm tâm  thấy những việc Chúa sắp đặt  thật  khó mà hiểu được.  Trong bối cảnh như thế hẳn nhiên  nảy sinh  ý nghĩ phải khẩn trương rao truyền sứ điệp : “Khốn cho tôi nếu tôi không rao truyền Phúc Âm!”. Chúng ta cần rao truyền Phúc Âm vì “trước mặt chúng ta” chả có gì bền vững hữu hiệu cả: đó là mối thâm tín thông thường nhất của người kitô hữu xưa nay  về rao truyền.

  

2. Có nên tương đối hóa tình trạng khẩn trương ấy không? 

    Nhưng cũng chính đức tin kitô giáo ấy lại xác quyết mạnh mẽ không kém rằng nếu Thiên Chúa đã tự mạc khải đầy đủ và hoàn toàn trong Đức Giêsu Kitô, thì do bởi Đức Giêsu Kitô và trong Đức Giêsu Kitô Thiên Chúa đã tỏ bày rõ ràng và chuẩn xác ý muốn của mình là muốn cho tất cả mọi người được cứu độ.  Dựa trên nền tảng nầy ta chỉ cần  khai triển  hai yếu tố để tiếp cận một  cung cách  về rao truyền hoàn toàn khác với thái độ vừa nêu lên trên đây. Trước hết, cần ý thức rằng ý muốn của Thiên Chúa không phải và không thể là một chương trình nào đó Ngài “quan niệm (một cách trừu tượng) trong ý nghĩ của Ngài như một  “ý hướng” hoặc một  “ước muốn” suông; nhưng là điều Thiên Chúa đang tác động và đang hoàn thành! Và tiếp đó nếu ta lưu ý tầm quan trọng (về lịch sử, địa lý, số lượng ...) của các tổ chức tôn giáo vượt lên  trên những thái độ và cách cư xử cá nhân của các tín đồ liên hệ, hẳn ta sẽ phải nhận ra ý muốn cứu độ thật sự của Thiên Chúa có thể thể hiện trong các tôn giáo phương cách tác động cụ thể và ảnh hưởng cuộc sống của các tín đồ. Để thắng vượt  mâu thuẫn bên ngoài liên hệ đến sự trung gian mạc khải và cứu độ duy nhất nơi Đúc Kitô, thì chỉ cần hiểu rằng kỳ thực các tôn giáo là phương cách Thiên Chúa dùng để các tín đồ các tôn giáo ấy  cũng có thể thực sự hưởng ơn cứu độ do một mình Đức Kitô mang lại...  Phần còn lại là chân thành  nhìn nhận (như Nostra Aetate) rằng  sự việc ấy được thực hiện theo những đường lối mà “øchỉ có Thiên Chúa mới biết được”! 

* 

  Dẫu trình bày thế nào đi nữa về điểm nầy, thì ta cũng có thể nhân danh đức tin kitô giáo để tuyên xưng rằng cả những người không phải là kitô hữu cũng có thể được ân huệ tham dự vào Mầu nhiệm của Đức Kitô, và nhờ đó họ được hưởng mạc khải và ơn cứu độ mà Ngài đã thực sự hoàn thành. Kết luận về việc rao truyền mà người ta dễ suy ra  từ nội dung ấy  sẽ như sau: lần nầy người ta tự nhiên lại muốn xem công việc  rao truyền như không cần thiết  như trước đây thường nghĩ;  và người ta còn có cả  khuynh hướng cho rằng sứ mạng ấy đã mất hết đặc tính khẩn trương của nó rồi!

  

3. Những khó khăn trước phận vụ rao truyền 

     Phải chăng quan điểm tương đối hóa rốt ráo như thế xét cho cùng lại có thể là thực  tế, khôn ngoan và chấp nhận được:   chúng ta không phải còn có trăm việc để làm liên quan đến rao truyền Phúc Âm và sứ mạng truyền giáo ngay trong các quốc gia chúng ta, những xứ được gọi là “có truyền thống kitô giáo” hay sao? và dẫu thế nào thì trên thực tế số người kitô hữu  có thể sẵn sàng đi truyền giáo tại các nước xa xôi đa số dân chúng thuộc các tôn giáo “khác”, nay không phải đã sút giảm lắm rồi hay sao?... Chúng ta thực sự đang chứng kiến một hiện tượng xã hội mới: chúng ta giật mình nhận ra rằng các tôn giáo “khác” ấy không phải chỉ ở các vùng đất xa xôi, nhưng ở ngay giữa cộng đồng chúng ta. Đó là một trong những dữ kiện nổi bật mà qua những nhận định và phân tích các tác giả đã từng nêu lên trong tập sách nầy.

    Những dữ kiện như thế làm chúng ta bối rối. Các tín đồ các tôn giáo khác trung kiên với niềm tin và phương cách hành đạo của họ, trong lúc đó kitoâ hữu chúng ta xa dần truyền thống tôn giáo và văn hóa của chính  mình; số  người  gia nhập những tôn giáo nầy lại gia tăng, uy thế của các tôn giáo khác tôn giáo chúng ta dường như đã làm cho chúng ta ngạc nhiên không ít...; chúng ta ngỡ ngàng thắc mắc, và từ đó dễ sinh ra dè dặt nghi ngờ.  Chúng ta tự nghĩ: truyền thống tôn giáo và đạo đức của chúng ta xét cho cùng có gì đặc sắc không? Và nếu thực sự chúng ta thấy được nơi tôn giáo mình có điều đặc sắc, chúng ta có chắc là nó  tốt lành hơn hay cao trọng hơn  (chứ đừng nói là tuyệt vời!) tôn giáo  của người để rồi cảm thấy nhất thiết  phải nói đến đức tin của mình cho mọi người và nếu được thì thuyết phục ngươi ta gia nhập hay không? Chúng ta có chắc là nên đề nghị với kẻ khác điều mà người ta đã từng cảm nghiệm trong tôn giáo và cuộc sống của họ rồi hay không? và nếu chúng ta xác tín đó là  việc  nên làm, thì liệu chúng ta có thể hy vọng người ta tín phục được bao nhiêu phần: chúng ta có lượng sức mình khi đối diện với kẻ khác  không?

    Và như thế, từ việc xem rao truyền là tuyệt đối khẩn thiết phải thực thi, sau đó lại xét lại như là điều không cần thiết  (chưa kể vì những lý do chủ quan  phát sinh từ ý nghĩ riêng  hoặc trăm ngàn lối biện minh nầy khác, chúng ta như không còn muốn nhắc đến rao truyền nữa); rao truyền nay trở thành vừa tế nhị vừa quá phức tạp làm cho chúng ta cảm thấy khó khăn nếu không nói là bất cập. Tình thế xem ra bi quan, đáng tiếc; kỳ thực, không hẳn thế, ngược lại là khác; việc gần gũi với các tín đồ các tôn giáo “khác” lại là cơ may để có thể tiếp cận vấn đề rao truyền! 

*

     Chúng ta buộc lòng phải nhận ra rằng mục tiêu đầu tiên khi chúng ta đến với những người khác tôn giáo với chúng ta, những người nay sống kề cận chúng ta, không phải và không thể là rao truyền. Và nếu có muốn rao truyền đi nữa thì ta cũng không biết phải tiến hành như thế nào cho phải. Trừ phi chúng ta biết thay đổi phương pháp và thái độ tiếp cận của chúng ta, chúng ta chỉ nói lên “các sự việc”. trình bày “sự thật”, chứ không làm cho kẻ khác phải lắng nghe theo mình; chỉ nêu lên, chứ không phải cố biện minh cho người ta hiểu.

  

4. Khởi đầu bằng việc nói với nhau... 

   Nên làm gì bây giờ? - Dẫu thế nào thì người ta cũng nên gặp nhau. Và, trừ phi chả gần gũi gì với nhau cho dù có gặp, trừ phi mãi làm thinh dẫu có đi lại, thì thế nào lại không nói chuyện được với nhau. Những tài liệu mà các tác giả nêu lên ngay trong sách về các phản ứng và cách cư xử của thanh thiếu niên liên quan đến trạng huống nầy rất có ý nghĩa.

   Khi nói với nhau  và cố gắng hết mình để nói trong sự thật (en vérité ), để cuộc gặp gỡ có cơ may trở thành gặp gỡ thật, thực sự là có gặp nhau giữa đôi bên, thì tự nhiên (và cũng rất là hữu lý) người  ta sẽ đi đến việc nói về mình, mỗi người tự nói về mình cho nhau nghe. Và, nếu ta là kitô hữu, thì khi ta tự nhận mình như thế, không những chả  ai trách móc gì ta mà  còn cảm mến  nữa là khác vì ta không cố ý che giấu hoặc giở trò: trình bày sơ lược về nét đặc trưng và điểm then chốt. Nếu người đối diện tiếp nhận như thể là một khám phá, chẳng hạn như thế,  thì lại càng hay, và chính người ấy  cũng sẽ tự mình nói về tôn giáo họ cho ta nghe. Và rồi ngươi bạn của ta chắc hẳn sẽ nhận ra thực sự họ đang sống và cận kề chúng ta trong sự khác biệt của họ, họ được tiếp đón và nhìn nhận trong nét đặc trưng ấy. Những kinh nghiệm nêu lên trong sách chứng thực sự kiện đó. Về phần chúng ta,  đấy không phải là rao truyền. Vì phổ biến sứ điệp của tôn giáo mình tham gia và mình tuyên xưng với ý hướng truyền bá Phúc Âm thì khác với việc trình bày sơ lược  về đức tin của mình và nói thêm rằng  thực sự mình gắn bó với đức tin đó. Nói cách khác, dấn thân vào một công trình có mục tiêu truyền giáo nhằm đưa người tham gia tôn giáo mình thì khác với lối tiếp cận  tự  giới thiệu lý lịch một cách tối thiểu và  sơ giao. Tuy nhiên ta thấy người ta đã nói chuyện được với nhau bằng lời nói trung thực (en vérité), bằng lời của người chân thật. 

* 

   Phải chăng là quá ít ỏi, dẫu đây cũng chỉ nhằm có được một sự tiếp xúc sơ khởi, một bước đầu mà thôi? Nếu ai là người kitô hữu mà có ý nghĩ như thế thì chỉ cần nhắc họ rằng chính Ngôi Lời Thiên Chúa,  vào lúc đã định, đến nhập thể ở giữa nhân loại - hẳn nhiên là để lên tiếng nói với họ - thì đã bắt đầu làm một hài nhi (in-fans = trẻ em không nói). Và tiếp đó Ngài sống một cuộc sống lao động và cầu nguyện trong thầm lặng suốt ba mươi năm, để chỉ làm người và cho người ta nhận ra mình như một người giữa muôn người... tuy Ngài rất “khác” để có lần đã bắt đầu tỏ bày cho người ta biết (nếu lấy lại từ ngữ chúng ta vừa dùng ở trên thì theo thánh Luca câu chuyện xảy ra ở Đền Thánh lúc Ngài 12 tuổi là cơ hội để “ trình bày tối thiểu về lý lịch của Ngài”).

  

5. Đối thoại   

    Một cách chung nói và nhất là khi lên tiếng nói về mình, thì đó cũng  là đối thoại rồi , vì khi “lên tiếng  nói” thì cũng là trao lời nói cho ai và như thế là ta cũng sẵn sàng để lắng nghe. Sự kiện đó lại càng có giá trị trong lãnh vực tôn giáo. Khi ta tự giới thiệu mình là kitô hữu , dẫu đấy chỉ là vài lời ít ỏi mở đầu, thì kẻ đối diện tự nhận ra lý lịch của chính họ, và cùng lúc cảm thấy họ được mời để sẵn sàng tự giới thiệu lý lịch của họ cho ta. Bấy giờ phải ý thức rằng tiếp nhận lời nói của người nói chuyện với mình là đồng thời sẵn sàng  lắng nghe chứng tá của họ.

    Nếu chúng ta thành thực tiếp nhận, thì chứng tá của các tín đồ các tôn giáo khác mà chúng ta có thể gặp gỡ và đối thoại có thể chỉ bảo chúng ta (hoặc nhắc lại cho chúng ta), có lúc lại khiêu khích buộc chúng ta phải đặt lại vấn đề,  trong nhiều địa hạt và bằng nhiều phương cách.

    Trước hết, chứng tá nầy có thể giúp chúng ta lưu tâm đến một chiều kích thuần túy tôn giáo của cuộc sống con người, chiều kích mà nhiều người trong thế giới, có thể nói là Âu châu của chúng ta, có khuynh hướng xem như đã hết thời rồi. “Thời ánh sáng” và chủ nghĩa trần tục xuyên qua lịch sử chúng ta, và từ đó người ta cứ tưởng rằng đã giải quyết xong các vấn nạn mà Dennis Gira ở phần trên đã nhắc lại qua lối nói của Nostra Aetate: “tất cả những bí ẩn  khôn dò của thân phận con người”. Chúng ta đã từng tuyên bố một cách hân hoan rằng những vấn nạn của cõi đời u mê buồn thảm đã qua rồi..., nay chúng ta lại không ngỡ ngàng chứng kiến tình trạng chúng bỗng dưng đổ dồn lại hay sao?

    Và ngoài những chất vấn nhắc nhở chúng ta về chính vấn nạn liên quan đến con người, về thân phận và cứu cánh của chính mình, còn có những thắc mắc mà chúng ta hẳn sẽ gặp khi tiếp cận các giáo lý nhất định nào đó mà các tôn giáo khác tuyên xưng, các phong cách cư xử cụ thể mà các tín đồ đang đối thoại với chúng ta tuân giữ. Một mặt thì bên nầy nêu lên ý nghĩa của tính siêu việt nơi Thiên Chúa, bên kia lại nhấn mạnh đến ý nghĩa của trần thế rốt cuộc chỉ là phù du và phải tìm giải thoát bằng những đường lối của “tinh thần”; mặt khác  thì bên nầy chứng tá niềm tin vào  kinh nguyện thành khẩn và chay tịnh nghiêm túc, bên kia lại là yêu sách thực thi  nhân ái và đại từ bi: chúng ta có vô vàn dịp để cảm hứng, thắc mắc, đặt thành vấn đề.

    Cuối cùng, chúng ta sẽ nhận ra các định chế qui mô của các truyền thống tôn giáo lớn, lịch sử xa xưa của họ, tổ chức nội bộ với những bộ thánh kinh, những thẩm quyền và chức năng khác nhau, luật phép v.v. đầy đủ. Trước khám phá nầy, thời đại, văn hóa và xã hội chúng ta lại có thể tiếp nhận được bài học quí giá một khi tôn giáo nơi đây, nếu còn có thể có một chỗ đứng, thì hầu như chỉ được xếp vào lãnh vực  riêng tư , trong nội cung của lương tâm cá nhân mà thôi. 

* 

           Có kẻ lại thắc mắc là rao truyền sẽ thể hiện thế nào ở nơi sinh hoạt nầy?  Chúng ta thành thật nhận rằng ở đây không nhấn mạnh về rao truyền. Không phải nói vậy là buộc phải bịt miệng làm thinh và chỉ biết thụ động đồng tình trong mọi việc. Trái lại, việc quyết tâm đối thoại và sẵn sàng lắng nghe cống hiến cho chúng ta cơ hội để lên tiếng: để hỏi lại, để xin giải thích, nêu lên một điểm khó hiểu, phát biểu đồng ý, diễn tả sự bất đồng v.v. Như thế, dẫu đây không hẳn nằm trong bối cảnh thuần túy rao truyền, nhưng những phương cách đối thoại và trao đổi vừa trình bày vẫn chứng thực được chính điều ta nghĩ và ta tin; và cũng chính vì thế mà chúng ta tìm đến gặp gỡ, đối thoại. Đối thoại không minh nhiên tuyên dương sứ điệp Phúc Âm, nhưng đối thoại đã làm xuất lộ dư âm và ánh dọi chân thật của Phúc Âm. Và điều đó không phải là không đáng kể... mặc dầu còn phải cố đi xa hơn nữa .

  

6- Tự kiểm 

     Thái độ lắng nghe và đón nhận trong đối thoại, không những hàm ngụ một thắc mắc nào đó ta muốn gửi gắm cho người đối diện, mà thực sự đã thức tỉnh chúng ta, mở ra cho chúng ta chứng kiến chân trời phong phú nơi tôn giáo khác với tôn giáo chúng ta. Và còn sâu xa hơn nữa khi ta cảm nhận được rằng một cuộc gặp gỡ, đối thoại như vậy có thể giúp ta quay lại với chính mình, với truyền thống riêng và các nguồn phong phú đặc loại của chúng ta. Những ngỡ ngàng và thách đố mặc nhiên hay minh nhiên khi tiếp xúc với kẻ khác thúc bách chúng ta tự kiểm điểm; kỳ thực nếu không có cuộc gặp gỡ các tôn giáo và đối thoại, tiếp xúc với những tín đồ của họ, thì có thể chúng ta khó lòng đặt lại vấn đề của chúng ta một cách rốt ráo được .

     Chúng ta quay lại với chính mình trước hết với câu hỏi: Chúng ta có hiểu biết đầy đủvề tôn giáo của chính mình và các kho tàng của truyền thống tôn giáo chúng ta không? Trong khung cảnh xã hội Pháp, cho đến thế hệ gần đây nhất, người ta cho rằng qua lớp giáo lý thông thường cho mọi người như thế là có thể biết hầu hết mọi sự về tôn giáo. Người ta không nghĩ đến những giới hạn mình có thể học và hiểu được nơi chính lớp giáo lý đó, và người ta cũng quên rằng lúc mình học và hiểu như thế thì mình chỉ là đứa trẻ nít. Khi gặp gỡ các tôn giáo khác, ta có cơ hội nhận ra được tình trạng bất cập, mù mờ nơi kiến thức chúng ta về tôn giáo, để có thể ý thức về nhu cầu  cần đi xa hơn trong việc học hỏi về truyền thống của mình.

     Bước đường quay lại với chính mình còn sâu xa hơn nữa:  ngay trong nội dung chân thực nhất,  với cách trình bày  minh bạch nhất, nơi những người am tường nhất , tôn giáo chúng ta tự mình vẫn chưa múc cạn hết mầu nhiệm về Thiên Chúa, mặc dầu tôn giáo chúng ta chứng thực mầu nhiệm nầy; sở dĩ như thế vì tôn giáo chúng ta có tính nhân loại (đồng thời với đặc tính thần thánh). Nói thế không phải là xúc phạm đến danh dự của Thiên Chúa hay chối bỏ hiệu lực của mạc khải đâu. Trái lại, đó là tôn vinh Ngài, và theo đúng như điều Ngài đã tự mạc khải - một cách trọn đầy, chúng ta tuyên xưng như thế - trong chính tôn giáo chúng ta. Ngoài ra chúng ta cũng không thể từ chối nhìn nhận rằng  các tôn giáo khác có thể thực sự giúp chúng ta lưu tâm đến những khía cạnh của mầu nhiệm về Thiên Chúa và ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho nhân loại; những khía cạnh nầy không phải không hàm chứa trong truyền thống tôn giáo chúng ta, nhưng có thể là chưa đi vào nhận thức của các người thừa kế, là chính chúng ta đây , những người tiếp nối và mang trong mình truyền thống đó.

    Bước đường tỉnh ngộ thứ ba là cảm nhận sự thiếu sót và ngay cả tội lỗi của chúng ta. Khi nhận ra được những kho tàng phong phú của các tôn giáo khác (mặc dầu có những giới hạn thấy được nơi chúng) và khi đối chiếu với những nội dung mà chúng ta đã tuyên xưng từ lâu trong chính tôn giáo chúng ta hoặc khám phá (lại) nhân cơ hội đối thoại với các tôn giáo, chúng ta không thể không giật mình  là tại sao chúng ta có thể hững hờ hoặc sống bất tương hợp với các nội dung ấy. Chúng ta không từng có lần phạm tội biếng nhác không muốn nỗ lực suy nghĩ để đi sâu vào các điều chúng ta chỉ biết lặp đi lặp lại mà không hề áp dụng thực sự, không hề biết cập nhật  lối diễn tả làm sao cho đáng tin hơn  trong khung cảnh xã hội ngày nay hay sao? Cuộc sống của chúng ta  đã không từng có lần bất trung, đi ngược lại với chính điều chúng ta hiểu và muốn truyền bá, để rồi nó trở thành phản chứng cụ thể chống lại nỗ lực rao truyền của chúng ta hay sao? Cuối cùng, kitô hữu chúng ta đang phân chia thành từng tôn giáo khác nhau để chứng thực một Thiên Chúa duy nhất, một Chúa Kitô duy nhất và một Nước Trời duy nhất, chúng ta có lường được rằng hiện trạng phân chia nầy  thực sự là một phản chứng căn đế hay không? 

* 

   Một lần nữa vấn đề lại nêu lên: “thế thì rao truyền nằm ở đâu trong ấy?” Và cũng một lần nữa, câu trả lời là: đừng quên rằng ở đây đã có lời lên tiếng, và lời ấy không hẳn là không có tầm vóc rao truyền.

    Vì những hình thức tự cảnh tỉnh vừa nêu là “một lối nói” trước người khác  về những giới hạn và thiếu sót và ngay cả những điều mà chúng ta nhận là mình có lỗi . Và nếu lời nói nầy hẳn không phải là lời rao truyền trực tiếp về đức tin mà chúng ta tuyên xưng, thì nó cũng là một lối làm chứng thiết thực về đức tin ấy, một phương cách làm cho kẻ khác nhận ra rằng đức tin cao cả hơn điều chúng ta thể hiện trong cuộc sống của mình; lời ấy cũng nói lên tất cả lòng hối tiếc của chúng ta về mặt tiêu cực đã từng gây ra cho kẻ khác qua  lịch sử và ngay cả ngày nay  phát sinh từ những lối hiểu và sống đức tin một cách sai trật tùy mức gia trọng.

    Phương cách chúng ta nhìn nhận những giới hạn của  tôn giáo chúng ta đồng thời  vẫn tiếp tục gắn bó với tôn giáo ấy, tố giác những “ sai trật” hoặc tham lạm nhưng vẫn liên đới với giáo hội là cơ thể đã từng tự nhận là có lỗi trong lịch sử, phương cách đó là một chứng tá trước Thiên Chúa là Đấng mà chúng ta tuyên bố đặt trọn niềm tin. Vì nếu Ngài là một Thiên Chúa toàn năng và cứu độ, thì Ngài đã không hề sợ phải liên lụy với ngay cả giới hạn và tội lỗi chúng ta, và đã không tự hiến để cứu thân phận con người chúng ta bằng cách nào khác hơn là tự mặc lấy chính thân phận đó.

  

7. Và cuối cùng là rao truyền 

  Đến đây chắc phải  đi vào ngay vấn đề rao truyền!

-         Chúng ta không hề chối bỏ một nội dung nào có tính cách quyết định của đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng Trung gian duy nhất thực hiện hữu hiệu mạc khải và cứu độ của Thiên Chúa.

-         Nhưng đồng thời chúng ta cũng thực sự nhìn nhận rằng các tôn giáo trong cương vị của mình có thể hỗ trợ cho sự cứu độ của tín đồ họ.

-         Khi gặp gỡ các tín đồ tôn giáo bạn, không những chúng ta kính trọng họ, mà phải nhìn nhận họ như là những người ta tìm đến đối thoại thật sự chứ không phải chỉ là người có thể tiếp nhận sứ điệp ta rao truyền mà thôi.

-         Khi đi vào đối thoại, ta đi vào thế giới của “chúng ta”, và bắt đầu bằng việc tự trình diện lý lịch của mình, dẫu rất ngắn gọn: “tôi như thế nầy, chúng tôi như thế kia!”.

-         Và đáp lại, người đối thoại với ta cũng tự giới thiệu, và đó là dịp đễ chúng ta biết và tiếp họ, ghi nhận chứng tá của họ, học hỏi và nêu thắc mắc với họ.

-         Chúng ta còn có dịp để ý thức nhiều hơn về chính mình, khám phá kỹ hơn  những kho tàng phong phú cũng như những giới hạn của  tôn giáo mình,  để  rồi chu toàn được phận vụ tôn giáo của mình tốt đẹp hơn trong bối cảnh hiện thực của lịch sử.

   Những chứng tá kết tập trong sách nầy cho thấy sự việc không quá phức tạp và kinh khủng để phải lo âu trước khi thực hiện. Chúng ta đã chứng kiến có những cuộc đối thoại, mặt gặp mặt, đôi bên lắng nghe nhau, nhìn nhận nhau trong sự khác biệt và tương kính; và qua những cuộc đối thoại ấy đôi bên đã gặt hái nhiều thành quả.

     Nhưng rồi ta cũng muốn thêm một chuyện nữa: “chưa xong , thêm một bước nữa đi, đi vào rao truyền đi! Đợi chi nữa mà không thực hiện?” Bởi lẽ chúng ta đã cố đưa các vấn đề vào khung cảnh của một cuộc gặp gỡ thực sự như chúng ta trình bày ở phần trên, thì chúng ta vẫn giữ lập trường thái độ như thế khi đi vào công việc rao truyền để không tự mâu thuẫn với chính mình. Kỳ thực rao truyền không những không thể nào thực hiện ngoài đối thoại, mà còn hơn thế nữa nó không thể nào thực hiện bằng một cuộc đối thoại được tiên liệu trước xem như đây chỉ là một phương tiện để đạt mục đích nào khác. Rao truyền được thực hiện và luôn được thực hiện “ngay” nơi gặp gỡ, trong đối thoại và chỉ như là một cuộc đối thoại. Nhưng thực hiện như thế nào? Dựa vào những gì chúng ta đã trình bày, để trả lời chúng ta đưa ra một vài nét tiêu biểu.

    Điều trước tiên cần phân định là: những gì chúng ta rao truyền, chúng ta không lấy từ nơi những người mà chúng ta muốn thông đạt cho họ và cũng không tiếp nhận từ nơi họ. Mầu nhiệm của Chúa Kitô Đấng mạc khải và cứu độ, mầu nhiệm của Chúa Cha, Con và Thánh Thần, mầu nhiệm của Giáo hội  duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền,  chỉ do từ chính Thiên Chúa và xuyên qua Truyền thống kitô giáo chuyển đến cho chúng ta , và chúng ta biết được - chúng ta không cần nại đến những lý do (ngay cả có tính cách chiến thuật) nào để nói khác đi sự kiện   ấy.

    Nhưng khi ta (trung thực) nói lên điều đó, thì ta tức khắc phải thêm rằng mầu nhiệm không lay chuyển ấy, phải tìm mọi cách để trình bày làm sao cho người nghe ta nói tiếp nhận trong chính ngôn ngữ của họ, nghĩa là bằng phương cách họ đã từng diển tả ước muốn cứu độ và sự cứu độ, con đường tìm về Tuyệt đối và chính Đấng Tuyệt đối trong truyền thống tôn giáo của họ. Và nên lưu ý rằng đây không phải là một kỹ thuật có tính cách xã giao, lấy lòng (captatio benevolentiae): nhưng công việc trình bày như thế nằm ngay trong nội dung rao truyền, phát xuất từ  chính sứ điệp Tin Mừng. Nếu loan báo, rao truyền là nêu lên sự kiện “Thiên Chúa ở với chúng ta (để cứu chúng ta)”, thì hẳn lời rao truyền ấy phải được thực hiện và đón nhận, từ trong biến cố nầy, như một  bước gặp gỡ người nghe, nơi  thân phận của họ,  ngay tại  quê nhà họ.

     Và hẳn nhiên,  trong cương vị  kitô hữu,  chúng ta phải rao truyền rằng Thiên Chúa vì yêu thương chúng ta và để cứu  độ chúng ta mà đã làm người, lời loan báo đó quá lạ lùng, ngỡ ngàng, không quan niệm nổi ngay cả trong bối cảnh của bất cứ tôn giáo nào. Vì thế, chúng ta cần chân nhận thêm rằng khi ta kêu mời ai muốn tiếp nhận một sứ điệp như thế thì đồng thời cũng có nghĩa là kêu mời họ sống một cuộc trở lại nào đó, bước một  bước vượt  qua. 

* 

    Chúng ta sẽ ít ngỡ ngàng hơn về sự táo bạo mà chúng ta cần phải đương đầu, nếu chúng ta nhớ đến những gì đức tin dạy chúng ta khi thúc hối chúng ta lên đường rao truyền. Chúng ta đựa trên  lời nhắn nhủ ấy để kết luận, vì những chỉ dẫn nầy quyết định thái độ nền tảng của chúng ta.

    Trước hết, chúng ta cần nhớ rằng đức tin chúng ta đáng được người ta tin là do tự nơi sự thật của nó, kể cả Thánh Giá của Đức Kitô, nên không những là bất trung mà còn tính toán sai trật khi chúng ta lạm dụng tài năng của mình hoặc tùy nghi để xét xem điều gì đáng rao truyền và điều gì có thể dễ dàng quẳng bỏ.

      Tiếp đó, không thể lẫn lộn đức tin với một lối diễn tả nào đó trong thời gian nhất định và có thể sửa đổi tùy nghi. Cũng như không thể lẫn lộn cốt lõi của đức tin, nền tảng xây dựng toàn bộ cuộc sống tôn giáo, với những khía cạnh phụ thuộc mà người ta  có thể  tìm biết hoặc tiếp nhận hay không tùy vào việc  gia nhập (hay không gia nhập) vào cốt lõi nầy.

      Ngoài ra, cũng đừng quên rằng Thánh Thần Thiên Chúa có thể đã tác động những người đối thoại với chúng ta. Và công việc đó xảy ra ngay trong cuộc sống tôn giáo riêng của họ, vì các tôn giáo có thể hỗ trợ thiết thực cho các tín đồ của mình trên bước đường tìm kiếm chân lý và sự cứu độ. Do đó ta có thể tin được rằng chính Thiên Chúa duy nhất, Đấng thúc đẩy chúng ta lên tiếng nói với người đối diện, thì cũng chính Ngài có thể đã nói trong tâm hồn họ rồi.

     Cuối cùng, chúng ta nhất thiết không được quên rằng không phải phận vụ chúng ta để quyết định hay tiên liệu kết quả thực sự về công cuộc rao truyền, và chúng ta cũng không nên quá lo lắng về việc nầy (và ai quá lo thì có thể nghiệm thấy ngay!). Hẳn nhiên chúng ta khó mà dửng dưng vô tư. Nhưng bởi vì việc chúng ta hết mình làm chứng vốn là điều chính yếu. Còn lại trước hết là phần của Chúa, Đấng đã sai ta đi và ban cho ta ân huệ của Ngài, và tiếp đó là phần của người mà ta gặp gỡ đối thoại trong tự do tối thượng của chính họ.                                                                                 

_________________ 

Chú thích:

* Le christianisme vis-à-vis des religions  (sous la direction de Joseph Doré), Publications de l’Académie internationale des Sciences religieuses.   ARTEL

Tác giả: Gs. Nguyễn Đăng Trúc

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!