THIÊN CHÚA ĐÃ HÓA THÂN THÀNH TRẺ THƠ ĐỂ CHÚNG TA CÓ THỂ HIỂU ĐƯỢC NGÀI (BÀI GIẢNG CỦA ĐTC BÊNÊĐÍCTÔ XVI TRONG THÁNH LỄ NỬA ĐÊM 2006)
Trần Mỹ Duyệt
chuyển ngữ
“Ngài đã trở
nên một trẻ thơ, để Ngôi Lời có thể được chúng ta nắm bắt. Bằng cách này, Thiên
Chúa dạy chúng ta yêu thương những người bé mọn… Ngài dạy chúng ta yêu những ai
yếu đuối.” Trong bài giảng dưới đây, Đức Thánh Cha đã lưu tâm đến những trẻ em
bị lạm dụng, xâm phạm, bao gồm những thai nhi bị giết hại, cũng như những ai bị
xúc phạm vì nghèo khó. Ngài kêu gọi chúng ta nhớ đến những món quà mà chúng ta
cần phải có cho những người nghèo trong Mùa Giáng Sinh.
Anh Chị Em
thân mến,
Chúng ta vừa
nghe trong Phúc Âm sứ điệp được loan báo từ các thiên thần cho các mục đồng
trong Đêm Thánh đó, một sứ điệp mà Giáo Hội giờ đây cũng muốn loan báo cho tất
cả chúng ta: “Hôm nay, một Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành vua
Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em
sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lk 2:11-12).
Không gì kỳ diệu, không gì phi thường, không gì vỹ đại đã được ban cho các mục
đồng làm dấu chỉ. Tất cả những gì họ thấy chỉ là một em bé được quấn trong
những tấm vải thô, một trẻ thơ như bao trẻ thơ khác cần sự săn sóc của người
mẹ. Một đứa trẻ được sinh ra trong máng cỏ, và vì thế, được đặt nằm trong máng
cỏ thay vì một chiếc nôi. Dấu hiệu của Thiên Chúa là một trẻ thơ cần được giúp
đỡ, và trong cảnh nghèo khó. Chỉ trong tâm hồn mà các mục đồng mới có thể nhìn
ra rằng, trẻ sơ sinh này hoàn tất lời hứa của tiên tri Isaiah mà chúng ta vừa
nghe trong bài đọc thứ I: “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã
được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai” (Is 9:5).
Một dấu chính xác cũng đã được ban cho chúng ta. Cả chúng ta cũng được các
thiên thần của Thiên Chúa mời gọi, qua thông điệp của Phúc Âm, mở rộng tâm hồn
mình để nhìn vào hài nhi đang nằm trong máng cỏ.
Dấu hiệu của
Thiên Chúa thì đơn sơ. Dấu hiệu của Thiên Chúa là một em nhỏ sơ sinh. Dấu hiệu
của Thiên Chúa là Ngài đã biến chính mình thành nhỏ bé cho chúng ta. Đó là cách
thức mà Ngài cai trị. Ngài không đến với quyền lực và chói ngời vinh quang.
Ngài đến như một em bé – yếu đuối và cần sự giúp đỡ của chúng ta. Ngài không
muốn chiếm đoán chúng ta bằng sức mạnh của Ngài. Ngài không làm chúng ta hoảng
sợ vì sự cao cả của Ngài. Ngài xin chúng ta tình yêu: nhờ đó Ngài biến chính
mình thành một trẻ thơ. Ngài không muốn gì ngoài tình yêu của chúng ta, qua đó
chúng ta một cách tự nguyện học để tiến vào những tình cảm của Ngài, những tư
tưởng của Ngài và ý muốn của Ngài – chúng ta học để sống với Ngài và thực
hành với Ngài sự từ bỏ và khiêm nhường mà nó thuộc về bản chất của tình yêu. Thiên
Chúa biến chính mình thành nhỏ bé để chúng ta có thể hiểu được Ngài, đón nhận
Ngài, và yêu mến Ngài. Các Giáo Phụ của Giáo Hội, qua bản dịch tiếng Hy Lạp
trong Cựu Ước, đã tìm thấy một đoạn trong tiên tri Isaiah mà Thánh Phaolô đã
trích dẫn để chỉ ra những con đường mới của Thiên Chúa đã được nói đến trong
Cựu Ước như thế nào. Ở đó chúng ta đọc thấy: Thiên Chúa đã làm cho Lời ngài trở
nên rõ ràng, Ngài đã viết tắt nó” (Is 10:23; Rom 9:28).
Các Giáo Phụ đã dịch nghĩa của câu này bằng hai cách. Chúa Con chính mình là
Lời, Logos; Lời từ muôn thuở (eternal Word) đã trở nên bé nhỏ – bé
nhỏ vừa đủ trong một máng cỏ. Ngài đã trở nên một con trẻ, để nhờ đó Ngôi Lời
có thể được chúng ta nắm bắt. Bằng cách này Thiên Chúa dạy chúng ta phải yêu
thương những ai bé mọn. Bằng cách này, Ngài dạy chúng ta yêu thương những người
yếu đuối. Bằng cách này, Ngài dạy chúng ta tôn trọng những trẻ em. Con trẻ của
Bethlehem hướng dẫn tầm nhìn của chúng ta đến với tất cả các em nhỏ, những trẻ
em đau khổ và bị lạm dụng trong thế giới, được sinh ra cũng như bị phá bỏ. Đến
với những trẻ em đang bị bắt làm những chiến binh trong một thế giới bạo loạn,
những trẻ em đang phải ăn xin, những trẻ em phải đau khổ cực nhọc, và đói khát.
Và đến với những trẻ em không được yêu thương. Trong tất cả những em này là Con
Trẻ của Bethlehem, Đấng đang kêu đến chúng ta. Là Thiên Chúa, Đấng đã trở nên
bé nhỏ đang van xin chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin để đêm nay, sự chiếu sáng
của tình yêu Thiên Chúa có thể bao trùm tất cả những em này. Chúng ta hãy xin
Thiên Chúa giúp chúng ta hoàn tất phần của mình, để nhờ đó, phẩm giá của các em
được tôn trọng. Chớ gì tất cả được cảm nghiệm ánh sáng của tình yêu, điều mà
nhân loại đang cần hơn những nhu cầu vật chất của đời sống.
Và từ đó, chúng
ta tiến đến ý nghĩa thứ hai mà các Giáo Phụ đã nhận ra trong câu: “Thiên Chúa
đã làm Lời ngài rõ ràng”. Ngôi Lời mà Thiên Chúa nói với chúng ta trong Sách
Thánh đã trở thành xa xôi trong dòng chảy của các thế kỷ. Nó trở nên xa lạ và
phức tạp, không chỉ đối với những người đơn sơ và dốt nát. Nhưng hơn thế nữa,
những câu được trích dẫn trong Sách Thánh, ngay cả đối với những nhà chuyên
môn, những người này một cách rõ ràng, cũng bị vướng mắc vào những chi tiết và
trong những vấn nạn dẫn tới việc hầu như làm mất đi toàn bộ viễn cảnh. Chúa
Giêsu, Ngôi Lời “được viết tắt” - Ngài đã chỉ cho chúng ta một lần nữa sự đơn
sơ và thuần khiết sâu thẳm hơn. Tất cả những gì được dạy trong Luật và các Tiên
Tri đã được thu tóm lại – Ngài nói – trong một lệnh truyền: “Ngươi hãy yêu mến
Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi… Ngươi
hãy yêu thương cận thân ngươi như chính mình ngươi” (Mt 22:37-40).
Điều này là tất cả - toàn bộ đức tin bao gồm trong một hành động yêu thương
này, hành động ôm choàng Thiên Chúa và nhân loại.
Đúng vậy, giờ
đây những câu hỏi xa hơn được nêu lên: Làm cách nào mà chúng ta có thể yêu mến
Thiên Chúa với hết trái tim và linh hồn, khi mà trái tim chúng ta chỉ có thể
bắt gặp một cái nhìn thoáng qua của Ngài từ xa. Khi mà có quá nhiều những chống
đối trên thế giới khiến có thể che dấu khuôn mặt của Ngài khỏi chúng ta? Đó là
ở đó hai con đường trong đó Thiên Chúa đã “viết tắt” Ngôi Lời của Ngài hội tụ
nhau. Ngài không còn ở xa nữa. Ngài không còn không được biết tới nưa. Ngài
không còn ở ngoài tầm với của con tim chúng ta. Ngài đã trở nên một em bé cho
chúng ta, và làm như thế, Ngài đã loại bỏ mọi nghi vấn. Ngài đã trở nên hàng
xóm của chúng ta, tái thiết lập bằng cách này hình ảnh của con người, hình ảnh
mà thường xuyên chúng ta cảm thấy khó lòng để yêu mến. Đối với chúng ta, Thiên
Chúa đã trở nên một tặng vật. Ngài đã trao tặng chính Ngài. Ngài đã đi vào thời
gian vì chúng ta. Ngài, Đấng là Đời Đời, ở trên thời gian, Ngài đã giả định
thời gian của chúng ta và nâng nó lên với chính Ngài ở nơi cao sang. Lễ Giáng
Sinh đã trở thành một Lễ của những tặng vật trong hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng
đã ban chính mình cho chúng ta. Chúng ta hãy để trái tim mình, linh hồn mình,
và trí khôn mình được đụng chạm bằng thực tế này! Giữa muôn vàn tặng vật mà
chúng ta mua và nhận được, chúng ta đừng quên tặng vật thật: cho nhau một cái
gì của chính chúng ta, cho nhau thời gian của chúng ta, để mở thời gian của
chúng ta đối với Thiên Chúa. Bằng cách này, nỗi sợ hãi biến mất, vui mừng được
sinh ra, và thánh lễ được thiết lập. Trong những bữa ăn tiệc tùng của những
ngày này, chúng ta hãy nhớ lại những lời của Chúa: “Khi nào ông đãi khách ăn
trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu
có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi, nhưng hãy mời
những người mà họ không đáp lễ các ông được” (cf. Lk 14:12-14).
Điều này cũng có nghĩa là: khi chúng ta trao tặng quà vào dịp Giáng Sinh, không
chỉ cho những ai mà họ sẽ cho lại mình, nhưng cho những ai mà họ không có gì
cho lại mình. Đây là những gì mà Thiên Chúa đã làm: Ngài mời gọi chúng ta đến
với tiệc cưới của Ngài, một cái gì đó mà chúng ta không thể đáp trả lại, nhưng
chỉ lãnh nhận với niềm vui. Chúng ta hãy bắt chước Ngài! Chúng ta hãy yêu mến
Thiên Chúa và bắt đầu từ Ngài, chúng ta hãy yêu thương con người, để cũng bắt
đầu từ con người, chúng ta có thể tái khám phá Thiên Chúa bằng một cách thức
mới mẻ!
Cuối cùng,
chúng ta tìm ra ý nghĩa thứ ba trong câu nói rằng Ngôi Lời trở thành “rõ ràng”
và “nhỏ bé”. Các mục đồng được cho biết rằng họ sẽ tìm thấy một hài nhi trong
máng ăn của súc vật, Đấng có quyền chiếm hữu cả một cái chuồng. Đọc Isaiah
(1:3), các Giáo Phụ kết luận rằng bên ngoài máng cỏ Bethlehem, còn đứng đó một
con bò và một con lừa. Cùng lúc, các ngài đã giải thích đoạn văn này như dấu
hiệu của Dân Do Thái và dân ngoại – và vì tất cả là con người – những con người
trong một cách thức riêng mình có nhu cầu về một Đấng Cứu Độ: Thiên Chúa đã
biến thành một trẻ thơ. Con người, để sống cần có bánh, hoa quả trên trái đất
và nhờ lao công của mình. Nhưng nó không sống nguyên bởi bánh. Nó cần được nuôi
dưỡng cho linh hồn của mình: nó cần một ý nghĩa có thể no thỏa đời sống của
mình. Vì thế, đối với các Giáo Phụ, máng cỏ của loài vật trở thành dấu hiệu của
bàn thờ, trên đó có Bánh cũng là chính Chúa Kitô: thức ăn thật của tâm hồn
chúng ta. Một lần nữa, chúng ta nhìn thấy Ngài đã trở nên nhỏ bé như thế nào:
trong sự xuất hiện khiêm nhường của bánh thánh, trong tấm bánh nhỏ bé, Ngài
trao chính mình Ngài cho chúng ta.
Tất cả những
điều này được hàm chứa bằng một dấu chỉ đã được ban cho các mục đồng và cũng
được ban cho chúng ta: một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, hài nhi trong Ngài,
Thiên Chúa đã trở nên nhỏ bé cho chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng
ta ơn nhìn vào chiếc nôi đêm nay với sự đơn sơ của các mục đồng, nhờ đó để đón
nhận niềm vui mà với niềm vui này họ đã trở về nhà (cf. Lk 2:20).
Chúng ta hãy xin Ngài cho chúng ta đức khiêm nhường và đức tin với những nhân
đức này Thánh Giuse đã nhìn ngắm hài nhi mà Đức Maria đã thụ thai bởi Chúa
Thánh Thần. Chúng ta hãy xin Chúa cho phép chúng ta nhìn ngắm Ngài với cùng một
lòng mến như Đức Maria đã nhìn Ngài. Và chúng ta hãy cầu xin rằng trong cùng
cách này ánh sáng mà các mục đồng đã nhìn thấy sẽ chiếu sáng trên chúng ta nữa,
và rằng những gì các thiên thần đã hát trong đêm đó sẽ được thành tựu trên toàn
thế giới: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao thẳm, và bình an dưới thế cho
người Chúa thương.” Amen!
_________
Nguồn: https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/homilies/2006/documents/hf_ben-xvi_hom_20061224_christmas.html
Tác giả:
Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt
|