Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Phạm Minh-Tâm
Bài Viết Của
Phạm Minh-Tâm
Bình-an trong sự thật
Phép lạ Mùa Vọng
Thái-quá và bất-cập
Phong-kiến tâm-linh
PHONG-KIẾN TÂM-LINH

  

Khi nhận-định về ảnh-hưởng của tôn-giáo trong sinh-hoạt tư-tưởng của con người, Karl Marx đã phê-phán rằng tôn-giáo chính là một thứ “ma-túy” làm mê-hoặc nhân-tâm hoặc làï “tiếng thở dài của thân-phận bị áp-bức”. Điều này có nghĩa là tôn-giáo bị lên án như là một tác-nhân gây băng-hoại sự thăng-tiến trong nhận-thức con người, như một cách-thế ru ngủ nhân-loại. Lối nhận-xét này sẽ chỉ có tác-dụng như một lời phiếm-luận mà ai cũng biết là để tuyên-truyền cho chủ-trương vô-thần khi đứng trên căn-bản nhận-thức từ giá-trị nguyên-ủy của các tôn-giáo. Thế nhưng nếu nhìn vào một vài khía cạnh mà khi tôn-giáo đã bị con người lạm-dụng để củng-cố quyền-lực và vinh-danh thân-phận mình thì lối định-nghĩa trên của Karl Marx cũng có phần đúng; song cái đúng ở đây không phải do ở bản-chất minh-nhiên của tôn-giáo đã có điều bất ổn khiến người ta có thể uốn nắn những nguyên-tắc đạo-đức thành ý-niệm méo mó như trên, mà đúng ở đây là vì những kẻ thừa-hành chức-năng rao truyền chân-lý hay hoằng-dương đạo pháp đã sai đường, lạc lối để "nên cớ cho người vấp phạm".
Tôn-giáo nào đến giữa đời cũng đều là để giúp con người tìm ra lẽ tự-thân của mình trong tư-thế của một tạo-vật tự-do và độc-lập để quyết-định cho mình một hướng sống phù-hợp nhu-cầu tâm-linh hướng-thượng. Có điều cái cách-thế độc-lập tự-do này không bao hàm ý-nghĩa về một sự tách rời đơn độc mà cần phải có sự liên-đới và hòa-đồng giữa những người cùng chung một ý-thức tôn-giáo khi niềm tin đã trưởng-thành. Các giáo-hội vì vậy ngay từ buổi đầu đã hình-thành những cơ-chế và rồi dần dần được hệ-thống-hóa trong chủ-trương giúp nhau, dẫn giắt nhau, hợp sức cùng nhau xây-dựng một thế giới tốt-đẹp như tâm-nguyện của các bậc giáo-chủ cao-minh đã vì đời mà dâng hiến.

            Song le, thế-gian là một cõi ta-bà nên lòng người với ý trời càng ngày càng nghịch biến và đến bây giờ thì hầu như tôn-giáo nào cũng bị lâm nạn. Đó là cái nạn bị chính những môn-đồ của mình mưu hại bằng những cái cực-đoan, lạm-dụng quyền-bính quá độ rồi từ đó dẫn đến những ngộ-nhận  xuyên qua một số kẽ hở trong cơ-chế vì, cơ-chế nào – ngay cả cơ-chế tôn-giáo – cũng có những kẽ hở để con cái thế-gian như loài rắn đêm nguy-hiểm ẩn mình, để luồn lách bằng đủ mọi chiều kích của cái tính xác thịt, tính thế-gian. Những cái “tính” này cùng một lúc được kết-hợp với “năng quyền đã được ủy-thác” bị cố ý để trong nghĩa mập-mờ thì chúng sẽ trở thành tác-phong của kẻ thống-trị chứ không còn là hành-sự của thừa-tác-viên Hội-thánh và nhất là chiến-sĩ Nước Trời nữa. Đạo không xa người, nhưng chính người bỏ xa đạo là vì thế; xa đến độ không định-vị nổi tự-thân mình đang ở đâu và đang làm gì nữa mới là khốn khó cho Giáo-hội và cho chính Đức Ki-tô.

          Trong chế-độ phong-kiến xa xưa, vua được tôn là thiên-tử, là đấng cửu ngũ chí-tôn lãnh mệnh trời để cai trị bàn dân thiên-hạ. Rồi cũng từ cái thế được làm “con trời “ này mà phát-sinh nhiều tội lụy và oan-khiên kiểu thuận ta thì sống mà nghịch ta thì nếu không chết cũng bị kết tội loạn-thần, cho nên người ta vội ngừng ngay ở ý-niệm này để lúp-xúp tung-hô vạn tuế cả minh-quân lẫn hôn-quân cho yên việc. Mà theo thói thường tự cổ chí kim thì minh-quân quá hiếm khi so với lượng số hôn-quân, bạo chúa trong đời cho nên nhìn đâu cũng chỉ thấy uy-lực và quyền hạn của “con trời” mà không mấy ai dám luận về sự hiểu biết trách-nhiệm làm con của trời thì cũng phải làm theo ý trời muốn là “dân vi quý, xã-tắc thứ chi, quân vi khinh”. Không những thế, cái bóng quyền-lực này còn tỏa lan đến một hệ-thống cơ-chế “ăn theo” rộng rãi để khuynh-loát xã-hội đến độ thất điên bát đảo vì những hành-vi vô-đạo, vô-pháp, của những cá-nhân vô kỷ, vô cương mà vẫn hống-hách dạy đời theo kiểu ta đây là dân chi phụ-mẫu mà theo quan-niệm của Nho giáo thì đó là những kẻ tiểu-nhân. Ngược lại với  những kẻ tiểu-nhân này là người quân-tử, đầu đội trời, chân đạp đất để sống bình-hoà, trung chính. “Quân-tử trung-dung, tiểu-nhân phản trung-dung. Quân-tử chi trung-dung giã, quân-tử nhi thời trung; tiểu-nhân chi  phản trung-dung giã, tiểu-nhân nhi vô-kỵ  đạn giã” (Trung-dung – Hữu đệ nhị chương); nghĩa là bậc quân-tử là những người có đạo-đức thì giữ được đức trung-dung. Còn kẻ tiểu-nhân là hạng kém đạo-đức thì trái với đức trung-dung. Người quân-tử giữ được đức trung-dung là bất kỳ giờ phút nào cũng giữ gìn được cái tâm chính-trực, không bị hoàn-cảnh lôi kéo làm cho lệch-lạc, nghiêng ghé; còn kẻ tiểu-nhân đi ngược lại với đức trung-dung nên tâm địa khuất-tất, lòng tư-dục mạnh hơn nhân-cách nên không màng tới tu-đạo mà chỉ mê chạy theo ngoại giới  thành ra chẳûng còn biết kiêng dè, sợ-sệt chi cả.

Khi xưa Đức Ki-tô thường dùng dụ-ngôn để giảng dạy và đám đông theo Người đã bị ý nghĩa của những dụ-ngôn đó lôi kéo càng ngày càng thêm số để chúng ta có một Hội-thánh đông đảo như hiện tại. Ngày nay, phần lớn những dụ-ngôn đó hình như đã bị người ta cho rằng chỉ còn giá-trị của loại truyện cổ-tích không hay lắm hay sao mà ít khi được các thầy giảng đem ra dẫn chứng hay phân-tích tỉ-mỉ mà thay vào đó là những chuyện tình, chuyện phim hay tiểu-thuyết với đầy đủ từng khía cạnh tâm-lý của mỗi nhân-vật.

Chẳng hạn dụ-ngôn về những nén bạc (Mt 25, 14-30: Lc 19, 11-27) thường khi đã chỉ được diễn-giải xuôi chiều kiểu hơi khoe khoang, tự mãn để người nghe phải suy ra như đấy chính là giấy chứng nhận khả-năng, đức-độ và quyền-hạn của những người được trao nhận mà không được thấy nhấn mạnh rằng đấy chính là những số lượng yêu-sách mà Chúa đòi phải được đáp trả đúng với sứ-vụ của Người đã giao cho. Ý nghĩa của việc làm cho các nén bạc sinh lời thật là tự-nhiên, dễ suy dễ luận nhưng lại cũng rất khó cho người đứng giảng dạy phải phân-tích và minh-chứng kết quả lời lãi qua việc thực-thi nếp sống tu-đức và đạo-hạnh hàng ngày của cả người nói lẫn người nghe. Thành ra người ta bỏ qua các dụ-ngôn hơi nhiều là vì vậy; bởi vì nếu nói phớt qua thì chỉ là sự lập lại thừa-thãi hoặc giải-thích sơ sài những ý nghĩa quá hàm súc, mà nói vào nội-dung thì phiền quá, vừa phải suy-nghĩ vừa dễ đụng chạm mà có khi còn là điều nhức-nhối cho chính cả người nói nữa.

Ngày xưa, sự uý kỵ mạnh nhất là đụng chạm đến ngôi vị thiên-tử. Từ một tứ thơ ngâm vịnh của kẻ sĩ hào-sảng nào đó đến một câu văn hay một điển-cố được nêu ra trong quyển thi, các sĩ-tử cũng phải cân nhắc để tránh bị suy diễn và bị kết tội  xúc-phạm đến chính đấng thiên-tử chí-tôn hoặc bất cứ những gì có liên-đới với quyền uy này. Tội danh nặng nhất bị cột buộc là mưu phản hoặc khi quân phạm-thượng. Ngày nay, con người đã trưởng-thành nhiều trong ý-thức về quyền-lực cai-trị cũng như vị-thế của những người lãnh-đạo cho nên các tội danh kiểu như vậy không còn nữa. Chẳng hạn cho dù có là vị tổng-thống một nước mạnh như Bill Clinton mà làm bậy cũng vẫn bị dân chúng chỉ-trích, phê-bình thẳng mặt và còn bị đàn-hặc hoặc chất-vấn nữa. Có tinh-thần dân-chủ như vậy thì nhân-quyền mới được tôn-trọng, cá-nhân người lãnh-đạo mới biết tự-chế để tránh lạm-dụng tước quyền mà lộng-hành, độc-đoán và đất nước mới đỡ được nạn thối nát, độc-tài để nhờ vậy mà uy-quyền quốc-gia có giá-trị và được tôn-trọng. Và vậy là kể như một thời phong-kiến đã qua, đỡ cho bao nhiêu người khỏi mắc vạ oan-khiên để yên thân làm một người công-dân tự-do.

Thế nhưng với những người công-dân tự-do Ki-tô hữu thì họ lại còn có thêm một vị-thế nữa là làm công-dân Nước Trời nên cũng phải liên-đới trong trách-nhiệm ngôn-sứ thiêng-liêng để như hai thánh Tông-đồ Phê-rô và Gio-an đã tuyên-bố với thượng-hội-đồng Sanhédrin của Do-thái rằng “Chúng tôi không thể làm gì khác hơn là chỉ nói về những gì đã thấy và đã nghe” (Tông-đồ Công-vụ 4, 20). Và sứ-vụ không-thể-làm-gì-khác-hơn-được  này sau hai ngàn năm vẫn còn phải tiếp-tục như lời Đức Giáo-hoàng Gio-an Phao-lô II trong Thông-điệp Ngày Truyền-thông Thế-giới lần thứ 34:“Dĩ nhiên, cục-diện và hoàn cảnh đã thay đổi một cách phi-thường trong hai ngàn năm qua. Thế nhưng nhu cầu rao giảng về Đức Ki-tô vẫn tồn-tại. Bổn phận chúng ta làm chứng tá cho sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-su và làm chứng cho sự hiện diện cứu rỗi của Người trong chính bản thân chúng ta. Đây là một bổn phận thực và khẩn thiết giống như bổn-phận của các môn-đệ đầu tiên của Chúa vậy” và thông-diệp kết-luận bằng một lời chúc những người đang sinh-hoạt trong lãnh-vực truyền-thông là  “Ước nguyện Thiên-Chúa chúc lành muôn ơn của Người trên hết thảy những ai  tôn-vinh và loan truyền Con Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, trong thế-giới mênh mông của các phương tiện truyền thông đại chúng” (Thông-điệp Ngày Truyền Thông Thế-giới kỳ thứ 34).

Thực ra không phải đến bây giờ Giáo-hội mới đặt nặng vai-trò của truyền-thông trong việc rao giảng Tin Mừng. Trước đây gần nửa thế-kỷ, Công-đồng Vatican đã chinh-thức  côïng-nhận vai-trò, trách-nhiệm và hiệu-năng của ngành này bằng Sắc-lệnh về các phương-tiện truyền-thông xã-hội . Tuy nhiên hình như Sắc-lệnh này còn rất xa-lạ với Giáo-hội Việt-Nam, cho nên đa-số giáo-sĩ và tu-sĩ vẫn còn mang não-trạng thiếu cởi mở với những cơ-quan truyền-thông do giáo-dân phụ-trách. Mà nếu có thì sẽ bị mắc vạ từ tám hướng đưa hơi độc về tội danh “chống cha, chống Giáo-hội và chống Chúa” nếu như có chút nhận-định nào đó gây đụng chạm đến các vị có chức thánh. Đấy chính là cách kết tội kiểu bá-quyền, giống như những hôn-quân, bạo-chúa xưa kia cả đời ngồi trên ngôi thiên-hạ chí-tôn chỉ đọc một câu sách trị nước cắt đầu, bỏ đuôi là “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” mà không đọc những câu khác như “quân quân, thần thần” để làm vua cho ra cách làm vua. Có điều chẳng hiểu từ lúc nào và dựa trên cơ-sở gì mà cứ mỗi khi có một tiếng nói trung-thực nào đó được gióng lên về những chuyện chằng nên của từng cá-nhân linh-mục, tu-sĩ là bị ghép ngay vào cái tội “chống cha, chống Giáo-hội và chống Chúa”. Ba danh-xưng này không thể tách rời nhau vì một mối giây thiêng-liêng ràng buộc để thành một chữ “đạo” đẹp nét; nhưng nếu đem giản-lược cả ba lại thành một thực-tại bất-khả xâm-phạm thì rất ư là không ổn, không đúng tín-lý cũng như không có nguyên-tắc ăn theo như vậy bao giờ. Vả chăng, ai cũng hiểu rằng giữa thiên-chức linh-mục và người đang mang thiên-chức đó có sự tách-biệt rõ ràng.  Không ai phủ-nhận ý-nghĩa cũng như giá-trị của chức linh-mục, song ý-nghĩa và giá-trị này sẽ không bị đồng-hoá với  cá-tính hay nhân-cách của những người mang chức thánh này. Cho nên khi một bài báo lên tiếng phê-bình hay nhận xét về hành-sự của linh-mục nào thì chỉ có nghĩa là người viết muốn nói thẳng rằng cá-nhân ông linh-mục đó đã bất xứng với thiên-chức đang mang. Đồng thời để bảo toàn sự đáng tôn đáng quý của chức thánh này mà không thể làm ngơ để cho từng cá-nhân bất xứng hay lầm lạc làm “ố danh sự đạo và chức linh-mục”. Thành ra những luận-điệu cứ gom hết mọi sự vào một mối tội chống linh-mục, chống giáo-sĩ mà không minh-xác là linh-mục nào, giáo-sĩ nào với những hành-sự ra sao thì  thật tình không khác chi tác-phong của những hôn-quân, bạo-chúa thời phong-kiến có quyền “xuất-nhập nhân tội” hay“gắp lửa bỏ bàn tay” bất kỳ kẻ nào nói chạm đến mình.

Trong lời mời mở đầu Thông-điệp Ngày Truyền-Thông Thế-giới lần thứ 34, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã nói về sứ-vụ và ơn gọi làm truyền-thông là “Loan báo Chúa Ki-tô qua truyền-thông ngay từ buổi bình-minh của Thiên-niên mới. Đây là  lời mời gọi chúng ta nhìn về tương-lai đối-diện với những thách-đố mới, cũng như nhìn về quá-khứ trong buổi bình-minh của chính Ki-tô giáo chúng ta để tìm ra ánh sáng và sự can-đảm mà chúng ta cần đến. (Thông-điệp ngày Truyền-thông Thế-giới). Sự can-đảm này đối với Giáo-hội Việt-Nam phải chăng là phải thay đổi được não-trạng độc tôn hạn hẹp của phần lớn giáo-sĩ, tu-sĩ chỉ muốn giáo dân lúc nào cũng là những con cừu đần độn dễ bảo, dễ sai  cũng như mặc-cảm “phạm tội” sai trái của đa số tín-hữu thụ-động cứ nghĩ rằng giữ đạo tốt là “lạy cha” cho nhiều, cứ nghe cha mọi đàng là ngoan đạo mà quên rằng “cha” thì cũng là huynh-đệ của mình trong đoàn lữ-hành đức tin và cũng cần phải tỉnh-thức từng giây từng phút để thăng-tiến tâm-linh và trui rèn tu-đức. Giáo dân cũng phải có trách-nhiệm liên-đới với giáo-sĩ, tu-sĩ vì cùng chia-sẻ một nhiệm-vụ làm ngôn-sứ, cùng nhau ra khơi như Đức Ki-tô hằng mong muốn. Trong Hội-thánh Chúa, không có giai-cấp thống-trị  và cũng không có thành-phần bị trị mà là một cộng-đồng hiệp-thông trong ơn soi dẫn của Thánh-linh để mọi con cái Người vì đời mà dấn-thân và phục-vụ tuỳ vào những nén bạc đã nhận để làm sao chúng sinh được nhiều lợi ích.

Tác giả: Phạm Minh-Tâm

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!